Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


[Review] Cooler Master Masterkeys Pro - Bàn phím cơ RGB Cherry MX rẻ nhất!

jello
9/4/2016 1:58Phản hồi: 5
[Review] Cooler Master Masterkeys Pro - Bàn phím cơ RGB Cherry MX rẻ nhất!
Cooler Master đã từng nhá hàng chiếc Masterkeys Pro tại sự kiện CES 2016 nhưng hãng chẳng hề quảng cáo rùm beng gì cả, cho đến tận gần đây thì 2 anh em nhà Masterkeys là Pro S và Pro L mới xuất hiện chính thức. Rất may mắn mình đã tranh thủ sờ mó được em chân dài trong hai anh em nhà này, sau đây sẽ là chương trình mở hộp và đánh giá chi tiết chiếc Masterkeys Pro L với led RGB để xem liệu Cooler Master có làm thỏa mãn được người dùng hay không.




5. TỔNG KẾT ƯU/ NHƯỢC - MỨC GIÁ - ĐỐI THỦ

1. MỞ HỘP


Và đây, người đẹp ngủ trong hộp của chúng ta đã nằm chành ành trước mặt chờ đợi được khám phá.



Vỏ hộp khá cơ bản, không có gì đột phá hay khác biệt so với mọi khi ngoài việc hình chiếc bàn phím với sắc mầu cầu vồng được in chính diện. Chúng ta cũng không thể tìm thấy logo CM Storm như các phiên bản trước nữa, chỉ còn đúng logo Cooler Master Make It Yours. Phiên bản này sử dụng switch Cherry MX Red với clear top housing, khá giống thiế kế switch của series Corsair RGB gần đây nhưng hứa hẹn sẽ đem lại đèn led bá đạo hơn. Ngoài ra thì Masterkeys cũng có các phiên bản switch brown và blue.





Bên trong hộp không có gì nhiều, Cooler Master tặng kèm cho chúng ta một chiếc keypuller dạng dây thép, keypuller này sẽ làm giảm hiện tượng xước bề mặt keycap khi sử dụng nhưng lại bất tiện hơn khi người dùng phải mất nhiều thời gian hơn so với keypuller dạng Ring và cũng không thể kéo được phím dài ngoại cỡ như spacebar. Ngoài ra không thể thiếu là cọng cáp micro USB bọc vải khá cứng cáp được mạ vàng 2 đầu.

Quảng cáo







2. THIẾT KẾ - CHẤT LIỆU



Ngắm nhìn tổng thể nhân vật chính của chúng ta thì người dùng có thể dễ dàng nhận thấy Cooler Master lần này sử dụng phong cách tối giản cho 2 mẫu bàn phím của mình. Không có đường cong uốn lượn nào, không có logo hay đèn num lock/ capslock phá hỏng sự liền mạch, cũng không có phím media riêng biệt hay bất kì cổng cắm mở rộng nào như USB hay tai nghe. Nhìn lướt qua thì người dùng có thể dễ dàng nhầm lẫn chiếc Masterkeys Pro với các mẫu bàn phím của Filco hay Leopold với phong cách đơn giản của nó. Tất cả trước mặt bạn chỉ là chiếc bàn phím, không hoa lá cành, không phá cách, đơn giản và hiệu quả là điều mà Cooler Master chú trọng.


Quảng cáo


Layout của Masterkeys Pro L (Large) là dạng fullsize 104 keys với 4 phím phụ nằm ngay trên cụm numpad để chuyển Profile, phiên bản Pro S (Small) – tức TKL, bỏ đi cụm numpad và bỏ cả 4 nút đổi Profile luôn, những nút này trên bản Pro S sẽ tích hợp cùng phím thường và kích hoạt bằng nút Fn.

Pro L với numpad và 4 phím Profile


Pro S tích hợp 4 phím Profile vào 1-2-3-4


Cái mình thích về thiết kế của Masterkeys Pro là việc Cooler Master sử dụng thiết kế hết sức cơ bản và phổ thông với layout US phím backspace dài, enter dài, space bar cũng là spacebar chuẩn 6.25x unit chơi được keycap phổ thông chứ không phải dạng dài 6.5x như mấy em Quickfire TK, Trigger hay dòng Corsair chơi keycap rất vất vả.







Viền bao quanh rất mỏng và gọn, nhìn khá tinh tế và không tốn nhiều diện tích trên mặt bàn. Độ nổi của phím tương đối cao, điều này cho phép chúng ta nhìn được rõ hơn phần ánh sáng phản chiếu xuống base mầu trắng.



Nhựa cấu tạo bề mặt của bàn phím cũng như keycap tương đối mịn, keycap sơn phủ UV chống mờ. Cả keycap và bề mặt phím cho cảm giác khá dễ chịu khi sờ và lướt tay qua lại nhưng điểm trừ là nhìn rất rõ vết mồ hôi, vân tay. Được cái là lần này Cooler Master đã không chơi kiểu phủ một lớp cao su mềm lên vỏ, vì vậy đỡ sợ bị xước hơn và về lâu dài cũng không gặp hiện tường lớp cao su này sờn ra giống như rất nhiều người bị với những chiếc bàn phím trước kia.
Hãy nói luôn về keycap. Có lẽ vì Cooler Master muốn giữ cho chiếc bàn phím RGB này ở một mức giá hợp lý, vậy nên hãng đã không đầu tư nhiều vào keycap khi chúng ta có nhựa ABS laser-etched khá cơ bản, keycap mỏng và độ hoàn thiệt ở mức trung bình, bên dưới vẫn lộ khá nhiều vết sơn lem nhem, cơ mà khi gắn vào phím và gõ thì mình lập tức quên ngay những điểm thiếu sót vừa rồi, keycap bám tay và mịn, gõ êm ái và mượt trên Cherry MX red, nhưng mình mới được trải nghiệm phiên bản red switch, khi nào có trên tay bản brown và blue mình sẽ cập nhật thêm cho các bạn!







Lật ngửa chiếc Masterkeys Pro L lên, chúng ta có 4 chân cao su nhỏ ở 4 góc, 2 chân lật để nâng chéo bàn phím, 2 chân này cũng có cao su chống trượt luôn. Ngoài ra Masterkeys Pro L có thêm rãnh luồn dây, cho phép người dùng chọn đi thẳng ở giữa hoặc sang 2 bên, cơ mà những rãnh này giữ dây không được chặt cho lắm, mỗi lần mình nhấc bàn phím lên di chuyển là khả năng cao dây sẽ tuột ra ngoài.












3. TRẢI NGHIỆM PHÍM BẤM


Giờ đến phần quan trọng hơn 1 chút, đó là cảm giác nhấn phím. Nãy mình có nói qua về độ êm và mượt của Cherry MX red, nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ, để đánh giá cảm giác nhấn của một bàn phím cần phải tính đến nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó có switch, keycap, độ cao của nút, chất liệu vỏ, chất liệu plate giữ switch và thậm chí là cả nơi kê bàn phím cũng có ảnh hưởng không nhỏ.
Vậy trải nghiệm ra sao? Để tóm gọn lại thì mình khá hài lòng. Thứ nhất, mặc dù là bàn phím mới nhưng phiên bản MX Red của mình có cảm giác rất mượt chứ không hề bị rít, cứ như bàn phím đã được gõ vài tháng rồi vậy, không biết Cooler Master có lube sẵn không nữa 😁. Base plate và cấu tạo vỏ của Masterkeys Pro L rất chắc chắn, mình thử cầm chiếc bàn phím lên và uốn éo qua lại xem nó có bị cong vênh nhiều không thì kết quả khá bất ngờ, chiếc Masterkeys Pro vẫn chắc như bàn thạch, khi gõ chạm đáy sẽ có âm thanh lách tách khá nhẹ nhàng và giòn tai, căn bản do Masterkeys Pro dùng keycap ABS rất mỏng, giả dụ như bạn gắn 1 set thick PBT vào thì sẽ đầm hơn và tiếng đanh hơn rất nhiều.



Tất cả keycap lớn đều dùng Cherry stab, mình không phải fan của Cherry stab mặc dù nó giúp cho việc tháo lắp keycap dễ dàng hơn và ít phải bảo dưỡng hơn co-star nhưng co-star stab luôn cho mình cảm giác đã tay hơn khi gõ, Cherry stab cho cảm giác gõ mềm hơn và làm phím bớt đanh khi gõ chạm đáy, cơ mà những năm trở lại đây thì bất kì phím cơ nào cũng chơi với Cherry stab rồi, vì vậy mình cũng không có hy vọng gì nhiều vào một tương lai co-star stab quay lại.






4. TÍNH NĂNG - ĐÈN LED


Dãy phím từ F1 – F4 để thay đổi đèn LED. Ở chế độ 1 mầu, người dùng sử dụng nút Fn + F1/ F2/ F3 để trộn mầu RGB theo ý muốn mà không cần phần mềm bổ trợ, Fn + F4 để chuyển chế độ LED.



Dãy phím F5 – F8 để thay đổi Repeat Rate, đại khái là tốc độ lặp lại khi bạn nhấn và giữ phím, mình chưa bao giờ thấy tính năng repeat rate hữu dụng cả nên luôn là 1x, thanks anyways Cooler Master.



F9 để khóa windows
F10 để tạo custem LED layout. Fn + F10, Masterkeys Pro L sẽ đưa bạn vào chế độ tạo LED custom, bạn trộn màu sử dụng Fn + F1 > F3 sau đó bấm bất kì phím nào trên bàn phím để đổi sang mầu đó, khi hoàn thành thì bấm Fn + P1 > P4 để lưu Profile.
F11 để ghi Macro và F12 để xóa Macro đã ghi. Cách hoạt động của Macro là Fn + F10: bật chế độ macro, phím nào có khả năng macro sẽ phát sáng xanh dương. Chọn phím để thực hiện macro, phím này sẽ biến thành mầu đỏ, tiếp theo gõ tổ hợp phím bạn muốn, cả tốc độ gõ sẽ được lưu, sau khi gõ xong bấm Fn + Print Screen (1 lần) hoặc Scroll Lock (lặp đi lặp lại)/ Pause (lặp lại cho đến khi bỏ tay khỏi phím) để tùy chọn dạng Macro.



Fn + Navigations = Media và Volume


Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là chế độ ánh sáng và những tính năng phần mềm của Masterkeys Pro L. Cái đầu tiên đó là độ sáng của LED, mình chỉ biết nói là Cooler Master đã làm rất tốt, LED rất sáng, cộng thêm ánh đèn phản xuống base trắng lại càng thêm phần rực rỡ, hiệu ứng chuyển mầu rất mượt mà chứ không hề bị giật giật như LED RGB đời đầu, thêm nữa là mầu sắc của LED cực kỳ đậm và chuẩn, mình chọn mầu nào trong phần mềm là trên bàn phím ra đúng mầu đó, mầu trắng cũng rất trắng, trắng trong luôn chứ không bị nhìn rõ là trộn giữa ánh sáng đỏ/xanh/lục như trên series Corsair RGB dòng K.



















Về phần mềm, Cooler Master thật sự tạo cho người dùng một cảm giác đơn giản và thoải mái khi sử dụng phần mềm quản lý LED RGB. Giao diện chỉ có hai mục chính là LED và LIBRARY. Phần LED, đương nhiên, là để quản lý hiệu ứng LED RGB còn bên LIBRARY là tạo và quản lý Profile, người dùng còn có thể lấy Profile của người khác (trong tương lai) về và import thẳng vào bàn phím của mình, đỡ mất công mầy mò.






Các hiệu ứng LED có sẵn như sóng từ trái qua phải hoặc từ trên xuống dưới, hiệu ứng thở hấp hối rồi nào là mưa rơi, đổi mầu liên tục hoặc reactive type – gõ đâu sáng đó...vv đều đủ cả, các bạn cứ tưởng tượng các hãng khác có chế độ led mặc định nào thì Masterkeys Pro L có hết ngần đấy, thậm chí còn nhiều hơn, tha hồ thỏa mãn người dùng. Nhưng điều mà Cooler Master thiếu sót ở đây là khả năng tự sáng tạo ra chế độ led của riêng mình, hãng chỉ cho người dùng thay đổi hướng và tốc độ của hiệu ứng chứ chưa hỗ trợ mạnh như Corsair chẳng hạn, cho bạn khả năng cá nhân hóa vô tận, nhưng theo mình bấy nhiêu cũng là quá đủ dùng cho người bình thường rồi. Ngoài những chế độ kể trên ra, Masterkeys Pro L cũng kèm theo chế độ rất thú vị tên là System status – hiển thị led theo trạng thái hệ thống, có 2 phần là Equalizer hoặc CPU usage, 1 cái khi có nhạc hoặc âm thanh hệ thống phát ra thì LED RGB sẽ nhảy theo âm thanh đó, 1 cái sẽ thể hiện phần trăm load của CPU. Thi thoảng lúc nghe nhạc hay xem phim mình thường để chế độ EQ, trong phim mà oánh nhau hay nổ bùm đoàng là đèn nháy lên rất vui mắt.

Video:
facebook.com/HuyHell/videos/982908441756519

Cooler Master cũng đã tính đến việc bạn có thể cầm chiếc bàn phím này đi loanh quanh, có thể là ở nhà bạn bè hoặc quán nét, on LAN...vv nên cho Masterkeys Pro L bộ nhớ trong 512KB và vi xử lý Cortex M3 32bit, cho phép xử lý chế độ led, thay đổi Profile cực nhanh và lưu luôn 4 Profile lên bàn phím để bạn đem theo chế độ LED + macro đi mọi nơi bạn muốn mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

5. TỔNG KẾT ƯU/ NHƯỢC - MỨC GIÁ - ĐỐI THỦ


Bài review có lẽ đến đây đã khá dài rồi, mình xin được tổng kết lại như sau:


Sản phẩm đang được bán chính hãng với mức giá khoảng 3.6 triệu đồng vào thời điểm của bài viết này. Có khả năng cạnh tranh rất cao với các hãng khác. Ví dụ như Corsair K70 RGB với mức giá khoảng 4.2 triệu đồng, Corsair Strafe RGB 3.85 triệu đồng, Razer Blackwidow Chroma 3.8 triệu đồng nhưng không dùng switch Cherry.
Bài review đến đây là kết thúc, hy vọng các bạn đã ở lại tới dòng cuối này. Xin chào thân ái và hẹn gặp lại với những sản phẩm khác.
5 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

TERRAV
ĐẠI BÀNG
8 năm
Em này ngon phết, led có vẻ sáng hơn Ducky và có thể cusom chế độ led chi tiết hơn 😁
jello
ĐẠI BÀNG
8 năm
@TERRAV Bác dùng switch gì? Cảm giác gõ thấy ổn chứ? 🤔
Con này có ồn lắm k bạn nhỉ?
jello
ĐẠI BÀNG
7 năm
@trangbinh829 Yên tĩnh nhất trong các loại switch bạn nhé, như bạn chắc đã biết thì blue ồn nhất, red êm nhất. Thêm nữa là bàn phím này keycap mỏng nên khi gõ khá êm chữ không kêu lách cách quá to.
cho e hỏi với ạ 😔 hiện nay e vừa mua bé này thì xuất hiện lỗi dùng lưu trữ P1 và P2 thì bị ấn 1 thành 10-20 chữ như kiểu dít thì làm như thế nào giờ ạ ? và hiện 1 vài phím của e hiện led đỏ dù đang ở chế độ tắt ạ :( e có dùng qa soft rồi ạ

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019