Review Google Pixel Buds : đại diện cho sự non trẻ của Google trong làng tai nghe không dây

AudioPsycho
17/11/2017 15:23Phản hồi: 2
Monospace-Google-Pixel-Buds-review-1.jpg
Google Pixel Buds nhìn từ ngoài giống như 1 chiếc tai nghe đang cố sức làm quá đi những gì mà nó được mong đợi, ít nhất là về mặt công nghệ và kỹ thuật. Được Google tung ra với mức giá không quá mềm nằm trong khoảng $159, Pixel Buds không đạt được thành tích trơn tru như Apple AirPods mà vấp phải khá nhiều chông gai, trong đó có cả các nhận xét từ giới phê bình chuyên nghiệp lẫn người dùng đang thất vọng về chiếc smartphone Pixel 2 mà không biết trút giận vào đâu. Thực ra thì Pixel Buds không đáng phải chịu tình cảnh như vậy nếu như Google không quá “ba hoa” về nó trong các buổi họp báo giới thiệu sản phẩm của mình


Pixel Buds có 2 bên earpiece với hình dạng như viên kẹo Mentos nối với nhau bằng phần cable bọc vải dù nhìn khá bền bỉ. Đáng ngạc nhiên là trong khi các mẫu sản phẩm tai nghe không dây mới đều đi theo thiết kế true-wireless, Pixel Buds lại đi theo con đường truyền thống với thiết kế 2 earbud và dây nối quàng cổ (còn được gọi nhanh là neckbuds). Tai nghe tương thích với hầu hết các smartphone hiện nay, sở hữu điều khiển cảm ứng trên lưng earpiece dành cho các thao tác đơn giản như chạm nhẹ để play/pause, vuốt sang phải hoặc trái để tăng giảm âm lượng và chạm nhanh 2 lần để đọc thông báo trên smartphone. Tuy nhiên không hiểu sao Pixel Buds lại không có thao tác điều khiển qua bài. Dĩ nhiên người dùng vẫn có thể ra lệnh qua bài bằng Google assisstant nhưng không phải tất cả các app đều có khả năng hỗ trợ lệnh giọng nói của Google Assistant. Đây là điểm khó hiểu và là điểm trừ không đáng có cho Pixel Buds.

Monospace-Google-Pixel-Buds-review-2.jpg

Không chỉ có kích thước earpiece to, điều khiển cảm ứng trên lưng tai nghe cũng rất nhạy tuy nhiên điểm này không gây được thiện cảm mà phần nhiều làm người dùng bực mình hơn. Do bảng điều khiển quá to nên các lệnh chạm và vuốt hay bị nhận sai khiến người dùng phải “đánh vật” với các thao tác tưởng chừng là đơn giản nhất. Cảm biến của Pixel Buds còn không nhận biết được khi nào nó đang được đeo trên tai hay tháo khỏi tai nên không có cách nào khác để tắt tai nghe ngoài việc phải cất nó vào hộp đựng kiêm bộ sạc di động. Người dùng muốn ngưng nghe nhạc trong thời gian ngắn để là việc gì đó và sau đó nghe tiếp nhạc sẽ không có cách nào khác ngoài việc dừng nhạc và để nguyên tai nghe trên tai mình. Để Pixel Buds trên vai có thể làm kích hoạt chơi nhạc vô ý do cảm ứng trên lưng earpiece quá nhạy.

Tai nghe tuy vậy có chất âm khá tốt, ít ra là so với các mẫu earbud open-back khác. Pixel Buds cho tiếng trong trẻo, chi tiết và có chiều sâu, tuy vẫn không thể nào đạt được cấp độ như của Bose SoundSport Free. Sản phẩm cũng có thời lượng pin khoảng 4 giờ trong trường hợp không dùng Assisstant quá nhiều. Kết nối Bluetooth rất ổn định và không bị ngắt quãng quá thường xuyên cũng là 1 điều rất đáng khen.

Pixel Buds có thiết kế “mở” đến mức dường như nó không có 1 tí nào cách âm, ngay cả với mức âm lượng lớn nhất người đeo sẽ vẫn nghe được âm thanh từ môi trường bên ngoài. Tin hay không tùy bạn, khi ngồi kế bên 1 người đeo tai nghe open-back, âm thanh từ chiếc tai nghe của người kia vẫn có thể đi xuyên qua Pixel Buds dễ dàng. Nghe được âm thanh xung quanh là điều tốt chứ không phải dở, nhưng ít ra thì Pixel Buds cũng phải có chút cách âm để người dùng tận hưởng âm nhạc thì tốt hơn.

Monospace-Google-Pixel-Buds-review-3.jpg

Nhiều người bảo vệ cho Google sẽ nói rằng điểm mạnh của Pixel Buds nằm trọng điểm ở các tính năng thông minh, và điều này cũng không phải là sai. Pixel Buds sở hữu tính năng dịch thuật thời gian thực cho phép người dùng chạm kích hoạt và nói vào microphone, sau đó dịch thành ngôn ngữ khác và đọc lại vào tai nghe. Tính năng nay nghe rất là viễn tưởng và chỉ có trong các bộ phim hay game (tương tự thiết bị Omni-Tool trong game Mass Effect).

Thực ra thì “tính năng cao cấp” này từ Pixel Buds hoàn toàn phụ thuộc vào công cụ dịch Google Translate trên smartphone của bạn (dành riêng cho phiên bản app đi kèm smartphone Pixel, đó là lý do vì sao nó chỉ có tính năng này trên Pixel). Lệnh kích hoạt “help me speak [ngôn ngữ]” sẽ mở app Google Translate và từ đây bạn có thể chạm vào earbud bên phải và đọc câu cần dịch, app sẽ nhận biết từ ngữ, dịch lại theo thứ tiếng đã được chọn và đọc ra tai nghe. Tính năng dịch của Pixel Buds được giới thiệu hỗ trợ hơn 40 ngôn ngữ tuy nhiên chẳng ai hơi đâu thử nghiệm hết lượng ngôn ngữ này, đó là chưa kể đến giọng đọc của app nghe rất buồn cười hay đôi khi làm người dùng mất hứng.

Đây giống như bản thử beta của tính năng dịch trên Pixel Buds hơn là 1 tính năng được ra mắt chính thức. Ngoài tính năng dịch, Google cũng đang ra sức đẩy mạnh dịch vụ Google Assistant với Pixel Buds. Người dùng chỉ cần chạm vào tai nghe là đã có thể bắt đầu ra lệnh, không còn cần phải đợi phản hồi từ Google Assistant rằng nó đã bắt đầu sẵn sàng nghe lệnh nữa. Nếu đã quen sử dụng Google Assistant, bạn sẽ thấy rõ hiện năng công việc của mình được cải thiện nhờ vào tốc độ đáng nể này. Còn với người dùng mới bắt đầu làm quen cùng Google Assistant thì sẽ có được trải nghiệm mới mượt mà hơn xưa rất nhiều. Pixel Buds cũng tương thích với iPhone tuy nhiên bạn sẽ không thể dùng nó để kích hoạt Google Assistant. Người dùng iPhone với Google Assistant sẽ phải nhờ vào tính năng tương tự của Bose QC35 II.

Monospace-Google-Pixel-Buds-review-4.jpg

Nói về tính vừa vặn của Pixel Buds khi đeo trên tai chỉ có 1 từ duy nhất: Kém. Phần cable cuộn tròn ở 2 đầu earbud có tác dụng để chèn vào vành tai giúp tai nghe không rơi ra khi hoạt động mạnh, nhưng trên thực tế dù có hoạt động nhẹ nhàng thế nào đi chăng nữa thì Pixel Buds sớm muộn vẫn bị tuột ra. Mỗi lần cởi tai nghe ra và mỗi lần đeo lại là 1 lần mệt mỏi vì phải điều chỉnh earpiece cho dính sát nhất lên tai rất mất thời gian. Với người có da mẫn cảm, phần chêm này có thể gây ngứa và buộc phải gỡ đeo lại tai nghe nhiều lần hơn nữa trong ngày. Cứ thử tưởng tượng việc này sẽ gây bực mình đến thế nào.

Quảng cáo


Monospace-Google-Pixel-Buds-review-5.jpg

Không muốn nói quá nhưng ngay cả việc lấy tai nghe ra hay cất lại vào hộp cũng làm người dùng mất từ 30 giây trở lên. Phần earbud có khớp riêng ăn vào trong lòng hộp để quấn cable xung quanh, tuy nhiên nếu vội vàng cất tai nghe vào hộp ở vị trí sai khớp thì 1 là không đóng được nắp hộp, 2 là tai nghe sẽ không sạc. Google còn phải dán thêm sticker hướng dẫn “cách để tai nghe vào hộp”, quả là 1 kỳ công. Chúng ta phải cảm ơn Google vì miếng sticker này vì không phải nó hướng dẫn cách tốt nhất để cất tai nghe vào hộp mà đây là cách DUY NHẤT mà người dùng có thể cất tai nghe vào chiếc hộp này. Như các dòng sản phẩm gần đây, Pixel Buds cũng sở hữu khả năng sạc nhanh với 10 phút sạc cho 1 giờ sử dụng.

Các điểm trừ nói trên có thể chỉ là nhỏ thôi, nhưng nếu cộng tất cả chúng lại thì sự bực bội sẽ gia tăng hơn cả các yếu điểm lớn. Sau khi trải nghiệm Pixel Buds, chúng ta dễ dàng thấy được sự non trẻ của Google trong mảng tai nghe không dây. Các tính năng mới mẻ được giới thiệu trong tai nghe cũng chỉ là sự chắp vá được che đậy kỹ càng mà khi bị phát hiện ra sẽ làm người dùng chê cười. Google Pixel Buds sẽ chỉ nằm ở hàng thường thường bậc trung nếu không nhờ tính năng Google Assisstant được tối ưu hóa của nó. Có thể nói tuy rất cố gắng đuổi theo các đối thủ của mình nhưng Google mới chỉ hoàn thành được 1 nửa những gì đặt ra.

Nguồn theverge
2 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

thăng one
ĐẠI BÀNG
5 năm
rất thích thiết kế
Pixel Buds mong
Pixel Buds 2 sẽ hoàn thiện hơn
Tiếc nhỉ

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019