[Review] Laptop gaming MSI GP62-6QE (878XVN)

sozuoka
5/7/2016 15:50Phản hồi: 1
[Review] Laptop gaming MSI GP62-6QE (878XVN)
Trái ngược với xu hướng đi xuống nói chung của thị trường PC trong khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường laptop chơi game lại đang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo đó là việc nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực IT đầu tư mạnh vào mảng này. Trong số đó, MSI – hãng sản xuất linh kiện lừng danh tới từ Đài Loan – là một trong những cái tên nổi bật nhất. Chất lượng sản phẩm tốt kết hợp với việc truyền thông hiệu quả đã khiến logo rồng màu đỏ đen trở thành hình ảnh vô cùng phổ biến trên toàn cầu. Theo báo cáo của Digitimes, MSI và Asus là hai thương hiệu có số lượng laptop gaming bán ra nhiều nhất trong năm 2015 – chỉ riêng hai ông lớn này đã chiếm tới 50% thị phần laptop chơi game hiện nay.

Trong bài review này, chúng ta hãy cùng nhau xem xét mẫu GP62-6QE – một trong những sản phẩm nổi bật ở tầm trung – thấp của MSI, đồng thời là mẫu laptop có p/p cực kì tốt ở tầm giá dưới 20 triệu.

I. Đóng gói và ngoại hình:


GP62-6QE được đóng gói khá đơn giản nhưng chắc chắn, bao gồm một lớp hộp carton ở ngoài, kế đó là một lớp hộp nữa ở bên trong. Nhân vật chính và phụ kiện được đóng gói kĩ lưỡng ở trong, đảm bảo tránh mọi va đập trong quá vận chuyển.
Hộp carton ở ngoài

Hộp trong với tông màu đỏ đen truyền thống của MSI Gaming series

Mẫu GP62-6QE có số hiệu sản phẩm 878 này (hiện tại chỉ còn ở An Phát) thuộc đợt hàng có chương trình khuyến mãi Dragon Fever Spring nên có lượng phụ kiện đi kèm rất phong phú. Ở trong hộp, ngoài sạc, bộ đĩa cài đặt và máy ra thì còn có 1 mouse pad của MSI, 1 chuột chơi game MSI chính hãng, một cuốn sổ tay, một móc khoá nhồi bông hình con rồng – linh vật của MSI gaming series và một logo MSI gaming bằng kim loại khá đẹp (có thể dùng để dán lên xe máy hay điện thoại, trông rất ngầu).


Mouse pad đi kèm là loại bề mặt Speed, độ dày 2mm, cảm giác di chuột rất tốt.

Chuột có dải LED đỏ trên thân, 2 nút chỉnh DPI dưới nút cuộn và 2 nút phụ bên hông.

An Phát còn tặng kèm thêm cả balo và đế tản nhiệt đi kèm, nên người dùng gần như không cần phải đầu tư thêm gì khi mua sản phẩm về.

Và đây là nhân vật chính của chúng ta. Mẫu GP62-6QE này có ngoại hình gần như giống y hệt dòng GE62 cao cấp hơn, tuy nhiên phần nắp máy không còn là nhôm phay xước nữa. Mặt bên trong (phần kê tay và xung quanh bàn phím) mặc dù vẫn làm bằng nhôm nhưng cũng không còn các vân xước dọc nữa.

Máy được build rất chắc chắn, gần như không có điểm gì có thể phàn nàn. Điểm duy nhất mà người viết cảm thấy có thể cải thiện là việc nắp máy hơi bám vân tay, nhưng do có thể dễ dàng lau chùi nên đây cũng không phải khuyết điểm gì lớn.

Hệ thống tản nhiệt của máy bao gồm 1 quạt 50mm và 2 ống dẫn nhiệt (heatpipe), tức là ít hơn 1 quạt và 2 heatpipe so với các dòng cao cấp hơn. Do dùng chung bộ khung với dòng GE nên các bạn có thể thấy tàn tích còn lại là 1 hốc quạt đằng sau máy bị bịt lại, và vẫn có phần lưới cho loa siêu trầm (subwoofer) ở dưới đáy máy.

Quảng cáo



Bố trí linh kiện bên trong (nguồn: Notebookcheck)


Cận cảnh hốc quạt gió đằng sau

Máy nặng 2.3 kg, độ dày 28mm, có thể nói là tương đối mỏng nhẹ so với các mẫu laptop chơi game màn hình 15.6” khác.


Khi mở nắp

Mặt dưới (có tem bảo hành 2 năm chính hãng, trong đó có 1 năm đầu là bảo hành toàn cầu). Pin đi kèm là pin liền không tháo rời được, loại 6-cell và có dung lượng 42Wh.

Quảng cáo


Tem ở phần kê tay liệt kê các tính năng nổi bật.
II. Màn hình, cổng kết nối, loa, bàn phím và touchpad

GP62-6QE có kích cỡ màn hình 15.6”, độ phân giải Full HD (1920 x 1080). Để giảm giá thành nên dòng GP chỉ sử dụng tấm nền TN nên thua kém rõ so với màn hình IPS về góc nhìn và độ tương phản. Tuy nhiên về mặt cảm quan mà nói thì chất lượng hiển thị của màn hình GP62-6QE cũng không tồi chút nào, góc nhìn nghiêng hai bên cũng tương đối ổn đối với màn TN (khoảng 45 độ), tuy nhiên góc nhìn trên dưới thì chỉ cần lệch một chút là bắt đầu thấy hiện tượng đổi màu.

Màn hình của máy là loại nhám nên không bị phản xạ ánh sáng gây khó chịu, tuy nhiên độ sáng tối đa không được cao (khoảng 200 cd/m2). Tấm nền được sử dụng trên máy là mẫu Chi Mei N156HGE-EAL, một trong những tấm nền TN thuộc loại tốt. Khả năng hiển thị màu sắc của máy rất ổn: 100% dải màu sRGB và 74% dải màu Adobe RGB là những con số cực kì tốt, thậm chí còn vượt trội hơn so với nhiều màn hình IPS khác. Nếu sử dụng thiết bị để cân chỉnh lại nhiệt độ màu và ΔE thì đây là lựa chọn không tồi cho những ai chỉnh sửa ảnh nghiệp dư/bán chuyên.

Cổng kết nối của máy được bố trí hoàn toàn ở hai bên hông:

Hông trái bao gồm lỗ khoá máy (móc khoá Kensington), cổng LAN ethernet, 1 cổng HDMI 1.4, 1 cổng Mini Displayport 1.2 (tổng cộng là có thể xuất ra 2 màn hình ngoài, với độ phân giải tối đa 4k/60 Hz), 2 cổng USB 3.0 type A, 1 cổng USB 3.0 type C thời thượng, jack cắm mic và tai nghe 3.5mm (được mạ vàng để tăng khả năng tiếp xúc)

Hông phải đơn giản hơn chỉ bao gồm lỗ cắm dây sạc, khe cắm thẻ nhớ SD, 1 cổng USB 2.0 (thuận tiện để cắm chuột) và ổ DVD Super multi.

Loa của máy bao gồm 4 loa thành phần hướng ra mặt trước, có điều không còn loa siêu trầm như ở các dòng cao cấp hơn. Do đó chất lượng của bộ loa này chỉ nằm ở mức chấp nhận được, bù lại thì phần mềm Nahimic đi kèm cho phép điều chỉnh rất nhiều thứ (boost âm lượng tối đa lên, lọc nhiễu/ồn cho mic…).


Không còn loa siêu trầm, dù hốc vẫn còn đó.
Chip mạng Killer Network đi kèm là tính năng đặc biệt sáng giá ở phân khúc tầm trung thấp, khi sở hữu công nghệ Killer Shield giúp giảm hiện tượng mất tập tin (packet loss) gây lag/giật khi chơi game hoặc thoại video. Phần mềm Killer Network Manager giúp người dùng có thể giám sát và phân chia băng thông kết nối mạng cho từng phần mềm tuỳ theo nhu cầu thực tế (mặc định thì máy sẽ ưu tiên băng thông cho các ứng dụng game online và stream video). Đây là một tính năng cực kì sáng giá với những ai hay chơi game MMO.

Bàn phím của máy vẫn sử dụng layout được thiết kế bởi Steelseries như trên tất cả các mẫu laptop MSI khác. Phím bấm có độ nảy tốt, hành trình phím vừa phải, gõ lâu vẫn cảm thấy thoải mái. Phím Windows được tráo đổi vị trí cho nút Fn nhằm tránh việc bấm nhầm phải trong quá trình cày game căng thẳng (nếu không quen thì các bạn vẫn có thể swap lại ở trong BIOS của máy). Bàn phím có LED một màu trắng, khá là sáng do thiết kế viền phím trong suốt giúp phản xạ ánh sáng tốt hơn (MSI gọi đây là công nghệ Silver-Lining Print).


Lên đèn.


Cận cảnh
Góc trên bên phải của bàn phím có cụm 3 nút phím cứng, lần lượt từ phải qua là: phím nguồn (có cả đèn báo thể hiện chip đồ hoạ đang sử dụng – màu xanh là IGP Intel, màu vàng là sử dụng VGA rời nVidia), phím tắt mở phần mềm quản lí Dragon Gaming Center, và cuối cùng là phím nóng tăng tốc độ quạt Cooler Boost (sẽ nói rõ thêm ở phần sau).


Touchpad của máy sử dụng tốt nhưng không có điểm gì đặc biệt.

III. Cấu hình, hiệu năng, nhiệt độ và thời lượng pin


Cấu hình chi tiết của máy:

CPU Intel Core i5-6300HQ(2.3Ghz, 6MB Cache, Up to 3.2Ghz)

RAM 1x8GB DDR4-2133

VGA GTX950M 2GB GDDR5

HDD 1TB 7200rpm

Tất cả các bài test được thực hiện trên driver nVidia 368.39 và Windows 10 Pro (nhân tiện nói luôn, trên ổ cứng của máy có sẵn một phân vùng chứa đầy đủ driver cần thiết cho Windows 10, rất tiện dụng cho người dùng).

Trước tiên là test CPU bằng Cinebench R11.5 và R15.


Là CPU i5 4 nhân đầu tiên cho laptop, i5-6300HQ đã chứng tỏ sức mạnh của mình khi đạt được điểm số không thua kém quá nhiều so với các mẫu i7 cũ ở phép thử Single core (tất nhiên các CPU i7 vẫn mạnh hơn ở bài test Multi do có công nghệ siêu phân luồng Hyper Threading).


Ổ cứng 7200 vòng/phút đi kèm theo máy là của Toshiba, test thử tốc độ đọc ghi với Crystaldisk Mark thì kết quả thu được rất ổn, có thể sánh ngang với các mẫu ổ cứng cùng tốc độ vòng quay khác. Nếu có nhu cầu nâng cấp thêm SSD thì máy vẫn còn sẵn một khe M2 trống, hỗ trợ cả loại ổ M2 SATA thông thường lẫn ổ M2 PCI-e NVMe. Loại ổ M2 PCI-e cho tốc độ cao hơn tới 4 lần so với ổ SATA thông thường, một tính năng đáng lưu tâm với những ai cần tốc độ đọc ghi tốt, và không phải mẫu laptop nào ở tầm giá này cũng có.

Tiếp đó là bài test về khả năng xử lí đồ hoạ với 3DMark Firestrike (standard) và Skydiver.

Kết quả thu được rất khả quan.

Lẽ dĩ nhiên, một cỗ máy thiên về chơi game sẽ chẳng thể chứng tỏ được gì nếu không được đem ra thử sức với game thực tế. Do thời gian hạn hẹp nên người viết chỉ test 2 tựa game: Overwatch – tựa game MOBA/FPS đang rất nổi tiếng trong thời gian gần đây, và The Witcher 3 – tựa game offline nặng nề đủ để uy hiếp ngay cả các máy desktop chơi game tầm trung.
Overwatch là game bắn súng online có nhịp độ cao, do đó yêu cầu rất chặt về fps cao và ổn định. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề lớn đối với GP62-6QE: ở mức thiết lập Ultra (chỉ dưới Epic) và độ phân giải 1920x1080, máy hoàn toàn có thể cân tốt game với mức fps trung bình loanh quanh khoảng 60fps. Ngay cả khi bạn chơi những hero di chuyển chóng mặt như Tracer thì game vẫn chạy hết sức mượt mà.


The Witcher 3 dù đã ra mắt từ năm ngoái nhưng vẫn nằm trong danh sách những tựa game hàng đầu cả về gameplay lẫn yêu cầu về phần cứng. Người viết sử dụng mức thiết lập High settings, tắt nVidia Hairworks và chạy thử đoạn đầu game, khi Geralt đụng độ với một đám Goblin rồi sau đó lên ngựa rong ruổi qua một khu vực rất rộng lớn với nhiều chi tiết. GP62-6QE đạt được kết quả khá khả quan khi mức fps trung bình đạt 23 – con số không tồi chút nào với một GPU tầm trung cho laptop như GTX950M. Nếu hạ mức settings xuống Medium thì các bạn hoàn toàn có thể chơi tốt game với mức khung hình dễ chịu hơn (trên 30).

Nhìn chung thì ngay cả khi thử sức với các tựa game offline nặng hiện nay thì GP62-6QE vẫn đủ sức cân được ở mức thiết lập Medium-High tuỳ game, còn nếu là game online/MMO thì các bạn hoàn toàn có thể tự tin chơi ở mức High hoặc Max settings.

Mặc dù thua thiệt về hệ thống tản nhiệt khi so với dòng GE cao cấp hơn hay người anh em GP62-6QF, do chỉ được trang bị một quạt và 2 heatpipe, nhưng khả năng tản nhiệt của GP62-6QE vẫn là rất tốt (một phần là do chỉ phải gánh VGA GTX950M vốn không quá nóng). Thử nghiệm chơi game Overwatch trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, nhiệt độ phòng duy trì ổn định ở mức 28 độ, máy vẫn duy trì được nhiệt độ khá ổn (dưới 80 độ).

Và ngay cả trong trường hợp lo ngại linh kiện bên trong quá nóng (chạy ứng dụng nặng trong thời gian dài, hoặc nhiệt độ môi trường cao – nhất là trong thời tiết mùa hè này) thì người dùng vẫn còn một sự lựa chọn nữa, đó là sử dụng nút tắt Cooler Boost trên bàn phím. Khi sử dụng tính năng này, ngay lập tức quạt tản nhiệt sẽ tăng tốc độ chạy lên RẤT cao (có thể cảm nhận ngay thông qua tiếng ồn và luồng gió phả ra từ quạt), từ đó tăng khả năng tản nhiệt của máy lên đáng kể.

Thử nghiệm cụ thể khi chơi game Overwatch, sau khi kích hoạt tính năng Cooler Boost thì nhiệt độ CPU lẫn GPU liền giảm đi từ 6-8 độ.

Do việc trang bị các linh kiện phần cứng mạnh mẽ nên thời lượng sử dụng pin của GP62-6QE chỉ ở mức trung bình, thử nghiệm lướt web và sử dụng một số phần mềm văn phòng thì máy chạy được khoảng 2 tiếng rưỡi trước khi tắt nguồn.

IV. Kết luận


Lẽ dĩ nhiên, GP62-6QE không phải là một chiếc laptop hoàn hảo. Nhưng với một game thủ hoặc người dùng cần laptop cấu hình tốt cho công việc, trong khi giá cả vẫn phải chăng thì đây là một trong những model hàng đầu hiện nay nếu xét về mặt hiệu năng/giá thành.

Ưu điểm


Hiệu năng cao

Khả năng tản nhiệt tốt (so với các dòng laptop 1 quạt khác)

Khả năng nâng cấp tốt (RAM, SSD)

Nhiều tính năng phụ trợ (Killer Network, LED phím,…)

Giá tốt

Nhiều phụ kiện đi kèm

Nhược điểm


Màn hình TN

Không có loa siêu trầm

Nắp máy bám vân tây
1 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019