Sony Xperia Ear Duo – ý tưởng độc đáo nhưng thực hiện chưa tốt

AudioPsycho
8/7/2018 9:14Phản hồi: 0
monospace-Sony-Xperia-Ear-Duo-review2-1.JPG
Sony Xperia Ear Duo sở hữu thiết kế rất độc đáo làm chúng ta phải tò mò: ôm lấy phần vành sau của tai và đeo lên tai bằng phần đuôi có khoét lỗ. Thiết kế này theo lý thuyết sẽ giúp bạn nghe được cả tiếng nhạc lẫn âm thanh xung quanh, từ đó giúp giữ an toàn cũng như khả năng nhận biết mọi việc đang xảy ra chung quanh mình. Âm nhạc lúc này sẽ trở thành “nhạc nền” và bạn không còn phải lo ngại có thể bỏ lỡ đối thoại cùng bạn bè hay thông báo ở nơi công cộng nữa. Tất cả đi kèm cùng mức giá $280 (6.500.000 VND) của Sony Xperia Ear Duo, điều mà nhiều người (trong đó có tôi nữa) xem là quá cao


Thiết kế của Sony Xperia Ear Duo không thay đổi quá nhiều kể từ khi Sony giới thiệu về nó hồi đầu năm 2017. Nhiều người cho rằng nó giống với 1 chiếc tai nghe trợ thính, phần còn lại thì nghiễm nhiên cho rằng sao mà nhìn nó như 1 món... đồ chơi tình dục. Điều này có nghĩa là chẳng có 1 lời khen nào hết. Phần driver được Sony “nhét” vào housing đeo lên phía sau tai, và theo đó âm thanh sẽ được truyền tải qua ống âm dài phía dưới vành tai và đến phần “vòng đỡ” bên trong tai bạn. Lúc này tai người đeo sẽ có thể nghe nhạc mà không bị che đi như thiết kế tai nghe thông thường, cho phép họ vừa nghe nhạc vừa nghe được âm thanh bên ngoài. Sony Xperia Ear Duo cũng có mức rò rỉ âm không cao lắm nên bạn không cần phải lo lắng người ngồi kế bên mình sẽ có thể cảm thấy khó chịu.

monospace-Sony-Xperia-Ear-Duo-review2-2.JPG

Trên thực tế khi thử nghiệm, kiểu đeo của Sony Xperia Ear Duo gây ra cảm giác khá khó chịu, nhất là khi phần housing và ống dẫn âm của nó khá cứng, hoặc cũng có thể do tai của tôi không đúng cỡ. Sony khuyến nghị kéo phần dái tai ra 1 chút trước khi đeo để có thể đeo dễ dàng hơn, tuy nhiên việc này cũng chẳng giúp ích được bao nhiêu.

Khi đã đeo xong lên tai thì Sony Xperia Ear Duo khá nhẹ và có thể đeo thoải mái trong thời gian dài. Tai nghe có thời lượng pin khoảng 4 giờ và được đi kèm cùng hộp đựng kiêm bộ sạc di động cung cấp thêm 3 lần sạc nữa. Một điểm đáng khen ngợi là Sony đã biết chuyển sang cổng USB-C cho hộp sạc này.

Ear Duos hoàn toàn không có điều khiển vật lý nên người dùng sẽ phải thao tác bằng điều khiển cảm ứng hay cử chỉ trên phần touchpad phía sau tai. Theo cảm nhận của tôi thì chạm vào 1 vật phía sau tai có vẻ hơi kỳ cục, đó là chưa kể đến khi chạm quá nhẹ thì đôi khi không “ăn”, còn chạm mạnh quá thì 1 là tai nghe sẽ nhận thành 2 lệnh, 2 là tai nghe bị xê dịch ra khỏi vị trí đeo ban đầu. Các điều khiển gồm chạm touchpad bên trái để chơi hay dừng nhạc, chạm 2 lần touchpad bên trái đế qua bài, chạm 3 lần touchpad bên trái để quy ngược hay chơi lại bài hát từ đầu, vuốt từ dưới lên hay trên xuống để tăng giảm âm lượng, chạm giữ touchpad bên phải để kích hoạt Siri hay Google Assistant, chạm 1 lần trên bất cứ touchpad nào đế nhận cuộc gọi, chạm giữ để kết thúc cuộc gọi và chạm giữ (khi chưa nhận cuộc gọi) để từ chối cuộc gọi đó.

monospace-Sony-Xperia-Ear-Duo-review2-3.JPG

Bạn cũng được cung cấp thêm cả điều khiển cử chỉ nhờ vào cảm biến gia tốc và con quay bên trong Xperia Ear Duos. Các điều khiển này gồm quay đầu sang trái hoặc phải để qua bài hay chơi lại, gật hay lắc đầu để nhận hoặc từ chối cuộc gọi. Điều khiển cử chỉ có thể sẽ hữu dụng trong 1 số trường hợp, tuy nhiên trong hoạt động hằng ngày chắc chắn sẽ có đôi lúc nó bị lầm lẫn với 1 cử chỉ nào đó của bạn. Tôi thì tôi luôn tắt điều khiển chuyển động đầu đi ngay lập tức.

Dành riêng cho người dùng Android, Sony cung cấp thêm trợ lý ảo của riêng mình mang tên Daily Assist. Trợ lý ảo này sẽ đọc các thông báo mới cho bạn đồng thời tự biết giảm âm lượng nhạc để bạn có thể nghe rõ hơn. Bạn cũng có thể giới hạn cho nó chỉ đọc 1 số loại thông báo nào đó, tránh việc nó cứ “ra rả” bên tai gây bực mình. Daily Assist ngoài ra còn cho phép bạn trả lời tin nhắn nữa. Thực ra mà nói thì tôi vẫn “tin tưởng” và đã quen dùng những việc này với Google Assistant rồi nên dù Daily Assist có hay không thì cũng không quan trọng cho lắm (ít ra là với bản thân tôi).

Cùng bàn về chất âm của Ear Duos nào. Do không có 1 chút kín âm nào hết nên khi nghe ngoài đường bạn sẽ cảm thấy tất cả phần bass và dải low của Ear Duos đều bị mất đi. Một điểm hay là khi tăng mức âm lượng của Ear Duos lên cao, chất âm của nó vẫn không trở nên quá chói gắt và khó chịu. Theo cảm nhận riêng của tôi thì chất âm của Ear Duos vẫn còn chút gì đó thua kém các dòng tai nghe true-wireless hiện nay (kể cả những chiếc tai nghe từ Sony) và điều này hoàn toàn không phải là do kiểu nghe “vừa nhạc vừa tiếng ồn” của nó. Chất lượng kết nối của hai bên earpiece nói chung khá ổn định và tôi chưa bị ngắt kết nối bao giờ, đây là điểm đáng khen cho Sony.

monospace-Sony-Xperia-Ear-Duo-review2-4.JPG

Chúng ta hãy cùng bàn về những trường hợp mà Ear Duos có thể sẽ trở nên cần thiết, và thực sự là chúng không nhiều. Bạn có thể sử dụng nó ở nhà hay trong phòng làm việc, hoặc thậm chí là khi tập luyện thể thao. Tuy nhiên khi ở trong những môi trường công cộng đông đúc, mức âm lượng của Ear Duos thực sự không đủ lớn để bạn nghe nhạc. Điều này có thể sẽ tốt cho tai bạn, nhưng không thực tế cho lắm nếu bạn đang muốn nghe 1 episode podcast hay cái gì đại loại như vậy. Ear Duos cực kỳ vô dụng khi bạn ở các trạm tàu điện ngầm hay trên máy bay.

Quảng cáo


Và cũng không nên quên 1 điều rằng nó có mức giá $280 (6.500.000 VND). Nếu bạn cần chú ý đến âm thanh xung quanh, tôi khuyến nghị bạn nên dùng chiếc tai nghe AirPods hay bất cứ những chiếc tai nghe với thiết kế semi-open nào cũng được. Chúng cũng có chất âm hay hơn nữa.

Nguồn theverge
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019