Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


[Tham Khảo] Nghe “teen” than chuyện học hành

pinetrees
2/12/2010 11:2Phản hồi: 5
[Tham Khảo] Nghe “teen” than chuyện học hành
- “Tôi ghét nền giáo dục Việt Nam” là một chủ đề đang được đông đảo học sinh - sinh viên bàn luận trên trang mạng Facebook. Với tiêu đề gây sốc này, các bạn trẻ thẳng thắn đưa ra ý kiến của mình với cách nhìn của.... “tuổi teen”
Minh họa: Nguyễn Tài
Trên mạng xã hội, các bạn trẻ tự do bày tỏ góc nhìn thật của mình. Hẳn nhiên điều đó sẽ ít nhiều gây sốc cho thầy cô, cha mẹ nếu đọc được. Loại trừ những lời nói... nhảm, vẫn là những tâm sự thật và đó cũng là những thông tin cần được lắng nghe, gạn lọc, để hiểu hơn về những người trẻ, những học sinh hôm nay.
Mở đầu chủ đề, người khởi xướng kêu gọi “Hãy bày tỏ những trăn trở của bạn về giáo dục nước nhà, hãy nêu lên những nguyện vọng, những mơ ước của bạn về một nền giáo dục đúng nghĩa, không gò bó, không áp đặt”.
Ngán học đọc chép
Với nhiều bạn trẻ tham gia diễn đàn, chương trình học nặng nề, khô cứng là mối quan tâm hàng đầu. Môn giáo dục công dân (GDCD) được bàn luận nhiều nhất khi đưa ra những nhận xét hoặc kể các câu chuyện trong lớp khi học môn học này. Bạn có nickname Steven Smith nhận xét: “Tôi ghét môn GDCD, chẳng có cái lợi gì, nhét chứa ba cái thật sự không cần thiết cho học sinh vì chẳng áp dụng nó”. “Đem triết học vô môn GDCD ở cấp 3 để làm gì? Mỗi lần tới tiết GDCD là trò gật gù... ngủ, còn cô thì gần như chỉ dạy cho có...” - Nick Cat Tuong Ngo kể.
Một bạn khác hưởng ứng: “Môn này, lớp 10 học như triết, lớp 11 học như kinh tế chính trị, còn 12 thì học pháp luật như của đại học, vừa khó hiểu lại chả phù hợp tý nào cả, đáng lý dành cho việc dạy cách làm người, dạy các chuẩn mực đạo đức còn hơn, tiên học lễ hậu học văn đến trường đâu riêng để học kiến thức, còn học làm người nữa chứ”. Nickname Anh Dang rầu rĩ so sánh điểm môn GDCD với xếp loại hạnh kiểm: “Điểm trung bình môn GDCD 9,8 mà hạnh kiểm thì yếu, bó tay”.
Môn Tin học, một môn học rất cần trong thời đại ngày nay cũng được các bạn quan tâm chia sẻ không kém. Ít ai ngờ đến thời buổi này mà môn Tin học ở trường đại học được bạn Phạm Trần Phương phản ánh: “Ngồi học tin học, đã lên ĐH rồi còn học đánh chữ...”. Nick có tên Bích Babo kể: “Học Tin học được một nửa học kỳ rồi mà vẫn chưa được mở cái máy tính lên thực hành. Viết chương trình Pascal thì viết-bằng-bút-bi-vào-vở, chả hiểu có cái phòng Tin học làm cái gì không biết”. “Trường mình học C++ mà trước giờ thực hành tin còn dặn các em mang USB cóp sẵn chương trình DevC++ cơ” - Một bạn khác kể thêm về các giờ thực hành môn Tin học.
Môn Văn cũng là môn được tuổi teen bày tỏ nhiều cảm xúc. Nickame Stefany viết: “Cả tuần chỉ mong đến tối thứ Sáu, thứ Bảy đi học thêm Anh văn. Nói thật ở lớp mình thấy có mỗi cô toán dạy hay, còn mấy cô khác.... dù có thích cô Văn nhưng cô cũng thuộc dạng đọc chép...”. Còn với nickname Tý Chuột: “Thay vì để trẻ con tự phát huy khả năng ngôn ngữ và văn chương của mình, các cô giáo lại dùng lời văn của mình áp đặt cho chúng như một phương pháp dạy môn tập làm văn”.
Chương trình nặng, học thêm nhiều

Chương trình học nặng nề, những chuyện xảy ra ở trường ở lớp cũng được nhiều bạn đưa lên diễn đàn. Thành viên có tên Phuong Huynh than thở: “Đêm dài mình em bật khóc, sao mà kiểm tra tối ngày”. Thành viên Violet Nt cũng tâm sự: “Nhiều khi mở mắt thức dây, thấy mới 5h sáng, nhưng nghĩ tới chiều có kiểm tra là không nhắm mắt ngủ tiếp được”. Thành viên Lee Min Woo “lý luận”: “Các nước khác học ít biết nhiều, VN thì nhồi kiến thức cho học sinh như nhồi thuốc tăng trọng mà học sinh vẫn như gà mắc tóc”. Nickname Anh Thư nói đến tình trạng học thêm đã trở nên phổ biến: “Người VN khẳng định là có tư chất rất thông minh sáng tạo, nhưng hình như càng về sau chương trình càng nặng nề, không thích hợp... Không ngờ một nhóc tiểu học đi học thêm còn nhiều hơn một người lớp 12 như tui”.
Đi vào chi tiết các môn học, phương pháp dạy và học, một bạn khác nhận xét : “Không chấp nhận được cái nền giáo dục Việt Nam: quá nặng lý thuyết, bài tập về nhà dài dằng dặc, cô giáo dạy thì khó hiểu, cứ giao một đống bài tập cho học sinh về làm, chẳng giảng gì cả, không những không hiểu sâu mà còn gây tâm lý cho học sinh, thậm chí đến cả môn Văn còn bị bắt theo một khuôn mẫu nhất định, không được sáng tạo...”.
Các bạn không những nhận xét về các môn học mà còn kể những câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra trong lớp. Thành viên có tên Kaiser Rikudo tếu táo: “Ngủ trong giờ văn bị bắt về nhà viết bản kiểm điểm vì mất trật tự trong giờ văn?”. “Hôm nay có 1 bạn lớp mình bị ghi tên vào sổ đầu bài vì hắt xì hơi trong giờ ảnh hưởng đến bài giảng của thầy” - Một bạn kể thêm.
Một câu chuyện khác được bạn Kevin Le kể: “Giáo viên toán giảng bài xong hỏi học sinh: “Mấy em không hiểu chỗ nào nói cô nghe”. Học sinh giơ tay “cô ơi giảng em lại phần kia đi”. Giáo viên: Nãy giờ tui giảng em không nghe hay sao giờ phải giảng lại, nãy giờ em chơi hả, ra ngoài đứng đi, 0 điểm”.
Không thiếu những trăn trở tâm huyết
Tham gia diễn đàn, nhiều thành viên thẳng thắn trao đổi lại với các bạn nếu có suy nghĩ hoặc góc nhìn chưa đúng. Thành viên Hai Hung Le chia sẻ: “Học hành ở Việt Nam cũng thường thôi, tôi chỉ cần bỏ ra 2 tiếng mỗi ngày để làm bài tập và học thuộc lòng. Nếu còn dư thời gian thì làm toán nâng cao. Còn các vị ghét thì các vị là lười”.

Đối với nhiều bạn, được đến trường là một hạnh phúc khi trên đất nước còn nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn không được đi học và phải hết sức nhọc nhằn mới tiếp tục được việc học. Thành viên Ha Trang Trinh không giấu sự tự hào về nơi mình đang học: “Nghe mọi người nói càng ngày mình càng cảm thấy may mắn khi học trong trường mình: Thầy cô thoải mái, nói chuyện với học sinh như với bạn, không bao giờ kiểm tra bài tập nhưng phải tự học, không thích dạy thêm, không trù học sinh bao giờ, không bệnh thành tích”. Thành viên Silvery Gold tâm sự: “Dù chán nền giáo dục đến đâu thì vẫn có những thầy cô mình thật sự yêu quý”. Còn bạn Trương Tuấn Nghĩa cho rằng: “Không phải tôi ủng hộ hết mình với nền giáo dục VN, nhưng nó vẫn là nền giáo dục đáng trân trọng, dạy tốt thế nào được khi mà học sinh vẫn vô kỷ luật, tốt sao được khi kinh tế nước ta còn yếu kém, không trang bị đủ thiết bị cho các vùng sâu vùng xa?... Nó dạy các bạn có chữ, dạy các bạn không nói tục, cho các bạn mối quan hệ, tình yêu, tình bạn, tình thầy trò”... “Giáo dục VN ngóc đầu lên được chỉ khi nào trả lời được hai câu hỏi, dạy cái gì và như thế nào. Chừng nào trường được tự chủ học thuật, mục đích giáo dục không phải để kiếm tiền nữa, giáo dục VN mới đào tạo được những con người phục vụ cho xã hội...” - Bạn Viet Nguyen nhận xét.


Cũng thật đáng trân trọng khi những bạn trẻ có những suy nghĩ chân thành, sâu sắc về những người xung quanh mình, về đất nước mình. Nickname Tân Lùn viết: “Khi tham gia diễn đàn này, mục đích chính của mình không phải là chê bai nền giáo dục VN, mà mình chỉ có một hy vọng rằng nền giáo dục VN sẽ khắc phục những cái yếu, phát huy cái mạnh, hoàn thiện hơn. Vì mình tin rằng người VN mình rất giỏi mà lại siêng năng, nếu nền giáo dục phát huy được những thế mạnh đó, mình tin rằng VN là một trong những nước mạnh nhất Á Châu”.

“Trong sản phẩm của giáo dục chúng ta có một tỉ lệ chắc là không nhỏ những người học mà không hành, người chỉ nói giỏi mà không hành hoặc biết hành mà không hành. Lỗi này từ đâu?”

(Một thành viên tham gia diễn đàn)


Các bạn cho mình biết ý kiến của các bạn về vấn đề này nha

Quảng cáo


Nguồn: Thế giới @
5 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

không học hành rùi nói nền giáo dục VN tụt hậu. tại sao cải cách gáo dục chưa thực hiện triệt để được 1 phần là vì đắn đo những "đứa trẻ" này có chịu theo không kìa.
Nickname Anh Dang rầu rĩ so sánh điểm môn GDCD với xếp loại hạnh kiểm: “Điểm trung bình môn GDCD 9,8 mà hạnh kiểm thì yếu, bó tay”.
Ngược đời là vậy --> Vậy môn GDCD là gì?
Là Giáo dục công dân đó bạn. Mình cũng nghĩ là có nhiều nguyên nhân chủ yếu là do các môn đưa ra ko đồng điều, Ví dụ 1 em khá giỏi các môn nhưng sinh lí ko ổn nên môn thể dục yếu => rớt hạng => nản và chán do sức ép từ gia đình
ngày xưa e đi học .môn GDCD : cả lớp dc 8 vs 9 luôn 😁 vì lớp ngoan nên cô giáo quý
Mình thì nghĩ có thể do 1 phần cuộc sống quá tiện nghi và các game online đã làm các em ko còn thiết tha với việc học nữa.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019