[The Big Picture] Afghanistan tháng 05/2011

levuongthinh
2/6/2011 4:24Phản hồi: 0
[The Big Picture] Afghanistan tháng 05/2011
Tháng 05/2011 ở Afghanistan bắt đầu với tin tức Osama bin Laden bị tiêu diệt và sau đó là hàng loạt vụ đánh bom tự sát nhằm trả thù cho trùm khủng bố. Đến khi tháng 05 khép lại, tổng thống Hamid Karzai đã đưa ra cảnh báo về việc không quân của liên minh phương Tây gây thương vong cho dân thường vô tội. Để cảm nhận rõ hơn cuộc sống ở Afghanistan trong tháng 05/2011, hãy cùng xem qua những tấm ảnh sau đây. Có lẽ cũng nên dành một chút thời gian để suy ngẫm cách người ta chụp ảnh, rất đáng học hỏi.


Một cậu bé Afghanistan nhìn về phía ống kính máy ảnh trong lúc đoàn tuần tra của binh lính Mỹ đang đi ở Kote Tazagul, quận Marjah, tỉnh Helmand 24/05/2011. Cái chết của bin Laden giúp hòa giải nhiều vấn đề chính trị ở Afghanistan, tuy nhiên nó lại gây nên một làn sóng trả thù ở Pakistan.


Nhân viên an ninh Afghanistan đứng canh gác trong khi người lái máy cày đang phá bỏ cánh đồng cây thuốc phiện, 25/05/2011, ở quận Argu, Badakshan, Afghanistan.


Một cảnh sát Afghanistan đang trong phiên gác ở Kote Tazagul, quận Marjah, tỉnh Helmand 24/05/2011.


Người dân Afghanistan xem tin tức về cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden trên truyền hình tại một nhà hàng ở Kabul, 02/05/2011. Bin Laden bị giết ở một nơi gần Islamabad, Pakistan, gần 1 thập kỷ sau vụ khủng bố ngày 11/09/2001 nhằm vào nước Mỹ.


Một thanh niên 18 tuổi người Pakistan đang nướng thịt tại cửa hàng của anh ta ở thành phố Abbottabad, nơi mà Osama bin Laden ẩn náu trước khi bị lính đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt.


Chim bồ câu tung bay gần đền thờ Shah-e-Do-Shamshaira (Vị Vua với 2 thanh kiếm) ở một khu phố thuộc Kabul, 20/05/2011. Hơn 1.700 chiến binh Taliban đã giao nộp vũ khí để tham gia vào chương trình tái hòa nhập xã hội do chính phủ Afghanistan thực hiện. Kế hoạch hòa bình và chương trình đưa các tay súng Taliban tái hòa nhập xã hội của Tổng thống Karzai gồm nhiều đề xuất có tầm ảnh hưởng sâu rộng như tạo điều kiện cho các thủ lĩnh cấp cao Taliban sống lưu vong ở nước ngoài nếu họ ngừng hoạt động chống chính phủ; thành lập các lớp huấn luyện và tuyên truyền giúp các tay súng Taliban từ bỏ lập trường cực đoan; và tạo công ăn việc làm cho những thành viên Taliban cấp thấp tự nguyện từ bỏ bạo lực. Các tay súng muốn tái hòa nhập xã hội sẽ được tập trung tại các “trung tâm giải ngũ” trong 90 ngày. Tại đây, an toàn tính mạng của họ được đảm bảo cũng như nhu cầu của họ được xem xét. Nếu hạ vũ khí và cắt đứt quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, các tay súng Taliban có thể được hưởng ân xá và miễn truy cứu đối với bất kỳ tội ác nào mà họ đã gây ra trước đây.


Hai phụ nữ Afghanistan đi ngang qua một khu nghĩa trang ở Kabul, 25/05/2011. Mặc dù nhận được nhiều sự hỗ trợ nhân đạo từ nước ngoài kể từ khi phiến quân Taliban bị lật đổ vào năm 2001, nhưng đất nước Afghanistan vẫn là một trong những quốc gia có chất lượng sống kém nhất trên thế giới.


Binh sĩ Mỹ đùa giỡn với các em bé Afghanistan trong lúc đi tuần ở khu vực Kote Tazagul, quận Marjah, tỉnh Helmand 24/05/2011.

Quảng cáo




Binh sĩ Mỹ kiểm tra danh tính của một cảnh sát địa phương Afghanistan (ALP) hay còn gọi là Arbaki ở Kote Tazagul, quận Marjah, tỉnh Helmand 24/05/2011.


Ông Zareen và cậu con trai Azim tại một cánh đồng cây thuốc phiện ở Faizabad, Badakshan, Afghanistan, 25/05/2011.


Một kẻ bị tình nghi do lính Mỹ bắt giữ ở quận Marjah, tỉnh Helmand, 23/05/2011.


Hai người lính thuộc lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) đang nói chuyện với ông Mullah Fida Mohammed ở làng Deh Afghanan, Afghanistan, 27/05/2011.

Quảng cáo




Một họa sĩ người Afghanistan dọn dẹp những tác phẩm của anh vào trong cửa hiệu vào cuối ngày 22/05/2011, ở Kabul, Afghanistan.


Một người đàn ông và cậu bé đang rửa xe trên con đường ở Kabul, Afghanistan 15/05/2011.


Bé Shabaneh ngồi chơi bên khung sắt, trong khi người cô của bé là Somayeh Masroor, 44 tuổi, đang ngồi nghỉ mệt sau khi tập đi với chiếc chân giả tại trung tâm chỉnh hình quốc tế của tổ chức Lưỡi liềm đỏ, ở Kabul, Afghanistan. Cô Somayeh đã bị mất chân phải từ năm 13 tuổi khi cô đi từ Herat đến Kandahar và bị mắc kẹt vào một trận chiến giữa quân Xô Viết và Mujahedeen ở Shajoor, xe của cô đã cán phải mìn bên vệ đường.


Một người đàn ông Afghanistan vác trên vai chiếc máy may cũ để đem đi bán ở Kabul, Afghanistan, 16/05/2011.


Bé gái Gulsum,12 tuổi, cầm trên tay một cành cây cannabis (một loại cần sa) trồng ở cánh đồng nơi cô đang làm việc cùng với người Bố là Ghafordin, 15/05/2011, ở Wakhil, trên vùng núi thuộc khu vực Panjshir, Afghanistan. Ông Ghafordin đã trồng cannabis được 3 năm và chứng kiến giá cả của loại cây này tăng gấp 3 lần kể từ năm 2008. Mùa xuân này ông đã giảm diện tích trồng lúa mì để để tăng số lượng cần sa. Được biết đến với đất nước sản xuất cần sa lớn nhất thế giới, nguyên liệu thô để làm ra heroin, Afghanistan giờ đây đã trở thành quốc gia cung cấp cây cannabis hàng đầu, với diện tích canh tác chiếm một nửa lãnh thổ, theo báo cáo năm 2010 của LHQ.


Cậu bé Asadullah Daad Mohammad, 12 tuổi, nằm ngủ trên chiếc giường của cậu ở trung tâm chỉnh hình quốc tế của tổ chức Lưỡi liềm đỏ, Kabul, Afghanistan. Asadullah bị mất cả 2 chân, mắt trái và các ngón tay, sau khi giẫm phải mìn trong lúc đang đi chăn dê và cừu ở Paktya, phía Nam Kabul, 5 tháng trước.


Các con nghiện ở Afghanistan ngủ ngồi trước sân vận động Olympic quốc gia ở Kabul, Afghanistan, 17/05/2011.


Một người đàn ông Afghanistan đang kiểm tra những viên đá quý thô và thỏa thuận giá cả trong cửa hiệu Haji Mohammed Rasul ở chợ Shams, 18/05/2011, Kabul, Afghanistan. Nguồn tài nguyên khoáng sản ở Afghanistan gần như vẫn chưa được khám phá, ngay cả với những loại khoáng sản quý như than, đồng, vàng, quặng sắt và đá quý như ngọc lục bảo chất lượng cao, đá lapis lazuli, đá garnet đỏ (ngọc hồng lựu) và ruby. Các mỏ khoáng sản thường nằm ở những nơi xa xôi, địa hình hiểm trở, tình hình bất ổn cộng với sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng và phương tiện vận tải, nên nghành khai khoáng ở Afghanistan vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nhiều người đã cố gắng thay đổi nhưng họ vẫn đang sử dụng những phương thức khai thác hết sức thô sơ với phương tiện lạc hậu.


Các thanh niên Afghanistan ngồi hút "sheesha" dưới ánh đèn mờ ảo ở nhà hàng thức ăn nhanh "Kabul Fried Chicken", ở Kabul, 11/05/2011. Sheesha (còn được gọi là thuốc lào Ả Rập, thuốc lào Trung Đông, hookah...)là một loại thuốc được nhập từ Ả Rập với thành phần thuốc chủ yếu là mật ong, một số loại lá và rễ cây được ướp hương các mùi trái cây hay cà phê.


Binh sĩ Mỹ sưởi ấm cơ thể bên bếp lửa tại một doanh trại ở Helmand, nam Afghanistan, 05/05/2011.


Một y ta của quân đội Mỹ đang chăm sóc cho một binh sĩ quân đội Afghanistan, người bị thương nặng, trên trực thăng, ở tình Helmand, Afghanistan 15/05/2011.


Một cậu bé Afghanistan bị nhiều vết bỏng nghiêm trọng nằm trên cáng trong máy bay trực thăng của quân đội Mỹ trên đường được đưa đến bệnh viện từ Musa Qalah, thuộc tỉnh Helmand, 11/05/2011.


Một phụ nữ Afghanistan và con gái cầu nguyện sau Ngày thứ sáu Cầu nguyện ở đền Madinatul-Elm, 13/05/2011, Kabul, Afghanistan. Trong nhiều ngôi đền, phụ nữ có khu vực riêng biệt với nam giới để cầu nguyện, tuy nhiên, ở nhiều khu vực thuộc kiểm soát của quân Taliban, phụ nữ chỉ được phép cầu nguyện tại nhà.


Trẻ em Afghanistan đang học kinh Quran ở trường tôn giáo Islami Noor, 12/05/2011, Kandahar. Mặc dù rất nhiều cuộc giao tranh xảy ra trong khu vực thành phố, nhưng các em vẫn tiếp tục việc học ở trường.


Một người phụ nữ giơ cao đứa con mới sinh của cô trong khi bạn cô dùng điện thoại di động để chụp ảnh tại đền Karti Sakhi, 13/05/2011, Afghanistan.


Một bé gái Afghanistan đứng trước cửa nhà trong thành phố cổ ở Kabul, 10/05/2011. Chính phủ Afghanistan vừa lên tiếng kêu gọi các kẻ cầm đầu phiến quân Taliban tham gia các cuộc đàm phán hòa bình hoặc phải chịu chung số phận với Osama bin Laden, tên trùm khủng bố đã bị tiêu diệt bởi lực lượng đặc nhiệm Mỹ.


Một phụ nữ Afghanistan đi ngang ngỏ hẻm tại thành phố cổ ở Kabul, 06/05/2011.


Cung điện Darul Aman, nơi ở trước kia của nhà Vua Afghanistan Amanullah bị phá hủy bởi phiến quân Taliban.


Các binh sĩ Ý cùng với lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) đang giúp đỡ một người đồng đội bị thương ở khu vực xảy ra giao tranh, tại Herat, 30/05/2011.


Một lính Mỹ đang cạo đầu trong lúc chờ nhiệm vụ mới ở doanh trại Forward Operating Base Edi, thuộc tỉnh Helmand, Afghanistan, 08/05/2011.


Một cảnh sát Afghanistan đứng bảo vệ tại cầu thang sau khi các tay súng tấn công vào tòa nhà chính phủ ở tỉnh Kandahar, 08/05/2011.


Nữ cảnh sát Afghanistan tập bắn trong chương trình huấn luyện ở Trung tâm đào tạo cảnh sát ở Herat, 04/05/2011.


Một người lính của quân đội quốc gia Afghanistan nở nụ cười trước ống kính máy ảnh.


Cậu bé này đang ngồi mài kéo trước một cửa hiệu nhỏ bên đường ở Kabul, 28/05/2011. Tay chân, quần áo lấm lem, trái bắp đang ăn dở, đâu là quyền trẻ em?


Trẻ em Afghanistan chơi đùa ở một công sự cũ của quân đội ở Kabul, 29/05/2011.


Người thân của các binh sĩ đã ngã xuống đến viếng thăm một bia tưởng niệm do lực lượng giải cứu Kandahar (Task Force Kandahar) dựng nên ở phi trường Kandahar, 24/05/2011.


Cậu bé người Afghanistan ngước mắt lên trời nhìn con diều đang bay cao, khi em đang thả diều trên một ngọn đồi ở Kabul, 13/05/2011.


Binh sĩ Mỹ cùng nhau cắm nến trên một cỗ quan tài trong lúc tập trung để tổ chức Ngày tưởng niệm tại trụ sở Công binh lục quân Hoa Kỳ, ở Kabul, Afghanistan, 29/05/2011.


Cậu bé người Afghanistan được đẩy trên chiếc xe 3 bánh trên một con đường ở Kabul, 10/05/2011. Một bức ảnh đẹp để khép lại bộ ảnh Afghanistan, tháng 05/2011.

Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019