Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Thịt nhân tạo sẽ tốt hơn cho sức khỏe và môi trường của chúng ta?

MinhTriND
3/12/2017 11:47Phản hồi: 72
Thịt nhân tạo sẽ tốt hơn cho sức khỏe và môi trường của chúng ta?
Ngay lúc này, các nhà khoa học cũng như những doanh nghiệp đang làm việc hết công suất để hoàn thiện quy trình sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm, nhằm tạo ra loại thịt được cho là có lợi hơn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, những cải thiện này nhiều hơn bao nhiêu so với thịt bò hay thịt heo hiện tại?

Tháng 8/2013, một nhóm các nhà khoa học Hà Lan cho biết họ đã phát triển thịt bò nhân tạo dưới quy mô phòng thí nghiệm (với chi phí lên đến 330.000 USD), và thậm chí tổ chức một buổi nếm thử hương vị. Tháng 3/2016, công ty Mỹ Memphis Meats cũng cho biết họ đã tạo ra viên thịt đầu tiên trong phòng thí nghiệm, với chi phí 18.000 USD cho gần nửa kg. Những người may mắn được nếm thử cho rằng họ hầu như không nhận thấy sự khác biệt so với thịt thật.

Cả 2 nhóm đến từ Hà Lan và Mỹ đều cho rằng thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm sẽ bắt đầu xuất hiện tại các siêu thị và nhà hàng trong vòng một vài năm nữa. Và họ chắc chắn không đơn độc ở cuộc đua trong lĩnh vực này. Một công ty khác là Modern Meadow cũng có trụ sở ở Mỹ hứa hẹn sẽ phát triển thịt bò nhân tạo trong phòng thí nghiệm và bắt đầu sản xuất dưới quy mô công nghiệp cũng như phân phối nó đến các cửa hàng trong tương lai gần.

thit-nhan-tao-tinhte-02.jpg
Ảnh: Quartz

Một số người thực sự cảm thấy không đồng tình với ý tưởng tạo ra thịt trong phòng thí nghiệm, nhưng những người ủng hộ cho rằng thịt nuôi cấy có thể giúp giảm bớt những thách thức về môi trường, do nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân đối với các loại thịt truyền thống. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế ước tính nhu cầu về thịt ở Bắc Mỹ sẽ tăng lên khoảng 8% từ năm 2011 đến 2020, trong khi tỷ lệ này ở châu Âu là 7% và ở châu Á là 56%. Trong khi đó, một nghiên cứu thực hiện năm 2011 ước tính việc phát triển thịt trong phòng thí nghiệm sẽ giúp cắt giảm 99% diện tích đất cần để sản xuất thịt nướng, thịt xông khói và xúc xích.


Ngoài ra, nhu cầu về nước được cho là cũng giảm xuống đến 90%. Chưa hết, việc tạo ra thịt trong quy mô phòng thí nghiệm cũng thải ra lượng khí nhà kính gây ô nhiễm ít hơn so với khí thải phát ra trong quá trình sản xuất thị bò, lợn hay gia cầm. Tuy nhiên, không phải bức tranh màu hồng mà các nhà khoa học ủng hộ dự án này vẽ nên không có những điểm khuyết. “Thực sự vẫn còn quá sớm để nói về tác động đến môi trường của thịt nhân tạo”, Carolyn Mattick, kỹ sư môi trường tại Đại học bang Arizona cho biết.

"Tuy nhiên, những công nghệ mới thường đi kèm với cái gọi là chi phí cơ hội. Lấy xe hơi ra làm ví dụ. Đầu những năm 1900, xe hơi ra đời và có rất nhiều lợi thế so với việc đi lại bằng ngựa vốn phổ biến lúc bấy giờ. Nhưng quá nhiều xe đưa đến việc có quá nhiều khí carbon dioxide thải ra và gây nên những hậu quả như ngày nay. Nói điều này không có nghĩa là chúng ta nên loại bỏ những chiếc ô tô hay ngừng nghiên cứu thịt nhân tạo, điều cần thiết là chúng ta nên chuẩn bị để ứng phó với những hạn chế”.

thit-nhan-tao-graphic-tinhte.jpg

Mark Post, trưởng nhóm nghiên cứu ở Hà Lan từng công bố việc sản xuất thịt nhân tạo vào năm 2013, cho rằng nhu cầu về năng lượng rất có thể sẽ giảm xuống. Ông ta ví nhu cầu về năng lượng đối với việc sản xuất thịt hiện tại cũng giống như bạn cố làm sạch một cái bể chứa bằng nhiệt, thay vì có thể sử dụng xà phòng được cho là đơn giản và hiệu quả hơn. Tuy vậy, những lợi ích sức khỏe mà thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm mang lại vẫn chưa thật sự rõ ràng. Ở một vài khía cạnh, các nhà nghiên cứu cho rằng thịt nhân tạo có thể tốt hơn dành cho chúng ta. Bởi các loại thịt nhân tạo đều sẽ được sản xuất trong môi trường vô trùng, do đó sẽ tránh khỏi việc tiếp xúc với những vi khuẩn nguy hiểm.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính các mầm bệnh có trong thịt thông thường chính là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến dẫn đến các ca tử vong do thực phẩm. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn gia súc nhằm chống lại bệnh tật và giúp chúng tăng trưởng nhanh hơn, đã được xác định là nguồn gốc đưa đến sự hình thành và phát triển của vi khuẩn kháng kháng sinh, vốn rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ ước tính doanh thu đến từ thuốc kháng sinh phục vụ cho các mục đích như vậy đã tăng lên khoảng 23% từ năm 2009 đến 2014. Memphis Meats và nhóm các nhà khoa học Hà Lan hiện đang cố để sản xuất thịt bò theo cách hiệu quả hơn, đặc biệt là không cần kháng sinh vì môi trường phòng thí nghiệm là vô trùng. Ngoài ra, họ cũng sẽ không sử dụng chất thúc đẩy tăng trưởng, thứ được dùng cho gia súc ở hầu hết các trang trại chăn nuôi thương mại. Theo một báo cáo của Ủy ban châu Âu, những tác động tiêu cực của những hóa chất này lên con người có thể liên quan đến một số vấn đề như “sự phát triển, sinh học thần kinh hay tác nhân gây ung thư”. Một trong những hormone này là estradiol, đã bị cấm dùng ở các trại chăn nuôi ở châu Âu từ năm 2003 nhưng vẫn được sử dụng ở Hoa Kỳ.

thit-nhan-tao-tinhte-01.jpg
Ảnh: Futurism

Nhắc đến ung thư, mối quan hệ giữa căn bệnh này và thịt phát triển trong phòng thí nghiệm bắt đầu trở nên thú vị. Tháng 10/2015, Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC - một bộ phận của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO) công bố một báo cáo phân loại các loại thịt đỏ “có khả năng gây ung thư cho con người”, đồng thời cho rằng thịt chế biến sẵn là thứ khiến chúng ta bị ung thư. Tuy nhiên, các nhà khoa học lúc bấy giờ lại không chắc chắn về thành phần nào có trong thịt thông thường chịu trách nhiệm cho nguy cơ gây ung thư của chúng. “Không thể nhận diện được bởi có rất nhiều thành phần”, Veronique Bouvard, một trong những nhà nghiên cứu đưa ra báo cáo nói trên, cho biết.

Quảng cáo


Mặc dù vậy, cũng có một số chất khiến các nhà khoa học nghi ngờ, trong đó phải kể đến là sắt Heme, yếu tố thường được tìm thấy gần như chỉ ở trong thịt. Dạng sắt này có thể gây ra những tổn thương cho ADN và đưa đến sự hình thành của các hợp chất N-nitroso, một số chất trong nhóm này được xác định là tác nhân gây ung thư mạnh. Một nghiên cứu được thực hiện ở gần 200.000 phụ nữ sau mãn kinh cho thấy hàm lượng chất sắt heme trong chế độ ăn uống của họ có mối liên hệ mật thiết với khả năng ung thư vú. Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng từng tìm thấy mối liên hệ giữa hàm lượng sắt heme và ung thư ruột kết.

Rõ ràng, vấn đề này là một tín hiệu tốt đối với thịt được phát triển trong phòng thí nghiệm. Theo các nhà sản xuất, thịt bò hoặc thịt lợn nuôi cấy trong phòng thí nghiệm hoàn toàn không chứa sắt heme. "Tôi nghĩ việc loại bỏ sắt heme từ thịt sẽ làm cho nó trở thành một sản phẩm an toàn hơn", Graham Colditz, một nhà nghiên cứu bệnh ung thư tại Đại học Washington (Mỹ), người không có quan hệ gì với các nhóm sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm, cho biết.

Một yếu tố khác có thể sẽ không còn có mặt ở thịt nhân tạo (hoặc giảm xuống mức thấp) chính là chất béo bão hòa, thứ có khả năng làm tăng nồng độ cholesterol xấu, từ đó gia tăng nguy cơ đột quỵ hoặc mắc các bệnh về tim mạch. Axit béo omega-3 có thể sẽ là yếu tố thay thế. “Về nguyên tắc, tế bào gốc có khả năng tạo thành axit béo omega-3. Nếu có thể khai thác được bộ máy tế bào, chúng ta sau đó có thể sẽ tạo ra những chiếc hamburger tốt hơn cho sức khỏe”, Post thuộc nhóm chuyên gia Hà Lan, cho biết.

thit-nhan-tao-tinhte-03.jpg
Ảnh: Vox

Tuy nhiên, tồn tại một vấn đề là có các hợp chất gây ung thư được tìm thấy vốn rất khó để có thể loại bỏ. Trong số đó bao gồm nitrit và nitrat, những chất bảo quản thường được dùng cho các loại thịt chế biến sẵn như giăm bông và thịt xông khói. Theo ông Post, do thịt nhân tạo hoàn toàn vô trùng, thế nên nhu cầu dùng nitrat sẽ ít hơn rất nhiều. Mặt khác, nitrit và nitrat cũng được sử dụng để ngăn chặn quá trình oxy hóa trong một số thực phẩm như xúc xích, giúp chúng không bị mất màu. Xúc xích và giăm bông được tạo ra trong phòng thí nghiệm sẽ “rất giống với thịt thông thường”, bởi vẫn cần sử dụng các hợp chất để đảm bảo hình thức của thực phẩm.

Một số thành phần khác có thể vẫn sẽ có mặt trong thịt nhân tạo là các amin thơm dị vòng (HAA), Hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs). Theo báo cáo của WHO, đây là những hợp chất có khả năng tổn hại đến ADN. "Thành thật mà nói, tôi sẽ không biết làm thế nào để tác động đến HAA và PAHs trong thịt nuôi cấy", Post chia sẻ và cho rằng ông không chắc sẽ "muốn thay đổi điều đó.” Nguyên nhân là bởi vì những chất này là sản phẩm của phản ứng Maillard - phản ứng giữa carbohydrate và axit amin trong một môi trường ẩm, nóng (như nướng hoặc rang), từ đó tạo nên hương vị hấp dẫn của thịt.

Quảng cáo


“Phản ứng Maillard này rất quan trọng", Paul Breslin, giáo sư khoa học dinh dưỡng tại Đại học Rutgers (New Jersey, Mỹ) cho biết. “Chúng là gia vị trong nấu ăn, giúp cho bánh nướng, bánh mì nướng và sườn nướng có những hương vị đặc trưng riêng của riêng chúng, là thứ mà chúng ta yêu thích”. Ngoài ra, nếu loại bỏ quá nhiều chất béo, thịt sẽ bị mất nước và không còn giữ được cấu trúc của nó nữa. Nếu loại bỏ sắt heme, nó sẽ có màu vàng thay vì màu đỏ, là màu của thịt bò đã được nhóm của Post tạo ra trong phòng thí nghiệm. Nếu thêm quá nhiều axit béo omega-3 vào, thịt có thể tanh hơn.

Thịt phát triển trong phòng thí nghiệm có thể sẽ tốt hơn cho môi trường và ở một số khía cạnh nào đó, nó tốt hơn cho sức khỏe so với thịt thông thường. Tuy nhiên, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn thấy thịt nhân tạo sẽ không hoàn toàn ngon lành như thịt thông thường, và không phải là hoàn toàn không có những nguy cơ tiềm năng gây tổn hại sức khỏe. "Chúng tôi vẫn chưa giải quyết được những vấn đề đó”, Uma Valeti, người đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của Memphis Meats thừa nhận. “Nhưng chỉ trong một vài năm tới, chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu bán ra những gói protein thịt lợn, thịt bò và thịt gà với vị tương tự như thịt thông thường nhưng sạch hơn, an toàn hơn và tốt hơn so với thịt từ động vật được nuôi ở các trang trại”. Vào thời điểm đó, chúng ta mới biết được là thịt nhân tạo có thật sự ngon hay không.

Nguồn: Washington Post, Ảnh: CNBC
72 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Chắc là không được ngon và nhiều chất như thịt thật được
@Du210786 Bạn chê nhưng rồi bạn bè bạn, người thân bạn, thậm chí sau này con cái bạn vẫn chén gà công nghiệp đều đều 😆) mỳ ăn liền lúc ra đời chắc ai cũng sẽ so sánh với mỳ nặn tay, nhưng đến bây giờ thì nó là món phổ biến nhất châu Á rồi
@A Bư Bạn nên tìm hiểu thêm giáo lý Phật giáo! 😃
Ăn chay không sát sinh, không có nghĩa là bạn ko tự tay giết con gà thì bạn vẫn có thể ăn được thịt của nó. Bạn đã hiểu sai từ ăn chay rồi bạn ạ!
Ăn chay, trai giới, ăn lạt là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (trái cây, rau quả, vv..), có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản) hoặc kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ...
Chính từ Ăn chay đã nói lên tất cả!
supersheep
TÍCH CỰC
6 năm
@batmanletruc Mình không đồng ý với bác. Mình đã từng chứng kiến nhiều người bảo đồ ở quê khác gì đồ phố? Cho đến khi họ ăn thử thì tất thảy công nhận là hơn thật và đặt đồ ở chỗ đó để ăn. Mỳ ăn liền phổ biến vì tiện lợi và RẺ chứ không phải vì tốt cho sức khoẻ hay ngon. Nếu cho bạn và một người nào đó bất kỳ chọn bữa sáng giữa tô mỳ tôm và 1 tô bún, phở, hủ tiếu....mình nghĩ câu trả lời rất rõ ràng. Và mức độ dinh dưỡng cũng rất rõ ràng. Ngon có thể là định tính, vì mình cũng thích một số loại mì nhwng nói về sức khoẻ thì mỳ thua rất xa nhé, rất nhiều tác hại. Gà KFC, gà công nghiệp chưa bao giờ ngon. Không phải ngẫu nhiên bây giờ mô hình gà đồi, gà thả vườn....phát triển rất nhiều. Nhiều người chưa mua được chả qua vì nó đắt so với họ thôi. Như SV-CN suất cơm 15k lấy đâu ra gà ngon được?
Các quốc gia khác nhw Mỹ-Âu còn quay về xu hướng ăn đồ lành mạnh, ăn đồ châu Á (mà nổi nhất chắc đồ Nhật -Tàu) chứ giờ họ chán đồ ăn nhanh lắm rooi.
@batmanletruc Cũng may mắn gđ mình ko ăn nhiều những thứ đó, ở quê nên cái gì cũng phải tươi hạn chế ăn đồ chế biến sẵn và đồ ăn liền
Cái này khi phát triển, sẽ ngon hơn, nhiều chất hơn thịt bình thường. 😁
rít rồi cái gì cũng nhân tạo..mất hết cảm giác thật
VietT
TÍCH CỰC
6 năm
@uochuý1489Quốc Huy nhân tạo mà giống y như thật thì cũng trở thành thật thôi
binhtam
TÍCH CỰC
6 năm
@uochuý1489Quốc Huy Có khi nhân tạo còn ngon hơn thật, Cocacola là một ví dụ điển hình. không bàn đến việc nó không tốt cho sức khỏe nhưng rất nhiều người yêu thích hương vị của nó lắm
Bahamutzero
ĐẠI BÀNG
6 năm
@uochuý1489Quốc Huy nếu bạn không biết cái thật ntn thì cái nhân tạo sẽ là cái thật😁
huong04x3c
ĐẠI BÀNG
6 năm
Thầy tu thích điều này.
ChaIIenger
ĐẠI BÀNG
6 năm
@huong04x3c avata đẹp đó bạn
toicuatoi87
ĐẠI BÀNG
6 năm
nếu đây là thịt nhân tạo thì những ng ăn chay họ có đc k ta? (như thầy chùa chẳng hạn) vì họ có ăn thịt này cũng đâu có sát sanh đâu?
Hoa Lam
ĐẠI BÀNG
6 năm
@toicuatoi87 Vậy ông tự nghĩ nếu là ông thì ông có ăn không?
@toicuatoi87 người ta ăn chay để tu tâm. nhiều người tu hành ăn thịt uống rượu ầm ầm nhưng tâm họ rất trong , trong hơn rất nhiều nhà sư miệng ăn giả thịt , niệm một bồ quan âm đó.
Thien Quoc
TÍCH CỰC
6 năm
@Gabriel le Ra hàng đồ chay, thấy có cả tiết canh chay kìa. Ăn cái đó vị là chay nhưng tâm là mặn á!
ituni
ĐẠI BÀNG
6 năm
@toicuatoi87 Các món chay giả mặn cũng là không sát sinh. Tuy nhiên, nó dễ dẫn tới việc không tịnh (quán bất tịnh), là vì hương vị, mùi vị, cảm giác...
Người tu cao rồi thì không vấn đề gì (chẳng hạn như tâm họ đã thật sự thoát khỏi điều đó, có cho đồ ăn gì thì cũng như nhau...), nhưng những người tu bình thường, những Phật Tử tu chưa tới đâu thì e là không tốt.
Tất nhiên là rất nhiều người tu chưa tới đâu nhưng thường ngụy biện bằng câu Tu tại Tâm, quan trọng là Tu Tâm, v.v... Nếu đã tu cao thì không nói làm gì 😁
1 ngày nào đó ăn thịt vị người sẽ không còn là tội ác nữa
@music_editor_9x Thay vì lấy mô lợn làm thịt lợn nhân tạo, lấy mô người làm thịt.. nhân tạo, ăn thử cảm giác mới lạ xem 😁 :D
khoa8523
TÍCH CỰC
6 năm
@music_editor_9x Mua cái ống chích về nhà rút ra 300ml nấu cháo huyết ăn thử cho nhanh 😁
thịt sạch là đây
Tẩm ướp gia vị vào ăn vẫn ngon như thường là được.
bắt đầu giống phim hoạt hình rồi đó! :p

poster.medium.jpg
vậy đi cho lành. bữa có đi tham quan một "quy trình" giết mổ mà giờ vẫn còn thấy lợm giọng mỗi khi ăn thịt heo 😔
@thedeath1883 Đa số người thường khi thấy cảnh giết mổ, chăn nuôi, quy trình tiêu hủy động vật không đạt chuẩn... đều thấy lợm khi ăn thịt hết thôi bác.
Bần tăng thích điều này còn các thí chủ thì sao.....
Làm gì thì làm đừng để TQ và các thương nhân VN hám lợi làm thịt nhân tạo chứa một đống hoá chất là đc
Ủng hộ điều này. Văn minh đi cùng với việc hạn chế giết hại động vật.
Ngay cả Bill Gates cũng đang tài trợ cho dự án làm trứng gà từ thực vật. Tinhte mấy năm trước có đăng.
chúng ta sẽ ăn chay wow

Đọc truyện này, hay vãi xoài, bio meat nectar, chủ đề về thịt nhân tạo đấy các bác.
Ăn thịt công nghiệp đã ngán lắm rồi. Loại này ăn chắc chỉ đủ chất
K làm đau con vật, thế thì hay😁
Thien Quoc
TÍCH CỰC
6 năm
@ĐứC Nhữ Đaik Tạo ra một con heo chỉ có bản năng ăn, không có não hay hệ thần kinh là xong. Ăn và ăn thôi
@Thien Quoc Ăn & thải & sih sản(nhân bản dc mải k nhà k.học?) Nua chứ
Thien Quoc
TÍCH CỰC
6 năm
Hồi đó có xem một truyện tranh về đề tài này. Người ta tạo ra con gì đó mà ăn mọi thứ, cả rác thải, hình như chỉ có cao su không ăn, nó to lên là làm thịt, ăn rất ngon. Sau này con đó nó thoát ra, ăn sạch cả con người. Cảm giác cái thịt nhân tạo này thực ra về cơ bản cũng vậy. Họ lấy tế bào của thịt thật (heo, bò, gà) sau đó cho sinh sản vô tính để nhân ra. Về cơ bản là bỏ giai đoạn hình thành sinh vật để tránh cái cảm giác giết chóc mà thôi chứ vẫn phải tốn năng lượng để cho tế bào phát triển (giống như cho gia súc ăn). Sản xuất ít thì không sao, sản xuất công nghiệp thì thật ra làm cách tạo sinh vật ăn nhiều mau lớn lại hiệu quả hơn. Heo chẳng phải là gia súc cơ bản của con người cũng là vì thế sao, hay ăn, chóng lớn, thịt dễ chế biến. Bây giờ tạo ra con heo, ngày ăn 100kg thức ăn, chỉ mất 3 ngày là lớn tầm 100kg, xuất chuồng. Để an toàn thì làm sao để nó chỉ ăn 1 số loại thức ăn nhất định là được, chứ cái gì cũng ăn là toi luôn.

Ngày xưa có đọc một dự án của Nga (khi đó còn là Liên Xô) nghiên cứu 1 loại tảo biển, cái gì cũng ăn (dĩ nhiên chủ yếu là vi sinh), phát triển như tên bắn, giá trị dinh dưỡng cao... kết quả là nó tự diệt nó, ăn quá nhanh, ăn sạch sinh vật trong tầm di chuyển nên trước khi kịp di chuyển qua chỗ mới đã chết vì đói. Chưa kể chưa kịp ăn nhiều đã mau chóng bị một số sinh vật khác phát hiện là món ngon nên bị xử luôn. Rồi một dự án khác của Nhật tạo ra tảo ăn mọi thứ nhưng thải ra một chất giống dầu, Nhật lúc nào cũng ám ảnh thiếu nhiên liệu mà. Có điều dự án này chỉ dừng ở mức thí nghiệm, không thấy nói gì đến đưa ra thực tế.
Loạn hết rồi @@

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019