Tiền kỹ thuật số - Tương lai của thanh toán không dùng tiền mặt

VioletSumer
26/5/2019 23:20Phản hồi: 1
Thấy bài “Ra mắt ngày không dùng tiền mặt 16/6,… của ndminhduc” nên mình cũng ngứa nghề viết một bài về vấn đề không dùng tiền mặt trong thanh toán.
Đầu tiên để tránh bị các thánh hài troll thì mình nói sơ khái niệm tiền mặt. Tiền mặt ở đây là các dạng tiền giấy, tiền polyme và tiền xu, chứ không phải đưa mặt ra ghi nợ nha.
Trong bài viết này mình sẽ cố gắng diễn giải cho đại đa số người đọc hiểu được bản chất của tiền kỹ thuật số. Để hiểu rõ tiền kỹ thuật số thì đòi hỏi bạn có kiến thức về cả tài chính và công nghệ thông tin, cụ thể là kiến thức về tiền tệ và công nghệ lưu trữ dữ liệu.
Xin mạn phép đi ra ngoài lề chủ đề một chút nhưng mình thấy cần thiết vì đây là hiện tượng đang phổ biến, đó là tình trạng đa cấp tiền ảo. Mình thấy nhiều người nhầm lẫn và có cái nhìn không thiện cảm về đa cấp, thực ra đa cấp là một hình thức bán hàng giống như hình thức bán hàng hiện tại, công ty bán hàng cho nhà phân phối, nhà phân phối bán lại hàng cho đại lý cấp 1, đại lý cấp 1 tiếp tục bán hàng cho đại lý cấp 2,… cuối cùng là đến tay người tiêu dùng. Tương tự như vậy, đa cấp là hình thức bán hàng y như hình thức bán hàng truyền thống. Lợi thế lớn nhất của bán hàng đa cấp so với bán hàng truyền thống đó là đa cấp không tốn nhiều chi phí mặt bằng và quảng cáo. Như vậy tất cả các sản phẩm, dịch vụ đều có thể sử dụng hình thức đa cấp để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng, do đó đa cấp không xấu cũng không tốt và hình thức bán hàng đa cấp sẽ còn tồn tại dài, đặc biệt trong điều kiện kinh tế của Việt Nam như hiện nay.
Tiền ảo và tiền kỹ thuật số có phải là một không? Do cách gọi vắn tắt nên thường người Việt Nam gọi tiền kỹ thuật số là tiền ảo, nhưng chính cách gọi vắn tắt này khiến cho tiền kỹ thuật số mang bộ mặt xấu. Vì trong tiếng việt thì từ “Ảo” thường mang nghĩa xấu giống như “sống ảo”… là những gì không có thật, không sử dụng được.
Trở lại với chủ đề chính, để cho người đọc hiểu rõ về tiền kỹ thuật số (Cryptocurrency) trước tiên tôi sẽ sơ lược lại lịch sử tiền tệ: dầu tiên là hình thức trao đổi hàng - hàng ( người A có nhu cầu sử dụng sản phẩm của người B, và ngược lại người B cũng có nhu cầu sử dụng sản phẩm của người A, thế là hai người trao đổi trực tiếp với nhau). Kế đến là hình thức hàng - hàng - hàng ( Lúc này có một sản phẩm đóng vai trò trung gian làm cầu nối để trao đổi hàng hoá). Chắc do hàng hoá cồng kềnh, vận chuyển tốn nhiều công nên người xưa thay thế nó bằng vàng, bạc. Vàng, bạc mà cầm 1 hoặc 2 lượng chọi nhau thì không có vấn đề gì nhưng vài ngàn lượng thì nặng lắm thế là người xưa tạo ra ngân phiếu. Về bản chất ngân phiếu là một biên nhận gửi đồ (ở đây là vàng, bạc). Hồi nhỏ, chúng ta xem phim kiếm hiệp, thỉnh thoảng gặp cảnh mang ngân phiếu đến tiền trang nhưng không thể lấy được vàng hay bạc, một trong những nguyên nhân chính đó là ngân phiếu giả (ngân phiếu không phải do tiền trang phát hành). Phát triển hơn là tiền giấy, tiền polyme hiện nay, về bản chất đây là một tờ giấy có ghi một lượng giá trị và được nhà nước bảo hộ. Để không bị làm giả, nhà nước sử dụng các loại nguyên liệu đặc biệt nhưng thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp tiền giả vì trình độ của hacker tiền phát triển hơn nhà nước.
Cuối cùng là hình thức thanh toán online hay quẹt thẻ, chắc đa số thành viên tinh tế đều có tài khoản ngân hàng và ít nhất một lần thực hiện chuyển khoản từ tài khoản của mình đến tài khoản người khác hay đi ăn với bạn gái quên mang tiền mặt và dùng thẻ thanh toán. Chuyển khoản hay quẹt thẻ, về bản chất đó chỉ là việc ghi chép thông tin số tiền ra vào của tài khoản. Ví dụ như bạn chuyển khoản cho ai đó thì trong tài khoản của bạn bị giảm số tiền chuyển + phí, còn tài khoản bên nhận sẽ tăng lên đúng số tiền mà bạn chuyển. Một nhược điểm của việc thanh toán online hay quẹt thẻ mà liên quan công nghệ thông tin, ví dụ như hệ thống nâng cấp, hay nhiễm virus thì người dùng lúc này không thực hiện được giao dịch. Tệ hơn nữa là hacker xâm nhập, chỉnh sửa thông tin giao dịch, khiến cho số tiền không đến đúng nơi. Do thông tin lưu trữ trong hệ thống ngân hàng thay đổi nhưng người dùng lại không có gì chứng minh là đã thực hiện đúng thao tác.
Chính những nhược điểm trên của hình thức thanh toán thông qua ngân hàng hiện tại làm nổi bật tiền kỹ thuật số. Về bản chất tiền kỹ thuật số cũng là một hình thức ghi sổ nhưng sử dụng công nghệ blockchain, nghĩa là các thông tin về giao dịch giữa các tài khoản, tài khoản mới được tạo và tài khoản cũ bị xoá,.. trong một khoảng thời gian định sẽ tạo thành một khối (gọi là block), khối sau sẽ được tạo dựa trên các dữ liệu của khối trước và nối tiếp nhau tạo thành chuỗi (gọi là chain) và các dữ liệu này được mã hoá theo các phương pháp khác nhau mà chúng ta gọi là thuật toán như SHA256, Ethas, Equihash,… Đây là ưu điểm của tiền kỹ thuật số so với hình thức thanh toán qua ngân hàng, hacker sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì ngoài việc giải mã thì có một vấn đề đó là nếu thay đổi thông tin của một khối thì toàn bộ các khổi phía sau nó thay đổi. Tuy nhiên không có gì là tuyệt đối, tiền kỹ thuật số cũng gặp phải đó là tình trạng tấn công quá bán (tấn công 51%) và những nhóm phát triển đang phát triển công nghệ để đối phó với tình trạng này (nếu có cơ hội tôi sẽ viết riêng một bài về vấn đề này).
Tiếp tục, tiền kỹ thuật số có 2 dạng chính đó là phi tập trung và tập trung. Tiền kỹ thuật số phi tập trung phát triển mạnh hơn so với tiền kỹ thuật số tập trung. Sự phân biệt này dựa vào cách mà thông tin được lưu trữ. Tiền kỹ thuật số phi tập trung, là các thông tin về giao dịch,.. được lưu trữ tại tất cả các ví và node, điển hình là Bitcoin, ethereum, zcash, Monero,… Tiền kỹ thuật số tập trung thì các thông tin giao dịch được lưu giữ tại một hoặc một số điểm nhất định, thường thì do tổ chức phát hành tạo ra, điển hình thì có Ripple, USDT. Ưu điểm của hình thức tập trung so với phi tập trung là sự bảo đảm chuyển đổi giữa tiền giấy và tiền kỹ thuật số do tổ chức phát hành ra. Còn ưu điểm của tiền kỹ thuật số phi tập trung là sử dụng cơ sở hạ tầng của cộng đồng nên tốc độ chuyển tải nhanh. Và đặc biệt đó là tình trạng lạm phát, lũng đoạn tiền kỹ thuật số khó xảy xả đối với hình thức phi tập trung, đây có lẽ là nguyên nhân chính mà các tổ chức tạo ra đồng tiền kỹ thuật số chọn hình thức phi tập trung.
Quay trở lại vấn đề quẹt thẻ ngân hàng, sau mỗi lần quẹt thẻ thì chủ thẻ sẽ được đưa lại một hoá đơn xác thực việc thanh toán. Nhưng vô tình, bạn làm mất hoá đơn đó và khi cần đối chiếu thì sao, và không lẽ cứ tích tụ hoá đơn đó cho đầy ví? Và chuyện gì xảy ra khi có hoá đơn thanh toán mà tài khoản người nhận chưa có tiền? Tương tự vậy chuyện gì xảy ra trong tiền kỹ thuật số, làm sao để biết rằng người gửi đã gửi và người nhận đã nhận được. Các nhà lập trình đã tạo ra một mã mà trong tiền kỹ thuật số gọi là Tx (tôi tạm gọi là mã gửi tiền). Khi tạo ra một giao dịch từ tài khoản A đến tài khoản B (cách gọi này chưa chính xác, nhưng ở đây chúng ta tạm chấp nhận trước), thì sẽ phát sinh một mã gửi tiền và mã này là duy nhất trong hệ thống. Người gửi và người nhận có thể dùng mã này kiểm tra tình trạng giao dịch, cụ thể như sau: giao dịch được khởi tạo -> đang trong quá trình chuyển -> hoàn tất. Như vậy việc gian dối hay tạo giao dịch giả sẽ khó thực hiện đối với tiền kỹ thuật số.
Sau khi đọc gần 2 trang A4, sẽ nhiều bạn thắc mắc “Tiền kỹ thuật số - tương lai thanh toán không dùng tiền mặt” ở đâu. Vâng để cho bạn dễ hình dung, tôi sẽ lấy ví dụ
*Ví dụ đầu tiên là bạn đi xe bus, thay vì trả bằng tiền mặt và lấy vé như hiện nay thì bạn có thể dùng tiền kỹ thuật số được để trong điện thoại thanh toán và nhận được mã gửi tiền xem như là vé (về mặt xã hội sẽ đỡ được một phần chi phí in vé) và cũng dễ dàng kiểm soát tình trạng không gian lận (người đi xe trả tiền nhưng nhân viên không xé vé).
*Ví dụ thứ hai: bạn đi mua sắm, thay vì quẹt thẻ và lấy hoá đơn thì bạn có thể sử dụng tiền kỹ thuật số, giống như hiện nay công nghệ chạm để thanh toán đang phát triển mạnh như samsung pay, google pay, apple pay.
Tiền kỹ thuật số là một lĩnh vực mới, cạnh tranh trực tiếp với tiền mặt và đặc biệt đó là tình trạng phi tập trung khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn nên Chính phủ các nước không mặn mà cho lắm. Nhưng trong tương lai, khi Chính phủ các nước đủ khả năng quản lý thì tiền kỹ thuật số sẽ thay thế tiền mặt và lúc này hình thức thanh toán tiền mặt phổ biến.
Lần đầu tiên viết bài, xin anh em nhẹ tay. Nếu có ném đá thì cứ ruby, kim cương mà ném nha./.
1 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Viết hay đấy. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu loại tiền nào tiềm năng nhất thì xem bài này và góp ý kiến giúp nhé http://vietriches.com/2020/06/04/tien-ao-nao-tiem-nang-nhat-nam-2020/

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019