Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Tìm hiểu về âm nhạc dân gian nước Anh

AudioPsycho
28/8/2019 5:11Phản hồi: 28
Tìm hiểu về âm nhạc dân gian nước Anh
Âm nhạc truyền thống Anh Quốc thường được liên tưởng với hình ảnh những cánh đồng xanh tươi êm đềm cùng "người nông dân Anh" làm việc và ca hát. Có thể cũng vì điều này mà âm nhạc truyền thống của nước Anh có mối quan hệ khá "sắt đá" với chính quê hương của nó trong thời buổi hiện đại. Từ một quốc gia có nền văn hóa âm nhạc hàng đầu, được xem là phát triển nhất trong văn hóa âm nhạc đại chúng của châu Âu và giúp hình thành thể loại "World Music", đất nước này giờ đây đang xem các di sản văn hóa âm nhạc của mình là thứ gì đó đã lỗi thời, khiến chúng dần dần thui chột đi.

Tuy vậy cũng đã có rất nhiều những phong trào ủng hộ hồi sinh âm nhạc truyền thống Anh, và cho dù vị trí của nhạc truyền thống Anh trong hạng mục "World Music" vẫn chưa thể bằng người hàng xóm Ireland, ngày càng nhiều người bắt đầu chú ý và tìm hiểu về nó hơn. Xét về nhiều khía cạnh, nhạc truyền thống Anh hiện nay trong phân mục "World Music" vẫn sở hữu những nét riêng mang tính "bảo thủ", không chịu các ảnh hưởng du nhập hay đồng hóa từ những phong cách nước ngoài. Nói cách khác, nó hầu như vẫn giữ được "tính Anh Quốc" nguyên bản nhất từ xưa đến nay.

Đôi nét về nước Anh


tinhte-Music-of-England-2.jpg

Bản đồ England và xứ Wales (thế kỷ 18)


Nằm trên quần đảo Anh ở rìa phía tây bắc châu Âu, Anh là quốc gia lớn nhất trong 4 quốc gia cấu thành United Kingdom. Đất nước này có dân số khoảng hơn 50 triệu với diện tích 130.000 km2, chia thành 48 quận. Thành phần dân tộc phần lớn là người da trắng, pha trộn từ gốc Briton, Celtic, Roman, Germanic, Đan Mạch hoặc Norman. Ngoài ra còn có các nhóm dân tộc thiểu số da đen, châu Á và dân tộc thiểu số định cư từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Commonwealth (một tổ chức liên chính phủ bao gồm chủ yếu là các thuộc địa cũ của Đế quốc Anh bị giải thể). Ngôn ngữ dĩ nhiên là tiếng Anh, tuy nhiên cũng có thêm một số ngôn ngữ của các nhóm dân nhỏ như Bengal, Gujarati, Hindi, Punjabi, Quảng Đông, Ý, Ba Lan , Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Tôn giáo ở đây là Giáo hội Anh, nhưng phần lớn dân số chọn chủ nghĩa vô thần hoặc thuyết bất khả tri, hay các tôn giáo khác như Hồi giáo, Ấn giáo và Do Thái. Anh có dân số đô thị khoảng hơn 80%.

Lịch sử văn hóa

Hơn 10.000 năm trước, khi các tảng băng của kỷ băng hà cuối cùng biến mất, người homo sapiens bắt đầu định cư ở Anh và tạo ra những dấu vết sống lâu đời nhất của nước Anh cổ đại (khoảng 5.000 năm trước), trong đó có Stonehenge. Các bộ lạc Celtic từ miền Trung Pháp di cư vào khu vực và chung sống với người dân bản địa sau đó hòa nhập các khác biệt văn hóa (thế kỷ 2 - 1 BCE). Người La Mã chiếm các hòn đảo và đặt tên chúng là Britannia, chinh phục cả các vùng đất mà hiện nay là nước Anh và xứ Wales (thế kỷ 1 CE) và lập Hoàng đế Hadrian. Họ bảo vệ biên giới phía bắc của mình bằng cách xây dựng một bức tường dài để giữ vùng Picts (hiện nay là Scotland). Người La Mã cũng xây dựng rất nhiều thị trấn và hệ thống đường đi, làm nền tảng cho hầu hết các thành phố Anh ngày nay (như Chester, Colchester, Lancaster, London, Manchester, St Albans, York). Khi đế chế La Mã tan rã (thế kỷ 5), các bộ lạc Celtic ở Anh rơi vào nội chiến và sau đó bị những bộ lạc khác của người Đức chinh phục rồi đưa dân của họ vào xứ Wales và Cornwall nhằm chia chác chiến lợi phẩm. Một loạt các vương quốc mới xuất hiện gồm East Anglia, Essex, Kent, Mercia, Northumbria, Sussex và Wessex. Sau đó người Đan Mạch cũng chiếm lấy bờ biển phía đông bắc và thành lập vương quốc Danelaw của riêng mình, đồng thời cũng tấn công Pháp và lập tước Công tước xứ Normandy.

tinhte-Music-of-England-3.jpg
Stonehenge
Lực lượng Wessex chiến đấu và ngăn chặn phía Danelaw tuy nhiên các cuộc xâm lược tiếp theo từ người Viking ở phía bắc và người Norman ở phía nam ngày càng trở nên nhiều hơn, dẫn đến chiến thắng của trận Battle of Hastings (1066) và lập Norman William the Conquerer thành King of England. Ngôn ngữ chính được chuyển thành Norman French và King of England thiết lập chế độ phong kiến phân chia đất đai cho các quý tộc thân cận của mình, đó là lý do vì sao rất nhiều các tòa lâu đài nhanh chóng mọc lên.

Nước Anh thời trung cổ (1066-1485) rất đặc trưng với các vụ ám sát và tiếm quyền, cũng như các xung đột chống lại người Scotland, các cuộc nội chiến hay sự bùng phát của bệnh dịch (Black Death) đã quét sạch khoảng một phần ba dân số ở đây. Ngoài ra còn các bất ổn dân sự như Khởi nghĩa nông dân (1381) và các cuộc thập tự chinh vào Thánh địa. Sau cuộc chiến Hundred Years War với Pháp (thế kỷ 14 -15), tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức. The Wars of the Roses tạo ra kỷ nguyên Tudor với vị quốc vương nổi tiếng Henry VIII (1509-1547). Ông thông qua Act of Union (1543), thống nhất Anh và xứ Wales, đưa Ireland về dưới dưới vương quyền của mình. Henry VIII cũng quốc hữu hóa tất cả các tu viện khiến ngân khố quốc gia trở nên vô cùng giàu có vô cùng. Ông còn là người phát động phong trào thám hiểm và giao thương ngoài phạm vi châu Âu.

Giai đoạn tiếp theo là những căng thẳng tiếp diễn giữa đạo Tin lành và Công giáo, bao gồm vụ Counter-Reformation với kết quả đẫm máu, Guy Fawkes thất bại Gunpowder Plot, Nội chiến Anh (thế kỷ 16 -17) và Oliver Cromwell (1653-1658) thành lập nước cộng hòa Thanh giáo (nhưng không tồn tại lâu). Điều này nói chung dẫn đến một số cải cách quốc hội như thành lập các đảng Whig và Tory, hay sự bắt đầu của kỷ nguyên văn học hoàng kim với các sáng tác của William Shakespeare. Act of Union lần 2 (1707) hợp nhất Scotland với Anh và xứ Wales, còn Act of Union lần 3 (1800) đưa Ireland vào Vương quốc Anh. Thông qua East India Company, lãnh hải của Anh mở rộng một cách chóng mặt (thế kỷ 17 - 20) và với những chiến thắng rất vẻ vang như The Seven Years War (1754-1763) hay Napoleonic War (1803-1815), Đế quốc Anh chính thức sở hữu lãnh thổ lớn nhất thế giới, trải dài cả 6 lục địa.

Đế quốc Anh làm giàu cho bản thân bằng cách cướp bóc tài nguyên thiên nhiên và khai thác lực lượng lao động toàn cầu (trong đó có cả buôn bán nô lệ), đồng thời cũng ngang nhiên xem văn hóa của các dân tộc khác là "man rợ", xem các nền văn hóa này như những trò tiêu khiển chứ không hề có chút giá trị tôn trọng nào.

Quảng cáo



Cuộc cách mạng công nghiệp (thế kỷ 18 -19 ) đã thúc đẩy sự phát triển của các thị trấn và thành phố công nghiệp hiện đại, hình thành các trung tâm ở Trung du và miền Bắc bao gồm Birmingham, Liverpool, Manchester và Sheffield. Victoria Age (1837-1901) đánh dấu sự công nghiệp hóa mạnh mẽ nhất, mang lại những thay đổi kinh tế xã hội và làm gia tăng đáng kể bất bình đẳng giàu nghèo, từng được phản ánh rất chân thực trong các tác phẩm văn học của Charles Dickens và Friedrich Engels. Những bất bình đẳng đó còn gieo mầm cho các phong trào chính trị - xã hội (Công đoàn, Đảng Lao động, Suffragettes) và các tổ chức chống đàn áp, từ đó xúc tiến các cải cách xã hội đối với quyền cá nhân, ví dụ như ngày này là quyền bầu cử, giáo dục phổ cập, quyền của người lao động, tự do xã hội, chứng khoán xã hội, tự do báo chí, quyền thi hành nghĩa vụ luật pháp...)

Công nghiệp hóa đại chúng phát triển tuy nhiên vẫn có sự tồn tại của chủ nghĩa lãng mạn văn học, nổi bật với các tác phẩm dân gian truyền thống được gọi là folklore (khái niệm này được đặt ra bởi nhà văn học dân gian WJ Jones - 1846) với các ảnh hưởng chủ yếu từ chủ nghĩa lãng mạn Đức, nói về das Volk (một dạng tinh thần con người và quốc gia). Lịch sử Anh hiện đại còn bị chi phối bởi 2 cuộc chiến tranh lớn là The Great War (1914-1918) và Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Cho dù Anh đứng trong hàng ngũ những người chiến thắng, đất nước này vẫn bị tàn phá khủng khiếp và các thuộc địa của nó cũng vậy, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người cũng như làm kiệt quệ kinh tế. Sau mỗi cuộc chiến luôn là các cải cách xã hội và chính trị mới, bao gồm quyền bầu cử phổ quát cho cả 2 giới và kêu gọi xóa chế độ thực dân. Đế quốc Anh sau đó tan rã và hầu hết các thuộc địa cũ trở thành một phần của khối British Commonwealth. Từ đó đến nay, Anh chủ yếu phi công nghiệp hóa theo hướng kinh tế dịch vụ và đa dạng hóa nhập cư vào các thành phố lớn, tuy nhiên chủ yếu vẫn từ các nước trong khối Commonwealth. Nền văn hóa và chính trị cũng phát triển theo hướng đa văn hóa.

Văn hóa âm nhạc

Nguồn gốc, sự đổi mới và hồi sinh


Âm nhạc truyền thống Anh thường được mô tả như một truyền thống mục vụ (pastoral) không thay đổi suốt hàng trăm năm, nói cách khác là hiện thân của sự tiếp nối văn hóa từ một hòn đảo đã thoát khỏi xiềng xích xâm lược từ năm 1066. Yếu tố dễ thấy nhất của truyền thống âm nhạc Anh khi so sánh với những nền âm nhạc truyền thống ở nhiều nơi trên thế giới chính là nó rất ít bị ảnh hưởng từ văn hóa ngoại lai. Mặt khác, nó biến chuyển theo những thay đổi của nền kinh tế xã hội nội bộ. Âm nhạc dân gian Anh chú trọng phản ánh đời sống và con người cũng như văn hóa nông thôn chứ không liên quan nhiều đến văn hóa đô thị (bài hát của những người hát rong trên phố Victoria) hay tư tưởng chính trị (các cuộc nổi loại hay chống đối). Đó là lý do vì sao ngoài truyền thống mục vụ của nó, chúng ta còn phải xét đến cái cách mà nó được tái hiện theo chủ nghĩa dân tộc, hay gần đây hơn là các phong trào quốc tế.

Peasant folk: âm nhạc của những người nông dân

Quảng cáo



Những bài dân ca truyền thống của Anh (folksong) có xuất xứ lâu đời mãi từ thời Anglo-Saxons (thế kỷ 5 - 9). Một số tài liệu nghiên cứu có nhắc đến những điệu hát hay điệu nhảy bản địa được biểu diễn trong các buổi tiệc, nhạc đánh bằng đàn harp và các câu hát có nội dung về những câu chuyện dân gian địa phương. Các giai điệu này có thể đã được bảo tồn và sử dụng trong suốt thời Trung cổ, đặc biệt là việc sử dụng đàn harp làm cho phần trình diễn trở nên sang trọng hơn, phù hợp với giới quý tộc và vua chúa. Các tài liệu nghiên cứu này tuy nhiên chỉ dừng ở mức suy đoán, do tất cả thông tin đều là truyền miệng và không có cách nào để chứng thực.

Khoảng cuối thế kỷ 16, âm nhạc truyền thống Anh được nhận diện rõ nét hơn với các câu hát và điệu nhảy dân dã, được xem như là môn nghệ thuật dành cho tầng lớp hạ lưu. Chúng trở nên phổ biến trong các buổi hội hè ở nông thôn hay các sự kiện ăn mừng mùa màng.

tinhte-Music-of-England-4.jpg
Sea-shanty

Nhạc folk tuy nhiên không được sử dụng trong các hình thức trang trọng thiêng liêng do Giáo hội cho rằng nội dung của nó quá tục tĩu, thay vào đó chỉ sử dụng các nhạc phẩm có tính chất sùng bái tôn giáo hoặc mang tính chất cầu nguyện. Ca hát cũng không phải là loại hình văn hóa gì quá lớn lao, ai thích thì họ hát, thế thôi. Những người nông dân thường hát khi làm việc để thời gian trôi qua nhanh hơn, hay các thủy thủ cũng ngân vang những bài ca biển cả khi giong buồm. Âm nhạc thời kỳ này rất tự do và được sáng tác với nhiều âm điệu, nhịp điệu đa dạng nhằm phù hợp với các nhu cầu hay hoàn cảnh khác nhau. Điển hình có thể đề cập đến các bài hát dành cho trẻ em với lời hát là các câu đố, tục ngữ, chuyện lịch sử hay thần thoại, đi kèm cùng giai điệu vui tươi và dễ nhớ giúp nâng cao yếu tố giáo dục. Nhiều tác phẩm giáo dục được bảo tồn và sử dụng cho đến ngày nay như Baa Baa Black Sheep, London Bridge is Falling Down hay Mary Mary, Quite Contrary. Ngoài ra cũng có các bài ballad tình tứ viết từ lời thơ để phục vụ cho nhu cầu giải trí.

tinhte-Music-of-England-5.jpg
Tommy's Pretty Songs of Thumbs
Các điệu nhảy cũng được biểu diễn trong những lễ hội ở nông thôn và được hưởng ứng nhiệt liệt, không phải vì chúng có "tính nghệ thuật cao" hay gì hết mà đơn giản là vì sự vui tươi và náo nhiệt mà chúng mang lại. "Vũ điệu barn" bắt đầu xuất hiện với các nhóm nhảy không chuyên chính là những người nông dân, chủ yếu ở độ tuổi cập kê. Các màn nhảy đơn theo ngẫu hứng cũng trở nên phổ biến hơn, không chỉ trong các lễ hội nông thôn mà trở thành một loại hình giải trí không thể thiếu ở các quán rượu hay tiệc kín. Một số điệu nhảy còn được giới quý tộc "lượm lặt" về để sử dụng cho tầng lớp của mình, cho phép biểu diễn trong cả những sự kiện lớn và được xem như nét văn hóa tiêu biểu riêng của người Anh.

tinhte-Music-of-England-6.jpg
The English Dancing Master

Các nhà xuất bản âm nhạc bắt đầu tìm kiếm và thu nhặt các điệu nhảy dân gian sau đó cho in chúng thành sách để bán cho giới thượng lưu, lấy các tiêu đề rất kêu ví dụ như The English Dancing Master: Plaine và Easie Rules for the Dancing of Country Dance, with the Tune to each Dance (1651). Nhiều nhà sử học cũng nghiên cứu và cho rằng thời điểm này còn có sự hiện diện của 1 hình thái âm nhạc trừu tượng lấy phong cách ngẫu hứng làm chủ đạo trong cả tiếng nhạc và điệu nhảy. Tuy nhiên như nói trên đây chỉ là suy đoán và không thể chứng minh được tính chính xác của nó.

Điệu sung ballad được biểu diễn theo phong cách hát ngâm hay hát nhè nhẹ, và người hát phải truyền tải giai điệu một cách đồng nhất cho từng phân đoạn riêng (tương tự với việc sáng tác từng khổ thơ). Folksong lúc này có thể chưa tồn tại, hoặc nếu có thì cũng không giống với khái niệm folklore hiện nay. Trở lại với sung ballad, không có tài liệu cụ thể nào nói về thể loại này ngoài những thông tin truyền miệng, do đó khó có thể đảm bảo tính xác thực của thông tin được cung cấp. Điều này là vì nhiều cộng đồng khác nhau sẽ có cách diễn đạt cũng như quan điểm riêng biệt, một điệu hát có thể sẽ được truyền tải bằng nhiều cách và ít khi giống hoàn toàn với bản gốc.

Khoảng cuối thế kỷ 16, các tập bài hát bắt đầu được in và phát hành. Các phần biểu diễn sung ballad chủ yếu chỉ gồm 1 nghệ sỹ solo chứ ít khi là cả nhóm (do hình thức này được xem như là một kiểu kể chuyện và truyền đạt cảm xúc). Tuy vậy vẫn có thể có tiếng đàn làm nền cho giọng nghệ sỹ biểu diễn, giúp cảm hứng trở nên hài hòa hơn. Nội dung của ballad chủ yếu để kể chuyện hay đề cập về các vấn đề tình cảm, lấy ví dụ với các bài thơ nói về anh hùng Robin Hood lấy của người giàu chia cho người nghèo, hay The Miller and His Lass kể về tình yêu và các mất mát. Phần nhiều chúng cũng được sử dụng để truyền bá các vấn đề đời sống hàng ngày, lan truyền tin đồn hay các vụ bê bối, hoặc chế giễu. Một số bài ballad cũng được viết về đề tài chính trị, tuy nhiên không được lan truyền nhiều. Về đề tài chiến tranh, cũng có những bài ballad kể về sự đau thương hay đổ nát, hoặc trái ngược là cổ vũ quân đội, điển hình là những câu hát ballad mừng chiến thắng của Đại úy John Gwyn trong trận Battle of Hastings.

Nhiều bản ballad ngụ ngôn được dùng để trấn an người dân (hoặc ngược lại là cổ vũ nổi dậy) trong các giai đoạn chính trị rối ren. Một trong những bài hát biểu tình sớm nhất có các lời trích từ bài diễn văn của linh mục John Ball đã tạo nên cuộc nổi dậy Peasants' Revolt (1381). Những người nông dân đã hát vang bài hát này khi họ diễu hành trên đường phố London. Nói thêm về đề tài Robin Hood, đầu tiên trong các bản ballad người ta chỉ nhấn mạnh nhân vật này là một nghệ nhân tài năng, sau đó dần dần chuyển thành câu chuyện người anh hùng ngoài vòng pháp luật chuyên giúp đỡ người nghèo.

Các điệu nhảy cũng được biến chuyển sao cho bắt mắt hơn nhằm tiếp cận rộng rãi với nhiều tầng lớp khán giả khác nhau. Không như lời bài hát và giai điệu luôn được thể hiện một cách rõ ràng, các điệu nhảy có phần mơ hồ và trừu tượng hơn, nhưng không đến mức làm khán giả cảm thấy khó thưởng thức. Điệu nhảy cũng được đệm nhạc cụ để gây hứng thú với người xem, chủ yếu bằng các loại nhạc cụ như fiddle, fipple-flute, mouth-organ, bagpipes, bộ gõ và tambourine, trống con... hoặc từ cả tiếng đệm vỗ tay hay nhịp chân. Nhạc điệu folk nói chung khá dễ nghe do thường có tiết tấu chậm và thư thái, đôi khi cũng được ngẫu hứng để gây bất ngờ cho khán giả.

tinhte-Music-of-England-7.jpg
Morris dancing
Những điệu nhảy dân gian phổ biến gồm có hornpipe, jigreel. Hornpipe còn có tên gọi khác là hornepype chuyên dành cho trình diễn nhóm. Nguồn gốc của điệu nhảy này cũng từ mục vụ dù được sử dụng chủ yếu bởi người đi biển, và từng rất phổ biến ở Lancaster và Leicester. Sau thế kỷ 18, những người thủy thủ kết hợp các cử chỉ hàng hải vào điệu nhảy này (ví dụ như động tác kéo buồm hay động tác nghiêng người sang hai bên giống như khi có bão).

Giai điệu jig (tiếng Pháp cổ là giguer) sôi động hơn với nhịp 12/8 hay 6/8, phổ biến với các màn biểu diễn đa dạng từ nhóm, solo đến cả nhảy cặp. Jig cũng được đệm fiddle và thêm những trò chơi dân gian của Anh để tăng thêm tính hào hứng.

Điệu reel có nguồn gốc từ Scotland và thời kỳ đầu chỉ xuất hiện trong các bản nhạc miền Bắc, tuy nhiên sau đó dần lan rộng ra văn hóa vùng Tây Nam. Giai điệu này được đánh theo kiểu lặp, kết hợp với những điệu nhảy khác nhau được pha trộn lại để làm đa dạng hóa phần trình diễn. Reel là nguồn cội văn hóa chung của Anh, Scotland và Ireland (Celtic), cũng như là minh chứng cho việc vay mượn qua lại giữa 3 nền văn hóa này. Sau khi chiến thắng Scotland trong nội chiến Civil War, người Anh đã dạy cho người bản địa các điệu nhảy của mình, cũng như kết hôn với phụ nữ bản địa để đồng hóa.

Điệu nhảy Morris (tiếng địa phương là mooriske danse) là điệu nhảy truyền thống với nguồn gốc xuất phát từ vùng Trung du nên có nhiều khác biệt khi so sánh với nhảy dân gian, cả về phong cách, cấu trúc lẫn bối cảnh phát triển. Điệu nhảy Morris kết hợp giữa trình diễn nhảy và hóa trang, gây tranh cãi vì cách phối ghép trang phục kiểu blackface (mặt nạ, hóa trang, giả quỷ...) do đó đôi khi bị hiểu lầm là được sử dụng để chế giễu các tầng lớp khác (nô lệ da đen, những kẻ quyền quý lười biếng...) Đáng tiếc là trong thời kỳ này người ta hình thành luôn quan điểm như vậy và điệu nhảy Morris (hay Moorish) được sử dụng để làm cách nhạo báng. Nó thường xuất hiện ở vùng ranh giới nước Anh và xứ Wales vào khoảng thế kỷ 19.

tinhte-Music-of-England-8.jpg
Lập nhóm và đội hình Morris Dancing
Điệu nhảy Morris được thực hiện theo đường thẳng hoặc vòng tròn hướng ra ngoài, mỗi set (nhóm nhảy Morris) sẽ gồm Squire (người trực tiếp chỉ huy điệu nhảy), Foreman (người sẽ ra hiệu và hướng dẫn điệu nhảy) và Fool (một nghệ sỹ hài tạo nên các tràng cười cho người xem). Ngoài ra cũng còn một số diễn viên phụ khác và Beast (đảm nhiệm vai trò tương tác với người xem). Đội hình nhóm kiểu này xuất phát từ truyền thống kịch dân gian Cornish mumming.

Thời gian này cũng xuất hiện các "ban nhạc 1 người" với nghệ sỹ biểu diễn theo kiểu "whittle-and-dub", hay nói cách khác là vừa đàn vừa hát vừa nhảy. Các nhạc cụ được sử dụng phổ biến nhất là sáo 3 lỗ và trống tabor, hay những chiếc chuông con gắn trên khuỷu tay và đầu gối phát ra tiếng khi nhảy múa. Những nhạc cụ này không nặng nề hày rườm rà và có thể dễ dàng cất vào bọc khi nghệ sỹ diễn xong. Hình thức biểu diễn cũng được thay đổi tùy vùng, ví dụ vũ công Cotswold Morris sẽ sử dụng chủ yếu các điệu vẫy khăn và múa gậy, cũng như có điệu nhảy ngẫu hứng hơn, trong khi Rapper Morris (ở vùng phía Đông Bắc) sẽ có những bài nhảy dài với các động tác nhào lộn cực kỳ mạnh mẽ, kèm theo giai điệu nhanh và hứng khởi.

Những đổi mới: thể loại folk và ramblings


Vào khoảng giữa thế kỷ 19, nhạc truyền thống của Anh được đổi mới đáng kể do các thích ứng văn hóa mới, nhất là từ các phương tiện truyền thông và cuộc Cách mạng Công nghiệp. Thể loại folksong hiện đại trở thành loại hình giải trí cốt lõi ở các vùng nông thôn, trong khi đó ở những thành phố công nghiệp thì thịnh hành dòng nhạc ballad đô thị. Những bài hát và điệu nhảy dân gian trong giai đoạn này chủ yếu vẫn bị chi phối bởi những người thuộc tầng lớp lao động (phần nhiều là nông dân), tuy nhiên cũng có nhiều nghệ sỹ nhạc dân gian là người làm nghề buôn bán. Những người này cũng chỉ hát chứ ít khi chơi nhạc cụ.

Công nghiệp hóa cũng làm văn hóa âm nhạc truyền thống Anh phân nhánh rõ ràng hơn theo từng vùng miền khác nhau. Kiểu hát folksong kể chuyện và trữ tình chiếm ưu thế hơn ở miền Nam (ví dụ như Sussex). East Anglia và West Country thì có xu hướng kết hợp văn hóa với ảnh hưởng từ phong cách sea-shanties (nhạc hàng hải của thủy thủ), sử dụng các loại nhạc cụ bellow như melodeon, accordion, concertina... để đệm cho bài hát và điệu nhảy solo.

Ở các thành phố và thị trấn công nghiệp phía Bắc, đặc biệt là Tây Bắc và Yorkshire (nơi tập trung số lượng nhà máy nhiều nhất), người lao động say mê thể loại ballad đô thị tuy nhiên có pha trộn thêm hơi hướm folk. Những nghệ sỹ, cũng là các quân nhân và người lao động, trình diễn điệu nhảy Morris hiện đại có kết hợp phong cách folk tạo nên sự mới lạ cho người xem. Các làng Pennine ở phía Bắc và phía Tây Nam bắt đầu xuất hiện loại hình door-to-door carolling (một kiểu biểu diễn hay chúc mừng trước cửa để quyên góp tiền). Ai là người nghĩ ra loại hình này thì các nhà sử học vẫn chưa xác định được.

tinhte-Music-of-England-10.jpg
Christmas carol
Phong cách biểu diễn ở nông thôn chủ yếu vẫn là kiểu kể chuyện, nhưng được gọi là folksong chứ không phải là ballad nữa nhằm phân biệt với ballad đô thị. Những giai điệu này được sáng tác và bảo tồn chỉ bằng cách truyền miệng, có nội dung nói về những câu chuyện lịch sử hay giai thoại thần thoại nào đó. Ngoài ra cũng có những bài hát nói về tình yêu hay trình bày nội tâm. Folksong hầu hết đều có ý nghĩa ẩn dụ và có thể được hiểu rộng ra theo các ngữ cảnh khác nhau tùy theo thời thế xã hội, ngoài ra tùy từng vùng còn có cách sử dụng phương ngữ riêng để tạo nên sự khác biệt cho "phiên bản" của riêng họ. Về giai điệu, folksong nói chung rất dễ nghe và chủ yếu theo nhịp 3/4, 4/4 hay 6/8, thi thoảng có những bài lạ tai hơn theo nhịp 9/8 hay 7/4 nhưng không nhiều (vì ít người nghe và bị lãng quên).

Folksong được hát chủ yếu trong các dịp hội họp, hay trong các buổi singsongs ở các quán rượu (tập trung vào tính giải trí là chính chứ không cần thiết người diễn có chuyên nghiệp hay nổi tiếng hay không). Chúng ta có thể thấylúc này folksong vẫn chỉ dừng lại ở loại hình nghệ thuật dành cho người lao động, làm đề tài "mở đầu câu chuyện" khi nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc trên cánh đồng hay trong nhà máy. Lời bài hát với ngôn từ dân dã và nói về những câu chuyện đời sống thường ngày càng làm nó dễ tiếp cận hơn với các tầng lớp thấp, đơn giản là vì nó gần gũi với họ hơn.

Như có nói ở phần trên, do folksong không được Giáo hội ủng hộ (thậm chí còn bị bài trừ) nên người ta phải nghĩ ra nhiều cách để biểu diễn nó, trong đó có kiểu diễn door-to-door carolling thường thấy mỗi dịp Giáng Sinh. Hoạt động này chủ yếu để quyên góp tiền, thức ăn hay quần áo ấm cho người nghèo, vốn chiếm đông đảo dân số Anh trong thời Victoria do các "đổi mới" trong chính sách xã hội. Carolling sau đó biến chất từ "chúc lành và nhận quyên góp" thành các hình thức thấp kém hơn, ví dụ như không chịu rời đi nếu gia chủ không "quyên góp" một thứ gì đó. Đây là lý do vì sao có lúc loại hình này bị chỉ trích mạnh mẽ, gần như bị quay lưng.

Trong những năm 1830, các bài hát Giáng sinh truyền thống của Grenines và Cornwall bắt đầu được in sách và xuất bản ở Manchester và London, mang những giai điệu vui tươi này đi khắp các ngõ ngách của đất nước.

Khác biệt lớn nhất của folksongballad là cách thức chuyển đổi thang âm ngũ cung sang heptatonic. Nói chung các nghiên cứu âm nhạc hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi, chủ yếu là ở cách phân biệt giữa các phương thức Ionia, Dorian, MixolydianAeilian hay Phrygian. Người ta tranh cãi rằng liệu ca sỹ có bị giới hạn phải hát đúng theo khuôn khổ của một kiểu giai điệu nào đó hay không, hay được phép ngẫu hứng tự do. Tuy nhiên không thể phủ nhận mối liên kết vô hình giữa giai điệu folksongballad. Đâu đó trong giai điệu folksong người ta vẫn thấy các cấu trúc tương tự gieo âm tương tự như ballad, lấy ví dụ như cách hát glee được lan truyền ở vùng Sussex ở miền Nam. Điều này khiến các giai điệu folksong hiện đại trở nên trầm lắng và buồn hơn do ảnh hưởng từ ballad.



Ở các trung tâm công nghiệp đang phát triển của nước Anh thời kỳ Victoria, những giai điệu ballad trở nên quen thuộc đến mức người ta sử dụng chúng trong bất cứ hình thái sinh hoạt nào. Người bán hàng rong, bán báo... tự chế ra các câu hát vui tai để rao bán sản phẩm của mình. Nếu folksong là hình thức giải trí ở nông thôn thì ballad là thú tiêu khiển của người lao động thành thị. Lời bài hát có thể được viết (hay đưa ra ý tưởng) bởi bất cứ ai, được viết và dán lên tường ở các quán rượu để nghệ sỹ nào thích thì hát. Phần trên có nhắc đến các buổi singsongs và đây chính là một trong số đó. Người ta tham gia ca hát và nhảy múa chủ yếu để giải trí sau một ngày làm việc căng thẳng, không quan trọng độ nổi tiếng hay chuyên nghiệp của nghệ sỹ biểu diễn ra sao. Nói cách khác, cứ "vui là được". Ballad được đệm chính bởi tiếng piano với lời hát về tình yêu, các câu chuyện xã hội hay tin đồn nào đó đang là đề tài nóng trong cộng đồng. Đôi khi lời hát ballad cũng viết về cảnh giường chiếu hay khiêu dâm, hoặc các vấn nạn đói nghèo, tội ác, chủ xưởng ngược đãi...

Ballad tiếp tục gây tranh cãi trong xã hội khi đề cập trực tiếp đến vấn đề chính trị, làm tiền đề cho các phong trào cải cách xã hội, chống đàn áp và ngược đãi người lao động. Các công đoàn bắt đầu sử dụng ballad như một vũ khí tuyên truyền, và thay vì cất tiếng hát sau một ngày làm việc căng thẳng thì giờ đây họ hát sau một ngày đấu tranh quyết liệt.

Các điệu nhảy cũng chịu ảnh hưởng và thay đổi đáng kể, tuy nhiên không ở các động tác mà là từ giai điệu. Giai điệu nhạc kiểu mới được kết hợp nhiều loại nhạc cụ hơn: ngoài sáo, đàn dây, organ, bộ gõ và chuông (melodeon, accordion, concertina), người ta còn sử dụng thêm đàn dulcimer, guitar, mandolin, các loại sáo cổ và tiếng piano. Nhạc cụ cũng được đánh hòa âm thường xuyên hơn thay vì là độc tấu solo từng phân đoạn như trước. Điệu nhảy Morris bắt đầu phân nhánh ra riêng phong cách thành thị và nông thôn, xuất hiện phổ biến trong các cuộc diễu hành hay đám rước.

tinhte-Music-of-England-11.jpg Đàn dulcimer
Nhạc folk thuần túy cũng phát triển hơn nhờ việc sử dụng những nhạc cụ mới, trong đó có bagpipe (thường là smallpipe ở Northumbria). Giai điệu kiểu mới nhẹ nhàng hơn nhiều so với kiểu cũ, từ đó phù hợp hơn cho mô hình đàn và hát chứ ít khi người ta nhảy trên điệu nhạc này. Smallpipe cũng chơi có hệ thống và điêu luyện hơn, trở thành hình thái văn hóa âm nhạc biểu tượng của Northumbria.

Trong tầng lớp lao động ở các thành phố công nghiệp đang phát triển, một loại hình biểu diễn khác được sinh ra: đó là các nhóm brass band. Đúng như tên gọi này, những nghệ sỹ của nhóm chủ yếu sử dụng nhạc cụ kèn đồng, tự chế hoặc là các nhạc cụ trong khoảng đầu thế kỷ 19. Phong cách của họ rất mới mẻ với kết cấu giai điệu được kết hợp chặt chẽ và có quy củ. Nguồn gốc thực sự của các brass band nhìn chung vẫn còn khá mơ hồ, tuy nhiên các nhà sử học cho rằng có thể họ đã lấy cảm hứng từ quân đội Anh hồi thế kỷ 18, nổi bật với những anh "lính kèn" và "lính trống" đánh ầm ỹ vang dội trong các cuộc diễu hành. Vào thế kỷ 19, tiếng kèn đinh tai còn là biểu tượng cho tinh thần phục vụ của người quân nhân. Những loại kèn thường được sử dụng nhất là trombone và horn euphonium. Trong khoảng những năm 1920 ~ 1930, các brass band chuyên nghiệp đầu tiên xuất hiện, nổi tiếng có Cyfarthfa Band (thành lập năm 1838) thuộc sở hữu của R. T. Crawshay ở phía Nam xứ Wales.

Khoảng những năm 1940, phong trào brass band bắt đầu lên cao trong cộng đồng người lao động khiến nhiều doanh nghiệp quyết định tài trợ cho công nhân của mình lập brass band nhằm quảng bá cho nhà máy mình. Tính đến năm 1890, khoảng 40.000 brass band cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư hoạt động rầm rộ trên khắp nước Anh, nhất là sau khi phong trào này lan rộng đến vùng Trung du. Chiếc kèn saxhorn được phát minh để giúp người ta chơi nhạc dễ dàng hơn, càng giúp đẩy mạnh xu hướng nghệ thuật này. Nhạc cụ trở nên rẻ và dư dả, cũng như không đòi hỏi nhiều kiến thức âm nhạc nên ai cũng có thể thành lập ban nhạc. Những ban nhạc tự phát chủ yếu biểu diễn cho cộng đồng địa phương để hâm nóng tinh thần đoàn kết giai cấp, ủng hộ giáo dục và thúc đẩy đấu tranh xóa đói nghèo.

tinhte-Music-of-England-12.jpg
Brass band
Cũng cần nói thêm rằng các brass band lúc đầu không quan trọng đến thu nhập, họ chơi vì niềm đam mê và mong muốn trải rộng văn hóa âm nhạc ra xa hơn mà thôi. Tuy nhiên sau đó khi số lượng các nhóm trở nên nhiều hơn, sự cạnh tranh nhanh chóng xuất hiện. Nhiều cuộc thi âm nhạc với giải thưởng kha khá bắt đầu được tổ chức nhằm khuyến khích các ban nhạc trau dồi hơn nữa, đồng thời cũng tạo nên sự cạnh tranh "lành mạnh" hơn (vì chủ yếu thuộc tầng lớp lao động dân trí thấp, các xô xát giành giật đất diễn là không thể tránh khỏi). Những ban nhạc thắng giải nghiễm nhiên có được danh tiếng lớn và hầu hết đều thoát khỏi cuộc sống lao động đói nghèo. Thay vì đổ mồ hôi làm việc trong nhà máy suốt ngày, họ được mời đến các tụ điểm giải trí để biểu diễn, vừa bớt cực khổ vừa có thu nhập cao hơn. Các brass band được tài trợ từ doanh nghiệp nếu thắng giải cũng được ông chủ trọng dụng hơn, có thể sắp xếp họ vào các vị trí mới trong phân xưởng.

Folklore và sự hồi sinh của khía cạnh văn hóa này


Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, phong trào nghiên cứu và bảo tồn văn hóa dân gian cũng như hệ tư tưởng chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa dân tộc đã khiến nền âm nhạc truyền thống Anh chuyển biến vô cùng mạnh mẽ. Điều này cũng có các tác động đến sự phát triển của nền âm nhạc chung của thế kỷ 20. Sau khi đặt ra thuật ngữ riêng folklore và thành lập British Folklore Society (1878), EFDSS (English Folk Dance and Song Society) được thành lập vào năm 1898 để "bảo tồn những tác phẩm nhạc dân ca, ballad và các giai điệu dân gian". Những người góp công lớn nhất trong việc nghiên cứu và bảo tồn nhạc folk có thể nhắc đến như John Broadwood, James Dixon, Robert Bell, Lucy Broadwood, Frank Kidson, Sabine Baring-Gould... hay nổi tiếng hơn cả là Cecil Sharpe. Họ cũng giúp thống nhất một số giả định có thể tham kháo trong các tài liệu nghiên cứu hiện nay. Lấy ví dụ như sau: phong cách lãng mạn nhấn mạnh vào nguồn gốc mục vụ và chủ nghĩa chống thương mại đã khiến cho hầu hết các nhà sưu tập bỏ qua nền âm nhạc thành thị, thay vào đó là nghiên cứu phong cách truyền thống nông thôn. Hay với ví dụ khác: xu hướng chuyển giai điệu các bài hát cổ điển thành phong cách dân gian để nhấn mạnh khái niệm "âm nhạc thuần khiết dành cho mọi tầng lớp" đã vô tình che khuất đi quá trình chuyển biến của hình thái âm nhạc chung.

tinhte-Music-of-England-13.jpg
The Folklore of Cornwall
Điều đáng mừng của phong trào bảo tồn những tác phẩm nhạc dân ca, ballad và các giai điệu dân gian là giúp đưa tên tuổi của các nghệ sỹ nhạc folk đến với công chúng, từ đó mở rộng ra một môn nghệ thuật mới được đưa vào giảng dạy trong chương trình đào tạo quốc gia. Hai nhà soạn nhạc Ralph Vaughan Williams và Percy Grainger cũng có rất nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu và sưu tập các giai điệu folksong theo cách riêng của mình. Percy Grainger cho rằng phong cách biểu diễn quan trọng hơn nhiều so với các giai điệu hay ghi chép, do đó ông trực tiếp sử dụng những công nghệ thu âm mới để bảo tồn các tác phẩm này cho thế hệ mai sau.

The Great War nổ ra đã làm ngưng trệ phong trào bảo tồn âm nhạc dân gian Anh. Các nhà sưu tập và nghiên cứu âm nhạc phải cầm súng đi chiến đấu, trong khi tất cả tài nguyên được ưu tiên cho kinh phí chiếcn tranh. Các bài hát được sáng tác lúc bấy giờ đều nói về đề tài thời sự và yêu nước, trong khi nhạc folk bị hạn chế biểu diễn, một phần là do lời nhạc trữ tình và vui tươi của nó "có thể làm giảm đi tinh thần chiến đấu của binh lính". Tệ hơn nữa, nhiều nhà nghiên cứu và sưu tập âm nhạc dân gian đã phải bỏ mạng trong chiến tranh, khiến phong trào bảo tồn nhạc folk gần như lâm vào bế tắc. Dù có chương trình giảng dạy chính quy, phong trào nhạc dân gian Anh vẫn không lấy lại được động lực như xưa.

Tình hình chuyển biến khác đi vào khoảng cuối những năm 1940 ~ 1950. Chiến tranh Thế giới thứ hai, sự khắc khổ kinh tế thời hậu chiến, nhạc jazz suy tàn và nền âm nhạc chung không có gì đổi mới trong thời gian quá lâu đã dấy lên một phong trào phục hưng cho nhạc folk. Các tổ chức bảo tồn văn hóa bắt đầu được thành lập và chia ra theo đuổi từng phân nhánh nhạc riêng, cũng như khởi xướng và thúc đẩy các hoạt động biểu diễn âm nhạc dân gian một cách chuyên nghiệp và có đầu tư hơn. Đỉnh điểm của phong trào này là sự kiện Festival of Britain (1951) được xem là biểu tượng của nền văn hóa âm nhạc Anh Quốc. Âm nhạc truyền thống Ireland rất được ưu ái ở các thành phố có cộng đồng người Ireland đông đảo như London, Liverpool hay Manchester. Những căn nhà đổ nát trong thành phố không làm các nghệ sỹ bế tắc, thay vào đó họ bắt đầu gặp gỡ và biểu diễn giải trí tại các quán rượu truyền thống Ireland (gọi là seisiún). Lần đầu tiên tại Camden Town (London) năm 1947, nhạc Ireland được biểu diễn như một hình thái của âm nhạc truyền thống Anh.

tinhte-Music-of-England-14.jpg
Nhóm folk Pentangle biểu diễn tại Amsterdam (1969)
EFDSS đã khởi động các dự án ghi âm với quy mô lớn được tài trợ bởi BBC để phát các tác phẩm nhạc folk trên chương trình 'As I Roved Out' (1953 -1958) và 'A-Roving' (1968) của đài này. Các dự án được dẫn đầu bởi nhà sưu tập âm nhạc Peter Kennedy cố gắng hết sức để phục hưng nền văn hóa âm nhạc dân gian Anh. Cuộc cách mạng xã hội - văn hóa - chính trị năm 1960 và sự thành công của các nghệ sỹ như Bob Dylan và Joan Baez cũng là tiền đề để phục hưng nhạc folk, bảo vệ và giúp nó không bị thế hệ sau quên lãng.

tinhte-Music-of-England-15.jpg
Một nhóm brass band hiện đại
Ở thời điểm hiện tại, tuy folksong và những điệu nhảy dân gian không còn nổi bật trong nền âm nhạc và ý thức dân tộc của Anh nữa, nhưng nó vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức đa dạng khác mà nếu nhìn kỹ hơn một chút, bạn sẽ lập tức nhận ra ngay. Nhạc folk vẫn được duy trì như một hình thức giải trí không thể thiếu ở vùng nông thôn, đồng thời cũng là cảm hứng cho các nhà làm phim hay nhạc sỹ sáng tác. Nhạc folk cũng được phân loại thành thể loại World Music, nghĩa là được xem như một biểu tượng quốc gia của nước Anh nói riêng và phương Tây nói chung. Bất chấp cường độ toàn cầu hóa của Anh, nhạc folk đã tìm thấy vị trí riêng của nó để tiếp tục phát huy những ưu điểm có sẵn. Âm nhạc dân gian Anh sẽ không bao giờ mất đi, nó chỉ biến chuyển sao cho phù hợp nhất với thời đại mà thôi.

28 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Cảm ơn Mod. Bài dài thiệt 😆.
@schtroumf Quá dàu kéo rẹt rẹt mãi không hết, không đọc 1 chữ luôn
@nbqvdp Haha...bài Mod@AudioPsycho viết chất lượng cao, có điều dài 😆. Mod có thể viết làm nhiều phần thì ae dễ đọc hơn.
minhanh0213
ĐẠI BÀNG
4 năm
Nghe mấy album của Peter Hollens dễ ngủ cực kỳ 😆 thích nhất bài Loch Lomond
Nhạc cổ của Anh hay đấy. Bài Auld Lang Syne cũng là bài ca cổ, chuyển sang piano đánh nghe giai điệu đẹp lắm.
hiepmu
CAO CẤP
4 năm
@Anthonie Le Noel năm nào em cũng nằm trong phòng mở nghe bài này bản Piano 😁
pionguyen
ĐẠI BÀNG
4 năm
@Anthonie Le Mình cũng thích bài đấy, rất hợp nghe vào những mùa Giáng Sinh!
Phú1991
TÍCH CỰC
4 năm
@Anthonie Le Hình như là nhạc nền phim waterloo bridge
@Phú1991 Auld Lang Syne (tiếng Scots cổ) có rất nhiều bản cover bằng nhiều nhạc cụ (Instruments) khác nhau, hình như nó có cả bản Voice nữa.
• Bản trong film Waterloo Bridge là sử dụng Violin trên nền đệm của Piano với tiết tấu chậm. Nếu bạn search Auld Lang Syne - Piano Solo sẽ ra rất nhiều kết quả. Ở Việt Nam có Pianist Lê Nhật Quang đàn cũng hay lắm, bạn tìm nghe thử ^^.
Chính ra nhạc cổ dân gian của các dân tộc rất hay, có điều bây giờ nhạc thị trường kiểu Mỹ, kiểu Hàn lên ngôi, phong cách y chang nhau, ca từ nội dung nhạt nhẽo, toàn yêu với thất tình. Hiện giờ phải gọi là xem nhạc chứ không còn là thưởng thức nhạc nữa.
AudioHunger
ĐẠI BÀNG
4 năm
@nghaimin thì thiệt ra nhạc vàng hồi đó cũng về tình yêu, thất tình, gia đình cấm cản không đến được với nhau 8-}
chẳng qua là ca từ trau chuốt, mỹ miều và nhạc có hồn hơn bây giờ
nhạc bây giờ nó trực diện hơn, không hoa từ như nhạc xưa
BenGlo
CAO CẤP
4 năm
@nghaimin Và vì vậy đó giờ mình có nghe nhạc việt nam đâu
.-.
Bài viêt hay quá
harrylo
ĐẠI BÀNG
4 năm
Đọc mà nhớ UK quá 😔
Sao thuộc địa cũ của Anh phần lớn giàu có, thuộc địa của Pháp thì nghèo thế nhờ 😔
@vanhoang232 Giàu có thế nào. Cái gọi là mẫu quốc khai hoá văn mình chỉ là trò bịp của thực dân. Làm gì có chuyện chủ nghĩa thực dân mang lại thịnh vượng cho các thuộc địa.
@vanhoang232 Chỉ những nước mà người châu Âu chiếm đa số như Canada, Úc, New Zealand, hoặc ngoại lệ như Singapore thôi. Chứ như Ấn Độ, Pakistan, Banglades, 1 số nước châu Phi thì cũng có giàu gì đâu.
BenGlo
CAO CẤP
4 năm
@huygapro Thiếu bắc kinh rồi
@vanhoang232 trong các hệ thống thực dân thời đó thì Anh, Pháp được đánh giá cao nhất khi sự bóc lột là... vừa phải. Thường xây dựng văn minh cho thuộc địa để họ qua thì có cái mà... dùng, ít nhất cũng ko bị thiếu thốn.
Tệ hơn là Tây và Bồ, họ truyền bá văn hóa, đồng hóa, bóc lột tài nguyên nhưng ít xây dựng văn minh cho thuộc địa.
Tệ nhất là đám Hà Lan, Bỉ bóc lột 100% luôn.
Khá thú vị.
DrHou07
ĐẠI BÀNG
4 năm
Cũng hay có điều nghe không hiểu thôi
santaclausx
ĐẠI BÀNG
4 năm
Mới tìm hiểu về ý nghĩa các bài hát thiếu nhi và đồng dao tiếng Anh, sáng dậy đọc bài này, có phải là Tinh Tế có gắn nghe trộm không =))
Phú1991
TÍCH CỰC
4 năm
Thích mấy nhạc kiểu celtic hơn.
Hồi xưa mình ở Lancaster 4 năm mà hồi đó trẻ dại, không tranh thủ tìm hiểu về văn hoá Anh. Đọc bài này mình lại quan tâm nhất phần lịch sử nước Anh haha. Anw nói đến nhạc Anh thì chỉ nghĩ ngay đến The Beatles vì hay nghe nhạc mấy bác này 😁
upload_2019-12-11_16-46-54.png

bài hát gốc, v mà nhạc trên youtube, mỗi nơi đổi một tí cơ
BenGlo
CAO CẤP
4 năm
Mình khá là thích nhạc của Anh 😃
Nó hay một cách khác biệt
thanhvinh94
ĐẠI BÀNG
4 năm
một bài lớn, dài, nhưng hay ơiii là hay!! ủng hộ chủ top nha!! 😃
The Lynk
ĐẠI BÀNG
4 năm
nhạc anh với nhật đúng sở thích mình

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019