Tìm hiểu về Manfred Eicher: bệ phóng vững chải của ECM Records

AudioPsycho
4/11/2019 5:30Phản hồi: 3
Tìm hiểu về Manfred Eicher: bệ phóng vững chải của ECM Records
ECM Records vừa kỷ niệm 50 năm và báo giới lại có dịp nhắc đến nhà sản xuất nổi tiếng Manfred Eicher, sáng lập viên và cũng là chủ sở hữu của nhãn thu này. Khi nói về ông, người ta luôn cảm thấy khâm phục tài năng và sự cố gắng làm việc không mệt mỏi của ông. Lấy ví dụ với các ông trùm như Edward Lewis (Decca Records, điều hành từ 1929 - 1980), David Sarnoff (RCA Records, điều hành từ 1919 - 1970), hay William Paley (Columbia Records, điều hành từ 1938 - 1988), họ đều thuê một đội ngũ nhân viên đông đảo để quản lý và rà soát mọi việc. Manfred Eicher thì lại hoàn toàn khác khi ông hầu như “chủ trì” toàn bộ các album mà ECM phát hành, và con số này lên đến hơn 1.600 album.



Manfred Eicher cũng luôn trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các buổi thu âm, đưa ra những lời khuyên hữu ích cũng như lắng nghe các yêu cầu hay ý tưởng của từng nghệ sỹ. Cách làm việc ở ECM Records có thể nói là khác biệt hoàn toàn so với nét khuôn mẫu tuyệt đối ở Blue Note Records, và mỗi bên đều có cái hay riêng. Điều này cũng bắt nguồn từ phong cách âm nhạc khác nhau mà từng hãng theo đuổi. Blue Note Records chú trọng vào experimental jazz / bebop jazz với các nghệ sỹ danh tiếng như Thelonious Monk, Miles Davis, Art Blakey, Hank Mobley, John Coltrane... Trong khi đó, ECM lại khám phá thiên hướng êm dịu và phức tạp hơn của nhạc jazz với phong cách đậm nét châu Âu.

tinhte-manfred-eicher_ECM_records (6).jpg

Blue Note và ECM càng trở nên khác biệt hơn vào thời kỳ những năm 1960, cùng phân chia và thống trị mảnh đất nhạc jazz đầy màu mỡ. Blue Note đi theo thiên hướng jazz cấp tiến (Sam Rivers, Andrew Hill, Cecil Taylor), còn ECM khai thác phong cách Mỹ gốc Phi (Art Ensemble of Chicago, Old & New Dreams). Đây là những thể loại jazz phổ biến nhất của thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Blue Note và ECM ngoài ra cũng tự tạo nên nét riêng cho mình thông qua cách thu âm, kiểu biểu diễn hay cả thị hiếu mỹ thuật riêng trên bìa của từng album, từ đó tạo nên một tiêu chuẩn để hướng người nghe nhạc theo mình.


Manfred Eicher, người đứng đầu ECM Records, từng trả lời trong các phỏng vấn rằng album Kind of Blue của Miles Davis đã làm cho ông thực sự chú ý. Ông nói: “Lúc đầu tôi chỉ hay nghe nhạc giao hưởng mà thôi, tuy nhiên sau khi nghe Miles, Coltrane, Bill Evans và Paul Chambers biểu diễn, tôi đã thực sự bị mê hoặc”. Eicher bắt đầu tìm hiểu và nghe jazz nhiều hơn trong khoảng những năm 1950 ~ 1960, và chuyển từ môn đàn violin ông đang học sang jazz bass. Các album như Village Vanguard của Bill Evans, The Shape of Jazz to ComeThe Empty Foxhole của Ornette Coleman, TouchingCloser của Paul Bley, Now He Sings, Now He Sobs của Chick Corea, To Sweden with Love của Art Farmer, FusionThesis của Jimmy Giuffre được Eicher đánh giá là những album ông yêu thích nhất.

tinhte-manfred-eicher_ECM_records (5).jpg

Tuy vậy cái gốc classical bên trong Eicher vẫn có ảnh hưởng ít nhiều đến những album mà ông sản xuất. Cụ thể là ông luôn lấy thiên hướng nhạc thính phòng làm chủ đạo, và “ưu tiên những nhóm vừa hoặc nhỏ để có thể chơi tập trung và ăn ý hơn”. Eicher cũng nhận xét rằng nét riêng biệt giữa classical và jazz không nên bị hòa trộn một cách chồng chéo lên nhau mà phải hợp nhất để có thể bộc lộ được cái hay của cả hai.

Manfred Eicher theo đuổi nghề nhạc công từ năm khoảng 20 tuổi, tuy nhiên đến cuối những năm 1960 ông chính thức chuyển sang vị trí sản xuất nhạc, vừa để học hỏi thêm kinh nghiệm vừa làm việc trong một số studio lớn của Deutsche Grammophon. Sau đó ít lâu ông tự mở công ty riêng Edition of Contemporary Music, hay còn được gọi tắt là ECM.

Trong thời gian này, pianist Mal Waldron, người từng biểu diễn chung với John Coltrane, Charles Mingus, Eric Dolphy, Billie Holiday cùng nhiều tên tuổi nổi tiếng khác, đến Đức định cư và được Manfred Eicher mời thực hiện album Free At Last. Album được thu âm vào ngày 24/11/1969 ở Bauer Studios (Ludwigsburg), nơi Eicher tiếp tục sản xuất thêm nhiều album khác về sau. Free At Last lúc đầu chỉ được in 500 bản tuy nhiên con số bán ra cuối cùng đạt hơn 14.000. ECM mới đây cũng vừa phát hành ấn bản Double-LP được thu từ analog tape, đi kèm cùng một số bonus track được bao gồm trong album phát hành lần đầu.

Từ thành công này, Eicher mạnh dạn viết thư mời các nghệ sỹ người Mỹ thu âm cho nhãn thu của mình, mở đầu cho thời kỳ nhạc jazz rầm rộ với các tên tuổi đình đám như Paul Bley, Chick Corea, Anthony Braxton... Album của những nghệ sỹ này có lượng tiêu thụ cực lớn, đặc biệt là với tiêu chuẩn của các album nhạc jazz.

tinhte-manfred-eicher_ECM_records (2).jpg

ECM đạt được đột phá vào năm 1971 khi phát hành album solo Facing You của Keith Jarrett. Ngay sau đó Jarrett ký hợp đồng với Columbia cho đến năm 1973. Sau The Great Purge, Columbia cắt một loạt hợp đồng với Monk, Mingus, Evans, Ornette Coleman và Jarrett. Eicher quyết định viết thư mời Jarrett ký hợp đồng với ECM một lần nữa và Jarrett đã đồng ý, với điều kiện ông phải được toàn quyền quyết định những gì mình muốn.

Quảng cáo



Keith Jarrett tiếp tục bỏ qua các gợi ý của Eicher khuyến khích ông hợp tác thu âm với Gary Peacock và Jack DeJohnette, thay vào đó là yêu cầu được ra thêm các album solo. Album live The Köln Concert của Keith Jarrett phát hành cùng với tour diễn châu Âu của ông vào tháng 1/1975 đạt thành công rất lớn, tính đến nay đã bán được hơn 4 triệu bản. Keith Jarrett thu âm tổng số khoảng 80 album cho ECM, với 20 album diễn nhóm cùng Gary Peacock và Jack DeJohnette với tên nhóm là The Standards Trio. Đúng như tên gọi của mình, The Standards Trio chỉ chơi một phong cách âm nhạc duy nhất: phong cách của những tiêu chuẩn.

Không chỉ có The Köln Concert, ECM còn được biết đến với các album khác cũng cực kỳ thành công như
Return to Forever (Chick Corea), The Melody at Night (Jarrett), With You, Offramp, Bright Size Life, 80/81 (Pat Metheny) và Officium (Jan Garbarek và Hilliard Ensemble). Officium chịu một số chỉ trích là “white-washed” và thiếu đi chất “swing” cần có của nhạc jazz, tuy nhiên thành công của nó đã chứng minh được điều ngược lại. Album Officium được xem là biểu tượng phong cách của ECM khi phô bày được tinh túy jazz theo xu hướng New Age. Album Tribute (1974) của Paul Motian cũng khai thác phong cách này và nghe gần giống với Jan Garbarek.



Eicher nói: “Chúng tôi hiện đang sở hữu hơn 1.600 album trong catalog với nhiều thể loại khác nhau, cũng như được thu âm bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tôi cho rằng phân loại thành phong cách “ECM sound” chỉ là một sự tưởng tượng”. Ông tuy nhiên vẫn thừa nhận sở thích cá nhân của mình là âm thanh phải thoáng và rộng. “Các phòng thu hiện nay đều được thiết kế âm học trung lập, vì thế tôi cần phải xây dựng một môi trường âm thanh sao cho phù hợp nhất với kiểu tiếng mà mình muốn”. Điều này cũng lý giải vì sao đa số các album trong ECM Series đều được thu âm trong nhà thờ hay phòng hòa nhạc, cốt lõi để tận dụng không gian rộng lớn ở đó.

Tuy vậy cũng cần phải nói thêm rằng không phải album nào mà Eicher sản xuất cũng có kiểu âm thoáng và rộng. Lấy ví dụ với album duet JasmineLast Dance (của Jarrett và Charlie Haden) chỉ được thu âm trong một studio nhỏ và cũng chỉ thu một lần duy nhất. Far from Over, album năm 2017 của pianist Vijay Iyer, cũng được chơi theo kiểu jazz truyền thống gần giống với các album trong gia đoạn post-bop của Blue Note.

Quảng cáo


Âm nhạc của ECM không chỉ gây ấn tượng cho người nghe ở chất lượng thu âm hay phong cách biểu diễn mà đôi khi từ chính cover đĩa. Khi dạo qua các hàng đĩa nhạc, các fan dễ dàng nhận ra ngay đĩa nhạc của ECM, trong khi đó người mới sẽ cảm thấy tò mò. Cover đĩa ECM được thiết kế bởi các nghệ sỹ hình ảnhiều chuyên nghiệp, lấy cảm hứng từ Agnes Martin, Cy Twombly, Antoni TÖpies, Robert Rauschenberg và Mark Rothko. Eicher cũng nói thêm rằng đôi khi cũng có những ảnh hưởng từ phim ảnh, nhất là phim của đạo diễn Jean-Luc Godard, một người bạn thân của Eicher.

Thành công của Eicher có thể nói là đến từ tầm nhìn của ông. Manfred Eicher luôn nhắm đúng những nghệ sỹ có tài những chưa được chú ý, cũng như đồng ý chịu rủi ro khi ký hợp đồng với những nghệ sỹ chưa có tên tuổi. Steve Reich hay Arvo Pärt là những cái tên nếu không nhờ đến Manfred Eicher thì sẽ không bao giờ được biết đến, và chúng ta cũng không thể thưởng thức được tài năng tuyệt vời của họ.

Tuy vậy các rủi ro là không tránh khỏi, và đôi khi chính sự thoải mái của Eicher đã biến thành “vung tay quá trán”, sản xuất quá nhiều album mà không quan tâm đến hao mòn tài nguyên đầu tư. Manfred Eicher có những ý tưởng táo bạo mà ít ai dám nghĩ đến, ví dụ như phối chung Chick Corea và Gary Burton, hay kết hợp bộ ba Don Cherry, Collin Walcott và Naná Vasconcelos thành nhóm tam Codona. Nếu không có Eicher, nhạc jazz sẽ khó lòng lan tỏa mạnh mẽ đến từng ngóc ngách của châu Âu, cũng như nhiều tên tuổi nghệ sỹ sẽ vẫn mãi không được biết đến.

tinhte-manfred-eicher_ECM_records (1).jpg

Khi được hỏi rằng có dự án nào Eicher muốn làm việc chung nhưng chưa thể thực hiện được hay chưa, Eicher đáp lời rất thật lòng: “Trước đây thì có. Đó là khi tôi muốn thực hiện album duo của Keith Jarrett và Miles Davis. Đó là năm 1976 khi Jarrett vừa phát hành album pipe-organ Hymns/Spheres. Miles Davis nghe album này và rất thích, muốn được thu âm chung nhưng bị vướng hợp đồng với Columbia Records. Dự án vì thế không thể thực hiện được trót lọt”. Eicher nói thêm: “Như thế sẽ tốt biết bao, nhưng chúng ta không thể thu âm cho tất cả mọi nghệ sỹ mà mình muốn”.

Nguồn stereophile
3 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

người nước ngoài khi già vẫn còn giử nét, còn Việt Nam khi con người trở nên già thì hơi khắc khổ một tý
colenao00
TÍCH CỰC
4 năm
@phucprolangtu Vì thực tế những người bạn nhìn thấy đều khác khổ một tý đó. Năm 75 đất nc mới độc lập. Năm 90-91 kinh tế mới hồi đc chút. Nên đa phần người già ở VN đều sống khổ hơn các nc Âu Mỹ.
Nhiều bậc thầy

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019