Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Tổng quan về Boeing 787 Dreamliner và 2 biến thể 787-9, 787-10 của Vietnam Airlines

bk9sw
18/7/2015 15:6Phản hồi: 58
Tổng quan về Boeing 787 Dreamliner và 2 biến thể 787-9, 787-10 của Vietnam Airlines
VNA_Boeing_787.jpg

Như vậy là vào cuối tháng này chiếc Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên của Vietnam Airlines sẽ về đến Việt Nam và trong tương lai sẽ có thêm 18 chiếc nữa bao gồm cả biến thể lớn nhất là 787-10. 787 Dreamliner là mẫu máy bay mang nhiều công nghệ hàng đầu của Boeing và hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm bay rất mới mẻ cho chúng ta. Mới mẻ như thế nào thì mời anh em cùng tìm hiểu qua dòng máy bay này.

Boeing 787 Dreamliner là dòng máy bay tầm xa, thân rộng cỡ trung (mid-size), 2 động cơ phản lực mới nhất của hãng sản xuất máy bay Mỹ. Mặc dù mang số hiệu 787 nhưng thực chất dòng máy bay này được Boeing định hướng thay thế cho Boeing 767 vốn đã gần 35 năm tuổi. Chính vì điều này, Boeing 787 sẽ cạnh tranh trực tiếp với Airbus A340, A350 chứ không phải A380 - dòng máy bay tầm xa, thân rộng mới nhất của Airbus.

Đây cũng là dòng máy bay thương mại tiết kiệm nhiên liệu nhất của Boeing (tiết kiệm hơn 20% so với 767) và là dòng máy bay đi tiên phong sử dụng vật liệu composite làm vật liệu chính để chế tạo khung sườn máy bay.


787 Dreamliner của Vietnam Airlines chao liệng trên bầu trời Paris.

Hoàn cảnh ra đời:

Vào giai đoạn cuối những năm 1990, Boeing bắt đầu nghiên cứu các chương trình thay thế khi doanh số của dòng Boeing 767 và 747-400 không mấy khả quan. Công ty đề xuất 2 mẫu máy bay mới gồm 747X - phiên bản kéo dài thân của 747-400 với hiệu suất cải tiến cùng với Sonic Cruiser - một mẫu concept có khả năng đạt được tốc độ cao hơn 15% (xấp chỉ Mach 0.98) trong khi tiêu thụ nhiên liệu tương đường với 767. Mặc dù thị trường tỏ ra thích thú với phiên bản 747X nhưng Sonic Cruiser lại sở hữu nhiều điểm sáng hơn và nhiều hãng hàng không tại Mỹ ngay từ đầu đã bày tỏ sự ủng hộ đối với mẫu concept này mặc dù họ cũng quan ngại về chi phí vận hành.

Thị trường máy bay toàn cầu bắt đầu sụp đổ sau vụ khủng bố 11 tháng 9 và cùng với tình trạng giá dầu leo thang, các hãng hàng không bắt đầu chuyển hướng quan tâm sang hiệu quả nhiên liệu thay vì tốc độ. Những hãng hàng không Mỹ chịu thiệt hại nhiều nhất được xem là khách hàng tiềm năng nhất đối với công nghệ Sonic Cruiser, do đó Boeing đã hủy dự án Sonic Cruiser vào tháng 12 năm 2002 và chuyển sang một dự án khác, thực tế và khả thi hơn vào tháng 1 năm 2003. Dự án này được công ty công bố là một sản phẩm thay thế sử dụng công nghệ của mẫu concept Sonic Cruiser với thiết kế phổ thông và nó có tên gọi là 7E7 - đây cũng chính là tên gọi ban đầu của Boeing 787 Dreamliner.

Boeing_7e7.JPG
Thiết kế của Boeing 787 ban đầu.

Thiết kế concept ban đầu của 7E7 bao gồm các cửa sổ buồng lái hơi thon, mũi chúc xuống và phần đuôi giống vây cá mập. Chữ E trong tên gọi 7E7 ban đầu được cho là thể hiện nhiều ý nghĩa như hiệu quả (Efficiency) hay thân thiện với môi trường (Environment friendly) nhưng rốt cuộc Boeing giải thích đơn giản rằng E = Eight (số 8). Vào tháng 7 năm 2003, Boeing đã tổ chức một cuộc thi đặt tên cho dự án 7E7 và 500.000 lượt bầu chọn online đã chọn ra cái tên Dreamliner.

Ngày 26 tháng 4 năm 2004, hãng hàng không Nhật Bản - All Nippon Airways (ANA) đã trở thành khách hàng đầu tiên của Boeing đặt hàng 787 Dreamliner. ANA đã công bố đặt mua 50 chiếc 787 Dreamliner và hoạt động chuyển giao bắt đầu vào cuối năm 2008.

Giai đoạn thiết kế:


Tinhte.vn_787_Dreamliner-14.jpg

787 Dreamliner được thiết kế để trở thành chiếc máy bay thương mại đầu tiên có thân được lắp ghép từ các khoang liền mảnh bằng vật liệu composite thay vì sử dụng nhiều tấm nhôm và hơn 50.000 thành phần liên kết như trên các mẫu máy bay hiện có. Boeing đã chọn 2 mẫu động cơ mới dùng cho 787 Dreamliner gồm dòng Trent 1000 của Rolls-Royce và General Electric GENx. Hãng sản xuất máy bay Mỹ nhấn mạnh rằng 787 Dreamliner sẽ tiết kiệm hơn 20% nhiên liệu so với 767, trong đó 40% hiệu quả nhiên liệu có được nhờ các động cơ và phần còn lại đến từ những cải tiến khí động học, tăng cường sử dụng vật liệu composite trọng lượng nhẹ .

Quảng cáo



Trong giai đoạn thiết kế, 787 Dreamliner đã trải qua các thử nghiệm kéo dài trong hầm gió tại nhiều cơ sở thử nghiệm như hầm gió Transonic của Boeing, hầm gió của QinetiQ tại Farnborough, VQ Anh, hầm gió tại trung tâm nghiên cứu Ames của NASA và hầm gió của trung tâm nghiên cứu khí động học ONERA tại Pháp. Thiết kế cuối cùng của 787 Dreamliner trở nên "bình thường" hơn so với thiết kế ban đầu với các phần đuôi, mũi và cửa sổ buồng lái được thiết kế lại theo hình dạng quen thuộc. Phần khung máy bay cũng được thử nghiệm liên tục trong suốt quá trình thiết kế.

Sản xuất và cung ứng:

Boeing 787 Dreamliner được hoàn thiện và xuất xưởng tại nhà máy của Boeing ở Everett, Washington. Thay vì chế tạo chiếc máy bay từ đầu đến cuối theo cách thông thường, Boeing triển khai từ 800 đến 1200 nhân viên để thực hiện hoạt động lắp ráp và liên kết hệ thống. Mỗi phần của 787 Dreamliner được giao cho các nhà thầu phụ tại nhiều nước sản xuất, sau đó tất cả các phần hoàn thiện được chuyển tới dây chuyền lắp ráp ở Everett. Phương pháp này nhằm mục tiêu đơn giản hóa dây chuyền và giảm chi phí lưu kho.

Boeing_787.gif

Các nhà thầu phụ đảm nhận từng thành phần khác nhau của 787 Dreamliner. Như hình mô tả trên:
  • Hộp tâm cánh (center/central wing box - một thành phần cấu trúc hỗ trợ và giữ chắc 2 cánh) do Fuji Heavy Industries, Nhật chế tạo;
  • 2 cánh chính (Wing) do Mitsubishi Heavy Industries, Nhật chế tạo;
  • Rìa thoái cố định trên cánh (Fixed trailing edge) do Kawasaki Heavy Industries chế tạo;
  • Rìa thoái chuyển động trên cánh (Movable trailing edge) do Boeing, Úc chế tạo;
  • Đầu cánh (Wingtips) do KAL-ASD, Hàn Quốc chế tạo;
  • Cánh đuôi ngang/cánh ổn định ngang (horizontal stabilizer) do Alenia Aeronautica, Ý chế tạo;
  • Cánh đuôi đứng (Tail fin) do Boeing, Frederickson, Washington chế tạo;
  • Các phần thân máy bay do Spirti AeroSystems, Wichita, Mỹ; Kawasaki Heavy Industries, Nhật; Alenia Aeronautica, Ý; Vought, Bắc Charleston, Mỹ; Boeing và KAL-ASD, Hàn Quốc chế tạo;
  • Cửa khoang hành khách do Latecoere, Pháp chế tạo;
  • Cửa khoang hàng hóa, cửa thoát hiểm do Saab AB, Thụy Điển chế tạo;
  • Càng hạ cánh (landing gear) do Messier-Bugatti-Dowty, Anh/Pháp chế tạo;
  • Các dầm cấu trúc sàn do TAL Manufacturing Solutions Ltd, Ấn Độ chế tạo;
  • Hệ thống dây dẫn của Labinal, Pháp;
  • Động cơ tùy phiên bản do GE, Evendale, Ohio hoặc Rolls-Royce, Anh cung cấp;
  • Vỏ động cơ (Nacelles) do Goodrich, Chula Vista, California chế tạo.

Để tăng tốc quy trình chuyển giao các thành phần của 787 Dreamliner, Boeing đã chế lại 4 chiếc 747-400 đã qua sử dụng thành 747 Dreamlifter để vận chuyển cánh, các phần thân và nhiều thành phần nhỏ khác của 787. Qua bảng thống kê trên, có thể thấy các nhà thầu phụ của Nhật đóng vai trò rất quan trọng đối với dự án khi tham gia thiết kế và chế tạo đến 35% chiếc máy bay. Đây cũng là lần đầu tiên các công ty ngoài được quyền nắm giữ những vai trò quan trọng trong thiết kế cánh của máy bay Boeing.

Quảng cáo


Thiết kế:

Điều khiến 787 Dreamliner nhận được sự quan tâm lớn của ngành công nghiệp là nó được chế tạo chủ yếu bằng vật liệu nhẹ trong đó 50% là vật liệu composite, 20% nhôm, 15% titanium, 10% thép và 5% hỗn hợp. Nhôm được dùng cho cánh, rìa tiến cánh đuôi ngang; titan được dùng chủ yếu trong động cơ và các thành phần gia cường trong khi thép được dùng tại nhiều khu vực khác nhau.

Tinhte.vn_787_Dreamliner-2.jpg
Tinhte.vn_787_Dreamliner-3.jpg Tinhte.vn_787_Dreamliner-4.jpg Tinhte.vn_787_Dreamliner-5.jpg Tinhte.vn_787_Dreamliner-7.jpg Tinhte.vn_787_Dreamliner-18.jpg Tinhte.vn_787_Dreamliner-8.jpg Tinhte.vn_787_Dreamliner-6.jpg Tinhte.vn_787_Dreamliner-13.jpg Tinhte.vn_787_Dreamliner-15.jpg Tinhte.vn_787_Dreamliner-1.jpg Tinhte.vn_787_Dreamliner-16.jpg Tinhte.vn_787_Dreamliner-17.jpg
Chiếc 787 Dreamliner của Qatar Airways được trưng bày tại triển hãng làm không Singapore năm ngoái.

787 Dreamliner là chiếc máy bay đầu tiên sở hữu thân, cánh và nhiều thành phần trong khung máy bay được làm bằng vật liệu composite. Mỗi chiếc 787 chứa đến 35 tấn polymer gia cường sợi carbon (CFRP) trong đó dùng đến 23 tấn sợi carbon. Vật liệu tổng hợp sợi carbon có tỉ lệ độ cứng-trọng lượng cao hơn so với các vật liệu chế tạo máy bay thông thường và khiến 787 nhẹ hơn.

Vẻ ngoài của Boeing 787 Dreamliner đặc trưng với thiết kế mũi thoai tròn, đầu cánh vuốt cong hướng lên và vỏ động cơ có các viền thoái khí hình răng cưa giúp giảm tiếng ồn.

Tinhte.vn_787_Dreamliner-19.jpg

Trong số những hệ thống bay của 787 Dreamliner thì điểm thay đổi lớn nhất so với máy bay truyền thống là kiến trúc điện. Kiến trúc này không dùng đến hệ thống luân chuyển dòng khí nén (bleed air - thứ được cho là có chứa các chất hóa học nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người trên máy bay) và thay thế nguồn năng lượng thủy lực với các máy nén và máy bơm chạy điện. Boeing cho biết hệ thống này tiêu thụ ít năng lượng hơn, chỉ lấy 35% từ động cơ qua đó cho phép tăng lực đẩy động cơ và đạt hiệu quả nhiên liệu cao hơn. Tổng công suất điện sản sinh trên 787 Dreamliner đạt 1,45 MW, gấp 5 lần so với các máy bay dùng hệ thống khí bleed air thông thường. Những thành phần chạy điện đáng chú ý trên 787 Dreamliner bao gồm hệ thống khởi động động cơ, hệ thống điều áp carbin, hệ thống điều khiển cánh ổn định ngang và hệ thống thắng trên càng hạ cánh.

Ngoài ra, Boeing 787 Dreamliner còn được trang bị nhiều hệ thống mới như hệ thống chống đóng băng cánh - nó sử dụng các tấm làm ấm điện-nhiệt tích hợp trên cánh cản thay vì dùng dòng khí bleed air nóng làm tan băng. Boeing cũng trang bị thêm một hệ thống giảm giằng xóc chủ động tương tự hệ thống có trên máy bay ném bomb B-2 để tăng cường chất lượng bay và độ ổn định khi gặp nhiễu động khí.

Boeing_787_cockpit.jpeg

Boeing 787 Dreamliner sở hữu hệ thống điều khiển fly-by-wire tương tự kiến trúc của Boeing 777. Bàn điều khiển bao gồm 4 màn hình LCD đa chức năng sử dụng giao diện đồ họa tiêu chuẩn CDS/ARNIC 661 và 2 màn hình HUD hiển thị các thông số về máy bay đặt trước tầm mắt của phi công. Boeing có thể tích hợp thêm hệ thống hồng ngoại vào HUD để cảm biến nhiệt, qua đó phi công có thể "nhìn xuyên mây".Do được xếp cùng loại đào tạo (type rating) với 777 nên các phi công đủ điều kiện có thể lái cả 2 dòng máy bay này. Cũng giống như các máy bay khác của Boeing, 787 sử dụng cột điều khiển (yoke) thay cho cần sidestick.

Hệ thống điều khiển, dẫn đường và điện tử hàng không được Honeywell và Rockwell Collins cung cấp, trong khi đó công ty Thales của Pháp cung cấp các màn hình chờ và hệ thống quản lý nguồn, Meggit/Securaplane thì cung cấp hệ thống khởi động nguồn phụ trợ (APU), hệ thống chuyển đổi điện năng và kiểm soát pin, riêng pin Li-ion (dùng Lithium Cobalt oxide) được sản xuất bởi GS Yuasa của Nhật. Có 2 mô-đun pin, mỗi mô-đun nặng 28,5 kg, hiệu điện thế 29,6 V, 76 Ah cho công suất 2,2 kWh. Có 4 hệ thống độc lập quản lý hoạt động sạc cho pin nhằm ngăn ngừa tình trạng sạc nhồi. Tuy nhiên, trong thời gian đầu năm 2013, 787 liên tiếp gặp trục trặc với hệ thống pin này khiến FAA từng ban hành lệnh cấm bay. Boeing sau đó đã cải tiến lại hệ thống pin để khiến nó an toàn hơn.
Hoạt động truyền tải dữ liệu giữa bàn điều khiển và các hệ thống trên máy bay được thực hiện thông qua một phiên bản hàng không của kết nối Ethernet có tên Avionics Full-Duplex Switched Ethernet (AFDX). Các hệ thống điều khiển, dẫn đường và liên lạc được kết nối với hệ thống Internet trên cabin hành khách. Do đó, vào năm 2008 FAA từng cảnh báo về khả năng hành khách có thể truy xuất vào mạng máy tính trên 787. Mặc dù vậy, Boeing nhấn mạnh rằng hãng đã tích hợp nhiều giải pháp phần mềm và phần cứng để phân tách mạng. Những phương pháp này ngăn ngừa dữ liệu từ hệ thống Internet cho hành khách ảnh hưởng đến các hệ thống dẫn đường của máy bay.


Động cơ:


Tinhte.vn_787_Dreamliner-9.jpg

787 Dreamliner được trang bị 2 động cơ turbin 2 viền khí (turbofan) được Rolls-Royce và GE phát triển riêng. 2 động cơ không dùng khí nén (bleed air) thay vào đó là hệ thống điện qua đó loại bỏ các đường dẫn khí siêu nóng thường được dùng cho nhiều hệ thống trên máy bay. Là một phần thuộc dự án "Quiet Technology Demonstrator 2", Boeing đã thu thập nhiều công nghệ giảm ồn trên máy bay và giải pháp được hãng chọn là tích hợp các vật liệu hấp thụ âm thanh vào cửa hút gió đồng thời xung quanh họng xả động cơ được lắp thêm một viền thoái khí có hình răng cưa để luồng khí đi ra hòa lẫn với không khí bên ngoài, giảm thiểu tiếng ồn. Boeing kỳ vọng những thay đổi này sẽ khiến 787 Dreamliner hoạt động im ắng hơn cả trong lẫn ngoài.

Tinhte.vn_787_Dreamliner-10.jpg
Tinhte.vn_787_Dreamliner-11.jpg Tinhte.vn_787_Dreamliner-12.jpg

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hàng không thương mại, cả 2 động cơ đến từ 2 nhà sản xuất khác nhau dùng chung một tiêu chuẩn giao tiếp điện. Qua đó 787 Dreamliner có thể gắn động cơ GE hoặc Rolls-Royce chỉ với việc thay đổi đôi chút tháp treo động cơ. Mục tiêu của Boeing là nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí khi thay đổi loại động cơ. Trong khi các mẫu máy bay trước có thể thay thế động cơ cũ bằng một động cơ mới của một nhà sản xuất khác nhưng chi phí cao và mất nhiều thời gian khiến điều này ít khi xảy ra. Đối với 787 Dreamliner, việc thay thế động cơ theo Boeing chỉ mất 24 giờ.

Nội thất:


Boeing_787-8.jpg

Boeing 787 Dreamliner hiện có 4 biến thể gồm 787-3, 787-8, 787-9 và 787-10. Phiên bản tiêu chuẩn 787-8 thông thường được thiết kế với 234 ghế với 3 thiết lập hạng ghế. Tuy nhiên, tùy theo mục đích khai thác mà số lượng ghế có thể thay đổi, chẳng hạn như với nhu cầu khai thác nội địa với 2 hạng ghế, số lượng ghế có thể tăng lên 240 ghế và thậm chí là 296 ghế nếu chỉ có 1 hạng ghế phổ thông.

Layout ghế có thể được sắp xếp theo nhiều kiểu, nhìn chung đều có 3 dãy ghế nhưng thiết lập ghế mỗi hàng có thể khác nhau. Hạng ghế khoang hạng nhất và doanh nhân có thể thiết lập theo sơ đồ 1-2-1 (3 dãy, 1 hàng 4 ghế, 2 ghế ngoài cùng, 2 ghế dãy giữa), 2-2-2 hoặc 2-3-2. Hạng ghế phổ thông có các tùy chọn thiết lập như 3-2-3, 2-4-2 hoặc 3-3-3. Thông thường khoảng trống mỗi ghế khoang hạng nhất từ 120 đến 150 cm, 91 đến 99 cm ghế doanh nhân và 81 đến 86 cm ghế phổ thông. Độ cao thanh để tay là 550 cm. Chiều ngang cabin của 787 Dreamliner rộng hơn 38 cm so với Airbus A330/A340, ngắn hơn 13 cm so với A350 và 41 cm so với Boeing 777.

Nội thất cabin 787 Dreamliner được thiết kế để tạo ra sự thích nghi tốt hơn cho mỗi hành khách với khả năng cơ động, các cảm biến và các tính năng hỗ trợ cho người tàn tật. Chẳng hạn như bồn rửa mặt (140 x 140 cm) được lắp vào một vách ngăn xoay lật, cho phép 2 bồn rửa mặt được ghép lại với nhau thành 1 bồn lớn hơn để người ngồi xe lăn có thể dễ dàng tiếp cận.
Boeing_787_windows.jpg
Ảnh CNet.

Các cửa sổ cabin trên 787 có kích thước lớn hơn so với các mẫu máy bay thương mại đang được khai thác với kích thước 27 x 47 cm và được bố trí sao cho hành khách có thể duy trì tầm nhìn ở đường chân trời. Nhờ thân được làm bằng vật liệu composite, Boeing có thể tăng kích cỡ cửa sổ mà không cần gia cường cấu trúc. Thay vì sử dụng các tấm che cửa sổ bằng nhựa, mỗi cửa sổ trên 787 Dreamliner sử dụng một tấm kính thông minh dựa trên công nghệ kính chống chói electrochromism dùng trên xe hơi do PPG Industries sản xuất. Hành khách cũng như tiếp viên có thể điều chỉnh 5 cấp độ độ mờ tùy theo nhu cầu ánh sáng và tầm nhìn, qua đó giảm thiểu hiện tượng chói, lóa trong cabin trong khi vẫn duy trì tầm nhìn đối với thế giới bên ngoài.

Boeing_787_light.jpg

Hệ thống đèn chiếu sáng trên 787 Dreamliner dùng toàn bộ đèn LED theo tiêu chuẩn. Hệ thống này gồm các đèn LED 3 sắc màu và đèn LED trắng.

Khi bay, cabin được điều áp với áp suất tương ứng với độ cao 1800 m thay vì 2400 m như các mẫu máy bay thông thường. Theo Boeing, dựa trên một nghiên cứu hợp tác với đại học Oklahoma, áp suất tương đương độ cao 1800 m sẽ cải thiện đáng kể sự thoải mái của hành khách. Như đã nói ở trên, do không dùng đến hệ thống bleed air nên việc điều áp cabin được thực hiện bởi các máy nén chạy điện thay vì lấy khí nén từ động cơ. Độ ẩm cabin cũng được lập trình dựa trên số lượng hành khách đang chuyên chở và cho phép thiết lập tối đa 15% độ ẩm thay vì chỉ 4% như các mẫu máy bay cũ. Hệ thống điều hòa trong cabin cũng cải thiện chất lượng không khí bằng cách lọc bỏ ozone từ không khí bên ngoài, các hạt có trên không và sử dụng một hệ thống lọc thể khí để loại bỏ các mùi, chất kích thích, khí ô nhiễm cũng như nhiều loại virus, vi khuẩn và dị ứng nguyên. Việc loại bỏ dùng khí bleed air cũng khiến cabin 787 trong lành hơn, không có mùi dầu và các chất ô nhiễm bắt nguồn từ hoạt động của động cơ.

Boeing 787-9 và 787-10 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam:


VNA_787_01.jpg
Ảnh: Boeing

Vietnam Airlines sắp tới sẽ có cả 787-9 và 787-10 trong đội bay chặng dài.Biến thể 787-9 vẫn có chiều dài sải cánh tương tự 787-8 nhưng thân được kéo dài và gia cường thêm 6,1 m, trọng tải cất cánh tối đa 253.000 kg và có thể chuyên chở 280 hành khách theo thiết lập 3 hạng ghế. Tầm bay của 787-9 vào khoảng 15.400 km. Biến thể này được trang bị thêm một hệ thống kiểm soát hoạt động các lớp khí biên chủ động (Active BLC) lắp trên bề mặt cánh đuôi, giúp giảm thiểu lực kéo. Theo định hướng của Boeing, 787-9 sẽ thay thế 767-400ER và cạnh tranh với các biến thể của Airbus A330.
VNA_787_02.png

Nội thất trên 787-9 hứa hẹn sẽ mang lại một trải nghiệm bay rất mới mẻ. Hệ thống ghế cabin do Zodiac Aerospace, Pháp thiết kế và cung cấp. Theo bố cục 3 hàng ghế, hạng ghế doanh nhân có 28 ghế đôi 2 vách ngăn Cirrus của Zodiac với thiết kế có thể mở phẳng hoàn toàn, song song với sàn máy bay. Thiết kế ghế Cirrus mang lại cho hành khách sự riêng tư cũng như có thể dễ dàng bước ra khoảng trống giữa các hàng ghế mà không làm phiền người khác. Trên mỗi ghế này còn có cổng sạc thiết bị di động và một màn hình cảm ứng 15,4". Zodiac Cirrus là loại ghế hiện đang được sử dụng trên máy bay của nhiều hãng như Cathay Pacific, American Airlines, EVA, China Eastern và Air France.

VNA_787_03.png

Tiếp theo ở khoang phổ thông cao cấp có 35 ghế với thiết lập ghế 2-3-2 dùng loại ghế HAECO 3050. Mỗi ghế có thể nghiêng về sau từ 10 đến 15 độ, góc duỗi chân tối đa 75 độ, gối tựa đầu 4 hướng và có thể được trang bị màn hình 10,4" trước mặt.

VNA_787_04.png

Cuối cùng ở khoang phổ thông, Vietnam Airlines sẽ bố trí 211 ghế theo thiết lập 3-3-3 dùng loại ghế Pinnacle của B/E Aerospace. Đây cũng là loại ghế nhẹ nhất trên thị trường và hiện đang được nhiều hãng hàng không như Delta Airlines, JetBlue trang bị trên các mẫu máy bay thân hẹp của mình.

VNA_787_05.jpg

Bên cạnh 787-9 thì Vietnam Airlines cũng vừa đặt mua 8 chiếc 787-10. Đây là biến thể lớn nhất của 787 Dreamliner với chiều dài thân 68,30 m, tầm bay tối đa 13.000 km. Biến thể này có thể chuyên chở tối đa 330 hành khách theo thiết lập 3 hạng ghế phổ biến. 787-10 sẽ được Boeing thay thế cho 777-200 và cạnh tranh với Airbus A330/A340.

Một thông tin đáng chú ý nữa là Vietnam Airlines sẽ cung cấp kết nối Wi-Fi trên cabin 787 Dreamliner cũng như Airbus A350 XWB, dự kiến triển khai vào nửa cuối năm nay.


Mời anh em khám phá cabin Boeing 787 Dreamliner của Vietnam Airlines
Thông số kỹ thuật của Boeing 787-9 và 787-10:
  • Chiều dài thân: 62,8 m (787-9) và 68,3 m (787,10)
  • Chiều rộng sải cánh: 60,1 m
  • Diện tích cánh: 325 m2
  • Chiều rộng thân: 5,77 m
  • Chiều cao thân: 5,97 m
  • Chiều rộng cabin: 5,49 m
  • Sức chứa hành lý: 172 m3 (787-9) và 175 m3 (787-10)
  • Trọng tải cất cánh tối đa: 253.000 kg (787-9) và 251.000 kg (787-10)
  • Tốc độ hành trình: Mach 0.85 (913 km/h ở độ cao 10.700 m)
  • Tốc độ bay tối đa: Mach 0.90 (954 km/h ở độ cao 10.700 m)
  • Tầm bay phổ biến: 15.400 km (787-9) và 13.000 km (787-10)
  • Động cơ: 2 x GE GEnx-1B hoặc 2 x Rolls-Royce Trent 1000
  • Lực đẩy động cơ: 71.000 lbf hay 320 kN (787-9) và 76.000 lbf hay 340 kN (787-10).
Tham khảo: Wikipedia, Modernairlines, Boeing
58 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

HTP@87
TÍCH CỰC
9 năm
VN mình nghèo thì có nghèo nhưng vẫn ráng cho tèo đi học
appleno1
TÍCH CỰC
9 năm
Chỉ ước có loại máy bay rớt mà hành khách ko chết 😔
vn tính toán kinh tế quá, mua biến thể toàn bự hơn không
phamlong
TÍCH CỰC
9 năm
Động cơ không phải của hãng nhé, thường là của RR
@phamlong RR hoặc GE bạn ạ, có thêm thằng PW chứ boeing có mấy khi sx động cơ đâu 😁 giờ thời đại ném cho oem làm hết rồi :D
Tự nhiên lạc lối khi đọc đoạn này, vì cứ nghĩ mãi 2 điều:
_Văn chương, văn học bình luận
_Ông chủ hãng xe cơ giới (xúc đất, đào đường, ...) hiệu C.A.T từng cho hay màu vàng lợt được sơn cho xe là DO ÔNG THÍCH chứ không nhằm mục đích khoa học lý giải (tại nó tiệp màu đất, cát, ... blah blah) 😁
quana75
TÍCH CỰC
9 năm
@quangrc Qua các bài làm văn thì một bài thơ làm khi đau bụng cũng trở thành một lời cảm thán sâu sắc trước nỗi đau của nhân loại :D
IvanNgo
ĐẠI BÀNG
9 năm
Quan trọng nhất là giá tiền thì lại ko nhắc đến sao ae biết đường mà mua ủng hộ. Hehehe 😁
phamlong
TÍCH CỰC
9 năm
@IvanNgo theo the wallst thì nó cỡ 6 ngàn tì đồng
The current list price on a 787-10 is $297.5 million, compared with $257.1 million for the 787-9 and $218.3 million for the 787-8. Even at this nosebleed level, the 787-10 will cost about $90 million less than the 777-9X when that plane makes its debut in service, now expected in 2020.
Juztapose
ĐẠI BÀNG
9 năm
@IvanNgo bản 9 tầm 250tr mẽo kim. 😃
anhtuanlqd
ĐẠI BÀNG
9 năm
@phamlong Không đắt đến thế đâu ạ, toàn discount trên dưới 50% ạ.

In May 2013, Forbes magazine reported that the Boeing 787 offered at $225 million was selling at an average of $116m, a 48% discount.[34]

Those discounts were presented again in Le Nouvel Observateur's Challenges.fr again with Ascend valuations in 2013:[35]

Model List price 2013 Market price Discount
Boeing 747-8 351.4 145.0 59%
Airbus A320-200 91.5 38.75 58%
Airbus A330-200 239.4 99.5 58%
Boeing 737-800 89.1 41.8 53%
Boeing 777-300ER 315.0 152.5 52%
Airbus A380 403.9 193.0 52%
Airbus A320neo 100.2 49.2 51%
Boeing 737 MAX-8 100.5 51.4 49%
Boeing 787-8 206.8 107.0 48%
Airbus A350-900 287.7 152.0 47%
In 2014, Airways news indicated discounted list prices for long haul liners :[36]

Model List price 2014 Market price Discount
Airbus A330-900neo 275.6 124.0 55%
Airbus A350-900 295.2 159.4 46%
Boeing 777-200LR 296.0 118.4 60%
Boeing 787-9 249.5 134.7 46%
kungfu9
CAO CẤP
9 năm
Chế tạo hàng không là thứ gì đó quá xa xỉ, chỉ có trong mơ đối với chúng ta
halong148
TÍCH CỰC
9 năm
@kungfu9 Trên mỗi chiếc máy bay vãn thấy cả đống thứ made in vn mà bạn.
kungfu9
CAO CẤP
9 năm
@halong148 nội thất, sơn thì nói làm gì
halong148
TÍCH CỰC
9 năm
@kungfu9 Thì mình kỹ thuật kém nên làm những thứ lặt vặt thôi.thêm các thứ như tiếp viên hk, xe đẩy hàng, mì gói, túi ói, thảm chùi chân, rèm..blabla
mrsouth.hp
TÍCH CỰC
9 năm
@kungfu9 b mơ ak? làm j dc nôị thất sơn????
nhh391
ĐẠI BÀNG
9 năm
Vẫn chưa thể có nhà thầu phụ từ China...
Justin Long
ĐẠI BÀNG
9 năm
Nhìn giá mới thấy Kinh doanh Hàng không siêu lợi nhuận. Giá mb cao, chi phí vận hành cao, lương nv cao mà vẫn lãi khủng để phát triển đội bay. Gần đây thấy VA đặt mua nhiều mb mới chứ k thuê như trc. K rõ 2 chiếc 777 mới thanh lý giá bn??
ttanhtu
ĐẠI BÀNG
9 năm
@Justin Long trả tàu bác nhé. ko phải thanh lý
johnny8384
TÍCH CỰC
9 năm
Thích quá nhỉ, hi vọng mình sớm đc bay với Dreamliner!
philip hoang
ĐẠI BÀNG
9 năm
Đi VNA tiếp viên cứ khinh khỉnh với người Việt mình. Chẳng dễ chịu chút nào. Mấy hãng ngoại dù đắt hơn nhưng phục vụ thoải mái hơn.
@philip hoang gớm, bọn e làm bên VN airline đây, kĩ sư máy bay hẳn heo mà đi cùng tàu vs chị tiếp viên là phải dạ vâng ngoan ngoãn k là cũng bị như bác luôn =)))
@SunDay.TeleCom Tự dưng làm mình nhớ lại câu chuyện cười về "động vật có vú biết bay". 😁

Đọc đến đoạn bleed air mới nhớ... Mấy lần đi Airbus đúng là "xe bus trên không". Chuẩn bị hạ cánh là nó rung lắc ầm ầm. Chưa kể nhiều lần ngửi rõ cả mùi dầu máy nữa. 😕
Nhầm nè mod ơi
microghost
TÍCH CỰC
9 năm
Không có nhà thầu China nhé, tuyệt vời.
May quá ko có thầu phụ China, ko là ko dám bước chân lên cái máy bay này
Logo VNA ko đẹp, màu nên nhat hơn chút, nhìn nóng quá.
Dạo này VNA phát triển đội bay với những chiếc máy bay mới hoành tráng quá
datvn
TÍCH CỰC
9 năm
Quan trọng nhất của anh VNA vẫn là người phục vụ trên máy bay thế nào!
LuisYuri
TÍCH CỰC
9 năm
Mình đi VNA từ xưa đến nay thấy phục vụ ok mà...đứa nào dám bật lại gọi đường dây nóng ngay chứ bố láo ah
hd79
CAO CẤP
9 năm
Mua máy bay xịn về cho dân VN vô ý thức, vô văn hóa đái bậy: http://anninhthudo.vn/giai-tri/khi-cac-sao-lo-giu-the-dien-trong-the-gioi-ao/622248.antd Nhà chị Lệ Quyên này có phong tục đái ngoài đường nên lên máy bay là đái thoải mái. Bảo sao VN vẫn là một nước có học thức nông dân

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019