Trợ lý ảo hiện nay vẫn chưa hữu ích, chúng ta cần những cô trợ lý năng động, tự giác hơn

Duy Luân
24/3/2017 22:18Phản hồi: 86
Trợ lý ảo hiện nay vẫn chưa hữu ích, chúng ta cần những cô trợ lý năng động, tự giác hơn
Trợ lý ảo giống như một cụm từ hot được nhắc tới rất nhiều trong khoảng 3 năm trở lại. Bắt đầu bằng Siri, rồi Google Now, sau đó tới Cortana. Chưa, xu hướng chưa dừng lại ở đó, nó còn lấn qua cả những trợ lý nằm trên thiết bị của các hãng khác nhau. Mới đây HTC có U Ultra với trợ lý Sense Companion, Pixel có Google Assistant, nghe đồn sắp tới Galaxy S8 có tích hợp em gái tên Bixby. Nhưng với vai trò là một người dùng bình thường, đặc biệt là người không thường cầm điện thoại lên để nói tiếng Anh với một em gái ảo, thì những giải pháp trợ lý này vẫn chưa thể phát huy hết khả năng của mình.

Không chỉ là điều khiển bằng giọng nói


Hầu như bất kì một trợ lý ảo nào xuất hiện cũng đều được quảng cáo vì khả năng nhận dạng giọng nói và đáp lại thông tin cũng bằng giọng nói. Đó cũng là cách mà Siri xuất hiện và mở ra một kỉ nguyên mới cho các trợ lý ảo trên thiết bị di động, cũng là cách trình làng của Google Now và Google Voice nhiều năm về trước. Google tiếp tục áp dụng chiêu tương tự khi ra mắt chiếc Pixel, họ trình diễn nhiều câu hỏi, nhiều câu lệnh với trợ lý Assistent trên bộ đôi điện thoại Pixel và Pixel XL.

Khoảng 3-4 năm trước, điều này có thể gây ấn tượng vì lúc đó người ta vẫn chưa quen với công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Khi ấy, ngoài việc điều khiển bằng các nút bấm, người ta chỉ xài giọng nói theo những cấu trúc cú pháp được định sẵn. Nếu bạn chỉ nói không không như khi đang trò chuyện với người khác thì máy móc sẽ không thể hiểu hết bạn đang nói gì, và tất nhiên không thể dựa vào đó để đưa ra hành động nào trên máy cả.

Đó là lý do vì sao người ta ngạc nhiên vì khả năng xử lý ngôn ngữ bất cấu trúc của Siri khi Steve Jobs ra mắt cô ấy. Vài năm sau, sự trầm trồ tiếp tục được dành cho Google Voice và sau này là Cortana. Tính năng ra lệnh bằng giọng nói được đưa lên làm chủ chốt khi nói về trợ lý di động rồi dần dần trở thành một phần không thể thiếu với cả thị trường.


google_Assitant.jpg
Ảnh: The Verge

Nhưng chỉ giọng nói không thì không đủ. Theo quan sát của mình, những tình huống người ta thật sự nói với điện thoại của mình không nhiều. Không chỉ ở Việt Nam, trong những chuyến du lịch và công tác dài ngày mình đi nước ngoài, chẳng thấy ai ra lệnh cho Siri hay Google Voice hay Cortana như cách mà Apple và Google vẫn thường quảng cáo. Một phần là do người ta đã xài tay để làm rồi, nhanh hơn, một phần vì ngại khi nói chuyện lớn giữa đường, phần khác là do người ta cũng chẳng để ý tới sự tồn tại của trợ lý ảo.

Đó là chưa kể những trợ lý ảo như Siri, Google, Cortana đều chưa hỗ trợ tiếng Việt, khiến chúng càng trở nên khó xài hơn ở Việt Nam. Bạn có nghĩ là hơi dị khi bạn đứng giữa đường và nói oang oang tiếng Anh vào cái điện thoại của mình? Bạn có đang làm phiền người khác khi ngồi trong quán cà phê yên tĩnh mà lại đi hỏi Siri một thông tin nào đó bằng tiếng Anh để rồi cô ấy tiếp tục đáp lại bằng một giọng nói cũng lớn không kém? Rồi với những người không ràng tiếng Anh thì sao, làm sao họ có thể ra lệnh một cách nhanh chóng?

Chúng ta cần những trợ lý tự giác hơn


Nhưng đáng ra, trợ lý ảo cần phải làm được nhiều thứ hơn là trò chuyện hay giải đáp thắc mắc cho bạn. Trừ khi bạn thật sự bận tay liên tục, việc rút điện thoại ra nhập từ khóa lên Google sẽ cho bạn một danh sách kết quả mau chóng, trực quan, đồng thời cung cấp cho bạn cái nhìn đa chiều về thứ bạn đang cần tìm hiểu. Tương tự, việc rút điện thoại ra để tự mình tắt bật Wi-Fi, 3G hay chỉnh độ sáng cũng nhanh hơn so với việc phải ấn nút gọi trợ lý, nói với cô ấy, chờ server xử lý rồi hành động mới diễn ra. Những trường hợp này xuất hiện trong đời sống hằng ngày của chúng ta nhiều hơn so với những tình huống hiếm hoi mà bạn không thể nào rờ vào smartphone.

Không chỉ trên điện thoại mà ngay cả trên máy tính trợ lý ảo cũng chưa được sử dụng nhiều. Hồi Win 10 và macOS 10.12 mới xuất hiện, Cortana và Siri được nói tới nhiều lắm. Nhưng trong thực tế sử dụng hằng ngày, chẳng ai đụng tới hai chức năng này vì cùng lý do khiến họ không xài trợ lý ảo trên điện thoại. Nếu họ cần làm gì đó thì người dùng tự xử luôn, không hỏi trợ lý ảo hay nhờ nó làm chi để rồi có khi không nhận ra giọng nói thì lại mất công nói lại.

Siri_Macos.jpg

Chúng ta không cần những trợ lý thụ động, chỉ biết đợi lệnh của chủ nhân. Cũng giống như khi bạn tuyển trợ lý thật ngoài đời cho chính bạn, liệu bạn có tuyển một cô trợ lý chỉ biết đợi lệnh của bạn thì mới làm việc, còn lại phần lớn thời gian cô ấy chỉ ngồi chơi không hay thậm chí là không bao giờ xuất hiện? Cái chúng ta cần là những trợ lý thông minh hơn, biết bạn cần gì, tự sắp xếp, tự đề xuất sẵn cho bạn, và tự làm luôn việc cho bạn khi có thể.

Quảng cáo


Google đã nhận ra điều này từ năm 2012. Lúc này Apple vẫn đang quảng bá Siri với chức năng giọng nói, trong khi Google không đề cập nhiều tới chức năng giọng nói của Google Voice mà hãng tập trung nói về những thứ mà Google Now có thể làm tự động. Ví dụ, Now có thể học hỏi xem bạn thường ra khỏi nhà đi làm vào mấy giờ, để gần tới lúc đó nó huện thông báo về hiện trang giao thông cũng như thời gian ước tính để bạn di chuyển đến công ty. Tương tự, khi bạn chuẩn bị rời công ty về nhà, Now có thể nói cho bạn biết chặng đường mà bạn thường đi có bị kẹt hay không, trời có sắp mưa hay không...

Những thông tin kiểu này được Now chuyển tới người dùng một cách vô cùng nhẹ nhàng và thông minh. Chỉ bằng một thông báo nhỏ trên màn hình khóa và trong notification, Now có thể giúp bạn nắm bắt thông tin chỉ bằng cách liếc sơ qua cái điện thoại mình. Đó mới chính là một thứ mà chúng ta cần và sẽ dùng hằng ngày, không phải là những lời nói hào nhoáng với chiếc smartphone để rồi phải mất thời gian chờ đợi thêm.

Xu hướng trợ lý ảo hiện đại: tích hợp vào máy, tự làm nhiều thứ

Trong thời gian gần đây xu hướng này cũng đang được chú ý hơn. HTC bắt đầu đem chức năng trợ lý ảo lên chiếc điện thoại của họ và là một trong những hàng đầu tiên muốn áp dụng trợ lý ảo để tự làm, tự đề xuất thông tin, tự xử lý việc cho bạn khi cần thiết. Trợ lý Sense Companion thậm chí còn học hỏi về cấu trúc lỗ tai của bạn để điều chỉnh âm thanh cho phù hợp nhất có thể. Nhưng hơi tiếc một chút, trên chiếc U Ultra của mình Sense Companion dường như không chạy và không đưa ra các thông tin mình cần như HTC quảng cáo, dường như là do việc thiết lập vùng miền hay sao đó. Mình đang tìm hiểu thêm, có gì hay sẽ chia sẻ tiếp với anh em.

HTC_Sense_Companion.jpg

Galaxy S8 cũng có thể có một cô trợ lý ảo tên Bixby, điểm đáng chú ý là nó sẽ hỗ trợ làm rất nhiều việc mà chúng ta vẫn thường làm trong từng ứng dụng riêng. Ví dụ bạn đang xem một bức hình và muốn gửi cho bạn gái xem chung, thay vì phải bấm Send > Tin nhắn > gõ tên bạn gái thì bạn chỉ cần nói: "Gửi cho ghệ của tao". Xong. Hiểu theo cách khác thì mục tiêu mà Samsung hướng tới khi phát triển Bixby là muốn nó trở thành một công cụ để bạn sử dụng điện thoại hiệu quả hơn, dễ dàng hơn và thao tác nhanh hơn chứ không phải tạo ra một cái app để tra cứu thông tin từ Internet. Bixby có tiềm năng thực thi toàn bộ các chức năng của một chiếc smartphone mà chỉ cần bạn ra lệnh cho chúng bằng giọng nói mà thôi, bỏ qua các thao tác chạm cảm ứng, vuốt, chọn menu này nọ. Tuy vẫn là gióng nói, nhưng các tình huống sử dụng đã mới hơn, hợp lý hơn và diễn ra thường xuyên hơn, thật sự cắt bớt cssc thao tác truyền thống.

Hay như Google Assistant, nó có thể quét qua email của bạn để biết lịch đi chơi, bay máy bay của bạn rồi đưa ra những gợi ý hay nhắc nhở cần thiết. Giống với Google Now lúc trước, Assistant cũng biết khi nào bạn đang đi chơi nước ngoài và hiển thị sẵn công cụ để bạn đổi tiền qua lại hay nút truy cập nhanh vào Google Translate để phiên dịch chữ nghĩa. Chức năng này Siri và Cortana chưa thể làm được mà vẫn còn thụ động và chờ đợi quá nhiều vào sự tương tác của người dùng chúng ta.

Quảng cáo



Anh em có thể xem kĩ hơn về Google Assistant so với Siri trong video này

Sự tích hợp của Sense Companion, Bixby, hay Google Assistant đánh dấu những thay đổi đầu tiên trong việc triển khai trợ lý ảo lên thiết bị di động. Không còn chú trọng vào giọng nói, thay vào đó các hãng tập trung vào thực chất: những gì trợ lý ảo có thể thật sự giúp người dùng, nó có thể giải quyết gì cho những rắc rối với smartphone thường ngày. Bởi vì suy cho cùng, chỉ khi nào tính năng AI có thể thật sự giúp cho những vấn đề của người dùng thì người ta mới chịu xài, bằng không thì trợ lý ảo cũng chỉ nằm một góc và lâu lâu được gọi lên nói chuyện chơi cho vui mà thôi.

Với làm sóng nổi dậy thứ 2 của trợ lý ảo, các hệ thống trí tuệ nhân tạo đứa phía sau là thứ quan trọng nhất. Chúng sẽ là "bộ não' của những cô trợ lý, là nơi cô ấy lưu những thông tin mà cổ biết và học hỏi về bạn, về sở thích, về thói quen, cũng như xài các thuật toán logic, các kĩ thuật nhận biết quy tắc để phán đoán khi nào bạn cần cái gì. Để có được một hệ thống như thế không dễ và không phải hãng nào cũng làm được, nhưng phần thưởng dành cho hãng làm tốt sẽ vô cùng đáng giá.

Mình rất hi vọng xu hướng này sẽ được tiếp tục phát huy trong tương lai, bởi nó là một xu hướng đúng và hữu ích. Lúc đó người ta sẽ xài trợ lý ảo nhiều hơn, thậm chí thích cái điện thoại hơn nhờ có sự xuất hiện của trợ lý ảo, khi đó cái lợi không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho cả hãng vì họ bán được nhiều hơn. Đó là chưa kể tới những cơ hội phát triển và những nguồn doanh thu mới mà trợ lý ảo có thể đem tới cho nhà sản xuất: dữ liệu về thói quen sử dụng, khả năng bán quảng cáo với tính định hướng rất cao, bán bản quyền trợ lý ảo cho công ty khác, sử dụng trợ lý ảo để giúp các doanh nghiệp hoàn tất công việc nhanh hơn.
86 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

congthach
ĐẠI BÀNG
7 năm
Theo mình thì gọi là chức năng điều khiển bằng giọng nói thay vì trợ lý ảo :|
@congthach Không dừng ở điều khiển đơn giản, nó còn có thể phản hồi rất nhiều thứ phức tạp khi con người đưa ra yêu cầu, có giọng nói, có thể trò chuyện như 1 con người. Gọi là trợ lý ảo quá là hợp lý rồi 😃
đa số chúng ta ko dám dùng nó. vì thực sự trả ai lại nói cho nó viết tin nhắn,tìm kiếm vvv khi bên cạnh có nhiều người. nhiều cái thuộc về bí mật nên ít khi sài bằng giọng nói.
các hãng nên phát triển trợ lý theo kiểu hiểu được chủ nhân.ko phải chỉ bằng giọng nói mà bằng cả cách sử dụng hàng ngày của chủ máy,như nhập liệu,gọi ý app hay dùng khi nhấc máy lên và khi vào app thì chủ máy hay làm gì. như vậy sẽ hữu ích hơn nhiều lần.
vd -điển hình như việc khi nhập liêu trên bàn phím ios. nó sẽ ghi nhớ và sửa sai cho ng dùng rất thông minh. nên phát triển trí tuệ nhân tạo theo cách này
@nguyenmanh287 Nó không chỉ để viết tin nhắn và tìm kiếm, rất nhiều chức năng khác nữa. Rất tiện, bớt được thao tác nhập liệu truyền thống. Mà thôi, nói với m chắc m chẳng hiểu được đâu. Nhìn avt là đủ biết rồi 😁
@hoangtu_miennui chuyên za nhìn phân đoán ruột đây ah. hay cứ phải avata như này mới giỏi, mới cùng đạo, mới nâng bi.
voãi cả bọn guồng:eek:
upload_2017-3-26_12-18-34.png
@nguyenmanh287 Hợp lý, em yêu nhắn rủ đi khách sạn cái nó oang oang lên thì mệt 😆
@Duy Luân hi. nhiều lúc e cũng muốn sài lắm chứ. mà đăng nằm cạnh vợ trả lẽ cứ bô cái mồm cưng đang làm gì đó ,mai café đi ăn với a ko. hay zả như trêu đùa nhớ cưng quá. chúc ngủi ngon-hôn cưng. đại loại là chưa thể sài được😁
cacaca
TÍCH CỰC
7 năm
Mình thấy chả có gì là trợ lý cả. Bản thân cái điện thoại mới là trợ lý.
hiện tại thấy mỗi amazon echo - Alexa là được ưa chuộng hơn cả.
duaIshock
ĐẠI BÀNG
7 năm
Nếu muốn nó tự động, tự hiểu và tự làm những thứ mình muốn thì cần đến trí thông minh nhân tạo, và quan trọng hơn nữa là nó cần theo dõi mình đủ lâu để hiểu.
Một khi nó theo dõi chúng ta, hiểu chúng ta cặn kẽ thì chúng ta còn yên tâm nữa không ?
@duaIshock Nếu nói đến việc sợ bị theo dõi và hiểu chúng ta cặn kẽ, thì chẳng cần tới lúc trợ lí ảo được phát triển một cách hoàn hảo, mà ngay tại thời điểm hiện nay điều đó cũng đã xảy ra rồi. Chỉ dựa theo những gì bạn viết, like, share trên Facebook, những gì bạn tìm kiếm trên Google, những trang web bạn ghé thăm,... cũng đã đủ để xây dựng một hồ sơ khá hoàn chỉnh và chính xác về con người bạn rồi. Thế nên sự lo sợ về việc trợ lí ảo sẽ biết quá nhiều về chúng ta là mối lo có cơ sở nhưng cũng vượt quá tầm kiểm soát của người dùng phổ thông như chúng ta rồi. Nếu muốn ngăn chặn, chỉ có cách xoá toàn bộ tài khoản và không bao giờ dùng internet nữa thôi. Ngay cả việc dùng anonymous surf cũng chẳng giúp chúng ta ẩn mình hoàn toàn.
@Black Mamba Không hẳn là không chia sẻ thông tin đâu bạn, chỉ là nó đọc lên cái không cần đọc thôi 😁
chứ mình xài Now hay Cortana thì share hết sạch
@Duy Luân Ơ @Duy Luân có quote nhầm không, mình đâu nhác gì tới việc không chia sẻ thông tin trong cmt trên đâu :D
@Black Mamba Chắc quote nhầm :v
@duaIshock Vốn dĩ bình thường nó đã theo dỗ chúng ta rồi 😆 bạn nghĩ các hãng ko thu thập dữ liệu người dùng sao, ngây thơ ghê
Siri ra mắt cũng chỉ để làm cảnh và giúp buổi ra mắt iPhone mới trở nên màu mè hơn mà thôi. Nếu nhắc đến đỉnh cao của trợ lý ảo thì phải là Google Now, mà tương lai là Google Assistant.

Mình cũng thấy thật kì dị nếu trong phòng họp hay ở một quán cafe yên tĩnh như Coffee Bean & Tea Leaf mà chúng ta lôi trợ lý ảo ra nói bô bô với nhau. Còn ở những nơi đông và ồn ào như Highlands thì khó có thể nói đủ để trợ lý ảo nhận diện đúng những gì chúng ta yêu cầu. Vậy nên cách xử lý thông minh nhất là tự biết chúng ta sẽ cần gì và từ đó đưa ra gợi ý thích hợp bằng các thẻ trên widget như cách mà Google Now đang làm: nó sẽ biết trước khi nào bạn nên dời khỏi nhà cho cuộc hẹn tiếp theo, phụ thuộc vào lịch bạn đã đặt trong Calendar và tình trạng giao thông trong Maps, nó biết nơi nào bạn đỗ xe và báo thời gian cũng như quãng đường bạn về nhà; nó biết thông báo cho bạn về một chương trình sale-off trên Walmart nếu thấy ngày hôm qua bạn đã tìm kiếm giá của chiếc iPad, nó biết thông báo tình trạng thời tiết cuối tuần nếu thấy bạn tìm kiếm địa điểm hẹn hò vào chiều thứ 7, nó nhắc nhở lịch bay và chuyến bay nếu thấy trong Gmail của bạn có thư tới từ Vietnam Airlines thông báo đặt chỗ. Tất cả những cái đó đều phải diễn ra âm thầm và mượt mà ở phía dưới, giúp cuộc sống của chúng ta dễ dàng và tiện lợi hơn, chứ không phải chỉ biết làm việc một cách thụ động như một số trợ lí ảo hiện nay.
@Black Mamba uhm thi ai dùng để xử lý ngôn ngữ nhập vào nhưng khi tìm giá trị thì buộc phải dùng search engine để trả kết quả tìm được ngoài khả năng trả về của ai. apple thì mua lại siri thôi và khi công ty mẹ bán lại ko cải tiến thì nó quanh quẩn như vậy, mấy hãng kia tự phát triển từ đầu nên dễ dàng nâng cấp và cải tiến hơn là vậy.
@finely Sao mình xài không có ta 😔 nó ko kích hoạt cho Việt Nam à
@hypous Không có nhé 😁 Mỹ mới có. Qua Mỹ cái là Siri nó hiện thêm tùm lum thông tin, gấu lắm
finely
TÍCH CỰC
7 năm
@Black Mamba Làm ơn, những chức năng vs những câu hỏi đơn giản đó chắc Siri làm đc từ những ngày đầu mới ra mắt. Tâng bốc cái asistant hơi quá bạn ơi. Mấy chức năng này ko những Siri làm đc mà ngay cả S voice cùi bắp của Samsung còn làm đc và chính xác ko kém. Ở đó mà nói là rõ hay ko rõ. Với lại giờ mà so sánh mấy cái chức năng nhí nhí thì hơi khờ. Tui hỏi Siri what's the temperature outside? Nó trả lời 44 độ F, tui hỏi Google Assitance y chang, cũng ra đáp án tương tự? Bộ có gì làm bạn phiền? Tui hỏi tiếp What's about in Ho Chi Minh? Cả hai đều nói 80 mấy độ F? Có gì sai chăng. Google có trình Google dịch chuyên nghiệp do đích thân người dùng chỉnh sữa trên google translate thì chắc chắn nó đủ tự tin dịch. Siri dựa vào wolframalpha vì đó giờ Apple vẫn làm vậy. Cá nhân tui thấy mấy cái cơ bản này con nào cũng làm được chứ đừng tâng bốc quá nghe mệt.
Giải quyết dc vấn đề pin và tuổi thọ phần cứng thì cỡ em Samantha cũng có ^.^
@Fatcat88 Samaritan Bác nhé, em ý sử dụng Social engineering bá đạo hơn cả Kevin Mitnick
@thienvk Mình đang nói cô trong phim "Her" mà 😁
một ngày nào đó trong tương lai, Trợ lý ảo sẽ đúng với nghĩa đen của Trợ lý.
em đang kiếm bác @Cupertino ai gọi giúp bác ấy với.
lvq17cm
TÍCH CỰC
7 năm
Chúng tôi cần những cô trợ lý kiểu Nhật, biết nói Kimochi thật là gợi cảm @@ j/k
@lvq17cm 😆
Chúng ta cần những cô THƯ KÝ năng động tự giác hơn
N.T.Trung
ĐẠI BÀNG
7 năm
@hung.nexus Có việc thì THƯ KÝ làm, mà không việc thì làm THƯ KÝ ý bác là như vậy chứ gì😁
@N.T.Trung Năng động trong việc công
Tự giác trong công việc
Thằng này bị bệnh hay viết lẹ lấy tiền gì mà Siri đến google now rồi đến google now? Không phủ nhận đóng góp nhưng đó là sự tráo đổi mà nhể? Viết bài, kiếm tiền rồi viết bài... Tau khinh. Unliked tinhte.com
@dctoan1184 Cortana, đã sửa, cảm ơn bạn
dat225
TÍCH CỰC
7 năm
@dctoan1184 Đi nhé, không tiễn. Đừng quay lại.
Bao giờ họ nhúng hẳn AI theo thời gian thực mới hay :p
Mấy trợ lý ảo đó là thứ muốn xóa đầu tiên trong máy, vô dụng hết chỗ nói
bbbatdiet
ĐẠI BÀNG
7 năm
năng động, tự giác hơn để rồi không thèm phục vụ nữa, rồi lén trốn tự sướng chứ được gì =))
mronly105
TÍCH CỰC
7 năm
Ak hóa ra Duy Luân k sài dc sense comp.. trên HTC U, tìm hiểu và trải nghiệm em nó đi.
Muốn xem đánh giá e trợ lý thông minh này thế nào.
Còn mấy bé thế hệ 1 k có gì hấp dẫn cả.
@mronly105 Nó cứ không chạy, chả hiểu thế nào. Máy đang cho team camera đi test thử rồi, mai mình có máy lại mình test cho anh em coi thử
lovingyou92
ĐẠI BÀNG
7 năm
Mình cần 1 trợ lý ảo biết làm tình = giọng nói 😔
Nói chung chỉ là trào lưu. Có trợ lí thật vẫn tốt hơn. :p

Mình dùng WP, Android & iOS. Việc đầu tiên là tìm cách tránh chức năng điều khiển bằng giọng nói nếu có thể.
Ngoài vấn đề chưa hỗ trợ ngôn ngữ ra thì còn nhiều cái rất lung tung. Ví dụ có lần tháo mũ bảo hiểm, vô tình chạm vào tai nghe. Thế là nó kích hoạt chức năng > nghe ồn ào xung quanh thế nào gọi luôn vào 1 số bất kì trong danh bạ, trong khi mình còn chưa kịp bỏ mũ ra. 😕
Không ai có thể thay thế cô trợ lý 18+ của ta hiện tại.. rãnh thì ta dẫn đi xem phim vvvv... còn buồn bực thì có cái để chia sẽ... e he he

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019