[Tư liệu] Kỷ niệm sự kiện bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki

niky
6/8/2010 9:21Phản hồi: 2
[Tư liệu] Kỷ niệm sự kiện bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki
Những ngày này, Nhật Bản cùng cả thế giới đang kỷ niệm 65 năm sự kiện quân đội Hoa Kỳ thả 2 quả bom nguyên tử xuống hai thành phố HiroshimaNagasaki. Tổn thất về của cải, về người lẫn tinh thần của hai vụ nổ đó khó có thể đong đếm được, ngay cả khi chính phủ Mỹ sẵn sàng bù đắp thiệt hại cho người dân Nhật Bản. Nhân dịp kỷ niệm năm nay, hòa cùng thế giới, Tinh Tế xin gởi đến các bạn một số thông tin tư liệu về sự kiện có ảnh hưởng cực kỳ lớn này.

[​IMG]
Khu vực tưởng niệm vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima ngày nay.​

Trong những ngày đầu tháng 8 năm 1945, hai quả bom nguyên tử đã được Quân đội Mỹ thả xuống, theo lệnh của Tổng thống Harry S. Truman. Cụ thể là vào ngày ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên "Little Boy" đã được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Sau đó 3 hôm, ngày 9 tháng 8 năm 1945, quả bom thứ hai mang tên "Fat Man" đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki. Đây là hai vụ thả bom nguyên tử gây ra nhiều phẫn nộ đối với dư luận thế giới. Các số liệu khác nhau được được thống kê vào các thời điểm khác nhau cho biết: rất nhiều nạn nhân chết ngay lúc đó, sau nhiều tháng, thậm chí rất nhiều năm sau bởi hậu quả của phóng xạ từ hai quả bom. Tuy vậy, cũng có những áp lực làm con số bị phóng đại hoặc giảm thiểu vì lý do chính trị. Theo ước tính, 140.000 người dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ cũng như bởi hậu quả của nó. Số người thiệt mạng ở Nagasaki là 74.000. Ở cả hai thành phố, phần lớn người chết là thường dân.

Vai trò của hai vụ nổ đối với việc nước Nhật đầu hàng, cũng như hậu quả và các giải thích cho việc thả bom vẫn là chủ đề còn bàn cãi. Ở Mỹ, quan điểm đa số cho rằng hai quả bom đã chấm dứt chiến tranh sớm hơn nhiều tháng và hạn chế thiệt hại sinh mạng các bên tham chiến. Còn phía Nhật, dư luận trong nước cho rằng chúng là không cần thiết và đó là hành vi chống lại dân thường, là hành vi vô đạo đức.

Sau hai vụ đánh bom, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Đế quốc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện Khối Đồng minh và ký vào văn kiện đầu hàng ngày 2 tháng 9 năm 1945, chính thức chấm dứt Thế chiến thứ hai.



Video tái hiện vụ thả bom tại Hiroshima.​

Nước Mỹ, với sự hỗ trợ của đồng minh Anh và Canada, đã thiết kế và chế tạo những quả bom nguyên tử đầu tiên trong dự án Manhattan. Dự án ban đầu được khởi động bởi những nhà khoa học đến từ Châu Âu (có cả Albert Einstein) và các nhà khoa học Hoa Kỳ, những người lo ngại nước Đức phát-xít cũng tiến hành chương trình phát triển vũ khí nguyên tử (chương trình, sau này, được biết là có tồn tại nhưng với quy mô nhỏ hơn rất nhiều và tiến độ bị người Mỹ bỏ xa). Riêng dự án thu hút tổng cộng 130.000 người từ hơn 30 tổ chức trên khắp nước Mỹ ở thời điểm sôi động nhất và tiêu tốn tổng cộng 2 tỷ đô la Mỹ thời đó, là một trong những dự án nghiên cứu, phát triển vĩ đại nhất và tốn kém nhất của mọi thời đại.

Quả bom đầu tiên mang tên "Gadget" được kích nổ trong chương trình thử nghiệm "Trinity" gần Alamogordo, bang New Mexico ngày 16 tháng 7 năm 1945. Các quả bom thả xuống Hiroshima và Nagasaki là những quả thứ hai và thứ ba được thế tạo và cho đến nay, chúng vẫn là những vũ khí hạt nhân duy nhất được đưa ra sử dụng.

Trong Thế chiến thứ hai, hai phe tham chiến đều theo đuổi chính sách ném bom chiến lược và nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự. Trong rất nhiều trường hợp, ném bom chiến lược cướp đi sinh mạng của vô số dân thường và gây nhiều tranh cãi. Tại Đức, cuộc tập kích hàng không chiến lược của phe Đồng Minh vào thành phố Dresden gây hậu quả là 30.000 người thiệt mạng. Theo cơ quan Lịch sử chiến tranh Nhật Bản, các cuộc ném bom thành phố Tokyo tháng 3 năm 1945 làm 72.489 người chết. Đến tháng 8 năm 1945, khoảng 60 thành phố của Nhật đã bị tàn phá trong các chiến dịch ném bom. Tokyo và Kobe cũng hứng chịu các cuộc tập kích bằng bom.

Trong hơn ba năm rưỡi tham chiến trực tiếp ở Chiến tranh thế giới thứ hai, có khoảng 400.000 người Mỹ thiệt mạng. Khoảng một nửa số đó là trong chiến tranh với nước Nhật. Cho đến trước hai vụ đánh bom nguyên tử, trận đánh chiếm đảo Okinawa dẫn đến cái chết của 50 ngàn đến 150 ngàn thường dân, 100 ngàn đến 125 ngàn binh sĩ Nhật. Thương vong phía Hoa Kỳ là 72.000. Con số khác đưa là là 107.539 người chết cộng với 23.764 chết trong các hang kín và được chôn cất bởi phía Nhật. Vì con số trên vượt quá số lượng quân Nhật trên đảo, phía tình báo quân sự cho rằng có khoảng 42.000 tử vong là dân thường. Lý do phổ biến cho việc ném bom nguyên tử vào Nhật Bản là việc xâm lược các đảo chính của Nhật sẽ khiến thương vong gấp nhiều lần con số thiệt hại ở Okinawa.

Tổng thống tạm quyền Harry S. Truman không hề biết dự án Manhattan cho đến khi Franklin D. Roosevelt qua đời. Truman đề nghị Bộ trưởng chiến tranh Hoa Kỳ lúc đó là Henry L. Stimson chủ trì một nhóm các nhân viên xuất sắc gọi là Ủy ban Nội chính bao gồm cả các nhà khoa học uy tín để cố vấn cho Tổng thống các vấn đề quân sự, chính trị và khoa học phát sinh từ việc sử dụng bom nguyên tử. Ngày 31 tháng 5, Stimson đệ trình các kết luận của ông ta trước Ủy ban này và nhóm khoa học của Ủy ban. Stimson ủng hộ việc sử dụng bom nguyên tử, "nhiệm vụ của chúng ta là kết thúc chiến tranh nhanh chóng và có lợi". Nhưng tiến sĩ Robert Oppenheimer, thành viên của nhóm khoa học, tuyên bố rằng một quả bom đó thôi cũng có thể giết tới 20 ngàn sinh mạng và nên hướng vào mục tiêu quân sự chứ không phải dân sự. Một nhà khoa học khác, Tiến sĩ Arthur Compton, đề nghị rằng nên thả quả bom vào một một hòn đảo hoang vu của Nhật Bản để thị uy đồng thời giảm thiểu thiệt hại sinh mạng thường dân. Nhưng lời đề nghị này sớm bị từ chối với lý lẽ rằng, nếu phía Nhật biết trước về cuộc tấn công, máy bay ném bom sẽ bị bắn hạ hoặc quả bom đầu tiên có thể không phát nổ.

Đầu tháng 7, trên đường đi dự Hội nghị Potsdam, Truman xem xét một lần nữa quyết định sử dụng bom nguyên tử. Cuối cùng, ông ra quyết định thả bom nước Nhật. Ông tuyên bố ý định của việc yêu cầu đánh bom là để nhanh chóng mang lại giải pháp cho chiến tranh bằng cách gây ra sự tàn phá và gieo rắc kinh hoàng về những thiệt hại tiếp theo, điều đó đủ làm cho Nhật Bản chấp nhận đầu hàng.

Ngày 26 tháng 7, Truman và các lãnh tụ phe Đồng minh ra bản Tuyên bố Potsdam, vạch ra điều kiện đầu hàng cho nước Nhật: "Chúng tôi kêu gọi chính phủ Nhật Bản ra tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức cho toàn bộ lực lượng vũ trang Nhật, và đưa ra sự đảm bảo thích đáng và đầy đủ đối với thiện ý của họ trong hành động như vậy. Sự lựa chọn khác cho Nhật Bản là sự hủy diệt toàn bộ ngay lập tức." Ngày hôm sau, các báo chí Nhật nêu rằng, bản tuyên bố, văn bản được truyền bá và trong những tờ truyền đơn thả xuống Nhật bản đều bị từ chối. Những quả bom nguyên tử vẫn được giữ bí mật và không hề đả động trong bản tuyên bố. Chính phủ Nhật Bản không thể hiện ý định chấp nhận tối hậu thư. Thủ tướng Nhật Suzuki Kantaro còn phát biểu tại họp báo rằng Tuyên bố Potsdam chỉ là sự lặp lại của Tuyên bố Cairo và chính phủ của ông không quan tâm đến nó.

Quảng cáo



Nhật hoàng Hirohito, người đang chờ đợi Liên Xô trả lời những thăm dò về hòa bình, đã không có bất kỳ thay đổi lập trường của chính phủ. Ngày 31 tháng 7, ông tuyên bố rõ ràng rằng quyền lực của hoàng đế phải được bảo vệ bằng mọi giá.

Bộ phận lựa chọn mục tiêu ở trung tâm nghiên cứu Los Alamos trong hai ngày 10 và 11 tháng 5 năm 1945 đề xuất các mục tiêu là Kyoto, Hiroshima, Yokohama và một xưởng vũ khí tại Kokura. Bộ phận này từ chối việc sử dụng vũ khí nguyên tử chỉ bó hẹp ở mục tiêu quân sự bởi khả năng để lọt mục tiêu nhỏ không nằm giữa khu dân cư. Đối với ủy ban, tác động tâm lý lên nước Nhật là rất quan trọng. Họ cũng thống nhất rằng việc sử dụng bom nguyên tử lần đầu cần phải kỳ vĩ bởi sự quan trọng của nó sẽ gây tiếng vang quốc tế. Bộ phận này lựa chọn Kyoto bởi đây là trung tâm văn hiến của Nhật Bản, và có qui mô dân cư tốt hơn cả để đánh giá hiệu quả của vũ khí. Hiroshima được lựa chọn bởi đây là thành phố lớn, là cơ sở hậu cần quân quan trọng và thành phố được bao bởi các ngọn đồi – giúp gây ra hiệu ứng hội tụ, làm tăng sức hủy diện của quả bom.

[imgl]http://photo.tinhte.vn/attach/public_image/btv/9759/97594c5bde0df2b4a_300px-Japan_map_hiroshima_nagasaki.png[/imgl]Bộ trưởng chiến tranh Henry L. Stimson bất chấp chống đối của tướng Leslie Groves – trưởng dự án Manhattan, gạt bỏ Kyoto khỏi danh sách bởi tầm quan trọng về mặt văn hóa của thành phố. Theo giáo sư Edwin O. Reischauer, Stimson biết và hâm mộ Kyoto kể từ chuyến đi trăng mật của ông từ nhiều thập kỷ trước, khi văn hóa ứng xử của thị dân nơi đây mang đến cho ông những cảm giác tốt đẹp không bao giờ mờ phai. Ngày 25 tháng 7 năm 1945, tướng không quân Carl Andrew Spaatz được chỉ thị ném bom một trong những mục tiêu: Hiroshima, Kokura, Niigata hoặc Nagasaki và các thành phố khác ngay sau ngày 3 tháng 8 khi thời tiết cho phép và các vũ khí nguyên tử bổ sung nữa sẵn sàng.

Tại thời điểm bị đánh bom, Hiroshima là thành phố quan trọng cả về mặt quân sự và công nghiệp. Một số doanh trại quân sự đóng sát đó bao gồm sở chỉ huy sư đoàn số 5, sở chỉ huy tập đoàn quân số 2 của Thống chế Nhật Hata Shunroku – tư lệnh phòng thủ toàn phần nam Nhật Bản. Hiroshima là căn cứ hậu cần nhỏ của quân đội Nhật Bản. Thành phố là trung tâm liên lạc, điểm tàng trữ và lắp ráp cho quân đội. Nó là một trong vài thành phố Nhật mà người Mỹ, với ý đồ từ sớm, chưa đánh bom, tạo môi trường lý tưởng để kiểm định tính hủy diệt của vũ khí nguyên tử. Một lý do nữa cho việc lựa chọn Hiroshima là tướng Spaatz báo cáo rằng đây là thành phố không có tù binh chiến tranh.

Với những lý do trên, Washington quyết định, đây là mục tiêu số một.

Trung tâm thành phố có vài công trình bằng bê tông và các cấu trúc yếu hơn. Ngoài phạm vi trung tâm là khu vực dày đặc các cửa hiệu, nhà ở bằng gỗ. Số lượng nhỏ nhà máy công nghiệp nằm ở ngoại ô thành phố. Những ngôi nhà ở đây bằng gỗ mái dốc và rất nhiều nhà xưởng công nghiệp có khung gỗ. Toàn bộ thành phố rất dễ bị tàn phá bằng lửa. Đầu chiến tranh, dân số Hiroshima có lúc lên đến 381.000 người, tuy vậy cho đến trước khi bị ném bom, số dân đã giảm rất nhiều bởi lệnh sơ tán của chính phủ. Lúc quả bom nguyên tử được ném xuống, ước chừng 255.000 người trong thành phố. Con số này dựa trên số dân đăng ký cư trú cộng với ước đoán lượng công nhân bổ sung và quân đội.

Quảng cáo



Hiroshima là mục tiêu ưu tiên (số hai là Kokura và mục tiêu dự bị là Nagasaki) của nhiệm vụ tấn công nguyên tử ngày 6 tháng 8 năm 1945. Chiếc B-29 "Enola Gay" của phi đoàn 509, cơ trưởng Đại tá Paul Tibbets, xuất phát từ North Field – căn cứ không quân trên đảo Tinian ở tây Thái Bình Dương, cách Nhật Bản khoảng 6 giờ bay. Ngày thả bom là 06 tháng 08 bởi trước đó có mây hình thành trên bầu trời mục tiêu hạn chế tầm quan sát bằng mắt thường từ trên không. Ở thời điểm bom rơi, thời tiết tốt và phi hành đoàn cùng thiết bị hoạt động trôi chảy. Đại úy William Sterling Parsons đưa quả bom "Little Boy" vào tình trạng sẵn sàng sau khi máy bay cất cánh, trợ tá của ông - Morris R. Jeppson dỡ các thiết bị an toàn của quả bom 30 phút trước khi tới mục tiêu. Cuộc tấn công được thực hiện đúng như kế hoạch, quả bom rơi bởi trọng lực với 60 kg Uranium 235.

Khoảng 1 giờ trước cuộc tấn công, người Nhật đã phát hiện bằng radar một số máy bay của Mỹ tiếp cận lãnh thổ phía nam Nhật Bản. Báo động được phát ra và việc phát thanh ngừng ở nhiều thành phố, bao gồm cả Hiroshima. Các máy bay tiếp cận bờ biển với cao độ rất lớn. Lúc 8 giờ sáng, trạm radar ở Hiroshima thấy rằng số lượng máy bay đang tiến vào rất ít – không hơn 3 chiếc – và bỏ lệnh sẵn sàng đánh chặn bằng không quân (để tiết kiệm nhiên liệu và gìn giữ lực lượng không quân, người Nhật không đánh chặn những đội hình máy bay nhỏ).

Ba chiếc máy bay bị phát hiện đó đều là B-29: chiếc "Enola Gay" (đặt tên theo mẹ của Thiếu tá Tibbets), chiếc "The Great Artiste" (Nghệ sĩ vĩ đại) với các thiết bị đo đạc và một chiếc khác không tên (sau đó được đặt là "Necessary Evil") là máy bay ghi hình. Cảnh báo ở mức trung bình trên sóng radio tới dân chúng rằng nên trú ẩn nếu nhìn thấy các máy bay B-29, nhưng người ta cho rằng đây là một cuộc do thám chứ không có đột kích bằng không quân.

Lúc 8 giờ 15 (giờ Hiroshima), chiếc Enola Gay thả quả bom nguyên tử "Little Boy" trên bầu trời trung tâm Hiroshima. Quả bom nổ cách mặt đất khoảng 600 m với khối lượng nổ 13 kiloton (vũ khí nguyên tử sử dụng U-235 bị coi là không có hiệu năng cao, chỉ có 1,38% khối lượng của chúng phân hạch), ngay lập tức giết chết ít nhất 90.000 người. Trong số này, có khoảng 2 ngàn người Mỹ gốc Nhật và từ 800 đến 1.000 người Mỹ khác mang hậu quả của vụ nổ. Họ là những công dân Mỹ đang theo học ở Nhật và không thể rời khỏi Nhật Bản khi chiến tranh nổ ra. Có thể có cả hàng trăm tù binh phe Đồng Minh chết trong lần này. Bán kính bị tàn phá là 1,6 km và cháy trên diện tích 4,4 km vuông. Ước tính 90% nhà cửa ở Hiroshima bị hủy diệt hoặc hư hại.

[​IMG]
Người phi công trên chiếc máy bay Enola Gay vẫy tay chào trước khi thực hiện phi vụ Hiroshima.

[​IMG]
Hiroshima - mục tiêu đầu tiên mà bom nguyên tử đầu tiên của quân đội Mỹ hướng đến năm 1945.

[​IMG]
Cảnh hoang tàn tại Hiroshima 3 ngày sau khi bị đánh bom, và trước khi thành phố Nagasaki hứng chịu quả bom thứ hai.

[​IMG]
Hình ảnh vụ nổ bom nguyên tử thứ hai tại Nagasaki ghi nhận từ trên không, 3 ngày sau vụ thả bom tại Hiroshima.

[​IMG]
Những hình ảnh gợi lại nỗi đau của các nạn nhân hai vụ nổ bom nguyên tử.

[​IMG]
Khu vực tưởng niệm vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima ngày nay.

[​IMG]
Khu vực tưởng niệm vụ đánh bom nguyên tử tại Nagasaki ngày nay.


Tổng hợp từ: Trang web kỷ niệm Hiroshima, trang thông tin về vụ nổ tại Nagasaki, Youtube, Wikipedia,
Gizmodo, một số thông tin trong SGK lịch sử, các trang tin tiếng Việt, báo chí và hình ảnh từ Google.
2 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Theo Yahoo News: Hãng tin AFP cho biết, Mỹ và hơn 70 quốc gia khác đã cùng hàng trăm nghìn người Nhật đến tham dự buổi lễ ở Hiroshima, để nhớ lại ngày 6-8-1945, ngày Hiroshima bị môt quả bom nguyên tử của Mỹ tàn phá. Tiếng chuông một đền thờ báo hiệu sự khởi đầu của một phút im lặng vào lúc 8g15, khi 65 năm trước chiếc máy bay ném bom B-29 của Mỹ thả quả bom xuống sát hại hàng chục nghìn người ở Hiroshima.

“Loài người không được phép lặp lại sự kinh hoàng mà những quả bom nguyên tử đã gây ra”, Thủ tướng Nhật Naoto Kan tuyên bố sau khi 1.000 con chim bồ câu trắng được thả lên bầu trời, biểu hiện khát vọng hòa bình. Ông nói thêm: “Nhật, quốc gia duy nhất bị tấn công bằng bom hạt nhân, có nghĩa vụ đạo đức là dẫn đầu những nỗ lực đi tới việc xây dựng một thế giới không có bom hạt nhân”.

Quả bom “Cậu bé” do máy bay Mỹ thả xuống Hiroshima tạo ra một quả cầu lửa nóng đến mức biến cát thành kính, và làm bốc hơi bất cứ ai trong bán kính 1,6 km. Khoảng 140.000 người Hiroshima chết ngay lập tức hoặc vài ngày sau vụ ném bom, và hơn 70.000 người khác thiệt mạng sau vụ ném bom nguyên tử thứ hai ở Nagasaki ba ngày sau.

AFP cho biết tham dự buổi lễ, đại sứ Mỹ John Roos đã đặt vòng hoa để tưởng nhớ các nạn nhân. Trước đó Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Tổng thống Barack Obama cho rằng Mỹ cần phải tham dự sự kiện này bởi Washington đang theo đuổi mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân. “Vì các thế hệ tương lai, chúng ta cần tiếp tục hợp tác để xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân”, ông Roos tuyên bố trong bài phát biểu tại Hiroshima.

Hai thập kỷ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ và Nga vẫn đang sở hữu hơn 22.000 đầu đạn hạt nhân. Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, và Israel sở hữu khoảng 1.000 đầu đạn.
Đáng lẽ ra đã có 1 quả bom nữa được thả xuống Tokyo. Nhưng thật may mắn cho người Nhật, quả bom này được vận chuyển trên chiến hạm USS Indianapolis trên đường ra đảo Guam đã bị hải quân Nhật đánh chìm (Đêm đó trăng sáng và 1 đại úy người Nhật đã nhìn thấy bóng của con tàu USS Indianapolis) . Thủy thủ đoàn sống sót nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa tìm ra quả bom này ( Đâu đó ngoài khơi Thái Bình Dương khu vực đảo Guam). Tham khảo thêm về USS Indianapolis : http://en.wikipedia.org/wiki/USS_Indianapolis_(CA-35)

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019