Vấn đáp hại não

28/6/2018 6:26Phản hồi: 0
Câu hỏi 1: Sếp của bạn ngược đãi bạn, nhưng bạn lại không thể bỏ việc. Phải làm sao đây?

Trả lời: Liên tưởng ngẫu nhiên – xe đạp. Xe đạp là một công cụ hỗ trợ cho đôi chân con người. Xe đạp là một phương tiện đi lại, giúp ta đi nhanh hơn và đỡ mất sức hơn đi bộ. Xe đạp khi đi thì không đổ, đứng lại thì đổ. Việc đạp xe vốn đơn giản, nhưng khi mới tập đi xe đạp, bạn sẽ bị ngã và chấn thương. Xe đạp không thải khí thải ra môi trường, nên có lợi cho môi trường. Cách truyền động của xe đạp là truyền động từ líp đến xích, rồi từ xích đến bánh sau. Mỗi khi xe bị tuột xích, bạn không thể lái xe được dù có cố đạp.

Diễn giải:


+ Xe đạp là một công cụ hỗ trợ cho đôi chân con người. Bị ngược đãi, chắc chắn là sẽ rất chán nản, não không có sức để làm việc. Hãy tìm một công cụ hỗ trợ cho bộ não để tư duy trong hoàn cảnh có nhiều áp lực đè nặng trí não. Ví dụ, sơ đồ tư duy, trình bày sự kiện trên giấy,...

+ Xe đạp là một phương tiện đi lại, giúp ta đi nhanh hơn và đỡ mất sức hơn đi bộ. Xe đạp khi đi thì không đổ, đứng lại thì đổ. Ngược đãi cũng có thể hiểu là bị đuổi đánh. Bị đuổi đánh thì phải chạy trốn. Chạy trốn có nghĩa là di chuyển liên tục đến khi có một chỗ núp. Hãy di chuyển liên tục. Chỗ nào có đường thì đi vào, không cần kén chọn đường. Chạy trốn thì không cần biết mình sẽ đi đâu, miễn là có đường để chạy, cứ chạy liên tục. Vừa chạy vừa quan sát, thấy có chỗ nào núp được là chạy vào ngay. Bị phát hiện thì chạy tiếp. Xe đạp giữ thăng bằng được với một trong hai điều kiện: di chuyển liên tục, hoặc tìm được một bức tường hay cái gì đó để tựa vào. Bị sếp ngược đãi, đừng tính toán gì cả, nhìn xung quanh thấy có việc gì làm được là làm ngay. Làm việc gì phù hợp với cảm xúc của mình là tốt nhất. Cứ như vậy, tâm hồn bạn sẽ nhanh chóng tìm được điểm trú chân tạm thời. Lúc đó, bạn mới phục hồi được sức lực tinh thần, bình tĩnh suy xét mọi thứ, hiệu quả tư duy sẽ cao hơn. Ngay lúc bạn bị ngược đãi thì tinh thần của bạn đã bị mất đi. Trí lực suy giảm. Nếu đang mất tinh thần mà dừng lại suy nghĩ thì sẽ không đạt kết quả, chỉ thấy luẩn quẩn.


+ Việc đạp xe vốn đơn giản, nhưng khi mới tập đi xe đạp, bạn sẽ bị ngã và chấn thương. Hoàn cảnh nào cũng có cách vượt qua hết. Có khi câu trả lời lại cực kỳ đơn giản. Lúc đầu, khi mới ở hoàn cảnh đó, bạn chưa quen nên thấy khó khăn. Nhưng lâu dần, bạn ý thức được các quy luật lặp đi lặp lại của sự kiện, của hoàn cảnh, bạn sẽ thấy mình chủ động hơn, làm chủ tình hình dễ dàng hơn. Rồi bạn sẽ thấy cuộc đời mình chạy bon bon như bánh xe đạp lăn trên mặt đường.

+ Xe đạp không thải khí thải ra môi trường, nên có lợi cho môi trường. Cách truyền động của xe đạp là truyền động từ líp đến xích, rồi từ xích đến bánh sau. Bị ngược đãi thường khiến bạn tức giận, chán nản, không có động lực hành động. Có thể bạn không thể bắt sếp bạn dừng ngược đãi bạn được, nhưng bạn có thể giúp bản thân không phải giận dữ, thoát khỏi chán nản, và duy trì được một động lực hành động. Động cơ xe máy là động cơ đốt, tức là liên quan đến lửa. Chạy bằng động cơ đốt nhiều sẽ làm ô nhiễm môi trường, thủng tầng khí quyển, gây hại cho chính bạn và người xung quanh. Những cơn tức giận, sự đấu tranh, cãi vã cũng liên quan đến lửa. Lửa cháy thì sẽ tạo ra sự ô nhiễm nặng nề hơn với môi trường sống và làm việc của chính bạn mà thôi. Do đó, đừng để cơn tức giận hay những cuộc tranh cãi giải quyết mọi việc. Động lực hành động của bạn nên đến từ một cái gì đó thanh bình, nhẹ nhàng hơn. Động lực đó nên mang tính cơ học như xe đạp. Toàn bộ tổ chức nơi bạn đang làm việc, toàn bộ xã hội nơi bạn đang sống này chính là một kết cấu cơ học phức tạp. Bạn là một phần của kết cấu này. Bạn không có động lực vì kết cấu này đang bị kẹt ở đâu đó. Bạn hãy truyền động cho dù chỉ một điểm trong kết cấu này thì toàn bộ kết cấu sẽ di chuyển được. Khi đó, bạn cũng sẽ được truyền động một cách tự nhiên. Hãy xem có ai đó trong tổ chức của bạn, trong xã hội ngoài kia đang bị kẹt trong công việc, hoặc cuộc sống. Nếu bạn giúp được, hãy giúp người đó. Hãy xem có chỗ nào trong quy trình làm việc đang bế tắc nhưng cấp trên cũng như đồng nghiệp của bạn không chú ý giải quyết. Hãy thử giải quyết nó.

+ Mỗi khi xe bị tuột xích, bạn không thể khiến xe di chuyển được dù có cố đạp. Xích là bộ phận kết nối giữa líp xe và bánh sau. Không có xích, líp xe không thể truyền động cho bánh sau được. Giữa bạn và tất cả các sự vật, hiện tượng ở thế giới xung quanh (con người, cây cối, muông thú, đồ vật, sự kiện,...) đều có mối quan hệ truyền động cho nhau. Nếu cái “xích” giữa bạn và các sự vật, hiện tượng đó bị “tuột” thì các sự vật, hiện tượng đó không truyền động lực được cho bạn (cảm thấy không được giúp đỡ), cũng như bạn không thể truyền động lực được cho các thực thể đó (cảm thấy không chủ động, không có quyền lực gì trong cuộc sống). Hãy nối lại “xích” với càng nhiều sự vật, hiện tượng xung quanh càng tốt. Ví dụ như trong lao động, bạn hãy chú ý đến tính kết nối của bạn với công cụ lao động. Mỗi công cụ có rất nhiều chức năng tiềm ẩn mà nếu bạn không chú ý, bạn sẽ không thấy được. Vận dụng được thật nhiều chức năng tiềm ẩn của một sự vật cũng chính là đã tạo ra kết nối sâu hơn với sự vật đó.

Liên tưởng ngẫu nhiên 2 – cửa sổ. Cửa sổ là bộ phận gắn trên tường, giúp căn phòng bạn ở đón gió, ánh sáng, điều hòa không khí. Nhà thiếu cửa sổ sẽ thường tăm tối, bí bách. Một căn phòng có thể có từ một đến hai cửa sổ, mở ra những quang cảnh khác nhau ở bên ngoài. Nếu thời tiết đẹp thì nên mở cửa sổ. Nếu thời tiết mưa bão thì phải đóng cửa sổ. Cửa sổ còn có công dụng trang trí, làm đẹp cho nhà. Các cửa sổ thường được làm từ thủy tinh hoặc các vật liệu trong suốt khác, được giữ bằng khung.

Diễn giải:

+ Cửa sổ là bộ phận gắn trên tường, giúp căn phòng bạn ở đón gió, ánh sáng, điều hòa không khí. Nhà thiếu cửa sổ sẽ thường tăm tối, bí bách. Một căn phòng có thể có từ một đến hai cửa sổ, mở ra những quang cảnh khác nhau ở bên ngoài. Tâm hồn bạn cũng giống như một căn phòng. Nó cần có cửa sổ để có thể điều hòa được môi trường ánh sáng và không khí bên trong. Sự ngược đãi của sếp bạn cũng giống như một môi trường không khí độc hại, ô nhiễm ở bên ngoài căn phòng tâm hồn bạn. Nhưng tất nhiên, bạn vẫn còn nhiều hướng khác để mở cửa sổ. Cửa sổ thường được dùng để quan sát. Nhà có nhiều cửa sổ giúp bạn quan sát được nhiều hơn, tiếp nhận được nhiều thông tin hơn. Sếp của bạn có thể khiến bạn ức chế, nhưng đừng vì thế mà đóng các giác quan của bạn lại. Hãy mở các giác quan của bạn ra tứ phía để đón nhận các thông tin từ sếp, từ đồng nghiệp, từ đối tác. Có một cuốn sổ để ghi chép sẽ tốt hơn. Đừng quên câu “Trang giấy kiên nhẫn hơn con người”, một câu trong “Nhật ký Anne Frank”. Việc kiên trì quan sát, nghe ngóng thông tin từ xung quanh và ghi chép chúng lại sẽ giúp bạn có hy vọng hơn, giảm bớt ức chế. Đấy là về phương diện tâm lý. Còn về phương diện hành động, việc đó giúp bạn không bỏ sót các lối thoát và cơ hội mà bạn có thể có. Những lúc bình tĩnh, dù là hiếm hoi, bạn có thể lấy cuốn sổ ghi chép đó ra để phân tích, nhìn nhận. Cuối cùng, bạn có thể đạt được một trong hai kết quả sau: chinh phục được sếp của bạn, hoặc tìm được một nơi làm việc mới tốt hơn.

+ Nếu thời tiết đẹp thì nên mở cửa sổ. Nếu thời tiết mưa bão thì phải đóng cửa sổ. Đóng mở cửa sổ ở đây có thể được hiểu là sự đóng mở về ngôn ngữ cơ thể. Các cuốn sách về ngôn ngữ cơ thể đều cho bạn biết rằng cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể phản chiếu lẫn nhau như hình với bóng trong gương. Cảm xúc của bạn như thế nào thì ngôn ngữ cơ thể thế ấy, và ngược lại, ngôn ngữ cơ thể thế nào thì cảm xúc của bạn thế ấy. Đứng trước một người khiến bạn căng thẳng, bạn có thể “đóng cửa sổ” tâm trí bạn bằng nhiều động tác như nhắm mắt, mím môi, khoanh tay. Tất nhiên là thực hiện những động tác đó sao cho không quá lộ. Bằng cách này, cảm xúc của bạn có thể thấy an toàn hơn, bớt căng thẳng hơn. Ngoài ra, ngôn ngữ cơ thể của bạn cũng có khả năng tác động đến cảm xúc của người đối diện. Một nụ cười cởi mở có thể khiến sếp của bạn cũng bớt bắt nạt bạn hơn. Tuy nhiên, phải tùy từng hoàn cảnh. Không chỉ thể xác có chức năng bài tiết mà cả tâm trí cũng có chức năng này. Những va đập trong cuộc sống khiến bạn bị ức chế trong cảm xúc. Sự ức chế này luôn thôi thúc bạn phải giải thoát nó, tống nó ra khỏi tâm trí, cũng giống như bạn buồn đi vệ sinh ấy. Bạn sẽ nín nhịn nó khi đứng trước người ở thế trên với bạn, ví dụ như sếp, nhưng thường không thể nín nổi khi đứng trước người ở thế dưới với bạn, ví dụ như cấp dưới. Thông tin này hơi khó nghe nhưng đó là sự thật. Vì vậy, nếu thấy ngôn ngữ cơ thể của sếp bạn (sắc mặt, cử chỉ) có vẻ đang muốn trút ra, thì đừng cười nói gì hết. Ngược lại, nếu thấy trông mặt sếp có vẻ giãn, thì làm thật nhiều cử chỉ, hành động mang tính cởi mở như cười, khoe lòng bàn tay,...

+ Cửa sổ còn có công dụng trang trí, làm đẹp cho nhà. Các cửa sổ thường được làm từ thủy tinh hoặc các vật liệu trong suốt khác, được giữ bằng khung. Khi một người sống chung với bạn, chia sẻ cũng như can thiệp sâu vào cuộc sống của bạn, người đó được coi là đã bước qua “cửa ra vào” để giao tiếp với bạn. Còn những người chưa bước sâu vào cuộc sống của bạn thì họ được coi là giao tiếp với bạn qua “cửa sổ”. Họ chỉ thấy được những cái bạn để ở cửa sổ của mình mà thôi. Hãy chú ý đến cách ứng xử, giao tế hàng ngày của bạn với người sếp đó. Người sếp đang ngược đãi bạn vẫn chỉ là một người đang giao tiếp với bạn qua “cửa sổ” chứ chưa bước sâu vào cuộc đời bạn nên chẳng có lý do gì có thể khiến bạn ức chế cả. Có thể người sếp đó ức chế với bạn chính vì ông ấy hay bà ấy đã nhìn thấy cái “cửa sổ” của bạn thiếu tính thẩm mỹ với tiêu chuẩn của ông ấy hay bà ấy. Cuộc sống không thể thiếu tính thẩm mỹ (tiêu chuẩn về cái đẹp, cái hay). Tiêu chuẩn về cái đẹp của mỗi người lại khác nhau. Bạn chú ý một chút đến gu thẩm mỹ của sếp bạn rồi điều chỉnh vẻ ngoài và hành vi của mình cho phù hợp là được. Bạn vẫn có tiêu chuẩn về cái đẹp, cái hay của riêng mình, nhưng nên điều chỉnh cho phù hợp với sếp bạn một chút thì sẽ bình an hơn. Theo tâm lý học, nếu những người xung quanh có gu thẩm mỹ giống với bạn, bạn sẽ cảm thấy được chấp nhận hơn. Còn nếu những người xung quanh có gu thẩm mỹ khác với bạn, bạn sẽ cảm thấy bị ruồng bỏ. Bạn cho sếp bạn cảm giác được chấp nhận, sếp bạn cũng sẽ làm điều tương tự cho bạn.

Quảng cáo




Câu hỏi 2: Thế giới đang trở nên hỗn loạn. Bạn lo sợ nhiều điều xấu sẽ xảy ra, gây hại cho bạn và gia đình. Bạn phải làm gì bây giờ?

Trả lời: Liên tưởng ngẫu nhiên – kính cận. Cận thị là chứng bệnh về khúc xạ ánh sáng, do tia sáng hội tụ lại trước võng mạc thay vì ở đúng võng mạc. Khi đó, bạn chỉ có thể nhìn rõ vật ở gần chứ không thấy được vật ở xa. Bạn bị cận thị do tiếp nhận thông tin ở cự ly gần quá nhiều. Để nhìn thấy vật ở xa, bạn phải đeo kính cận. Mức độ cận thị của mỗi mắt thường là không giống nhau. Do đó, để có một kính cận phù hợp với độ cận, bạn phải đến khám ở chỗ bác sĩ mắt. Sau khi có kính cận, bạn vẫn phải đi khám mắt thường xuyên để kịp thời chỉnh sửa kính cho phù hợp với độ cận. Việc đeo kính sai độ sẽ khiến mắt hỏng.

Diễn giải:


+ Cận thị là chứng bệnh về khúc xạ ánh sáng, do tia sáng hội tụ lại trước võng mạc thay vì ở đúng võng mạc. Khi đó, bạn chỉ có thể nhìn rõ vật ở gần chứ không thấy được vật ở xa. Để nhìn thấy vật ở xa, bạn phải đeo kính cận. Nhìn thấy sự hỗn loạn cũng có thể hiểu là bạn không nhìn thấy rõ điều gì đang diễn ra. Khi nhìn vào một bức tranh quy mô nhỏ, ít điểm nổi bật, trí não bạn có thể xử lý thông tin dễ dàng hơn nên bạn có thể hiểu được tình hình. Bạn sẽ không bị hỗn loạn. Nhưng khi nhìn vào một bức tranh quy mô quá lớn, có quá nhiều điểm nổi bật, trí não bạn sẽ bị nhiễu loạn và khó có thể xử lý triệt để được thông tin. Bạn sẽ bị hỗn loạn. Mắt bạn là một thấu kính hội tụ, còn kính cận để hỗ trợ mắt là một thấu kính phân kỳ, ngược lại với mắt. Vì bức tranh lớn có quá nhiều điểm nổi bật, cùng một lúc thu hút mắt bạn, nên khiến trí não không thể xác định được điều mấu chốt. Hãy tìm cách làm đơn giản hóa bức tranh, để khiến số lượng điểm tập trung ít đi. Bức tranh càng đơn giản càng giúp trí não bạn xử lý thông tin nhanh hơn và dễ hơn. Hãy luôn suy nghĩ dựa trên một lý thuyết cốt lõi nào đó, ví dụ như nguyên lý âm dương chẳng hạn. Hãy nghĩ rằng vũ trụ này tuy đa dạng nhưng thực ra được cấu thành bởi những lượng tử giống hệt nhau. Sự sắp xếp theo những trật tự khác nhau của chúng đã tạo nên những thực thể khác nhau. Hãy nhìn nhận mọi thứ từ cấp độ phân tử, nguyên tử của ý thức thì bạn sẽ chẳng bao giờ bị loạn. Tính chất của thế giới vi mô quyết định tính chất của thế giới vĩ mô, không có ngược lại.

+ Bạn bị cận thị do tiếp nhận thông tin ở cự ly gần quá nhiều. Hàng ngày, các giác quan của bạn đều phải tiếp nhận rất vô vàn thông tin từ thế giới bên ngoài. Các thông tin này là rất chi tiết và chúng đập một cách thô bạo vào các giác quan của bạn. Cứ như vậy, trí não bạn thui chột dần khả năng nhìn toàn diện, tức là nhìn ở tầm xa hơn, bao quát hơn. Không nhìn toàn diện được, cũng giống như bạn đang cần di chuyển ở một vùng đất mà không có bản đồ vậy. Để khôi phục khả năng nhìn toàn diện tự nhiên của trí não, bạn nên phong bế giác quan của bạn lại. Bạn nên thường xuyên tìm nơi yên tĩnh và nhắm mắt lại vì thị giác là giác quan tiếp nhận tới 80% thông tin từ thế giới bên ngoài, thính giác đứng thứ nhì trong việc này.

Quảng cáo


+ Mức độ cận thị của mỗi mắt thường là không giống nhau. Do đó, để có một kính cận phù hợp với độ cận, bạn phải đến khám ở chỗ bác sĩ mắt. Trong tâm trí bạn thực ra không chỉ có một tiếng nói, một cách nghĩ duy nhất. Hãy để ý, bạn sẽ thấy có ít nhất 2 cách nghĩ, tương ứng với 2 xu hướng cảm xúc là bi quan và lạc quan. Hai xu hướng cảm xúc này luôn tìm kiếm những bằng chứng và đưa ra những lý lẽ để ủng hộ cho mình và phản đối phe kia. Hai cách nhìn bi quan và lạc quan cũng giống như hai mắt của tâm trí vậy. Chúng đều quan trọng. Cách nhìn bi quan không hoàn toàn là cách nhìn tiêu cực. Nhìn theo hướng bi quan để giúp bạn hiểu được nguồn cơn của mọi điều tồi tệ. Tại sao trời đất lại để cho những điều tồi tệ xảy ra? Vì sao điều tồi tệ ấy lại không thể khác, không thể kết thúc? Cách nhìn bi quan giúp bạn chấp nhận, cảm thông và giữ bình tĩnh trước những điều tồi tệ, hỗn loạn. Một tâm trí bình tĩnh là khởi đầu cho một tâm trí sáng sủa. Nếu con mắt bi quan này của bạn gặp trục trặc, bạn sẽ chỉ cảm thấy vô lý, uất ức, tức giận trước những điều tồi tệ mà không thể thấy sáng tỏ cái gì. Muốn bênh vực cho bản thân và người khác, con mắt bi quan của bạn phải tốt. Con mắt bi quan giúp bạn giữ được tình thương với người khác. Con mắt lạc quan giúp bạn hiểu được bạn có thể dựa vào điều gì trong cuộc sống này, thấy được nền tảng của những điều tích cực. Con mắt lạc quan giúp bạn thấy được thiên đàng ở đâu để thẳng tiến về phía đó. Con mắt lạc quan mà trục trặc, bạn sẽ hoang mang, lạc lối. Con mắt lạc quan sẽ giúp bạn dừng tất cả các cuộc chiến vô nghĩa lại và tìm thấy một đường lối chung cho tất cả. Hãy tin là mọi điều tiêu cực xảy ra hẳn đều do bất khả kháng. Niềm tin này sẽ hỗ trợ cho con mắt bi quan. Niềm tin vào sự hài hòa của vũ trụ sẽ củng cố cho con mắt lạc quan.

+ Sau khi có kính cận, bạn vẫn phải đi khám mắt thường xuyên để kịp thời chỉnh sửa kính cho phù hợp với độ cận. Việc đeo kính sai độ sẽ khiến mắt hỏng. Tình trạng bệnh lý của mắt sẽ thay đổi theo thời gian. Việc xử lý thông tin của trí não cũng vậy. Không có cách nghĩ nào là đúng mãi mãi cả. Bạn sẽ chỉ tin tưởng được vào một cách nghĩ trong một thời gian nhất định. Một cách nghĩ trước đó khiến bạn thông suốt, thì sau một thời gian, cách nghĩ này lại có thể mất tác dụng, thậm chí phản tác dụng, nghĩa là khiến bạn bế tắc hơn. Một ý niệm cũng giống như thức ăn với tâm trí. Nó mang lại sinh lực tạm thời cho tâm trí, nhưng sau một thời gian, bạn lại cần phải ăn một ý niệm khác để nạp lại sinh lực. Việc thường xuyên dành thời gian ngẫm nghiệm theo những góc nhìn khác nhau sẽ giúp tâm trí bạn duy trì được trạng thái minh mẫn, thông suốt, tránh rơi vào hỗn loạn trở lại. Rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống này là trừu tượng. Do đó, mọi lý lẽ, suy nghĩ đều chỉ phản ánh tương đối những khía cạnh đó mà thôi. Sẽ không có cách nghĩ chuẩn mà chỉ có cách nghĩ phù hợp với bạn. Tìm một cách nghĩ phù hợp cũng giống như đàn ông tìm vợ, phụ nữ tìm chồng vậy. Một cách nghĩ cơ sở phù hợp sẽ giúp bạn bình tĩnh, tự chủ trong thái độ và hành động. Kết quả tốt sẽ đến nhờ bình tĩnh và tự chủ.


Giải thích: Tại sao tôi trả lời một câu hỏi theo cách này?

Trả lời: Có nhiều lý do cho việc này. Thứ nhất, các câu hỏi gây khúc mắc cho chúng ta trong cuộc sống đa số đều liên quan đến những điều trừu tượng, không cụ thể như cảm xúc, tình yêu, v.v. Chúng không đủ rõ ràng và ổn định để chúng ta có thể xác định được phương hướng. Chúng ta cần phải “mượn” sự rõ ràng từ một cái gì đó cụ thể và ổn định hơn để tư duy thì mới đạt hiệu quả.

Thứ hai, trên đời này vốn không có bài toán khó, chỉ có bài toán mới, bài toán lạ. Đối với những dạng toán quen thuộc, bạn đã từng gặp rồi và giải nhiều lần rồi, nên dạng toán đó không thể gây khó dễ cho bạn. Nhưng một dạng toán mới mà bạn chưa gặp bao giờ thì bạn sẽ không biết cách giải, không biết phải bắt đầu từ đâu. Nếu bạn có một phép biến đổi thích hợp thì bạn sẽ có thể biến một dạng toán lạ thành dạng toán quen thuộc và dễ dàng giải được. Phép biến đổi, tức là một liên tưởng ngẫu nhiên nào đó, phải là một điều gì đó mà bạn đã am tường rất nhiều về nó. Nó nên là một đồ vật đơn giản xung quanh bạn, một vật dụng bạn sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất. Đồ vật là những thứ do con người sáng tạo ra để giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Nó biểu hiện cho sự thành công của con người. Hãy mô phỏng lại sự thành công đó khi suy nghĩ về các vấn đề trừu tượng hơn. Thật đơn giản, chỉ giống như bạn đang kẻ một đường thẳng song song mà thôi.

Thứ ba, ngôn từ vốn có hai lớp nghĩa là nghĩa khế ước và nghĩa liên tưởng. Nghĩa khế ước là phần nổi bên trên, còn nghĩa liên tưởng là phần chìm bên dưới. Theo nguyên lý “Tảng băng trôi”, nghĩa khế ước chiếm 30% còn nghĩa liên tưởng chiếm tới 70%. Phần nghĩa liên tưởng mới là phần nghĩa mang tính quyết định ý nghĩa của toàn bộ từ ngữ. Liên tưởng thì bị chi phối bởi tâm trạng của bạn, những nỗi sợ, khao khát, mong muốn và niềm tin, định kiến của bạn. Nếu liên tưởng bị tiêu cực và rối loạn, bạn khó mà phân tích tình hình hiệu quả được. Tư duy phân tích thường chỉ sử dụng nghĩa khế ước mà chưa vận dụng được nghĩa liên tưởng. Việc chú trọng hơn vào liên tưởng khi tư duy sẽ khiến việc phân tích nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Thứ tư, bạn chắc hẳn biết rằng dân tộc Do Thái là dân tộc thành công nhất trong số các dân tộc trên thế giới chứ. Khi dạy con, người Do Thái luôn chú ý đến tính liên tưởng. Họ thường rèn luyện tư duy bằng liên tưởng cho con cái thông qua các bài tập, kiểu như bạn vẽ một vòng tròn trong không khí rồi hỏi “Đây là gì?” Đứa trẻ sẽ trả lời theo liên tưởng ngẫu nhiên của nó, như quả bóng, mặt trời, con ngươi mắt, bánh xe, v.v. Phải tư duy bằng cách phát huy khả năng liên tưởng mới mang lại kết quả cao. Và chức năng liên tưởng thì rất gần với chức năng trực giác, một khả năng nhận thức cao cấp của trí não.

Thứ năm, hãy tưởng tượng bạn đang bị con thú dữ nào đó tấn công nhưng bạn lại không thể chạy. Khi đó, cơ bắp trên cơ thể bạn sẽ cương cứng lại để tăng khả năng chống chịu. Bạn sẽ chỉ có thể đứng yên chờ con thú dữ đó làm xong công việc của nó với bạn. Cơ bắp trí não của bạn cũng tương tự như vậy. Những vấn đề khó khăn chính là con thú dữ kia. Khi vấn đề xảy đến, bạn không thể né tránh nó, nên trí não của bạn cũng sẽ cương cứng lại, gồng mình lên để gánh chịu vấn đề. Đây là sự căng thẳng. Ở trạng thái này, bạn không thể nghĩ được gì. Khi chiến đấu với thú dữ, bạn cần có vật gì đó trong tay làm vũ khí mới thấy bình tĩnh hơn được. Việc tập trung bắt phép biến đổi từ một đồ vật nào đó sẽ khiến bạn bình tĩnh hơn, và tăng được trí lực.
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019