Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Vấn đề nhập tiếng Việt vào văn bản trên Blackberry Priv

phamtuananh2085
30/12/2015 8:26Phản hồi: 1
Vấn đề nhập tiếng Việt vào văn bản trên Blackberry Priv

CÁC VẤN ĐỂ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC NHẬP TIẾNG VIỆT TRÊN BLACKBERRY PRIV

Ở thời điểm Blackberry quyết định "lấn sân" sang hệ điều hành Android bằng sự kiện ra mắt một sản phẩm mang tên Priv chạy hệ điều hành thuần Adroid thì Android được xem như là một điều khá mới mẻ, lạ lẫm đối với sản phẩm mới của Blackberry cũng như đối với đông đảo người dùng khi đã quá quen thuộc với các hệ điều hành riêng biệt trước đây của hãng.

Điều đó đương nhiên sẽ khó tránh khỏi việc thiếu sót về tính tương thích của sản phẩm mới với một số các nhu cầu của người dùng khi sử dụng. Một trong những thiếu sót đáng kể nhất là việc hỗ trợ việc nhập liệu với ngôn ngữ của các quốc gia vốn đã có trên các phiên bản hệ điều hành trước đây, trong đó có ngôn ngữ Tiếng Việt.

Tất nhiên những thiếu sót này sẽ được hãng sẽ dần khắc phục trong quá trình hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm mới, nhưng khi mà sự tò mò , sự đam mê, đã khiến ta sở hữu Priv trước khi những thiết sót đó được bù đắp, vậy ta có thể làm gì để "chống cháy", để phục vụ được nhu cầu của ta trong thời gian chờ đợi hãng hoàn thiện?

PHƯƠNG ÁN 1:


DÙNG ỨNG DỤNG BÀN PHÍM CỦA MỘT NHÀ PHÁT TRIỂN PHẦN MỀM KHÁC HÃNG CÓ HỖ TRỢ TIẾNG VIỆT

Hiện tại thì phương án này được khá nhiều người chọn lựa. Việc ta cần làm là chỉ cần lên kho CHPlay tải về các ứng dụng bàn phím có hỗ trợ Tiếng Việt cài đặt vào Priv và đặt làm bàn phím mặc định của hệ thống là đã có thể gõ tiếng Việt vào văn bản.

Đối với Android thì có khá nhiều ứng dụng bàn phím có hỗ trợ tiếng Việt, trong số đó mình thấy có 3 ứng dụng được dùng nhiều nhất và khả năng hoạt động khá tốt trên các smart phone chạy hệ điều hành khác là: SwiftKey Beta, Go Keyboard và Laban Key. Những ứng dụng bàn phím trên CHPlay cách cài đặt và sử dụng chắc anh em cũng đã rành nên mình chỉ nêu nhận xét về trải nghiệm 3 ứng dụng trên như sau:

Ưu điểm:

  • SwiftKey: hỗ trợ gõ Tiếng Việt tốt cả phím ảo lẫn vật lý, giao diện bàn phím ảo đẹp, trực quan dễ sử dụng, khả năng dự đoán từ tương đối tốt
  • Go Keyboard: hỗ trợ gõ Tiếng Việt tốt cả phím ảo lẫn vật lý, dùng được tính năng tìm kiếm nhanh và phím tắt với độ tương thích khá tốt tương đương với bàn phím mặc định của Blackberry với cả hai ngôn ngữ tiếng Anh lẫn tiếng Việt
  • Laban Key: gõ Tiếng Việt tốt với bàn phím ảo, giao diện trực quan dễ sử dụng, có hỗ trợ nhiều kiểu gõ, khả năng dự đoán từ tương đối tốt.
.

Khuyết điểm:

  • SwiftKey: mất tính năng phím tắt ở thao tác "Bấm lâu" khi dùng kết hợp với tính năng tìm kiếm nhanh(tùy chọn 2 trong "Hoạt động nhập" ở phần cài đặt Blackberry Launcher đề cập ở Phần 2), nếu chỉdùng riêng chế độ lối tắt nhanh (tùy chọn 1) thì phần lớn chỉ nhận thao tác "Bấm giữ nhanh". Nói tóm lại dùng ứng dụng này thì thao tác nhấn phím thả ra liền thì nó nhận, còn thao tác nhấn giữa lâu thì nó cũng xem như thao tác kia, đôi lúc cũng hoạt động được nhưng thường là không hoạt động và tất cả tính năng sẽ hoạt động ổn định khi để ngôn ngữ nhập của bàn phím là Tiếng việt.



Bấm giữ lâu chữ "h" để kích hoạt ứng dụng mà nó cứ hiểu là tìm nhanh với chữ "h" thậm chí đôi lúc hiểu thành những ký tự khác khi để nhập bằng ngôn ngữ Tiếng Việt. Các tính năng kích hoạt lúc được lúc không, lúc đúng lúc sai. Nói chung dùng em này đễ gõ không thì OK.

  • Go Keyboard: giao diện bàn phím xấu, quá nhiều cài đặt gây rối cho người dùng, cơ chế nhập liệu đóng khối, phức tạp trong thao tác, khó khăn, khi đang gõ chưa hết từ ta không thể di chuyển con trỏ để thực hiện tác vụ khác, muốn làm gì thì cũng phải kết thúc từ đang gõ bằng phím khoản trắng hoặc Enter. Em này khi soạn thảo nếu không dùng tính năng gợi ý từ mà "gõ chay" thì dễ đập máy lắm.

Quảng cáo


  • Laban key: khi dùng em này thì chẳng tính năng nào ngoài gõ trên văn bản là dùng được cả, phím tắt và tìm kiếm mất hết. Tiếng Việt gõ bằng bàn phím vật lý cũng không ra "hồn" nữa, nếu đang gõ một từ mà ta lỡ gõ sai một ký tự rồi quay lại sửa thì tự động chèn ký tự "tào lao" vào dù đã tắt hết các tính năng tự động mà cũng không hết.


Sửa ký tự sai trong từ thì tự động chèn kết quả sai rất khó chịu.
Tóm lại khi dùng một ứng dụng bàn phím khác hãng ta chỉ tạm thời "chữa cháy" cho việc nhập bằng ngôn ngữ Tiếng Việt mà thôi, mọi thao tác và chức năng khác đều khó khăn và không hoàn hảo như dùng trên bàn phím mặc định của Blackberry.

Rất may rằng việc chuyển đổi qua lại các bàn phím cũng không mấy khó khăn trên Priv, bạn chỉ việc chọn biểu tượng bàn phím nhỏ xuất hiện trên thanh dock bên dưới khi nhập liệu, mọi thứ sẽ trở lại bình thường khi chọn về bàn phím mặc định.

Ngoài ra sẽ còn rất nhiều ứng dụng bàn phím có chức năng tương tự trên kho CHPlay, anh em có thể tìm hiểu và lựa chọn một ứng dụng phù hợp cho riêng mình, anh em cũng có thể dùng kết hợp nhiều bàn phím trên Priv để chuyển đổi qua lại.

Nhưng có một điều nên lưu ý rằng về cơ bản một ứng dụng dù nhẹ hay nặng đều chiếm một phần năng lượng của máy, chiếm nhiều hay ít thì còn tùy thuộc vào cơ cấu hoạt động và chức năng tương ứng của nó. Trên Android thì các ứng dụng thường sẽ chiếm kha khá năng lượng pin của máy vì cơ bản nó ít được tối ưu, và các ứng dụng bàn phím này là một trong số đó.

PHƯƠNG ÁN 2:

Quảng cáo


DÙNG CÔNG CỤ NHẬP LIỆU BẰNG GIỌNG NÓI CÓ HỖ TRỢ TIẾNG VIỆT.

Phương án này thì chắc hẳn các bạn đã biết, nó hoạt động khá đơn giản và tiện lợi trong một số trường hợp, nhưng về việc soạn thảo văn bản thì mang lại hiểu quả chưa cao lắm. Do các công cụ nhận diện ngôn ngữ của các hãng hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng đủ 100% nhu cầu về ngôn ngữ của con người và đặc biệt là độ phức tạp trong "ngữ pháp" cũng như "văn phong" của ngôn ngữ Tiếng Việt. Tuy nhiên nó sẽ có tác dụng trong một số trường hợp nên anh em cũng có thể kết hợp nó với việc dùng các bộ gõ truyền thống.

Mình xin đưa ra một ví dụ để test thử khả năng nhận diện giọng nói của nó tới mức nào:

Câu nói nguyên văn sẽ như thế này:


"chiều nay về định đi chợ nhưng lại đổi ý đi siêu thị Aeon. Khi đi siêu thị gặp người nước ngoài ta nói hello how are you? Nhưng người nước ngoài trả lời với ta rằng xin chào tôi khỏe. Như vậy là chức năng nhận diện giọng nói của Blackberry Priv cũng không đến nỗi ngu như ta tưởng"


Và đây là kết quả em nó dịch ra:



Lưu ý : Khả năng nhận diện giọng nói sẽ chính xác hơn khi đang ở môi trường yên tĩnh và dùng bằng micro trên tai nghe kèm theo máy.
PHƯƠNG ÁN 3:

TẬN DỤNG KHẢ NĂNG ĐOÁN TỪ THÔNG MINH BẰNG CÁCH GÕ CÁC CÁC KÝ TỰ ALPHABET "THÔ".
Đây là một cách khá thú vị mà hiện tại mình đang dùng nó trên Priv. Cách này được thực hiện bởi một số nhóm người có kiến thức về lĩnh vực phát triển phần mềm, code trên Smartphone, và được chia sẻ chủ yếu để khắc phục "tạm thời" tình trạng thiếu hỗ trợ ngôn ngữ của một số sản phẩm mới khi mà các hãng chưa hoàn thiện hệ điều hành của họ.

Tất nhiên là về nguyên lý trên lý thuyết thì giống nhau trên tất cả các Smartphone, nhưng về cách thực hiện sẽ khác nhau trên mỗi model sản phẩm khác nhau và còn tùy thuộc vào hệ thống của sản phẩm đó có cho phép làm điều đó hay không?

Ta xin nói sơ một chút về nguyên lý hoạt động của nó để hiểu rõ thêm phần nào.


Về cơ bản, bộ gõ mặc định của một hệ thống được tích hợp sẵn trong phiên bản hệ điều hành được định nghĩa như một ứng dụng với chức năng cho phép người dùng nhập các ký tự vào hệ thống. Vì là một ứng dụng nên cũng sẽ có hai phần cơ bản là "tác vụ" và "cơ sở dữ liệu".
  • "Tác vụ" là hành động được xử lý bởi hệ thống và phản hồi lại khi ta tương tác với hệ thống thông qua một cách nào đó, cụ thể ở đây là hành động bấm phím, và việc này được thực hiện bởi các code lập trình tích hợp trong hệ thống, việc thay đổi các code này sẽ khó khăn và phức tạp đặc biệt là khi code được viết ra bởi hãng sản xuất dành riêng cho từng dòng máy với sự khác nhau về thiết kế phần cứng.
  • "Cơ sở dữ liệu" là các file chức các dữ liệu cần thiết để hỗ trợ cho việc xử lý cũng như phản hồi lại kết quả của khi "tác vụ" được thực hiện và các file này trên một số hệ thống, một số ứng dụng ta có thể can thiệp vào được, cụ thể là các file cơ sở dữ liệu ở đây sẽ chứa các liên quan về phần ngôn ngữ mà ta đang cần.
Như vậy đối với Priv, để gõ được tiếng Việt ta sẽ đưa dữ liệu Tiếng Việt vào thêm dữ liệu có sẵn của hệ thống để khi nhập ký tự chữ cái bộ gõ sẽ gợi ý bằng các kết quả tiếng Việt thay vì chỉ toàn là tiếng Anh và việc đơn giản còn lại là ta chỉ việc chọn kết quả phù hợp để đưa vào trong văn bản.

Nói thì nghe có vẻ phức tạp nhưng để thực hiện thì anh em chỉ cần download file dữ liệu sau:

Sau khi download xong anh em giải nén rồi chép đè nguyên thư mục vừa giải nén vào Priv theo đường dẫn "This PC\BlackBerry STV100-3\Bộ nhớ trong\Android\data".

Lưu ý: Có thể ở phiên bản win khác hoặc ở chế độ ngôn ngữ khác thì đường dẫn sẽ có thể có các tên khác. Ví dụ như "My computer\BlackBerry STV100-3\sdcard\Android\data".

"sdcard" ở đây là một nhớ trong nhé, "sdcard1" là thẻ nhớ. Để cho dễ chỉ cần nhớ vào bộ nhớ trong\ Android|datadừng lại tại đây chép đè lên thư mục "com.blackberry.inputmethod.latin", đồng ý nếu có hỏi "Có cho phép chép đè lên hay không", khởi động lại máy (nếu không khởi động lại máy có thể nó sẽ chưa nhận cơ sở dữ liệu mới đâu nhé).

Ưu điểm:

  • Có thể đưa ngôn ngữ tiếng Việt lên văn bản bằng bàn phím mặc định của Blackberry mà không cần phải cài thêm các ứng dụng bàn phím nào khác.
  • Tất cả tính năng của bàn phím Blackberry đều còn "nguyên seal" thậm chí có thể điều khiển con trỏ thực hiện các thao tác thêm chỉnh sửa văn bản tiếng Việt như trên Passport
  • Priv tích hợp cả 2 chức năng dự đoán từ khá thông minh trên cả 2 bàn phím (nhắc lại là gợi ý từ trên bàn phím ảo và bàn phím vật lý sẽ cho 2 kết quả khác nhau nhé ).
Khuyết điểm:
  • Việc chỉnh sửa code gốc sẽ là rất khó, nên hiện tại chưa thể làm cho bàn phím Priv hiểu được kiểu gõ Telex thông thường như trên Passport hay các sản phẩm đã được hỗ trợ. Ta chỉ có thể nhập từng chữ cái một rồi chọn kết quả phù hợp đưa vào văn bản.
  • Sẽ hơi khó khăn đối với những người đã quen với việc nhập văn bản bằng cách gõ truyền thống nên thường lúc đầu sử dụng sẽ thấy khó chịu và thao tác nhập liệu chậm
  • Ở một số trường hợp, do mức độ quá "phong phú" của ngôn ngữ tiếng Việt mà có những từ còn thiếu trong kết quả gợi ý hoặc chỉ đơn giản là khung màn hình hiển thị có hạn nên không hiện hết các kết quả gợi ý vẫn có ẩn bên trong ta phải mất thêm thao tác chọn để thấy thêm kết quả phù hợp.
  • Hiện tại, đối với một số "nơi" soạn thảo không kích hoạt chức năng gợi ý từ thì ta chưa thể đưa tiếng Việt vào đó được mà phải dùng phương 1 hoặc 2. Ví dụ như trên các thanh địa chỉ web, các ô nhập liệu trên web như user name, pass, trên thanh tìm kiếm của một số ít trang màn hình trong hệ thống của Priv.
Kinh nghiệm sử dụng khi chọn Phương án 3:

Khi dùng phương án này, mình nhận thấy sử dụng bằng bàn phím vật lý sẽ dễ hơn, vì dù kết quả gợi ý của bàn phím vật lý ít hơn kết quả của phím ảo, nhưng khi gặp các từ có quá nhiều kết quả gợi ý thì phím vật lý có thêm tùy chọn nhấn giữ lên từ gợi ý để hiển thị thêm các kết quả liên quan nên sẽ đầy đủ hơn.​

Thường thì trên bàn phím ảo chỉ gợi ý các "từ ghép" với nội dung phổ biến. Hơn nữa, khi dùng phím vật lý có thể dùng thao tác vuốt để chọn từ giống như trên Passport khá thích thú hơn cái "búng tay" trên phím ảo do không quen.​

Đối với một số "nơi", tính năng gợi ý của bàn phím sẽ không hoạt động (cũng chưa hiểu vì sao) thì chắc chắn ta sẽ không nhập vào tiếng Việt được bằng cách này. Ví dụ như thanh địa chỉ của trình duyệt web, các ô nhập liệu trên trang web như khung tìm kiếm của trang Google, các ô khai báo khi tạo tài khoản (nhưng trả lời trên các diễn đàn thì có gợi ý nên nhập được tiếng Việt), thanh tìm kiếm ứng dụng trong máy ở màn hình danh sách các ứng dụng (tìm kiếm nhanh ở màn hình chính thì lại có gợi ý nên tìm thoải mái), ...

Về việc cách gõ như thế nào để có thể tìm được nhanh nhất và chính xác nhất thì như sau:
Đối với các từ có dấu cần đứng riêng lẻ, thì ta gõ từng ký tự một (không cần gõ các ký tự đặc trưng cho dấu như gõ telex thông thường ) và nhìn từ gợi ý. Nếu vẫn chưa thấy kết quả thì ta nhấn giữ lên một từ gợi ý sẽ xuất hiện các kết quả khác.​

Ví dụ trong từ ghép "Hà Nội" ta muốn gõ riêng chữ "Nội" mà không có chữ "hà" thì cứ việc gõ "Noi"

Đối với các từ có dấu riêng lẻ nhưng gần như không có nghĩa khi đứng một mình, thì nó gần như là một từ đặc biệt, ta nên tìm một từ để thay thế và thêm nó vào mục "Từ điển cá nhân " trong mục ngôn ngữ để bộ gõ có thể hiểu. Ví dụ như trong danh từ "Phù Đổng", hay trong từ ghép "chửi đổng" thì ta lấy riêng từ "đổng" ra để gõ thì chắc chắn rằng bạn sẽ không nhận được bất cứ gợi ý nào về nó, kể cả trên các bộ gõ khác đi nữa trừ khi bạn dùng kiểu gõ telex hay một kiểu gõ nào mà "tạo" được hình dáng của nó thì nó mới hiện lên thôi. Trong trường hợp này ta không gõ được, nên để thể hiện được nó lên văn bản thì bạn phải thêm nó vào từ điển gợi ý từ. Lưu ý thêm một điều là vì ta đang "qua mặt" khả năng gợi ý từ của ngôn ngữ tiếng Anh nên ta phải thêm vào từ điển cá nhân ngôn ngữ tiếng anh nhé. Mở cài đặt ngôn ngữ >"Cài đặt bàn phím Blackberry" > "Dự đoán và sửa" > "Từ điển cá nhân" > "Tiếng Anh" và thêm từ đặc biệt vào đây.

Ta phải dùng Swiftkey để thêm từ vào vì công cụ nhập bằng giọng nói của Google không hỗ trợ việc này.

Đối với các từ ghép phổ biến ta có thể nhập bằng cách nhập hai từ riêng lẻ ghép lại với nhau, ví dụ từ "thành phố" ta sẽ nhập "thanh" rồi chọn kết quả "thành", "pho" rồi chọn "phố", bàn phím của Priv còn có khả năng học từ nên nếu gõ cùng một từ mà nhiều lần thì các lần sau sẽ được gợi ý thẳng từ đó nếu như từ đó nằm trong các kết quả bị ẩn. Đáng tiếc là từ được học sẽ mất đi khi ta thoát ra khỏi chế độ nhập liệu hiện hành và sẽ gợi ý lại từ đầu khi thực hiện nhập liệu ở lần khác.​



Kết quả từ "thành phố" được ẩn nên phải nhấn giữ kết quả trên màn hình mới hiện ra để chọn.


Chức năng học từ mới khá thông minh khi nhập lần thứ 3 sẽ hiện thị luôn kết quả mà không ẩn nhưng các lần trước. Nhưng tính năng này sẽ mất đi khi ta thoát khỏi ứng dụng và sẽ cho kết quả như hai lần đầu nếu ta sử dụng ứng dụng trong lần tiếp theo.


Ta có thể kích hoạt tính năng học từ mới trong mục "Nâng cao" ở phần "Cài đặt bàn phím Blackberry".Đối với từ ghép thì cũng có những trường hợp đặc biệt như trên và cũng chỉ có cách giải quyết giống như trên.
Lưu ý: khi dùng cách này thì bàn phím mặc định tiếng Anh (Mỹ) của Priv sẽ được hiểu ngầm là bàn phím tiếng Việt của ta, nên đễ gõ có gợi ý tiếng Anh ta phải thêm vào "Ngôn ngữ nhập" trong phần cài đặt bàn phím Blackberry ngôn ngữ của quốc gia khác có tiếng Anh cũng là ngôn ngữ chính (để cho gợi ý được chuẩn). Như trong trường hợp này ta sẽ thêm vào tiếng Anh của nước Anh (England) - tiếng Anh (Anh), và khi muốn gõ gợi ý tiếng Anh ta chỉ việc chuyển đổi bàn phím bằng cách chọn biểu tượng bàn phím nhỏ bên phải thanh dock khi nhập liệu. Đối với các ngôn ngữ khác cũng phải add thêm ngôn ngữ tương tự.

Video thử nghiệm gõ tiếng Việt bằng phương án 3"


Tổng kết:

Như vậy qua cả ba phương án ta đã có thể cảm nhận được sự rắc rối, khó khăn khi chưa được hỗ trợ đầy đủ từ chính hãng đối với một trong số tác vụ sử dụng hằng ngày mà tưởng chừng như rất đơn giản. Hy vọng hãng sẽ sớm hoàn thiện việc hỗ trợ sản phẩm để người dùng có thể trải nghiệm tốt một các trọn vẹn.

Riêng đối với 3 cách đã nêu ở trên trong thời điểm hiện nay thì cá nhân mình vẫn thường dùng nhất là cách thứ 3 vì qua diễn đạt trên giấy tờ ta thấy nó khá phức tạp và bất tiện ở một số trường hợp nhưng dù sao đó cũng là các trường số ít

Hơn nữa đây cũng chính là cơ cấu hoạt động của tính năng gợi ý từ của đa số tất các bộ gõ hiện nay nên ta khi đã quen với cách thức này rồi thì có thể sử dụng khá tốt tất cả các bộ gõ trên các sản phẩm khác thậm chí ở một số trường hợp khi kết hợp tính năng dự đoán từ đang gõ và dự đoán từ chưa gõ tiếp theo ta có thể nhập một đoạn văn bản nhanh hơn rất nhiều so với các gõ từng ký tự theo truyền thống.

Điều này đã được kiểm chứng khi sử dụng các tính năng này với ngôn ngữ tiếng Anh trên các sản phẩm. Đương nhiên ta cũng không thể bỏ qua các phương án khác nhưng chỉ là giữ lại đề phòng khi "bất khả kháng". Ta không thể vì cái "khó khăn" trong số ít trường hợp mà bỏ hẳn cả cái "chất" của Blackberry trên Priv và soạn văn bản nói cho cùng thì cũng chỉ là một trong số rất nhiều công việc ta hay làm hằng ngày trên Blackberry Priv.

Chúc anh em tìm được giải pháp hợp lý cho riêng mình trong vấn đề này!



(Đây là một trong những bài viết mình chia sẻ trải nghiệm thực tế về Blackberry Priv mà mình đã post bên diễn dàn blackberryvietnam.net. Mình thấy anh em dùng Priv có thể đang khó khăn về vấn đề nhập tiếng Việt vào văn bản nên xin trích một phần nội dung để chia sẻ cho các anh em nào cần. Có thể vì một lý do "tế nhị" nào đó mà tinhte cảm thấy bài viết chia sẻ này không phù hợp thì có thể xóa dùm mình. Xin chân thành cảm ơn diễn dàn!)
1 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

cokinparis
ĐẠI BÀNG
8 năm
Cảm ơn chủ thớt đã chỉ cho anh em Phương án 3 hay quá!

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019