Vì sao một số thuốc không được nhai, bẻ nhỏ hoặc nghiền?

Hassler
7/5/2018 8:29Phản hồi: 47
Vì sao một số thuốc không được nhai, bẻ nhỏ hoặc nghiền?
Mỗi lần bạn uống 1 dạng thuốc thường thì bác sỹ sẽ chỉ kê đơn đưa ra tên thuốc, ngày uống mấy lần, uống trước hay sau khi ăn, cũng có bác sỹ sẽ chú ý nhắc thuốc đó có cần phải bẻ ra, nhai hay nghiền để sử dụng hay không. Vậy nếu bác sỹ quên không chỉ cách uống như thế nào thì bạn phải làm sao? Tốt nhất là hỏi lại bác sỹ, hoặc nếu không khi mua thuốc hỏi người bán, còn nếu quên tuốt về đến nhà mới nhớ ra thì bạn làm thế nào?

Mình thấy có bài này của trường đại học Y Dược Huế khá hay và dễ hiểu, các bạn có thể tham khảo qua xem tại sao.

Vậy tại sao một số thuốc không được nhai, bẻ nhỏ hoặc nghiền? Đó là vì nếu bạn làm vậy sẽ phá vỡ cấu trúc giải phóng thuốc, làm thay đổi dược động học của thuốc (hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ của thuốc) và có thể dẫn đến mất hoặc giảm hiệu quả điều trị hoặc xảy ra độc tính cho chính bản thân bạn.

Các dạng thuốc sau không nên được nhai, nghiền hay bẻ nhỏ.

1. Thuốc có dạng bào chế giải phóng dược chất kéo dài


Là dạng thuốc có bao một lớp màng mỏng đặc biệt hoặc có khung trơ (matrix) chứa thuốc giúp phóng thích dược chất từ từ trong suốt thời gian di chuyển trong ống tiêu hóa để cho tác dụng kéo dài.

Thuốc phóng thích dược chất suốt 12 hoặc 24 giờ. Dấu hiệu nhận biết: ký hiệu trên tên thuốc thường có các chữ viết tắt trong bảng dưới đây, các bạn có thể thử tra tủ thuốc mình xem có loại nào như vậy không:

thuocphongthich.jpg

Ví dụ một số biệt dược có các kí hiệu trên: GLUCOPHAGE XR (metformin), SaVi Trimetazidine MR (trimetazidin), Adalat LA (nifedipin), DUSPATALIN RETARD (mebeverine).

Tuy nhiên, cũng có nhiều tên thuốc không có ký hiệu để nhận biết như: AGGRENOX (aspirin and dipyridamole), PENTASA (mesalamine), PLENDIL (felodipine), NITROMINT (nitroglycerin).

Đặc biệt, dạng thuốc này chứa hàm lượng cao hơn dạng thuốc thông thường nên phải dùng đúng số viên, số lần trong ngày theo chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng sai có thể gây quá liều nguy hiểm và đặc biệt không được nhai, bẻ nhỏ hoặc mở viên nang.

2. Thuốc bao tan trong ruột


Là dạng bào chế để thuốc đi qua dạ dày còn nguyên vẹn và chỉ tan ở phần đầu ruột non (tá tràng) và phóng thích dược chất ở ruột.

Quảng cáo



Mục đích của dạng thuốc này là ngăn ngừa dược chất bị phân hủy trong môi trường acid của dạ dày chẳng hạn như các thuốc ức chế bơm proton NEXIUM (esomeprazole), OVAC (omeprazole) hoặc PARIET (rabeprazole); hay ngăn ngừa dược chất phóng thích ở dạ dày, gây hại cho niêm mạc dạ dày (như viên nén bao tan ở ruột aspirin pH=8).

Với loại thuốc viên bao tan trong ruột, rất cần uống nguyên vẹn cả viên.

3. Thuốc ngậm dưới lưỡi


Với những viên thuốc đặt dưới lưỡi và ngậm cho tan cần đặc biệt lưu ý tuyệt đối không được bẻ đôi, bẻ nhỏ viên thuốc, nếu làm như vậy thì sẽ phá vỡ cấu trúc nguyên vẹn của thuốc, làm hỏng dạng thuốc. Ví dụ như thuốc SORBITRATE (isosorbide dinitrate), ERGOMAR (ergotamine).

4. Thuốc chứa dược chất có nguy cơ gây hại cho người tiếp xúc


Là thuốc điều trị ung thư, thuốc gây độc tế bào, thuốc ức chế miễn dịch. Việc nhai hoặc nghiền các thuốc này có thể không ảnh hưởng đến dược động học của thuốc nhưng sẽ tạo ra các hạt phân tử có khả năng gây hại cho người thao tác do hít phải các phân tử này.

Quảng cáo



Một số thuốc như DOLOBIB (diflunisal), FELDENCE (piroxicam), POSICOR (mibefradil) nếu nghiền hoặc mở viên nang, bột thuốc sẽ phân tán, tiếp xúc với da hoặc niêm mạc gây kích ứng. Thậm chí có thuốc như PROPECIA (finasteride), PROSCAR(finasteride) được khuyến cáo không được nghiền, bẻ nhỏ vì nếu bột thuốc bị phân tán, xâm nhập qua cơ thể phụ nữ mang thai (qua đường mũi, miệng) sẽ ảnh hưởng đến thai.

5. Thuốc rất đắng, có mùi khó chịu


Không nên nhai, nghiền những thuốc mà dược chất có mùi vị khó chịu như ZINNAT (cefuroxim), REMERON (mirtazapine) hoặc dược chất gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa như FOSAMAX (alendronate). Các thuốc: BETAPEN-VK (Penicillin V), CIPRO (ciprofloxacin), CEFTIN (cefuroxime), DESYREL (trazodone), EQUANIL (meprobamate), BERBERIN (berberin) là thuốc phải uống nguyên viên vì nếu bẻ nhỏ, nghiền nát, bệnh nhân sẽ không chịu được vị đắng khó chịu của dược chất.

Nói đi nói lại thì vẫn rất cần sự chú ý của các bác sỹ khi kê đơn và nhắc nhở người bệnh, cũng như bạn hãy là "người bệnh thông thái" :p, cái nào chưa rõ thì tốt nhất nên tìm mọi cách mà hỏi lại ngay khi khám, hoặc hãy xin số điện thoại của bác sỹ để nếu có gì không rõ khi điều trị thì hãy alo cho bác sỹ ngay.

47 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Đọc chút rối não quá. Tốt nhất, hỏi BS cho lành 😃
@tanthaitrung mình thì mặc định thuốc viên thì nuốc, thuốc siro thì uống, nói chung cũng vào bụng cả 😁
Ethanol
TÍCH CỰC
6 năm
Cái bảng kí hiệu minh họa đó có vấn đè về chính tả à, sao lại có dấu chấm đỏ dưới các chữ tiếng Việt ?
nuubb
ĐẠI BÀNG
6 năm
@Ethanol Đang để chế độ ktra tiếng Anh chứ sao 😆 quá ẩu
@nuubb em chụp màn hình :p
@Ethanol sửa đệp đẽ rồi nhé 😁
nhân tiện thấy thằng "ZINNAT (cefuroxim)", bên e vừa nhận đc văn bản sao y của Cục quản lý Dược bảo thằng ZINNAT này đang đc thu hồi do phát hiện thuốc giả 😃
@Fbiprohj Cái Sefuroksim Aksetil đó hả bác? 😃
kenly1990
ĐẠI BÀNG
6 năm
@Fbiprohj thuốc kháng sinh hay dùng phải không anh
@Hassler đúng rồi bác
Đơn giản nếu thuốc ở dạng bào chế đặc biệt hoặc dễ gây kích ứng, mùi vị khó chịu thì không được nhai, bẻ, nghiền. Nếu cố tình làm vậy thuốc sẽ mất tác dụng, bị kích ứng mạnh hoặc phải nếm cái mùi vị "kinh khủng" của thuốc.
Peaude
ĐẠI BÀNG
6 năm
@nghaimin Đúng vại. Có khi bẻ, nghiền thuốc hạ huyết áp dạng phóng thích kéo dài uống vô huyết áp tuột cái vù. Còn chết lớn. Nói chung đừng tự ý bẻ, nhai, nghiền thuốc.
gaubattu
ĐẠI BÀNG
6 năm
@nghaimin Mình đã từng nếm cái vị “đắng giã tật” này, vì để thuốc trong ba lô nó bị vỡ. Cảm giác cái vị đắng nó thật kinh khủng.
@nghaimin hix, thế mà có cái lọ chuyên nghiền thuốc bán đầy ngoài thị trường lun đó, loại bỏ viên thuốc vô rồi vặn vặn cho nó nát ra như bột, thế sản phẩm này phản khoa học rồi
Thien Quoc
TÍCH CỰC
6 năm
@duc_binh_forever Đâu có, một số loại thuốc lại có yêu cầu nghiền, nhất là thuôc cho trẻ em ấy, nghiền trong bát, chén... dễ hư hao nên cần đồ nghiền chứ. Thuốc cho người lớn thì ít khi làm thế.
em thấy tụi nó táng ra rồi uống với cocacola hay pepsi gì đó bảo là co tác dụng nhanh hơn 😁
Ng.SỹHùng
ĐẠI BÀNG
6 năm
Thấy thế này phức tạp quá 😔
Nhận biết đc băngc hình dáng, máu sắc.... v...v.. thì hay hơn 😁
Thuốc nào mà có gạch lõm chia làm đôi viên thuốc là có thể bẻ đúng không nhỉ
@phoden Cefu 1g hay 500mg có gạc bẻ mà nhai :v
Diezel
ĐẠI BÀNG
6 năm
Túm lại là giữ nguyên hiện trạng khi cho vào mồm 😃
Thuốc nó đắng mà gần nhà tôi có nhiều đứa lại thích uống thuốc, không thể hiểu nổi.
m.khoi
ĐẠI BÀNG
6 năm
@KeniVinh Nếu là những đứa trẻ thì cái nó thích không phải là thuốc mà nó thích được quan tâm, chăm sóc, nâng niu, mua đồ chơi. Lúc bình thường (không ốm đau) thì nó bị ba mẹ la mắng, ép học, đánh, cấm mua đồ chơi,...
NatvPa
TÍCH CỰC
6 năm
@m.khoi Chưa chắc đâu bác, gần nhà mình có thằng bé thích uống thuốc thật, mà nó không thấy đắng hay sao ấy, beberin mà nó nhai như kẹo.
@NatvPa nhai beberin như kẹo thì đúng là trình ngậm đắng nuốt cay hơi bị cao rồi :O
m.khoi
ĐẠI BÀNG
6 năm
@NatvPa Ờ thì cũng còn tuỳ vào thái độ lúc đấy của nó nữa :v
Đọc xong cũng chả nhớ được
amanhunt
TÍCH CỰC
6 năm
Những bài của ad Hassler mang theo một làn gió mới cho tinh tế.
"Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng".
Rất tiếc là đến 90% người dùng không làm theo. Hơn nữa, nhiều khi đi khám, lấy đơn ra mua thuốc, người ta chỉ đưa thuốc chứ ít khi đưa hướng dẫn cụ thể (trừ khi nói miệng).
Chắc ăn nhất là đọc nguyên tờ hướng dẫn kèm theo trong hộp thuốc. Gần như không thiếu thứ gì (thành phần, hoạt chất, liều lượng, cách dùng...). Nếu không mua cả hộp thì có thể xin người bán tờ hướng dẫn.

Mẹo: sau khi lấy đơn thuốc, đem ra ngoài mua cho rẻ (cùng loại) hoặc tốt hơn (khác loại) nếu có thể. Trừ khi không thể, thuốc phát miễn phí hoặc thuốc đặc trị thì mới lấy tại chỗ.
@LRA Mấy cha BS phòng khám tư, chuyên bán thuốc tháo hết bao bì, có khi hết hạn cũng chẳng biễt 😔
@tanthaitrung dạ đúng, chính xác lun, đặc biệt thuốc trẻ em sơ sinh, để trong bọc riêng, ko có nhãn mác, con cháu mình bệnh thì nóng ruột phải đi khám tư cho nhanh, biết sai nhưng ko còn cách nào bác ơi
@tanthaitrung Phòng khám & kể cả bv, đa số ăn mánh với trình dược & các cty dược nên sản phẩm thuốc cũng tùy hứng.
topol1990
TÍCH CỰC
6 năm
thuốc tẩy giun quả núi to như ngón tay nhưng vẫn khuyến khích nhai, thuốc thường có mỗi cloxit
là mình nghiền đắp vết xước chân tay cũng ok 😔
trieu04
TÍCH CỰC
6 năm
Ko có chuyên môn nên đọc cứ lờ đờ uể oải quá 😔
@trieu04 Vậy chỉ cần nắm đc những chỗ in đậm là ngon rồi :p
VozerHere
ĐẠI BÀNG
6 năm
Mình ghép thận, nên có khá nhiều kinh nghiệm cái này. Thuốc phải uống đúng giờ, đúng liều và tốt nhất là tất cả các loại thuốc đều không nên nhai/nghiền nhé. Hầu như không có loại thuốc nào nhà sản xuất bắt bạn phải nhai cả, chỉ là với trẻ em thì đôi khi viên thuốc hơi to, khó nuốt nên bố mẹ cứ nghiền ra.

Các loại thuốc bào chế ở dạng prolong release đều cho tác dụng tốt hơn và đắt tiền hơn do quy trình bào chế phức tạp hơn. Hiện tại mình đang uống Advagraf + Myfortic, đều là giải phóng chậm và chẳng có ký hiệu nào hết.
halong148
TÍCH CỰC
6 năm
Mình chắc thành fan của @Hassler rồi. Bài của bạn này khá hay và bổ ích.
sangphan
ĐẠI BÀNG
6 năm
Nếu cần tan nhanh thì nó làm viên con nhộng, cần hấp thụ nhanh thì nó làm dạng nước (tiêm, uống). Nó làm viên nén thì cứ thế mà nuốt thôi

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019