Sau những thành công ban đầu trong việc gây khó khăn cho Apple, hãng điện tử Trung Quốc Proview cho biết sẽ đem vụ kiện bản quyền thương hiệu iPad đến Mỹ, với số tiền bồi thường có thể lên đến 2 tỷ USD. CEO của Proview Yang Rongshan bác bỏ cáo buộc của Apple khi cho rằng công ty Trung Quốc đã cố tình mập mờ trong hợp đồng mua bán để tìm kiếm các mục đích tài chính sau này. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, tòa án Hồng Kông trong một phiên xử hồi tháng 6 năm ngoái lại có kết luận nghiêng về Apple.
"Chúng tôi có quyền sở hữu thương hiệu iPad ở Trung Quốc. Nếu anh ở vị trí của tôi, anh cũng sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình mà thôi", trích phát biểu của giám đốc điều hành Proview Yang Rongshan. "Hiện tại, chúng tôi đang chọn lựa trong số 3 công ty luật của Mỹ để kiện Apple với trị giá bồi thường 2 tỷ USD", chủ tịch Hejun Vanguard Group, công ty tư vấn đang tham gia tái cấu trúc lại Proview phát biểu trong một cuộc họp báo. Hejun Vanguard cùng một số chủ nợ của Proview khẳng định họ không phải tìm cách kiếm tiền từ Apple để cứu lấy công ty Trung Quốc vốn đang trên bờ phá sản.
Tuyên bố sẽ kiện Apple, nhưng vị lãnh đạo của Proview cũng cho biết phương án tốt nhất trong vụ tranh chấp pháp lý này vẫn là một thỏa thuận dàn xếp bên ngoài tòa án. Thực tế, Proview đã chủ động đề nghị một phương án thỏa thuận với Apple, song hãng điện tử Mỹ vẫn chưa đưa ra phản hồi nào. Trong lúc này, các hãng bán lẻ tại Trung Quốc vẫn đang phải rút dần sản phẩm iPad của họ ra khỏi kệ hàng.
Để trả lời thắc mắc của nhiều người là không biết Proview sở hữu sản phẩm gì với thương hiệu iPAD, công ty đã phát cho báo giới một tờ quảng cáo sản phẩm ngay sau buổi họp báo. Đấy là một chiếc máy tính để bàn, hoàn toàn không liên quan gì đến sản phẩm máy tính bảng nổi tiếng mà Steve Jobs cầm trên tay năm 2010. Tuy nhiên, do là một vụ tranh chấp về bản quyền thương hiệu chứ không phải thiết kế sản phẩm, nên trung tâm của vấn đề nằm ở cái tên iPAD. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng thiết kế sản phẩm iPAD của Proview mang nhiều dáng dấp của một thiết bị khác của Apple, máy tính iMac.
Trong quá khứ, Apple cũng từng gặp một số phiền toái về bản quyền thương hiệu sản phẩm điện thoại iPhone và hệ điều hành di động iOS. Năm 2007, sau khi Steve Jobs trình làng chiếc điện thoại thông minh đầu tiên của Apple với tên gọi iPhone, hãng sản xuất thiết bị mạng nổi tiếng Cisco (Cisco Systems) đã nộp đơn lên tòa án Mỹ kiện Apple với lý do Cisco đã đăng ký sở hữu thương hiệu iPhone từ trước. Cisco sau đó cho phép Apple sử dụng thương hiệu iPhone, đổi lại sản phẩm của 2 công ty được thiết kế để tương kết tốt với nhau trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, truyền thông cá nhân và doanh nghiệp. Đến năm 2010, khi quyết định đổi tên hệ điều hành di động từ iPhone OS thành iOS, Apple cũng phải mua lại bản quyền thương hiệu từ Cisco, do trùng tên với hệ điều hành IOS được sử dụng trên các router và thiết bị chuyển mạch của hãng.
Một thông tin khác có liên quan đến vụ việc. Để củng cố lý lẽ của mình, Apple đã cung cấp cho trang AllThingsD tài liệu của tòa án Hồng Kông kết luận Proview có âm mưu trục lợi từ bản hợp đồng bán bản quyền thương hiệu iPad cho Apple. "Chúng tôi đã mua quyền sở hữu toàn cầu cho thương hiệu iPad tại 10 quốc gia khác nhau từ nhiều năm trước. Proview không tôn trọng thỏa thuận đã ký với Apple, và tòa án Hồng Kông đã ủng hộ chúng tôi", Apple phát biểu. Dưới đây là một đoạn trích quan trọng trong bản kết luận của tòa án Hồng Kông:
Tờ quảng cáo sản phẩm iPAD của Proview
Nguồn: SlashGear, AllThingsD