Sau khi Apple giới thiệu dòng MacBook Pro mới vào ngày hôm qua, người ta đã nói rất nhiều về công nghệ chuyển đổi chip xử lý của hãng. Hầu hết chúng ta đều hiểu lầm và cho rằng Apple đã sử dụng công nghệ Optimus của nVidia. Sự thật hoàn toàn khác, các phóng viên của Ars Technica đã có một buổi thảo luận với Apple và phát hiện ra 2 công nghệ này có 1 số điểm khác biệt.
Cũng như Optimus, mục tiêu chính của Apple là tối ưu hóa hiệu năng hệ thống với thời lượng pin tốt nhất. Tất cả các CPU mới nhất của Intel, Core i3, i5, i7 đều được tích hợp sẵn chip đồ họa với tên gọi Intel HD. Tất nhiên, vì là đời sau nên những con chip này có hiệu năng tốt hơn dòng GMA950 cũ nhiều nhưng nó còn lâu mới so sánh được với card đồ họa rời.
Trong thế hệ MBP trước, thay vì sử dụng GMA950 thì Apple lại dùng nVidia 9400M như là chip đồ họa tích hợp. Người dùng có thể chuyển đổi giữ 9400 và card 9600 mạnh hơn bằng cách vào System Preference để chỉnh và buộc phải log out. Điều này gây ra khá nhiều phiền phức cho khách hàng vì họ phải tốn công tắt tất cả các chương trình đang chạy, lưu dữ liệu rồi lại phải mở ra lần nữa sau khi log on.
Để tránh sự bất tiện này, một số nhà sản xuất có cách thực hiện khác nhưng nó cũng có nhiều nhược điểm. Chẳng hạn như phương pháp của AMD/ATI nhận diện xem máy có đang cắm nguồn không, nếu cắm nguồn nó sẽ tự động dùng card rời, còn khi dùng pin thì card tích hợp sẽ được kích hoạt. Phương pháp này hoàn toàn tự động nhưng nó buộc người dùng phải dùng card tích hợp khi dùng pin, chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn chạy các chương trình nặng về đồ họa như Final Cut Pro và Lightroom?
nVidia Optimus là một giải pháp khác. Nó kết hợp cả phần cứng và phần mềm để có hiệu năng tốt nhất. nVidia sẽ lập 1 danh sách các chương trình cần chip đồ họa rời và các chương trình có thể hoạt động tốt với chip đồ họa tích hợp. Danh sách này sẽ được lưu trữ trên máy chủ của công ty và được tự động cập nhật về máy người dùng. Tất nhiên bạn có thể can thiệp để chỉnh sửa danh sách trên máy của mình.
Optimus cũng có điểm yếu của nó, khi sử dụng công nghệ này thì chip đồ họa tích hợp luôn hoạt động cho dù card đồ họa rời đang chạy. Khi card đồ hoạ rời được kích hoạt, nó sẽ ghi dữ liệu trực tiếp vào bộ nhớ đệm của card tích hợp, tức là ghi vào RAM. Điều này đồng nghĩa với khi chạy các chương trình cần hiệu năng cao thì cả 2 con chip đồ họa đều chạy nhưng chỉ mình chip rời có thể ghi dữ liệu vào bộ nhớ đệm. Cách làm này sẽ làm phát sinh thêm nhiều băng thông trong bus hệ thống.
Công nghệ mới của Apple có 2 điểm khác biệt chính so với Optimus. Đầu tiên, việc chuyển đổi được thực hiện hoàn toàn tự động bởi Mac OS mà không cần bất cứ sự can thiệp nào của người dùng. Tất nhiên bạn có thể tắt việc tự động chuyển đổi này đi nếu muốn. Mac OS sẽ phát hiện chương trình nào đang dùng các framework đồ họa như OpenGL, Core Graphics, Quartz Composer... để dùng card đồ họa rời. Ví dụ như khi bạn viết mail hay đánh word, chỉnh sửa bảng tính thì máy sẽ dùng chip đồ họa Intel nhưng dùng Photoshop hay Aperture thì máy lại đẩy qua card rời.
Điểm khác biệt thứ 2 là con chip đồ họa tích hợp của máy sẽ được tắt hoàn toàn khi card rời hoạt động. Hành động này sẽ tiết kiệm pin của máy và hệ quả là pin của MBP mới có thể lên tới 9 giờ.
Apple làm được việc này là nhờ họ kiểm soát cả phần cứng và phần mềm chứ không phải chỉ làm 1 trong 2 như các nhà sản xuất khác. Chính vì vậy, họ có thể can thiệp sâu hơn vào hệ thống. Và vì phương thức mới của Apple là sự kết hợp của cả phần cứng và phần mềm, những người dùng MBP thế hệ hiện tại sẽ không có được tính năng này.
Nguồn: Ars Technica