Windows Phone 7 đã xuất hiện và giờ đây, người dùng điện thoại sẽ có thêm một sự lựa chọn mới về hệ điều hành. Tuy nhiên, để trải nghiệm Windows Phone 7 OS thì người dùng sẽ phải chờ đến tháng sau khi các thiết bị đầu tiên được bán ra. Windows Phone 7 (WP7) không phải là một sự nâng cấp đơn thuần như chúng ta đã thấy trên Windows Mobile (WM), nó rất khác và hoàn toàn mới.
Windows Phone 7 là thế hệ kế tiếp của dòng điện thoại chạy hệ điều hành Microsoft Windows Mobile. WP7 được phát triển dựa trên phần lõi là Windows CE 7 giống Zune HD, trong khi các phiên bản trước lại dựa trên Windows CE 5.
Như đã nói ở trên, WP7 hoàn toàn khác WM, khác cả về phần cứng lẫn phần mềm: Giao diện sử dụng dạng lật mở hoàn toàn mới lạ, chú trọng tính năng nhập liệu bằng ngón tay, kết hợp và mở rộng đầy đủ với các thành phần của Zune và Xbox, đòi hỏi cấu hình phần cứng rất khắc khe đối với các đối tác sản xuất. Ngoài ra, WP7 được hỗ trợ cả Outlook lẫn Office và Microsoft sẽ cấp giấy phép cho một số lượng lớn các nhà sản xuất phần cứng thứ 3. Tuy nhiên, Microsoft vẫn không tự mình sản xuất một thiết bị WP7 nào. Đích nhắm của Microsoft là một nền tảng có khả năng "tối ưu hóa cuộc sống", WP7 được lấy ý tưởng hư cấu từ một cặp đôi 38 tuổi tên Anna và Miles vốn tượng trưng cho những người dùng tiềm năng: những người cần phải hòan tất công việc của mình trên điện thoại nhưng vẫn muốn giải trí bằng cách chơi game và không muốn lãng phí thời gian với các điều chỉnh rườm rà.
I. Phần cứng
Windows Phone 7 là thế hệ kế tiếp của dòng điện thoại chạy hệ điều hành Microsoft Windows Mobile. WP7 được phát triển dựa trên phần lõi là Windows CE 7 giống Zune HD, trong khi các phiên bản trước lại dựa trên Windows CE 5.
Như đã nói ở trên, WP7 hoàn toàn khác WM, khác cả về phần cứng lẫn phần mềm: Giao diện sử dụng dạng lật mở hoàn toàn mới lạ, chú trọng tính năng nhập liệu bằng ngón tay, kết hợp và mở rộng đầy đủ với các thành phần của Zune và Xbox, đòi hỏi cấu hình phần cứng rất khắc khe đối với các đối tác sản xuất. Ngoài ra, WP7 được hỗ trợ cả Outlook lẫn Office và Microsoft sẽ cấp giấy phép cho một số lượng lớn các nhà sản xuất phần cứng thứ 3. Tuy nhiên, Microsoft vẫn không tự mình sản xuất một thiết bị WP7 nào. Đích nhắm của Microsoft là một nền tảng có khả năng "tối ưu hóa cuộc sống", WP7 được lấy ý tưởng hư cấu từ một cặp đôi 38 tuổi tên Anna và Miles vốn tượng trưng cho những người dùng tiềm năng: những người cần phải hòan tất công việc của mình trên điện thoại nhưng vẫn muốn giải trí bằng cách chơi game và không muốn lãng phí thời gian với các điều chỉnh rườm rà.
I. Phần cứng
Một phần tạo nên sự khác biệt của WP7 chính là Microsoft đang muốn chiếm một vai trò lớn hơn trong việc quyết định phần cứng nào được cho phép để chạy hệ điều hành này. Trước đây, các máy sử dụng WM được các nhà sản xuất tự do thiết lập phần cứng. Vì vậy cấu hình máy rất đa dạng nhưng đây cũng là lí do nảy sinh những bất cập về phần cứng. Sự thiếu hụt về RAM, bộ nhớ ROM hay tốc độ xử lý của CPU kèm theo sự thiếu tương thích về phần mềm đã khiến nhiều sản phẩm thất bại.
Mặc dù chúng ta vẫn phải chờ đến tháng 11 để tận tay sử dụng những chiếc Windows Phone đầu tiên nhưng sau lễ ra mắt hôm qua, Microsoft đã cho thấy rõ ràng những gì họ muốn trên thiết bị WP7. Microsoft đã đặt ra những nguyên tắc cơ bản cũng như những yêu cầu khắc khe đối với các thiết bị chạy WP7, nhưng điều này không có nghĩa sản phẩm sẽ thiếu đi sự đa đạng. Những thiết bị khác nhau sẽ có những tính năng khác nhau chẳng hạn như bàn phím vật lý, camera trước, v.v... tất cả đều góp phần tạo nên một nền tảng WP7 vững chắc.
Cập nhật một số thông tin về cấu hình theo yêu cầu của Microsoft, qua đây chúng ta có thể thấy sự giống nhau về cấu hình giữa 10 chiếc smartphone WP7 được giới thiệu tại lễ ra mắt hôm thứ 2 vừa qua.:
- Màn hình phải có độ phân giải 800 x 480 (WVGA), tuy nhiên theo dự đoán thì độ phân giải 480 x 320 (HVGA) cũng sẽ được cho phép.
- 5 phím cứng yêu cầu: Start (bắt đầu), back (trở lại), search (tìm kiếm - kết hợp với dịch vụ tìm kiếm Bing), camera (máy ảnh) và power (phím nguồn). Một số thiết bị sẽ có thể có nhiều phím hơn nhưng bắt buộc phải có 5 phím trên. Các ứng dụng không được phép chỉnh sửa hay giành quyền điều khiển các phím này và nếu vi phạm, ứng dụng đó sẽ bị loại khỏi Marketplace.
- Cảm ứng điện dung đa điểm hỗ trợ ít nhất 4 điểm chạm.
- Bộ xử lý Qualcomm Snapdragon với hỗ trợ đồ họa DirectX 9. Theo Microsoft thì WP7 đủ linh hoạt để mở rộng khai thác các loại chip khác trong tương lai, nhưng hiện giờ thì tất cả CPU đều do Qualcomm cung cấp.
- Bộ nhớ RAM phải từ 256MB trở lên.
- Bộ nhớ Flash có dung lượng ít nhất là 8GB.
Không hỗ trợ thẻ nhớ ngoài microSD nhưng bù lại, bộ nhớ trong lại có dung lượng lớn. Một số thiết bị có thể bổ sung thêm bộ nhớ trong trên thẻ microSD. Tuy nhiên người dùng không thể tháo nóng và nếu rút thẻ ra, điện thoại sẽ được thiết lập lại và tất cả dữ liệu sẽ bị mất. Nhưng người dùng vẫn có thể lấy lại dữ liệu khi đồng bộ hóa với dịch vụ đám mây do Microsoft cung cấp. - Hỗ trợ kết nối Wi-Fi.
- Hỗ trợ chức năng định vị toàn cầu với A-GPS.
- Hỗ trợ gia tốc kế.
- Hỗ trợ FM Radio.
- Máy ảnh số 5 MP hoặc cao hơn với đèn flash.
II. Phần mềm
1. Về giao diện:
Chính xác là WP7 khác với các phiên bản WM trước đây như thế nào? Về cơ bản, có thể nói giao diện Metro UI trên WP7 là giao diện biến hóa nhất từ trước đến nay. Những nét đặc trưng của hệ điều hành WM cũ như Start Menu sổ xuống cùng các hộp chọn, các cửa sổ, danh sách biểu tượng v.v... đã bị xóa sạch và thay bởi một thiết kế khác. Với WP7, bạn chỉ cần nhấn tiếp tục và tiếp tục, đặc điểm này đủ để nói lên tính khác biệt giữa WP7 và các hệ điều hành khác không chỉ riêng WM. Microsoft đã cố gắng phát triển những phương thức mới để điều khiển một thiết bị WP7 khiến nó không giống với những thiết bị khác có mặt trên thị trường: Không có hệ thống biểu tượng, không có danh mục đổ xuống và không có cả trình quản lý tác vụ (Task Manager) (tạm thời).
Giao diện trên Zune HD.
Quảng cáo
Vậy thực sự WP7 giống gì? WP7 có nhiều nét rất giống với Zune HD. Theo Microsoft, WP7 được thiết kế dựa trên Zune và giao diện Windows Media Center cùng một số thành phần khác gọi là Metro - một loại giao diện type-and-motion dựa trên các màu cơ bản và rất nhiều khoảng trống tương phản xen kẽ. Nếu bạn từng nhìn qua Zune HD, bạn sẽ cảm thấy WP7 rất quen thuộc bởi WP7 kết hợp tất cả những đặc điểm giao diện của Zune HD và điều này khiến WP7 khác biệt. Những dòng chữ có font lớn, in đậm chạy dọc màn hình, các bảng chọn thì di chuyển theo hướng vào trong hoặc ra ngoài thay vì từ bên này sang bên kia và thông tin hiển thị sẽ nằm trên cùng một trang từ trên xuống dưới, từ trái qua phải thay vì hàng loạt các bảng riêng rẽ. Microsoft đã quy tất cả những đặc điểm này vào một khái niệm gọi là "Chromeless", những "tấm lát" (hình vuông hay chữ nhật) hiển thị thông tin thật rõ ràng và sắc cạnh chiếm hữu toàn bộ màn hình chủ thay vì những đường cong trên các giao diện thường thấy khác. Có 2 theme cho WP7, chúng cơ bản chỉ là 2 dạng hiển thị: 1 là chữ màu sáng trên nền đen (mặc định) và chữ màu đen trên nền trắng. Ngoài ra, bạn có thể chọn 4 màu làm điểm nhấn là đỏ, cam, xanh và lục. Hy vọng là trong thời gian tới, chúng sẽ được mở rộng thêm.
Màn hình khóa của WP7 khá giống với Zune HD.
Màn hình khóa (Lock Screen) của WP7 tương tự như Zune, đó là một tấm ảnh lớn có thể kéo lên để mở khóa. Trên màn hình khóa bao gồm một số hiển thị như thời gian, ngày tháng, những sự kiện sắp đến theo lịch, số lượng tin nhắn chưa đọc, số lượng cuộc gọi nhỡ.
Start Screen của WP7 tương đương với Start Menu trên WM.
Sau màn hình khóa là màn hình khởi động (Start Screen) hiển thị giao diện người dùng và những tấm lát chuyển động trong một dải hẹp từ trên xuống dưới màn hình. Những tấm lát này được liên kết với 1 ứng dụng nào đó chẳng hạn như Internet Explorer, 1 địa chỉ liên lạc cụ thể hay 1 trang web, 1 thư viện ảnh, danh sách bài hát và có chức năng như một công cụ độc lập. Ngoài ra, chúng còn liên kết với các Hub chứa những chức năng chủ đạo của điện thoại. Thật vậy, khả năng liên kết của các tấm lát có thể nói là vô tận. Chúng mang tính "sống" và sinh động bởi nếu như bạn bè của bạn trong danh sách cập nhật những thông tin trạng thái (Status), hình ảnh, tin nhắn, những sự kiện theo lịch thì chúng sẽ được thể hiện trực tiếp lên những tấm lát này. Những tấm lát nào được ưa thích có thể được xếp lên trên cùng để tiện theo dõi và thao tác. Màn hình Start Screen rất dài, bạn phải kéo lên kéo xuống liên tục do đó, việc sắp xếp các tấm lát là điều cần thiết.
Hub là một chức năng rất thú vị trong WP7. Thay vì hàng loạt các biểu tượng trên màn hình với chức năng riêng, Hub trong WP7 được coi là một sân giữa và tại đây, những thao tác kế tiếp sẽ được thực hiện. Với các Hub, bạn sẽ dễ dàng tiếp cận với một tổ hợp chức năng hay ứng dụng. Khi bạn chọn một Hub, một khu vực với giao diện kéo sang ngang sẽ mở ra, thông tin sẽ được hiển thị liền kề nhau từ trái sang phải. Một lần nữa, đây là nét mà WP7 rất giống Zune. Những nội dung bên trong Hub bao gồm những dữ liệu được lưu trong máy và dữ liệu lưu trữ trên đám mây như hình ảnh, địa chỉ liên lạc, v.v... Khả năng kết nối vào đám mây cho phép bạn duyệt qua dữ liệu cục bộ lẫn trực tuyến mà không bị gián đoạn hay đòi hỏi những thao tác khác nhau. Tuy nhiên, Microsoft cho biết người dùng không thể sắp xếp các dữ liệu này theo tùy chọn ưu tiên. Giả dụ nếu một người bạn trên Facebook liên tục cập nhật hình ảnh hay trạng thái thì các thông tin này sẽ được sắp xếp lên trên theo giời gian.
Quảng cáo
App bar trong phần SMS khi đặt màn hình nằm ngang.
Các ứng dụng với chức năng cơ bản có giao diện khá giống nhau. Chúng chủ yếu xoay quanh các ứng dụng đơn giản như SMS, email và người dùng phải vuốt màn hình để xem các thông tin. Dưới cùng của màn hình là một thanh "app bar" chứa một vài biểu tượng với các lệnh cơ bản như lịch, trở lại, hoặc tiến tới trong trình duyệt web. Tuy nhiên, thanh ứng dụng có thể kéo lên giống một ngăn kéo để lộ những lệnh tiếp theo nếu có.
Tìm kiếm với Bing trên WP7.
Thêm vào đó, nút tìm kiếm lại hoạt động tùy theo "hoàn cảnh". Tùy thuộc vào vị trí thiết đặt nút tìm kiếm mà nó có trạng thái khác nhau. Ví dụ như khi bạn mở danh bạ thì nó có chức năng tìm địa chỉ liên lạc, khi duyệt web thì nó sẽ giúp tìm địa chỉ trang web, v.v... Công cụ tìm kiếm mạnh mẽ Microsoft Bing cũng được tích hợp trên WP7 với tính năng mở rộng cho phép tìm kiếm dữ liệu cả bên trong lẫn bên ngoài thiết bị (dữ liệu trực tuyến).
Cảm nhận đầu tiên về WP7 là tốc độ và thời gian phản hồi rất nhanh. Qua các video trình diễn WP7 trên các thiết bị trong thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy WP7 rất ít bị giật, ngay cả khi cuộn màn hình thật nhanh hay chuyển đổi qua lại các màn hình, WP7 thực hiện các thao tác này rất mượt mà.
Khi chơi nhạc hay xem phim, bạn vẫn có thể điều chỉnh âm lượng bằng cách nhấn vào nút Volume lên/xuống. Tuy nhiên, điểm hạn chế trên WP7 chính là các thông tin tình trạng của máy như pin, tín hiệu sóng và WiFi lại nằm cùng một khu vực. Khu vực này sổ xuống khi bạn nhấn hoặc vuốt thanh phía trên màn hình. Trong một số ứng dụng chẳng hạn như trình duyệt ảnh, khi bạn mở phần này ra thì bức ảnh dường như bị che khuất hoàn toàn. Bên cạnh đó, có vẻ như WP7 đã thiếu đi một số biểu tượng cơ bản cụ thể là biểu tượng báo dung lượng pin. Hy vọng WP7 sẽ được bổ sung trong thời gian tới.
2. Về nhập liệu:
Bàn phím cảm ứng trên WP7 có thiết kế khá giống với Android.
WP7 được trang bị một bàn phím trên màn hình cảm ứng với một số nét giống Zune HD, chức năng tự động sửa lỗi (Auto-correction) đã được cải tiến với khả năng đoán từ tốt hơn. Không giống với những phiên bản WM trước đây, Microsoft hoàn toàn làm chủ tính năng nhập liêu qua bàn phím cảm ứng. Điều này có nghĩa bạn sẽ không thể cài đặt thêm một bàn phím nào khác trên WP7. Nhưng có thể nói, bàn phím ảo của WP7 khá tốt và thậm chí còn có một nút riêng (bên cạnh nút Space) để hiển thị một bảng chứa các khuông mặt biểu lộ cảm xúc (Emoticon) khi bạn cập nhật trạng thái trên mạng xã hội.
3. Về đa nhiệm và sao chép/dán (copy/paste):
Microsoft hiểu rất rõ về nhu cầu sử dụng đa nhiệm của người dùng nhưng với phiên bản WP7 đầu tiên, "tạm thời" sẽ không hỗ trợ đa nhiệm nhưng cũng có khả năng Microsoft sẽ bổ sung trong các phiển bản cập nhật tới. Những gì chúng ta được biết là tính năng đa nhiệm sẽ không vận hành theo cách thức thông thường.
Hình ảnh phân tích về đa nhiệm trên WP7 tại hội nghị MIX10 (hội nghị dành cho các nhà phát triển web và thiết kế được tổ chức bởi Microsoft tại Las Vega từ ngày 18 - 20 tháng 3 năm nay.
Thật vậy, WP7 không phải là không có khả năng hoạt động đa nhiệm. Nền tảng này hỗ trợ một dạng lưu trữ tạm có tên gọi "page stages" mà Microsoft đã ví như cookie trong các trang web. Đây là một ứng dụng nhỏ cho phép lưu lại những trạng thái và dữ liệu của ứng dụng khi người dùng tắt đi. Những phần mềm first-party (phần mềm của nhà sản xuất thứ 1) như trình nghe nhạc Zune và trình duyệt web Internet Explorer có thể chạy nền, bên cạnh đó, các phần mềm third-party (phần mềm của nhà sản xuất thứ 3) có thể được để sang 1 bên và chạy theo chế độ treo (theo Microsoft là trạng thái "khử") miễn là hệ thống không cần thêm tài nguyên kèm theo nào khác. Nếu người dùng quay trở lại một ứng dụng, nó sẽ được khôi phục (trạng thái "hoàn") và tiếp tục duy trì hoạt động, nhưng nếu người dùng mở các ứng dụng khác và hệ thống cần thêm tài nguyên, ứng dụng trên sẽ bị tắt đi mà không được báo trước.
Quá trình này nghe có vẻ quen thuộc bởi cơ bản nó là tính năng đơn nhiệm lặp đi lặp lại tương tự trên Android và WM 6. Cả hai nền tảng này đều hỗ trợ quản lí thông minh các ứng dụng hoạt động song song và vận hành hiệu quả với trình quản lý đa nhiệm điều khiển bằng tay.
Tính năng Notification trên WP7.
Để minh chứng cho sự "tồn tại" bí ẩn của tính năng đa nhiệm, Microsoft đã giới thiệu một hệ thống có tên Microsoft Notification Service cung cấp các thống báo về trạng thái của ứng dụng mà không cần phải mở ứng dụng. Các thông báo sẽ xuất hiên trên một thanh ngang nằm phía trên cùng màn hình. Nhấn vào thanh này, ứng dụng liên quan sẽ mở ra. Theo Microsoft, tiện ích này được quản lý rất chặt chẽ và có thể nói tốt hơn so với hệ thống Obnoxius Pop-up trên iPhone.
Riêng về chức năng sao chép và dán (copy/paste), như Tinhte đã đưa tin thì Microsoft cho biết ban đầu WP7 sẽ không có tính năng cơ bản này nhưng nó sẽ sớm xuất hiện qua một bản cập nhật phần mềm dự kiến phát hành vào đầu năm sau. Không những tích hợp copy/paste, bản cập nhật còn mang đến một số tính năng ấn tượng khác cho người dùng WP7.
4. Các Hub và phần mềm của hãng thứ 3:
a. HUB:
Hub được xem là một ngôi nhà hay mảnh sân dành cho các chức năng của WP7. Đây là một tính năng độc đáo không giống trên bất cứ các nền tảng nào khác. Các nhà phát triển phần mềm thứ 3 có thể vào các hub này để phát triển chúng. Ví dụ như các phần mềm chỉnh sửa ảnh sẽ được đặt vào trong Hub Pictures, người dùng có thể mở và chỉnh sửa trực tiếp tại Hub này.
People hub:
Một điểm đặc biệt trên WP7 là nó không có ứng dụng Contact như trên WM. Toàn bộ danh bạ được tích hợp vào People hub. Không chỉ có danh bạ, người dùng còn có thể truy cập được nhiều liên kết khác như Gmail, Exchange, Facebook, Twitter, Windows Live v.v... ngay tại People hub. Phần hiển thị chính tại People hub là các địa chỉ liên lạc thường sử dụng nhất và nếu thiết lập một tài khoản Facebook, danh sách bạn bè sẽ được cập nhật tại People hub (chọn tất cả bạn bè hoặc chỉ 1 vài người). Về cá nhân, People hub có một phân mục được gọi là "me", tại đây người dùng có thể xem và chỉnh sửa các trạng thái của mình trong mạng xã hội.
Picture hub:
Đây là một hub tập họp toàn bộ các hình ảnh được lưu trữ trên mạng xã hội Facebook, Windows Live, các dịch vụ chia sẻ hình ảnh và trong máy. Picture hub cũng cho phép người dùng theo dõi những hình ảnh vừa được cập nhật từ danh sách bạn bè. Với Picture hub, người dùng có thể tải lên và bình luận trực tiếp các hình ảnh theo dịch vụ như Facebook. Các ứng dụng về hình ảnh sẽ được tích hợp vào People hub để thực hiện các chức năng như chỉnh sửa hay chia sẻ ngay tại đây.
Games hub:
Tích hợp với Xbox Live, Game hub là nơi chứa một hình tượng avatar thu nhỏ của cá nhân (thiết kế 3D), các game Xbox Live và thành tích chơi game, tin nhanh, v.v... Phần collection sẽ bao gồm danh sách các trò chơi trong khi mục requests sẽ là nơi chứa các lời mời chơi game trực tuyến. Spotlight là một kênh tin tức cập nhật về game.
Music + video hub:
WP7 tích hợp Zune HD và đương nhiên mục giải trí đa phương tiện này không khác Zune HD là mấy. Tại đây, người dùng có thể truy cập vào dịch vụ Zune Pass, tìm kiếm và tải về các bài hát, các đoạn phim qua kết nối WiFi hay 3G. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa biết cách thức tương thích của Zune với máy tính, Xbox hay thiết lập Media Center. Microsoft ban đầu cho biết công ty sẽ hợp tác với các đối tác như Pandora để tương thích với Music + video hub, sử dụng Zune để truy cập vào dịch vụ đa phương tiện dạng luồng của Pandora nhưng vẫn chưa chắc rằng tính năng này sẽ có mặt trên phiên bản đầu tiên của WP7.
Marketplace hub:
Đây chính là con bài chiến lược của Microsoft trên WP7. Marketplace đã có mặt kể từ phiên bản 6.5 của WM và giờ đây, Marketplace đã xuất hiện trên WP7 với cái tên chính thức Windows Phone Marketplace. Microsoft cho biết Marketplace không chỉ là một kho ứng dụng, đây sẽ là nơi chứa đựng nhiều nội dung khác nhau từ ứng dụng, Xbox game đến âm nhạc, phim ảnh và các nhà cung cấp mạng viễn thông có thể tùy biến bằng cách thêm vào các nội dung nổi bật của riêng mình trên Marketplace.
Office hub:
Office từ lâu đã gắn bó với tên tuổi của Microsoft nhưng trong lễ ra mắt WP7 hôm qua, giám đốc phát triển WP7 Joe Belfiore đã giới thiệu Office trên WP7 với chỉ 2 thứ: OneNote và SharePoint. Điều khiến chúng ta thắc mắc là tại sao không có Word, Excel hay PowerPoint tại đây?
Có thể nói Microsoft đã không đánh mạnh vào tính năng biên tập biên soạn văn bản với Office trên WP7. Khả năng biên soạn rất hạn chế với các văn bản Word, người dùng không thể thay đổi font chữ, màu sắc font chữ cũng chỉ có 4 lựa chọn là đen, đỏ, lục và cam. Tính năng kiểm tra lỗi chính tả không hiệu quả cho lắm, tính năng sao chép/dán lại không có.
Trong khi đó, Excel lại được hỗ trợ một số hàm cơ bản nên phần nào che đi sự thiếu sót trên Word. Còn PowerPoint, đương nhiên là người dùng không thể tạo các văn bản dạng trình diễn được trên WP7 nhưng tính năng quan trọng mà Microsoft tích hợp vào Office hub chính là khả năng trình chiếu với các thiết bị khác.
Office hub tích hợp SharePoint và nếu bạn là một người của văn phòng thì chắc chắn sẽ cần đến chức năng chia sẻ và đồng bộ hóa trực tuyến này. Nếu việc biên soạn văn bản không thật sự thuận lợi trên Word thì Microsoft đã đưa OneNote vào Office hub như một giải pháp thay thế. OneNote cho phép bạn ghi chú nhanh, đính kèm hình ảnh và tập tin âm thanh rất tiện lợi.
b. Các tính năng cơ bản:
Email và SMS:
Outlook trên WP7.
Việc thiết lập email trên WP7 rất đơn giản và dễ dàng. Bạn sẽ được cung cấp các điều chỉnh tự động với từng loại dịch vụ thư điện tử như Yahoo! Mail, Gmail, Live và Outlook. Bên cạnh đó, với các loại web mail khác thì bạn cũng có thể tự thiết lập tài khoản POP hoặc IMAP.
Ứng dụng email là một ứng dụng rất nổi bật trên WP7 với cách bài trí rõ ràng cùng nhiều tùy chọn. Tin nhắn và email được sắp xếp dạng thread kèm theo tính năng quản lý thông minh và tiện dụng. Khi đọc, xóa một email, màn hình sẽ tự động trở về hộp thư (inbox) thay vì chuyển sang email kế tiếp. Bên cạnh mỗi tin nhắn hay email đều có hộp chọn để người dùng có thể đánh dấu và xóa các tin nhắn tùy ý. Bên dưới màn hình là các biểu tượng để thực hiện chức năng tạo tin nhắn, email mới, xem thư mục, chỉnh sửa hàng loạt và làm tươi (refresh).
Lịch (Calendar):
Giao diện Calendar trên WP7 khá đơn giản.
Lịch là một trong những tính năng thú vị trên WP7. Giao diện của phần này làm chúng ta liên tưởng tới hệ điều hành DOS với nền đen và chữ trắng. Tuy nhiên, màu sắc của chữ sẽ thay đổi tùy theo loại dữ liệu chẳng hạn như màu đỏ và xanh sẽ tượng trưng cho các ghi chú cá nhân và công việc (personal & work). Cách bố trí thời gian và nội dung trong Calendar có nét gì đó phảng phất WM với các mốc thời gian nằm dọc bên trái màn hình, công việc và lịch hẹn nằm dọc theo phần còn lại, khung nội dung sẽ mở rộng hay co hẹp tùy theo thời gian thực hiện công việc đã lên lịch tương tự trên WM.
Gọi điện (Phone):
Khi có cuộc gọi đến, màn hình sẽ sổ xuống một khung nhỏ chứa các thông tin liên quan đến cuộc gọi.
Phần giao diện gọi điện của WP7 khá đơn giản, các phím số được làm đồng bộ với giao diện Metro UI. Để gọi một người, người dùng chỉ việc vào People hub, địa chỉ liên lạc thường xuyên nhất sẽ xuất hiện ngay tại đây. Tuy nhiên, điểm khác biệt mới nhất trên WP7 chính là cách thực hiện cuộc gọi. Sau khi bấm vào dòng "call mobile", cuộc gọi sẽ được thực hiện và thông tin cuộc gọi được thiết kế theo dạng khung sổ xuống 1 nửa màn hình, phần màn hình còn lại bị mờ đi. Khi có cuộc gọi đến, hình ảnh của người gọi đến sẽ xuất hiện chiếm gần hết màn hình kèm theo 2 nút trả lời hoặc từ chối.
Duyệt web cùng IE và Bing:
Trình duyệt IE trên WP7 đã được Microsoft tối ưu hóa rất nhiều dựa trên nguyên bản IE trên PC.
Duyệt web trên WP7 được xem là một trải nghiệm thú vị nhất. Microsoft đã thiết kế Internet Explorer trên WP7 dựa trên mã nguồn của IE trên máy tính. Người dùng có thể mở tối đa 6 tab và các trang đều được tải trong cùng 1 lúc. Khi phóng to thu nhỏ (pinch-to-zoom) trang web, thao tác này được xử lý khá mượt mà và cũng không xuất hiện các mảng trắng thường thấy.
Giám đốc phát triển WP7 Joe Belfiore giới thiệu chức năng tìm kiếm Bing.
Công cụ tìm kiếm Bing Search xuất hiện trên hầu hết các ứng dụng nhưng tại Start Screen, Bing lại chiếm một phần khá riêng biệt. Khi tìm kiếm, Bing sẽ cố gắng xác định loại thông tin muốn tìm và hiển thị các kết quả thích hợp nhất, chẳng hạn như các kết quả tìm kiếm nội dung từ trong máy thay vì từ các trang web. Ngoài ra, người dùng có thể xem kết quả ngay từ giao diện Metro UI thay vì phụ thuộc vào trình duyệt. Ngoài tìm kiếm, Bing Maps là một phần mềm bản đồ được tích hợp sẵn trên WP7. Bản đồ Bing Maps hỗ trợ dẫn đường kèm tính năng tự động chuyển đổi từ bản đồ sang quan sát vệ tinh.
c. Phần mềm của hãng thứ 3 (third-party app):
Một ứng dụng do The Association Press phát hành cho WP7.
Mặc dù WP7 có rất nhiều điểm khác biệt so với các phiên bản WM trước đây nhưng điểm khác biệt lớn nhất chính là việc "người dùng buộc phải tải phần mềm hay ứng dụng về từ Marketplace." Khái niệm này dường như còn khá xa lạ với các tín đồ WM bởi mặc dù Marketplace đã xuất hiện từ WM6.5 nhưng nó không được sử dụng phổ biến, người dùng vẫn thích tự tải và cài đặt phần mềm qua các file cab. Với WP7, chính sách phân phối các phần mềm dành cho nền tảng này thậm chí còn hạn hẹp hơn so với Apple. Cụ thể, nếu nhà phát triển muốn thử nghiệm phần mềm của mình với các phiên bản Beta và chỉ cung cấp phần mềm cho một nhóm người dùng nhất định thì điều này không thể thực hiện được, mọi phần mềm đều bắt buộc phải cài đặt qua Marketplace. Microsoft đã nhận thức rất rõ điều này nhưng dường như họ vẫn chưa cho phép các phiên bản thử nghiệm của phần mềm xuất hiện trên Marketplace bên cạnh các phiên bản đầy đủ.
Chính sách về giá cả các ứng dụng trên Marketplace khá giống với Apple Store theo tỉ lệ lợi nhuận 70/30 giữa nhà phát triển và Microsoft. Phí 99$ hàng tháng áp dụng cho mỗi thành viên lập trình và được phép phân phối tối đa 5 ứng dụng cho mỗi tài khoản. Ngoài ra, nhà phát triển không phải đóng thêm các khoản phí phụ nào khác khi phát hành các ứng dụng miễn phí và cũng có thể thêm các quảng cáo vào ứng dụng nếu muốn.
Phần mềm dành cho WP7 sẽ được viết bằng bộ công cụ SDK bao gồm Expression Blend và Visual Studio 2010 do Microsoft cung cấp miễn phí. Hầu hết phần mềm sẽ được phát triển dựa trên nền Silverslight - một công nghệ cạnh tranh với Flash của Adobe. Mặc dù vậy, Microsoft và Adobe cho biết họ dự định sẽ hỗ trợ Flash lên WP7 sau khi phát hành chính thức.
Game The Harvest nổi tiếng trên Xbox và giờ là WP7.
Đối với các nhà phát triển game, họ sẽ nhận được những thuận lợi từ nền tảng XNA, một hệ thống từ lâu đã được sử dụng trên Zune HD và Xbox 360. Microsoft cho biết giới phát triển sẽ phải lựa chọn giữa Silverlight hay XNA và chạy chúng khi viết ứng dụng nhưng chiến lược dài hạn mà công ty muốn nhắm tới là hợp nhất 2 nền tảng này theo hướng tối ưu hóa nhất. Hiện tại, Microsoft đang đưa Silverlight hỗ trợ trên Xbox và sau này sẽ là Zune.
Microsoft cùng các nhà phát triển thảo luận rất nhiều về vấn đề phần cứng để đưa ra các tiêu chí nghiêm ngặt và thu hẹp khác biệt giữa các thiết bị. Nếu khác biệt giữa phần cứng và phần mềm quá lớn, một số ứng dụng sẽ gặp trở ngại khi hoạt động. Chẳng hạn như độ phân giải màn hình là 1 vấn đề khá nan giải với WM trước đây và kể cả các thiết bị Android hiện nay. Khi cài một ứng dụng vào, người dùng buộc phải lựa chọn giữa các phiên bản dành riêng cho từng độ phân giải màn hình. Vì vậy, Microsoft đưa ra tiêu chuẩn phân giải màn hình là WVGA 800 x 480 và sau này có thể bổ sung thêm HVGA 480 x 320. Để phần mềm được tương thích trên cả 2 chuẩn phân giải, Microsoft cũng tích hợp thêm tính năng tự động cân bằng kích cỡ trên các ứng dụng để cùng một ứng dụng có thể chạy trên cả 2 chuẩn phân giải mà không phải tùy biến quá nhiều.
III. Di sản của Windows Mobile?
Windows Mobile một huyền thoại!
Microsoft đã nhấn mạnh rằng WP7 hoàn toàn khác với WM và điều này có nghĩa, các phần mềm cho WM sẽ không thể hoạt động trên WP7. Lý do lớn nhất chính là WP7 được xây dựng dựa trên các công cụ lập trình riêng của Microsoft và luôn phụ thuộc vào 2 nền tảng XNA và Silverlight. Công ty vẫn không hứa là sẽ cung cấp các công cụ đặc biệt dành riêng cho giới phát triển ứng dụng để chuyển đổi các ứng dụng cũ dành cho WM sang WP7. Tuy nhiên, chỉ nhìn qua giao diện người dùng và cấu trúc của WP7, chúng ta khó có thể hy vọng về khả năng hoạt động của các ứng dụng cũ trên WP7 ngoài giải pháp viết lại ứng dụng từ đầu.
Điều này cũng có nghĩa các thiết bị chạy WM6.x sẽ không được cập nhật chính thức lên WP7. Ngoài việc thiếu sót cấu hình phần cứng, ngay cả chiếc smartphone được kì vọng nhất là HTC HD2 với CPU Snapdragon 1GHz, màn hình WVGA cũng khó có khả năng được cập nhật lên WP7 do "thừa nút" (WP7 yêu cầu 3 nút dưới màn hình là Back, Start và Search trong khi HD2 có đến 5 nút gồm Call, Home, Start, Back, End) và bộ nhớ trong quá ít (cao nhất chỉ 1GB với phiên bản do T-Mobile phân phối).
Vậy số phận những người dùng WM sẽ ra sao? Nếu bạn đang sử dụng một chiếc PPC chạy WM, bạn có thể yên tâm rằng nó vẫn hoạt động tốt và mặc dù Microsoft đã ngừng phát triển WM nhưng vẫn có rất nhiều thành viên trên các diễn đàn WM tiếp tục phát triển và hỗ trợ các thiết bị WM. Nếu bạn đang sở hữu HTC HD2, hãy nhớ rằng đây là một thiết bị tuyệt vời bởi không những chạy được WM6.5, HD2 còn cho phép bạn trải nghiệm Android OS và mới đây nhất, thành viên Cotulla từ diễn đàn xda-developers đã trình diễn WP7 trên HD2 bằng sự sáng tạo của mình. Những thông tin về sự diệt vong của WM đều bị thổi phồng quá mức.
TouchFLO 3D, một giao diện gắn với sự thành công của HTC.
Điểm mạnh của WM chính là khả năng tùy biến giao diện. Từ lâu, Microsoft đã đứng ngoài lĩnh vực này và để lại mảnh sân cho các phần mềm giao diện như TouchFLO/Sense của HTC, TouchWiz của Samsung, S-Class của LG, Mobile Shell của Spb, HomePro của PointUI hay giao diện riêng của các nhà sản xuất thiết bị. Tuy nhiên, ngược lại với WP7, Microsoft đã gần như hạn chế toàn bộ khả năng thay thế giao diện mặc định Metro UI. Điều này đã làm khó các nhà sản xuất thiết bị có mối quan hệ thân tình với Microsoft từ lâu như HTC hay Samsung. Nhà sản xuất sẽ được tùy chọn thêm các tính năng vào các các hub cơ bản kèm theo các ứng dụng nhưng điều này không làm thay đổi giao diện của WP7. Vì vậy, smartphone WP7 nào cũng sẽ chỉ có 1 giao diện duy nhất là Metro UI.
IV. Đối tác và phát triển:
WP7 nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ nhiều nhà sản xuất thiết bị và nhà cung cấp mạng.
Phải nói rằng, với WP7, Microsoft có rất nhiều đối tác cả về phần cứng lẫn nhà mạng. Qua lễ ra mắt hôm thứ 2, chúng ta có thể thấy một loạt sản phẩm của các nhà sản xuất như Dell, HTC, LG và Samsung. Không chỉ dừng lại ở đó, số lượng các nhà sản xuất phần cứng đã mở rộng thêm HP, Garmin-Asus, Sony Ericsson và Toshiba. Trong khi đó, danh sách các nhà mạng phân phối sản phẩm chạy WP7 còn nhiều hơn với những cái tên điển hình như AT&T, Deutsche Telekom AG, Orange, SFR, Sprint, Telecom Italia, Telefónica, Telstra, T-Mobile USA, Verizon Wireless và Vodafone. Có thể nói, WP7 được hậu thuẩn rất tốt khi chính thức có mặt trên thị trường.
Về mảng phát triển, Microsoft dường như đã ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của các ứng dụng và phần mềm. Một điều mà Microsoft có thể tự hào chính là đội ngũ phát triển ứng dụng rất hùng hậu. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, Microsoft đang tỏ ra lép vế so với Apple khi công ty này cung cấp những công cụ lập trình đơn giản cho các lập trình viên đối với nền tảng iPhone hay iPod Touch. Dù tốt hay xấu, Microsoft dường như đang đi theo chiến lược của Apple với việc chú trọng vào kho ứng dụng Marketplace. Tuy nhiên, tiềm năng Marketplace sẽ gỡ bỏ dần những rào cản khi các yếu tố cơ bản để phát triển phần mềm cho WP7 lại được xây dựng trên những nền tảng tương tự và cách thức mã hóa rất giống với những gì đã làm trên Windows và Xbox.
V. Phần kết:
WP7 đã ra mắt với vẻ ngoài khác lạ và bí ẩn chưa từng có trên các thiết bị WM trước đây. Tuy nhiên, tính sáng tạo đã bị hạn chế khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh và xu hướng hệ điều hành hiện nay như Android. Giao diện không tùy biến được nhiều, tính năng đa nhiệm vẫn chưa thật sự xuất hiện, khả năng hỗ trợ thẻ nhớ vẫn bị bỏ ngõ, nhiều chính sách ràng buộc về phần mềm lẫn phần cứng, v.v... Để WP7 thành công, Marketplace chắc chắn phải được Microsoft đầu tư kĩ càng bên cạnh các đối thủ khác như App Store của Apple hay Android Market. Marketplace phải là nơi chứa các nội dung hấp dẫn chứ không chỉ riêng ứng dụng, đây là điều Microsoft đang hướng tới nhằm lấy lại thị trường đã mất từ các đối thủ khác. Tuy nhiên, hiện tại tất cả chỉ là phỏng đoán, thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời chính xác nhất. Hy vọng với bài viết này, mọi người sẽ có cái nhìn bao quát cũng như chi tiết về WP7 trước khi được cầm trên tay một smartphone WP7 và tự cảm nhận.
Nguồn: Engadget; PocketPC-Live