Steve Ballmer sẽ chắc chắn thôi giữ chức vụ CEO Microsoft ngay sau khi tập đoàn công nghệ Mỹ này tìm được người thay thế xứng đáng. Hiện ban lãnh đạo của Microsoft đã thành lập riêng một Uỷ ban đặc biệt để tìm kiếm người kế nhiệm. Tất nhiên, đây là công việc đòi hỏi thời gian bởi tính chất vô cùng quan trọng của nó và bởi việc tìm được một người có khả năng lèo lái Microsoft không phải chuyện đơn giản. Theo đó, vị CEO mới của Microsoft phải hội đủ các yếu tố cả về năng lực lẫn tầm hiểu biết sâu rộng về tập đoàn, và nếu như xét những yếu tố trên, chúng ta sẽ có được một số cái tên sáng giá sau đây.
Nội bộ công ty
Đầu tiên là Tony Bates, người có khả năng rất cao trở thành CEO mới của Microsoft, là trưởng nhóm phát triển bộ phận doanh nghiệp và nhóm truyền giáo của công ty. Bates gia nhập Microsoft sau thương vụ Microsoft mua lại Skype với giá 8,5 tỷ USD vào năm 2011. Ông là người có bề dày kinh nghiệm và trình độ chuyên môn là điều không phải bàn cãi, theo đó, Bates từng là tổng giám đốc mảng doanh nghiệp, mảng phát triển doanh nghiệp nhỏ và mảng thương mại của Cisco, sau đó là CEO của Skype, với nhiệm vụ tập trung vào mảng dịch vụ khách hàng. Như vậy với việc có quá nhiều kinh nghiệm cả ở lĩnh vực doanh nghiệp lẫn khách hàng, có thể nói Bates rất xứng cho chiếc ghế CEO mà Microsoft đang kiếm tìm.
Ứng cử viên sáng giá tiếp theo đó chính là Satya Nadella, hiện đang điều hành nhóm kỹ thuật trong doanh nghiệp và giải pháp đám mây của Microsoft. Được biết Nadella đã từng làm và gánh vác rất nhiều vị trí tại Microsoft và nhận được sự tín nhiệm rất cao. Ông cũng là người có một cái nhìn rất rõ về nội tình của Microsoft cũng như có kinh nghiệm dày dạn do đã làm cho Microsoft từ rất lâu.
Các ứng cử viên bên ngoài
Mặc dù Microsoft luôn có khuynh hướng ưu tiên "người trong nhà" hơn do có thể nắm bắt nhanh tình trạng của công ty, tuy nhiên trong bối cảnh tập đoàn đang đối diện với nhiều thử thách và khó khăn, việc tìm một CEO từ bên ngoài với tầm nhìn mới, hướng đi mới có thể là một giải pháp không tồi. Trở ngại duy nhất của việc đưa "người ngoài" lên CEO đó chính là vị thuyền trưởng mới này cần phải thích ứng nhanh nhất với toàn bộ doanh nghiệp, cũng như những chiến lược mà Ballmer để lại. Vậy những ứng cử viên "không thuộc Microsoft" nào có thể trở thành CEO mới của Microsoft?
Một ứng cử viên vô cùng tiềm năng, đó chính là CEO của Netflix, ông Reed Hastings. Có lẽ nếu đề cập đến tầm hiểu biết về Microsoft như thế nào, thì Reed có thừa, bởi ông đã từng là thành viên ban quản trị Microsoft trong vòng 5 năm và hơn nữa, mối quan hệ của Reed với ban lãnh đạo Microsoft, đặc biệt là Steve Ballmer là rất tốt. "Reed đã từng là một thành viên tuyệt vời, tầm nhìn và những kinh nghiệm của anh ấy đã thực sự giúp đỡ chúng tôi trải qua giai đoạn chuyển đổi đối với cả Microsoft lẫn toàn nền công nghiệp", Ballmer hết lời ca ngợi Reed vào thời điểm đó. Reed cũng vậy, ông tỏ ra rất hứng thú với những cuộc họp có sự tham gia của Steve Ballmer và Bill Gates.
Ngoài ra, Reed cũng được xem là một con người gắn bó với phần mềm, kỹ thuật nhưng lại có linh hồn của một nhà quản lý - bằng chứng rõ nét nhất là Reed hiện đảm nhận vị trí CEO của Netflix - và với những tài năng trải dài trên nhiều lĩnh vực đó, Reed là người mà Microsoft có lẽ đang rất cần đến cho chức vụ CEO Microsoft.
Cuối cùng là Stephen Elop - CEO Nokia. Chắn hẳn trong số những người được liệt kê trong bài, đây là cái tên quen thuộc nhất đối với tất cả chúng ta. Elop, như các bạn đều biết, là giám đốc điều hành của Nokia từ năm 2010 cho đến nay, tuy nhiên, trước đó ông đã làm việc tại một số công ty như Juniper Network, Adobe, và đặc biệt ông từng dẫn đầu trong công cuộc phân chia mảng doanh nghiệp của Microsoft trong vòng hơn 2 năm. Tóm lại, Elop có đầy đủ phẩm chất của một nhà lãnh đạo, điểm nhấn rõ nét nhất trong sự nghiệp của ông chính là quyết định hướng Nokia đến với Windows Phone thay vì những nền tảng khác. Sự kết nối chặt chẽ giữa Microsoft và Nokia trong vài năm trở lại đây cũng có thể là lý do thuyết phục để Elop trở thành vị CEO mới của tập đoàn công nghệ Mỹ.
Kết
Quảng cáo
Rõ ràng rằng, việc tìm một người đủ tầm vóc và năng lực để gánh vát cả Microsoft không phải là chuyện dễ, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường công nghệ đang ngày càng phát triển và tính cạnh tranh trở nên vô cùng khắc nghiệt. Không những thế, vị CEO mới của Microsoft sẽ phải chịu một áp lực không hề nhỏ trước thử thách thực hiện tốt các chiến lược mà Ballmer đã đề ra cho Microsoft trước khi ông ra đi. Cụ thể hơn, vị lãnh đạo tiếp theo của Microsoft phải có những chính sách đúng đắn dựa trên triết lý "One Microsoft", và vị CEO này phải làm cách nào đó để mang đến thành công cho Windows 8.1, Windows Phone 8 cũng như Xbox One - những thiết bị và nền tảng mới mẻ nhưng rất quan trọng đối với cả tập đoàn.
Với những thử thách to lớn như trên, ban lãnh đạo của Microsoft sẽ phải rất đau đầu trong việc lựa chọn ứng cử viên sáng giá. Tuy khó như vậy, nhưng họ cần phải thực sự nhanh chóng bởi vị CEO mới cũng phải cần có một thời gian thích ứng để đưa ra những chiến lược về lâu về dài một cách phù hợp với đường lối phát triển của công ty.