Hôm nay, thẩm phán Allan Gropper của toà án nằm ở phía nam New York đã chính thức chấp thuận khoản vay trị giá 844 triệu USD của Kodak, nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu toàn công ty. Được biết, tập đoàn đầu tư tư nhân Centerbridge Partners LP sẽ đứng ra hỗ trợ phần lớn trong khoản tiền vay nợ trên. Như vậy, với số tiền trên, cùng với đó là lượng tiền thu được (hơn 500 triệu USD) nhờ thương vụ bán "một số lượng khổng lồ" bằng sáng chế của Kodak cho các công ty công nghệ khác, Kodak hy vọng sẽ thoát khỏi tình trạng bảo hộ phá sản vào giữa năm 2013, và sau đó sẽ tiếp tục vươn lên để nhanh chóng trở thành "công ty bền vững và có thể tạo ra lãi" trong thời gian tiếp sau đó.Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các tập đoàn Nhật Bản, cùng với đó là sự thiếu sáng tạo, chậm đổi mới để bắt kịp xu thế, Kodak dần dần rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng và đỉnh điểm là hãng đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11* của Luật phá sản Mỹ vào tháng giêng năm ngoái. Kể từ sau đó, Kodak đã phải đóng cửa rất nhiều bộ phận, trong đó có bộ phận đảm nhận việc sản xuất máy ảnh kỹ thuật số.
*Chương 11 của Luật phá sản Mỹ quy định rằng một số doanh nghiệp có thể tiếp tục kinh doanh mặc dù đã nộp đơn xin phá sản. Nói một cách khác, đội ngũ quản lý cũ vẫn sẽ điều hành công ty nhằm giúp tái cấu trúc hoạt động mà không phải lo lắng về bất cứ khoản nợ nào. Vì thế khi một công ty nộp đơn xin phá sản theo chương 11 của Luật phá sản Mỹ, người ta gọi là xin bảo hộ phá sản, tức là công ty được bảo hộ trước sức ép trả nợ.
Theo BusinessWire