/Decode/: Đi tìm font chữ hoàn hảo của thế giới đồng hồ

/Decode/: Đi tìm font chữ hoàn hảo của thế giới đồng hồ
Tinhte_Dongho1.jpg

Ứng dụng một font chữ tốt sẽ khiến những dòng chữ trong một thiết kế gần như chẳng có gì nổi bật. Nó pha trộn một cách liền mạch với toàn bộ thiết kế, và phải cho bạn biết mọi thông tin bạn cần, mà không hút ánh nhìn vào từng con chữ. Và ở thế giới đồng hồ, bất chấp những giới hạn về mặt không gian và bố cục, sự sáng tạo không ngừng vẫn hiện diện, dù chỉ được thể hiện qua từng font chữ, từng con số nhỏ xíu trên cổ tay con người.

Khi mặt số đồng hồ là nơi tương tác chủ yếu với một chiếc đồng hồ, đó luôn là vùng quan trọng nhất, cũng như đem lại nhiều cảm xúc nhất. Và đó là lúc, font chữ số đóng một vai trò quan trọng mà vô cùng tinh tế để tạo ra trải nghiệm của mỗi người với một cỗ máy thời gian.


Tinhte_Dongho2.jpg

Typface-design-A-Collected-Man-London-1.jpg
Font chữ riêng do Hermès tự phát triển, để phô bày tinh thần và cá tính riêng của một chiếc đồng hồ

Sắp đặt font chữ là không gian sáng tạo nơi rất nhiều yếu tố va chạm và kết hợp. Những con số cong vút kinh điển của Breguet có thể thay đổi chi tiết rất nhiều lần, phụ thuộc vào vị trí mà nó được sử dụng. Một vài thiết kế khác như con số 4 vuông vắn trên mặt số thì ra đời vì hoàn cảnh bắt buộc và nhu cầu mỹ thuật công nghiệp. Cũng có một điều rõ ràng, khi một nhà sản xuất tự phát triển bộ font chữ riêng dùng cho đồng hồ của họ, tác động là rất rõ rệt. Với một bề dày lịch sử đáng nể chỉ với những con số, có lẽ cũng đáng để chúng ta nhìn lại những điều được coi là nguyên tắc cơ bản và những điểm chung phía sau những thiết kế font chữ hiệu quả, và quan trọng nhất, là những ví dụ nổi bật nhất.

Tinhte_Dongho3.jpg

Một font chữ có thể thay đổi phong cách, có thể được dùng bởi nhiều thương hiệu đồng hồ, và sau cùng là mang trong mình những ý nghĩa rất riêng. Một ví dụ kinh điển chính là bộ font chữ cong vút như chữ viết tay của Breguet, chính bản thân nó cũng có một quá trình biến đổi rất đáng quan tâm sau cả vài trăm năm. Ban đầu, bộ font này được chính Abraham-Louis Breguet nghiên cứu trước khi Cách mạng Pháp nổ ra năm 1789 và đến khoảng năm 1790, bộ font này đã được rất nhiều nhà chế tác đồng hồ ứng dụng. Những con số này chỉ được chính bản thân Breguet ứng dụng trên những chiếc đồng hồ mặt số tráng men trắng bóc của ông, để tạo ra sự khác biệt với những thiết kế đậm tính công nghiệp, lộ bánh răng và linh kiện bên trong.

Và, giữ nguyên truyền thống, gần 300 năm sau, Breguet vẫn chỉ dùng bộ font này trên những chiếc đồng hồ mặt số tráng men đầy lộng lẫy.


Tinhte_Dongho4.jpg

Untitled-2.jpg
Breguet No. 92 (1783), mặt số tráng men, lịch vạn niên

Lẽ đương nhiên là, những con số gắn chặt với thương hiệu Breguet đã trở nên phổ cập kể từ khi nó xuất hiện hơn 2 thế kỷ trước. Thời hiện đại, một thương hiệu ứng dụng bộ font này rất thành công không ai khác chính là Patek Philippe. GIống hệt như Breguet, họ chỉ dùng font số này trên những mẫu đồng hồ đặc biệt, tạo ra cảm giác rất khác so với những chiếc đồng hồ sản xuất số lượng lớn một cách “tầm thường”. Nếu như Breguet in số lên dial bằng mực, Patek Philippe chọn cách ấn tượng hơn, chế tác từng cọc số bằng kim loại rồi đóng cố định lên dial, tạo ra chiều sâu rất khó tin của một chiếc đồng hồ. Trong suốt chiều dài lịch sử, không thiếu những chiếc Patek có cọc số Breguet:


Tinhte_Dongho6.jpg

Typface-design-A-Collected-Man-London-3.jpg
Patek Philippe ref. 1463 (1940 - 1960), với cọc số phong cách Breguet được chế tác bằng kim loại

Lee Yuen-Rapati, một nhà thiết kế từng góp công tạo ra nhiều bộ font cho các hãng đồng hồ ứng dụng cho rằng, font số của Breguet mang tính nghệ thuật hơn hẳn so với những bộ font khác dùng trong thế giới đồng hồ. Anh nói: “Vì bản thân font số này ban đầu được tô bằng tay lên mặt số, nên chúng có quá nhiều sai khác để được coi là một bộ font cố định they ý kiến của tôi.”

Ấy vậy, chẳng phải chính sự thiếu đồng nhất ấy đã khiến chúng ta bị thu hút vào từng nét chữ? Lý do là bởi, từ thời điểm từng cọc số được tô bằng cọ, đến lúc được in dập lên mặt số, và giờ là những cọc số kim loại đầy chiều sâu, qua hàng trăm năm đã tự tạo ra cho mình một cá tính rất riêng đén tận ngày hôm nay.


Tinhte_Dongho10.jpg

Typface-design-A-Collected-Man-London-4.jpg
Sự kết hợp giữa font chữ hiện đại của logo với cọc số phong cách Breguet trong một chiếc Patek Philippe

“Những ký tự này càng lúc càng trở nên hấp dẫn qua nhiều năm trời nhờ vào những chiếc đồng hồ ứng dụng bộ font ấy,” Yuen-Rapati nhấn mạnh. Thật sự, với việc gắn liền với những chiếc đồng hồ kinh điển của Patek Philippe thập niên 40 và 50 của thế kỷ trước, không nghi ngờ gì tác động qua lại giữa Patek với bộ font chữ của Breguet, dẫn tới việc cả hai đều được yêu mến đến tận ngày hôm nay. Thậm chí có lần, Patek còn tạo ra một làn gió mới cho bộ font khoảng 100 năm về trước, khi kết hợp với trường phái mỹ thuật Art Deco trong những chiếc đồng hồ đầu tiên họ sản xuất cho nhà phân phối Gondolo & Labouriau những năm 1920. Đến cuối thế kỷ XX, không thiếu các nhà sưu tầm lắm tiền nhiều của đặt hàng riêng những cỗ máy thời gian, yêu cầu phải có cọc số Breguet, một phần củng cố thêm sự trường tồn của thiết kế ấy.

Một ví dụ kinh điển là Eric Clapton huyền thoại, người sở hữu vài chiếc Patek Philippe được thiết kế riêng cho ông, trong đó có vài mẫu sở hữu lịch vạn niên.

Tinhte_Dongho11.jpg
Dĩ nhiên, bộ font Breguet không phải thứ tài sản của riêng Patek Philippe

Ở những trường hợp khác, bộ font trường tồn ấy được chế cháo lại cho phù hợp với phong cách của từng hãng. Có hãng lấy cảm hứng trực tiếp từ Patek Philippe, như chiếc Roger Dubuis trong hình trên, một phần là để tri ân nơi mà chính ngài Dubuis đã làm việc trong gần 2 thập kỷ trước khi tách ra mở thương hiệu riêng của mình. Đối với ông, đó là chỉ thị mỹ thuật tượng trưng cho những thứ tốt nhất Patek đem đến cho chủ nhân một chiếc đồng hồ, và cũng là những cọc số ấy hiện diện trên những mẫu như Hommage hay Sympathie của Roger Dubuis.

Còn trong khi đó, một cái tên độc lập khác nhưng được trọng vọng chẳng kém gì Patek hay Vacheron Constantin, François-Paul Journe thì tiếp cận thiết kế theo một hướng khác. Vì chính bản thân ngài Breguet là cảm hứng từ rất lâu của vị nghệ nhân vĩ đại, nên việc Journe đưa những chi tiết font chữ của Breguet sáng tạo ra vào các tác phẩm đóng mác F.P. Journe âu cũng chẳng có gì lạ.


Tinhte_Dongho12.jpg

Tinhte_Dongho13.jpg
Cách François-Paul Journe ứng dụng font Breguet là duy ngã độc tôn

Nhưng trong mắt Yuen-Rapati, cách ứng dụng chữ số nói riêng, hay font chữ nói chung, trên đồng hồ của F.P. Journe là một trong những thứ anh ít yêu thích nhất: “Rất nhiều điều Journe làm bị coi là sai trong phạm vi thiết kế font chữ. Độ dày của con số 1 và 2 do ông thiết kế không đồng nhất, và cảm tưởng như font chữ ông dùng được tải miễn phí từ trên mạng internet xuống vậy. Tôi không nói rằng đó là điều tồi tệ. Thực tế trong đúng bối cảnh ấy, cách biến tấu font số của Journe giúp mọi người ngay lập tức nhận ra chiếc đồng hồ. Hầu hết các fan của cỗ máy thời gian đều nhận ra được một tác phẩm của Journe mà không cần nhìn tên thương hiệu. Đó là một cách khai thác thương hiệu xuất sắc theo ý kiến riêng của tôi.”


Tinhte_Dongho14.jpg

Tinhte_Dongho15.jpg
Cách biến tấu font Breguet của một chiếc Vianney Halter Classic

Một trường hợp khác biến tấu tác phẩm gần 200 năm của Breguet xa hơn chính là Vianney Halter. Một nghệ nhân tài năng bị lôi cuốn bởi cơ khí, khoa học viễn tưởng và khám phá không gian, những chiếc đồng hồ của Halter không giống bất kỳ ai khác. Đưa ra ví dụ này là để chứng minh rằng, trong hàng trăm năm, chỉ một phong cách font chữ từ lúc còn được tô bằng tay lên mặt số, cho tới khi được biến đổi đầy sáng tạo và khác biệt, cách sắp xếp font chữ có thể đột biến đến vô vàn theo thời gian. Càng thay đổi nhiều để phù hợp với từng bối cảnh, thì một thiết kế càng trở nên cuốn hút.

Tinhte_Dongho5.jpg

Cả một phần chỉ viết vòng quanh bộ font ra đời từ thế kỷ XVIII của Abraham-Louis Breguet, đơn giản vì nó bắt nguồn từ nhu cầu nghệ thuật của nghệ nhân. Trong khi đó, một vài bộ cọc số kinh điển của thế giới đồng hồ cơ được tạo ra đơn giản vì yêu cầu thực dụng. Một trong số đó là con số 4 “đầu phẳng” đã quá nổi tiếng trong những chiếc đồng hồ thập niên 50 và 60 của thế kỷ XX.

Khi đồng hồ đeo tay trở nên phổ biến ở nửa đầu thế kỷ XX, nhờ vào những bộ máy nhỏ nhưng đáng tin cậy hơn, và công nghệ sản xuất vỏ đồng hồ bền bỉ hơn, thì những công nghệ để sản xuất đồng hồ ở quy mô công nghiệp cũng dần được hoàn thiện. Đó là lúc kỹ nghệ in mặt số pad printing ra đời. Nhờ kỹ thuật ấy, một bề mặt không bằng phẳng vẫn được in những chi tiết chữ và số một cách đồng nhất.


Tinhte_Dongho17.jpg

Tinhte_Dongho16.jpg
Con số 4 “đầu phẳng” kinh điển, trong trường hợp này là mặt số của chiếc Vertex Cal. 59

In rập khuôn dùng một miếng silicone, thường có thiết kế hình nón bo tròn, cùng một tấm âm bản (thường gọi là cliché) bằng kim loại, khắc chìm những chi tiết muốn in lên mặt số đồng hồ, mỗi chi tiết ấy có chiều sâu chỉ từ 18 đến 25 microns (0.018 đến 0.025 mm) . Nghệ nhân đổ mực vào tấm âm bản, ấn miếng silicone vào tấm âm bản rồi in dập sang mặt số đồng hồ. Ước tính có khoảng nửa lượng mực được chuyển từ tấm âm bản sang mặt số đồng hồ. Sau khi dung môi trong mực bốc hơi hết, cọc số trên dial sẽ có độ dày khoảng 8 micron. Muốn cọc số dày hơn chỉ cần in đi in lại thêm vài lần nữa.

Đấy là một quá trình chính xác đến khó tin, làm đi làm lại được để tạo ra hàng nghìn mặt số giống nhau như đúc. Và kể từ đó, công nghệ in rập khuôn đã được hoàn thiện đến tận ngày hôm nay vẫn còn được ứng dụng. Mực in được cải tiến, độ sắc nét và sự chính xác của từng chữ số cũng tăng lên đáng kể. Và từ đó, thiết kế font chữ số cũng phải uốn theo công nghệ đương đại để tránh những chi tiết thừa, tránh mực loang và tránh những chữ cái bị lem.


Tinhte_Dongho18.jpg

Tinhte_Dongho19.jpg
Vẫn là số 4, nhưng lần này là ở trong mặt số chỉ ngày trên Rolex Submariner

Một trong những biến đổi về thiết kế font chữ “uốn" theo kỹ nghệ chế tác hiện đại ấy chính là con số 4 “đầu phẳng”. Những chiếc đồng hồ thập niên 1950 hay 1960 rất dễ tìm thấy chi tiết này, dù về mặt thực dụng, con số 4 ấy không có nhiều giá trị. Tuy nhiên bằng cách mở rộng góc ở đầu chữ số 4, kích thước nét cũng tăng lên. Nhờ đó việc đổ mực không còn phải sợ lem màu, tạo ra số 4 nhòe. Cùng lúc, trên bề mặt có tiết diện chỉ vài cm, số 4 như vậy đọc cũng dễ hơn rất nhiều.

Nếu không nhắc đến điều này một cách cụ thể, có lẽ anh em cũng chẳng để ý. Đấy chính là tác động của một thiết kế tốt. Nó khiến anh em sống vui vẻ hơn, không phải lo nghĩ, sản phẩm tiện dụng hơn, nhưng cùng lúc lại rất tinh tế, chẳng đao to búa lớn đòi hỏi toàn bộ sự chú ý của mọi người.


Tinhte_Dongho21.jpg

Tinhte_Dongho20.jpg
Viền bezel của Submariner, số 4 quen không anh em?

Về sau, con số 4 đầy tính toán về mặt công nghiệp ấy không chỉ hiện diện trong mặt số đồng hồ, mà còn cả ở những vị trí với không gian eo hẹp khác. Cũng nhờ số 4 rộng hơn, nên bố cục con số cũng đồng đều và cân bằng hơn. Ngày nay, ngay cả khi công nghệ in ấn không còn đòi hỏi số 4 phải có góc rộng như vậy để tránh tràn mực nhòe số nữa, chúng vẫn cứ hiện diện, đơn giản vì số 4 ấy đã trở thành thiết kế vĩnh cửu.

Tinhte_Dongho7.jpg

Trong thế giới đồng hồ, sự đồng nhất luôn là thứ được đánh giá cao. Nhưng cũng có đôi lúc, luật lệ bị phá bỏ, để chứng minh tính tương phản tạo ra cảm xúc và tính mỹ thuật lớn đến nhường nào. Một vài ví dụ kinh điển nhất chính là những chiếc đồng hồ bấm giờ cổ của Heuer và Breitling, nơi font chữ dùng cho tên đồng hồ, khác biệt hoàn toàn với font chữ dùng cho thương hiệu chính.

Hay một trường hợp nổi tiếng hơn, chính là Speedmaster của Omega:

Tinhte_Dongho22.jpg

Hãy lấy một ví dụ khác, đó là chiếc Seafarer được chính Heuer lừng lẫy sản xuất cho thương hiệu thời trang Abercrombie & Fitch. Heuer kết hợp font chữ không chân của thương hiệu Abercrombie & Fitch, nhưng tên chiếc đồng hồ là font chữ viết tay cong mềm mại và đầy vui nhộn. Trong mọi trường hợp và ngữ cảnh, đó là hai cách ứng dụng font chữ tuyệt đối tương phản, nhưng theo một cách vô cùng thẩm mỹ. Mục tiêu tối quan trọng của việc ứng dụng font chữ ấy cũng đã đạt được, đó là khơi dậy một thứ cảm xúc gắn liền với phong cách của chính chiếc đồng hồ: Thương hiệu thì lâu đời và uy tín, còn món đồ thì vui vẻ và đầy tính phiêu lưu. Kết hợp lại với nhau, chúng tạo ra một sự kết hợp hoàn hảo về mặt cảm xúc.


Tinhte_Dongho24.jpg

Tinhte_Dongho23.jpg

Một ví dụ khác tinh tế mà nổi bật hơn chính là từ Rolex. Dù thương hiệu trăm năm luôn có xu hướng nền nã và nhu mì trong thiết kế font chữ, đôi khi nhà thiết kế vẫn có một chút gì đó nổi loạn. Đó là lúc một phiên bản với dòng chữ Submariner đỏ chót, hay font chữ “200 m = 660 ft” khác hẳn với những dòng còn lại hiện diện:


Tinhte_Dongho26.jpg

Tinhte_Dongho25.png

Những hình khối đối chọi vô cùng đôi khi lại tạo ra một bố cục cân đối, như chiếc Paul Newman Daytona. Mặt số có cả khối tròn lẫn khối vuông, cọc số thì tròn nhưng những dấu chấm chỉ thị thời gian lúc bấm giờ lại vuông thành sắc cạnh. Điều đó lại càng chứng minh được một bài học kinh điển của thiết kế, rằng đôi khi kết hợp những yếu tố đối nghịch không nên đặt cạnh nhau sẽ tạo ra một thứ cân bằng và hấp dẫn.

Tinhte_Dongho8.jpg

Ngay cả những cái tên ở đỉnh của chóp trong làng đồng hồ cũng hiếm khi bỏ tiền nuôi một nhà thiết kế riêng chỉ chú trọng vào font chữ dùng trong các sản phẩm. Điều đó thường để dành cho đội ngũ thiết kế mỹ thuật công nghiệp chung của hãng, đồng nghĩa với việc font chữ họ dùng thường không phải được tạo ra cho riêng mình họ. Tuy nhiên, một khi có cái tên chịu bỏ công sức và thời gian tạo ra một thứ riêng có, thì tác động là rất lớn, nhờ vào sự thiếu đi những giá trị nguyên bản của riêng từng thương hiệu trong cả ngành đồng hồ.


Tinhte_Dongho27.jpg

Tinhte_Dongho28.jpg

Cái tên lớn đầu tiên dám làm điều này có lẽ chính là ông hoàng đồng hồ nước Đức, A. Lange & Söhne. Khi thương hiệu lâu đời xứ Glashütte mở cửa trở lại vào năm 1994, sau khi nước Đức thống nhất, họ chọn một bộ font chữ tên là Engravers, được nhà điêu khắc Robert Wiebking tạo ra vào năm 1899. Nhưng đến năm 2012, thương hiệu nước Đức quyết định làm lại bộ font chữ để tạo ra thứ gì đó của riêng họ, rồi giới thiệu phiên bản hiện đại của bộ font Engraver MT trên chiếc Grande Lange 1 cũng ra mắt trong năm ấy. Và kể từ đó, font chữ của A. Lange & Söhne đồng bộ trên mọi sản phẩm họ cho ra mắt.

Bên cạnh vài chỉnh sửa nhỏ về độ dày con chữ, chân của từng ký tự cũng được chỉnh lại. Ban đầu nhìn thì khó nhận ra, nhưng đặt cạnh nhau thì không lẫn đi đâu được. Những chỉnh sửa đó không thể tạo ra vào năm 1899 vì những giới hạn của công nghệ in ấn. Nhưng giờ in chính xác hơn, thì những chi tiết siêu nhỏ có thể thành hình một cách chính xác tuyệt đối.


Tinhte_Dongho29.jpg

Tinhte_Dongho30.jpg

Một trong những thay đổi hấp dẫn nhất mà Lange tạo ra chính là dấu & đầu phẳng rất mới mẻ, và đã trở thành một dấu hiệu không lẫn đi đâu được của thương hiệu đồng hồ nước Đức. Sau khi tạo ra tác phẩm này, nhà thiết kế Larry Peh đã có lần chia sẻ về quá trình giúp con chữ thành hình, mượn thiết kế của những bộ font khác để tạo ra ký hiệu &, cũng như làm thế nào để nó hòa nhập thành một khối với logo uốn cong theo mặt số của những chiếc đồng hồ A. Lange & Söhne.


Tinhte_Dongho31.jpg

Tinhte_Dongho32.jpg

Điều bất ngờ, như hình ảnh ở đầu bài viết, đó là không một ai có thể đoán được cái tên đột phá nhất thời gian gần đây xét đến sắp xếp font chữ số chính là Hermès. Năm 2015, họ hợp tác với Philippe Apeloig, nhà thiết kế từng có tác phẩm được trưng bày trong bộ sưu tập của bảo tàng mỹ thuật và kiến trúc đương đại MoMA, để kết hợp tinh thần của chiếc Slim d’Hermès với một bộ font số hoàn toàn mới. Kết quả là, Hermès có một bộ font chữ tối giản đầy những đường cắt đột ngột, không gian trống rộng rãi giữa từng nét số, kết hợp đường thẳng với đường tròn một cách đẳng cấp. Thay vì thêm chi tiết, thì họ bớt chi tiết, tạo ra một không gian khoáng đạt trong từng cỗ máy thời gian.

Tinhte_Dongho33.jpg

Một bất ngờ khác là Patek Philippe 5212A lịch tuần. Để đánh dấu sự ra mắt của một chiếc đồng hồ với tính năng hiếm thấy, Patek chọn một bộ font chữ viết tay tưởng chừng nguệch ngoạc, để qua đó “hồi tưởng lại một kỷ nguyên quá khứ không xa, nơi mọi người còn phải ghi chép bằng giấy và bút.”

Tinhte_Dongho9.jpg

Những ví dụ được đưa ra trên đây có lẽ đã giúp anh em mường tượng được phần nào, rằng dù chỉ là một mảng rất nhỏ trong cả ngành thiết kế, nhưng sắp xếp font chữ hoàn toàn có thể tạo ra tác động rất mãnh liệt, bất kể anh em có nhận ra hay không. Những thay đổi ấy có lẽ không đâu xa, mà xuất phát từ chính những lần các hãng đổi font chữ thương hiệu trên mặt số, để rồi dù thiết kế case, bố cục dial không hề thay đổi, font chữ vẫn đủ sức tạo ra khác biệt và cá tính rất lớn, rất khác. Và khó có cách gì để kết thúc bài viết theo cách hoàn hảo hơn là nhìn vào chính những khác biệt nhỏ xíu xiu ấy:


Tinhte_Dongho34.jpg

Tinhte_Dongho35.jpg
Hai chiếc Patek Philippe ref. 3940 của thời kỳ chuyển tiếp

Chiếc 3940 Perpetual Calendar đánh dấu một thời kỳ lắm biến động ở Patek Philippe. Tính ra, từ năm 1985 đến 2007, có tới 4 series khác nhau của chiếc 3940. Giữa thế hệ thứ nhất và thứ 2, dòng chữ logo “Patek Philippe Genève” biến đổi từ font không chân bè ngang thành font có chân và cao hơn. Dấu huyền dưới chữ E cũng biến mất. Chọn font như vậy rõ ràng khiến mặt số dễ nhìn hơn hẳn, bù lại là hy sinh vẻ đẹp được coi là trường tồn ở những mẫu Patek cổ dùng chung logo phiên bản cũ.


Tinhte_Dongho37.jpg

Tinhte_Dongho38.jpg

Trong quá trình phát triển của chiếc ref. 3940, tên thương hiệu dần lớn hơn và nền nã hơn, còn chữ ở mặt số phụ dần trở nên hiện đại hơn. Kết quả là dù cầm trong tay hai chiếc 3940 sản xuất năm 1985 hay chiếc sản xuất 20 năm sau, tưởng chúng giống nhau như đúc, nhưng chỉ những ký tự nhỏ chưa đầy 1mm cũng tạo ra cá tính khác biệt hẳn, một chiếc rõ ràng cổ điển, chiếc còn lại rõ ràng tân thời hơn. Mà cũng vì thế, dân sưu tầm thích tìm những mẫu đồng hồ sản xuất những năm 80 trở về trước của Patek, vì chúng sở hữu một thứ ngôn ngữ thiết kế giờ đây đã bị coi là thất truyền.

Tinhte_Dongho36.jpg

Một khác biệt nhỏ mà tác động rất lớn khác cũng được tìm thấy ở Audemars Piguet, và cũng hiện diện ở những năm cuối thế kỷ XX. Trước đó, AP dùng một bộ font chữ nhu mì, cổ điển cho mặt số. Những ký tự có chung kích thước, từ chữ A đầu phẳng như số 4 trên kia, cho đến chân của ký tự G hoặc T. Nhưng rồi đến đầu thập niên 1990, AP tạo ra bước chuyển giúp họ trở nên đương đại hơn thông qua font chữ táo bạo hơn hẳn, thứ mà đến tận ngày hôm nay họ vẫn ứng dụng. Vẫn chỉ là những dòng chữ độ dài vài cm, nhưng tác động là quá lớn.

Khi xét đến mọi khía cạnh kỹ thuật của một chiếc đồng hồ cơ, rất dễ gạt cách sắp xếp font chữ sang một bên, ném nó xuống dòng cuối cùng của danh sách những điều tạo ra cá tính của một cỗ máy thời gian. Như đã đề cập ở ngay câu đầu tiên của bài viết, một bộ font tuyệt vời dễ bị người ta bỏ qua. Cho dù đó là sự phát triển và thay đổi của vài chi tiết nét chữ qua thời gian, hay một tác phẩm mới được thiết kế hoàn toàn từ con số 0, tốn bao nhiêu công sức, khả năng cao là chúng hoạt động và phục vụ người dùng một cách tuyệt vời, cặm cụi và âm thầm tới mức rất dễ bị lờ đi.

Nguồn: A Collected Man

Deeptalk là dạng bài phân tích sâu, nội dung chất lượng với đồ họa đẹp, coi sướng con mắt. Hình ảnh trong bài Deeptalk được mở rộng ra tối đa để bạn có thể chiêm ngưỡng và đón nhận thông tin theo cách hoàn toàn mới. Hãy pha một ly cà phê thật ngon, vừa nhâm nhi vừa đọc bài Deeptalk nhé, sẽ phê lắm đó!

80 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

tinaliuyifei
ĐẠI BÀNG
3 năm
chả có font nào là hoàn hảo ,
nó như thiết kế nội thất
tổng thể nó phù hợp là đẹp nhất.vậy thôi
@tinaliuyifei Đúng rồi
@tinaliuyifei Hình như trang tinhte này đẹp hơn bình thường ??
Mình cứ đồng hồ chữ,số dễ nhìn mà chọn thôi. Thực tế đồng hồ giờ đeo với mục đích thời trang là chủ yếu
ikrag
ĐẠI BÀNG
3 năm
@hoangthanh1994 đồng hồ còn là khoản đầu tư nữa nhé
Toàn đồng hồ đẹp, nhìn đã thấy phê 😃
VNI-Times là chân ái 🤣🤣🤣
Mình thích nhất front của A. Lange & Söhne. Hơi thiên vị do đây là hãng mình mê nhất 😁
@gunbluster000 mê hãng này chắc bác cũng phải tương đối khá về kinh tế ấy chứ 😁 ALS có thể nói là ngang ngửa với cả Patek về đẳng cấp ấy bác nhỉ
docmccoy
ĐẠI BÀNG
3 năm
@namphuong000 giá trị thương hiệu thì chắc ko bằng nhưng mà độ tinh xảo + mắc tiền thì đúng là nó chả thua ai
@namphuong000 Hiện tại thì mua được mấy chiếc rẻ nhất của hãng thôi bạn. Nhưng cái mình nhắm tới thì chắc vài ba năm nữa mới gọi là khả thi 😁
bocon1903
ĐẠI BÀNG
3 năm
Thích nhất font tối giản của Đức, đặc biệt là Junghans và Nomos
đồng hồ thì không biết chứ với office với mình là “ Arial”
Steve Chu
TÍCH CỰC
3 năm
@hiệp sĩ kanzaki Time new roman nữa bác =))
anhtuan000
TÍCH CỰC
3 năm
@hiệp sĩ kanzaki trên powerpoint thì mình thấy Calibri Light dễ nhìn nhất
@anhtuan000 Mình hay dùng cái này và Time new roman
@hiệp sĩ kanzaki mình cũng thích font này
Mình thích font ông Bùi Hiển nhá
Mày vui tính vãi
@Bão Đã Tan Cha nội đó giờ còn máu nghiên cứu chữ quốc ngữ không ta?
Nhà nước mà có kế hoạch ghi nhận ông ta, chắc phải đẩy con ra nước ngoài định cư luôn. Đang yêu nước từ chối phỏng vấn định cư Mỹ hồi năm 2020
@nebazoc
Cười ra nước mắt
@Bão Đã Tan Mìn’ wíc font ôq Bùi Hiển n’á
@Bão Đã Tan Hình như B Hiển có máu Tàu khùng thì phải ..? Chữ Việt đang tuyệt vời đem sửa theo giọng Tàu?
Giận
Giao diện deep talk không thể hiện tác giả bài viết các Admin?
đây là mặt số 'nghệ ' nhất mà mình biết 😁
ics.PNG
@cumhencui
@nhtphuc
@kixx mới coi đc mấy giây đầu, để đi kiếm cái khăn lau rồi coi tiếp
@nhtphuc
Cười vô mặt
Mấy font đồng hồ Thụy Sỹ hình như độc quyền chả có thấy phổ biến trên mạng. Hình như họ tạo thủ công
Mấy cái nhỏ nhỏ tinh tế vầy mình thích dạng font serif(basic)
Mình cứ lấy font điện tử casio. Nhìn số cho dễ khỏi suy nghĩ. Nửa đêm mở mắt vẫn biết giờ
@nightwish47 https://www.alange-soehne.com/en/timepieces/zeitwerk/140029-white-gold-black-dial

Chiếc này chắc hợp ý bạn
cumhencui
TÍCH CỰC
3 năm
@nightwish47 đồng hồ cơ nó là trang sức bạn ơi !
đồng hồ điện tử nó khác
Ké, đã trãi nghiệm xong con đồng hồ miband 5, mới mua vài tháng không lỗi lầm gì. Giá 400k
dontask123
TÍCH CỰC
3 năm
Cũng số 4 đầu phẳng. Lâu nay không nhận ra. Hihi
IMG_20210606_1017185.jpg
Đang mê một em Datejust cọc kim quá mà chưa đủ xèng.
DayLight1
ĐẠI BÀNG
3 năm
@tuchangioi 116331 thẳng tiến
Thị hiếu mỗi người một khác nên là khó 😆

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019