Zero- Knowledge Proof: Nền tảng công nghệ chứng thực đầy tiềm năng của tương lai

Maverick98
5/2/2023 18:17Phản hồi: 0
Zero- Knowledge Proof: Nền tảng công nghệ chứng thực đầy tiềm năng của tương lai
1. Bối cảnh thời đại:

Ngày nay, nhân loại đã chính thức bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Trong số những lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật đã đóng góp không ít cho sự phát triển nền khoa học của nhân loại, chúng ta không thể nào không nhắc đến công nghệ thông tin, một lĩnh vực sáng giá và đầy triển vọng trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay. Đặc biệt, với xu thế phát triển mạnh của công nghệ trí tuệ nhân tạo, tức A.I. (Artificial Intelligence), công nghệ mã hóabảo mật dữ liệu thông tin (Cyber Encryption Security), công nghệ điện toán đám mây (Data Cloud Storage) hay công nghệ giao dịch thương mại trực tuyến (Blockchain) thì vai trò của các giải thuật (Algorithms) cũng như các thuật toán hoặc những công nghệ bảo mật hệ thống lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì lẽ đó, sự tập trung vào việc phát triển và tối ưu hóa những thuật toán mã hóa thông tin dữ liệu, từ đó cải tiến chất lượng của công nghệ bảo mật thông tin là yêu cầu tiên quyết cần phải được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay.

Nói đến những nền tảng công nghệ bảo mật hay các thuật toán mã hóa và giải mã, chúng ta không thể không nhắc tới Zero- Knowledge Proof (Z.K.P.), một công nghệ xác thực với tính bảo mật cao và được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực học máy (machine learning), học sâu (deep learning) hay trí tuệ nhân tạo (A.I.).

2. Khái niệm tổng quan:

Zero- Knowledge Proof (Z.K.P.) là một công nghệ mật mã học hay một kỹ thuật bảo mật mã hóa dữ liệu hoạt động dựa trên phương pháp là bên chứng minh (Prover) chứng tỏ với bên xác minh (Verifier) rằng thông tin hoặc tuyên bố mà bên chứng minh (Prover) cung cấp là đúng mà bên chứng minh (Prover) không cần phải tiết lộ thêm bất kỳ thông tin nào khác cho bên xác minh (Verifier).

QUẢNG CÁO

[​IMG]

Hình trên biểu diễn sơ đồ mô tả phương thức hoạt động của Z.K.P.

  • Ví dụ thực tế minh họa thuật toán:
Ở các nước phương tây, chính quyền hay các nhà chức trách thường đề ra những chính sách khá nghiêm ngặt đối với bia, rượu hay đồ uống có cồn (alcoholic drinks), đặc biệt là Hoa Kỳ.

Thật vậy, ở quốc gia đa sắc tộc này, chánh phủ ban hành các bộ luật quy định rất chặt chẽ đối với việc tiêu thụ và sử dụng rượu, bia hoặc thức uống chứa cồn. Một trong số những điều luật phổ biến đối với lứa tuổi sử dụng bia rượu đó là: “Bạn không được đưa rượu cho người dưới 21 tuổi uống hoặc để họ uống rượu dưới sự quan tâm của bạn.”

Tất nhiên, luật nào cũng có những ngoại lệ. Một số bang vẫn cho phép thanh thiếu niên chưa đủ 21 tuổi sử dụng rượu bia với điều kiện phải có sự giám sát của các bậc phụ huynh. Tuy như vậy, chiếu theo luật thì độ tuổi từ đủ 21 trở lên mới đúng là độ tuổi hợp pháp để thanh thiếu niên được phép sử dụng và tiêu thụ bia rượu. Từ thực tế đó, ta có câu chuyện minh họa cho giải thuật ZKP như sau:

“Joe là một thanh niên 23 tuổi. Một ngày đẹp trời anh đi đến một cửa hàng rượu trong siêu thị ở ngoại ô để mua rượu. Khi đến nơi, ông chủ quầy rượu vì thấy nét mặt Joe còn quá trẻ nên đã yêu cầu anh cho ông ta kiểm tra thẻ căn cước công dân (citizen identification card) để xem Joe có đủ tuổi sử dụng bia rượu hay chưa. Thật không may, Joe đã để thẻ căn cước công dân ở nhà, hơn nữa anh cũng không thích phải xuất trình căn cước tùy tiện. Vì vậy, Joe đã đề xuất một giải pháp với ông chủ cửa hàng rượu rằng: “Hiện tại con không đem theo căn cước nên không đưa chú xem được. Nếu như bây giờ con chứng minh được rằng con đã đủ 21 tuổi trở lên thì chú vẫn sẽ cho con mua rượu của chú chứ?”. Nghe Joe nói vậy, ông chủ đồng ý. Và đúng như vậy, sau lời đề nghị trên, bằng cách nào đó mà Joe đã chứng tỏ được với ông bán rượu rằng bản thân anh đã đủ từ 21 tuổi trở lên mà không cần xuất trình căn cước của anh cho ông ta, từ đó anh có thể mua rượu của ông.”

3. Lịch sử hình thành của Z.K.P.:

Quảng cáo


Zero- Knowledge Proof lần đầu tiên được công bố vào năm 1985 bởi 3 nhà khoa học máy tính là Shafi Goldwasser, Silvio Micali và Charles Rackoff trong bài nghiên cứu của họ được đăng trên báo khoa học với tiêu đề "Sự phức tạp về kiến thức của các hệ thống bằng chứng tương tác". Bài báo này đã giới thiệu hệ thống phân cấp IP của các hệ thống bằng chứng tương tác và hình thành khái niệm về độ phức tạp của kiến thức, một phép đo lường nhằm xác định khối lượng kiến thức về bằng chứng được chuyển từ người chứng minh (Prover) sang người xác minh (Verifier). Họ cũng đưa ra bằng chứng không kiến thức đầu tiên cho một vấn đề cụ thể, đó là quyết định phần không dư bậc hai mod m. Cùng với một bài báo của László Babai và Shlomo Moran, bài báo mang tính bước ngoặt này đã phát minh ra các hệ thống chứng minh tương tác, mà cả năm tác giả đã giành được Giải thưởng Gödel đầu tiên vào năm 1993.

[​IMG]

Shafi Goldwasser, khoa học gia máy tính người Mỹ gốc Do Thái.

[​IMG]

Silvio Micali, khoa học gia máy tính người Ý.

[​IMG]

Quảng cáo


Charles Rackoff, mã hóa gia máy tính người Mỹ.

Về cơ bản, Zero- Knowledge Proof (Z.K.P.) được định nghĩa một cách trực quan dưới dạng mô hình toán học. Một trong số những mô hình toán học phổ biến nhứt là mô hình Turing Machine. Cho P, VS là Turing Machines. Một hệ thống bằng chứng tương tác với (P, V) cho ngôn ngữ L là không có kiến thức nếu đối với bất kỳ trình xác minh thời gian đa thức xác suất (PPT) nào V^ tồn tại một trình PPT mô phỏng S sao cho:

[​IMG]

Trong đó ViewV [P(x) ó V (x, z)] là bản ghi tương tác giữa P(x) và V (x, z). Phép chứng minh P được mô hình hóa như là có sức mạnh tính toán không giới hạn (trong thực tế, P thường là một Turing Machine xác suất). Theo trực giác, định nghĩa nói rằng một hệ thống bằng chứng tương tác (P, V) là không có kiến thức nếu đối với bất kỳ người xác minh nào V tồn tại một trình mô phỏng hiệu quả S (tùy thuộc vào V) có thể tái tạo cuộc trò chuyện giữa P và V trên bất kỳ đầu vào cụ thể nào. Chuỗi phụ z trong định nghĩa đóng vai trò là "kiến thức tiên nghiệm" (bao gồm các đồng tiền ngẫu nhiên của V). Định nghĩa ngụ ý rằng V không thể sử dụng bất kỳ chuỗi kiến thức z nào trước đó để khai thác thông tin từ cuộc hội thoại của nó với P, bởi vì nếu S cũng được cung cấp kiến thức trước đó thì nó có thể tái tạo cuộc đối thoại giữa V và P như trước đây.

4. Đặc tính của Z.K.P.:

  • Tính đầy đủ (Completeness): bên xác thực (Verifier) sẽ hoàn toàn bị thuyết phục một khi bên chứng minh (Prover) đưa ra được những thông tin nhằm minh chứng, thể hiện hay chứng tỏ được rằng những tuyên bố của mình là đúng.


  • Tính hợp lý (Soundness): nếu các thông tin đưa ra để minh chứng cho tuyên bố có tính không hợp lý, người xác minh sẽ biết rằng tuyên bố hay thông tin đó không đáng tin cậy.


  • Tính phi kiến thức (Zero- Knowledge): Người xác minh sẽ không có thêm bất kỳ thông tin nào ngoài tuyên bố hiện tại và tính xác thực của tuyên bố đó. Tất cả các thông tin khác, dù muốn dù không cũng sẽ không được cung cấp hoặc bị ẩn đi.

5. Nguyên lý và phương thức hoạt động:

Để có thể dễ dàng hơn trong việc hình dung cũng như hiểu được nguyên lý hoạt động của công nghệ ZKP, ta hãy đi đến một câu chuyện dân gian rất nổi tiếng mang tên “Hang động Alibaba” với nội dung như sau:

- Trong một chuyến đi dã ngoại tới xứ sở Ba Tư, Jane và Catherine tình cờ gặp một hang động bí ẩn. Trước khi tới đây, cả hai cô gái đều đã tìm hiểu và biết được một số thông tin về hang động này. Hang động này được mệnh danh là “hang động Alibaba” và được người bản địa gọi là “hang động thần kỳ” vì nó có một lối đi vào trong hang, lối đi đó rẽ thành hai con đường song song nhau đi sâu vào bên trong. Ở cuối hang lại có một con đường nhỏ nối hai con đường song song lại với nhau, hay nói cách khác, hai con đường song song ở trên lại ăn thông với nhau bằng con đường nhỏ nằm ở cuối hang này.
- Tuy nhiên, con đường nhỏ nằm ở cuối hang này lại bị chặn hoàn toàn bởi một phiến đá rất lớn. Người dân bản địa ở xứ sở “Ngàn lẻ một đêm” này tin rằng chỉ những người nào biết được câu thần chú bí mật mới có thể khiến phiến đá dạt qua một bên, từ đó làm lưu thông lối đi giữa hai con đường song song. Vốn dĩ có máu phiêu lưu mạo hiểm, đam mê khám phá, Jane và Catherine rất háo hức muốn kiểm chứng những lời đồn đại trên có thực sự đúng hay không, nhưng vấn đề ở đây là “Làm thế nào để biết được câu thần chú đó?”

[​IMG]

Hai cô gái không biết câu thần chú mở phiến đá.

- Ngay lúc này, một người đàn ông lạ mặt tới bắt chuyện với hai cô gái. Ông ta nói rằng ông ta biết câu thần chú để mở phiến đá kia, đồng thời ông ta sẽ giúp hai cô mở lối lưu thông giữa hai con đường song song đổi lại hai cô phải trả cho ông một khoản tiền. Jane và Catherine lúc này nửa ngờ nửa tin, Jane nói với ông ta rằng: ”Làm sao chúng tôi có thể tin được rằng ông biết câu thần chú bí mật đó, hãy cho chúng tôi biết nó để kiểm chứng trước đã.”
- Người đàn ông lúc này bèn đáp: ”Không! Tôi sẽ không cho hai cô biết câu thần chú đó trước khi tôi nhận đủ số tiền. Tôi sẽ làm theo yêu cầu của các cô để giải tỏa mối nghi ngờ của các cô, nhưng không phải là tiết lộ câu thần chú”. Nghe ông ta nói vậy, Jane và Catherine đành phải bàn luận để tìm cách xác minh. Sau một hồi suy nghĩ, Catherine nói với ông ta: ”Được rồi, chúng tôi đã có cách để xác minh, mời ông theo tôi”.

[​IMG]

Người đàn ông sẽ chỉ câu thần chú khi nhận được tiền của hai cô gái.

[​IMG]

Người đàn ông từ chối yêu cầu của hai cô gái.

- Catherine và Jane yêu cầu người đàn ông đi tới cửa hang, sau đó chỉ định một cách ngẫu nhiên cho ông ta đi theo một trong hai con đường song song để đi vào sâu trong hang. Khi người đàn ông đi tới cánh cửa phiến đá, hai cô gái sẽ chỉ định người đàn ông đi ra khỏi hang theo một trong hai con đường. Lúc này, sẽ có hai trường hợp xảy ra:

  • Người đàn ông đi ra khỏi hang bằng con đường mà ban đầu ông ta đi vào trong hang => Người đàn ông không mở được cửa phiến đá để đi sang con đường bên kia => Ông ta không biết câu thần chú để mở cửa phiến đá.
  • Người đàn ông đi theo con đường còn lại để đi ra khỏi hang => Người đàn ông mở được cửa phiến đá => Ông ta thực sự biết được câu thần chú để mở cửa phiến đá.

[​IMG]

Người đàn ông đi theo lối được chỉ định bởi hai cô gái.

[​IMG]

Người đàn ông chứng minh được rằng ông ta biết câu thần chú.

[​IMG]

Người đàn ông không chứng minh được ông ta biết câu thần chú.

- Tương tự như vậy, đối với trường hợp đi vào trong hang theo lối còn lại, nếu như người đàn ông có thể theo lối bên kia đi trở ra ngoài hang thì điều này chứng tỏ ông ta biết được câu thần chú và đã mở được cửa phiến đá. Ngược lại, nếu ông ta đi ra ngoài hang theo lối cũ thì chứng tỏ ông ta không biết câu thần chú. Để đảm bảo tính xác thực cao, Jane và Catherine sẽ phải bắt buộc lặp đi lặp lại các kiểm tra của mình đến số lần nhất định để khẳng định rằng người đàn ông chắc chắn có câu thần chú. Về phần người đàn ông cũng không cần phải chia sẻ nội dung trong câu thần chú.

Như vậy, cách thức hoạt động của công nghệ Zero- Knowledge Proof (Z.K.P.) cũng tương tự như phương thức chứng minh trong câu chuyện trên. Bằng những phương thức chuyên môn, bên chứng minh sẽ cung cấp cho bên xác nhận các thông tin mình đưa ra là đúng mà không cần phải tiết lộ thêm bất kì các thông tin nào khác ngoài tuyên bố, từ đó thuyết phục hoàn toàn bên xác minh.

6. Ưu điểm và nhược điểm:

Zero- Knowledge Proof là một công nghệ đầy tiềm năng khai thác. Tuy nhiên bất cứ vấn đề nào cũng có hai mặt. Thông tin dưới đây tổng hợp một số ưu điểm và hạn chế của Z.K.P.:

  • Ưu điểm:


  1. Quyền riêng tư và bảo mật: Z.K.P. đảm bảo quyền riêng tư cũng như giữ bí mật thông tin dữ liệu người dùng khi chỉ thực hiện nhiệm vụ xác nhận tính đầy đủ và hợp lý của tuyên bố mà không cần người dùng phải cung cấp thêm thông tin khác. Vậy nên, Z.K.P. ngoài việc dùng trong layer 2 để mở rộng còn được dùng trong các ứng dụng về riêng tư và bảo mật như: Monero, Zcash,…
  2. Khả năng mở rộng cho Blockchain: ZkSync, StarkNET, Loopring là các ví dụ tiêu biểu cho việc sử dụng Zero- Knowledge Proof để tăng thông lượng và tăng khả năng mở rộng cho các Blockchain Layer 1.


  • Nhược điểm:
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh đã nêu ở trên, vì là một công nghệ tương đối mới mẻ nên hiển nhiên, Z.K.P. không tránh khỏi việc tồn tại một số mặt hạn chế:

  1. Không thân thiện với nhà phát triển: Theo thống kê đánh giá của những tập đoàn công nghệ lớn cho thấy điểm trừ của công nghệ này là không thân thiện với người dùng. Layer 2 là một trong các ứng dụng của Zero- Knowledge Proof để cải thiện khả năng mở rộng Blockchain.
  2. Tiến trình tính toán phức tạp: Z.K.P. là một giao thức được hình thành từ rất nhiều những thuật toán có mức độ phức tạp cao, do đó giải thuật đòi hỏi một quy trình tính toán với một lượng lớn các phép tính nhằm vận hành quá trình thống kê, tính toán. Vì vậy, các hệ thống máy tính phổ thông với cấu hình thấp sẽ gặp không ít trở ngại khi tham gia quá trình xác thực.


7. Ứng dụng của Z.K.P. trong thực tế:

Zero- Knowledge Proof (hay Z.K.P.) là một nền tảng công nghệ bảo mật hệ thống thông tin tương đối mới mẻ trên thị trường công nghệ hiện nay. Hơn nữa, nó còn sở hữu những đặc tính độc đáo như tính bảo mật ở mức độ cao, tính vẹn toàn, tính thuyết phục và đúng đắn,... Vì lẽ đó, công nghệ này hiển nhiên được vận dụng vào việc xây dựng và phát triển các nền tảng công nghệ, các hệ thống an ninh dữ liệu ở rất nhiều những lĩnh vực khác nhau. Nhìn chung, tính tới thời điểm hiện tại, Z.K.P. được áp dụng vào các dự án thực tiễn để phát triển hai mảng phổ biến: Ứng dụng nhắn tin bảo mậtcông nghệ Blockchain.

- Ứng dụng nhắn tin bảo mật:

Không phải tất cả các ứng dụng đều cung cấp các tính năng bảo mật chuyên sâu này, nhưng một tính năng mà tất cả các App nhắn tin an toàn đều phải có là mã hóa end-to-end. Đây là một phương pháp mã hóa nội dung tin nhắn mà nhà cung cấp dịch vụ không thể nhìn thấy những gì đang được nói. Các khóa mã hóa được tạo trên thiết bị của những người tham gia chat. Mã hóa end-to-end cũng có nghĩa là bất kỳ ai chặn đoạn tin nhắn sẽ không thể đọc chúng.

[​IMG]

Cơ chế phương thức bảo mật đầu cuối (End- to- End Encryption/ E2EE).

Các ứng dụng nhắn tin truyền thống yêu cầu người dùng xác minh danh tính của họ với một máy chủ tập trung. Với công nghệ Zero- Knowledge Proof (Z.K.P.), nó có thể được dùng để mã hóa dữ liệu end-to-end trong các ứng dụng nhắn tin, cho phép các tin nhắn được gửi một cách riêng tư. Một số phần mềm ứng dụng phục vụ cho nhu cầu giao tiếp, liên lạc có tính bảo mật được đánh giá cao có thể nói tới như:

  1. WhatsApp (iOS & Android):
- WhatsApp có mã hóa end- to- end mạnh mẽ, có nghĩa là cả WhatsApp và bất kỳ ai bên ngoài cuộc chat đều có thể biết những gì đang được nói. Tuy nhiên, có một nhược điểm. Kể từ khi WhatsApp được Facebook (nay là Meta) mua lại, chính sách bảo mật của nó đã thay đổi để cho phép thu thập và chia sẻ dữ liệu của người dùng WhatsApp với Facebook.
- Chúng ta có thể chia sẻ tin nhắn thoại và sử dụng các tính năng chia sẻ file từ trong ứng dụng. Số điện thoại là liên kết duy nhất đến hồ sơ WhatsApp và ta có thể thực hiện cuộc gọi VoIP (thoại qua IP) và cuộc gọi video từ một giao diện. Các cuộc gọi thoại được mã hóa này sử dụng dữ liệu nhưng không sử dụng được thời gian phát sóng.

[​IMG]

Giao diện người dùng (GUI) của ứng dụng WhatsApp.

2. Facebook Messenger (Android & iOS):
- Gắn bó với Facebook, trong thời điểm hiện tại, ứng dụng đáng quan tâm tiếp theo là Facebook Messenger. Messenger là nền tảng nhắn tin được Facebook, Instagram và Portal sử dụng tại thời điểm viết bài. Oculus Quest cũng sẽ sớm ra mắt.
- Giống như WhatsApp, Messenger cung cấp mã hóa đầu cuối. Không giống như WhatsApp, bạn phải kích hoạt tính năng này theo cách thủ công bằng cách sử dụng tùy chọn “Cuộc chat bí mật”. Tuy nhiên, chat thoại và video luôn được mã hóa.

[​IMG]

Giao diện người dùng (GUI) của ứng dụng Messenger.

3. Skype (iOS & Android):
- Skype là một App nhắn tin cực kỳ phổ biến khác được hỗ trợ bởi một công ty phần mềm lớn dưới hình thức Microsoft. Phần mềm này đã tồn tại trong nhiều năm và tại thời điểm này, nó có khá nhiều tính năng, bao gồm khả năng gọi điện đến các số điện thoại thông thường. Đối với một mức giá, tất nhiên! Chỉ cần chọn ai đó từ danh sách liên hệ, chọn phương thức liên lạc và bắt đầu chat.
- Ứng dụng Skype có sẵn ở gần như mọi nền tảng, với hiệu suất tính năng ưu việt và số lượng người dùng lớn. Tuy nhiên, cơ chế mã hóa End- to- End của nó yêu cầu người dùng kích hoạt theo lối thủ công nếu muốn sử dụng và trong thời gian gần đây, ứng dụng đang dần bị loại bỏ để đóng góp kinh phí cho Microsoft Teams.

[​IMG]

Giao diện người dùng (GUI) của ứng dụng Skype.

- Ứng dụng với công nghệ chuỗi khối (Blockchain):

Ngoài việc được vận dụng để phát triển những ứng dụng nhắn tin bảo mật, công nghệ Zero- Knowledge Proof (Z.K.P.) còn được kết hợp với công nghệ chuỗi khối (Blockchain Technology), từ đó áp dụng vào quá trình kiến tạo, phát triển các dự án sàn hỗ trợ giao dịch tài chính trực tuyến cũng như cải tiến chất lượng bảo mật dữ liệu người dùng trên hệ thống thông tin. Sau đây là những dự án Blockchain nổi bật có ứng dụng công nghệ Zero- Knowledge Proof (Z.K.P.).
1. Zcash:
-
Zcash là một loại tiền kỹ thuật số bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Với Zcash, mọi người có thể giao dịch hiệu quả và an toàn với mức phí thấp. Shielded Zcash đảm bảo các giao dịch vẫn được bảo mật trong khi cho phép mọi người chia sẻ có chọn lọc thông tin địa chỉ và giao dịch để kiểm toán hoặc tuân thủ quy định.
- Zcash được xây dựng dựa trên mã code của Bitcoin (do đó, Zcash được xem như một bản fork của Bitcoin). Nó cũng sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Work, nhưng khác thuật toán đồng thuận là Equihash, chứ không phải SHA- 256 như Bitcoin.

[​IMG]

Tương tự Bitcoin, Zcash cho phép người dùng thực hiện giao dịch trên hệ thống mã hóa.

2. Secret Network (mạng bí mật):
- Secret Network thực hiện các tính toán trong TEE (Trusted Execution Environments) để nâng cấp tính bảo mật và riêng tư. Đây là Smart Contract ẩn danh đầu tiên khởi chạy Mainnet.
- TEE thực chất là một phần cơ bản của máy tính có thể chạy tính toán và lưu trữ dữ liệu mà ngay cả chủ sở hữu cũng không thể truy cập được. Điều này đảm bảo Node vẫn truy cập các phép tính trong khi cả đầu vào và đầu ra đang trong trạng thái được mã hóa hoàn toàn.
- Hiện nay, Secret Network đang sở hữu nhiều sector khác nhau như: Lending Protocol, NFT Marketplace, Liquid Staking Protocol,...

[​IMG]

Giao diện hệ sinh thái Secret Network.

3. Polygon:
- Polygon là một nền tảng giúp mở rộng quy mô trên mạng lưới Ethereum, cho phép các nhà đầu tư xây dựng các dApp thân thiện với người dùng và có thể mở rộng với phí giao dịch thấp mà vẫn đảm bảo vấn đề bảo mật. Polygon về cơ bản đã triển khai ba Rollup để phục vụ cho các mục đích sau:

  • Polygon Hermez (ZK Rollup).
  • Polygon Nightfall (Zk Rollup vào quyền riêng tư, hợp tác với Ernst & Young).
  • Polygon Miden (dựa trên STARK, EVM Rollup).

[​IMG]

Hệ sinh thái Polygon là một nhân tố quan trọng của Rollup.

4. Mina Protocol:
- Mina Protocol (hay Coda Protocol) là một giao thức tiền mã hóa đầu tiên, tạo ra những Blockchain siêu ngắn và nhẹ nhất thế giới. Dự án giải quyết được khả năng mở rộng của Blockchain bằng việc cải tiến Source Code (mã nguồn) ban đầu như Bitcoin và Ethereum với giao thức Recursive ZK – SNARKs.
- Mina Protocol hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận Pos (bằng chứng cổ phần). Không giống như các giao thức kế thừa khác, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể xác thực các giao dịch như một Nodes đầy đủ. Điều này giúp cho việc phi tập trung trở nên khả thi. Các thành phần Nodes gồm có 3 vai trò:

  • Verifiers:
- Verifiers (người xác minh) chịu trách nhiệm liên tục kiểm tra tính hợp lệ và duy trì tính toàn vẹn của hệ thống mạng. Điều này được thực hiện bằng việc tải xuống một ZK-SNARK nhỏ. Sau đó, hệ thống sẽ dành vài mili giây tính toán để xác nhận thông tin đồng thuận bằng cách định tuyến các gốc Merkle đến trạng thái sổ cái gần đây. Nhà đầu tư có thể kiểm tra các phần liên quan của Blockchain, đặc biệt là số dư tài khoản.

  • Block Producer:
- Các nhà sản xuất khối sẽ chọn giao dịch nào để đưa vào khối tiếp theo. Block Producers quan tâm đến những việc bao gồm các giao dịch có mức phí cao nhất. Nếu một nhà sản xuất muốn thêm 5 giao dịch thì phải thêm 5 SNARK tương ứng, có thể mua trên một thị trường đặc biệt (Snarketplace). Những dữ liệu này được mua từ những người tham gia mạng chuyên biệt khác (Snarker).

  • Snarkers:
- Snarkers là những thành viên mạng tạo ZK-SNARK để xác minh giao dịch. Những người này được bồi thường dưới hình thức hoa hồng. Nếu SNARK được sử dụng trong một khối thì các nhà sản xuất khối sẽ trả khoản phí này trong tổng số phí cho giao dịch đó.

[​IMG]

Giao diện người dùng đồ họa trực quan của Mina Protocol (Mina Website).

8. Kết luận:

Zero- Knowledge Proof là một công nghệ nghệ tuyệt vời, dù không phải là mới, nhưng việc áp dụng vào để phát triển ngành Blockchain vẫn còn nhiều điều mới mẻ cần khám khá, cần chứng minh bằng thực tiễn.
Bằng cách tận dụng các thuộc tính bảo mật của Blockchain L1 trong khi cung cấp khả năng giao dịch chi phí thấp, thông lượng cao, các ZK rollup mang đến những đặc tính tốt nhất của Blockchain (phân quyền và kháng kiểm duyệt) với trải nghiệm liền mạch mà người dùng Web 2.0 mong đợi. Hơn nữa, với nhiều nhóm có năng lực cao, làm việc về khả năng tương thích với EVM, các nhà phát triển tiền mã hóa cũng mong đợi có thể chuyển qua các ứng dụng của họ một cách tương đối dễ dàng.
Mặc dù tương lai của tiền ảo có thể là multichain và thậm chí là multi rollup, chúng ta vẫn mong đợi sự xuất hiện của zkEVM sẽ mở ra làn sóng đổi mới tiếp theo trên thị trường Crypto.
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019