Vì sao ngành điện muốn áp giá hai thành phần?

minhminh6707
17/4/2024 3:59Phản hồi: 13
Vì sao ngành điện muốn áp giá hai thành phần?
Với cách tính hiện nay, hai khách hàng dùng cùng lượng điện, tiền trả như nhau, nhưng chi phí nhà đèn bỏ ra cho họ chưa được phản ánh chính xác, theo chuyên gia.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tuần trước cho biết đơn vị này báo cáo Bộ Công Thương để sớm thí điểm cơ chế giá hai thành phần (gồm lượng điện tiêu thụ và công suất) trong năm nay, trước khi triển khai diện rộng từ 2025.

Hiện, Việt Nam áp dụng giá một thành phần theo Quyết định 28 cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, tức tiền trả theo lượng dùng trong tháng. Chẳng hạn, một tháng hộ gia đình sử dụng 500 kWh. Tiền phải trả = kWh tiêu thụ x giá bán lẻ ứng với mỗi bậc thang (giá sinh hoạt hiện là 6 bậc).

Với nhóm sản xuất, kinh doanh, hóa đơn = số kWh tiêu thụ x giá theo cấp điện áp, khung giờ (bình thường, thấp, cao điểm).

Ông Nguyễn Minh Đức (Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, VCCI) cho rằng, cách tính hiện nay không phản ánh chính xác chi phí ngành điện bỏ ra (khấu hao tài sản, đường dây, trạm biến áp...) cho mỗi khách hàng. Đây là điểm bất cập.


Ví dụ hai hộ gia đình, hộ 1 dùng 24 kW trong một giờ và hộ 2 là 24 kW một ngày. Tiền họ trả như nhau, cùng giá bậc 1, song thực tế chi phí vận hành, đầu tư cho hai trường hợp này khác nhau.

Với trường hợp đầu, EVN bỏ chi phí đầu tư quy mô công suất dùng 24 kW (chi phí cố định) và phí vận hành cho một giờ (chi phí biến đổi). Trường hợp 2, phí đầu tư công suất ít hơn, chỉ 1 kW, nhưng tiền vận hành tính trong 24 giờ. Như vậy, mức đầu tư của nhà đèn cho hộ gia đình 1 gấp nhiều lần so với hộ 2.
Tương tự, với các nhà máy sản xuất, nhu cầu công suất mỗi tháng khoảng 1.500 kW, ngành điện phải đầu tư trạm biến áp, đường dây và quản lý vận hành tương ứng mức công suất này.

Trường hợp nhà máy giảm sản xuất, lượng tiêu thụ ít đi và tiền trả hàng tháng tính trên số kWh tiêu thụ thực tế. Lúc này, ngành điện chịu lỗ các chi phí vận hành, quản lý đường dây, trạm. Tức, chi phí đầu tư bị dàn trải, bất kể nhà máy nhỏ hay lớn.

Cơ chế hiện tại, theo PGS.TS Trần Văn Bình (Đại học Bách khoa Hà Nội), có ưu điểm đơn giản, nhưng chưa phản ánh đúng chi phí của người dùng. Chưa kể, với biểu giá cho sản xuất, kinh doanh, khung giờ thấp-cao điểm hiện thay đổi nhiều so với 10 năm trước - thời điểm đưa ra biểu giá hiện hành.
Thực tế, điện là hàng hóa đặc biệt, quá trình sản xuất, vận hành gồm hai thành phần là điện năng tiêu thụ và công suất đăng ký. Vì thế, theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) việc nghiên cứu thí điểm cơ chế giá bổ sung phần công suất, là cần thiết.

Tuy nhiên, trước mắt việc thí điểm này chỉ nghiên cứu áp dụng cho khách hàng dùng điện sản xuất, kinh doanh - những hộ tiêu thụ lớn và đang áp giá theo thời gian dùng trong ngày.
Còn hộ dùng sinh hoạt chưa áp dụng, nên tiền điện của họ không bị ảnh hưởng do vẫn trả theo biểu giá hiện hành.


Công nhân điện lực miền Nam sửa chữa điện trên đường dây. Ảnh: EVN

Quảng cáo



Với cơ chế tính giá hai thành phần, theo chuyên gia, sẽ tránh đầu tư dàn trải, chi phí được tính sát với từng nhu cầu sử dụng.

Về bản chất, tiền trả theo giá hai thành phần = tiền của điện tiêu thụ và khoản cho công suất đăng ký.
Trong đó, giá công suất, theo ông Bình, có thể tính theo mức sử dụng của khách hàng hoặc suất chi phí đầu tư của EVN. Phần chi phí đầu tư của nhà máy sẽ chia riêng cho từng khách hàng.

Tức là, hộ dùng phải trả cho mỗi 1 kW công suất họ đăng ký hàng tháng với nhà cung cấp. Khi không dùng hết, họ phải trả chi phí này, thay vì ngành điện chịu và thu hồi qua điều chỉnh giá như hiện nay.
Ưu điểm của cách tính giá này, theo Cục Điều tiết điện lực, các hộ có cùng lượng dùng nhưng hệ số phụ tải (nhu cầu thực tế so với công suất đăng ký) thấp hơn, thì tiền phải trả cao hơn. Việc này nhằm điều tiết nhu cầu sử dụng, trong khi EVN vẫn có thể thu hồi chi phí đầu tư.

Hơn nữa, cùng công suất đăng ký như nhau, đơn vị nào có thời gian dùng nhiều thì giá bình quân thấp hơn. Nghĩa là, chi phí họ trả cho một đơn vị điện năng sẽ giảm do giá công suất (chi phí cố định) không đổi. Đây cũng là ưu điểm của cách tính giá này.

Ví dụ, hai doanh nghiệp A và B có dùng lần lượt 2,7 MWh và 7,5 MWh. Họ cùng đăng ký công suất dùng 2.000 kW. Với giả định, giá công suất là 216.540 đồng một kW/tháng; nhu cầu dùng thực tế so với công suất đăng ký (Hệ số phụ tải) của A và B lần lượt là 0,14% và 0,84%.

Quảng cáo



So sánh hóa đơn, giá bình quân của hai doanh nghiệp khi áp cách tính hiện hành (điện năng tiêu thụ) và khi thêm giá công suất:

Screenshot 2024-04-17 at 11.05.42.png
(Nguồn: Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương)

Ví dụ trên cho thấy, tiền EVN thu từ hai doanh nghiệp là như nhau, trên 14 tỷ đồng khi tính theo hai cách.

Nhưng, cùng công suất đăng ký (2000 MW), giá bình quân doanh nghiệp B phải trả thấp hơn khi thời gian dùng nhiều hơn. Tức là, mức dùng thực tế sát với công suất đăng ký thì càng được lợi về giá. Theo Cục Điều tiết điện lực, đây là động lực để người dùng có trách nhiệm, điều tiết hành vi sử dụng, tối ưu chi phí.

"Họ đăng ký công suất với nhà cung cấp, nhưng thêm thiết bị, vượt mức đăng ký, công tơ điện sẽ nhảy. Khi đó, họ phải tiết giảm, hoặc ký tăng lên", ông Bình nói.

Với nhà sản xuất, cơ chế giá hai thành phần cũng giúp họ tính được nhu cầu của toàn hệ thống dựa trên công suất đăng ký của khách hàng. "Giá hai thành phần sẽ phát ra những tín hiệu cho nhà sản xuất, đảm bảo bù đắp chi phí vật tư và vận hành", ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá nhận định.
Đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết áp dụng thêm giá công suất còn giúp giảm đầu tư nguồn và mở rộng lưới. Đặc biệt, với những khách hàng đăng ký công suất lớn hơn so với thực tế nhu cầu, họ vẫn phải trả tiền dù không dùng và ngành điện sẽ thu hồi được cả chi phí đầu tư. Cách này nhằm đảm bảo giá phản ánh đúng, đủ chi phí.

Dù vậy, ông Trần Văn Bình lưu ý, EVN và Bộ Công Thương cần xây dựng biểu giá cơ bản để thí điểm, sau đó tổng kết và nhân rộng theo lộ trình. Cùng đó, cơ quan quản lý phải có cơ chế hạch toán chi phí, giám sát độc lập để tăng minh bạch khi áp dụng cách tính thêm giá công suất.

Theo Phương Dung - VnExpress
13 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Hoà Eagle
ĐẠI BÀNG
2 tháng
Ý ngành điện là xai nhiều thì được giảm giá. Xài ít thì trả nhiều hơn?
Nhưng thực tế tình trạng hiện nay là ai xài nhiều là trả tiền theo bậc thang tăng lên mệt xỉu luôn mà.
@Hoà Eagle điện cho doanh nghiệp tính đồng giá và chia theo giờ cao điểm thấp điểm chứ ko tính theo bậc thang như điện sinh hoạt bác à
tranQuanqq
ĐẠI BÀNG
2 tháng
@Hoà Eagle Rồi kiểu gì khách hàng cũng phải trả nhiều hơn, thế thôi
dophat04
ĐẠI BÀNG
2 tháng
Khi nhà máy hoặc nhà xưởng họ có nhu cầu sữ dụng công suất lớn thì tiền chi phí bình hạ áp nhà điện lưc bắt họ phải trả chi phì đó rồi mà . Vậy điện lực gánh chi phí gì nữa mà tính giá vào chi phí lắp đặt cho họ
@dophat04 Tính kiểu gì đi nữa thì phải tạo công bằng, lợi ích cho người dân
HoangLakaa
ĐẠI BÀNG
2 tháng
@minhminh6707 xa vời so với thực tiễn.
Để khuyến khích sản xuất xanh, làm điện áp mái tự sản tự tiêu, cần nâng giá điện sản xuất để bù vào, để họ có hướng chuyển sang năng lượng xanh, năng lượng mặt trời. Ko nên nâng điện tiêu dùng người dân.
HoangLakaa
ĐẠI BÀNG
2 tháng
1. Về mặt kỹ thuật dù cho người dân hay doanh nghiệp dùng 84% phụ tải đăng ký hay 14% phụ tải đăng ký thì ngành điện vẫn phải bố trí nhân lực và vật lực hoạt động, chả lẽ những ngày nghỉ hay giờ cao điểm ngành điện không phải điều chỉnh công suất phát điện à.

2. Điều chỉnh công suất nguồn phù hợp với công suất tiêu thụ là đặc thù của ngành điện, điều đó dễ dàng với ngành điện hơn các doanh nghiệp và người dân.

3. Về lý thuyết thì người ta sẽ phải tính toán công suất tiêu thụ tối đa để xây dựng cơ sở hạ tầng rồi, bây giờ bắt đăng ký theo tháng nữa thì về mặt quản lý có thực sự có lợi hay không.

4. Phương pháp thực hiện như thế nào, có phát sinh thêm chi phí để đo đạc không? Bài báo chưa mô tả rõ mà mới chỉ đưa phương hướng, mà phương hướng rõ ràng là phức tạp hơn hiện tại.
@HoangLakaa vẫn rối lắm bác
Ủa vậy là nếu tui đi làm cả ngày sử dụng điện ít cũng phải trả bằng tiền với nhà sử dụng điện nhiều hả?
Vậy là bớt cho hộ tiêu thụ điện sử dụng công suất nhỏ phải không?
@lightweightbabe Không có chuyện giảm đâu bác, mà là tăng giá của bên tiêu thụ công suất lớn.
Liệt kê ra 1 đống khó khăn rồi tìm cách đẩy hết cho khách hàng. Chỉ có thể là mấy ông Nhà Nước.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019