Review Arbiter Polar 65 - Bàn phím HE, switch nam châm, có Rapid Trigger, gõ ổn như phím cơ

Mind Duck
28/5/2024 11:15Phản hồi: 21
Review Arbiter Polar 65 - Bàn phím HE, switch nam châm, có Rapid Trigger, gõ ổn như phím cơ
Nổi lên như một lựa chọn gần đây dành cho game thủ, bàn phím HE (hay còn gọi là bàn phím từ, bàn phím nam châm, bàn phím rapid trigger, bàn phím Hall Effect,...) dần tự tách mình ra khỏi định nghĩa bàn phím cơ và tái định nghĩa thế nào là một bàn phím gaming thực thụ. Với phần cứng mạnh mẽ kết hợp từ switch nam châm và bo mạch tích hợp cảm biến Hall, bàn phím HE hỗ trợ tính năng Rapid Trigger dần trở thành tiêu chuẩn trong mọi setup chơi game và càng được nhiều game thủ có tiếng trên thế giới sử dụng thay cho bàn phím cơ truyền thống.
Nhưng định kiến với bàn phím cơ gaming từ xưa là không cho cảm giác gõ hay, không xứng với giá tiền và ngoài mục đích làm màu thì không còn gì hơn bàn phím cơ truyền thống hay cao cấp hơn là các sản phẩm bàn phím cơ custom. Đến thế hệ bàn phím gaming mới như dòng HE gần đây, hầu như các mẫu bàn phím đều được thiết kế với rất nhiều yếu tố vay mượn từ thiết kế bàn phím cơ custom. Do đó cảm giác gõ của các mẫu phím này tuy vẫn chưa đạt tầm cao như các bàn phím cơ custom cao cấp nhưng vẫn đủ để thỏa mãn những game thủ, người dùng văn phòng hay những người chỉ có đủ ngân sách tìm một mẫu bàn phím đáp ứng cả gõ hay lẫn chơi game giỏi.

Arbiter Polar 65 - Bàn phím HE với switch nam châm và Rapid Trigger

-DSC4329-Enhanced-NR.jpg


Không nhanh nhưng cũng không chậm chân, Arbiter Studio tham gia thị trường bàn phím HE gaming với sản phẩm đầu tay - cũng là sản phẩm đầu tiên của hãng là Polar 65 với phiên bản đầu tiên được thiết kế bởi Yuki Aim và sản xuất giới hạn. Ngoài các phiên bản giới hạn, Arbiter cũng có những sản phẩm với phối màu bình thường, lịch sự như một bàn phím cơ bình thường nhưng được vay mượn rất nhiều từ thiết kế bàn phím cơ custom.
arbiter-polar65-colors.jpg
Một số màu sắc khác của Arbiter Polar 65

Công nghệ switch nam châm - cảm biến Hall

Khác với bàn phím cơ truyền thống hay gần nhất là bàn phím cơ gaming, Polar 65 sử dụng hệ thống switch nam châm và cảm biến Hall để nhận tín hiệu thay cho lá đồng truyền thống. Kết hợp cùng firmware, hệ thống switch nam châm trên các bàn phím HE như Polar 65 có khả năng điều chỉnh điểm nhận phím độc lập từng phím và hỗ trợ Rapid Trigger - tính năng giúp bàn phím HE tách mình khỏi phân khúc bàn phím cơ gaming “màu mè” trước đây.



-DSC4298.jpg
Giải thích đơn giản về cách hoạt động như sau:
  • Bên trong mỗi switch có 1 viên nam châm gắn trên stem di chuyển lên xuống khi thả/nhấn phím.
  • Cảm biến Hall trên mạch sẽ đọc giá trị của nam châm khi di chuyển. Từ đó nhận biết được vị trí nhấn phím hiện tại.
  • Kết hợp cùng giá trị cài đặt trên firmware, MCU sẽ quyết định phím đó là nhận hay chưa nhận.
Nhờ cơ chế này, bàn phím HE có thể tích hợp tính năng Rapid Trigger giúp phím cắt nhanh/nhận nhanh trên hành trình lên/xuống mà không phụ thuộc vào điểm nhận phím (actuation point).

Rapid Trigger

Đây là tính năng chính mà mọi hãng thiết kế bàn phím HE hướng đến game thủ đều quảng cáo chính. Ở phần switch nam châm mình có nói sơ về cách thức tính năng này hoạt động như thế nào nên ở phần này, mình sẽ nói nhiều hơn về lợi ích của Rapid Trigger.


polar-65-fuji-switch-rapid-trigger (1).gif
Trong các tựa game mang tính cạnh tranh cao hiện nay có 2 thể loại là MOBA và FPS. Mình không chơi MOBA nhiều nên sẽ nói sơ qua qua là giúp phím nhận được nhanh hơn và spam phím nhanh hơn. Với game FPS câu chuyện sẽ hơi khác biệt một chút.
  • Với các tựa game di chuyển cần thực hiện kỹ thuật counter-strafe như Counter-Strike 2, Rapid Trigger cần kết hợp cùng điểm nhận phím hợp lý để dừng nhân vật nhanh hơn, tạo lợi thế trong các pha giao tranh hoặc nhá từ góc tường.
  • Với tựa game cần thả phím di chuyển nhanh nhất có thể như Valorant, Rapid Trigger giúp ngắt phím sớm hơn ngay khi bắt đầu thả tay. Nhờ đó nhân vật dừng lại nhanh hơn để thực hiện những phát bắn chuẩn xác hơn hoặc di chuyển nhuyễn hơn.
Nhờ ứng dụng trên, Rapid Trigger trên bàn phím HE trở thành một tính năng mang tính cạnh tranh cao. Vì vậy hầu hết các game thủ chuyên nghiệp trên thế giới, đặc biệt là bộ môn FPS dần chuyển sang sử dụng bàn phím HE nhằm tận dụng mọi lợi thế dù là nhỏ nhất trong các trò chơi mang tính cạnh tranh cao.

Về Arbiter Polar 65

Những điểm mình thích trên Polar 65

Thiết kế

-DSC4331-Enhanced-NR.jpg


Thiết kế của bàn phím HE Arbiter Polar 65 được vay mượn một số bộ phận từ bàn phím cơ truyền thống, cụ thể là bàn phím cơ custom như chất liệu vỏ nhôm, đệm tiêu âm silicone, thanh cân bằng phím dài dạng screw-in nhằm gia tăng sự ổn định,... nhờ đó cảm giác gõ trên Polar 65 đầm và êm tai hơn khi so sánh với các mẫu bàn phím cơ gaming thông thường. Cụ thể có một số điểm nổi bật như sau:

Quảng cáo


  • Khung vỏ bằng nhôm.
  • Đáy nhựa polycarbonate bán trong suốt.
  • Đệm silicone tiêu âm cho đáy nhựa.
  • Đệm silicone lót giữa PCB và plate nhôm.
  • Thanh spacebar sử dụng thanh cân bằng dạng PCB-mount cho độ ổn định cao hơn.
Nhờ thiết kế vay mượn rất nhiều chi tiết từ bàn phím cơ custom, Arbiter Polar 65 cho âm thanh gõ phím ở mức ổn, tròn vai với một bàn phím sử dụng hàng ngày và tốt với vai trò một bàn phím chơi game. Ngoại hình của Polar 65 đơn giản nên bạn có thể phối với bất kỳ bộ keycap nào nhưng vẫn đẹp. Nhờ đó Arbiter Polar 65 có thể phối rất nhiều phiên bản giới hạn khác nhau như chiếc mình trên tay là một phiên bản giới hạn được thiết kế bởi Yuki Aim.

Âm thanh gõ phím

Mình viết bài này bằng chính chiếc bàn phím Polar 65 của mình. Theo mình cảm giác gõ chưa thật sự xuất sắc như các mẫu bàn phím cơ custom cao cấp nhưng đủ hài lòng ở mức cơ bản với một bàn phím được thiết kế để chơi game.



Bạn không thể mong đợi âm thanh nảy hoặc nổ như trên các bàn phím cơ custom cao cấp mà Polar 65 cho chất âm lịch sự, không quá ồn ào khi chơi game nhằm mục đích:
  • Hạn chế âm thanh từ bàn phím lọt vào mic khi voice chat.
  • Không quá ồn, ảnh hưởng quá nhiều đến những người xung quanh khi sử dụng.
Với việc sử dụng 2 đệm silicone cho PCB và case, âm thanh gõ phím bị hãm khá nhiều, không vang, không nổ nên sử dụng yên tĩnh hơn. Polar 65 có âm thanh gõ phím vừa đủ làm mình hài lòng khi chơi game, sử dụng hàng ngày, làm việc văn phòng.

Cảm giác gõ phím

Switch nam châm trên Polar 65 được Gateron gia công nên chất lượng gõ phím bạn có thể tin tưởng được. Với nhiều series switch cơ nổi tiếng trước đây, Gateron biết công thức thế nào là một chiếc switch gõ mượt, êm và nịnh những đầu ngón tay của bạn.


-DSC4309.jpg
Switch trên Polar 65 được đặt tên là Fuji với trọng lượng lò xo nhẹ nhàng 36g khi bắt đầu và 60g khi xuống hết hành trình. Trên mỗi switch được đặt một nam châm trên pole (trụ stem) để di chuyển lên xuống cho cảm biến Hall trên PCB nhận tín hiệu. Thiết kế switch châm khác với switch cơ ở điểm không có các chân trên stem để tách lá đồng. Nhờ loại bỏ ma sát giữa stem với lá đồng, switch nam châm cho cảm giác lên xuống mượt mà hơn.

Quảng cáo


-DSC4300.jpg
Về cảm giác gõ tổng thể, switch Gateron Fuji mình đang sử dụng là pre-lube từ nhà máy cho cảm giác lên xuống mượt mà, gần như không cảm nhận được sạn khi nhấn chậm. Độ nặng của switch sẽ hơi nhẹ nhàng nếu bạn đã quen gõ phím trên những switch cơ custom lò xo nặng nhưng vừa đủ để chơi game. 36g bắt đầu hành trình hạn chế việc nhấn nhầm phím và 60g khi nhấn hết hành trình là vừa đủ để đẩy switch lên thật nhanh khi bạn nhấc tay ra. Mình đánh giá cảm giác gõ ổn, cần lube lại một chút ở bottom housing để có âm thanh tròn trịa và cảm giác nhấn chạm đáy mềm hơn.

Công nghệ

Công nghệ nổi bật nhất trên Polar 65 là Rapid Trigger và nó hỗ trợ mình rất nhiều khi chơi game. Nhờ switch nam châm có thể đọc và theo dõi liên tục toàn bộ vị trí nhấn xuống của từng phím, tính năng Rapid Trigger giúp reset phím nhanh khi bạn vừa thả tay và nhận ngay lập tức khi bạn nhất xuống, không phụ thuộc vào điểm nhận phím cố định như switch cơ.


-DSC4310.jpg
Để dễ hiểu hơn khi tính năng Rapid Trigger được bật, điểm nhận phím (actuation point) sẽ biến thiên liên tục tùy theo lúc bạn thả tay (reset bán phần) và nhấn phím xuống trở lại. Phím chỉ nhận lại điểm nhận phím bạn cài đặt khi switch di chuyển lên hết hành trình (reset toàn phần). Nhờ đó Polar 65 sẽ reset phím nhanh hơn và dừng nhân vật trong game nhanh hơn.
Công nghệ này trực tiếp giúp tăng lợi thế trong các tựa game FPS khi bạn cần dừng và ổn định nhân vật nhanh nhất có thể để bắn chuẩn xác. Rapid Trigger trong các tựa game mình đã thử qua trong tựa game Valorant hoạt động ổn định và cắt phím chuẩn xác. Nhờ đó mình có thể tận dụng tối đa cơ chế của game và tận dụng nó làm lợi thế cho mình.

Webdriver

screenshot-1716893573.png


Webdriver theo mình cũng là một điểm thú vị cần đề cập trên Arbiter Polar 65. Phần mềm chạy trên nền web không mới với các bàn phím cơ custom cao cấp khi các firmware custom như VIA đã hỗ trợ. Mình không rõ lắm về cách thức hoạt động nhưng mình muốn nêu một vài điểm khiến mình cảm thấy đây là sự cần thiết với bàn phím chơi game.
  • Phần mềm chạy nền web sẽ hạn chế bloatware. Nhờ đó sẽ hạn chế lãng phí tài nguyên máy tính để chạy ngầm phần mềm, ảnh hưởng đến hiệu năng chơi game tổng thể.
  • Mọi tinh chỉnh được lưu trực tiếp lên bàn phím. Khi mở phần mềm sẽ load ngược cài đặt lên để bạn hiệu chỉnh nhanh hơn kể cả khi chơi ở máy tính khác.
Với mình web driver tuy không mới nhưng có vẫn tốt hơn với giải pháp phần mềm cài đặt trực tiếp lên máy tính như một bloatware - thứ các game thủ than thở lâu nay vì ảnh hưởng đến hiệu năng máy tính.

Điểm mình chưa thích

Chỉ có tùy chọn kết nối qua cáp

Ở thời điểm hiện tại sẽ không tham lam khi mưu cầu một bàn phím chơi game có kết nối không dây như các mẫu chuột chơi game cao cấp. Hiện tại, Arbiter Polar 65 chỉ có duy nhất kết nối qua cáp USB Type-C bằng cáp đi kèm hoặc bạn có thể mua một sợi cáp xinh đẹp hơn trang trí góc làm việc/chơi game của bạn.


-DSC4314.jpg
Kết nối qua cáp ưu điểm là không cần lo lắng vấn đề pin nhưng đánh đổi lại là không gian trên bàn không gọn gàng nếu bạn không đi dây gọn gàng. Đây có thể xem là một yếu tố đánh đổi.

Thiếu khả năng nâng cấp

Dù Arbiter Polar 65 không được định hướng là một bàn phím cơ custom nhưng việc sử dụng nền tảng switch nam châm khiến bàn phím HE này không tương thích với các mẫu switch cơ, vì vậy ít có sự lựa chọn đa dạng về loại switch hay cảm giác nhấn. Hiện tại switch nam châm chỉ có loại linear trong khi switch cơ có đầy đủ các loại tiêu chuẩn như clicky, tactile, linear và một số biến thể của ba loại cơ bản.


-DSC4316.jpg
Tuy vậy thị trường bàn phím HE vẫn còn mới và đang phát triển, hiện đã có một số nhà sản xuất tham gia vào sản xuất ngoài Gateron cũng như một số studio về bàn phím cơ custom đã phát triển loại switch này. Bạn chỉ cần lưu ý hệ switch tương thích để chọn switch phù hợp với bàn phím HE của mình nói riêng và Arbiter Polar 65 nói riêng trong phạm vi bài viết này.

Phần mềm đủ dùng nhưng chưa hoàn hảo

Không phải đòi hỏi quá cao nhưng với bàn phím gaming, phần mềm vô cùng quan trọng để tinh chỉnh mọi thứ phù hợp với bạn nhất có thể. Phần mềm của Arbiter tuy có đầy đủ những cài đặt cơ bản nhưng thiếu một chi tiết duy nhất: tinh chỉnh sâu downstroke (hành trình xuống) cho Rapid Trigger.


screenshot-1716894553 copy.jpg
Thông thường cài đặt thông số Rapid Trigger gồm hai phần:
  • Upstroke: hành trình phím cần di chuyển lên tối thiểu để reset phím.
  • Downstroke: hành trình phím cần di chuyển xuống tối thiểu để nhận lại phím sau upstroke.
Trên Arbiter Polar 65 nói riêng và phần mềm Arbiter nói chung, thông số upstroke bạn có thể tinh chỉnh được như hình minh họa giúp tính năng này can thiệp sớm hay trễ. Tuy nhiên thông số downstroke không chỉnh được và Arbiter nói đây là Continuous Rapid Trigger, nghĩa là thông số downstroke mặc định luôn được cài đặt giá trị thấp nhất. Vì vậy sẽ kém linh hoạt hơn để bạn tinh chỉnh theo đúng ý dù thực tế downstroke để nhỏ nhất sẽ giúp phím phản hồi nhạy hơn trong các tựa game nặng counter-strafe như Counter-Strike 2 hoặc các tựa game cần spam phím như MOBA.

Tổng kết: nằm cân bằng giữa hai thế giới Gaming - Làm việc

-DSC4322.jpg


Arbiter Polar 65 ban đầu được thiết kế là bàn phím chơi game với nền tảng switch nam châm trên công nghệ Hall Effect nhưng được vay mượn vài yếu tố thiết kế của bàn phím cơ custom. Nhờ đó tổng thể của Polar 65 cho trải nghiệm chơi game và làm việc ở mức cân bằng, phù hợp với nhu cầu sử dụng của đại đa số anh em game thủ ngày làm việc, tối về chơi game.
Với một thương hiệu mới xuất hiện từ cuối năm 2023 như Arbiter, theo mình sản phẩm hiện ở mức hoàn thiện tương đối về phần cứng. Bàn phím HE như Polar 65 sẽ yêu cầu cao về phần mềm cũng như tối ưu firmware tốt nên hi vọng trong tương lai, Arbiter sẽ tối ưu tốt hơn phần mềm và firmware sản phẩm của mình và giúp dần hoàn thiện sản phẩm của mình hơn.

Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x

21 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Tay cầm game cũng hall effect, giờ bàn phím cũng hall effect
@18K Có 1 câu khi chơi bp cơ. Ko có bp xịn nhất chỉ có bp phù hợp nhất, cá nhân tôi cũng thử nhiều con phím cơ ngon nhưng thích nhất vẫn chỉ là con bp 2-3tr đang gõ
18K
CAO CẤP
4 tháng
@MeoMao121 Xin chúc mừng. Mình hơn chục con Kohaku, korn đủ cả. Vẫn chưa endgame
@18K Nhưng nhìn phím mới thì vẫn thèm bác ạ
18K
CAO CẤP
4 tháng
@MeoMao121 Bạn gõ được ưng ý rồi thì nên thoát tất cả hội nhóm thôi. Chứ nghiện món này dở, bận bịu lắm. Mỗi lần ra con switch hay hay lại rã, lube - burn in - hàn. Riết cũng mệt mỏi vì hít khói lắm
Bàn phím đẹp quá ,giá sao vậy chủ thớt
@PhanThang09 Hình cover là hàng limited 5tr5.
Mấy hình bên dưới loại thường tầm 4tr.
@PhanThang09 Bản của mình limited 5tr5 đã ngừng sản xuât bạn nha.
Bản thường đang sale hình như còn 4tr, có một số bản limited nữa khoảng 4tr5-5tr
bao nhiêu ?
@trunghieu7393 Bản của mình là limited đã dừng sản xuất, lúc mình mua là 5tr5. Các bản thường hình như đang sale khoảng 4tr
Namlvlee
TÍCH CỰC
4 tháng
Nam châm thế là thay đắt lắm
@Namlvlee Không đắt đâu bạn. Chính Arbiter bán switch khoảng 1USD/switch (pack 10), nếu pack 35 switch thì khoảng 0.75USD/switch nên thay vô tư. Về bản chất bên trong là nam châm vĩnh cửu và cơ chế hoạt động không có contact point nên độ bền đảm bảo hơn, ít bị ảnh hưởng bởi bụi bẩn và oxi hóa như switch cơ dùng lá đồng.
thongpv
ĐẠI BÀNG
4 tháng
Zoom75 cũng có tùy chọn thay PCB và Switch này. Có vẻ loại này đang dần phổ biến, nhưng mình không chơi game nên không khoái, vẫn thích phím cơ custom truyền thống hơn.
Xem về mặt techical thì cái phím này khá ảo và có thể đáng để sờ thử. Nhưng nhìn giá thì ôi thôi gần ngang con hhkb mình cặp nách từ Nhật về. Thôi nghỉ 😂
máu mè phết nhỉ
mrhung91
ĐẠI BÀNG
4 tháng
Đến cuối cùng thì mấy bàn phím kiểu này cũng khó phát triển lớn mạnh được.
- Cũng giống như switch quang học, đúng là cơ chế của nó khiến nó rất nhanh, combo rất mượt, nhưng theo thời gian thì không chắc, công nghệ mới chưa được chứng minh.
- Với cái giá 4-5tr thì cũng không rẻ với 1 con 65%. Chắc là đắt ngang dòng tầm trung-cao cấp của 65% custom. Đấy là chưa nói đến việc 65% thì ko phải game nào cũng chơi được.
- Hỏng cũng không dễ fix, ko biết fix vì cộng đồng nhỏ. 1 là mua mạch mới, 2 là mua phím mới, bệnh nhẹ hơn thì thay switch mới. Mà 0.75-1USD/switch thì nếu so với các dòng switch khác thì là quá đắt.
Vài dòng cảm nghĩ ạ.
@mrhung91 Mình cũng nghĩ như bạn lúc switch Hall Effect này mới ra và chưa có rapid trigger, giá của nó bị đắt quá đáng hẳn so với những gì bàn phím cơ làm được lúc đó.
Nhưng năm 2022 bắt đầu với Wooting 60HE họ code thêm tính năng Rapid Trigger lên firmware nên bàn phím HE mới trở nên phổ biến trong giới gaming như bây giờ. Đặc thù riêng dòng này lại không thấy rõ ràng lợi ích trong các tựa game MOBA, RPG nhưng riêng về tactical shooter và action shooter thì việc có và không có rapid trigger nó có sự khác biệt rõ ràng.
Mình thấy đa số các pro player Valorant hiện tại đều chuyển qua dùng loại HE hết do cơ chế của nó tận dụng tốt cơ chế của game.
Khoảng sửa chữa mình công nhận là khó, nó giống bàn phím Topre. Hư mạch cảm biến là chỉ có bỏ hết chứ không linh hoạt được như switch cơ,
Mlem

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019