Adata XPG Lancer Blade RGB DDR5: Một kit RAM phục vụ cho cả hai nền tảng Intel và AMD

P.W
28/12/2023 14:8Phản hồi: 9
Adata XPG Lancer Blade RGB DDR5: Một kit RAM phục vụ cho cả hai nền tảng Intel và AMD
Thời điểm hiện tại, xét riêng thị trường máy tính cá nhân nói chung và cấu hình PC chơi game nói riêng, đến cả những kit RAM, những hệ thống bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên phục vụ việc chuyển hàng chục, hàng trăm GB dữ liệu vào những con chip xử lý logic như CPU và GPU đã trở thành thị trường để rất nhiều hãng lớn cạnh tranh ở cả hai khía cạnh. Thứ nhất là xung nhịp vận hành bộ nhớ RAM và độ trễ trong hoạt động. Và thứ hai, dễ nhận thấy hơn, bắt mắt hơn chính là tổng thể thiết kế cũng như dàn đèn RGB trên từng thanh RAM lắp vào dàn máy tính để bàn của anh em.



Nhân vật chính trong bài viết của chúng ta hôm nay là Adata XPG Lancer Blade RGB. Trước khi bàn tới hiệu năng cũng như thiết kế, phải nhắc tới lợi thế lớn nhất của kit RAM đến từ thương hiệu Adata này.

Từ trước tới nay, trên cả hai nền tảng chipset phục vụ những thế hệ CPU của Intel và AMD luôn luôn có những công nghệ điều chỉnh tốc độ và độ trễ của RAM, để tăng hiệu năng xử lý thông tin cho bộ nhớ trong. Những bo mạch chủ Intel hỗ trợ công nghệ XMP (Extreme Memory Profile), còn trên bo mạch chủ AMD thì là DOCP của thế hệ RAM DDR4, rồi hiện giờ là EXPO, viết tắt của Extended Profiles for Overclocking. Thành ra hệ quả là các nhà sản xuất bộ nhớ trong đều phải tạo ra những kit RAM hỗ trợ cho từng công nghệ nêu trên. Điều này phần nào vẫn đúng với những kit RAM DDR5 sử dụng trên những bo mạch chủ từ chipset Z690 của Intel hay X670E của AMD.

DSC-7974.jpg


Điều này cũng vô tình tạo ra cho người tiêu dùng chúng ta một cái áp lực, đó là khi đi nhặt linh kiện ráp cấu hình PC làm việc, sáng tạo nội dung hay chơi game, cũng phải xem kỹ kit RAM của các hãng bán ra thị trường hỗ trợ XMP 2.0 hay DOCP, hoặc XMP 3.0 hay EXPO đối với trường hợp của DDR5. Đó chính là lợi thế lớn nhất của Lancer Blade RGB. Kit RAM của Adata hỗ trợ cả hai công nghệ “ép xung” tăng hiệu năng và tốc độ bộ nhớ cho CPU Intel và AMD. Cũng lâu lắm rồi mới thấy Adata có một giải pháp mà người dùng chỉ cần mua về, bất kể họ đang dùng Intel Core i5-13600K hay AMD Ryzen 7 7800X, cứ lắp vào mainboard, mở BIOS lên chỉnh profile cho đúng, là sẽ dùng được ngay.

DSC-7993-Enhanced-NR.jpg

Cùng lúc, với những cải tiến đối với controller trên từng PCB của từng thanh RAM, kết hợp với những bản cập nhật BIOS, anh em chơi DDR5 giờ không còn khổ như những ngày đầu hai nền tảng Z690 hay X670E ra mắt vào cuối năm 2021 và 2022 nữa. Lấy ví dụ trải nghiệm của mình, bên Intel dùng XMP 3, xài những kit DDR5 tốc độ cao thời điểm ấy rất dễ, với điều kiện chỉ cắm 2 thanh. Cắm 4 thanh là y như rằng không lên được tốc độ tối đa một kit RAM hỗ trợ, phải hạ xuống máy mới chạy ổn định.

Còn đối với AMD, những ngày đầu Ryzen 7000 series phiên bản máy bàn ra mắt, có lẽ anh em cũng chẳng lạ gì chuyện phải ngồi chờ cả chục phút đồng hồ để mainboard và CPU “huấn luyện” thanh RAM để vận hành ở tốc độ tối đa, rồi mới vào được đến Windows. Thời điểm ấy, dùng những con chip như Ryzen 7 7800X hay Ryzen 9 7950X để xử lý clip hay sáng tạo nội dung thì đúng là thích thật, nhưng lúc nào cũng lo ngay ngáy là RAM gặp trục trặc.

Những cơn ác mộng đó giờ có lẽ đã được giải quyết hết. Dù vẫn là Z690, phiên bản mainboard Aorus Xtreme của Gigabyte, cắm 4 thanh RAM, chạy ở tốc độ 6000 MT/s, độ trễ CL30, gần như không gặp bất kỳ trục trặc nào trong suốt quá trình sử dụng. Mà cũng rất hiếm thấy một kit RAM DDR5-6000 với timing CL30 như thế này.

DSC-7999-Enhanced-NR.jpg

Đương nhiên với dung lượng 16GB cho mỗi thanh RAM Lancer Blade DDR5 RGB, có lẽ phải đến 85% tổng số người dùng máy tính cá nhân sẽ cảm thấy đầy đủ và an tâm với 32GB RAM. Chỉ có một bộ phận nhỏ những người cần dùng nhiều bộ nhớ trong để hoàn thành các tác vụ như sáng tạo nội dung hay phát triển ứng dụng thì mới cần tới 64GB RAM hoặc hơn. Ngay cả khi mở ComfyUI và Automatic1111 để tạo hình bằng mô hình AI của Stable Diffusion, mô hình từ SSD tải qua RAM để GPU xử lý tạo hình, cũng chẳng bao giờ dùng hết được 32GB RAM cả. Chơi game, kể cả ở độ phân giải 4K, cũng không khác biệt. 16GB có thể hơi thiếu nếu muốn đánh giá và quay footage làm clip review game 4K, nhưng 32GB là quá đủ.

DSC-7975.jpg

Quảng cáo



Điều đó đương nhiên không cản được những người mê phần cứng PC mua hẳn 2 kit RAM DDR5 16x2GB, về lắp cho đủ 4 slot RAM trên máy tính, dù rằng những nền tảng chipset máy tính cá nhân tiêu dùng dù lắp được 4 thanh RAM nhưng vẫn chỉ là Dual Channel thôi, chứ không phải Quad Channel.

Xét riêng tới trường hợp của XPG Lancer Blade DDR5 RGB, thì phải thừa nhận, lắp đủ 4 thanh, nhìn dàn đèn RGB chạy hiệu ứng cầu vồng hơi xéo thông qua phần mềm điều khiển mang tên XPG Prime đúng là đẹp mắt thật. Chỉ hơi tiếc là mainboard mình đang dùng hàng ngày tông màu đen, chứ nếu là một phiên bản trắng thì lắp kit này không còn gì để chê cả. Dĩ nhiên vẫn còn lựa chọn XPG Lancer Blade DDR5 RGB màu đen cho anh em lựa, để ráp dàn PC tông đen tuyền hoặc gunmetal.

DSC-7988.jpg

Với profile ép xung 6000 MHz, CL30, và với mức giá chỉ nhỉnh hơn 3 triệu Đồng cho một cặp RAM 16 GBx2, XPG Lancer Blade DDR5 RGB nằm ở phân khúc tầm trung. Phía trên nó là những sản phẩm với tốc độ cao hơn rất nhiều, chẳng hạn như 7200 hoặc thậm chí là 8000 MHz, tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ RAM DDR5, không bó buộc với tốc độ tiêu chuẩn mà JEDEC đưa ra khi chuẩn hóa công nghệ bộ nhớ này.

Thiết kế tấm kim loại tản nhiệt che PCB của kit RAM này giống hệt nhau ở cả hai mặt, nhìn rất đối xứng. Thành ra, khá giống với vài sản phẩm khác mình từng được trải nghiệm, muốn phân biệt mặt trước mặt sau để cắm đúng vào socket RAM trên bo mạch chủ, chỉ có cách dựa vào vị trí dán tem thông tin của mỗi thanh RAM.

DSC-7991.jpg

Quảng cáo



Mở CPU-Z lên xem thông tin, vẫn là những chip DRAM do SK Hynix sản xuất, được trang bị trên từng PCB. PMIC, chip quản lý điện đầu vào để vận hành bộ nhớ trong thì do Richtek sản xuất. Những chi tiết này không khác biệt nhiều so với sản phẩm đã ra mắt trước đó của Adata, XPG Lancer RGB.

Screenshot 2023-12-28 224737.png

Xét về mặt thẩm mỹ, so sánh trực tiếp với Lancer DDR5 RGB, thì Lancer Blade DDR5 RGB nhìn thanh lịch hơn khi dàn đèn LED là cả một dải vuông vức toàn vẹn, chứ không bị cắt gọt như thiết kế có phần phá cách của cặp RAM ra mắt đầu năm 2022. Hiệu năng hay tốc độ xử lý dữ liệu sẽ có phần tương đồng nếu anh em chọn những kit Lancer và Lancer Blade với xung nhịp và timing tương đồng. Nhưng nếu muốn ráp một dàn PC vừa đẹp vừa đơn giản, không có quá nhiều chi tiết rườm rà, nhìn sang nhưng vẫn có cái chất của gamer nhờ dàn đèn RGB, thì Lancer Blade là lựa chọn đáng để tâm hơn.

DSC-7978.jpg

Lancer RGB nhìn từ bên cạnh đẹp. Còn Lancer Blade nhìn chính diện thì không chê vào đâu được, nhất là khi dàn đèn LED 8 bóng trên mỗi thanh RAM tỏa sáng.

DSC-7977.jpg

Sau đó, chuyển qua AIDA64, đo tốc độ đọc, ghi và copy dữ liệu. Ở profile XMP 3.0 cơ bản mà bo mạch chủ tự động hỗ trợ, 6000 MHz, timing 30-40-40-76, kết quả đo đạc loanh quanh ngưỡng 84 đến 85 GB/s, đủ để phục vụ nhu cầu sử dụng của tuyệt đại đa số anh em dùng chơi game hoặc làm nội dung, cũng như sở hữu tốc độ ngang ngửa với nhiều lựa chọn RAM của các hãng khác, cũng với tốc độ 6000 MHz đang có trên thị trường.

Screenshot 2023-12-23 164949.png

Dễ nhận ra một điều, nếu biết vọc vạch, hoàn toàn có thể đẩy kit RAM của Adata lên tốc độ 6400 MHz, thậm chí cao hơn, vẫn ở profile độ trễ CL30. Cái này mình không khuyến khích anh em làm, vì mức độ ổn định của toàn bộ hệ thống tùy thuộc vào khả năng ép xung của từng kit RAM, không phải kit nào cũng làm được với con số giống hệt nhau. Nhưng một khi đã lên 6400 MHz, tốc độ đọc, ghi và copy dữ liệu của kit RAM tăng đáng kể, cá biệt, benchmark với AIDA64 Extreme, tốc độ đọc và ghi dữ liệu tăng hẳn từ 5 tới 7GB so với xung nhịp gốc 6000 MHz của profile XMP 3.0.

DSC-7993-Enhanced-NR.jpg

Nhưng kết quả thử nghiệm cho thấy, có vẻ như Adata đã tạo ra một kit RAM ở phân khúc tầm trung, đủ ổn định để anh em mua về cắm vào bo mạch chủ, mở XMP hoặc EXPO lên theo đúng profile mà bộ RAM hỗ trợ, rồi cứ thế chạy một cách ổn định không phải lo nghĩ gì. Nhưng “trần” khả năng của kit RAM này đôi khi tạo ra được lợi thế để ép xung với những con số cao hơn, đổi lại là tốc độ đọc ghi dữ liệu và chuyển dữ liệu vào chip xử lý, cả CPU lẫn GPU đều sẽ nhanh hơn.

Nói tiếp đến tính thẩm mỹ của bộ RAM. Nó hỗ trợ hầu hết những giải pháp điều khiển đèn RGB phổ biến trên thị trường, từ Asus Aura Sync cho đến MSI Mystic Light, hay trong trường hợp của mình là Gigabyte RGB Fusion. Nhưng anh em dùng phần cứng Gigabyte chắc cũng nhớ, phần mềm điều khiển đèn LED RGB của Gigabyte khá nghèo nàn về lựa chọn.

Screenshot 2023-12-28 224657.png

Thành ra phần mềm XPG Prime, dùng để điều khiển mọi linh kiện có đèn RGB của Adata trở thành cứu cánh. Dù lựa chọn chiếu sáng và hiệu ứng đèn RGB của XPG Prime không nhiều như mình mong muốn, nhưng những hiệu ứng chạy đèn trên 4 thanh RAM vẫn cứ là đẹp và đa dạng hơn RGB Fusion.

DSC-7979.jpg

Kết luận, kit RAM này dành cho ai? Dựa trên cả thiết kế, hiệu năng lẫn dàn đèn RGB, nếu anh em đang tìm cho mình một kit RAM nhìn đơn giản thanh lịch để dựng một dàn PC toàn linh kiện màu trắng, với kinh phí ở mức dễ chịu, với mức giá nằm ở phân khúc bộ nhớ máy tính để bàn tầm trung, đủ phục vụ từ Core i5, i7 cho tới Ryzen 7. Vẫn cần phải khẳng định lại, khả năng hỗ trợ cả hai profile ép xung XMP và EXPO cũng tạo ra lợi thế cho XPG Lancer Blade DDR5 RGB.

9 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

mình đợt rồi phân vân mãi em này và cosair, cuối cùng chọn cosair vì bảng to hơn với kết hợp những món khác thông qua ICUE luôn cho tiện
IMG-6216.jpg
alucucu
ĐẠI BÀNG
5 tháng
Ram & ssd của adata xài ngon, ko màu mè
@alucucu Vậy mà ko màu mè .bạn nói như nói
@alucucu rgb là không màu mè dữ chưa
Góp ý chủ thớt là Ram DDR5 trên system AMD vẫn có DOCP nhé, chứ không chỉ mỗi EXPO
Gif
TÍCH CỰC
5 tháng
1 chiêu thức để QC thôi, mua được kit RAM xịn đo đạc đến CAS bao nhiêu thì cũng là dân chơi rồi, mà đang chơi hệ AMD hay Intel có nhảy qua nhảy lại thì cũng đã trải qua 1 vài đời, lúc đó thì người ta cũng sẵn sàng bỏ tiền để mua 1 cặp RAM khác tối ưu hơn chứ chả ai bỏ dư số tiền chênh lệch để mua 1 tính năng không xài tới.
phat277
ĐẠI BÀNG
5 tháng
XMP hay EXPO thì chỉ là profile chỉnh sẵn thôi, thường thì đều tương thích ngược được hoặc nếu chuyên sâu thì tự cân chỉnh luôn cũng được
gskill mình để 6000CL30 nó được khoảng 90k tốc độ ghi (tốc độ qc là 6400cl32), có vẻ nhanh hơn kit này
Ram adata đẹp 😁 toàn nand ss

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019