Bạch tuộc được xem là một trong những loại sinh vật biển thông minh nhất trên thế giới. Từ trước đến nay, các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng, một số loài bạch tuộc nhất định còn có khả năng “nhìn” bằng da. Mới đây một nghiên cứu thuộc trường đại học California đã lần đầu tiên khẳng định khả năng nhạy cảm với ánh sáng này của da bạch tuộc. Theo đó, loại động vật này có thể phát hiện ánh sáng bằng cách sử dụng những protein nhạy cảm với ánh sáng có tên opsin , một loại protein giống như các protein được tìm thấy ở mắt. Không những thế, khả năng này của bạch tuộc còn có thể được thực hiện mà không cần tín hiệu từ não. Tuy nhiên, xét về mức độ nhạy bén và tinh tường thì tất nhiên khả năng nhìn bằng da không thể so sánh khả năng nhìn bằng mắt của chúng. Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Experimental Biology.Cụ thể về khả năng nhìn này, Desmond Ramirez, nhà khoa học dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết rằng thực tế thì khi nhìn bằng da bạch tuộc chỉ có thể cảm nhận được sự thay đổi độ sáng (brightness), còn các yếu tố khác như sự tương phản (contrast) và hình dạng thì da bạch tuộc không thể cảm nhận được.
Trong các thử nghiệm, Ramirez đã chiếu một nguồn ánh sáng trắng lên một mẫu da lấy từ một con bạch tuộc hai chấm (two-spot) California. Ánh sáng này làm cho các tế bào sắc tố, hay các cơ quan tế bào sắc tố trên da (chromatophore) mở rộng và thay đổi màu sắc. Nếu tắt nguồn sáng, các tế bào sắc tố sẽ ở trạng thái thư giãn và da trở lại màu sắc ban đầu của nó. Ramirez giải thích rằng phản ứng này cho thấy các cảm biến nhạy sáng được kết nối với tế bào sắc tố, cho phép phản ứng tương thích mà không cần tín hiệu đến từ não hoặc mắt.
Nhóm nghiên cứu sau đó đã phát hiện ra một hợp chất có tên gọi rhodopsin, thường được sản xuất ra ở trong mắt và trong da của bạch tuộc. Nó có thể giúp da phát hiện những bước sóng khác nhau của ánh sáng, từ ánh sáng tím đến da cam. Tuy nhiên, do một số lý do nào đó, các nhà nghiên cứu thấy rằng các phản ứng của da với ánh sáng màu xanh lại rất mạnh mẽ. Nguyên nhân được cho là do đây là màu của môi trường biển nơi bạch tuộc sinh sống.
Được biết, ngoài bạch tuộc, da của các loài động vật khác trong đó bao gồm cả con người cũng có những khả năng phát hiện ánh sáng. Ví dụ trong những nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện thấy da của con người có khả năng “nhìn” thấy ánh sáng cực tím. Điều này rõ ràng không phát huy được khả năng ngụy trang ngay lập tức như loài bạch tuộc nhưng nó kích hoạt một phản ứng bảo vệ, khiến da bị xám để ngăn ngừa một phần nào các tổn thương da có thể xảy ra.
Nguồn: Discovery