Sau rất nhiều dự đoán về cấu hình thì đến hôm nay bộ lòng của MacBook Air 2018 đã được phơi bày dưới bàn tay của mấy anh iFixit. Mình từng phân tích MacBook Air mới sẽ chạy Core i5-8210Y, RAM LPDDR3-2133, dùng chip Thunderbolt 3 mới nhất của Intel và ổ SSD công nghệ 3D Xpoint nhưng rốt cuộc vẫn là NAND flash thông thường của SanDisk.
Phiên bản MacBook Air 2018 được iFixit mổ bụng là bản có cấu hình thấp nhất với tuỳ chọn bộ nhớ 8 GB RAM và 128 GB SSD, không có lựa chọn CPU thấp hơn hay cao hơn trên thế hệ MacBook Air 2018. Chi tiết cấu hình như sau:
- Mã: A1932 EMC3184
- Màn hình: 13,3" IPS Retina độ phân giải 2560 x 1600 px;
- CPU: Intel Core i5 2 nhân thế hệ 8, tốc độ 1,6 - 3,6 GHz;
- GPU: Intel HD Graphics 617;
- RAM: 8 GB LPDDR3-2133;
- SSD: 128 GB PCIe;
- Bảo mật: Apple T2;
- Kết nối: Bluetooth 4.2 + Wi-Fi 802.11ac;
- Cổng giao tiếp: 2 x Thunderbolt 3 (USB-C) kiêm luôn USB 3.1 Gen2, PD 3.0 và trình xuất DisplayPort.
So sánh về kích thước của dòng MacBook Air 2018 so với MacBook 12" và MacBook Pro 13" non-Touch Bar. Có thể thấy chiếc MacBook Air 2018 với vỏ màu vàng hồng nổi bật giữa 2 chiếc máy còn lại nhưng về kích thước thì có thể thấy nó gần như tương đồng với MacBook Pro 13,3" trừ độ dày và trọng lượng thì dĩ nhiên là mỏng và nhẹ hơn. Thêm nữa cũng từ góc này anh em có thể thấy phần bàn rê của MacBook Air 2018 rộng hơn và chỉ nhỏ hơn đôi chút so với bàn rê của MacBook Pro 13,3".
MacBook Air 2018 có 2 cổng Thunderbolt 3 (USB-C) tại cạnh trái y hệt MacBook Pro 13,3".
Bàn phím dùng cấu trúc cánh bướm cải tiến với lớp màng chống bụi nhưng vẫn khá ồn. Hôm qua mình có gõ thử và thấy nó vẫn kêu bộp bộp khá.
Tiến hành mở đáy máy ra, thiết kế vẫn giống bao chiếc MacBook khác với một tấm nhôm liền khối dùng ốc 5 cạnh P5 đặc trưng của Apple.
Sắp xếp linh kiện của MacBook Air 2018 vẫn rất đẹp và gọn gàng. Từ đây chúng ta có thể thấy hệ thống pin gồm 3 thỏi lớn, 2 dải loa lớn 2 bên với buồng khuếch đại, bo mạch nhỏ, quạt tản nhiệt đơn cùng cụm heatsink khá lạ, mặt dưới của bàn rê ForceTouch và nhiều thành phần kim loại khác như bản lề và dải ăng-ten.
Tiến hành gỡ bo mạch, iFixit nói chỉ cần tháo vài sợi cáp và tháo ốc là có thể lấy được bo mạch ra, dễ không tưởng. Bo của MacBook Air 2018 nhỏ gọn hơn hẳn so với MacBook Pro và tất cả các linh kiện chính đều được bắn lên bo, không thể nâng cấp thứ gì. Ngoài ra, anh em có thể thấy heatsink tản nhiệt bị động cho CPU Core i5 dòng Y với TDP 7 W, chiếc quạt tản nhiệt không có ống đồng nối vào.
Còn đây là một chiếc bo phụ nhỏ hơn chứa các thành phần như jack âm thanh 3,5 mm, socket cho loa và cảm biến vân tay Touch ID. Nó cũng có chip âm thanh Cirrus Logic CS42L83A.
Bo mạch chính của MacBook Air 2018 sau khi tháo heatsink ra:- Màu đỏ là Intel Core i5-8210Y (Amber Lake-Y) 2 nhân 4 luồng, 1,6 - 3,6 GHz, 4 MB Smart Cache, TDP 7 W cùng GPU tích hợp Intel HD Graphics 617;
- Màu cam là chip bảo mật Apple T2 tích hợp luôn vi điều khiển SSD;
- Màu vàng là chip nhớ SSD SanDisk SDSGFBF12 043G tổng dung lượng 128 GB;
- Màu xanh lục là vi điều khiển Thunderbolt 3 Intel JHL7540 thế hệ Titan Ridge;
- Màu xanh dương là chip quản lý nguồn Apple PMIC.
Mặt kia của bo mạch chính có các chip như:- Màu đỏ là RAM LPDDR3-2133 với 2 package của SK Hynix cho tổng dung lượng 8 GB;
- Màu cam là mô-đun Wi-Fi của Murata;
- Màu vàng là một con chip nguồn khác của hãng Intersil;
- Màu xanh lục là vi điều khiển NFC NXP 80V18;
- Màu xanh dương là bộ nhớ I/O Macronix MX25U3235F;
- Màu xanh lam đậm là vi điều khiển nguồn Texas Instruments CD32-15C00;
- Màu hồng là mạch nguồn cho CPU Texas Instruments TPS51980A.
Đây là 2 cổng Thunderbolt 3 thiết kế mô-đun, nằm trên bo riêng thay vì bo mạch chính như thiết kế của MacBook Pro. Như vậy trong trường hợp gãy hỏng cổng USB-C thì việc sửa chữa cũng dễ hơn.
Còn đây là chiếc quạt tản nhiệt của MacBook Air, thật kỳ lạ khi nó không có ống đồng lấy nhiệt, cũng không có heatsink phía trước mà chỉ đơn thuần là quạt thổi.
MacBook Air 2018 được đánh giá là có loa rất chất lượng dù thiết kế mỏng. Đây là 2 dải loa của nó với thiết kế khá to, trông có vẻ như là có buồng âm để tăng cường chất lượng và độ lớn âm thanh đầu ra.Quảng cáo
2 dải loa này cũng được dán vào khung máy bằng keo dẻo khá giống với keo dán pin của iPhone.
Bàn rê ForceTouch của MacBook Air 2018 với kích thước lớn không hề thua kém bàn rê của MacBook Pro 13,3". iFixit cho biết bàn rê này dùng chung cáp với bàn phím thay vì dùng cáp riêng như MacBook Pro mới.
Thiết kế bàn rê cực đẹp, cân đối với kết cấu nhấn, các cuộn cảm và mạch bên dưới.
Giờ là tháo pin của MacBook Air 2018. Nó có hệ thống pin với 3 thỏi được dán vào khung máy bằng keo.3 thỏi pin gắn kết với nhau và được giữ cố định bằng một phần khung bằng nhôm mỏng có lỗ bắt vít.
Hệ thống pin này có dung lượng 49,9 Wh, nhỏ hơn đôi chút so với Dell XPS 13 (52 Wh) nhưng lớn hơn Surface Laptop 2 (45,2 Wh) và HP Spectre x360 (43,7 Wh).Quảng cáo
Dải ăng-ten rất lớn của MacBook Air 2018, thật thú vị khi nó nằm dọc theo bản lề máy thay vì tích hợp vào phần nắp như thiết kế của hầu hết các hãng làm laptop khác.
Cục nhỏ nhỏ bên phải là cảm biến Touch ID.
Tháo vài con ốc bắt bản lề ra là lấy được màn hình nguyên bệ. iFixit nói tấm nền Retina trên MacBook Air 2018 gần như tương đương MacBook Pro 13,3" nhưng độ sáng thấp hơn và không hỗ trợ đủ dải màu P3.
Đây là toàn bộ thành phần của MacBook Air 2018, linh kiện đa phần được bắn lên bo mạch chủ, dễ mở và dễ tháo. Dù vậy đây cũng là yếu tố khiến chiếc máy này khó sửa chữa hơn với thang điểm của iFixit là 3/10. 2 điểm khó được iFixit nói là bàn phím tích hợp vào khung máy phía trên, muốn tháo phải mở bung toàn bộ máy; tiếp theo là RAM, ổ SSD đều tích hợp trên bo, không thể nâng cấp được gì.Nguồn: iFixit