Black Swan: Đau đớn, Điên loạn và Hoàn mỹ

nthhoang04
5/5/2020 8:17Phản hồi: 2
Black Swan: Đau đớn, Điên loạn và Hoàn mỹ
Sơ lược

Black Swan hay Thiên nga đen là bộ phim chính kịch tâm lý pha một chút kinh dị, xoay quanh vở kịch ballet Swan Lake (Hồ thiên nga) đang được sản xuất bởi một đạo diễn có danh tiếng là Thomas Leroy. Phim xoáy sâu vào hành trình tìm kiếm sự vĩ đại của cô vũ công Nina Sayers, nhưng trước hết phải trải qua đau đớn và hi sinh. Cô phải vứt bỏ bản tính ngây thơ để chinh phục được khán giả trong vai diễn kép thiên nga trắng-đen. Nhưng mọi thứ dần rơi vào hỗn loạn.

Bộ phim có kinh phí đầu tư chỉ vỏn vẹn 13 triệu $ nhưng đã đem về hàng loạt giải thưởng trong đó có Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Natalie Portman và đề cử của Viện hàn lâm cho phim xuất sắc nhất. Có rất nhiều khía cạnh của phim đáng được nhắc đến nhưng trước hết mình chỉ đề cập đến cách mà câu chuyện được xây dựng.

Phân tích
Để dễ dàng nắm bắt được những diễn biến nối tiếp nhau leo lên nấc thang kịch tính mình sẽ chia câu chuyện theo mô hình 3 hồi của Syd Field (The Syd Field Paradigm)

Hồi đầu: Châm ngòi & Khát vọng

Như mọi bộ phim khác về những con người có khởi đầu nhỏ bé và ước mơ được đứng trên đỉnh cao, sẽ luôn có một sự kiện châm ngòi hay một bước ngoặt (inciting incident) đẩy nhân vật ra khỏi cuộc sống hiện tại. Ở Black Swan, sự kiện châm ngòi chính là thông báo của đạo diễn Thomas Leroy cho vở kịch sắp tới là Swan Lake, vở ballet mà Nina luôn khao khát. Bước ngoặt mở màn sẽ kéo theo sự hình thành một khát khao cụ thể ở nhân vật chính mà với Nina là ước mơ có được vai diễn Swan Queen.

Nhưng một khát vọng không thể tự nhiên có mà phải được hợp lý hóa bằng một thứ: nỗi sợ. Chính vì sợ nên ta càng phải cố gắng để làm khác đi, để không rơi vào cái hố sâu đó. Nina sợ trở thành một vũ công tầm thường, như mẹ mình. Nhưng thật ra để nói đúng thì Nina không hề khinh miệt mẹ mà chính bà đã áp đặt những khao khát trong tuyệt vọng của mình lên Nina để cô có thể làm được điều mà bà không thể có khi đã kết thúc sự nghiệp múa vì mang thai. Nina bị bao bọc bởi thú nhồi bông, đồ chơi, hộp nhạc để không được trưởng thành, không rơi vào những cám dỗ và thành công trong vòng tay của mẹ.

Khi ta hiểu được nỗi sợ của nhân vật thì những cố gắng để thay đổi sẽ được lý giải một cách thuyết phục và người xem đã bị cuốn vào sự đồng cảm với nhân vật. Nhưng họ không thể dễ dàng có được thứ mình muốn. Plot point 1 hay điểm cốt truyện 1 của hồi đầu tiên xuất hiện với một rào cản. Lúc này một người có quyền lực cao nhất trong thế giới của phim xuất hiện. Họ đặt ra thử thách và nhân vật phải thỏa mãn những điều đó để có được thứ mình muốn. Liệu Nina có thể ngừng lo lắng về sự chính xác, vứt bỏ con người cũ của mình để có được những bước nhảy đầy khiêu gợi, quyến rũ hoàng tử và cả những khán giả như đạo diễn Thomas yêu cầu ? Khát vọng được trở thành Swan Queen đã thúc đẩy Nina luyện tập nhiều hơn và bắt đầu có những hành động ngược với tính cách ban đầu của mình. Mọi thứ thay đổi ngày càng nhanh và vượt khỏi tầm kiểm soát của chính Nina.

Hồi giữa: Đấu tranh & Điên loạn

Hồi giữa của kịch bản là một đường tuyến tính với liên tục những sự kiện leo thang. Khi đó nhân vật phải liên tiếp đối mặt với trở ngại và ép buộc thay đổi theo cách mình không muốn. Nina không muốn bị con người cũ và những áp đặt của mẹ kìm hãm cô trên con đường thăng tiến. Cô bắt đầu có những thay đổi nhưng, như đã nói, dần mất kiểm soát.

Con đường đến sự hoàn hảo của Nina là đau đớn, những buổi tập muộn, hành xác để đạt đúng ý của vị đạo diễn. Bất chấp việc tự hủy hoại bản thân, Nina vẫn tiếp tục vì cô sợ bị thay thế, một nỗi sợ luôn hiện hữu trong mỗi giờ tập dưới dáng hình của Lily. Lily có tất cả sự quyến rũ và hoang dại mà Nina không có: những động tác bùng nổ, đầy khiêu gợi của thiên nga đen. Nhưng hơn hết, Nina rất hiểu và sợ hãi vì chính cô cũng từng là người thay thế. Kết cục của một người bị bỏ lại là chẳng có kết cục gì cả. Áp lực từ nỗi sợ đã đẩy Nina đến phần quan trọng nhất của hồi giữa này. Đó là midpoint (hay điểm thay đổi của cốt truyện): rơi vào sự điên loạn.

Những hoang tưởng của Nina không đột ngột xuất hiện ngay lúc này mà, thực chất, đã được rải khắp từ đầu phim. Điều này dường như khiến người xem khó có thể nhận ra những thay đổi trong Nina nhưng ít nhiều vẫn cảm nhận được mối nguy hiểm đang rình rập. Những bản sao xuất hiện thoáng qua, trên đường về nhà, trong gương… là hiện thân những nghi ngờ và tự ti của chính Nina. Cô ngày càng mất khả năng kiểm soát, chìm sâu vào những ảo tưởng. Mọi thứ nối tiếp nhau leo đến đỉnh điểm khi Nina suýt giết người, làm mẹ bị thương rồi ảo tưởng rằng mình đang hóa thành một con thiên nga. Trong quá trình phá hủy con người cũ, sự tự hoại của Nina được đẩy đến cùng cực. Nhưng mọi thứ thật sự vẫn đang chờ cô ở hồi cuối.

Quảng cáo


Hồi cuối: Biến đổi & Hi sinh

Midpoint chỉ là điểm lý giải cho sự thay đổi của nhân vật và giữ sức hút cho hồi giữa dài hơi; midpoint vẫn chưa thật sự là đỉnh điểm (climax) của cốt truyện. Buổi công diễn đã bắt đầu nhưng Nina vẫn chỉ mới chạm đến đỉnh của sự mâu thuẫn và điên loạn. Sự sợ hãi, yếu đuối và sầu muộn của thiên nga trắng vẫn còn trong Nina, cô chưa sẵn sàng. Nina hoảng sợ, run rẩy và ngã gục ngay trên sàn diễn. Một thất bại ê chề ?

Khi quay lại phòng thay đồ, Nina nhìn thấy Lily đang ngồi trên ghế của chính cô và muốn diễn vai thiên nga đen thay Nina. Cô lao đến nhưng nhận ra đó là một bản sao của mình. Hai người giằng co, Nina vớ một mảnh gương vỡ và đâm chết Nina. Nina đã biến đổi hoàn toàn. Khi lên sân khấu, cô đem đến cho khán giả màn trình diễn chưa từng có của thiên nga đen, và khán phòng ngập trong tiếng vỗ tay. Nói ngoài lề một chút thì từ đoạn Nina hét lên “It’s my turn !” đến đoạn mọc ra những lông vũ đen thì diễn xuất của Natalie Portman thật sự làm mình nổi da gà. Hồi trước, mình xem khúc này rất là sợ vì tưởng phim kinh dị nhưng mà nói đến đây thì chắc mọi người đều nhận ra đó là cách ẩn dụ cho việc phá bỏ bản tính và biến đổi thành một con người mới của Nina: thiên nga đen. Nhưng Nina không giết ai hết mà thật ra là đâm chính mình. Sự điên loạn của Nina đến lúc này mới đạt đỉnh điểm của việc tự hủy hoại.

Nina đã hi sinh mọi thứ mình có để đạt đến sự hoàn mỹ đầy đau đớn trong một giây phút ngắn ngủi.

Lan man

Về yếu tố kinh dị. Phim không hẳn là vậy, chỉ là hơi giật gân xíu. Mình thấy những tình tiết đó được thêm vào rất hợp lý và cần thiết để biểu đạt cho một tâm trí không ổn định như thế. Mấy hình ảnh đó là sự tái hiện lại những suy nghĩ và có thể là hoang tưởng trong chính nhân vật Nina. Điện ảnh đặc biệt chỗ không nhất thiết lúc nào câu chuyện cũng phải được kể bằng lời nói, nó yêu cầu người xem phải chú ý từng chút của hình ảnh và âm thanh để có được trải nghiệm như chính nhân vật.

Quảng cáo


Về những cái gương. Nếu bạn đã xem phim thì chắc bạn sẽ để ý có rất nhiều gương trong phim (và trong cuộc sống của Nina). Những cảnh quay Nina nhìn vào gương xuất hiện liên tục và xuyên suốt phim là rõ ràng có chủ ý. Trước hết thì hàng trăm năm nay, gương là phần không thể thiếu của ballet. Những vũ công dành hàng giờ đứng trước gương để tìm kiếm vẻ đẹp hoàn hảo và lý tưởng. Nhưng đã có một số nghiên cứu (cụ thể là của đại học Emory, Georgia) chỉ ra rằng, gương có thể mang lại một số tác động tiêu cực đến những vũ công chuyên nghiệp. Nhiều nhất có lẽ gây ra sự tự so sánh và tự ti như trong trường hợp của Nina. Đây không phải là tất cả nhưng mình nghĩ ít nhiều nó cũng tác động đến sự thay đổi của Nina.

Về Swan Lake và người nghệ sĩ. Lúc hết phim thì mình đã có một suy nghĩ, mà giờ nghĩ lại thì có vẻ rất ngu, là tại sao vở diễn ballet ngắn vậy ? Thì… mọi chuyện hoàn toàn không phải vậy. Sau khi xem xong vở Swan Lake của đoàn ballet Kirov thì mình thật sự bị choáng ngợp. Mọi thứ quá kỳ công và quá đẹp. Cái sân khấu to quá trời luôn. Cái đoạn khiêu vũ ở cung điện với hoàng tử của thiên nga đen của phim chỉ vỏn vẹn cỡ 5 phút trong khi thực tế thì đến 30 phút. Coi xong vở diễn thì mình mới phần nào nhận ra cái sự khác biệt giữa thiên nga trắng và đen mà nhân vật đạo diễn Thomas cứ yêu cầu Nina phải thể hiện cho bằng được. Nhưng nói đi thì cũng nói lại, bộ phim đã vén được bức màn sân khấu của thế giới nghệ thuật này và cho chúng ta cái nhìn thật chi tiết về sự khắc nghiệt mà những vũ công phải trải qua. Pointe nhìn thôi cũng thấy đau khủng khiếp mà không hiểu sao có thể vừa giữ vậy vừa xoay rồi lặp đi lặp lại 2 tiếng hơn. Đó là chưa nói hàng năm trời khổ luyện chỉ để có một vài khoảnh khắc tỏa sáng rực rỡ. Với những môn nghệ thuật biểu diễn nói chung và múa nói riêng thì vẻ đẹp hoàn hảo đến mấy cũng chỉ tồn tại trên sân khấu trong một giây phút ngắn ngủi, nó thoáng qua chứ không già đi theo thời gian như thi ca hay hội họa. Lúc viết bài này lần đầu mình đã nghĩ sao mà bất công cho những người biểu diễn thế nhỉ nhưng lúc viết lại thì mình lại có một suy nghĩ khác. Nhà thơ, nhà văn hay họa sĩ được sống hai lần, một lần trong khoảnh khắc họ đem nghệ thuật đến thế giới và một lần nữa trong chính tác phẩm của mình qua cảm thụ của người thưởng lãm. Còn người nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp chỉ sống một lần trong chính thời khắc đó. Nhưng mà cái sống của họ là cái sống đầy mãnh liệt, cái sống của sự hiến dâng tất cả. Một cái sống dù ngắn ngủi nhưng đã thoát khỏi những ham muốn được chú ý, được nổi tiếng để quay về với cái đẹp tối thượng. Dù lựa chọn thế nào thì những cống hiến đều đáng được trân trọng như nhau.

Phần cuối sẽ nói ngắn một chút, vì nếu bạn có đọc được đến đây chắc cũng rất ngán rồi. Mình rất thích xem những bộ phim xoáy sâu vào diễn biến nội tâm nhân vật. Và Black Swan không làm mình thất vọng tí nào. Kể cả xem lúc nhỏ, thì vô cùng sợ (và hoang mang tại sao cô này lại tự đâm cổ vậy) và xem bây giờ, thì vô cùng thỏa mãn. Soundtrack thì lấy hoàn toàn từ những bản nhạc của Tchaikovsky nên khỏi phải bàn luôn, từ “hay” thôi là chưa đủ. Lúc viết bài này thì mình cắm tai nghe và dành toàn thời gian đó cho nhạc Tchaikovsky. Không cảm giác chán được luôn, càng nghe càng thích hơn.

Chốt: xem xong phim thì nên xem vở ballet để thấy hết cái đẹp và cả phía sau những cái đẹp đó.

Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x

2 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019