Xin chào các bạn, hôm nay mình sẽ review chi tiết về chiếc máy đọc sách Onyx Boox Poke 3 và chia sẻ với các bạn một số điểm mình thấy rất hay mà chiếc máy đọc sách này có. Mình mới chỉ dùng hơn 2 tuần nhưng vì đã có nhiều ấn tượng tốt nên lên bài review luôn cho nóng. Bài viết gốc các bạn có thể tham khảo tại đây
Định dạng video cho những anh em thích xem và thích nghe hơn thích đọc
Dạo gần đây nhu cầu đọc sách của mình tăng cao còn nhu cầu giải trí lại giảm xuống vì vậy mình đã bán chiếc iPad Mini 4 đi để mua chiếc máy đọc sách này. Mình mua máy đã qua sử dụng với mức giá 2.900.000 kèm theo sạc cáp và một phụ kiện hay ho mình sẽ chia sẻ thêm ở cuối bài.
Định dạng video cho những anh em thích xem và thích nghe hơn thích đọc
Dạo gần đây nhu cầu đọc sách của mình tăng cao còn nhu cầu giải trí lại giảm xuống vì vậy mình đã bán chiếc iPad Mini 4 đi để mua chiếc máy đọc sách này. Mình mua máy đã qua sử dụng với mức giá 2.900.000 kèm theo sạc cáp và một phụ kiện hay ho mình sẽ chia sẻ thêm ở cuối bài.
Review cơ bản
Thiết kế
Poke 3 có cỡ màn hình 6 inch, tức là phân khúc có thể coi là nhỏ nhất của máy đọc sách, không tính mấy cái điện thoại có màn hình e-ink. Vì vậy cũng sẽ hướng đến khách hàng có nhu cầu chính là nhỏ nhẹ. Và mình đánh giá Onyx làm điều đó rất tốt.

So với những chiếc máy cùng kích cỡ màn hình 6 inch, kích thước lẫn cân nặng của Poke 3 là nhỏ nhất, nhẹ nhất và mỏng nhất. Và việc cầm trên tay một chiếc máy mỏng nhỏ nhẹ như vậy có thể khiến mình đọc nhiều tiếng liên tục rất đã và không mỏi tay.

Tuy nhiên, nhược điểm trong thiết kế của Poke 3 đó là chiếc máy này bo cong hơi ít ở các góc, các viền nên cảm giác cầm nắm sẽ hơi có chút gì đó cứng cứng. Phần viền trên màn hình cũng có nhô lên một chút để bảo vệ màn hình nhưng đó lại là nhựa cứng nên không được mềm tay lắm. Mặt lưng nhựa cứng cũng để lại nhiều dấu vân tay, sẽ thường xuyên phải lau hơn.

Màn hình
Như bao máy đọc sách khác và cũng đã được nhiều người đề cập. Màn hình e-ink trên máy đọc sách mô phỏng một trang giấy, không khiến chúng ta mỏi mắt khi sử dụng vì bản thân nó không phát ra ánh sáng mà chỉ dùng cách chiếu sáng

Quảng cáo
Hầu như các máy đọc sách trong phân khúc đều sử dụng màn hình E-Ink Carta, có con thì Carta 1200, con thì Carta HD, và Poke sử dụng Carta Plus theo thông số được công bố nhưng mình cũng không tìm được quá nhiều thông tin để phân biệt cụ thể các loại Carta đó. Nếu bạn nào biết thì chia sẻ cho mình với nhé
Với Poke 3 thì màn hình E-ink có mật độ điểm ảnh 300ppi, cũng tương đương các mẫu máy khác, cũng có chỉnh độ sáng màn hình 2 tông màu trắng và vàng.

Trên Poke 3, nhà sản xuất đã có thêm tính năng tối ưu màn hình bằng cách bổ sung thêm E-ink Center cho phép chúng ta chọn các chế độ phù hợp và điều chỉnh độ tương phản. Sẽ có 4 chế độ tuỳ chỉnh màn hình:
- Bình thường: như bao máy đọc sách khác, phù hợp để đọc sách chữ
- Speed: Hơi có bóng mờ nhưng tăng tốc độ chuyển trang, phù hợp với sách có nhiều hình ảnh
- A2: Sẽ có bóng mờ rõ ràng hơn nhưng phù hợp để cuộn trang với hình ảnh và chữ
- X Mode: Có thể gây mất chi tiết, bóng mờ nặng nhưng tốc độ làm mới sẽ đủ nhanh phù hợp để lướt web và xem video
Một điểm mình thích ở màn hình của chiếc Poke 3 này đó là phần mặt kính cảm ứng nó không bị thấp xuống so với phần viền màn hình vì thế các thao tác vuốt rất ổn.
Còn một điểm mình không thích là việc đèn nền bố trí không được đều nên vẫn có hiện tượng bị lệch sáng. Tuy không ảnh hưởng gì đến việc đọc sách nhưng đôi khi vẫn thấy không được đẹp mắt

Cấu hình và hiệu suất
Quảng cáo
Máy sử dụng chip 8 nhân 1.8Ghz, ram 2GB, bộ nhớ trong 32GB và chạy Android nhưng được rút gọn đi rất nhiều và không phải cõng quá nhiều ứng dụng mặc định thừa thãi của Android.
Mình cũng có thử tải Notion về để viết Note thì cũng chạy ổn, không bị chậm và giật ứng dụng như trên iPad Mini 4 mình từng review, tất nhiên cái màn hình nó có tần số quét rất chậm nên việc hiển thị sẽ không trơn tru như màn hình bình thường.
Nhưng đó chỉ là hiển thị thôi, chứ các thao tác cảm ứng vẫn có thể sử dụng với tốc độ bình thường. Ví dụ như khi gõ bàn phím, bạn không cần phải gõ từng chữ rồi chờ nó hiện lên rồi mới gõ tiếp chữ tiếp theo, mà bạn có thể cứ thế gõ như bình thường và máy cũng sẽ nhận đủ hết những gì bạn gõ.
Phần cứng
Máy chỉ có 1 nút nguồn, trên nút nguồn có một cái đèn led nhỏ để báo trạng thái đang khởi động và đang sạc
Phía dưới chỉ có cổng type C để sạc và cắm tai nghe cũng như có 1 mic thu âm. Máy không có loa ngoài vì vậy nếu muốn nghe nhạc hay nghe sách nói thì buộc phải sử dụng tai nghe.


Pin
Trong 1 tuần vừa rồi mình hầu như chỉ sử dụng để đọc sách để test về mức tiêu hao, mình không kết nối wifi nhiều, chỉ sử dụng wifi những lúc chuyển dữ liệu ra-vào, tải sách, tuy nhiên mình có sử dụng bluetooth trong khoảng 30% thời gian sử dụng và bật đèn nền tầm 50% thời gian sử dụng (mình luôn bật cả 2 loại đèn trắng và vàng, chủ yếu ở mức sáng 40-50% khi đọc buổi tối và thấp nhất khi đọc buổi đêm).
Kết quả:
- 100%→5% pin tương ứng với khoảng 17h On-Screen trong đó có 14h đọc sách (mình tính từ thứ 3 đến thứ 7 vì mình sạc đầy pin vào sáng thứ 3) và tầm 3 tiếng mình làm những trò khác (trong đó có 2 tiếng chỉ mở lên, kết nối wifi, đưa qua đưa lại các tính năng để viết bài review này).
- Mình đọc từng đó thời gian trong 5 ngày để test On-Screen (có ngày 1-2 tiếng, và có ngày đọc 5-6 tiếng) nên nếu dùng bình thường mỗi ngày đọc 1 tiếng có thể sẽ đọc được đến 14-15 ngày. Hao tổn thêm một chút cho việc standby nữa

Tất nhiên, để duy trì mức pin như vậy, mình thường tắt wifi khi đọc sách và bật tính năng Power Off Timeout - sẽ tự động tắt máy sau 1 tiếng nếu không hoạt động, máy sẽ tắt hoàn toàn và sẽ không tốn năng lượng như khi standby hệ điều hành android. Máy có pin 1500mAh và nhận dòng sạc 5V-1A, tức là sẽ sạc đầy trong khoảng hơn 1 tiếng rưỡi.
Review chuyên sâu
Trong phần này mình sẽ nói sâu hơn về những đặc điểm độc đáo của chiếc Poke 3 này mà có lẽ ít người biết đến vì mình ít thấy có ai chia sẻAndroid
Như đã đề cập ở trên, mình có cảm giác đây là một phiên bản Android rút gọn và tuỳ chỉnh chứ không phải là Android đầy đủ. Chính vì vậy máy sẽ không bị chậm hoặc nặng do quá nhiều tác vụ hệ thống chạy ngầm

Ưu điểm của việc chạy Android:
- Hỗ trợ cực nhiều file format mặc định (TXT, HTML, RTF, FB2, FB2.zip, DOC, DOCX, PRC, MOBI, CHM, EPUB, JPG, PNG, GIF, BMP, PDF, DjVu, MP3, WAV, CBR, CBZ)
- Hỗ trợ tiếng Việt đầy đủ, từ việc đọc, viết, nói, hiển thị
- Cài được nhiều ứng dụng theo nhu cầu trên PlayStore và App Store có sẵn theo máy
- Sẽ tốn pin khi ở chế độ sleep. Nhưng khắc phục đơn giản bằng tính năng Auto Off và chấp nhận hơi bất tiện lúc mở máy lên để đọc, chờ 15-20s để khởi động cũng không có vấn đề gì
Gesture – Các thao tác cử chỉ và điều hướng
Boox Poke 3 đã được tối ưu rất nhiều thao tác cử chỉ mà cá nhân mình đánh giá rất cao vì nó phù hợp với hầu hết cách sử dụng đại chúng hiện nay của các thiết bị có màn hình cảm ứng.
Điều hướng: Vuốt từ dưới màn hình lên và được chia làm 3 khu vực. Bên trái, ở giữa và bên phải theo thứ tự là đa nhiệm, home và back. Và bạn có thể tuỳ chọn theo sở thích luôn. Bạn cũng có thể lựa chọn dùng phím ảo nếu không muốn dùng thao tác vuốt.
Vuốt ở viền màn hình để điều chỉnh: Bạn có thể vuốt ở phần viền màn hình, phần viền màu đen bên cạnh màn hình chứ không phải trong màn hình, để điều chỉnh độ sáng đèn nền hoặc âm lượng hoặc độ tương phản tuỳ bạn chọn.

Navigation Ball: Giống Assistive Touch, có 1 cái nút tròn và khi ấn vào nó bung ra 6 chức năng, chúng ta có thể tự chọn chức năng theo nhu cầu. Nhưng cái hay của quả bóng này là nó có thể ẩn gọn vào mép màn hình ở bất cứ đâu chúng ta muốn.
Máy cũng nhận diện được 2 điểm cảm ứng cùng lúc nên có thể zoom in và zoom out bằng thao tác 2 ngón


Các tính năng, ứng dụng của riêng Boox
NEO Reader + TTS (chuyển sách chữ thành sách nói)
Đây là ứng dụng đọc mặc định của Boox, mình đã thử đọc epub và pdf thì thấy rất ổn, tốc độ chuyển trang tuy không nhanh được như Kindle nhưng cũng không đến mức gây khó chịu hay khiến việc đọc bị ngắt quãng.Tuần vừa rồi mình cũng mới chỉ sử dụng ứng dụng mặc định này để đọc sách nên chưa thử các ứng dụng khác, nhưng vì chạy android nên mình nghĩ cơ bản sẽ chạy tốt mọi ứng dụng đọc sách nền android.
Ngoài ra có tính năng TTS khá hay. Tính năng này giúp chúng ta chuyển từ sách chữ sang sách nói, mình có chia sẻ trong video kỹ hơn, các bạn xem video sẽ dễ hình dung hơn nhé
Reading Statics
Đây là chức năng giúp chúng ta theo dõi việc đọc sách theo tuần như số lượng sách đã đọc, số lượng sách hoàn thành, tổng thời gian đọc, thời gian đọc theo từng ngày, thời gian đọc trung bình cũng như là số lượng highlight và đánh dấuKho sách riêng
Máy có kho sách tiếng Việt riêng ở trên máy, số lượng đầu sách mình thấy cũng khá nhiều, cũng có cả truyện tranh và sách ngoại ngữ, chưa kể ngoài kho sách có sẵn chúng ta vẫn có thể tải sách từ bất cứ kho nào khác rồi chép vào máy. Tất nhiên nếu có điều kiện, hãy mua sách in để ủng hộ tác giả và nhà xuất bản.
BooxDrop và Push
Bên cạnh các cách truyền thống để tải sách vào máy như dùng cáp, gửi mail, hoặc push qua trình duyệt web thì cũng có thể dùng ứng dụng BooxDrop trên điện thoại để trao đổi dữ liệu với máy đọc sách. Mình đánh giá giải pháp này cực cao, vì nó rất rất rất tiện lợi. Phần này các bạn cũng nên xem video vì sẽ được minh hoạ tốt hơn

Điều khiển từ xa
Đúng vậy, các bạn không nhầm đâu, món phụ kiện hay ho mà mình được tặng kèm có nhắc đến ở đầu bài viết chính là một chiếc điều khiển từ xa của Boox. Ban đầu khi chưa sử dụng thì mình chả nghĩ ra tình huống nào sẽ dùng đến cả, và cho rằng đây là một món phụ kiện nhảm nhí thừa thãi mà hãng làm ra để moi thêm tiền từ túi người dùng.
Thế nhưng mà lúc nằm đọc sách trên giường hay trên ghế ngả, khi mà tư thế cầm máy đọc sách là hướng màn hình xuống để đọc thì chúng ta không thể cầm máy như lúc bình thường và việc chạm cảm ứng để chuyển trang bằng 1 tay vào những lúc đó mình thấy gần như là không thể. Và đây là lúc mà cái điều khiển nó phát huy tác dụng. Mình không phải vươn tay còn lại lên để chạm vào màn hình nữa mà chỉ cần bấm nút để chuyển trang. Tiện dã man. Ngoài chuyển trang ra thì có thể tắt bật đèn, refresh màn, điều hướng, chỉnh độ tương phản, chụp ảnh màn hình . . .

Tips nhỏ cho mọi người: vì máy chạy android nên khả năng cao là những thiết bị hỗ trợ chuyển trang như bút trình chiếu có bluetooth nhiều khả năng cũng có thể dùng được với Boox. Hoặc thậm chí mấy cái nút bấm chụp hình hay chuyển video tiktok của điện thoại có kết nối bluetooth có khi cũng làm được chuyện này
Có nên mua máy đọc sách Boox Poke 3
Nếu bạn đang tìm một chiếc máy đọc sách nhỏ, gọn, nhẹ và mạnh với tài chính có chút thoải mái thì Poke 3 rất hợp lý vì những gì Android đem lại cho chiếc máy mình thấy nó rất đáng giá
Mình đề cập đến tài chính vì thực tế chiếc máy này đang bán mới tầm 5 triệu, bán cũ tầm 4 triệu ở cửa hàng và tầm 3-3.5 triệu từ người dùng. Trong khi đó cùng phân khúc 6 inch thì PPW4 cũ chỉ tầm dưới 2 triệu. PPW5 mới có màn hình lớn hơn mà giá cũng chỉ khoảng 3.2-3.5 triệu cho máy mới và đâu đó 2.8-3 triệu cho máy cũ.
Vì vậy mình thấy Poke 3 không phải là một chiếc máy có mức giá rẻ cho việc đọc sách, nhưng là một chiếc máy có mức giá phù hợp với trải nghiệm máy đọc sách chạy Android
Ngược lại, nếu bạn cần một chiếc máy có màn hình to, hay có thể dùng với bút ghi cảm ứng, hay bạn cần phím chuyển trang cứng thì Poke 3 chắc chắn không phù hợp với bạn rồi, loại từ vòng gửi xe.
Bài viết xin được kết thúc tại đây. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết, chúc các bạn lựa chọn được máy đọc sách phù hợp với nhu cầu và cũng hi vọng càng ngày sẽ càng có nhiều người đọc sách hơn.
Nếu thấy bài viết hay, các bạn đừng quên Follow mình trên Tinh Tế cũng như trên trang Facebook của mình để không bỏ sót các bài viết mới, và nếu tiện thì ghé website của mình để xem những bài viết chất lượng cao khác từ Ngon Bổ Xẻ nhé