Thử tưởng tượng lâu rồi bạn không xem phim, nhưng khi đi làm thấy bạn bè, đồng nghiệp xung quanh cứ nói về một bộ phim nào đó rồi bàn tán sôi nổi. Bạn cũng tò mò hỏi thử, thì biết là phim “Tiger King”, hỏi coi ở đâu anh đồng nghiệp kêu trên Netflix. Thế là tối đó bạn cài Netflix trên chiếc iPhone của mình, tìm thấy bộ phim nhưng phải đăng ký thuê bao mới xem được. Tìm tuỳ chọn đăng ký nhưng không thấy, nhấp vào Help thì thấy thông điệp này.
Cũng vẫn không thấy chỉ dẫn nào để đăng ký, vậy chuyện gì đang xảy ra?
Netflix đang né khoản phí doanh thu bằng cách đăng ký dịch vụ bên ngoài app
Vâng, đó là một cách để nhà phát triển Netflix né khoản phí phần trăm doanh thu phải chia với Apple khi đưa app lên App Store. Thực sự giải pháp đăng ký rất đơn giản, nhưng Netflix không thể chỉ cho bạn trên app được, đó là hãy mở trình duyệt và đăng ký trên trang Netflix.com.
Cũng vẫn không thấy chỉ dẫn nào để đăng ký, vậy chuyện gì đang xảy ra?
Netflix đang né khoản phí doanh thu bằng cách đăng ký dịch vụ bên ngoài app
Vâng, đó là một cách để nhà phát triển Netflix né khoản phí phần trăm doanh thu phải chia với Apple khi đưa app lên App Store. Thực sự giải pháp đăng ký rất đơn giản, nhưng Netflix không thể chỉ cho bạn trên app được, đó là hãy mở trình duyệt và đăng ký trên trang Netflix.com.
Trên đây là một ví dụ điển hình cách mà các ứng dụng trên iOS “lách luật” để né khoản phân chia phần trăm doanh thu với Apple. Và Netflix không phải là ứng dụng phổ biến duy nhất làm cho người dùng iPhone bối rối khi chi tiền để sử dụng, Spotify hay Amazon Kindle cũng vậy. App Kindle không để bạn mua ebook, app Kobo của Rakuten cũng vậy. App Audible cũng của Amazon thì có một hệ thống tín dụng phức tạp để tải về Audiobook trên iOS.
Các app này làm vậy là có mục đích, vì quy tắc phân chia lợi nhuận của App Store: các công ty bị tính phí 30% cho mỗi giao dịch mua sắm và đăng ký thuê bao thông qua các ứng dụng iOS (sau khi đăng ký vào năm đầu tiên, hoa hồng giảm xuống còn 15% vào các năm sau). Bất kỳ nhà phát triển nào muốn kiếm tiền từ người dùng iPhone và iPad đều phải trả khoản phí khổng lồ này để nhận được “đặc quyền” đó.
Vào tháng 12 năm 2018, Netflix đã quyết định không chi khoản phí hoa hồng này nữa, vì vậy hãng đã ngừng cho phép người dùng đăng ký trong ứng dụng, và chỉ có thể đăng ký trên web. Chặn đăng ký và thanh toán trên ứng dụng là một cách để các nhà phát triển chống lại điều khoản của App Store.
Tinder thì tính phí cao hơn để bù lại phần doanh thu bị lấy
Một cách khác nữa, lần này là với app Tinder, đó là tính phí cao hơn khi đăng ký trên app để bù vào khoản doanh thu phải chia với Apple. App Tinder tính phí 29,99 USD/tháng cho người dùng đăng ký thành viên Gold, còn trên web thì phí chỉ là 13,49 USD/tháng cho dịch vụ tương tự, chênh lệch đến 123%.
Quảng cáo
“Apple là một đối tác nhưng cũng là một nền tảng thống trị mà quy định của họ buộc đại đa số người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn cho các ứng dụng bên thứ ba mà Apple tự định nghĩa là “dịch vụ kĩ thuật số”", phát ngôn viên của Tinder cho biết. “chúng tôi nhận thức sâu sắc về sức mạnh của họ đối với chúng tôi”.
Dịch vụ nhạc số của Google là YouTube Music cũng chuyển “gánh nặng 30%” này qua cho khách hàng. Apple nghiêm cấm các app đề cập đến chuyện một khoản phí thấp hơn có thể được truy cập ở nơi khác, phát ngôn viên của YouTube cho biết. Một trường hợp tương tự là app stream nhạc Tidal, tính phí 12,99 USD một tháng cho dịch vụ cao cấp trên iPhone nhưng chỉ 9,99 USD trên web và cả các thiết bị Android.
Các điều khoản của Apple với các nhà phát triển không cho phép họ liệt kê các mức giá thay thế hoặc khuyến khích người dùng mua dịch vụ ở các nơi khác ngoài App Store. Người phát ngôn của Apple cho biết các nhà phát triển có thể thoải mái quảng bá các mức giá khác bên ngoài App Store, cả trên truyền hình và bảng quảng cáo.
Google và Apple, Play Store và App Store có sự khác biệt nhau về chính sách
Google, ông chủ của cửa hàng ứng dụng Android là Play Store cũng thu phí hoa hồng 30% cho các giao dịch trong ứng dụng mà nó xử lý, nhưng chính sách của họ thì “mềm” hơn Apple đôi chút. Trong khi Apple yêu cầu tất cả các giao dịch trong ứng dụng phải được xử lý qua hệ thống thanh toán của riêng họ thì Play Store cho phép ngoại lệ đối với các ứng dụng lưu trữ nội dung số, cho phép sử dụng hệ thống thanh toán của riêng chúng. Và tất nhiên Tidal không phải trả đồng nào cho Google cả.
Quảng cáo
Trên iPhone vẫn có ngoại lệ, và nổi bật nhất chính là app Amazon Prime Video. App này không cung cấp dịch vụ cho thuê hoặc mua các nội dung giải trí cho người dùng iOS và vào tháng 4 này Amazon đã bắt đầu dùng hệ thống thanh toán của riêng mình.
Lý giải cho điều này Apple nói rằng Amazon đang tham gia vào chương trình “nhà cung cấp video cao cấp (premium video providers)”, được phép dùng các phương thức thanh toán gắn liền với các gói thuê bao đang tồn tại của khách hàng. 2 công ty giải trí lớn của Châu Âu là Altice One và Canal+ cũng nằm trong chương trình này. Tuy Apple giải thích như vậy nhưng động thái nhượng bộ này có vẻ nhằm mục đích đưa Amazon Prime Video với hơn 150 triệu thành viên trên toàn thế giới lên trên các thiết bị Apple TV.
Google thì hoàn toàn thoải mái về các hệ thống thanh toán. Các nhà phát triển ứng dụng trên Play Store được phép yêu cầu người dùng đăng ký ở nơi khác. Và bởi vì Android là hệ sinh thái mở nên mọi người có thể tải xuống ứng dụng trực tiếp từ các nhà phát triển hoặc thông qua các cửa hàng ứng dụng khác nơi mà Google không được nhận phí. Điển hình là Epic Games với game Fornite nổi tiếng đã “xa lánh” Play Store trong hơn 18 tháng.
Vì vậy trong khi Android chiếm phần lớn thị phần smartphone toàn cầu (85%) so với 14% của iOS nhưng kẻ chịu sự giám sát của công chúng về các quy định mô hình kinh doanh và chính sách của cửa hàng ứng dụng lại là Apple.
Vấn đề là Apple toàn quyền quyết định đối với App Store, vì vậy họ có thể thay đổi quy định để đảm bảo lợi ích của chính mình
Theo David Barnard, một nhà phát triển độc lập đã có 3 ứng dụng trên App Store trong 12 năm qua cho biết, “Apple không độc quyền trên thị phần smartphone, nhưng khó mà nói họ không độc quyền đối với người dùng iOS”. Bên cạnh đó, Apple kiếm tiền từ các ứng dụng tốt hơn Google, “nếu bạn muốn tồn tại trên di động, bạn phải thông qua người gác cổng Apple”.
Apple toàn quyền quyết định app nào PHẢI và KHÔNG PHẢI dùng hệ thống thanh toán của mình, Candy rush Saga thì bắt buộc, nhưng AirBnb và Uber thì không. Đó là điểm mấu chốt đã gây bão trong cộng đồng nhà phát triển thời gian vừa qua khi app email Hey tố cáo rằng Apple thực thi chính sách không đồng đều.
App Hey, vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, đang tính phí 99 USD/năm để truy cập vào dịch vụ email chuyển tiếp bảo mật. Apple đã từ chối ứng dụng này với lý do thiếu tuỳ chọn đăng ký (thanh toán qua hệ thống của Apple). Người phát ngôn của Apple cho biết họ làm vậy là để người dùng khi tải xuống một ứng dụng thì sẽ dùng được ngay mà không phải mày mò tìm cách đăng ký. Vấn đề ở đây là Netflix, Spotify và một số app khác trong doanh mục “reader” thì được miễn trừ, nhưng Hey thì không.
“Sau đó Apple tiếp tục từ chối duyệt bản cập nhật sửa lỗi của app, trừ khi chúng tôi đáp ứng yêu cầu thái quá của họ với 15 – 30% doanh thu của chúng tôi”, CTO của Hey đã Tweet như vậy. Cuối cùng Apple đã phê duyệt Hey với hướng giải quyết là Hey cung cấp một tài khoản dùng thử miễn phí, hết hạn sau 2 tuần.
Sức mạnh của Apple để quyết định nhà sản xuất ứng dụng nào CÓ THỂ và KHÔNG THỂ điều hành cả một ngành kinh doanh hiện đang được xem xét theo quy định chính thức. Tuần trước liên minh Châu Âu EU đã đưa ra một cuộc thăm dò về việc Apple có vi phạm luật cạnh tranh hay không sau khi Spotify khiếu nại khoản thuế 30% khiến cho họ mất lợi thế cạnh tranh so với dịch vụ “chính chủ” Apple Music.
Nhận 30% doanh thu, nhưng Apple đã làm gì cho các nhà phát triển?
Người phát ngôn của Apple cho biết các khoản phí này được sử dụng trong nỗ lực của công ty để giảm email spam, malware và các hành vi gian lận. Đồng thời dùng để đánh giá liên tục các ứng dụng về quyền riêng tư, bảo mật và nội dung phát hành. Cô ấy cũng chỉ ra những công cụ miễn phí mà Apple cung cấp cho nhà phát triển như TestFlight để thử nghiệm beta, hỗ trợ kĩ thuật, biên dịch app và không thể không nhắc đến Xcode, môi trường phần mềm cho các nhà phát triển xây dựng app của riêng mình.
Barnard nói rằng ông đã trả khoảng 700,000 USD phí hoa hồng cho Apple trong hơn 12 năm qua, nhiều hơn cả giá trị tài sản của mình hiện tại. Nhưng ông cũng đồng ý rằng các nhà phát triển cũng được lợi khi phát triển app cho App Store, “Tôi không phải tốn công quản lý một cửa hàng web, các lượt tải về, các khoản thanh toán, các khoản thuế và VAT. Apple mang tất cả những sự phức tạp đó ra khỏi doanh nghiệp và người tiêu dùng”.
Điều tuyệt vời của iPhone là gì? Đó là khi Apple không tự xây dựng một cái gì, thì sẽ có người khác xây cho họ. Hãy tưởng tượng nếu iPhone mà không có Uber hay iPad mà không có YouTube thì sẽ như thế nào? Khi các nhà phát triển tìm cách “lách luật” đối với ứng dụng của họ, ít nhất Apple cũng nên nói với khách hàng của họ lý do tại sao.
Chuyện Apple độc quyền hay không thì hãy để các tổ chức có thẩm quyền quyết định, nhưng việc Apple thu phí không nhất quán thì đã hoàn toàn rõ ràng, bên cạnh đó những lợi ích mà Apple mang tới cho các nhà phát triển cũng không thể phủ nhận. Vậy theo anh em, giải pháp cho chuyện này nên là gì?
Theo: WSJ