Sau vụ thiên thạch nổ tung trên bầu trời nước Nga cộng với việc thiên thạch 2012 DA14 bay gần trái đất hồi tuần trước, nhiều người đã bắt đầu lo lắng về mối đe doạ từ trên trời này. Và đây cũng là lúc thích hợp để cơ quan vũ trụ Canada (CSA) phóng vệ tinh NEOSSat (Near-Earth Object Surveillance Satellite) – Vệ tinh giám sát các vật thể bay gần trái đất. NEOSSat là vệ tinh đầu tiên có kính thiên văn không gian phục vụ việc phát hiện và theo dõi các thiên thạch, vệ tinh hay rác vũ trụ bay ở gần trái đất.
[prebreak][/prebreak]
NEOSSat có kích thước cỡ một chiếc vali, nặng chỉ 80kg, và sẽ bay vòng quanh trái đất ở độ cao chừng 800km mỗi 100 phút. Tương tự vệ tinh MOST (Microvariability and Oscillation of Stars Satellite) của CSA, NEOSSat sử dụng một kính thiên văn Maksutov có thể phát hiện các vật thể có cấp sáng thứ 20.
NEOSSat có 2 nhiệm vụ. Đầu tiên là NESS (Near Earth Space Surveillance), nghĩa là phát hiện và theo dõi các thiên thạch, ví dụ như thiên thạch 2012 DA14 bay ngang trái đất ở khoảng cách gần vào tuần trước. Vì nó bay ở quỹ đạo cao nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ ngày/đêm như các kính thiên văn đặt trên trái đất, vậy nên nó có thể làm việc 24/7. Vệ tinh này có thể quét khu vực không gian ở góc 45 độ đến 55 độ so với mặt trời và 40 độ trên/dưới quỹ đạo trái đất. Hình ảnh nó ghi nhận được sẽ được gửi về trung tâm điều hành NEOSSat ở đại học Calgary để phân tích.
Nhiệm vụ thứ hai của NEOSSat là HEOSS (High Earth Orbit Surveillance System), mục đích là ngăn ngừa va chạm giữa các thiết bị bay trong không gian – bao gồm cả vệ tinh và rác vũ trụ. NEOSSat sẽ là vệ tinh đầu tiên làm việc này và nó sẽ đối chiếu thông tin hiện có về các vệ tinh quan sát cũng như rác vũ trụ để sau đó đưa ra thông tin cập nhật. Các dữ liệu này sẽ giúp cho việc quản lý rác vũ trụ và cả cho các ứng dụng mang tính quân sự.
Kế hoạch phóng NEOSSat là vào tuần tới nhưng nếu nó được phóng sớm hơn thì nó vẫn không thể phát hiện được thiên thạch đã bay vào bầu trời nước Nga, vì nó được thiết kế chỉ để quan sát các thiên thạch to hơn, với kích thước lớn hơn 500m. Thiên thạch phát nổ ở Nga tuần trước chỉ to khoảng 17m ngang. Tuy nhiên, NEOSSat sẽ có thể khắc phục được tình trạng bị loá ánh mặt trời đối với cái đài quan sát dưới đất, và nếu có thiên thạch lớn hơn bay ở góc thẳng với tia sáng mặt trời như đã xảy ra ở Nga thì nó có thể phát hiện được.
NEOSSat sẽ được phóng đi vào ngày 25/02/2013 tại trung tâm vũ trụ Satish Dhawan, Ấn Độ, với một tên lửa PLSV-C20 của Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ.
Video mô tả nhiệm vụ của NEOSSat.
Hình ảnh render vệ tinh NEOSSat và công tác kiểm tra thử nghiệm trước khi phóng vào quỹ đạo.