Từ khi máy tính ra đời thì chúng ta thấy xuất hiện 2 loại người mới: người coi thường loại thiết bị này, chỉ tập trung vào cuộc sống thực tế hằng ngày của họ và người thích chui vào phòng tự kỷ với máy tính và các thiết bị công nghệ cao, không thích chơi với người thật. Để trung hòa 2 yêu cầu này, Canon đã tạo ra một hệ thống MREAL dành cho những ai ở giữa, nó là hệ thống Mixed Reality, tạm dịch là thực tại ảo kết hợp. Không giống các hệ thống thực tại ảo khép tín, MREAL sẽ không chỉ hiển thị các hình ảnh AR (Augmented Reality) mà còn tận dụng năng lực xử lý của máy tính để tái tạo các hình ảnh CGI (computer-generated imagery) theo thời gian thực dựa trên thông tin từ môi trường xung quanh. Vì tái tạo kiểu đó cần rất nhiều năng lực xử lý nên cái giá của MREAL cũng rất yêu, chỉ 125.000 đô la Mỹ và khoảng 25.000 nữa để bảo trì, hỗ trợ mỗi năm. Khoan hãy than phiền mức giá đó vì bạn cũng chẳng mua được nó đâu, trừ khi làm cho Boeing hay Audi!
Chắc chắn những gì mình viết ở trên vẫn chưa làm bạn hình dung ra cách MREAL hoạt động, vậy thì chúng ta có thể đi từng bước như sau:- Lấy điện thoại ra(phải là điện thoại thông minh nha, điện thoại thường không có được đâu!)
- Cài một chương trình thực tại ảo (AR - Augmented Reality) bất kỳ và chạy nó.
- Nhìn vào màn hình điện thoại, bạn sẽ thấy những địa điểm ở xa xa theo hướng điện thoại chỉ hoặc một chiếc xe, bình hoa xuất hiện trên không trung... tùy theo chương trình bạn chọn.
- Tiếp theo, hãy để trí tưởng tượng bay cao, bay xa, hình dung bản thân đang đeo 1 cái kính mà thay vì có 2 cái tròng nhìn ra thế giới thì chúng ta có 2 cái màn hình. Do đặt sát mắt nên cứ hình dung bạn đang trong rạp chiếu phim 150".
- Bạn nào từng đeo Google Glass hay Sony HMZ-T1/T2 thì không cần tưởng tượng, cứ coi như bạn đang đeo 2 cái kính đó. Không thì tưởng tượng đang ngồi coi 3D ở rạp bự nhất Megastar Hùng Vương.
Tuy nhiên, do giới hạn của điện thoại mà bạn chỉ thấy vài cục đá hay vài cái ly mà lập trình viên quy định sẵn. Chạm vào, nâng ly lên cũng được nhưng chúng ta không thể thực hiện những thao tác phức tạp hơn như đổi màu cái ly hay coi con khủng long đạp đất rầm rầm, đất cát bay tứ tung... chạm vào chân chúng ta bật ngược trở lại.
Quay trở lại Canon MREAL, nó cũng có 2 màn hình như Sony HMZ-T1, tức là bạn cũng nhìn vào màn hình y bong ở trên, tuy nhiên khi nhìn thấy cái ly thì ta có thể xoay qua xoay lại, lật lên lật xuống, đổi màu cái ly hay đập thử nó vào tường coi vỡ ra sao. 2 camera ở 2 bên kính sẽ liên tục thu hình và đưa về hệ thống xử lý. Canon gồm 2 thành phần riêng biệt là phần kính HM-A1 và hệ thống phần mềm kèm theo MP-100 để xử lý. Như đã nói thì hình ảnh được xử lý theo thời gian thực, tức là máy tính sẽ liên tục dựng các hình ảnh CGI theo những gì bạn chạm vào, ví dụ mở hộp làm bung ra bông hoa thì hoa đó có thể thay đổi màu sắc khi chúng ta chạm vào....
Tương tự, khi bạn dùng phần mềm thực tại ảo thì chúng ta chỉ thấy 1 cái ô tô nằm trơ trọi trong khi với MREAL, bạn sẽ thấy được nó đang nằm trong phòng với ánh sáng chiếu vào, ta có thể cho ô tô nằm trong showroom để xem ánh sáng chiếu vào thế nào, có thể đi vào trong xe để xem từng thành phần hoạt động ra sao, rất chi tiết và dễ hiểu.
Một thử nghiệm khác, khi bạn vào thăm bảo tàng thì sẽ được đeo MREAL, ta sẽ thấy các chú khủng long bay qua bay lại, nhảy nhót tứ tung hay bắt nó chơi nhảy dây nếu muốn trong môi trường phức tạp. Xin nhấn mạnh là tất cả các chi tiết đều được dựng chất lượng cực cao nhằm phục vụ cho mục đích khoa học và nghiên cứu, đặc biệt là ở những công ty cần thử nghiệm nhiều như các công ty ô tô, hàng không hay sản xuất máy... Việc tái tạo trước bằng MREAL sẽ giúp cắt giảm rất nhiều chi phí thử nghiệm sản phẩm mẫu, tiết kiệm cho nhà sản xuất.
Nguồn: Canon, video: Digital Trends