Laptop Acer



Chỉ có Xbox Game Pass là không đủ kiếm tiền, hóa ra Sony với chiến lược "thủ cựu" đã đúng?

P.W
19/2/2024 9:26Phản hồi: 68
Chỉ có Xbox Game Pass là không đủ kiếm tiền, hóa ra Sony với chiến lược "thủ cựu" đã đúng?
Hết bánh chưng giò lụa thì mới có thời gian thực sự ngồi suy nghĩ về tình hình thị trường game hiện giờ, cụ thể hơn là chiến lược kinh doanh của Microsoft với mảng game Xbox của họ, sau khi đã nắm trong tay hàng loạt những nhà phát hành lớn, giữ nhiều thương hiệu được hàng trăm triệu người yêu mến.

Nhắc lại chuyện trước Tết. Khi ấy có những tin đồn nói rằng các quan chức cấp cao của Microsoft không hài lòng với những con số mà mảng game của họ đem về, đặc biệt là với chiến lược khai thác dịch vụ cho thuê game Xbox Game Pass trên hai nền tảng mà Microsoft nắm giữ, Xbox và Windows. Rồi thời điểm ấy có thêm những thông tin hành lang nói rằng những tác phẩm game đáng lẽ chỉ độc quyền trên hai nền tảng kể trên cũng sẽ được mang qua Sony PS5 và Nintendo Switch.



Những tin đồn này ảnh hưởng tới lòng tin của thị trường, của các nhà đầu tư tới cái mức mà sau vài tuần lễ, Microsoft cùng chủ tịch mảng Xbox Phil Spencer buộc phải công bố một sự kiện chính thức để chia sẻ về những kế hoạch kinh doanh trong tương lai của Xbox.

Cụ thể hơn, trong số những thông tin mà Microsoft công bố, sẽ có 4 trò chơi sẽ phát hành đa nền tảng, tức là sẽ lên cả PS5 hay Switch trong tương lai gần: Hi-Fi Rush, Pentiment, Sea of Thieves và Grounded. Nếu anh em chờ đợi những tác phẩm độc quyền trên PC và Xbox xuất sắc lên PS5 như tin đồn thì sẽ phải thất vọng. Nhưng nếu xét một cách rõ ràng, thì tác phẩm duy nhất mà mọi người chờ đợi sẽ phát hành trên PS5 mà đủ sức hút thì chỉ có một cái tên duy nhất: Starfield.


Mà đấy còn chưa kể tới việc, Starfield cũng không hẳn là một kiệt tác hàng triệu người chờ đón trên PS5. Ngay từ cái thời điểm ra mắt trên Xbox và PC, thì Starfield cũng bị coi là một tác phẩm game nhập vai thế giới mở mắc kẹt ở thời kỳ cũ, với cách chơi theo kiểu nhận nhiệm vụ truyền thống. Chiều sâu của game vẫn là thứ ấn tượng, nhưng lại đúng chất một tác phẩm của Bethesda Game Studios, không khác biệt quá nhiều so với Fallout và The Elder Scrolls. Giữa cái thời The Legend of Zelda hay Elden Ring đang tái định nghĩa cách thiết kế và cách chúng ta thưởng thức một tác phẩm game thế giới mở, thì chất điện ảnh và hoánh tráng của Starfield là không đủ.

6463834-Cover-Starfield.webp

Nói dài như vậy, suy cho cùng Starfield hiện giờ cũng chỉ là một ví dụ ở khía cạnh phê bình game để nói tới những vấn đề còn tồn tại với cách kinh doanh mảng game của Microsoft hiện giờ.

Hiểu theo hướng của mình, một người có chơi game, dùng cả hai dịch vụ Xbox Game Pass và PlayStation Plus để thưởng thức game, vừa để giải trí, vừa để gửi tới anh em những đánh giá và chia sẻ về những trò chơi hay, đáng thưởng thức, thì có vẻ như Microsoft đang chọn chiến lược lâu dài để chiếm từng phần miếng bánh thị phần của làng game.

Bước 1 thì đã quá rõ ràng rồi. Họ tận dụng hai hệ sinh thái thiết bị Xbox và Windows, với hàng tỷ thiết bị trên toàn thế giới để đem Game Pass đến mọi người mọi nhà. Bây giờ cứ mở một chiếc laptop mới, đăng nhập tài khoản Microsoft để kích hoạt Windows 11 bản quyền, là lập tức ứng dụng Xbox trong chiếc máy ấy sẽ tặng anh em 1 tháng chơi Game Pass miễn phí với hàng trăm tác phẩm. Mục tiêu là đem Game Pass tới càng nhiều thiết bị, càng nhiều tài khoản càng tốt.

Nhưng đến bước 2 thì Microsoft lại gặp vấn đề cố hữu, gọi là tâm lý người tiêu dùng. Sau khi đã có được số lượng tài khoản đăng ký ở tầm mơ ước đối với mọi dịch vụ trực tuyến, thì cái khó kế tiếp của Microsoft là làm cách nào để giữ chân ngần ấy người dùng và thu tiền của họ hàng tháng. Đến đoạn này có thể đưa ra phép so sánh giữa Xbox Game Pass với Netflix.

xbox-game-pass-long-copy-featured.webp

Không ai ở Microsoft thừa nhận điều này, nhưng rõ ràng có thể thấy sự tương đồng giữa cách Netflix và Xbox Game Pass vận hành, cũng như mục tiêu tương lai của Microsoft với chiến lược kinh doanh game, cả phần mềm từ các nhà phát triển dưới quyền, lẫn phần cứng máy chơi game. Với Game Pass, chúng ta có một dịch vụ với hàng trăm trò chơi tùy chọn, cứ đóng vài USD một tháng là chọn chơi thoải mái. Nghe rất giống Netflix với thư viện hàng nghìn bộ phim và series cho anh em tha hồ quẹo lựa thưởng thức đúng không?

Quảng cáo



Vấn đề nó lại nằm ở chỗ này. Chọn game chơi hoàn toàn không giống như việc chọn phim để xem. Thói quen của phần đông là nhắm một trò chơi để chơi lâu dài, chứ không phải hôm nay xem giải trí một phim, mai lại chọn một phim khác. Ngay cả với những tác phẩm indie hay, thì tâm lý chung là sẽ thưởng thức nó trong một khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần, phụ thuộc vào việc thời gian rảnh của anh em nhiều cỡ nào.

61812df4-5d10-4369-b31c-257debcc98de.jpg

Rồi tới khi một quả bom tấn ra mắt trên Xbox Game Pass ngay ngày phát hành, đương nhiên sức hút của chúng sẽ khiến số lượng CCU và số lượng tài khoản đăng ký đóng tiền chơi game trên Game Pass tăng đột biến. Nhưng cái lợi trước mắt ngắn hạn này tạo ra hai tác hại mà Microsoft đến giờ vẫn chưa tìm ra cách giải quyết.

Đầu tiên, là sau khi sức hút của trò chơi đã nguội bớt, số lượng người chơi còn gắn bó với những cái tên như Halo hay Starfield, thì cả CCU lẫn doanh thu hàng tháng của Xbox Game Pass mặc định bị ảnh hưởng. Và thứ hai, bản chất doanh thu cả quý, cả năm của Xbox cũng sẽ bị ảnh hưởng từ thói quen thưởng thức game có phần truyền thống của số đông.

Bản thân những nguyên nhân và hệ quả trên đây còn liên quan tới một yếu tố cực kỳ quan trọng: Chất lượng game mà các hãng dưới mái nhà Xbox Game Studios phát triển.

b13920ead5f5a680390a2e29554492f4c13e-1920xt1080.jpg

Quảng cáo



Halo Infinite ổn, nhưng không đủ giữ chân người chơi lâu dài để biến player base trở thành nguồn thu đều đặn cho Xbox Game Pass. Những tác phẩm khác với sức hút thấp hơn như Ori, Sea of Thieves hay Hi-Fi Rush thì không tạo ra lượng người chơi đủ lớn để tạo ra khác biệt. Redfall thì, à mà thôi…

Còn nếu muốn trở thành nền tảng để những người chơi Diablo hay Call of Duty lựa chọn thì Microsoft sẽ mất ít nhất chục năm nữa khi những thỏa thuận chống độc quyền mà họ ký với Nintendo, với Sony hay Ubisoft hết hiệu lực, những động thái làm yên lòng các nhà quản lý, để thương vụ sáp nhập với Activision Blizzard hoàn tất vào tháng 10 năm ngoái.

Nhưng cho tới lúc đó, thì cả Nintendo lẫn Sony đều có đầy đủ thời gian để tiếp tục phát triển, tiếp tục trở thành những nền tảng quy tụ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu người dùng trên toàn thế giới. Đó là những hệ sinh thái mà Microsoft rồi sẽ không thể làm ngơ, hoặc “cách ly” khỏi những series game đem về hàng tỷ USD mỗi tháng của Activision Blizzard hay ZeniMax.

MWIII-REVEAL-FULL-TOUT.jpg

Có một yếu tố mà Microsoft đang cố hết sức để thay đổi, thứ mà trong tiềm thức của chúng ta đều hiện hữu nhưng chẳng mấy khi được đề cập một cách rõ ràng cụ thể. Đó chính là sự trung thành của một người với một nền tảng. Anh em lớn lên với PS1, đi học rồi về rẽ vào quán PS2, lên đại học sở hữu PS3, đi làm mua PS4 rồi bây giờ là PS5, thì khả năng rất cao là khi PS6 ra mắt, anh em vẫn sẽ chọn nền tảng ấy để tiếp tục thưởng thức game. Mà đấy còn chưa kể đến chuyện nếu một nhóm bạn chơi game, họ sẽ có xu hướng chọn chung nền tảng để dễ dàng kết nối và mời nhau chơi game, bất chấp việc cross-platform giờ đã quá phổ biến.

Điều tương tự cũng đúng với Nintendo ở nhiều quốc gia phương Tây. Còn với Xbox, khi mà doanh số máy, kể cả khi có hai phiên bản Series X và Series S vẫn thua PS5 với tỷ lệ 1:2 trên toàn cầu, thì ngay cả khi kết hợp với Windows, Microsoft cũng sẽ gặp khó khi thuyết phục người chơi game trên toàn thế giới “chuyển hệ”.

Hy vọng của Microsoft, như đã nói, là đường dài.

7ec25a66-f058-4fb4-b055-816546ad2594.jpg

Gần đây có một thông tin nói rằng, một vị giám đốc cấp cao của Microsoft đã tuyên bố rằng tập đoàn này muốn biến mọi thiết bị có màn hình trở thành một “chiếc máy Xbox”. Điều đó ám chỉ mục tiêu đẩy mạnh dịch vụ stream game đám mây trên mọi nền tảng, Xbox Cloud Gaming. Nhưng đến tận bây giờ, khi công nghệ viễn thông 5G đã trở nên phổ biến, thì những dịch vụ chơi game đám mây vì nhiều lý do vẫn chưa thực sự thay đổi được cuộc chơi. Tuyệt đại đa số vẫn cần tới sức mạnh xử lý local của những con chip bên trong những thiết bị họ sở hữu. Ví dụ tiêu biểu: Resident Evil Village và Resident Evil 4 chạy local trên con chip A17 Pro bên trong chiếc iPhone 15 Pro ra mắt năm ngoái.

Chờ được tới lúc Xbox Game Pass vừa có game hay, vừa có độ phủ đủ lớn để tạo ra doanh thu ổn định, và dịch vụ Xbox Cloud Gaming thực sự bùng nổ trên toàn thế giới, sẽ là khoảng thời gian không mấy vui vẻ với những người làm tổng kết báo cáo tài chính mỗi quý và mỗi năm ở Microsoft.

Đồng ý rằng canh bạc của Microsoft với Xbox sẽ có khả năng, xin nhắc lại là có khả năng, thành công trong vòng 5 đến 10 năm tới. Nhưng khi con số báo cáo tài chính không quá ấn tượng, những mảng khác của Microsoft như Windows hay Azure phải gánh doanh thu giúp Xbox, lòng tin của thị trường chắc chắn sẽ bị lung lay.

-1x-1.jpg

Bỗng nhiên nhìn thấy cách phát triển và kinh doanh game có phần thủ cựu của Sony và Nintendo, làm game bom tấn rồi bán giá 50, 60 hay thậm chí 70 USD cho người dùng lại đang là chiến lược hợp lý nhất ở tầm ngắn hạn. Xét trên quan điểm của người chơi game, Sony hay Nintendo đã đúng ở một điểm, đó là bất kỳ lúc nào một trò chơi dạng first party do studio dưới quyền ra mắt, sức hút của nó luôn đủ lớn để lôi kéo người chơi bỏ hàng chục USD để mua về thưởng thức ngay ngày đầu tiên.

Nhìn doanh số của God of War: Ragnarok hay The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom là đủ chứng minh thực tế đó. Cái góc nhìn “thủ cựu” ở đây là Sony và Nintendo không đưa game mới lên bất kỳ dịch vụ thuê game hàng tháng nào, trái ngược hoàn toàn với lòng tin của Microsoft.

Vậy là, Microsoft đang trong cuộc chơi đốt tiền để vừa kiếm user, vừa kiếm doanh thu. Gần đây có những tuyên bố khá đúng đắn từ nhiều quan chức ngành game, đó là quy trình phát triển một tác phẩm bom tấn giờ càng lúc càng khó bền vững.

i-gamedev.jpg

Đại ý mình hiểu tuyên bố ấy như thế này. Các nghệ sĩ, đạo diễn, lập trình viên và nhà thiết kế làm ngày làm đêm trong vòng 5 đến 6 năm liên tục để tạo ra một trò chơi mới. Khoảng thời gian để làm ra một trò chơi càng lúc càng lâu vì những yêu cầu về chất lượng của cả trò chơi lẫn chất lượng đồ họa, tác động trực tiếp của cuộc đua sức mạnh phần cứng thiết bị chơi game, từ console đến PC. Rồi khi tác phẩm mới ra mắt, hoặc sẽ hoàn vốn và kiếm lời từ việc bán game, phải đạt con số mấy trăm nghìn bản ở mức tối thiểu để hoàn vốn chẳng hạn.

Áp lực đối với đội ngũ lao động và áp lực kinh doanh với game càng lúc càng lớn, khi những dự án game kinh phí hàng trăm triệu USD càng lúc càng phổ biến. Đó là điều rõ ràng.

Còn với Microsoft, họ chấp nhận đốt cả tiền lẫn thời gian phát triển của nhân sự các studio để mở rộng dịch vụ Xbox Game Pass. Mình dám khẳng định, nếu vì giá rẻ mà cả lượng người chơi lẫn doanh thu hàng tháng từ Xbox Game Pass cao hơn cách bán game truyền thống, thì không có lý do gì Microsoft không công bố những thông tin ấy để tạo dựng niềm tin cho thị trường cả.

Nhưng khá chắc là Microsoft đang đốt tiền.

Gear-Xbox-vs-PS5-1230432282.webp

Thành ra câu hỏi bây giờ là, nhìn về lâu dài 10 năm hoặc hơn, Xbox Game Pass và chiến lược thâu tóm hàng loạt studio lớn để làm game độc quyền của Microsoft có tiềm năng thành công và thống trị thị trường. Nhưng chiến lược ấy sẽ mất bao nhiêu thời gian, và đến lúc nào thì những vị giám đốc cấp cao trong tập đoàn cảm thấy nản và tái cơ cấu cách Xbox kinh doanh?

Chắc chắn 4 trò chơi chuẩn bị phát hành đa nền tảng chỉ là một trong số những cái tên đầu tiên mà Xbox đem qua Switch hay PS5. Bất chấp lời hứa rằng Xbox sẽ tiếp tục phát triển, sản xuất và bán máy console, lấy gì đảm bảo kế hoạch ấy sẽ được thực hiện vào năm 2027, để Microsoft không trở thành một Sega thứ hai, tụt hậu trong cuộc chơi máy console, để giờ trở thành một nhà phát triển và phát hành game đúng nghĩa đen?
68 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Copilot
Dưới đây là tóm tắt bài viết trên trang web Tinhte:

Bài viết phân tích chiến lược kinh doanh của Microsoft với mảng game Xbox, đặc biệt là dịch vụ cho thuê game Xbox Game Pass.

Bài viết so sánh Xbox Game Pass với Netflix, và chỉ ra những khó khăn mà Microsoft gặp phải khi muốn giữ chân người dùng và tăng doanh thu từ dịch vụ này.

Bài viết cũng đề cập đến những tin đồn về việc Microsoft sẽ đưa một số trò chơi độc quyền của Xbox lên các nền tảng khác như PS5 hay Switch, và nhận định rằng đây là một bước đi cần thiết để tăng cường thị phần.

Bài viết kết luận rằng Microsoft đang chọn chiến lược lâu dài để thống trị thị trường game, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro và áp lực, trong khi Sony và Nintendo vẫn duy trì được cách kinh doanh truyền thống và hiệu quả.
------------

Đến một lúc nào đó mà mọi người chỉ muốn "mì ăn liền", mọi thứ từ Hình ảnh, Video đều tạo sinh ra, sáng tạo thuần túy bị giết chết. Thì lấy đâu ra tư liệu để tạo sinh.
@cloud5trike Bạn tôi cứ lo xa hihi
@cloud5trike Ok ngắn gọn =]]
Chưa bao h thấy MS làm cái j ngon hơn dc Win hay Office:

Smp thì nửa vời

Games thì đứng đẩu đầu đâu: PC có Steam, Console có Sony vs Nintendo

Surface thì mãi chưa định hình dc. Làm trc ng ta bản arm rồi cũng là đứa khai tử sớm nhất.
@zzvilzz Vậy ông đọc lại cmt ông đi, ông phân tích tưngg mảng của MS chứ có nói riêng mảng Cônsole à ??
zzvilzz
TÍCH CỰC
7 tháng
@tjmban8phuong Vậy là anh không nắm tôi quote bài của ai rồi. Thanh niên kia vào nói MS còn mấy mảng khác như cloud, IDE, ngôn ngữ lập trình nữa. Từng mảng tôi vào quote rất rõ ràng chứ không hề nói lan man sang chủ đề khác nhé. Và tôi nói cái nào nói vào trọng tâm chứng minh thanh niên kia chém gió chứ không biết gì về những thứ anh ta đang nói hết.
Còn bạn, bạn vào quote vài tôi về vụ AWS xong quay qua AI, rồi giờ quay về nói tổng thế. Bạn có thấy mình lạc đề không?
Rồi đó, bạn thích tổng thể tôi đem con số cụ thể ra so sánh đó. MS của bạn có vượt được thằng Amazon chưa vậy. Thua cả về độ tăng trưởng lẫn doanh thu. Rồi giờ bạn tính so cái gì tiếp đây?
@zzvilzz Bạn quote chê từng mảng của MS thì tui nói bạn ko nhìn tình hình thực tế đúng rồi
zzvilzz
TÍCH CỰC
7 tháng
@tjmban8phuong Nhìn tình hình thực tế không đúng chỗ nào vậy?
Làm cái gì cũng thành công thì bá quá. Có thành công thì cũng có thất bại. Cứ chờ xem thế nào.
Dài, lan man…bỏ qua
phamithai
ĐẠI BÀNG
8 tháng
Bác viết dài một cách quá mức ấy, mình kiểu người thích đọc, nhưng đề tài bác chọn cũng thuộc dạng khô quá, cộng với viết dài quá thành ra vô cùng khó để theo dõi, thêm ở tinh tế không làm đc đề mục hay sao nhỉ, có đề mục tô đâm sẽ dễ cho người đọc biết luận điểm gì muốn nói để theo dõi
Bài lê thê vl phải nhờ copilot tóm lại, nhưng đúng ở mô hình kd như Netflix. Cái MS đang cần có như Netflix là những IP có thể tạo trend/phenomenon để thu hút subscriber 😀
MS giờ bán game ở mọi nền tảng, nhưng vẫn có Game Pass cho chơi sub hàng tháng 😁
Trẻ trâu tik tok sẽ không thích bài này 🤣
Mình thì cho rằng mấu chốt là ở chất lượng game độc quyền. Mic không thể so với Nin hay Sony được ! Gần đây vung tiền mua studio nhưng chưa thấy phát huy tác dụng. Thời gian sắp tới thì chưa biết thế nào.
comi
ĐẠI BÀNG
8 tháng
Tôi thì nghĩ MS đã bỏ qua một mảnh đất màu mỡ: Xbox handheld. Cứ nhìn Steam, Asus rồi Lenovo nối gót Anyo làm handheld pc thì rõ thị phần này hứa hẹn như thế nào. Rồi Sony cũng phải chuyển mình với Portal.

Nintendo đi đầu với handheld, chứng minh mobile gaming không phải đã chết trong kỷ nguyên smartphone thì những kẻ nối gót ai chậm chân hơn sẽ thất thế lớn.
@comi có thể gen 9, Xbox sẽ làm handheld, đang có tin đồn, và Phil cũng bấm like tweet trên Twitter một bài viết về việc Xbox làm handheld, ko biết có bắn hint gì ko nhưng xu hướng mobile là điều ko thể tránh khỏi, handheld sẽ là dạng hybrid tốt nhất của mobile
Chỉ có đi la liếm iOS xài chùa ko cắt phế mới là mảnh đất màu mỡ
Bài viết này sai, thứ nhất 4 tựa game lên PS và Switch vẫn chưa được xác nhận chính thức, thì đừng có ghi Hi-Fi Rush, Pentiment, Sea of Thieves và Grounded như đúng rồi.

Cái thứ 2 là nếu bài viết này có tồn tại, thì nhớ dịch thêm bài này cho anh em Tinh Tế thấy đủ đường nhé: https://www.cnbc.com/2024/02/19/sony-gaming-margin-questioned-after-ps5-sales-cut-sparks-stock-plunge.html


Bởi trên thực tế, Sony cũng đang đau đầu với PlayStation, vì dù game có bán chạy thì lợi nhuận biên vẫn rất thấp, và chỉ cần 1 tựa game flop thôi là xác định, không phải cứ là game độc quyền 3A đỉnh cao là có lợi đâu. Nên ngay cả việc nói Xbox Game Pass không đủ kiếm tiền cũng chưa chắc đúng, Phil từng nói là là nó vẫn đang kiếm tiền ổn thì chừng nào chưa có tin xác nhận nó tệ thì tất cả chỉ là suy đoán.

Trong khi gần đây COO của Sony đã nói rằng tiền kiếm về khủng đấy nhưng lợi nhuận hoạt động giảm tới 25%, nên suy cho cùng Day and Date game PS sẽ lên PC là chuyện 1 sớm 1 chiều,

Vốn dĩ xưa này, Sony hay bắt chước các nước đi của Mircosoft, và không bất ngờ trong tương lai nếu game của PS cũng lên PC ngay ngày đầu tiên.
vdo11
ĐẠI BÀNG
8 tháng
@phonghoangnguyen bữa CEO Sony còn nói sẽ tăng mạnh mang game Playstation lên các nền tảng khác để tăng lợi nhuận nữa. Ko nghĩ bác Phong lại có tham gia tinh tế nữa chứ :v
OSUAlum
ĐẠI BÀNG
8 tháng
@phonghoangnguyen Còn điều nữa là sau tháng 9 năm 2023 (cũng mới được vài tháng) nên chưa tác động quá rõ đến thị trường nhưng trên các diễn đang đã xuất hiện khá nhiều ý kiến tẩy chay PS do tăng giá tới 30% phí membership dù cho nó có đi kèm với games. Chờ thêm khi các tài khoản tháng 8 sẽ phải renew thì sẽ biết lượng người dùng PS có còn ngon không
@vdo11 cảm ơn bạn nhận ra mình, mình ko nhận ra bạn là ai, nhưng chắc bạn có xem kênh Phá Đảo của mình =))
johnnovi
ĐẠI BÀNG
8 tháng
Hằng tháng bỏ một khoảng tiền chỉ để chơi 1 game thì đâu có đáng. Hơn thế nữa, Steam và Epic game khuyến mãi những dịp lễ thì đáng mua hơn nhiều. Không có gì mãi mãi, chỉ có lợi ích của chúng ta là bền lâu.
Dùng qua mấy đời đến con này thì chỉ dùng 1 mình nó
20240219-203251.jpg
@itxuankha GTA 4, good taste, good taste
The rich
ĐẠI BÀNG
8 tháng
Tới nay thì đã sở hữu 3 hệ máy xbox là 360, one và serie X. Cảm thấy hơn cả hài lòng. Mình thích xbox vì tay cầm nó phê. Ps5 cũng tuyệt nhưng chơi ké thằng bạn cũng được.
@The rich hiếm người như bác ở VN này, chuộng Xbox hơn PS, mình cũng vậy, form factor của Xbox thuộc tầm top 1, nhưng game thì chưa đủ cạnh tranh nên PS vẫn là dominant
qhuy1992
ĐẠI BÀNG
8 tháng
Lúc đi học thì còn mặn mà với PS hay Xbox chứ giờ đi làm với có gia đình rồi thì 1 tuần chơi được cỡ 2-3 tiếng là cùng nên cũng hết muốn mua máy về để chơi game chứ đừng nói là mua Pass =)))
ahxdtngh
TÍCH CỰC
8 tháng
@qhuy1992 Bác này nói đúng này. Tôi mua không biết bao nhiêu game trên Steam rồi nhưng cũng chỉ là để thoả mãn đam mê vào xem với sưu tầm chứ không có thời gian chơi. Kể cả có thời gian chơi thì vào game cảm xúc cũng chai sạn không còn thích thú háo hức như hồi trẻ nữa 😔
Tay mod này thích xài câu từ theo kiểu cố bôi thêm chữ cho câu văn dài lê thê ra trong khi ý tứ thì chả có bao nhiêu. Mà buồn cười một nỗi là những cái điều mà hắn ta bôi ra toàn là những cái mà ai cũng biết. Làm nhớ đến nhân vật Cao Cầu trong Thủy hử
Cười vô mặt
@daugauhp911 Nói mãi k sửa, khổ
Nói cho dài dòng, tóm lại chỉ là thiếu game độc quyền hay mà thôi. Cứ thử ra mắt game độc quyền xuất sắc mà chỉ chơi được trên Xbox Game Pass xem.
TheHardGuy
ĐẠI BÀNG
8 tháng
Bài viết dài dòng, dùng từ loạn xạ... góp nhặt thông tin lại nhưng khi viết thì tỏ ra "nguy hiểm" nên đọc trc sau chả vô đâu 🙂 ->>> nhưng méo hiểu thế nào tôi vẫn đọc hết cái bài này ta 🤔
@TheHardGuy Đọc lấy thông tin ấy bác, chứ cái logic cha này viết thực sự khiến ng đọc suffer

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019