TTBC2024

TTBC2024


[Chia sẻ] Sử dụng bóng đèn thông minh: tiện lợi ra sao và bất tiện chỗ nào?

Duy Luân
10/7/2015 10:28Phản hồi: 77
[Chia sẻ] Sử dụng bóng đèn thông minh: tiện lợi ra sao và bất tiện chỗ nào?
Tinhte_chia_se_ve_bong_den_thong_minh_HEADER.jpg
Trong thời gian gần đây chúng ta được nghe nói khá nhiều về cụm từ bóng đèn thông minh, hay bóng đèn có khả năng kết nối với thiết bị di động (qua Bluetooth, Wi-Fi hoặc các kết nối không dây khác). Đây là một loại đồ chơi công nghệ bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng 2 năm trước, và giờ thì trên thị trường đã có khá nhiều các loại mắc rẻ cho chúng ta lựa chọn. Mới nghe thì có vẻ đã, nằm một chỗ xài điện thoại tắt mở, chỉnh chỉnh đèn, cho chớp chớp theo nhạc. Nhưng liệu mọi thứ có sướng như những gì chúng ta nghĩ? Mình đã bắt đầu xài smart bulb từ hai năm qua và có vài chia sẻ với các bạn về trải nghiệm, những cái sướng cũng như các điểm bất lợi của bóng đèn thông minh, ngoài ra còn có vài tiêu chí cần để ý khi chọn mua loại thiết bị này.

1. Mua và lắp đặt


Mình sắm được cái bóng đèn thông minh đầu tiên của mình ở Đài Loan, thời đó thì loại thiết bị này mới bắt đầu nổi lên nên tại Việt Nam rất khó tìm. Sản phẩm mình mua có tên là Gunilamp. Anh em có thể tham khảo bài trên tay của mình để biết thêm chi tiết. Ngoài ra mình còn có dịp xài thử 1 bóng Philips Hue, 1 bóng Samsung Smart Bulb và 1 bóng của hãng MiPow xách từ Mỹ về.

Loại bóng này sử dụng chuôi vặn E27, tức là chuôi tiêu chuẩn nên có thể gắn vừa vào hầu hết các đế đèn hoặc cây đèn gia dụng ở nước ta. Đèn gắn tường cũng chơi được luôn. Lưu ý là còn một loại chuôi nhỏ hơn mang tên E14 cũng được khá nhiều hãng đồ gia dụng xài, anh em nhớ coi trước đế đèn ở nhà mình dùng loại nào để chọn mua chuôi của bóng đèn thông minh cho phù hợp. Nếu ra tiệm điện thì chỉ cần nói "chuôi lớn" thì người ta sẽ biết là E27, "chuôi nhỏ" là ám chỉ E14.

Den_thong_minh_Philips.jpg

Đèn thông minh Misfit Bold​

Nói về loại bóng thì cái của mình dùng là bóng LED. Hiện tại tất cả mọi bóng đèn thông minh mà từng thấy cũng như từng dùng qua đều xài công nghệ LED cả, không còn dùng loại compact hay dây tóc. Lợi ích của bóng đèn LED đó là cực kì tiết kiệm điện và tỏa nhiệt ít, ngoài ra tuổi thọ cũng lâu hơn những bóng truyền thống, tiết kiệm chi phí hơn. Công suất của bóng là 10W, đủ dùng thay đèn vàng thôi chứ chưa thể thay cho bóng neon hay bóng có cường độ sáng cao. Mình sẽ nói rõ hơn về công suất ở bên dưới.

Sau khi mua về thì việc lắp đặt bóng không có gì khó khăn. Trên tường mình đã có sẵn một cái đế dành cho bóng đèn compact cũ rồi, chỉ cần gỡ bóng cũ ra rồi gắn bóng thông minh vào là xong. Quá trình này cũng sẽ tương tự cho hầu hết các bóng thông minh khác trên thị trường, từ những hãng tên tuổi như Philips, Misfit cho đến những nhà sản xuất nhỏ hơn.

2. Sử dụng bóng đèn thông minh: sướng và khổ


Giờ thì đã lắp đặt xong rồi, bắt đầu dùng thôi. Do đây là bóng thông minh nên để điều khiển được nó thì bạn sẽ cần đến một app trên smartphone hoặc tablet. Bóng Gunilamp lúc trước chỉ có app cho iOS, mãi sau này mới có app cho Android. Bóng đèn Philips Hue, bóng của MiPow hay Misfit thì có sẵn app cho cả iOS và Android. Thường nhà sản xuất sẽ cung cấp link hoặc mã QR để bạn có thể quét và cài ngay app từ App Store và Play Store. Cài xong thì đến giai đoạn ghép nối, hầu hết các bóng thông minh mình từng dùng qua đều có quy trình ghép nối bóng đèn với mobile khá đơn giản và nhanh chóng, không có gì phải phàn nàn.

Den_thong_minh_MiPow.jpg
Bóng đèn thông minh của MiPow có tích hợp loa

Để kết nối với điện thoại, hầu hết các bóng thông minh sẽ dùng Bluetooth hoặc Wi-Fi. Đây là hai kết nối phổ thông mà nhiều nhà có, nhiều thiết bị có, tầm phủ sóng cũng tương đối tốt. Riêng bóng Philips Hue thì dùng kết nối ZigBee: bóng đèn sẽ nối ZigBee với cục trung tâm, rồi cục trung tâm giao tiếp với smartphone, tablet thông qua Wi-Fi.


Nói về cái sự "thông minh", hầu hết những bóng đèn thông minh hiện nay đều có những thứ cơ bản sau:
  • Cho phép bật tắt đèn từ mobile
  • Cho phép đổi độ sáng
  • Cho phép đổi màu đèn (vài bóng MiPow không làm được)
  • Gài giờ để bật tắt đèn, ví dụ như tự tắt vào 12 giờ đêm và tự bật lại vào 6 giờ sáng
  • Chạy các chế độ chớp tắt, sáng tối hay đổi màu tự động, phù hợp khi muốn "quẫy" tiệc tại gia hay muốn tạo không khí sôi động
  • Một số hãng như Philips cho phép điều khiển nhiều bóng đèn cùng lúc, có thể lên đến cả chục bóng trong một nhà
Tất cả những tính năng nói trên đều phải thực hiện thông qua điện thoại di động hoặc máy tính bảng, và đây vừa là ưu điểm nhưng cũng chính là nhược điểm đầu tiên của smart bulb. Ưu ở tính tiện dụng: có nhiều thứ để tinh chỉnh cho nhiều tình huống khác nhau. Ví dụ để đọc sách thì bạn tăng sáng lên, khi dẫn bạn gái về nhà thì để đèn mờ mờ chút xíu. Khi mở tiệc thì chơi đèn đỏ tím xanh vàng cho vui, lúc ở một mình buồn buồn thì chuyển qua màu hồng hoặc tím mộng mơ.

Quảng cáo



App_dieu_khien.jpg
Giao diện điều khiển màu, độ sáng đèn của Philips Hue

Ngoài ra, nếu nhà rộng, bạn còn có thể sử dụng đèn thông minh để điều khiển nhiều bóng cùng lúc. Những tính năng như hẹn giờ tự động tắt mở cũng giúp ích khá nhiều cho những bạn nào hay quên tắt đèn trước khi ngủ. Nói cách khác, bạn có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các bóng đèn của mình, không chỉ là tắt mở đơn thuần như bóng compact hay bóng dây tóc nữa.

Nhưng mỗi lần đổi màu hay tăng giảm độ sáng như thế, mình lại phải đi tìm cái điện thoại của mình, chạy app lên, chờ vài giây để kết nối, rồi lại phải đi qua một đống menu trước khi tới được tính năng cần chỉnh. Trải nghiệm này thật sự không dễ chịu tí nào, nhất là khi bạn đang cần chỉnh gấp, hay những lúc đi làm về đã mệt rồi mà còn phải chỉnh cả đống thứ như vậy thì thật là không vui.

Một giải pháp khả thi để vẫn có thể xài bóng thông minh nhưng không cần đến điện thoại đó là xài remote. Với một chiếc remote, bạn sẽ điều khiển bóng đèn giống như là điều khiển TV hay đầu đĩa, máy lạnh. Remote có thể hoạt động ngay tức thời, bỏ qua hết mọi giai đoạn khởi động hay chạy app phức tạp. Ngay cả khi đang rất mệt mỏi thì bạn cũng chỉ cần nhấn một hai nút trên remote là xong. Một số hãng như Philips và các công ty nhỏ có đưa ra lựa chọn điều khiển bằng remote cho sản phẩm của mình, trong khi các hãng lớn còn lại như Misfit, Samsung, LG thì đều phải dùng app trên di động, không thấy bán remote. Nếu có thì cũng chỉ cho mục đích trưng bày chứ không bán cho người dùng.

Philips-Hue-Tap.jpg
Remote riêng dùng với bóng Philips Hue

3. Giá bán và việc tìm mua

Quảng cáo



Chắc chắn là hiện tại bóng đèn thông minh không hề rẻ so với việc xài bóng không thông minh. Kể cả bóng đèn LED đời mới không thông minh thì vẫn rẻ hơn khá nhiều so với bóng có kết nối Bluetooth hoặc Wi-Fi. Bóng Gunilamp mình mua có giá khoảng 45$ hồi năm 2013, Philips Hue thì bán bộ 3 bóng kèm cục trung tâm giá 199$ (có bán bóng lẻ khoảng 20$/bóng nhưng bạn phải có sẵn cục trung tâm mới được), bóng MiPow tích hợp loa Bluetooth có giá khoảng 80-90$, bóng Misfit Bolb thì khoảng 50$.

So với con số 150.000 đến 255.000 đồng của các bóng LED Điện Quang, Rạng Đông hay 270.000 đồng của LED Philips thì rõ ràng chênh lệch giữa bóng thông minh và không thông minh là rất lớn. Nếu bạn chỉ mua 1 bóng thì có thể cũng không là vấn đề gì, nhưng bạn cần gắn nhiều bóng cho nhiều phòng trong nhà thì đây là một khoản đầu tư không hề nhỏ mà bạn cần cân nhắc kĩ. Trong khi đó, với số tiền tương tự, bạn đã có thể gắn được cả một dàn bóng LED bình thường đáp ứng đầy đủ nhu cầu chiếu sáng của gia đình, chỉ không được cái sướng là nằm điều khiển từ xa mà thôi.
Gunilamp.jpg

Nhưng ngay cả khi có tiền thì việc tìm mua bóng LED thông minh ở Việt Nam cũng có khá khó khăn. Thường bạn sẽ phải đi mua ở những chỗ chuyên bán đồ chơi công nghệ hay nhờ người xách tay từ nước ngoài về chứ mình chưa thấy chỗ nào bán chính hãng ở nước ta cả. Mà mua xách tay như thế thì bạn phải chịu rủi ro đó là lỡ như bóng bị hỏng thì sẽ không được bảo hành ở Việt Nam, bạn buộc phải gửi ngược lại nơi mua để bảo hành, lúc đó rất tốn tiền cũng như tốn thời gian của bạn. Chưa kể đến rủi ro dễ bị vỡ, hỏng bóng trong lúc vận chuyển nữa.

4. Mình vẫn muốn mua bóng đèn thông minh, nên chọn thế nào?


Nếu bạn vẫn quyết định mua bóng đèn thông minh, có một số lưu ý sau:

1. Chọn chuôi đèn cho phù hợp với đế hay cây đèn ở nhà. Như đã nói ở trên, chúng ta có hai loại chuôi phổ biến là E27 và E14, trong đó hầu hết các bóng thông minh đều dùng E27 (có loại dùng E26, không sao, vẫn có thể gắn vào chuôi 27 được). Thông tin này có ghi rõ trên trang web của nhà sản xuất. Bạn nhớ coi kĩ đế đèn của mình ở nhà có phải là E27/26 hay không thì hẵn mua, chứ mua về mà không dùng được thì phí.

2. Điện thế đèn: hầu hết các bóng đèn thông minh đều có thể tương thích với điện 110V đến 230V, tức là có thể dùng với mọi nơi trên thế giới. Nhưng dù gì đi nữa thì bạn cũng nên kiểm tra lại thông số về điện thế trước khi mua, lỡ mua phải bóng 110V ở Mỹ thì về Việt Nam sẽ không thể xài được do nước ta dùng điện 220V.

3. Công suất đèn: công suất ở đây được biểu thị bằng Watt (W). Thường thì công suất càng lớn thì bóng đèn sẽ càng sáng hơn, nhưng điều đó không nhất thiết phải đúng do hiệu suất phát quang của chip LED bên trong sẽ khác nhau. Chủ yếu Watt sẽ cho bạn biết về mức độ tiêu thụ điện của đèn. Nhìn chung bạn có thể chọn bóng khoảng 6-8W cho nhu cầu chiếu sáng nhẹ buổi tối hay thắp sáng phòng ăn, còn nếu để chiếu sáng cho nhu cầu làm việc, đọc sách thì nên chọn công suất khoảng 10W trở lên.

Cũng liên quan đến công suất, có thể bạn sẽ thấy một thông số gọi là “công suất quy đổi” hay “công suất tương đương". Ví dụ: công suất bóng LED 10,5W - công suất tương đương 85W. Dòng này có nghĩa là bóng LED chỉ tốn 10W điện để có thể phát sáng bằng với một bóng dây tóc vốn phải dùng đến 85W điện.

4. Độ sáng: độ sáng này không phải đo bằng Watt mà đo bằng Lumen. Về cơ bản thì con số Lumen càng lớn là độ sáng càng mạnh. Tất nhiên, nếu bạn dùng nhiều bóng thì sẽ phải tính đến chuyện các bóng LED sẽ cùng phối hợp chiếu sáng với nhau như thế nào nữa. Điều này thì bạn nên lấy lời khuyên từ những chuyên gia thiết kế chiếu sáng thì sẽ tốt hơn vì nó còn tùy thuộc vào kiến trúc nhà, nhu cầu chiếu sáng ra sao và nhiều yếu tố khác.

Philips_cau_hinh_den_LED.png
Ví dụ về cấu hình đèn LED của Philips

5. Khả năng tương thích: hầu hết các bóng đèn thông minh hiện nay đều có app cho Android và iOS, không quá lo lắng. Nếu bạn chỉ dùng điện thoại Windows Phone thì nên để ý xem bóng có hỗ trợ kết nối với thiết bị của mình hay không. Cũng cần để ý đến thời gian ra mắt app của các hãng, nhất là nếu bạn mua sản phẩm từ những công ty nhỏ. Như đã nói ở trên, lúc đầu Gunilamp chỉ có app cho iOS thôi, tận 1 năm sau họ mới làm app cho Android.

Nếu bạn cảm thấy ngại khi phải xài thiết bị di động để điều khiển thì cũng nên cân nhắc chọn mua các bóng dùng remote riêng. Bạn có thể xem vài mẫu ở trang bán hàng của Amazon, hoặc coi ví dụ về Philips Hue và remote.

6. Tuổi thọ: không riêng gì đèn thông minh mà cả các đèn LED gia dụng hiện nay đều có tuổi thọ từ 35.000 đến 50.000 giờ. Giả sử một ngày bạn mở đèn 8 tiếng thì phải 11 năm bóng mới đến tuổi thọ của mình. Mà đến tuổi ở đây không có nghĩa là hư không còn xài được, chỉ là độ sáng của bóng đèn LED sẽ giảm còn 70% so với khi mới mua về mà thôi. Thời gian để bóng bị chết hẳn còn lâu hơn. Nói tóm lại, nên chọn bóng có tuổi thọ càng cao càng tốt.

Hi vọng bài chia sẻ của mình sẽ giúp được các bạn trong việc có hay không nên mua đèn LED vào thời điểm này, và nếu chọn mua thì nên để ý đến những chi tiết gì. Mời các bạn cùng chia sẻ thêm kinh nghiệm cũng như ý kiến của mình về các bóng LED thông minh nhé.
77 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

bác Duy Luân chụp hình và video đèn đang xài để xem độ sáng cái bác
@cardmanhinh.com Như thế thì sẽ bị ảnh hưởng bởi độ nhạy ISO (nếu để tự động) của máy quay/máy ảnh/điện thoại và nhiều thông số khác khi chụp ảnh/quay phim. Còn nếu để chế độ chỉnh tay cố định thì vẫn ko thể đánh giá chính xác được độ sáng của đèn (từng khoảnh khắc có thể quá sáng hoặc quá tối), do cảm biến của các thiết bị vẫn chưa lại được với mắt người đâu.
Có cái nào dùng để điểu khiển toàn bộ điện gia đình bằng 1 thiết bị trung tâm như Philips Hue k a? Vị dụ như muốn tắt đèn phòng khách. Phòng ngủ.. chì cần bấm trên điện thoại là dc
sanbktphcm
ĐẠI BÀNG
9 năm
@trandinhdoan91 Smarthome của Acis ấy bác. Khá tốt mà rẻ.
iLi
TÍCH CỰC
9 năm
@trandinhdoan91 Vào đây tham khảo nè: Homematic.vn
@trandinhdoan91 Philips Hue Kit bao gồm 2 bóng đèn Philips Hue và 1 Hue Bridge nha bạn: https://gucongnghe.com/san-pham/philips-hue-starter-kit/
vanhiep2941
ĐẠI BÀNG
6 năm
@trandinhdoan91 Bạn có thể tham khảo cái này. 4 trong 1.
Ngoài điều khiển, có thể dùng hẹn giờ, chạy lặp lại, thông báo trên Smartphone.
https://www.vietmatic.com/2017/01/bo-dieu-khien-cong-suat-4-thiet-bi-wifi.html
[​IMG]
đèn quá ngon. vấn đề là giá 😆)
Bởi vậy... con người càng ngày càng lười vận động, suốt ngày nhìn vào cái màn hình... bật / tắt đèn cũng phải dùng điện thoại 😁
Khi dẫn bạn gái về nhà thì chỉnh đèn mờ mờ một xíu...bác duy luân mua bóng đèn là có mục đích cả...😁:D😃😃
Dạo này thấy tinhte có nhiều video 1080p60 rồi, xem rất đã mắt. Mong anh nâng cấp máy quay để trải nghiệm được tốt hơn nhé. Rất thích bài của anh. 😁
Mấy cái bóng led nhà em mua, được hơn tháng là tịt. Bảo hành nó bảo do điện nhà mình, chán lại lắp compact
@quocanh_ltk LED cũng dễ hư vậy hả bạn, vì mình đang mún đổi cái dàn compact nhà mình wa LED, đèn compact (của Philips) nhà mình lai rai là nó tịt vài bóng, thay riết cũng mệt 😔
cuthuyen
TÍCH CỰC
9 năm
Cứ bóng sợi đốt 200W mà phang, tốn điện nhưng rẻ là tiết kiệm cho mình, mua ba cái của nợ này, bóng chữ u compact tiết kiệm điện đó nhưng là cho nhà nước vài bữa hư tốn tiền hơn so với bóng sợi đốt.
@cuthuyen giờ vẫn có thánh sử dụng bóng này cơ à. loại này chỉ sởi ấm cho gà thôi
Giờ các hãng hơi lạm dụng từ "smart" quá nhỉ, có vẽ "smart" đang là mốt. nói đúng ra đây là cái bóng đèn có nhiều tính năng, gọi là "bóng đèn đa năng" hay điều khiển từ xa cũng được. Chứ thấy quái gì thông minh ở đây. Trước còn nghe loáng thoáng vụ "thuốc lá thông minh" nữa o_O. Giờ chỉ chưa nghe cái "bồn cầu thông minh" thôi.
Mà cái này hay. Bao nhiêu cái nhỉ
@ALO_BOY2005 Bồn cầu thông minh có nha. Giá coi trong bài kìa.
@Duy Luân Bác Duy Luân cho e hỏi. bây giờ e muốn mua bóng đèn thông minh tại hà nội thì e có thể mua ở đâu dc ạ hoặc ai biết chỉ cho mình với. thank all
Con đèn ngủ xiaomi yeelight này ngon bổ rẻ này, có thể chạm vuốt để điều chỉnh
MUforever
ĐẠI BÀNG
9 năm
@Quang Minh Vũ Con này ngon, bổ, nhưng không rẻ
N.E.M
CAO CẤP
9 năm
Mấy cái thông minh này tiện lợi thật nhưng mốt chắc phải sắm cái giường chặn sóng rf quá 😁
Đang dùng ổ cắm của xiaomi công nhận là khá ngon, ở công ty vẫn bật tắt cái ổ cắm này ở nhà đc :D
Không rành Android lắm nhưng không biết mấy cái này điều khiển bằng tablet adroid được thì liệu mình có thể viết code trên Linux được không anh em? Mình không muốn bị phụ thuộc vào tablet hay remote control để điều khiển nên muốn tìm cái nào đi kèm code trên Linux để mình có thể dùng 1 module nhận dạng giọng nói để điều khiển.

Tìm được cái này ngon quá mà ở VN không thấy bác nào bán:
https://energenie4u.co.uk/index.phpcatalogue/product/ENER002-2PI
Bữa trước tự chế mấy cái đèn + quạt + tv điều khiển bằng bluetooth của điện thoại dùng hay phết. Có điều hại điện và tốn kém v~ :p
Mình xài đèn ngu không hà. Mà ít mở đèn nữa 😃
@schtroumf Có ai biết bóng đèn Incipio loại này mua ở đâu ko ? .mình tìm mua hoài mà không thấy
@nguyen van v$
robotncc
ĐẠI BÀNG
9 năm
nhà mình xài Smartthings, bữa ship cái GE linkbub về xài cũng ok lắm, hẹn giờ tắt mở từ 6h PM-6h AM dưới chổ để xe khi có người(kết hợp thêm cảm biến chuyển động), tự động mở khi mình về gần đến nhà hoặc khi mở cửa vào khoảng thời gian định sẵn... Mỗi tội nó xài 100v nên phải tốn thêm cục chuyển 85k mất thêm hơn 10-20% năng lượng, đang định ship con của Philips Hue vì thấy comment trên amazon là hỗ trợ 220
buffet
ĐẠI BÀNG
9 năm
Em đang xài cái này, sướng tê

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019