TTBC2024

TTBC2024


Chơi điện tử cùng Sonos Ray: Soundbar phục vụ giải trí trong những căn phòng diện tích nhỏ

P.W
8/8/2022 8:31Phản hồi: 21
Chơi điện tử cùng Sonos Ray: Soundbar phục vụ giải trí trong những căn phòng diện tích nhỏ
Về cơ bản, loa thanh là giải pháp hoàn hảo cho những anh em cảm thấy hệ thống loa tích hợp trong TV không đủ phục vụ nhu cầu giải trí của bản thân. Vấn đề đặt ra khi lựa chọn loa thanh là kiếm dàn nào phù hợp với diện tích phòng khách, hoặc góc giải trí gia đình. Kế đến là mẫu loa thanh phù hợp với diện tích, phù hợp với túi tiền có đủ những tính năng và kết nối cần thiết để dùng lâu dài hay không.



Nếu lấy những thông số ấy để làm thước đo, thì không có lý do gì chọn Sonos Ray cả. Ba kết nối duy nhất mà mẫu loa “chơi game” của Sonos sở hữu là chân TOSLINK, xuất tín hiệu âm thanh từ kết nối S/PDIF từ TV hoặc máy tính để bàn, cổng cắm dây LAN từ modem, và kết nối WiFi đồng bộ hóa qua ứng dụng trên iOS và Android. Trên giấy tờ, Sonos Ray thiếu hai kết nối gọi là tiêu chuẩn nhất của thế giới đồ âm thanh giải trí gia đình bây giờ, HDMI Arc và Bluetooth, tức là thiếu đi hai tiêu chuẩn điều khiển hệ thống giải trí phòng khách, và điều khiển bằng các thiết bị di động để chơi nhạc.

_DSC1441.jpg

Nhưng rồi, càng dùng thì càng thấy, Sonos Ray thực sự không cần tới quá nhiều những kết nối hiện đại để làm gì. Nó được tạo ra để vận hành một mình theo cách đơn giản nhất, hoặc đồng bộ hóa với tất cả những cụm loa khác trong hệ sinh thái thiết bị của Sonos trong nhà. Có kết nối WiFi rồi, Bluetooth bỗng trở thành lựa chọn thừa, vì anh em vẫn bật được nhạc bằng điện thoại rồi cast lên TV, để chiếc TV xuất tín hiệu âm thanh ra loa cho anh em thưởng thức âm nhạc.


_DSC1117.jpg
_DSC1113.jpg

Còn tới khi ngồi xem phim, thì tín hiệu vốn đã đi qua cổng S/PDIF của TV hoặc máy tính rồi, đâu cần những kết nối khác?

Nhưng cũng phải thừa nhận, có một điểm trừ không thể bỏ qua đối với Sonos Ray, trong trường hợp anh em dùng chiếc loa này trang bị cho hệ thống giải trí phòng khách, kết nối với TV để xem phim nghe nhạc chơi game. Lúc này muốn điều chỉnh âm lượng sẽ có ba cách: Chạm tay vào nút cảm ứng trên thân loa, điều chỉnh bằng ứng dụng Sonos trong điện thoại, hoặc điều chỉnh bằng điều khiển từ xa.

_DSC1097.jpg

Vấn đề của cách điều khiển thứ ba, vốn là tiện lợi nhất này, Sonos Ray chỉ hỗ trợ những remote sử dụng công nghệ diode hồng ngoại truyền thống (IR), chứ không dùng được những remote trang bị ăng ten phát sóng radio (RF). Giờ rất nhiều mẫu TV cao cấp đã đổi công nghệ remote từ IR sang RF. Trong trường hợp đó, ví dụ như chiếc XR-65A80K của Sony, muốn thay đổi âm lượng sẽ phải đứng dậy, hoặc đi tìm điện thoại, mở ứng dụng lên để chỉnh. Cũng may là trong trường hợp của mình, ứng dụng Android có một ô thông tin cố định ở mục tùy chỉnh nhanh, vuốt xuống là có thể đổi âm lượng của loa.

_DSC1108.jpg

Bù lại, ứng dụng trên iOS và Android không có gì để chê, khi anh em có thể tích hợp cả tài khoản Apple Music, Spotify hay Tidal để đồng bộ hóa tín hiệu sang loa, chơi nhạc trên hệ thống TV và loa nhờ lệnh từ điện thoại. Ấy vậy mới nói, có WiFi rồi thì Bluetooth sẽ là lựa chọn thừa, không cần dùng đến. Chỉ cần ấn một nút từ điện thoại, chip xử lý 4 nhân ARM A53 1.4GHz bên trong sẽ vận hành để đem những bản nhạc phát tới loa.

Quảng cáo


Cá biệt bên iOS, Sonos hỗ trợ AirPlay 2, stream nhạc thẳng lên thiết bị âm thanh rất nhanh, gần như không cần tới sự trợ giúp của ứng dụng như bên Android.

_DSC1100.jpg

Điều đó dẫn chúng ta đến với chất âm của chiếc loa thanh này. Hai loa dải mid kèm hai tweeter tạo ra setup stereo cho Sonos Ray. Và lực bass được khuếch đại bởi hai đường ống phản hồi lực ở hai bên thân loa. Điều đáng khen của Sonos Ray là nó được hãng tune âm để vận hành hoàn hảo với những trò chơi điện tử, nơi các kỹ sư âm thanh thường chỉnh âm để dải mid-bass tới dải mid tiến hơn so với những dải khác. Sub bass khỏe quá chơi game dễ mệt tai, còn dải cao rõ ràng quá thì khiến âm bị bẹt, không sôi động, nhất là trong những game hành động hoặc đua xe.

Và đấy cũng là lý do mình chọn hai tác phẩm gần đây được coi là có chất lượng audio mixing ổn nhất trên thị trường: Call of Duty Modern Warfare và Gran Turismo 7.

_DSC1055.jpg

Các nhà làm game người Mỹ hồi năm 2019 đã lột xác hoàn toàn trải nghiệm chơi Call of Duty. Họ tạo ra cơ chế gameplay đầy chất chiến thuật, thay vì cầm súng xả điên loạn như chục năm về trước, thì giờ bắn một hai viên là đủ hạ gục đối thủ trong mục chơi đơn, cùng lúc tập trung nhiều hơn về mặt ẩn nấp trong những pha giao tranh. Để điều này thực sự có giá trị, âm thanh của từng món vũ khí phải có lực, cho dù là khẩu súng lục hay cây AK. Kết hợp cả animation giật súng với âm thanh của từng viên đạn bắn ra, cảm giác “gunplay” của Modern Warfare là thứ đến giờ vẫn tạo ra ấn tượng.

Quảng cáo


Âm thanh bắn súng của Modern Warfare lại nằm đúng ở ngưỡng dải âm mà Sonos Ray vận hành hoàn hảo nhất: Mid-bass. Ngay cả những món vũ khí trang bị ống giảm thanh, từng viên đạn cũng tạo ra cảm nhận vô cùng rõ ràng. Nói cách khác, ngắn gọn rõ ràng hơn, là nghe nó sướng.

_DSC1069.jpg

Cái “sướng”, và sự kết hợp nhuần nhuyễn của chất âm Sonos Ray khi chơi điện tử lại được mô tả qua một game đua xe. Từ dải low mid trầm ấm khi động cơ xe ở vòng tua thấp, dần đảo lên dải high ở vòng tua cao, rồi kẹp luôn cả tiếng turbo rít chói tai, và đôi khi là tiếng lốp xe mài trên mặt đường hoặc tiếng mâm phanh carbon chói tai, tất cả được kết hợp lại với nhau theo cách mà loa của TV, kể cả những setup loa tích hợp cao cấp nhất. Sở dĩ mình chọn XR-65A80K để so sánh cũng vì lý do đó.

Sony A80K có một setup loa rất thông minh, với hai driver rung tịnh tiến, tạo ra sóng âm từ chính panel màn OLED để mô phỏng hiệu ứng âm thanh vòm. Cái này Sony đặt tên là Acoustic Surface Audio+. Ở quy mô loa tích hợp trong TV, A80K có giải pháp có thể coi là tốt nhất thị trường TV OLED tầm trung. Nhưng chẳng có bộ loa nào bên trong TV đủ sức tạo ra chất âm của dải mid vừa ngọt vừa đầy đặn cả, suy cho cùng cũng vì những giới hạn của công nghệ, driver kích thước nhỏ thì tiếng làm sao mà dày được.

_DSC1066.jpg

Nhưng đến khi nghe nhạc và mở Netflix xem The Sandman, thì chính bản thân giới hạn công nghệ của Sonos Ray cũng được thể hiện. Bật Spotify stream bài hit mới nhất của ông bạn Madihu với Vũ., tiếng guitar bass rất tròn trịa, đủ sâu để nhận ra. Chất âm thiên nhiều về những dải âm tần số thấp cũng khiến trải nghiệm nghe nhạc có phần thư giãn hơn, chứ chẳng cần phải cố gắng phân tích âm thanh như studio monitor. Vả lại, âm nhạc từ các dịch vụ stream cũng không có chất lượng cao tới mức khiến đôi tai của chúng ta trở nên khó tính.

Nhưng cùng lúc, nhịp beat của bài nhạc rất chill này, qua sự thể hiện của Sonos Ray lại thiếu mất cái lực mà chỉ có những chiếc driver đường kính lớn của loa subwoofer mới tạo ra được.

Tương tự như vậy là lúc xem phim. Anh em chơi tai nghe sẽ muốn dải bass phải tròn nhất nhưng cùng lúc không được quá lấn những dải âm khác, át tiếng nhạc cụ và tiếng hát của người ca sĩ. Còn với loa thì khác, đôi lúc chất bass rung lồng ngực là thứ cần thiết để tạo ra cảm xúc nhạc tính, hay đơn giản hơn là theo dõi cảnh cháy nổ khi xem phim. Mỗi dải âm đều đã có một driver phục vụ rồi, không sợ lấn tiếng đâu.

Một điểm cộng nữa, loa có âm lượng rất to và rõ ràng. Căn phòng 35 mét vuông mình đặt dàn loa này khiến Sonos Ray chưa bao giờ cần phải vượt qua ngưỡng âm lượng 30%. Đấy là con số đủ nghe để thấy hết mọi chi tiết của game hay phim, mà không ảnh hưởng tiêu cực tới thính giác. Với thử nghiệm này, những căn phòng khách từ 50 đến 60 mét vuông vẫn là không gian đủ cho Sonos Ray, dĩ nhiên với điều kiện anh em mua thêm subwoofer kết nối WiFi, hoặc phải dùng bộ amplifier Connect:Amp của Sonos để xuất tín hiệu âm thanh.

_DSC1121.jpg
_DSC1123.jpg
_DSC1131.jpg

Tổng kết thì, với cái giá 9,9 triệu Đồng khi bán ở thị trường Việt Nam, Sonos Ray phải chịu rất nhiều cạnh tranh từ những thương hiệu khác, vì đây là tầm giá quá đẹp cho những dàn soundbar tầm trung phục vụ giải trí gia đình. So với những giải pháp khác, Sonos Ray thiếu vài thứ, từ subwoofer, tới những kết nối không có như HDMI Arc, Bluetooth hay đơn giản là 3.5mm.

Nhưng thứ khiến Sonos Arc là lựa chọn ổn chính là nhờ việc tập trung vào thị trường ngách, soundbar dành cho người chơi điện tử. Kết nối ít nhưng tiện lợi ở mức tương đối, với cổng S/PDIF mà hầu hết mọi chiếc TV và máy tính để bàn giờ vẫn còn, và quan trọng hơn là có kết nối WiFi. Cách điều khiển âm lượng sẽ tạo ra những rắc rối ban đầu, yêu cầu anh em làm quen với việc dùng ứng dụng trên điện thoại hoặc điều chỉnh ngay trên mặt loa.

Nhưng chỉ vài ngày sau đó, khi đã quen, thì Sonos Ray phục vụ anh em rất ổn. Từ những người đang sống trong những căn hộ chung cư nhỏ, hoặc muốn đặt soundbar lên bàn máy tính chơi game, không gian nhỏ là yếu tố quyết định giúp mẫu loa này tái tạo âm thanh tốt nhất. Tới khi đó, cách tune âm hợp với game sẽ là thứ tạo ra ấn tượng mạnh.

_DSC1104.jpg

Với những người thích sự đơn giản, mình nghĩ Sonos Ray là món đồ chơi nên nghe thử. Nó đơn giản từ thiết kế, từ cách kết nối, từ cách điều khiển cho tới cách vận hành. Đi làm về, rút điện thoại mở ứng dụng, bật bài nhạc yêu thích lên là cả căn nhà sẽ tràn ngập âm thanh, vậy thôi.

Không có HDMI Arc và Dolby Atmos đồng nghĩa với việc mức giá của Ray chỉ bằng hơn một nửa so với Sonos Beam. Và giải pháp này cũng cho phép anh em mở rộng hệ thống để trình diễn âm thanh vòm, kết hợp Ray với vài chiếc Sonos One để giả lập âm thanh 5.1 hoặc 7.1, hay đơn giản là bật một bài nhạc tới tất cả các phòng trong nhà, đồng bộ hóa qua WiFi.

Cám ơn Gió Biển đã cho mượn sản phẩm.
21 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Loa chơi game mà ko có sub thì cũng hơi lạ nhỉ
@Communism aiz Sonos mà :< bào lắm
Nghĩ sao bỏ 10tr ra mua loa này.
Trong 1 lần đi bưng loa lau kệ mới thấy là lật ngược loa lại thì chữ SONOS không thay đổi. Ae cầm điện thoại đọc comment này có thể xoay ngược đt thử.
@Trung Dt Bác có thể lật ngược nhãn hiệu SONCA của Việt Nam 😃
Có mỗi con Ray mà ra 1 bài dài thòng lòng… có cả bộ Đầy đủ chắc CÓ MẤY seriess
cái loa j tù dã man.. như cái đùi bầu
Quá chát cho 1 cuộc tình
Bài viết mang tính quảng cáo quá
10tr cho con loa Bluetooth phổ thông trá hình soundbar (không Arc, không Atmos, không HDMI 2.1, HDR passthrough). Sonos đúng là Apple của giới loa
Cười vô mặt
Phí xèng với chất âm loa này, đáng giá nhất là có airplay.
Loa này bên ltt chửi như gì, phí tiền và chất lượng hại lỗ tai 😆 đo bằng tool lộ hết, ko phải cảm nhận hay “nghe thấy hay” nữa
@sour_suppa_man ltt là bên nào bạn để mình vào nằm vùng.
@bmd_duc

Đây b ơi, bên này đang đầu tư thêm các bộ công cụ đo chất lượng tai nghe, loa, chuột, phím, pad, ...
Mình mua đc dàn LG SN5R giá xả kho tầm 1tr7. Còn mới cứng và BH tầm gần 8 tháng (Giá niêm yết loanh quang 6-7tr)

Con này thì 4.1, ko đc đa kênh. Nhưng nếu là game và giải trí thì recomend ae đi săn những con có hệ thống đa kênh và đi kèm đủ loa sub, loa vệ tinh các thứ

Trông con Sonos kia mình chưa trả nghiệm. Nhưng cái giá 10tr nếu đi tìm thì có khá nhiều dàn ae ạ
@romeojane007 Mua ở đâu giá này thế bạn
giá này mà thêm tí mua Q950 Samsung thì hết bài 😆
Nhỏ nhỏ same smae LG QP5, nhưng LG có sub
"Có kết nối WiFi rồi, Bluetooth bỗng trở thành lựa chọn thừa, vì anh em vẫn bật được nhạc bằng điện thoại rồi cast lên TV, để chiếc TV xuất tín hiệu âm thanh ra loa cho anh em thưởng thức âm nhạc."

=))) ko muốn ném đá hội nghị đâu, nhưng mà muốn nghe nhạc từ đt mà phải làm ngần kia việc ý hả - với 1 con loa giá cận cao cấp
Cười vô mặt
Cứ tưởng 900k 😁
Giá này mắc quá, nhíc xíu nữa có Beam 2 cùng dolby atmos rồi

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019