"Chúng ta hơi kiêu ngạo so với thế giới"

Cu Cứng
14/9/2007 2:46Phản hồi: 22
"Chúng ta hơi kiêu ngạo so với thế giới"
Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn:
"Con người của thời đại mới là người thấy được rằng mình còn rất nhiều kém cỏi và phải có ý chí để vươn lên với thế giới. Không phải người ta nói vài câu xoa đầu là đã sướng, mà mình phải làm sao tạo ra hàng hóa để bán cho họ, họ phải mua nhiều và mua nữa" - ông Vương Trí Nhàn nói.

>>
"Tôi muốn là liều thuốc kháng sinh!" (bài 1) "Nhiều người Việt không có nhu cầu tự nhận thức..."


Nhà phê bình - nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn

- Theo ông, những thói hư tật xấu điển hình của người Việt là gì?


- Thứ nhất, chúng ta chưa bao giờ nghiên cứu thấu đáo về sự hình thành lịch sử của nước ta. Tại sao học sinh học dốt sử? Vì đa số lười đọc sử, học sử nên đây là kết quả tất yếu. Lịch sử của chúng ta đã bị đặt dưới cái nhìn quan liêu lơ là.

Thứ hai, dân tộc mình như "trẻ con", không quan hệ với nước ngoài, nhìn thấy nước ngoài là nhìn bằng ánh mắt thù hằn. Bây giờ chúng ta nên phê phán trạng Quỳnh, trạng Lợn, chuyện Thần đồng đất Việt vì ở đó thực chất là đề cao mưu mẹo vặt, khôn lỏi, trí trá...

Cái gì vay mượn cũng phải nói rõ. Ngày xưa còn nói nghề in hay đúc đồng là học của Trung Quốc nhưng giờ thì người ta nói cứ như là cái làng đó nghĩ ra nghề này. Đây là lừa dối, vậy thì dạy được trẻ con gì nữa.

Thứ ba là sau chiến tranh mỏi mệt quá, giờ dân ta nghĩ là làm cái gì để khá lên một chút, nên thèm hưởng thụ lắm. Khi đi ra ngoài thì chệnh choạng nên lộ ra rất nhiều nhược điểm cũ. Nhưng biết làm sao được, vẫn phải ra ngoài hội nhập thôi.

Một thói quen xấu còn để lại sau thời chiến là ý nghĩ cho rằng cứ làm liều là được chứ không chịu học hỏi gì cả. Ngay trong giới nhà văn chúng tôi cũng nhiều sự bảo thủ, không chịu hội nhập. Ngày xưa ở Hội Nhà văn còn có nhà văn nước ngoài sang giao lưu để mở mang nhưng giờ thì không. Bảo học thì như có nhà văn nói: Học để ăn cắp thì học để làm gì? Nói vậy sao được?!



- Thói xấu lớn nhất của người Việt chính là thói xấu sợ nói ra tật xấu của mình, như ông đã nhận định. Vậy ngoài thói xấu này thì còn thói xấu nào lớn nữa?

- Thói xấu lớn nữa là nhiều người Việt không có nhu cầu tự nhận thức, xem lại mình là người như thế nào, đặt mình trong thời gian, không gian cụ thể thì sẽ ra sao. Chúng ta không có thói quen ghi lại biên niên sử, nên ví thử sau này khi muốn nghiên cứu về Nguyễn Du, Nguyễn Tuân thì chẳng ai biết năm đó các vị làm gì. Không thể cứ ngồi nhận định loạn lên rồi tô vẽ nhăng cuội.

Quảng cáo



Tiếp nữa là sự thiếu chính xác ở rất nhiều việc. Có những người sống rất bột phát hồn nhiên, không có sự nghiên cứu, nghiền ngẫm nào khi viết hay nói cả; cứ nghĩ gì là viết đấy chẳng cần tìm hiểu gì hết.

- Vậy thói hư tật xấu nào là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của con người cũng như đất nước?

- Theo tôi là thói tự kỷ trung tâm luận, thấy mình là trung tâm, cứ bắt người khác phải theo ý mình. Chúng ta hơi kiêu ngạo so với thế giới. Đây là điểm bất lợi cho sự phát triển. Những người đương thời bây giờ viết về Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh mà thiếu sự tôn trọng, tôi thấy vậy là láo!

- Theo ông đặt ra vấn đề nước Việt Nam nhỏ hay lớn có hợp lý không?

- Nhỏ hay lớn chỉ là tương đối, theo tôi nếu đặt vào một hệ quy chiếu nào đó để nói sẽ chính xác hơn. Như chuyện đặt vấn đề nước Việt Nam là nước lạc hậu so với thế giới thì đúng chứ nói lớn, nhỏ thì không có căn cứ. Chẳng lẽ dân tộc Thụy Điển, Thụy Sĩ có vài triệu dân thì không phải là dân tộc lớn sao?

"Thói hư tật xấu" thời hội nhập

Quảng cáo



- Ông rất tâm đắc với câu "Dân 25 triệu ai người lớn/ Nước 4000 năm vẫn trẻ con" của Tản Đà. Theo ông, khi chưa biết loại bỏ hết thói hư tật xấu thì chúng ta vẫn là "trẻ con"?

- Vâng! Đúng là trẻ con vì vẫn thích khen, thấy mình là quan trọng, chỉ biết mình thôi và chưa trưởng thành về mặt lý tính. Dân ta vẫn sống bột phát hồn nhiên, nghĩ gì là nói nấy. Tôi thấy dân mình như cây mọc nông trong khi các dân tộc phát triển khác như cây cao bóng cả. Việt Nam sau chiến tranh thì như rừng cỏ ranh, người nào cũng xêm xêm nhau. Chứ ở các nước phát triển thì họ có cả cây cao bóng cả, cả cây thấp lẫn dây leo bụi rậm.

- Ông dẫn rất nhiều tài liệu trong Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh (in năm 1938) để nói về thói hư tật xấu của người Việt. Vậy theo ông cho tới thời điểm này, khi Việt Nam gia nhập WTO rồi thì những thói hư tật xấu đó đã được thay đổi chưa trong suốt gần 60 năm qua?

- Tôi nghĩ thói hư tật xấu của người Việt không những không thuyên giảm mà có vẻ như còn xuất hiện thêm ngày càng nhiều hơn. Và họ cũng có vẻ lý sự hơn trong việc cãi lấy được chứ chẳng dựa vào luật lệ nào.

- Gia nhập WTO rồi mà người Việt ta vẫn chưa thay đổi ư?

- Tôi nghĩ việc gia nhập WTO chỉ là thủ tục hành chính còn sự chuẩn bị về nhận thức để dân ta thay đổi cho phù hợp với hội nhập thì chưa có. Chúng ta phải có nghiên cứu xem trước khi hội nhập thì sự hiểu biết của dân ta về nước ngoài ra sao, văn hóa của Việt Nam như thế nào và có bị ảnh hưởng bởi hội nhập không,…

Chúng ta đừng để sự yếu kém về mặt nhận thức ảnh hưởng tới đường lối tư duy, kiểu Xuân Diệu đã từng giảng trong một lớp học viết văn rằng: Các đồng chí ơi! Tổng thống ở Mỹ sau khi hết nhiệm kỳ, về nghỉ thì đi làm lái buôn, làm quảng cáo cho các hãng, rồi nó mặc áo dính hình quảng cáo này nọ… Xuân Diệu được đi nước ngoài quá nhiều rồi mà còn nhận thức vậy thử hỏi những người dân thường sẽ hiểu ra sao?

- Vậy phải chăng hội nhập cũng làm cho dân ta thêm tật xấu mới?

- Vâng! Khi hội nhập, chúng ta từ tối ra ánh sáng thì bệnh mới càng lộ rõ. Cộng vào đó là những thói hư tật xấu bị nhiễm từ bên ngoài vào nữa.


"Tôi muốn nhìn Việt Nam bằng tình thần thế giới..."


Hiện nay tôi có một vấn đề rất băn khoăn những chưa viết ra được là: Việt Nam đang thành bãi rác của thế giới. Không phải cứ người nước ngoài đến Việt Nam là đều thông minh, giỏi giang cả đâu.

Bởi chúng ta sống dễ dãi quá, cẩu thả quá nên hợp với những đối tượng này, nhưng nếu họ về nước khác họ sẽ bị nhắc ngay. Thế là nhiều kẻ buôn lậu, tội phạm và làm ăn chụp giật cũng như sống buông thả mới đến Việt Nam. Hay cả những tư tưởng lạc hậu cũng đang ồ ạt vào nước ta. Tôi rất sợ việc này xảy ra.

Chúng ta ở tầm công dân hạng 2, hạng 3 của thế giới (?)

- Sau Cách mạng tháng tám bác Hồ có đề cập đến một nhiệm vụ rất cần kíp lúc đó là "Phải dạy lại nhân dân". Điều này còn đúng cho thời điểm hiện nay?

- Ngay từ thời cụ Phan Chu Trinh đã lấy nhu cầu "tân dân" làm gốc để đưa đất nước phát triển lên. Như vậy việc làm mới dân là nhu cầu của mọi thời, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi chất "người" đang đi xuống trần trọng, con người dễ buông thả, suy đồi.

- Con người mới của thời đại ngày nay theo ông là con người như thế nào?

- Là con người thấy được rằng mình còn rất nhiều kém cỏi và phải có ý trí để mà vươn lên với thế giới. Không phải họ nói vài câu xoa đầu là đã sướng rồi mà mình phải làm sao tạo ra hàng hóa để đưa cho họ, họ phải mua nhiều và mua nữa.

Con người hiện đại phải là con người biết được nhược điểm của mình và có khao khát vươn lên, có lòng tin là mình sẽ đứng ngang hàng với thế giới chứ không cần phải để ai chiếu cố. Có sách của mình người ta phải đọc, phải dịch chứ không phải là đi cầu cạnh họ dịch để khoe mẽ.

- Theo ông, phẩm chất nào là nổi bật của người Việt?

- Phẩm chất nổi bật nhất của người Việt là tính dễ thích ứng. Nhưng đây là phẩm chất có hai mặt. Dễ linh động, linh hoạt những có thể hời hợt, nhạt nhòa, chông chênh, dao động.

- Vậy phải chăng chúng ta có nhiếu thói hư tật xấu hơn những phẩm chất tốt đẹp?

- Tôi cảm thấy nó đang là vậy! Do trình độ sống của dân ta hơi thấp.

- Nói vậy có quá không, thưa ông?

- Nói chính xác hơn là về mặt số lượng thì thói hư tật xấu của chúng ta nhiều hơn, nhưng nó vẫn đan cài với những phẩm chất tốt.

- Ông có sợ bị phản ứng khi nói bi quan vậy không?

- Tôi không sợ phản ứng! Nếu các bạn không đồng ý với tôi các bạn cứ viết ra, tôi sẽ tiếp thu. Tôi không là cái gì cả, tôi nói và viết theo những gì tôi nghĩ.

- Theo ông chính phủ và nhà nước cần có những chính sách gì để khuyến khích phát triển những tính cách tốt đẹp của người Việt?

- Theo tôi Nhà nước nên có một chính sách khuyến khích hơn nữa khả năng tự nhận thức của mỗi người. Đồng thời cũng nên khuyến khích những lời nói thật, đừng chỉ nói chúng ta giỏi nhưng thực tế lại rất dở, phải thẳng và thật.

- Vậy phải chăng việc "vạch áo cho người xem lưng" cũng rất tốt?

- Tôi nghĩ việc này là tốt. Như chuyện Lê Vân viết tự truyện cũng rất tốt, nó cho thấy một thức tế đang tồn tại trong đời sống văn nghệ của nước ta. Nó có cái dở là cho thấy một đời sống gia đình rất nhếch nhác; nhưng lần đầu tiên đã có một người trẻ nhìn đời sống một cách thẳng thắn và dám viết ra.



Ngay cả những nhà văn tài ba của chúng ta khi viết cũng chỉ toàn cố khoe tài. Thế giới này người giỏi không bao giờ khoe tài của mình cả.
Chúng ta có một trình độ sống thấp, ở tầm công dân loại 2, loại 3 của thế giới. Tôi biết tôi nói ra cũng có thể gây nhiều phiền phức nhưng tôi không gạt được ý nghĩ nó ra khỏi đầu tôi. Nếu các bạn thấy nó có thể gây phiền phức thì các bạn đừng hỏi tôi nữa và cũng đừng viết nữa.
Tôi thấy rất xấu hổ khi lúc nào chúng ta cũng nói tới bản sắc. Trong khi đó cái gì chúng ta cũng học của nước ngoài. Chúng ta học đòi nhanh thế thì bản sắc ở đâu?

- Nói về thói hư tật xấu của người Việt không có nghĩa là ghét người Việt mà là vì yêu nên mới nói phải không ông?

- Đúng vậy! Bằng nhân tâm của tôi, tôi làm. Nếu không có lòng yêu nước, yêu người dân quê hương mình thì tôi việc gì phải làm cái việc coi như "đi tu" này. Tôi nghĩ mình cần làm nó vì nó giúp cho dân ta mạnh lên, nước ta giàu lên.

- Phải chăng ông làm điều này vì ông muốn viết lên một trang sử nào đó cho mình?

- Không! Tôi vào Sài Gòn và nhìn tên phố thấy có những người tôi chả biết là ai, có những người sử sách viết rất hay nhưng ở ngoài đời lại không phải hay như vậy.

- Một câu hỏi nhỏ về ông: Nghe nói ông lão 64 tuổi Vương Trí Nhàn vẫn thường xuyên ra bãi giữa sông Hồng để... tắm tiên?

- Ồ, thú vị lắm. Tôi làm điều đó mỗi buổi sáng cùng một nhóm các ông già 60 đến 70 tuổi. Nó đã thành việc làm thường xuyên nên kể cả khi trời Đông rét mướt tôi vẫn không bỏ, không ngại.

Mấy năm trước tôi bị thoái hóa cột sống cổ, thần kinh chân tay co quắp lại. Gặp bác sĩ giỏi nhất thì được khuyên mổ. Tôi đã đi nhiều nơi, lên cả Tuyên Quang chữa trị mà không khỏi. Sau đó, có người khuyên tôi nên ra sông Hồng tắm. Giờ tôi thấy khỏe ra, mỗi lần tắm xong thấy sung sướng lắm.

Nhưng cái được hơn từ việc này với tôi là về tâm lý. Tắm về tôi thấy thoải mái, không sợ việc, thấy tự tin, ham sống hơn. Việc "tắm tiên" gợi đến cho tôi cảm giác hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên, giúp tôi lắng lại để nghĩ về nhân tình thế thái, biết yêu quý thiên nhiên hơn. Tự nhiên tôi thấy mình muốn viết được kịch bản phim về các dòng sông chảy trên đất Việt Nam.

Về mùa nước lũ này, phù sa sông Hồng chở nặng, đỏ au như những bát đất. Dù nó mang về rất nhiều rác, nhưng sông vẫn có sự thanh sạch vô cùng. Tôi hiểu, đất mẹ còn rộng rãi lắm, dù có cả rác và vẩn đục trong đó, nhưng vẫn không mất đi sự tươi mát, sạch trong.

- Cảm ơn nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn!

Bùi Dũng - Xuân Anh (thực hiện)

22 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Những lời tâm sự thật lòng của người đi trước, thật đáng quý biết bao.
Chân thành cảm ơn những nhận xét chân thành của Bác Vương Trí Nhà. Cháu sẽ cố gắng nhìn nhận những điểm yếu của mình để mà vươn lên.
Tubby
ĐẠI BÀNG
17 năm
@Ròm: Gứm, tinh tế nó vừa vừa thôi nhá.

Đọc xong thấy bình thường vì nó đúng mà. 😁
Bài viết rất hay! Đáng để chúng ta ngẫm nghĩ lại mình!
Cá nhân tôi thì thấy có 1 số điểm chưa hoàn toàn đồng ý 😃 Nhưng mà nói chung là ...đúng khá nhiều 😃
Cám ơn bác Nhàn

p/s:
abc_cad
ĐẠI BÀNG
17 năm
Mình càng nghĩ, càng chứng kiến và cảm nhận càng thấy đúng. Nhất là vấn đề mưu mẹo vặt vãnh.
Dân Việt Nam vốn tính khôn lỏi mà, nhưng chuyện này thì đa số ai cũng tự nhận biết và có rất nhiều chuyện châm biếm vì cái thói này. Ví dụ như những câu chuyện bắt đầu bằng "Ba thằng Mỹ, Nhật, Việt Nam họp nhau lại, ...". Vậy mà có nhiều người còn tự hào với mấy câu chuyện này nữa mới hay chứ 😆
Sử Tàu nhớ nhiều hơn sử Việt là chuyện đương nhiên khỏi bàn cãi. So sánh sử Tàu với sử Việt thì sử Việt cứ như là chuyện kể về mấy ông nông dân. Văn hóa, tập tục của Việt Nam toàn của Trung Quốc. Tớ chẳng thấy Việt Nam có cái đặc thù nào thật riêng cả.
abc_cad
ĐẠI BÀNG
17 năm
Có thể bạn nhầm đấy. Bạn hãy xem qua cái này đi nhéhttp://www4.thanhnien.com.vn/News/Event.aspx?EventID=1213
Quả thật chúng ta cần phải cố gắng hòa nhập với cộng đồng thế giới,như vậy mới phát triển hơn được,chả cần họ đâu xa,xem Trung Quốc đó là biết.
Vuong Tri Nhan

Chuyện này thì ai cũng biết, nhưng chỉ có vài người dám nói ra và được lên báo như bác Vương.

Quả thật rất khó để thay đổi tính cách người Việt, thay đổi chính mình nữa.

Hehe nhưng nói như cu Hiệp cũng đúng, phải cố thôi😃
Cái hay cái đẹp cũng chính là sự giám tự thừa nhận, phô bày mặt kém của mình để tiếp thu góp ý, sửa mình, cải thiện để đi lên. Chẳng có gì xấu trong đó cả. Nếu không thì sẽ không tiến hóa được. 😁
trungzena
ĐẠI BÀNG
17 năm
Chú Quang tìm đâu bài này hay quá, rất chính xác. Đó là câu trả lời cho việc: vì sao VN vẫn còn nghèo và lạc hậu
hay quá ! phải suy nghĩ rồi !...
trích:
Hiện nay tôi có một vấn đề rất băn khoăn những chưa viết ra được là: Việt Nam đang thành bãi rác của thế giới. Không phải cứ người nước ngoài đến Việt Nam là đều thông minh, giỏi giang cả đâu.
câu nói này em cảm thấy đúng lắm. Chắc em phải ngồi coi lại bản thân mình thoi
Hãy ngẫm nghĩ kĩ đi tại sao chúng ta ngồi đây mà toàn bình luận nói không?Không lo thực hiện điều đó đi.Biết kém mà còn không sửa thì thua.Như em chẳng hạn,kém thì nói kém chả sao cả.
thật chứ,sử tàu thì kể như thuộc lòng,còn sử ta thì ú a ú ớ,ngộ thật
Người Vn tệ nhất là không có tính cộng đồng . ở Trung quôc gần Vn thui người ta " mua có bạn , bán có phường " mấy bác có dịp đi tham quan Tq sẽ thấy
sony
ĐẠI BÀNG
17 năm
lâu rồi không đọc một bài phỏng vấn dài thế.chúng ta hình như đã quen với việc lừa lọc là một việc thông minh rồi.thay đổi được hay không là do nhận thức,nhận thức được hay không lại do tác động xã hội.cả xã hội thay đổi thì phải do bàn tay của nhà nước.cái quan trọng là những người điều hành nhà nước lại được sinh ra và giáo dục trên nền xã hội. ôi một vòng luẩn quẩn
meotruli
TÍCH CỰC
17 năm

Sai, hoàn toàn sai!!!!!!!!!!!! 😁
có câu chuyện vui về bóng đá ,đại loại như thế này ..: Bec hỏi chúa là bao giờ tuyển Anh vô địch ,Chúa bảo khoảng 10 năm nữa ,Kiatisac hỏi chúa ;bao giờ Thái lan vô địch ,Chúa trả lời ; 100 năm nữa ...Văn Quyến cũng hỏi :bao giờ VN vô địch...các vị biết câu trả lời không?..Chúa bảo ; Lúc đó tao chết rồi..!!!!ac ac ac
jusolution
ĐẠI BÀNG
17 năm
Thật nực cười khi lấy chuyện dành cho các em nhỏ để nói tới tầm nhìn của một dân tộc? Dân tộc ta liên minh với Trung Quốc, làm bạn với Nga, hợp tác kinh tế với Mỹ, ủng hộ Cuba, đã gia nhập WTO, luôn là thành viên tích cực trong Liên Hiệp Quốc, là điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á cho các nhà đầu tư. Chúng ta luôn có một đương lối mềm deo, linh hoạt trong quan hệ song phương. Đúng là Đảng ta còn nhiều thiếu sót , còn quan liêu, cửa quyền nhưng chúng ta đang thay máu(Em nghĩ vậy). Cuộc thay máu có thể kéo dài 10 năm 20 năm hay trăm năm còn tùy thuộc vào thế hệ trẻ chúng ta .
Tại sao chúng ta lại phải phê phán, khi các chuyện đó dạy cho các em nhỏ biết quan sát, tư duy logic, biết áp dụng nhưng j mình học được vào cuộc sống thực. Thử hỏi ở đây đã bác nào đi wc rồi tự hỏi tại sao khi muốn đại tiện thì phải tiểu tiện nhưng Trạng Quỳnh??? hay chỉ vào xả cho thật nhanh 😁
bat
Trứng
17 năm
Lâu lắm rồi mới đọc 1 bài khiến mình phải suy nghĩ nhiều. Dù có cái mình đồng ý, có cái không.

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019