Chuyện Sài Gòn xưa, kinh thành Gia Định ( đàn anh của Phú Xuân - Kinh Đô Huế nhen)

Bản đồ Sài Gòn năm 1815 nơi vị trí của thành Quy. Ảnh Internet.

Rảnh rỗi lấy mấy quyển sách đã mua lâu nay ra xem lại (tôi có cái tật nhiều khi sách mua không đọc ngay hoặc không đọc một lúc hết quyển sách, mà có khi để đó rồi quên, hay đọc theo kiểu lai rai, giở sách ra xem mục lục, đoạn nào thấy hay đọc trước). Trong một quyển sách viết về Sài Gòn (Sài Gòn Xưa & Nay), bài của tác giả Nguyễn Đình Đầu có tiêu đề là "Địa danh Gia Định" có đoạn viết:

"Địa danh Gia Định đã xuất hiện từ 300 năm qua, nhưng khi là phủ, là tỉnh, là toàn xứ Nam bộ, lại chỉ định những địa bàn hành chính rất khác nhau. Thật là phức tạp, chúng ta cần xem xét".

..............


Gia Định kinh từ năm 1790 đến năm 1802:

Sau khi thâu hồi đất Gia Định, Nguyễn Ánh cho xây thành Bát Quái* rộng lớn theo cách bố phòng Vauban**, định hướng phong thổ Á Đông, theo mỹ thuật dân tộc Việt Nam và mệnh danh là Gia Định kinh.

Gia Định trấn từ năm 1802 đến năm 1808:

Năm 1802 Nguyễn Ánh thâu phục kinh thành Phú Xuân, rồi lên ngôi và lấy đế hiệu Gia Long bèn hạ cấp Gia Định kinh xuống thành Gia Định trấn thành. Cải tên phủ Gia Định làm tên trấn Gia Định và đặt "trấn quan" để cai quản cả ngũ trấn là: trấn Phiên An, trấn Biên Hòa, trấn Định Tường, trấn Vĩnh Long, trấn Hà Tiên.

..............

Trong sách sử Đại Nam thực lục của triều Nguyễn có ghi:

"Ngày Kỷ sửu (Tháng 3, Canh tuất, năm thứ 11 [1790] [Thanh - Càn Long năm thứ 55]), đắp thành đất Gia Định. Vua thấy thành cũ ở thôn Tân Khai chật hẹp, bàn mở ộng thêm. Dụ rằng: "Vương công giữ nước, tất phải đặt nơi hiểm yếu trước. Nay đất Gia Định mới thu phục, cần phải sửa thành trì cho bền vững để chỗ ở được vững mạnh". Bấy giờ mới huy động quân dân để khởi đắp, hẹn trong mười ngày đắp xong. Thành đắp theo kiểu bát quái, mở tám cửa, ở giữa là cung điện, bên tả dựng nhà Thái miếu***, phía sau miếu là kho tàng, bên hữu đặt cục Chế tạo, chung quanh là nhà tranh cho quân túc vệ ở. Giữa sân dựng kỳ đài ba tầng, trên là tòa vọng đẩu bát giác, ban ngày kéo cờ, ban đêm thì kéo đèn làm hiệu cho các quân. Thành xong, gọi tên là kinh thành Gia Định. Thưởng cho dân quân hơn 7000 quan tiền".

Gọi tên là thành Bát Quái vì thành có 8 cửa, Đại Nam thực lục chép:

Quảng cáo



"Tám cửa thành đều xây bằng đá ong, phía nam là cửa Càn Nguyên và cửa Ly Minh, phía bắc là cửa Khôn Hậu và cửa Khảm Hiểm (Đại Nam nhất thống chí ghi là cửa Địa Hiểm), phía đông là cửa Chấn Hanh và cửa Cấn Chỉ, phía tây là cửa Tốn Thuận và cửa Đoài Nguyệt (Đại Nam nhất thống chí ghi Đoài Duyệt). Ngang dọc có tám đường, đông sang tây dài 131 trượng 2 thước, nam sang bắc cũng thế, cao 13 thước, chân dày 7 trượng 5 thước. Phía ngoài thành là hào, hào rộng 10 trượng 5 thước, sâu 14 thước có cầu treo bắc ngang. Chu vi ngoài thành là 794 trượng. Ở ngoài là đường phố chợ búa, dọc ngang la liệt đều có thứ tự, hai bên đường quan đều trồng cây thích nghi, gọi là đường thiên lý".

Những quyển sách sử khác cũng của triều Nguyễn là Đại Nam nhất thống chí, Gia Định thành thông chí cũng cho ta biết thêm những chi tiết của kinh thành Gia Định. Trong thành có kho bạc, kho đồn điền, trại súng, kho thuốc súng. Ngoài thành có xưởng Chu sư (xưởng thủy quân đóng ghe thuyền, chiến hạm) ở phìa đông, cách một dặm theo bờ sông Tân Bình (khu vực sau này là xưởng Ba Son). Ngoài thành cũng còn có Xưởng voi nuôi và huấn luyện voi chiến, cách thành một dặm có Sứ quán, trường Diễn Võ cách thành 10 dặm về phía tây nam. Tuy kinh thành Gia Định chưa phải là một kinh đô chính thức với ý nghĩa là nơi vua ở vì lúc ấy Nguyễn Ánh chưa lên ngôi vua, nhưng với vị thế lúc bấy giờ, và với quy mô như sách sử đã cho biết thì kinh thành Gia Định không khác gì một kinh đô.

Sau nhiều năm bị quân Tây Sơn của anh em Nguyễn Huệ đánh tan tác, có lúc phải bôn tẩu ra những hải đảo xa xôi hoặc chạy sang tận nước Xiêm, thì thời gian này lợi dụng tình hình đối đầu giữa anh em Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ (1787), và việc Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt chúa Trịnh, rồi đánh tan quân Thanh (cuối 1788 đầu 1789), Nguyễn Ánh đã củng cố binh lực ở miền Nam, lập kinh thành Gia Định để đối đầu với kinh đô Phú Xuân của Nguyễn Huệ (Nguyễn Huệ đã lên ngôi hoàng đế vào ngày 25 tháng 11 năm Mậu thân [22-12-1788], đóng đô ở Phú Xuân). Cho đến thắng lợi cuối cùng vào năm 1802, thống nhất đất nước về một cõi.


Ghi chú:

* Thành Bát Quái: với quy mô như đã mô tả trong Đại Nam thực lục, thành Bát Quái còn gọi là thành Qui vì hình dạng trông giống như con rùa, theo như ngày nay nằm lọt khoảng giữa 4 con đường: đường Đinh Tiên Hoàng phía đông, Nam Kỳ Khởi Nghĩa phía tây, Nguyễn Đình Chiểu phía bắc, nói thành đắp bằng đất thực ra còn xây bằng đá ong Biên Hòa và gạch rất chắc chắn, vữa xây bằng mật mía, việc xây dựng này Nguyễn Ánh đã phải huy động tới 30.000 dân quân. Năm 1833 dưới triều vua Minh Mạng Lê Văn Khôi nổi dậy chiếm thành Quy, cuộc nổi dậy kéo dài trong 3 năm sau khi Lê Văn Khôi bị bệnh mất thì thành thất thủ. Vua Minh Mạng lện cho phá hủy thành, xây lại thành mới với quy mô nhỏ hơn gọi là thành Phụng.

Quảng cáo


** Vauban: tên thật Sébastien Le Prestre (1633-1707), Lãnh chúa xứ Vauban, được phong là Hầu tước xứ Vauban, là Thống chế, một kỹ sư quân sự lừng danh, nổi tiếng nhờ những công trình phòng thủ công sự, cũng như cách đánh chọc thủng phòng tuyến công sự.

*** Thái miếu: Thái miếu hay Thái Tổ miếu ở kinh thành Gia Định cũng như ở kinh đô Huế sau này, là nơi thờ các vị chúa Nguyễn.
0
0
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2025 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019