Cũng nhân dịp kỷ niệm 25 năm ThinkPad, Lenovo đã tiết lộ nhiều thông tin thú vị xoay quanh dòng máy tính doanh nghiệp huyền thoại này. Anh em đang dùng ThinkPad có biết rằng cái tên ThinkPad được lấy ý tưởng từ cuốn sổ da được IBM phát cho nhân viên dùng? Cái núm TrackPoint màu đỏ trên ThinkPad hiện tại ban đầu được làm màu … hồng? Tổng thống Mỹ - George H. W. Bush (cha) từng nhờ CEO của IBM mua giùm một cái ThinkPad để tặng vợ nhân dịp Giáng Sinh năm 1992? Hay CEO Apple hiện tại là Tim Cook từng là người của IBM và chịu trách nhiệm phát triên chiếc ThinkPad 701C bàn phím cánh bướm huyền thoại?
ThinkPad bắt nguồn từ dự án L40SX (ảnh trên) của Yamato Labs - một dự án phát triển chiếc máy tính cá nhân di động đúng nghĩa của IBM và mặc dù dự án này sau đó không thành công nhưng nó chứng minh rằng một chiếc máy tính cá nhân, mang đi lại được, dùng pin - laptop như cách gọi bây giờ, là thứ có thể làm được.
Với sự đốc thúc của IBM, Yamato Labs sau đó phát động dự án Project Nectarine và sản phẩm sau cùng là chiếc ThinkPad đầu tiên của IBM - ThinkPad 700C. 700C không phải là chiếc laptop đầu tiên trên thế giới bởi trước đó Toshiba và Compaq đã sản xuất nhiều loại máy tính cá nhân di động rồi. Tuy nhiên, thiết kế và chất lượng phần cứng của 700C đã khởi đầu hành trình đưa ThinkPad thành biểu tượng của máy tính doanh nghiệp hiện tại.
ThinkPad 700C được thiết kế bởi Richard Sapper - một nhà thiết kế công nghiệp nổi tiếng dựa trên ý tưởng về hộp cơm bento của Nhật. Điều đáng nói là cái núm đỏ huyền thoại trên ThinkPad lại không phải do ông nghĩ ra mà thực tế là một sáng chế của Ted Selker lúc đó đang làm cho trung tâm nghiên cứu của Xerox tại Palo Alto. Ông sau này cũng đã gia nhập IBM và hoàn thiện thiết kế của TrackPoint. Nhiều người tại IBM không đánh giá cao ý tưởng của chiếc núm đỏ này nhưng cuối cùng - Jim Cannavino - giám đốc mảng các hệ thống cá nhân tại IBM nhận ra rằng TrackPoint là giải pháp thay thế tốt hơn cả cho bi lăn vốn được trang bị phổ biến trên nhiều chiếc laptop thời kỳ đầu.
Nói về cái núm đỏ này thì nhóm thiết kế dưới trướng của Arimasa Naitoh tại Yamato Labs cho rằng nó có màu đỏ và gây nhiễu trên nền thiết bị màu đen. Richard Sapper vẫn quyết định giữ ý tưởng màu đỏ nhưng ông chơi một chiêu rất độc đáo. Ông chọn màu hồng cho nút TrackPoint và dùng một mã màu riêng cho chiếc nút này để làm hài lòng bộ phận ID của IBM. Tuy nhiên, cứ mỗi phiên bản TrackPoint mới được tạo ra thì nó lại đỏ hơn một tí. Khi bị mọi người chất vấn thì Sapper khăng khăng bảo rằng mã màu vẫn như cũ nhưng vì lý do nào đó khiến cái nút đỏ hơn. Cuối cùng thì chúng ta có nút TrackPoint đỏ tươi như ngày nay và trong quá khứ, nó được gọi là màu hồng magenta. Tên gọi ThinkPad được nghĩ ra rất ngẫu hứng. "THINK" là slogan của IBM và nó được nhà sáng lập IBM Thomas J. Watson, Sr khuyến khích sử dụng, xuất hiện tại mọi nơi từ văn phòng, cây cỏ đến tạp chí, báo, các nội dung quảng cáo của IBM. THINK cũng là từ xuất hiện trong câu nói nổi tiếng của Watson, năm 1915 ông nói với các nhân viên rằng: "All the problems of the world could be solved easily if men were only willing to THINK." Chiến dịch quảng cáo "Think Difference" năm 1997 của Apple sau này được cho là dựa trên ý tưởng của IBM Think. *Trước đó mình nhầm là Think của IBM lấy ý tưởng từ Apple, xin lỗi anh em.
Còn từ PAD ở đâu ra? Hẳn nhiều anh em không biết rằng ThinkPad ban đầu mang ý tưởng là một chiếc tablet, IBM đã lấy ý tưởng này từ GO nhưng mãi đến khi gần ra mắt vẫn chưa có tên. Năm 1991, Denny Wainwright - chuyên viên hoạch định chiến lược tại mảng tablet của IBM đã đề xuất cái tên ThinkPad trong đó chữ Pad được lấy từ phiên bản không điện tử của tablet - cuốn sổ tay (notepad). Vào thời điểm đó IBM thường phát cho nhân viên một cuốn sổ có bìa bằng da, bên ngoài khắc chữ THINK (theo ý tưởng của Watson, Sr) và như thế ThinkPad ra đời. Chiếc tablet đầu tiên có tên ThinkPad 700T, được ra mắt cùng thời với ThinkPad 700 và 700C vào tháng 4 năm 1992.Ngày 5 tháng 10 năm 1992, ThinkPad 700C chính thức ra mắt tại một hội nghị diễn ra ở Manhattan, New York và 1 tháng sau tại COMDEX - giờ là triển lãm CES ở Las Vegas, 700C trở thành vedet của show diễn và đây cũng là chiếc ThinkPad đầu tiên được trao tặng các giải thưởng sản phẩm.
Nhu cầu của ThinkPad 700C cực lớn, nó được bán tại mọi nơi và 1 tuần trước Giáng Sinh năm 1992, giám đốc điều hành IBM đã nhận được một cuộc gọi từ tổng thống Mỹ thời bấy giờ là George H. W. Bush (Bush cha) trong đó ông nói: "Này, tôi đã đọc được thông tin về chiếc ThinkPad này và muốn có một cái cho Barbara làm quà Giáng Sinh. Vấn đề là đã hết sạch, anh có thể giúp tôi tìm một cái không?"
Ông chủ Nhà Trắng sau đó đã nhận được một chiếc ThinkPad ngay trước Giáng Sinh và vài ngày sau, IBM đã nhận được tấm thiệp cảm ơn từ tổng thống Bush kèm một tấm check thanh toán. ThinkPad 700C đã giành được hơn 300 giải thưởng và trở thành một biểu tượng của tổng thống và CEO của nhiều doanh nghiệp lớn.
ThinkPad 755C, một phiên bản thuộc dòng 750 series.
Lịch sử du hành không gian của ThinkPad đã được ghi chép lại kỹ càng trong cuốn: "How the ThinkPad Changed the World" và những thách thức mà ThinkPad phải đối mặt trong môi trường khắc nghiệt. Tính đến nay, đã có hàng trăm chiếc ThinkPad với đủ phiên bản được sử dụng trong các sứ mạng không gian với tàu con thoi, trên trạm ISS và Mir. Trên thực tế ThinkPad 750 đã lập kỷ lục thế giới về thời gian trên vũ trụ khi nó được bỏ lại mô-đun Spektr của trạm Mir và mô-đun này vẫn đang trôi vô định trong không gian.
Quảng cáo
Tim Cook và "Dự án con bướm"!
Trong khi ThinkPad 700C và những phiên bản cải tiến sau đó là 750C và 755C đạt được thành công về mặt thương mại nhưng dòng máy tính của IBM lúc đó vẫn rất khó tiếp cận thị trường phổ thông. IBM không có ý định giảm giá do đó tại chi nhánh IBM Bắc Mỹ, một kỹ sư công nghiệp có tên Tim Cook đã thành lập một nhóm để phát triển một chiếc máy tính giá rẻ để đánh thị trường tiêu dùng.Dưới bàn tay của Tim Cook, dòng máy IBM PS/2 Note giá rẻ hơn bán rất chạy và điều này đã khích lệ nhóm của Cook hướng đến mục tiêu cao hơn là thiết kế một chiếc máy tính cao cấp dành cho người tiêu dùng. Vấn đề cốt lõi vào lúc đó là chiếc màn hình LCD lớn nhất chỉ có kích cỡ 10,4" nhưng nhóm phát triển lại muốn bàn phím full-size. Điều này có nghĩa chiếc bàn phím phải rộng hơn so với kích thước của chiếc máy. John Karidis - kỹ sư cơ học thiên tài của IBM đã giải quyết vấn đề này với thiết kế bàn phím cánh bướm nổi tiếng và sau này trở thành một biểu tượng sáng tạo của ThinkPad. Tim Cook được nhắc đến cũng chính là vị CEO nổi tiếng của Apple ngày nay.
ThinkPad 701C (mật danh "Butterfly") ra đời với bàn phím cánh bướm được gọi là TrackWrite. Tuy nhiên, do sự luân chuyển về nhân sự kể cả Tim Cook, chiếc 701C bị lùi thời hạn ra mắt và phải đến đầu năm 1995 mới được bán ra thị trường. Mặc dù 701C là chiếc laptop bán chạy nhất năm đó nhưng với sự xuất hiện của phiên bản 12" lớn hơn, người ta dần quên đi 701C cũng thiết kế bàn phím cánh bướm.
Một điều nữa là ThinkPad 701C không được phát triển bởi Yamato Labs và trớ trêu thay do hoãn ra mắt ngoài dự đoán, ban quản lý của IBM đã quyết định rằng tất cả hoạt động phát triển ThinkPad sẽ được tập trung tại Yamato Labs và trách nhiệm này giao cho Yamato cho đến tận ngày nay.
Quảng cáo
Chuyện bản lề thép và hình thức kiểm tra độ bền kiểu "tra tấn":
ThinkPad nổi tiếng bền bỉ khi có thể sống sót dưới nhiều môi trường khắc nghiệt, đạt được các tiêu chuẩn về độ bền quân sự thế nhưng trong quá khứ, dòng máy tính này lại gặp phải nhiều thách thức về chất lượng.
Vào khoảng giữa những năm 90, nhiều phiên bản dòng ThinkPad 750 gặp vấn đề về chất lượng. Những chiếc máy tính này đã được sử dụng với tần suất cao hơn so với thiết kế ban đầu và chịu nhiều áp lực hơn so với dự tính. Kết quả là tỉ lệ hỏng hóc sớm, nhất là gãy bản lề đạt đến 19%.
Năm 1996, Ken Yonemochi - lãnh đạo mảng kỹ thuật cơ học tại Yamato Labs lúc đó đã bỏ thời gian theo chân các nhân viên kinh doanh của hãng nước ngọt Coca-Cola vốn được trang bị ThinkPad để làm việc. Qua giám sát thực nghiệm, ông phát hiện ra số lần đóng mở nắp máy thực tế vượt quá những con số dự tính về độ bền theo thiết kế.
Thời điểm đó hoạt động thử nghiệm độ bền được thực hiện bằng tay. Làm cách nào để kiểm tra độ bền của bản lề? Cách đơn giản nhất là phải tự tay đóng và mở. Một kỹ sư trẻ có tên Hiroyuki Noguchi đã "tình nguyện" thực hiện điều này, ông đã đóng mở bản lề của ThinkPad bằng tay đến 10.000 lần!