Cơ thể con người là một kiệt tác !
>> Ra mắt sách ảnh nude của Thái Phiên
TP - Cho đến giờ, nếu được chọn lại từ đầu có lẽ tôi vẫn chọn thể loại ảnh nude để sáng tác. Cơ thể con người là một kiệt tác của tạo hóa cơ mà, ca ngợi và tôn vinh kiệt tác thuần khiết ấy chẳng lẽ không phải là việc nên làm sao? Nhiếp ảnh gia Thái Phiên nói.
Cõi tĩnh lặng
Cho đến thời điểm này khi mà triển lãm gặp khá nhiều khó khăn và quan niệm của công chúng vẫn chưa “thoáng” về ảnh nude, có khi nào anh lấy làm tiếc vì mình đã chọn thể loại ảnh “không phổ thông” này?
>> Ra mắt sách ảnh nude của Thái Phiên
TP - Cho đến giờ, nếu được chọn lại từ đầu có lẽ tôi vẫn chọn thể loại ảnh nude để sáng tác. Cơ thể con người là một kiệt tác của tạo hóa cơ mà, ca ngợi và tôn vinh kiệt tác thuần khiết ấy chẳng lẽ không phải là việc nên làm sao? Nhiếp ảnh gia Thái Phiên nói.
Cõi tĩnh lặng
Cho đến thời điểm này khi mà triển lãm gặp khá nhiều khó khăn và quan niệm của công chúng vẫn chưa “thoáng” về ảnh nude, có khi nào anh lấy làm tiếc vì mình đã chọn thể loại ảnh “không phổ thông” này?
Thực ra công chúng có cái nhìn rất thoáng về ảnh nude, các nhà quản lý văn hóa có khi hơi lo lắng thái quá đó thôi.
Qua trang web của tôi, công chúng khen, chê rất bài bản và công bằng. Họ hiểu đâu là ranh giới giữa ảnh nude nghệ thuật và ảnh khiêu dâm. Những người cho ảnh nude là một “vùng cấm” không nhiều.
Tất cả các nhà nhiếp ảnh chụp nude đều nói rằng đứng trước mẫu trong lúc sáng tạo họ chẳng thể có cảm xúc thực sự giữa nam và nữ, nhưng thực tế thì chưa thấy nhà nhiếp ảnh nào ở Việt Nam chọn những phụ nữ trung niên hoặc bà bầu làm mẫu, với anh thì sao?
Người ta nói thật đấy. Bởi vì khi đối diện với mẫu, người chụp phải căng óc ra, tập trung hết mức để chọn được những góc đẹp nhất, độc đáo nhất thì mới “ra” tác phẩm nghệ thuật được, (đó là chưa kể phải tính toán với ánh sáng, tốc độ, khẩu độ, bố cục...).
Không có người mẫu nào hoàn hảo đâu, kể cả hoa hậu. Có người đẹp góc này, nhưng lại chưa đẹp góc kia. Và nhiệm vụ của nhà nhiếp ảnh là phải phát hiện ra được những đường nét độc đáo, vẻ đẹp tiềm ẩn đằng sau những nhan sắc ấy.
Tôi rất thèm có người mẫu mang bầu để chụp nhưng tìm hoài vẫn chưa ra. Các chị em đều nghĩ khi mang bầu là lúc cơ thể mình xấu nhất và họ cố tình giấu thân hình mình đi, họ không nghĩ rằng vẻ đẹp lúc mang bầu là một vẻ đẹp cực kỳ nhân bản, đậm tính thiên chức, đó là nét đẹp mãn khai của người đàn bà sắp được làm mẹ!
Đồng cỏ hoang
Những “chiêu” hay nhất của anh để thuyết phục người mẫu chụp nude?Tôi chẳng có chiêu gì ngoài chiêu... thật thà.
Quảng cáo
Nó bắt đầu từ những đam mê như là máu thịt vậy và những người mẫu của tôi họ hiểu điều đó. Khi mới vào nghề tôi tìm mẫu rất khó.
Nhưng đến bây giờ tôi không phải đi tìm mẫu nữa, chính những tác phẩm của tôi như là một “chứng chỉ chất lượng” để những người mẫu tự tìm đến, có thể nói hiện nay tôi đang thừa mẫu, hay nói cách khác là tôi đang thiếu ý tưởng để thể hiện.
Có những người xem ảnh nude của anh xong nhận xét thế này: ảnh của Thái Phiên chỉ “đèm đẹp” thôi, mà trong nghệ thuật sự mãn nhãn mới chỉ là giá trị bề ngoài. Anh nghĩ sao về điều đó?
Theo tôi, ảnh nude nghệ thuật trước hết phải đẹp, sau đó mới đến những ý tưởng gửi gắm của tác giả qua ngôn ngữ nhiếp ảnh.
Ngôn ngữ đó giống như một thứ ngoại ngữ vậy, không phải ai cũng “nghe, nói” được. Những người nào không biết “ngoại ngữ” thì có thể cảm mà không cần hiểu.
Ví như tôi nghe nhạc Trịnh Công Sơn với những ca từ “bí hiểm”, lúc đầu tôi chẳng hiểu gì cả, chỉ thấy là nó hay thôi, dần dần với sự trải nghiệm mới hiểu được phần nào.
Quảng cáo
Thái Phiên
Nguyễn Bính là nhà thơ chân quê, nổi tiếng với tuyên ngôn “hoa chanh nở giữa vườn chanh/ thầy u mình với chúng mình chân quê” nhưng không vì thế mà thơ ông lại ít giá trị hơn thơ Xuân Diệu - một nhà thơ mới cách tân.
Tâm hồn người nghệ sĩ sao thì tác phẩm nó vậy, “văn là người” mà.
Có thể vì tôi sinh ra trong 1 gia đình nông dân ở Huế, tôi lớn lên trong hương cau, hương lúa, trong tiếng ru hời của mạ, nên ảnh của tôi cũng “nhà quê”và cũng chất phác, hiền lành như thôn nữ vậy.
Anh tìm thấy ý nghĩa gì trong việc chụp ảnh nude để có thể theo đuổi nó trong cả chục năm trời với rất nhiều ý kiến không đồng thuận?
Chụp ảnh nude nghệ thuật là chấp nhận thách thức. Thách thức với bản thân: theo tôi thì lực hút nam-nữ còn mạnh hơn cả lực hút... Newton nữa, người cầm máy phải chiến thắng được mình, giữ được cái tâm trong sáng thì chụp mới ra... ảnh được, nếu không thì chỉ chụp ra tiếng xấu thôi.
Tim đập, tay run thì làm sao mà bấm máy?
Thách thức với nghệ thuật: người ta ví người chụp ảnh khoả thân như là nghệ sĩ xiếc đi trên dây, nghiêng bên này một tí thì không ra nghệ thuật, nghiêng bên kia một tí thì lại quá khô khan, sự cân bằng đòi hỏi tay nghề anh phải vững, cái hồn phải mỹ.
Và thách thức với gia đình, với xã hội nữa, kiểu gì thì kiểu làm nghề này thì vợ con, gia đình họ hàng của bạn cũng phải “lĩnh đủ” những dư luận chẳng mấy hay ho gì, vì có một người chồng, người cha chuyên đi chụp ảnh “không mặc gì”.
Trong điều kiện một xã hội phương Đông còn nặng tư tưởng Nho giáo như ở ta, thì việc người ta đồng hóa ảnh nude nghệ thuật với ảnh khiêu dâm cũng không phải là hiếm.
Có thể là vì tôi thích những sự thách thức nên mới theo đuổi được nghề này, không phải chục năm mà đã 15 năm tròn.
Thân phận
Trước những “búa rìu dư luận” có khi nào anh thấy nản không?
Nhiều khi cũng bức xúc, dằn vặt, day dứt lắm, có đêm về trằn trọc hoài không ngủ được.
Người nghệ sĩ vốn nhạy cảm, nghe người ta xì xào, chỉ chỏ: tay ấy chuyên đi chụp “cái này của cô kia và cái kia của cô nọ” thì cũng khó chịu lắm.
Đã nhiều lần tôi đã bỏ máy, có khi bỏ đến ba bốn tháng liền nhưng mà dường như sự say mê trong lòng mình nặng quá, nó cứ như hòn than âm ỉ vậy, bị dội nước thì nguội đi một tí, rồi có gió là lại bùng lên.
Có sự bắt chước trong những bức ảnh nude của anh không?Chưa ai hỏi tôi câu này cả.
Tôi ví cơ thể người phụ nữ như một mảnh đất nhỏ bé mà qua thời gian, qua rất rất nhiều thế hệ nghệ sĩ người ta đã “cày đi xới lại” nhuyễn ra rồi. Nhiếp ảnh thì khai thác bằng ống kính, hội họa khai thác bằng cọ, điện ảnh khai thác bằng những góc quay...
Mục đích tối cao của nghệ sĩ là sáng tạo và đạo đức của họ không chấp nhận những sự sao chép, tôi không bao giờ có ý định bắt chước ai, nhưng nhiều khi có những ý tưởng trùng lặp ngẫu nhiên là điều khó tránh khỏi, thậm chí nhiều khi mình lại trùng lặp với chính bản thân mình nữa cơ.
Khi ngẫu nhiên phát hiện ra một tác phẩm của mình na ná như tác phẩm của ai đó anh sẽ làm như thế nào?
Có hai phương án. Thứ nhất, nếu tôi thấy tác phẩm của mình đẹp hơn thì giữ lại. Và thứ hai nếu nó xấu hơn tôi sẽ huỷ bỏ.
Thời gian tới anh sẽ làm khác ảnh nude của mình như thế nào?
Có thể tôi sẽ chụp bà bầu, có thể sẽ chụp nude dưới nước hoặc chụp hai ba người mẫu một lúc...
Cám ơn anh và chúc những dự định mới của anh thành công!
Hạnh Đỗ
Trích : Tiền Phong Online 25.12.2007