#Computex21: RX 6800M ngang kèo RTX 3080 Mobile, FidelityFX Super Res hỗ trợ cả phần cứng Nvidia!

bk9sw
1/6/2021 6:28Phản hồi: 34
#Computex21: RX 6800M ngang kèo RTX 3080 Mobile, FidelityFX Super Res hỗ trợ cả phần cứng Nvidia!
Có thể nói Computex 2021 đang là màn trình diễn cực kỳ đỉnh cao của AMD khi đội đỏ liên tiếp giới thiệu những công nghệ và sản phẩm mới xoay quanh kiến trúc đồ họa RDNA 2. Dành cho laptop, AMD đã ra mắt Radeon RX 6000M và dòng GPU này sẽ có thể cạnh tranh tốt hơn với giải pháp GeForce RTX 30 Mobile của Nvidia.

RDNA 2 nay đã lên laptop


AMD cho biết năm 2020 chứng kiến sự tăng trưởng của laptop chơi game với tỉ lệ 27% so với năm 2019, gần 25 triệu máy được bán ra. Với dòng Radeon RX 5000M thì AMD đã những chiếc laptop chơi game dùng GPU AMD cũng như combo Ryzen + Radeon đã xuất hiện nhiều hơn nhưng so với độ phủ thì vẫn chưa bằng Nvidia. Thế hệ Radeon RX 5000M dùng kiến trúc RDNA đời đầu với những Navi 10 trên RX 5600M, Navi 14 trên RX 5500M/5300M.

RDNA là kiến trúc mới, ấn định sự chuyển mình từ GCN nhiều năm tuổi và cũng cho sự cải thiện đáng kể về hiệu năng. Tuy nhiên nếu anh em đã và đang xài dòng RX 5000 series trên máy bàn thì chắc hẳn sẽ hiểu tại sao RX 5000M trên laptop lại không được các hãng sản xuất mặn mà. Hiệu năng của chúng chưa tốt, chẳng hạn như RX 5600M chỉ phù hợp cho game FHD, tương đương RTX 2060 nhưng không Ray Tracing hay các tính năng khử răng cưa bằng Deep Learning như DLSS. Trong khi đó ở phân khúc dưới thì RX 5500M thì không thể cạnh tranh lại GTX 1660 Ti dù được định vị cùng phân khúc. Một vấn đề nữa là điện năng tiêu thụ, như RX 5500M có TGP ở 85 W trong khi GTX 1660 Ti Mobile là 80 W và bản Max-Q của dòng này cũng chỉ cần 60 W.

Radeon RX6000M (1).jpg
Bước nhảy về hiệu năng lớn của GPU trên laptop lại xuất hiện với dòng GeForce RTX 30 Mobile. AMD hiển nhiên đã thủ sẵn bài và với những gì dòng Radeon RX 6000 series trên máy bàn đang làm được thì người dùng cũng mong đợi một điều tương tự trên laptop với Radeon RX 6000M. Radeon RX 6000 series dùng kiến trúc RDNA 2 cải tiến với hiệu năng cao hơn 1,5 lần, điện năng tiêu thụ giảm hơn 40% và từ đó nó càng lý tưởng hơn để trang bị cho laptop.


RX 6800M mạnh ngang RTX 3080 Mobile


Dòng Radeon RX 6000M sẽ có 3 phiên bản là Radeon RX 6800M, 6700M và 6600M. Flagship Radeon RX 6800M sẽ dùng GPU Navi 22 - tương tự GPU của Radeon RX 6700 XT trên desktop, Radeon RX 6700M dùng Navi 22 GP và Radeon RX 6600M dùng Navi 23, đây đều là các GPU mới chưa từng có trên phiên bản card rời cho máy bàn.

Radeon RX6000M (2).jpg
Navi 22 của Radeon RX 6800M sẽ có 40 CU, 2560 nhân Stream, xung nhịp ở 2300 MHz. RX 6800M đi với 12 GB bộ nhớ GDDR6 16 Gbps kết nối qua bus 192-bit cho băng thông 384 GB/s và sẽ có bộ đệm 96 MB Infinity Cache. AMD cho biết con GPU này cho năng lực xử lý FP32 ở 11,78 TFLOPS tức chỉ thua RX 6700 XT khoảng 1,43 TFLOPS.

AMD cho biết RX 6800M sẽ mang lại trải nghiệm game ở 1440p tốt hơn - đúng với xu hướng hiện tại khi màn hình QHD đang dần xuất hiện nhiều hơn trên laptop chơi game và cũng đang là thế mạnh của dòng RTX 30 Mobile khi đủ sức kéo game ở độ phân giải này với tỉ lệ khung hình cao.

Radeon RX6000M (3).jpg
AMD so sánh về hiệu năng của RX 6800M với RTX 2070, hiệu năng của RX 6800M cao hơn từ 1,4X đến 1,7X ở các tựa game mới như Assassin's Creed Valhalla, Cyberpunk 2077 hay Resident Evil: Village. Trong màn demo, AMD cho thấy RX 6800M có thể chơi RE: Village ở 2K, đồ họa tối đa với tỉ lệ khung hình đến 135 fps.

Radeon RX6000M (4).jpg
Đây là tỉ lệ khung hình của RX 6800M với một loạt các tựa game từ eSport đến AAA ở độ phân giải 1440p, đồ họa tối đa. AMD khẳng định "bao chơi trên 120 fps" với các tựa game phổ biến.

Radeon RX6000M (5).jpg

Quảng cáo


RX 6800M không chỉ có thể vượt mặt RTX 2070 mà còn có thể cạnh tranh canh sòng phẳng với những flagship của dòng GeForce RTX 30 Mobile như RTX 3080 và RTX 3070.

Radeon RX6000M (6).jpg
Thậm chí AMD còn so sánh RX 6800M với RTX 3080 ở tình huống chơi game không cắm sạc thì hiệu năng của RX 6800M còn cao hơ flagship của Nvidia trên laptop từ 1,14x đến 1,39x. Tuy nhiên, khi chơi game thì anh em nên cắm sạc để CPU và GPU có thể đạt được hiệu năng tối đa, tuổi thọ pin cũng tốt hơn thay vì để pin phải chịu tải toàn bộ các phần cứng mạnh, rất ăn điện.

RX 6800M sẽ có TGP từ 145 W - cũng dễ hiểu bởi xung nhịp trên 2 GHz, những thông số khác không khác nhiều so với RX 6700 XT trên máy bàn. RTX 3080 cũng có thể ăn trên 145 W và mức TGP này tùy thuộc vào thiết kế của hãng làm laptop tương ứng với hệ thống tản nhiệt trang bị cho máy. Để có thể kéo dài thời lượng pin thì AMD giới thiệu công nghệ Radeon Chill cắt giảm điện năng tiêu thụ của GPU xuống hơn 50% khi chơi game bằng pin, dĩ nhiên xung nhịp GPU sẽ được cắt xuống và tỉ lệ khung hình cũng sẽ giảm đi đáng kể nếu so với cắm sạc chơi.

Radeon RX6000M (7).jpg
RX 6700M cũng trong khi đó được trang bị Navi 22 GP, biến thể cắt giảm của Navi 22 với 36 CU (cắt 4 CU), số nhân Stream còn 2304 nhân, xung nhịp vẫn rất cao đến 2300 MHz và năng lực tính toán FP32 ở 10,6 TFLOPS - ngang với một chiếc PS5. RX 6700M được trang bị 10 GB bộ nhớ GDDR6 16 Gbps kết nối với bus 160-bit cho băng thông 320 GB/s và 80 MB bộ đệm Infinity Cache. RX 6700M sẽ có TGP từ 135 W và AMD cũng khẳng định sẽ mang lại trải nghiệm chơi game ở độ phân giải 1440p đồ họa tối đa với tỉ lệ khung hình trên 100 fps.

Radeon RX6000M (8).jpg
Cuối cùng là RX 6600M với Navi 23 - một con GPU mới và được cho là cùng một dòng với GPU trên chiếc máy tính được Tesla trang bị cho xe Model S/X. Navi 23 có 28 CU, 1792 nhân Stream, xung nhịp tối đa 2177 MHz và hiệu năng FP32 ở 8,77 TFLOPS. TGP tối đa của RX 6600M là 100 W và phiên bản GPU này sẽ hướng đến những chiếc laptop chơi game phổ thông, "chuyên trị" game ở độ phân giải 1080p và tỉ lệ khung hình sẽ trên 100 fps.

Quảng cáo



Radeon RX6000M (9).jpg
RX 6600M hứa hẹn sẽ là con át chủ bài của AMD trên mặt trận laptop gaming tầm trung và cũng có thể là những chiếc máy dành cho người dùng sáng tạo nội dung. Sức mạnh của RX 6600M cho phép anh em chơi hầu hết các tựa game hiện nay ở 1080p, đồ họa tối đa với tỉ lệ khung hình trên 60 fps với game AAA hay trên 200 fps với game eSport.

Radeon RX6000M (10).jpg
RX 6600M khá là cân kèo với RTX 3060. Mình chỉ hy vọng là laptop chạy RX 6600M sẽ có giá tốt hơn RTX 3060 hiện tại.

Điều kì diệu ở FidelityFX Super Resolution


Cùng với thế hệ Radeon RX 6000M thì AMD cho biết sẽ đưa công nghệ FidelityFX Super Resolution (FSR) đến với mọi game thủ. Đây là công nghệ để upscale và khử răng cưa, rất giống với DLSS của Nvidia bởi nó cũng sử dụng thuật toán để xử lý. Dòng Radeon RX 6000M đã có các nhân Ray Accelerator để xử lý Ray Tracing và vì vậy FidelityFX Super Resolution sẽ giúp đẩy tỉ lệ khung hình lên cao hơn với các tựa game khai thác Ray Tracing.

Radeon RX6000M (12)a.jpg
Trong phiên demo thì AMD cho thấy hiệu năng của RX 6800 XT trên desktop khi chơi tựa game Godfall ở độ phân giải 4K, Ray Tracing tối đa thì với FSR, tỉ lệ khung hình đã đjat 78 fps, nếu không có chỉ còn 49 fps và như vậy hiệu năng tăng 59%.

Radeon RX6000M (12).jpg
Cũng giống như DLSS, FSR có nhiều chế độ như thiên về chất lượng hình ảnh (Ultra Quality hay Quality), cân bằng giữa chất lượng hình ảnh và tỉ lệ khung hình (Balanced) và chỉ thiên về tỉ lệ khung hình (Performance). Với cùng tựa game Godfall chơi ở 4K, chất lượng đồ họa Epic với Ray Tracing thì tỉ lệ khung hình giữa các tỉ lệ này như hình trên.

FSR sẽ được hỗ trợ trên rất nhiều nền tảng như Radeon RX 5000 series, 6000 series card rời cho máy bàn, RX 5000M/6000M cho laptop, RX Vega dạng card rời như Vega 7/8 Radeon VII hay thậm chí là RX Vega tích hợp trên APU như Ryzen 5000G/GE

Ngạc nhiên hơn, FSR cũng là nền tảng mở để các nhà phát triển game có thể khai thác miễn phí và đối với lập trình viên, một chuẩn công nghiệp như FSR có nghĩ sẽ ít mã nguồn hơn, không phụ thuộc vào mã độc quyền như DLSS.

Radeon RX6000M (13).jpg
FSR không chỉ hỗ trợ trên phần cứng của AMD mà còn hỗ trợ trên chính card đồ họa của Nvidia. Cũng với tựa game Godfall chơi ở 1440p, đồ họa Epic thì GTX 1060 với FSR có thể cho 38 fps trong khi không có FSR thì GTX 1060 hầu như không thể chạy tốt được tựa game này ở 1440p. AMD nói FSR hỗ trợ GPU của Nvidia từ dòng GTX 10 series đến hiện tại. Và dĩ nhiên, để có thể khai thác công nghệ này thì các tựa game cần phải ứng dụng FSR.

Radeon RX6000M (19).jpg
Ngoài ra, AMD cũng triển khai công nghệ Smart Access Memory (Resize-Bar) trên laptop dùng combo Ryzen + Radeon RX để CPU có thể truy xuất trực tiếp vào VRAM trên GPU mà không cần phải qua trung gian là RAM hệ thống. Tính năng AMD Smart Shift cũng giúp Ryzen và Radeon RX chia điện hiệu quả hơn, từ đó hệ thống tản nhiệt sẽ có thể hoạt động thích ứng với nhu cầu làm mát của CPU hay GPU tùy theo tựa game, giúp đẩy hiệu năng chơi game lên cao hơn, theo AMD nói là từ 7% với Cyberpunk 2077 đến 11% trên Borderlands 3.

Chương trình AMD Advantage


Radeon RX6000M (15).jpg
Theo chương trình này thì những chiếc laptop trang bị Radeon RX 6000M cao cấp phải đáp ứng các tiêu chí được AMD đặt ra như màn hình phải có tốc độ làm tươi trên 144 Hz, độ trễ thấp và hỗ trợ FreeSync Premium. Độ sáng màn hình phải trên 300 nits, tấm nền IPS hoặc OLED với độ bao phủ các dải màu 100% sRGB hay 72% NTSC.

Radeon RX6000M (16).jpg
Chiếc máy còn phải được trang bị ít nhất là 1 ổ SSD NVMe PCIe 3.0 x4 để tăng tốc độ khởi động hệ thống, game; hệ thống tản nhiệt trên máy phải đảm bảo vùng phím WASD khi chơi game phải ở dưới 40 độ C để không gây nóng khó chịu khi sử dụng máy lâu và thời lượng pin phải trên 10 tiếng khi sử dụng bình thường.

Radeon RX6000M (14).jpg
Mục tiêu cuối cùng của AMD với chương trình này là nhằm mang lại cho người dùng trải nghiệm tốt nhất có thể trên một chiếc laptop gaming chạy AMD.

Radeon RX6000M (11).jpg
Laptop chạy RX 6800M như ASUS ROG Strix G15 và Omen 15 với RX 6600M đã bắt đầu được bán ra.
34 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Hy vọng giá laptop Intel + Nvidia năm nay sẽ giảm 😁
Hay lắm, nhưng không mua được 😆)
@chickennho Laptop pa ơi
ultratrung
TÍCH CỰC
3 năm
@bk9sw 1650ti trên láp có mạnh hơn 1650 trên desktop ko anh ơi
@ultratrung Không
5000 series có 5300M đấm vêu mồm 1650 của đội xanh. Còn 5500M, 5600M đúng làm thảm thật. Mong AMD ở computex 2021 ra con 6300M, 6400M ở laptop phân khúc giá 849$-949$ vả vêu con 1660Ti thì ngon.
@tungnguyen9x97 Xác nhận 5300M khoẻ thật, cứ tải con game nào về là phải vào setting chỉnh lên chơi cho đã con mắt mặc dù lúc tải về toàn đặt sẵn thiết lập thấp.
@tungnguyen9x97 1650 nó ra từ khi nào và 5300M nó từ khi nào nhỉ???
@kyn_krai Không phải quan trọng ra năm nào mà ở thị trường thế giới và hiện tại, 2 con này cùng phân khúc giá, nên không đem ra so thì để làm gì? 17tr có 1 con 4600h+ 5300m là quá ngon, rẻ hơn mạnh hơn nên đem so là phải rồi. BTw, 1650 release date 04/2019, 5300M 11/2019
Topic hay mà vắng vẻ nhở! FSR có vẻ lợi hại thực sự, nếu mọi thứ OK như AMD quảng cáo thì DLSS của Nvidia đúng là tấu hài. Việc là nền tảng mở, hỗ trợ rộng rãi thì FSR sẽ khiến DLSS bị cho ra rìa tương tự như Freesync và Gsync vậy. Trừ trường hợp Nvidia đấm tiền để giết FSR.
@khoa-ckd Theo reviewer youtube thì dlss vẫn ngon hơn kha khá
@nightwish47 dlss nvidia dùng cả AI để upscale nữa mà nên tốt hơn hẳn r
lại bán thận cho kèo rx6000 này hay sao???
cũng hấp dẫn đây nhưng với những người như mình xài lap ngoài chơi game ra còn làm 1 chút xíu về đồ họa và dựng phim, do đó lap gaming của AMD không mang lại lợi thế như CUDA của Nvidia, haizaa, chưa kể thời gian vừa rồi laptop gaming xài card AMD khá hiếm và cũng như hiệu năng quá bèo trong tầm giá, hy vọng lần này sẽ được AMD và các nhà sx cải thiện hơn nữa.
@jeetkunedo mình cũng thấy vậy, 1 phần cũng vì các thế hệ cpu gpu cũ của amd ko đáp ứng được nhu cầu người dùng nên có thể các hãng phần mềm họ không/chưa tối ưu phần mềm cho phần cứng của amd. hy vọng sắp thế các gpu của amd cũng được tối ưu phần mềm như các cpu ryzen.
llyllr
TÍCH CỰC
3 năm
Hấp dẫn thật
Đã lắp vgacard chơi game thì xác định 2070super, 2080 RTX trở lên, bắn pubg pc mới ko lag giựt khi set HIGH. Set low hoặc medium nhìn nhạt nhoà khó chịu. Mình chơi trên màn hình 2k samsung 55" ngồi xa 2m nhìn sắc nét =)

Mấy con card 1660 gì gì đó thì game nhẹ như pikachu thôi chứ qua FPS thì thua toàn tập. Trước đây xài con 2060 cũng là chịu ko nổi
@Người Sài Gòn 1981 Tôi vâcn chơi bình thường fps đạt 120. Có lẻ bạn khó tính quá
@tinnokian781 Quan trọng bạn setting Very Lơ, hay là High đến Ultra như mình

Khi đó mới cảm nhận sự khác biệt

Già rồi mắt mờ nên cần hình ảnh rõ nét 😃
Laptop gaming h cũng ổn nhỉ. Nhưng chơi tầm 2.3 tiếng là bắt đầu nóng và rất nóng
Thương gia Việt Nam ít nhập laptop AMD, mà có nhập về thì giá chênh cao lắm.
FSR với DLSS có làm xấu đồ họa đi ko? Tui chỉ nghĩ nó giống như chụp hình. Nếu ko chỉnh sửa thì máy nó chỉnh sửa cũng rất đẹp. Chứ mà đem ra hiệu ảnh nó photoshop cho rồi mà lại đem cho AI nó sửa lại thì xấu như ma. Cái video game người ta làm ra đã chỉnh sửa rất đẹp rồi giờ cho AI nó sửa thì liệu có đẹp được ko? Rất mong 1 ace nào đó dùng rồi cho 1 nhận xét chân thực nhất.
@dlv.thickgame Tất nhiên nhưngx công nghệ này không thể cho hình ảnh đẹp như native được. Fsr hay Dlss sinh ra để cố mô phỏng lại hình ảnh native cơ mà. Nhưng bù lại ta sẽ có số khubg hình cao hơn, mượt hơn nhưng chất lượng hình ảnh mất đi là không đáng kể.
@khoa-ckd Chất lượng hình ảnh có xấu đi nhiều ko bạn?
@dlv.thickgame DLSS 2.0 thì có nhiều review rồi. Chất lượng rất tốt còn RSR thì chỉ mới giới thiệu, phải đợi trải nghiệm thực tế mới biết được. Tất nhiên là còn phụ thuộc vào độ tối ưu của từng game nữa.
@khoa-ckd Ok thank you
Không biết giá sao nửa
wow thị trường GPU bây giờ cũng sôi nổi không kém cạnh gì CPU cả, có thể nói đợt này AMD đang cạnh tranh với Nvidia một cách sòng phẳng hơn
Cái chúng tôi quan tâm là bao nhiêu mhash
_oct31st_
TÍCH CỰC
3 năm
FSR nhìn thấy bá qá zậy. Hóng ra bài cụ thể
không ai để ý con HP omen mới hả 😁

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019