Sau VivoBook S15 S510 thì hôm nay mình giới thiệu đến anh em một chiếc máy khác với cấu hình tương tự là Acer Aspire 5 (mã đầy đủ là A515-51G-55J6), giá bán 13,7 triệu đồng. Tổng quan thì đây là một chiếc laptop giải trí tầm trung với màn hình 15,6", cấu hình trên trung bình với việc trang bị GPU GeForce 940MX cho phép giải trí tốt hơn, thiết kế khá tốt, cứng cáp dù không nhiều thành phần được làm bằng kim loại.
Bề ngoài:
Bề ngoài:
Aspire 5 có thiết kế cổ điển, lịch sự theo kiểu văn phòng. Phần nắp máy được làm bằng nhựa, màu xám với các đường dập nổi, nhìn hao hao thiết kế của những chiếc vali kim loại Rimowa. Mình nghĩ vẻ ngoài của Aspire 5 phù hợp với các bạn nam hơn. Tuy nhiên, nhìn cứng cáp nam tính vậy thôi nhưng vỏ ngoài nhựa thì việc sứt mẻ vỡ là điều không thể tránh khỏi nếu sử dụng không kĩ. Với thiết kế này thì anh em cần bảo quản tốt bởi vỏ nhựa khá dễ trầy và các rảnh nổi dù không bám vân tay nhưng dễ bám bụi.
Phần ốp bản lề cũng được làm bằng nhựa hoàn thiện kiểu kim loại, trên có dòng chữ Aspire khắc chìm. Bản lề khá mượt, cho phép mở nắp máy bằng một tay và cũng có khấc giúp đóng kín bản lề. Phần thân máy được làm bằng nhựa với chất liệu thô, thường thấy trên những dòng máy giá rẻ. Trọng lượng của máy cũng không quá nặng đối với một chiếc máy 15,6", khoảng 2,1 kg.
Độ dày của máy là 21 mm, khá dày nên chúng ta sẽ cần đến một cái balo cỡ trung để mang theo. Với độ dày này thì các cổng kết nối trên Aspire 5 đều tiêu chuẩn với cạnh trái là RJ-45 (LAN), USB 3.1 Gen1 (USB-C), HDMI, USB 3.0 (USB-A) và khe đọc thẻ SD. Kiểu hoàn thiện tại các cổng này khá chán, nhất là tại cạnh trái khi mà lớp vỏ nhựa bên dưới không khớp với tấm nhôm nội thất bên trên.
Cạnh phải có thêm 2 cổng USB 2.0 (USB-A), jack âm thanh 3,5 mm và cổng nguồn. Như vậy về số lượng cổng thì đầy đủ nhưng chuẩn cổng lại hơi kém. Cũng giống như VivoBook S15 S510, chiếc Aspire 5 có 2 cổng USB 2.0 đã lỗi thời, tốc độ chậm và chỉ phù hợp sử dụng với chuột hay bàn phím. Điều đáng khen là nó vẫn có USB 3.1 Gen1 (USB-C) nên chúng ta có thể sử dụng với các loại thiết bị ngoại vi dùng cổng kết nối mới này.
Đáy máy được chia khoang, rất dễ để nâng cấp mà không cần phải tháo nhiều ốc. Ổ cứng và RAM được che bởi 2 nắp rời. Trên máy còn trống một khe SO-DIMM, khay ổ cứng đã có sẵn một ổ 2,5". Trên bo mạch còn có khe M.2 và nó nằm ngay cạnh khe RAM, để gắn thêm thì cần phải tháo toàn bộ đáy máy.Bên trong:
Nội thất của Acer Aspire 5 rất đậm chất máy văn phòng. Toàn bộ nội thất là một tấm nhôm phay xước với các cạnh được vát kim cương nhìn khá sang. Lớp nhôm này màu đen và cá nhân mình thích kiểu hoàn thiện này hơn so với nội thất bằng nhựa của VivoBook S15 S510. Tấm nhôm rất cứng, bao quanh bàn phím nên tình trạng flex phím không xảy ra. Ngoài ra trải nghiệm sờ vào nhôm phay vẫn thích tay hơn so với nhựa.
Nói về bàn phím thì Aspire 5 có bàn phím full-size với cả cụm phím số theo layout truyền thống của Acer. Các phím chính có kích thước khá lớn, hành trình khoảng 1,5 mm nhưng độ nẩy không cao, cảm giác bấm mềm. Mình có thể làm quen nhanh và gõ nhanh nhưng tình trạng miss phím đôi khi xảy ra do độ nẩy thấp khiến mình dễ hụt tay do nhấn phím không hết hành trình.
Một điểm đáng tiếc nữa là bàn phím lại không có đèn nền backlit. Bề mặt phím được xử lý sần với các ký tự được in sắc nét nhưng việc thiếu đèn nền backlit trên một mẫu máy ở tầm giá này là thiếu sót lớn. Layout phím chính có thể quen nhưng khi cần phải bấm những phím chức năng đặc biệt thì chúng ta phải mò mẫm và ghi nhớ.
Bàn rê của Aspire 5 có kích thước 10,5 x 8 cm rất lớn, đây là bàn rê dạng ClickPad với bề mặt được phủ sần mịn giúp giảm thiểu độ ma sát và mang lại trải nghiệm vuốt chạm mượt mà hơn. Độ chính xác của bàn rê cao nhưng có vẻ như bàn rê không hỗ trợ thao tác đa điểm??? Mình đã thử cài driver được Acer cung cấp nhưng không có thiết lập đa điểm. Như vậy cái bàn rê này ngoài thao tác di trỏ chuột, nhấp chọn thì chúng ta không thể cuộn trang hay phóng to thu nhỏ bằng 2 ngón cũng như không hỗ trợ các thao tác đa điểm khác của Windows 10.P/S: Bên Acer cho mình biết là có thiết lập trong BIOS để kích hoạt tính năng đa điểm. Mình hiện tại không còn giữ chiếc máy này để kiểm tra cho anh em nên khi đi mua anh em nên kiểm tra phần này nhé. Nhưng tại sao Acer không kích hoạt mặc định mà phải giấu trong BIOS để làm khó người dùng?
Quảng cáo
Màn hình và âm thanh:
Acer Aspire 5 được trang bị màn hình 15,6" FHD dùng tấm nền TN do BOEhydis sản xuất. Chất lượng của tấm nền này khá kém với độ sáng tối đa chỉ xấp xỉ 200 nit và độ tương phản tối đa cũng chỉ loanh quanh 70:1. Trải nghiệm của mình với màn hình của Aspire 5 với điều kiện sử dụng ban ngày, trong phòng có ánh sáng bên ngoài vào thì mình chỉ có thể sử dụng được với các mức sáng từ 75% trở lên, 50% khó thấy. Bù lại cho độ sáng thấp thì màn hình có lớp phủ matte chống chói khá tốt nhưng vẫn không ăn thua nếu anh em thích ngồi ngoài trời.
Độ bao phủ màu sắc của màn hình lần lượt là 55% sRGB, 39% NTSC và 41% Adobe RGB. Cùng với độ tương phản thấp độ bao phủ dải màu không rộng thì màn hình của Aspire 5 tái hiện màu sắc rất nhợt nhạt. Cảm giác như có một lớp mờ bao phủ lấy màn hình và điều này ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm giải trí. Dĩ nhiên chúng ta càng không thể chỉnh sửa ảnh trên chiếc máy này bởi độ sai màu quá cao và độ bao phủ các dải màu thấp.
Góc quan sát 2 bên của màn hình khoảng 80 độ nhưng trên và dưới vẫn rất hẹp vốn là bản chất của tấm nền TN. Điểm gỡ gạc lại duy nhất của màn hình là độ phân giải FHD. Mật độ điểm ảnh 142 ppi, vẫn thấy rỗ với kích thước 15,6".
Màn hình của Aspire 5 chỉ phù hợp để làm việc, chơi game hay xem phim cũng được nhưng không đã mắt. Mình có kiểm tra tại một số trang nước ngoài thì chiếc máy này được trang bị màn hình IPS hẳn hoi, chất lượng cao hơn nhiều nhưng không hiểu sao Acer lại đưa cấu hình TN về Việt Nam với cùng tầm giá?Aspire 5 có 2 loa đặt tại đáy máy, nằm gần 2 cạnh bên và chất lượng âm thanh của dàn loa này cũng chỉ trung bình với âm lượng tối đa khoảng 70 dB. Bass hầu như không có, mid cân bằng và rõ, treble cao, âm thanh mở tối đa ít nhiễu.
Quảng cáo
Nhìn chung về màn hình và âm thanh thì mình không hài lòng với Acer Aspire 5. Chiếc máy này đáng ra nên được trang bị màn hình IPS hoặc ít nhất phải là TN loại tốt một tí.
Hiệu năng:
Cũng giống như nhiều mẫu laptop giải trí tầm trung hiện nay, Acer Aspire 5 được trang bị cấu hình kết hợp giữa CPU tiết kiệm điện năng và GPU GeForce dòng rẻ để mang lại hiệu năng tốt hơn, cho phép chơi được nhiều tựa game online với thiết lập cấu hình trung bình. Cụ thể:- CPU: Intel Core i5-7200U (Kaby Lake) 2 nhân 4 luồng, 2,5 - 3,1 GHz, 3 MB Cache, TDP 15 W;
- GPU: Nvidia GeForce 940MX 2 GB GDDR5 + Intel HD Graphics 620;
- RAM: 4 GB DDR4-2400 bắn chết trên bo, single-channel + 1 khe SO-DIMM trống;
- HDD: 1 TB WD Caviar Green 5400 rpm + 1 khe M.2 trống;
- Kết nối: Bluetooth 4.0 + Intel Dual Band Wireless-AC 3168;
- OS: FreeDOS, thử nghiệm bằng Windows 10 Pro (Creators Update).
Nói đến ổ cứng thì đây là kết quả benchmark bằng CrystalDisk Mark, ổ WD Caviar Green 1 TB trên Aspire 5 đạt tốc độ đọc ghi tuần tự khá cân bằng, đều trên 120 MB/s, tốc độ truy xuất ngẫu nhiên 4 Kb rất thấp, nhất là tốc độ đọc nên trong quá trình sử dụng, hiện tượng Full Disk sẽ xảy ra khi mới khởi động máy và khởi chạy các ứng dụng nặng.Về hiệu năng đồ họa, phiên bản GeForce 940MX trên Aspire 5 là phiên bản cải tiến với GPU Maxwell GM108, 384 nhân CUDA và dùng bộ nhớ GDDR5 tốc độ cao mang lại hiệu năng tốt hơn nhiều so với phiên bản cũ dùng DDR3, đặc biệt là khả năng xử lý các nội dung đồ họa 3D nặng như game hay các ứng dụng xử lý hình ảnh.
Mình cũng có chơi thử vài tựa game online phổ biến như LoL, Paladins trên chiếc máy này thì với độ phân giải FHD, game chạy khá ngọt ở cấu hình High với khung hình trên 60 fps. Với những tựa game nặng hơn chẳng hạn như GTA V thì bạn vẫn có thể chơi được với cấu hình High ở độ phân giải HD (1366 x 768 px) để đạt khung hình trên 30 fps.
Pin và nhiệt:
Aspire 5 được trang bị hệ thống tản nhiệt với 1 ống đồng và 1 quạt tương tự như VivoBook S15 S510 và cũng y hệt chiếc ThinkPad T570 của mình với cùng GPU GeForce 940MX. Hệ thống này hoạt động khá tốt với mức nhiệt độ CPU khi strest test chỉ tối đa 70 độ C và sau 20 phút stress liên tục không phát hiện tình trạng rớt xung hay throttle. Riêng với GPU, mình stress test bằng FurMark thì nhiệt độ tối đa 81 độ C, khi chơi game thì cũng chỉ vào khoảng 75 độ C tối đa nên mức nhiệt độ này chấp nhận được.Nhiệt độ bề mặt cũng rất mát mẻ, khi chơi game thì vùng nóng nhất nằm ở phía trên bàn phím ngay chính giữa bản lề nơi bên dưới là cụm CPU và GPU. Nhiệt độ các vùng xung quanh như chiếu nghỉ tay chỉ vào khoảng 33 độ C (ở điều kiện phòng thường).
Về pin, Aspire 5 được trang bị cục pin 48 Wh và thời lượng pin của máy trung bình. Thử nghiệm với PCMark 8 Home mô phỏng điều kiện sử dụng với các tác vụ văn phòng như lướt web, soạn thảo văn bản, chỉnh sửa hình ảnh, gọi video và chơi game nhẹ, độ sáng 75% thì thời lượng pin đạt 3 giờ 45 phút. Nếu dùng máy để xem phim với độ sáng 75%, âm lượng tối đa thì thời lượng pin đạt hơn 5 giờ.
Tổng kết:
Acer Aspire 5 sở hữu thiết kế cổ điển, lạ lẫm trong số đông thiết kế giả nhôm của những chiếc máy giá rẻ tầm trung hiện nay nhưng nó khiến chiếc máy trông khác biệt, lịch sự và cứng cáp. Nội thất của máy được hoàn thiện khá tốt với bề mặt nhôm phay mang lại sự cứng cáp cần thiết và trải nghiệm sử dụng tốt hơn. Tuy vậy bàn phím không có đèn nền backlit và bàn rê không hỗ trợ đa điểm là điểm trừ lớn.Cấu hình của Aspire 5 khá tốt, việc trang bị CPU Core i5 ULV và GPU 940MX không quá mạnh nhưng đủ để chơi game online. Vì vậy nhiều bạn sinh viên hay dân văn phòng thích chơi game có thể chọn chiếc máy này nhưng màn hình xấu khiến Aspire 5 mất điểm đối với những ai muốn khai thác 940MX để chỉnh sửa hình ảnh.
Điểm mình thích:
- Thiết kế lịch sự, nội thất nhôm chắc chắn;
- Hiệu năng tốt trong phân khúc;
- Có USB-C;
- Thời lượng pin khá;
- Dễ nâng cấp;
- Vận hành mát mẻ.
Điểm mình không thích:
- Màn hình TN chất lượng thấp, FHD nhưng màu sắc kém;
- Bàn phím gõ khá thích tay nhưng không có đèn backlit;
- Bàn rê Acer nói có hỗ trợ đa điểm nhưng phải vào BIOS chỉnh!
- 2 cổng USB 2.0 đã cũ.