Hãy bắt đầu luôn với cốt truyện của Black Myth: Wukong. Cái thời điểm trailer đầu tiên ra mắt và ngay lập tức tạo ra ấn tượng mạnh với cộng đồng gamer toàn cầu, đã có những người đặt ra giả thuyết, rằng nhân vật chúng ta sẽ nhập vai trong trò chơi này là Lục Nhĩ Mỹ Hầu chứ không phải Tôn Ngộ Không, vì trước giờ đã có quá nhiều thuyết âm mưu xoay quanh nhân vật nổi tiếng trong bộ tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Ngô Thừa Ân.
Nhưng không, đây đơn giản chỉ là một con khỉ sống ở Hoa Quả Sơn, lên đường đi tìm đủ những mảnh tinh thạch bay tứ tán, sau trận chiến giữa Tôn Ngộ Không với Dương Tiễn 500 năm về trước. Cũng phải tiết lộ luôn, những gì diễn ra trong Black Myth: Wukong đều là câu chuyện sau khi thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh xong, Ngộ Không trở thành Đấu Chiến Thắng Phật.
Còn lý do vì sao lại xảy ra trận chiến giữa Tôn Ngộ Không và Dương Tiễn, mình sẽ nhường cho anh em tự khám phá trong suốt chuỗi hành trình của trò chơi.
Nhưng không, đây đơn giản chỉ là một con khỉ sống ở Hoa Quả Sơn, lên đường đi tìm đủ những mảnh tinh thạch bay tứ tán, sau trận chiến giữa Tôn Ngộ Không với Dương Tiễn 500 năm về trước. Cũng phải tiết lộ luôn, những gì diễn ra trong Black Myth: Wukong đều là câu chuyện sau khi thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh xong, Ngộ Không trở thành Đấu Chiến Thắng Phật.
Còn lý do vì sao lại xảy ra trận chiến giữa Tôn Ngộ Không và Dương Tiễn, mình sẽ nhường cho anh em tự khám phá trong suốt chuỗi hành trình của trò chơi.
Có một vấn đề nho nhỏ với Black Myth: Wukong. Sau mấy đoạn trailer ra mắt, rồi cả đoạn phim cắt cảnh đầy tính điện ảnh cách đây ít năm, cộng đồng đã đặt ra một kỳ vọng có phần tương đối lớn đối với cốt truyện của trò chơi này. Họ muốn những thuyết âm mưu xoay quanh nhân vật Tôn Ngộ Không hay chính bản thân những nhân vật khác trong Tây Du Ký được khai thác theo hướng trưởng thành và có chiều sâu, nhiều nút thắt nút mở hơn.
Vấn đề nằm ở chỗ, Game Science cũng mới chỉ là một studio game khá non trẻ. Dường như họ tập trung tạo ra một trò chơi thực sự giữ chân anh em gamer ở lại với màn hình máy tính thông qua thế giới ảo tuyệt đẹp, kết hợp với cách chơi dù có vay mượn nhiều từ những tác phẩm đã ra mắt trước, nhưng vẫn đủ tạo ra cá tính riêng, không biến Black Myth trở thành một bản sao giống hệt như những tác phẩm anh em từng thưởng thức, như Sekiro, Dark Souls, Nioh và cả Wo Long nữa.
Thành ra, phần yếu nhất trong ba khía cạnh của Black Myth: Wukong, phải thừa nhận đó chính là cốt truyện. Trớ trêu ở chỗ, mình buộc phải đưa ra nhận định như vậy trên quan điểm của một người đánh giá game, đóng vai một người chưa biết chút gì về Tây Du Ký hay cuộc phiêu lưu sang Tây Trúc thỉnh kinh của 5 thầy trò Đường Tam Tạng. Mình tin là có rất nhiều người cũng sẽ đến với tác phẩm này theo kiểu như vậy, không cần biết trước nội dung của bộ tiểu thuyết nằm trong “Tứ Đại Danh Tác” của người Trung Quốc, mà chỉ cần nghiên cứu cốt truyện và cách chơi của game.
Đó là lúc những gamer Việt Nam, đặc biệt là những người có tuổi thơ lớn lên cùng những mùa nghỉ hè khi kênh VTV3 chiếu đủ bộ Tây Du Ký và Hậu Tây Du Ký lúc 6h tối hàng ngày của cả chục năm về trước, phải nhìn nhận trò chơi này theo cách công bằng hơn.
Nếu biết về Tây Du Ký, chỉ cần xem phim chứ không cần đọc đủ bộ tiểu thuyết, rất dễ nhìn ra một lớp ý nghĩa được ẩn giấu trong những đoạn văn mô tả từng con yêu quái mà nhân vật chú khỉ anh em vào vai phải hạ gục. Những điển tích trong Tây Du Ký dần dần được làm mới, được lột xác theo hướng đen tối hơn, thực tế hơn và đôi khi có phần nhân bản hơn so với câu chuyện được khắc họa trong series phim truyền hình năm 1986.
Nếu yêu mến Tây Du Ký, rất dễ trở thành một gamer “đa nhân cách” khi thưởng thức trò chơi này. Một mặt, cuộc phiêu lưu đi tìm những mảnh tinh thạch ẩn chứa sức mạnh của Mỹ Hầu Vương có phần nhạt nhòa, không đọng lại được gì trong đầu của anh em. Nhưng ở khía cạnh hoàn toàn ngược lại, thật tuyệt khi được gặp lại những yêu quái, những nhân vật đã quá quen thuộc nhưng với diện mạo hoàn toàn mới, cùng những câu chuyện đầy chiều sâu phía sau mỗi nhân vật ấy lại là điều các nhà làm game Trung Quốc đã hoàn thành một cách xuất sắc.
Quảng cáo
Lấy ví dụ rất đơn giản. Chúng ta sẽ được gặp lại Kim Trì trưởng lão của thiền viện Quan Âm, kẻ mờ mắt vì lòng tham, rồi bị hai con quỷ Quảng Mưu và Quảng Trí xúi giục ăn trộm chiếc áo Cà Sa của Đường Tăng. Rồi một con yêu quái rất mạnh khác là Hoàng Phong lão quái cũng xuất hiện.
Trong mắt những người không quan tâm tới Tây Du Ký, đó chỉ là những nhân vật cực kỳ tầm thường trong hình hài những con trùm với bộ kỹ năng rất mạnh. Còn với những người yêu mến bộ tiểu thuyết này, những thông điệp về Tam độc, thứ đại diện cho bánh xe luân hồi theo tín ngưỡng Phật giáo, ba tội lỗi ngu si, tham lam và sân hận đều được khắc họa vô cùng rõ nét, từ đó tạo ra chiều sâu tuyệt vời để anh em nghiền ngẫm về cốt truyện của game.
Khổ nỗi, triển khai cốt truyện theo kiểu bắt chước công thức “người chơi tự suy đoán” như FromSoftware với Elden Ring và Dark Souls lại không áp dụng được với Black Myth: Wukong. Lý do là mỗi chương, những nhân vật ma đầu xuất hiện trong từng chương vô tình gói gọn mỗi chương ấy thành một câu chuyện độc lập, không có kết nối gì với nhau.
Có một điều cần nhấn mạnh. Chưa bao giờ mình thèm một trò chơi sở hữu phụ đề tiếng Việt như Black Myth: Wukong. Lý do không phải vì tiếng Anh khó đọc hiểu, mà vì bản thân văn hóa và ngôn ngữ của hai nước Việt Nam và Trung Quốc có quá nhiều sự tương đồng, dịch thuật những cái tên, những đoạn văn trong Tây Du Ký bằng từ Hán Việt sẽ khiến người chơi dễ hiểu hơn nhiều. Chưa kể, giống hệt như nhiều tác phẩm khác, dịch ngôn ngữ lời thoại từ tiếng Trung sang tiếng Anh luôn mất đi một lớp ngữ nghĩa sâu xa, thứ sẽ được giải quyết bằng phụ đề tiếng Việt. Khá chắc là ngay khi game ra mắt, sẽ có một nhóm Việt hóa bắt tay vào thực hiện chuyển ngữ cho tác phẩm này.
Quảng cáo
Ở khía cạnh ngược lại, là gameplay. Điều may mắn là, dù đây là tác phẩm đầu tay, nhưng Game Science đã làm được điều mọi người kỳ vọng. Họ không tạo ra được bất kỳ sự mới mẻ nào hay đột phá nào cho thể loại hành động nhập vai, nhưng bù lại, những gì người Trung Quốc học hỏi được từ những tác phẩm mang phong cách soulslike Nhật Bản đã được áp dụng theo hướng hợp lý.
Game có khó không? Câu trả lời là có, nhưng không khó như anh em nghĩ đâu.
Có lẽ kỹ năng mạnh nhất của The Destined One, nhân vật anh em nhập vai, là khả năng tránh né, cùng tuyệt kỹ với cây gậy mang tên Resolute Strike. Nếu đã chơi những tác phẩm như Elden Ring hay Dark Souls, anh em sẽ ngay lập tức nhận ra phong cách gameplay né đòn rồi tìm thời điểm phản đòn và tấn công.
Nhưng ngay cả một người chơi kỹ năng kém như mình, gặp những con trùm cũng chỉ mất từ 4 tới 5 lần là có thể vượt qua. Điều này đồng nghĩa với việc Black Myth: Wukong không khó tới mức vò đầu bứt tai, chơi đi chơi lại. Thay vào đó, chơi game này có mấy khía cạnh khá nhàn. Sau khi đã học thuộc được từng bộ kỹ năng và cách di chuyển, tấn công của từng đối thủ, anh em sẽ chỉ việc né đúng thời điểm, rồi tìm cơ hội phản đòn.
Sau khi đánh trúng đối phương đủ nhiều, thanh Focus sẽ đầy lên, cho phép nhân vật của anh em thực hiện một cú đánh cực mạnh, rút máu đối phương rất đau. Đó chính là Resolute Strike, với sát thương mạnh nhất khi đối thủ đã mất thế tấn, ngã lăn ra đất, để chú khỉ của chúng ta tung ra đòn kết liễu. Phải gửi lời khen tới các nhà làm game. Đánh đấm trong trò này rất đã tay, vụt cây gậy rất có lực, không khác gì cảm giác năm xưa xem Tôn Ngộ Không hạ gục những con yêu quái trên đường đi thỉnh kinh cả.
Game dễ ở chỗ đó là một. Khía cạnh thứ hai khiến mình nhận định trò này có thể dành cho mọi người, đó là khoảng thời gian tránh né đòn và cách đối thủ lấy đà trước mỗi chiêu đánh cũng rất dễ nhận ra. Chỉ cần bình tĩnh bắt đúng thời điểm, là có thể phản đòn vừa nhanh vừa mạnh. Thành ra, kể cả những đối thủ mạnh nhất từng chương, anh em sẽ chỉ tốn 1 đến 2 tiếng là có thể vượt qua rồi.
Hỗ trợ cho kỹ năng chiến đấu là cả một dàn những cây kỹ năng để nâng cấp mọi khía cạnh của nhân vật, từ khả năng chiến đấu, stamina, mana để dùng phép cho tới khả năng di chuyển, tránh né đòn. Nếu cảm thấy game hơi khó, những kỹ năng như hóa thân, đóng băng đối thủ hay những món thuốc tăng sát thương, tăng máu hay mana sẽ giúp ích rất nhiều cho người chơi.
Rồi dần dần, hành trình đi tìm tinh thạch hóa thân từ Tôn Ngộ Không sẽ giúp nhân vật chính có những kỹ năng mạnh hơn rất nhiều, từ việc hóa đá, về cơ bản không khác gì một dạng phản đòn nếu sử dụng đúng thời điểm đối thủ tấn công, cho tới việc bứt lông để phân thân, có nguyên một đàn khỉ hỗ trợ cho những trận chiến.
Nhưng việc game không có cơ chế phản đòn như Sekiro hay Wo Long lại giúp người chơi dễ thở hơn, vì không phải suy nghĩ tính toán đòn nào phải né, đòn nào có thể đỡ được. Cứ né hết, giữ khoảng cách rồi sau đó là tiếp cận mục tiêu sau khi đã ra đòn, cứ làm đi làm lại như vậy là boss nào cũng vượt qua được hết.
Đổi lại, sẽ có người cho rằng game hơi nhàm. Đối thủ trong từng chương, nếu chỉ là những con quái xuất hiện trong màn chơi luôn lặp đi lặp lại. Rồi tới đoạn tìm ra những con trùm, từ lớn đến nhỏ, cũng biến thành một vòng tuần hoàn là học cách chiến đấu của boss, rồi lỡ có hết máu thì làm lại từ đầu, đi kèm với những gì đã học được trước đó. Miễn là anh em không cuống, cứ lao vào tấn công để rồi bị hở sườn, để đối phương thực hiện những chiêu rút rất nhiều máu, thì sẽ thấy game dễ hơn rất nhiều so với những tác phẩm thuộc thể loại soulslike.
Bản thân trò chơi cũng khuyến khích anh em thử nghiệm nhiều hướng cộng chỉ số và những cách đánh khác nhau. Cứ đến checkpoint, anh em sẽ được cộng lại điểm, hoặc nâng cấp vật phẩm, trang bị. Cộng lại điểm không mất gì, nên thoải mái tìm ra cách build nhân vật hoàn hảo nhất phục vụ lối đánh của bản thân.
Những quan điểm nói rằng game nhàm cũng không hẳn là quá vô lý. Black Myth: Wukong làm tốt cơ chế chiến đấu, nhưng cách thiết kế màn chơi để anh em chạm trán những đối thủ, từ yêu quái đến ma đầu lại có phần lặp đi lặp lại. Và có cảm giác, cứ chạy được 30 đến 45 phút, tìm được những khu vực mới, là lại thêm một lần đấu boss, giống như một chuyến hành trình không hồi kết vậy.
Nhưng đổi lại, bản thân bối cảnh thế giới ảo của Blakc Myth: Wukong lại đủ đẹp và cuốn hút để anh em chịu khám phá mọi ngóc ngách của từng màn chơi, tìm cho đủ những vị trí ngồi thiền lấy điểm cộng chỉ số, làm những nhiệm vụ phụ nho nhỏ trong từng chương, và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới Á Đông giả tưởng mà Game Science đã kỳ công thiết kế.
Từng có thời điểm, xem xong đoạn trailer 13 phút đồng hồ đầu tiên khi game được công bố, nhiều người bày tỏ lo ngại rằng Black Myth: Wukong sẽ là một tác phẩm tuyệt đối tuyến tính, đi từ điểm A đến điểm B mà không có chút khám phá tìm kiếm nào. May mà điều đó không phải sự thật.
Cứ mỗi chương, là một thế giới với phong cách khác biệt hoàn toàn, cả về tông màu, hình ảnh, phong cách lẫn cả chi tiết. Từ cánh rừng trúc ở núi Hắc Phong, cho tới những rặng núi khô cằn ở đỉnh Hoàng Phong, rồi cả cái sự âm u tĩnh mịch rợn tóc gáy ở Quan Âm đạo quán… Có thể khẳng định, Black Myth: Wukong là một trong số những trò chơi đẹp nhất trên PC ở thời điểm hiện tại:
Việc ứng dụng những công nghệ triển khai bề mặt vật thể của Unreal Engine 5, được kết hợp với tính năng ray tracing thời gian thực để thể hiện ánh sáng, đổ bóng và hình ảnh phản chiếu, đã tạo ra một tác phẩm vừa đa chiều về mặt hình ảnh, vừa ấn tượng về mặt thẩm mỹ. Chính bản thân cách triển khai góc quay và khẩu độ ảo trong từng đoạn cắt cảnh cũng giúp làm tăng tính điện ảnh của tác phẩm này.
Mãi đến giờ mình mới tìm ra được một trò chơi, đứng ở đâu bật Photo Mode lên ấn nút chụp cũng ra được một khung hình đẹp. Tựa game gần nhất tạo ra cho mình cảm giác này, là Ghost of Tsushima. Đương nhiên, để trải nghiệm chất lượng đồ họa cao nhất của Black Myth: Wukong, cấu hình máy tính cũng phải ở mức tương đối. Để chơi được trò này ở độ phân giải 4K, tốc độ ít nhất là 60FPS, anh em cũng phải trang bị card đồ họa đủ mạnh. Trong trường hợp của mình, những hình ảnh và video review anh em xem trong bài được quay và chụp thông qua dàn máy trang bị Core i5-13600K và RTX 4080.
Tổng kết lại thì, những điểm sáng của Black Myth: Wukong thừa sức khỏa lấp những vấn đề về cốt truyện và gameplay của trò chơi. Thế giới ít quái vật để anh em cày level đồng nghĩa với việc anh em sẽ có thêm thời gian để ngắm nhìn từng góc tuyệt đẹp của thế giới ảo mà người Trung Quốc đã dày công tạo dựng trong suốt 4 năm qua. Rồi những trận đấu trùm, dù tốn thời gian học hỏi, làm đi làm lại, nhưng một khi đã thuộc lòng cách đối thủ di chuyển và tấn công, thì mỗi trận chiến với boss lại là một màn khiêu vũ vừa chóng mặt vừa bạo lực, nhưng tuyệt đối trung thành với lý thuyết võ học phương Đông, từng đòn đánh, từng chiêu thức trông cứ như nước chảy mây trôi, đã tay, đã mắt vô cùng.
Với những người đã quen với Devil May Cry hay God of War, Black Myth: Wukong sẽ khiến họ bực bội vì mấy tiếng có khi không vượt qua được một con trùm. Còn những tay chơi có hạng với thể loại soulslike, trò chơi này tạo ra cảm giác như trò trẻ con, quá dễ đối với họ. Còn với mình, các nhà phát triển game Trung Quốc đã tìm ra được sự cân bằng gần như hoàn hảo trong chiến đấu, không quá dễ, không quá khó, thậm chí có thể né chán chê rồi mới bước vào chiến đấu thực sự.
Đối với những người không quan tâm hay chưa từng biết đến Tây Du Ký, có lẽ điểm 7 là con số hợp lý dành cho tác phẩm này. Nhưng chỉ cần đọc qua bộ tiểu thuyết hay từng xem phim, rồi chăm chú theo dõi từng đoạn mô tả các nhân vật trong game ở mục Journal, chiều sâu về tư tưởng Phật giáo mà tác phẩm truyền bá đủ giúp nó đạt điểm 9. Và mình tin rằng, ở Việt Nam, không thiếu những anh em mê Tây Du Ký, chứ không chỉ đơn giản là muốn vào vai Ngộ Không đi trừ yêu dẹp loạn. Đối với họ, Black Myth: Wukong là một trò chơi phải trải nghiệm.
Mà chưa biết chừng, ở cái năm 2024, khi làng game chỉ có vài cái tên thực sự nổi bật, với những gì thể hiện, Black Myth: Wukong lại có khả năng lọt vào danh sách những game hay nhất năm thì sao?