Laptop chơi game của Razer luôn là một thứ gì đó lôi cuốn khiến nhiều gamer muốn sở hữu. Một phần vì thương hiệu, một phần vì thiết kế rất đặc trưng của dòng Blade. Trong bài này mình đánh giá 2 chiếc Blade mới nhất, phiên bản Blade 14 và Blade 15 với cấu hình 2022. Giá của 2 chiếc máy này thì hơi rát, chi tiết dưới đây.
Khi xưa Razer Blade được xem là MacBook chạy Windows nhưng kể từ năm 2018 thì Razer đã bỏ thiết kế bo tròn các cạnh chuyển sang vuông. Nhờ vậy dòng Blade đặc trưng hơn, vẫn ưu tiên thiết kế mỏng, vỏ nhôm nguyên khối. Đến thế hệ ra mắt năm 2020 thì dòng Blade 14 được Razer thay đổi đôi chút về kích thước, máy đã mỏng hơn 1 mm so với thế hệ đầu, trọng lượng cũng đã dưới 2 kg. Bản Blade 15 cũng được làm nhẹ đi, trọng lượng đã về 2 kg thay vì 2,3 kg, mỏng 17 mm, giảm 2 mm so với thế hệ 2018 giữa 2019.
Vỏ vẫn là nhôm hoàn thiện kiểu anodize sần mịn ở tất cả các mặt từ mặt A đến mặt D. Logo Razer lớn, có đèn nền xanh tại mặt A là thứ hút ánh nhìn. Blade về sau đã cho bật tắt, chỉnh hiệu ứng của logo Razer.
Khi xưa Razer Blade được xem là MacBook chạy Windows nhưng kể từ năm 2018 thì Razer đã bỏ thiết kế bo tròn các cạnh chuyển sang vuông. Nhờ vậy dòng Blade đặc trưng hơn, vẫn ưu tiên thiết kế mỏng, vỏ nhôm nguyên khối. Đến thế hệ ra mắt năm 2020 thì dòng Blade 14 được Razer thay đổi đôi chút về kích thước, máy đã mỏng hơn 1 mm so với thế hệ đầu, trọng lượng cũng đã dưới 2 kg. Bản Blade 15 cũng được làm nhẹ đi, trọng lượng đã về 2 kg thay vì 2,3 kg, mỏng 17 mm, giảm 2 mm so với thế hệ 2018 giữa 2019.
Vỏ vẫn là nhôm hoàn thiện kiểu anodize sần mịn ở tất cả các mặt từ mặt A đến mặt D. Logo Razer lớn, có đèn nền xanh tại mặt A là thứ hút ánh nhìn. Blade về sau đã cho bật tắt, chỉnh hiệu ứng của logo Razer.
Các cạnh của dòng Blade nói chung được làm theo kiểu đồng nhất, nếu chưa quen anh em sẽ nhầm cạnh sau máy là cạnh trước bởi nó không có các khe tản nhiệt lồi ra lõm vào như nhiều dòng laptop chơi game khác. Kiểu thiết kế bản lề của Razer Blade từ đầu đã là bản lề chìm, ẩn trong thân máy. Khe tản nhiệt cũng ẩn sau bản lề, thiết kế này khiến tổng thể chiếc máy tối giản nhưng cũng phần nào hy sinh hiệu quả tản nhiệt.
Đối với chiếc Blade 14, đây là một lựa chọn hấp dẫn đối với mình bởi trước đây mình từng xài laptop chơi game 14", cụ thể là con MSI GS43. Ưu điểm vẫn là nhỏ gọn, khá nhẹ và mạnh. Phân khúc laptop chơi game 14" hiện tại chỉ có một vài model như ASUS Zephyrus G14, Acer Predator Triton 300, Alienware X14 và Razer Blader 14. Trong số 4 mẫu máy này thì Blade 14 vẫn khiến mình thích nhất và nó có thiết kế cao cấp, build chắc chắn, không quá màu mè nhưng lại rất nổi bật.
Blade 15 mới có từ năm 2018, dòng Blade ban đầu chỉ có 14" và 17,3", về sau dòng 17,3" được chia ra thành Razer Blade Pro. Thiết kế thì nó tựa như Blade 14 phóng to hay rút gọn của Blade Pro 17 với cùng phong cách, chất liệu, kiểu hoàn thiện.
Blade 14 có 2 cổng USB-A (USB 3.2 Gen2 10 Gbps), 2 cổng USB-C (USB 3.2 Gen2 10 Gbps, hỗ trợ trình xuất DisplayPrt 1.4, sạc PowerDelivery 3.0), 1 cổng HDMi 2.1 và 1 jack âm thanh 3,5 mm. Do chiếc Blade 14 này dùng CPU Ryzen nên các cổng USB-C không hỗ trợ Thunderbolt. Chiếc máy này dùng sạc 230 W với cổng sạc 3 chân đặc biệt của Razer, trong tình huống quên sạc thì anh em có thể tận dụng cục sạc USB-C với điện áp vào 20 V tối đa, chẳng hạn như sạc 65 W (20 V - 3.25 A).
Phiên bản Blade 15 lớn hơn, nó có các cổng tương tự Blade 14 nhưng số lượng nhiều hơn 1 cổng USB-A (USB 3.2 Gen2 10 Gbps). Thêm vào đó, dòng Blade 15 đặc trưng chỉ sử dụng vi xử lý của Intel nên các cổng USB-C trên máy cũng hỗ trợ Thunderbolt. Blade 15 cũng hướng đến nhóm người dùng sáng tạo nội dung và nó có thêm một khe đọc thẻ SD.
Màn hình của Blade 14 và 15 có thiết kế viền mỏng 2 bên khoảng 3 mm, viền trên 8 mm, viền dưới 23 mm. Do vẫn dùng màn hình tỉ lệ 16:9 - tỉ lệ tiêu chuẩn đối với hầu hết các game thành ra phần viền dưới vẫn chưa gọt mỏng được. Nếu thế hệ tiếp theo của Blade dùng màn hình tỉ lệ 16:10 thì chắc chắn thiết kế viền màn hình sẽ có thay đổi.
Quảng cáo
Viền trên có cụm webcam 1080p và cảm biến hồng ngoại hỗ trợ nhận dạng khuôn mặt. Phần nhận diện khuôn mặt mình đánh giá là điểm cộng cho Blade 14 lẫn 15 bởi nếu anh em rảo quanh một vòng những chiếc laptop chơi game thì sẽ thấy hiếm có máy nào được trang bị các giải pháp bảo mật sinh trắc như cảm biến vân tay hay nhận diện khuôn mặt, kể cả máy dòng cao cấp đắt tiền. Bản thân dòng Blade trước đây cũng không có cảm biến vân tay, chỉ sử dụng webcam để nhận dạng khuôn mặt.
Màn hình của Blade 14 đời 2022 chỉ có 2 tùy chọn là QHD 2560 x 1440 px, tốc độ làm tươi 165 Hz, tấm nền IPS hoặc FHD 1920 x 1080 px, tốc độ làm tươi 144 Hz. Chiếc máy mình đánh giá có màn hình QHD 165 Hz và độ phân giải này trên kích thước 14" cho hình ảnh rất mịn. Đây cũng là trang bị mình thấy phù hợp nhất với cấu hình bởi GPU trên laptop hiện tại đã đủ để có thể mang lại trải nghiệm chơi game ở 2K với tỉ lệ khung hình cao.
Tra mã màn hình thì Razer sử dụng tấm nền TL140BDXP02-0 của Tianma Microelectronics. Đây là tấm nền IPS chất lượng cao, độ phủ 100% sRGB, 86% AdobeRGB và 97% DCI-P3. Độ sáng của màn hình này trên 300 nit nên mình thường sử dụng ở mức độ sáng tầm 30 - 50% vào ban đêm và chỉ cần 70% ngoài trời là đủ quan sát. Với việc cân màu sẵn thì Razer cũng muốn hướng dòng Blade đến với người dùng làm nội dung song song với game thủ.
Phiên bản Blade 15 mình đánh giá dùng màn hình FHD, tốc độ làm tươi 360 Hz, tấm nền IPS. Ngoài ra Razer cũng cung cấp tùy chọn màn hình QHD 240 Hz IPS có G-Sync hoặc QHD 240 Hz OLED và 4K 144 Hz cho ai vừa thích phân giải cao vừa thích tốc độ làm tươi cao. Về cơ bản thì FHD 360 Hz là tùy chọn thấp nhất trên dòng Blade 15 năm nay, nó hướng đến game thủ, ưu tiên về tốc độ làm tươi để đạt lợi thế khi chơi game.
Màn hình FHD 360 Hz được Razer sử dụng trên Blade 15 là TL156VDXP02-0 cũng do Tianma Microelectronics sản xuất và nó không khác gì màn hình trên thế hệ năm ngoái. Tấm nền IPS này có chất lượng khá khi đạt độ bao phủ 97% sRGB, 70% AdobeRGB và hiển nhiên dải DCI-P3 cũng sẽ dưới 70%. Độ sáng màn hình rất cao đạt 340 nit, tương phản tốt nhưng về cơ bản thì màu sắc sẽ không đẹp như tấm nền QHD trên Blade 14, độ mịn cũng thua vì màn hình lớn hơn, phân giải thấp hơn. Dù vậy thì tùy chọn FHD vẫn phổ biến đối với đông đảo game thủ, chưa kể là game chơi ở FHD sẽ có thể dễ dàng đạt được tỉ lệ khung hình rất cao với sức mạnh phân cứng hiện tại, từ đó cho phép người dùng khai thác lợi thế của tốc độ quét 360 Hz.
Quảng cáo
2 loa của Blade 14 và Blade 15 được đặt 2 bên bàn phím, âm thanh hướng lên trên và nó có âm lượng đầu ra lớn và chất âm tốt. Trải nghiệm âm thanh còn được tăng cường với giải pháp âm thanh vòm giả lập THX. Về cơ bản thì hệ thống loa này đủ tốt để anh em xem phim, chơi game mà không cần tai nghe.
Bàn phím và bàn rê trên Blade 14 và Blade 15 đời 2022 không khác đời 2021. Bàn phím trên 2 mẫu máy này vẫn là Razer Chroma RGB, đèn nền tùy biến trên từng phím, hỗ trợ đồng bộ với các phụ kiện Chroma khác của Razer. Điều mình thích trên bàn phím của Blade là font chữ đẹp, mảnh và điều mình không thích đó là hành trình phím nông. Trong số những chiếc laptop chơi game thiết kế mỏng thì mình nghĩ Blade là dòng máy có bàn phím nông nhất dù cảm giác phản hồi trên từng phím đều rất tốt. Chơi game trên bàn phím này không thích tay, các phím phẳng và nông khiến mình dễ bấm trượt sang các phím bên cạnh. Mình vẫn thích bàn phím kiểu cũ với hành trình tiêu chuẩn trên dòng Blade trước 2018 hơn.
Bàn rê trên Blade 14 và Blade 15 đều lớn. Razer từng là hãng đi đầu về việc trang bị bàn rê lớn cho laptop gaming, tương đương với bàn rê trên những chiếc MacBook. Thiết kế bàn rê lớn, phủ kính, dạng clickpad được Razer tiếp tục triển khai trên Blade mới. Nó vẫn cho cảm giác chạm thích tay, độ rít thấp, cảm ứng nhanh nhạy và hỗ trợ đa điểm tốt.
Về khả năng nâng cấp thì Blade 14 từ xưa nổi tiếng với việc RAM hàn chết (gần như là mẫu laptop gaming đầu tiên có thiết kế RAM hàn trên bo) và đến thế hệ 2022 thì chiếc máy vẫn không thể nâng cấp được RAM. Razer chỉ cung cấp 1 tùy chọn 16 GB RAM DDR4-4800, không có tùy chọn cao hơn. SSD mặc định là 1 TB nhưng chỉ có 1 khe M.2, vẫn có thể nâng cấp nhưng buộc phải đổi SSD cũ.
Blade 15 vẫn có thể thay RAM với 2 khe SO-DIMM, dùng DDR5-4800 và 2 khe M.2 2280 PCIe 4.0 x4. Khả năng nâng cấp của Blade 15 vẫn tốt hơn so với Blade 14. Trước đây thì chỉ có dòng Blade bản Base mới dễ nâng cấp, bản Advanced có RAM hàn chết nhưng từ đời 2020 thì Razer đã thiết kế lại để người dùng dễ nâng cấp hơn.
Cấu hình của 2 chiếc máy này như sau, cơ bản là đều được trang bị GPU GeForce RTX 3080 Ti Mobile, TDP 100 W, điểm khác biệt chính nằm ở vi xử lý. AMD Ryzen 6900HX trên Blade 14 còn Intel Core i7-12800H trên Blade 15. Chi tiết như sau:
Razer Blade 14:
- CPU: AMD Ryzen 9 6900HX (Zen 3+) 8 nhân 16 luồng, 3,3 - 4,9 GHz, 75 - 90 W;
- GPU: NVIDIA GeForce RTX 3080 Ti Mobile 16 GB GDDR6, 100 W;
- RAM: 16 GB DDR5-4800 dual-channel;
- SSD: 1 TB PCIe 4.0 x4 Samsung PM9A1;
- Pin: 62 Wh.
Razer Blade 15:
- CPU: Intel Core i7-12800H 14 nhân 20 luồng, 6 nhân P (Golden Cove) tối đa 4,8 Ghz, 8 nhân E (Gracemont) tối đa 3,7 GHz, 45 - 115 W;
- GPU: NVIDIA GeForce RTX 3080 Ti Mobile 16 GB GDDR6, 110 W;
- RAM: 32 GB DDR5-4800 dual-channel;
- SSD: 1 TB Pcie 4.0 x4 Samsung PM9A1;
- Pin: 80 Wh.
Anh em nghĩ chiếc máy nào sẽ mạnh hơn? Cấu hình 2 chiếc máy khá là cân kèo, một bên là Ryzen 9 6900HX hiện đang là CPU dành cho laptop gần đầu bảng của AMD. Trong khi đó Core i7-12800H cũng là một vi xử lý gần đầu bảng dòng Alder Lake-H của Intel. Cả 2 vi xử lý này đều sử dụng kiến trúc tiên tiến, tiến trình sản xuất mới, AMD thì dùng TSMC 6nm trong khi Intel sản xuất dòng Alder Lake-H trên tiến trình Intel 7.
Hiệu năng của Razer Blade có thể được điều chỉnh trong phần mềm Razer Synapse 3. Có các thiết lập mặc định là Balance và Silent, cho phép máy hoạt động cân bằng giữa hiệu năng và thời lượng pin hoặc giảm thiểu tối đa tiếng ồn của quạt bằng cách giữ cho CPU ở nhiệt độ thấp, kéo theo tốc độ quạt thấp. Với thiết lập Custom, người dùng có thể đưa hiệu năng của CPU và GPU lên cao hơn, với CPU là các mức Low, Medium, High và Boost, GPU sẽ có 3 mức là Low, Medium và High.
Sự khác biệt về hiệu năng giữa các chế độ này rất rõ ràng. Chẳng hạn như so với Balance và Custom (CPU Boost, GPU High) thì hiệu năng render đa nhân Cinebench R20 chênh lệch đến 25% như anh em có thể thấy trong bảng trên. Để có thể khiến CPU và GPU đạt tối đa hiệu năng theo thiết kế thì mình chọn chế độ Custom với CPU Boost và GPU High, từ đó thực hiện các bài benchmark dưới đây.
Razer Blade có hỗ trợ MUX (multiplexer) tức cho phép CPU và GPU rời nói chuyện trực tiếp với nhau thay vì phải chuyển tiếp qua GPU tích hợp. Thiết lập nằm cũng nằm trong Synapse 3 dưới tên gọi Dedicated GPU only, mặc định sẽ là NVIDIA Optimus - chế độ tự động chuyển đổi giữa GPU tích hợp và GPU rời để tối ưu hiệu quả về pin. Khi chuyển sang Dedicated GPU only thì máy sẽ cần khởi động lại, anh em chỉ nên bật khi xác định sẽ dùng máy chơi game lâu, cắm sạc trực tiếp bởi nếu anh em rút sạc thì GPU rời là RTX 3080 Ti Mobile sẽ rút pin nhanh hơn do GPU tích hợp như Intel Iris Xe trên Core i7-12800H hay Radeon 680M trên Ryzen 9 6900HX đã bị vô hiệu hóa.
Thử nghiệm với Cinebench R15, R20 và R23: Với Cinebench R23, hiệu năng đa nhân của Ryzen 9 6900HX thua Core i7-12800H khoảng 11% và thua Core i9-12900HK khoảng 46%. Với Cinebench R20, Ryzen 9 6900HX thua Core i7-12800H chỉ 1,5%, thua Core i9-12900HK 28%. Cinebench R15 cũng cho kết quả khá tương tự, Ryzen 9 6900HX thua Core i7-12800H 10,5%, thua Core i9-12900HK 26%. Mức chênh lệch hiệu năng đa nhân này chấp nhận được bởi Ryzen 9 6900HX có 8 nhân 16 luồng trong khi Core i7-12800H và Core i9-12900HK đều có 14 nhân 20 luồng. TDP tối đa của Ryzen 9 6900HX cũng chỉ ở 90 W PL2 trong khi Core i7-12800H có thể lên đến 115 W PL2.
Đồng số nhân nhưng Core i7-12800H trên Blade 15 chưa thể phát huy hiệu năng tối đa bởi nó bị giới hạn về TDP do thiết kế tản nhiệt không quá lớn. Trong khi đó Core i9-12900HK trên MSI GE76 Raider được mở khóa hoàn toàn, khiến nó có thể đạt hiệu năng rất cao nhờ hệ thống tản nhiệt công suất lớn hơn. Hiệu năng đa nhân của Core i7-12800H ở Cinebench R23 thua Core i9-12900HK gần 32%, với R20 là 26% và R15 là 14,5%.
Dù vậy, hiệu năng đơn nhân của Core i7-12800H vẫn rất tốt. Chẳng hạn như Cinebench R23, điểm đơn nhân của Core i7-12800H cao hơn 20% so với Ryzen 9 6900HX và 2% so với Core i9-12900HK. Cinebench R20 cho thấy điểm đơn nhân của Core i7-12800H chênh khoảng 7,7% so với Ryzen 9 6900HX và thua khoảng 8,5% so với Core i9-12900HK. Trong khi đó với Cinebench R15 thì điểm đơn nhân của Core i7-12800H và Ryzen 9 6900HX gần như ngang ngửa.
Chuyển sang các bài test render khác như Corona, V-RAY và Blender, hiệu năng của Core i7-12800H và Ryzen 9 6900HX khá ngang kèo. Chẳng hạn như với V-Ray 5, Core i7-12800H thua Ryzen 9 6900HX khoảng 200 vsamples. Trong khi đó với Blender, thời gian render xong sample BMW của Core i7-12800H là 185s trong khi Ryzen 9 6900HX nhanh hơn 10 giây. Ngược lại với sample Classroom nặng hơn, Ryzen 9 6900HX lại chậm hơn 20 giây so với Core i7-12800H.
Thử hiệu năng mã hóa H.264 và nén/giải nén bằng 7-zip, Core i7-12800H trên Blade 15 cho thời gian hoàn thành nhanh hơn 47 giây so với Ryzen 9 6900HX với cùng nội dung là convert đoạn phim hoạt hình Big Buck Bunny 4K@60fps sang 1080p@30fps theo preset Very Fast. Với 7-Zip, Ryzen 9 6900HX cho tốc độ giải nén nhanh hơn khi đạt đến 102494 MIPS (triệu chỉ thị/giây) nhưng lại có tốc độ nén chậm hơn khi chỉ đạt gần 70000 MIPS. Core i7-12800H có tốc độ nén và giải nén rất cân bằng. Bài test 7-Zip phụ thuộc khá là nhiều vào độ trễ của RAM, tốc độ, độ lớn của bộ đệm cache và bộ đệm TLB của CPU. Cả 2 chiếc Blade đều dùng RAM DDR5-4800 nhưng cấu trúc bộ đệm của Ryzen 9 6900HX và Core i7-12800H rất khác biệt. Ưu thế lúc này nghiên về Core i7-12800H bởi với thiết kế nhân hybrid, Intel đã tăng bộ đệm L2 cho mỗi nhân P lên 1,25 MB và mỗi cụm 4 nhân E là 2 MB và 24 MB L3 dùng chung cho cả P và E. Trong khi đó, Ryzen 9 6900HX với 8 nhân đồng nhất có thiết kế bộ đệm L2 là 512 KB cho mỗi nhân, 16 MB L3 dùng chung.
Về hiệu năng chơi game, mình để chế độ NVIDIA Optimus và tiến hành benchmark bằng 3DMark cùng loạt game, so sánh với RTX 3080 Ti Mobile trên GE76 Raider. Cần lưu ý rằng RTX 3080 Ti Mobile trên Blade 14 có TDP tối đa 100 W, trên Blade 15 là 110 W còn GE76 Raider có thể ăn đến 147 W. 3DMark cho thấy hiệu năng của RTX 3080 Ti Mobile trên Blade 15 và Blade 14 chênh lệch đôi chút do TDP tối đa chỉ chênh nhau 10 W. Riêng với game, ở độ phân giải FHD thì combo Core i7-12800H + RTX 3080 Ti Mobile nhỉnh hơn đôi chút so với Ryzen 9 6900HX + RTX 3080 Ti Mobile ở một số tựa game như Shadow of the Tom Raider hay Wolfenstein Youngblood - đây đều là 2 tựa game có Ray Tracing. Với 2 tựa game DirectX12 cũ như Borderlands 3 và The Division 2, hiệu năng gần như không khác.
Chiếc Blade 14 có màn hình 2K nên mình có thể test game ở 2K và so sánh với chiếc GE76 Raider, hiệu năng chơi game ở độ phân giải 2K trên Blade 14 rất tốt với tỉ lệ khung hình cao, cơ bản có thể chiến tốt game ở max settings trên 60 fps. Dù vậy, với TDP 100 W thì RTX 3080 Ti Mobile trên Blade 14 bị kiềm hãm sức mạnh khá nhiều, nhất là về mặt xung nhịp khi mức xung không thể trên 2 GHz như RTX 3080 Ti Mobile trên GE76 Raider.
Mình cũng đã thử nghiệm chơi game giữa 2 chế độ là NVIDIA Optimus và Dedicated GPU (MUX) trên chiếc Blade 14. Kết quả cho thấy với các tựa game có Ray Tracing như Shadow of the Tomb Raider và Wolfenstein Youngblood, thiết lập đồ họa cao nhất với chất lượng Ray Tracing cao nhất, có DLSS thì chế độ MUX cho hiệu năng cao hơn, chênh lệch khoảng 10 fps ở độ phân giải 2K và khoảng 13 - 15 fps ở độ phân giải FHD. Riêng các tựa game không hỗ trợ Ray Tracing như Borderlands 3 hay The Division, MUX không cho sự khác biệt đáng kể so với Optimus.
Thời lượng pin của Blade 14 và Blade 15 cũng là thứ rất đáng lưu tâm. Chiếc Blade 14 có pin 62 Wh trong khi Blade 15 có pin 80 Wh. Thêm vào đó, Blade 14 dùng màn hình QHD 165 Hz trong khi Blade 15 dùng màn hình FHD 360 Hz. Độ phân giải màn hình cao và tốc độ quét cao cũng là yếu tố nuốt pin đáng kể bên cạnh cấu hình. Mình đã thử cho 2 chiếc máy chạy PCMark 8 Home theo thiết lập:
- Độ sáng màn hình giảm xuống còn 20%
- Đèn bàn phím và đèn logo Razer tắt
- Chế độ hiệu năng Balance
- Tốc độ làm tươi của màn hình giảm xuống còn 60 Hz
PCMark 8 Home là bài test mô phỏng các tác vụ văn phòng và nó sẽ chạy liên tục các tác vụ này cho đến khi pin còn 10%, báo phải sạc lại. Kết quả là chiếc Blade 14 cho thời lượng pin lâu hơn với 4 giờ 9 phút trong khi chiếc Blade 15 cho thời lượng pin 3 giờ 28 phút. Đổi lại là điểm hiệu năng PCMark 8 Home của Blade 15 với Core i7-12800H đạt 4882 điểm trong khi Blade 14 với Ryzen 9 6900HX là 3971 điểm, mức chênh lệch gần 23% về hiệu năng. Như vậy mình có thể ước lượng với nhu cầu làm việc văn phòng thì thời lượng pin của Blade 14 có thể đạt gần 5 tiếng tiếng và Blade 15 sẽ tầm 4 tiếng với thiết lập của mình. Thời lượng pin thì những chiếc máy chạy AMD vẫn đang làm tốt hơn so với Intel nhờ tiến trình mới của TSMC. Dù vậy, nếu so về hiệu năng thì thời lượng pin của chiếc Blade 15 chấp nhận được.
Hình thái hoạt động của CPU trên Blade 14 và 15 cũng khác nhau từ đó tác động đến sự đồng đều về hiệu năng giữa những lần test cũng như hiệu năng tối đa.
Như Ryzen 9 6900HX trên Blade 14:
- Chế độ Balance, chạy Cinebench R20, con CPU ăn 57 W trong vòng 1 giây với mức xung 8 nhân là 4 GHz sau đó trả về 42 W, xung đa nhân còn 3,6 GHz và nhiệt độ lúc này là 72 độ C. GPU khi chơi game ở chế độ Balance khóa ở 75 W, dưới 80 độ C. Nhìn chung ở ngưỡng mát mẻ.
- Chuyển sang Custom với CPU Boost, GPU High, chạy lại bài test Cinebench R20 thì CPU ăn 90 W trong 3 giây, xung toàn nhân ở 4,5 GHz và nhiệt độ CPU lúc này đạt 94 độ C. Nó buộc phải cắt xung, trả về 75 W, toàn nhân 4,2 GHz và sau đó là 4 GHz để đưa CPU về ngưỡng nhiệt dưới 85 độ C. GPU khi chơi game được thả cho chạy 100 W nhưng nhiệt độ vẫn tầm 80 độ C.
Trong khi đó Core i7-12800H thì phức tạp hơn do có sự hòa trộn giữa các nhân P và E.
- Chế độ Balance, chạy Cinebench R20 thì nó chỉ ăn tối đa 45 W, xung toàn nhân P ở 2,4 GHz, nhân E ở 2.0 GHz, sau đó nó cắt xuống 35 W, xung toàn nhân P ở 2,2 GHz, nhân E ở 1,7 GHz. Nhiệt độ của CPU dưới 80 độ C, chơi game ở chế độ này thì anh em sẽ thấy GPU bị khóa ở 80 W, CPU có thể đạt xung trên 4,2 GHz, cơ bản là cả CPU và GPU đều dưới 80 độ C.
- Chuyển sang Custom với CPU Boost, GPU High, chạy Cinebench R20 thì CPU chớm lên 110 W trong 1 giây, xung toàn nhân P đạt 4,5 GHz, nhân E đạt 3,5 GHz, sau đó về 90 W và kéo dài đến 30 giây. Ở PL2 90 W này, xung toàn nhân P đạt 3,5 GHz, nhân E đạt 2,7 GHz, nhiệt độ CPU đến 96 độ C. Sau đó CPU tiếp tục cắt xung đưa xuống 65 W và sau cùng, xung giảm xuống 2,4 GHz nhân P và 2,1 GHz nhân E, TDP lúc này tầm 45 W, nhiệt độ CPU dưới 85 độ C. Khi chơi game thì GPU được thả cho chạy 110 W, nhiệt độ cũng không quá 80 độ C nhưng thường thấy chạy ở 100 W hơn.
Như vậy anh em có thể thấy 2 chiếc Blade với hệ thống tản nhiệt dùng buồng hơi và 2 quạt, thiết kế mỏng nhưng đủ để khiến cho CPU và GPU chạy ở công suất thiết kế dù chưa phải là tối đa. Hiệu năng, nhiệt độ và thời lượng pin trên cả 2 mẫu Blade đều cân bằng và mình thấy Razer có sự tính toán kỹ lưỡng.
Anh em thích chiếc Blade nào nhất? Cá nhân mình thích chiếc 14" hơn bởi về hiệu năng, pin và màn hình cũng như thiết kế, nó đáp ứng được hầu hết nhu cầu của một người dùng máy tính hiện đại như đủ gọn để mang theo, đủ mạnh để có thể làm nhiều thứ, màn hình đủ đẹp để trải nghiệm phim ảnh, chơi game hay làm việc sáng tạo. Chiếc Blade 15 trong bài test này với màn hình FHD 360 Hz thì nó hướng đến game thủ nhiều hơn và bản thân Core i7-12800H đi với RTX 3080 Ti Mobile cũng cho thấy lợi thế của nó với một số tựa game. Dù vậy, đánh đổi sẽ là thời lượng pin ngắn hơn.
Razer Blade 14:
Razer Blade 15
Cảm ơn laptopvang đã cho mình mượn 2 chiếc máy này.