Asus GL552J thuộc nhóm sản phẩm ROG (Republic Of Gamers) thiết kế riêng cho game thủ, trang bị cấu hình mạnh với chip Haswell Core i5-4200H, card đồ họa rời GeForce GTX 950M cùng màn hình cỡ lớn 15,6 inch sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trình chiếu phim ảnh lẫn chơi game di động.
Cũng cần nói thêm là chip Haswell dòng H có ưu thế về hiệu năng đồng thời mức tiêu thụ năng lượng cũng cao hơn. Cụ thể mức TDP của Core i5-4200H là 47W trong khi Core i5-4200M là 37W và Core i5-4200U chỉ 15W. Điều này cũng đồng nghĩa với thời gian dùng pin của laptop dùng chip dòng H sẽ thấp hơn so với dòng M hoặc U nếu xét trong cùng cấu hình phần cứng.
Mẫu sản phẩm Tinhte thử nghiệm giá tham khảo khoảng 18,5 triệu đồng, bảo hành 2 năm. Lưu ý là việc đánh giá chỉ phản ánh chính xác sản phẩm cụ thể dựa vào kết quả thử nghiệm chứ không áp dụng tổng quát cho cả dòng sản phẩm.
Ưu điểm
- Hiệu năng tổng thể, năng lực xử lý đồ họa tốt.
- Giá hấp dẫn, xét trên tỷ lệ hiệu năng sản phẩm.
- Bàn phím tích hợp đèn nền, có thêm chuột laser đi kèm.
- Hệ thống tản nhiệt hoạt động êm, hiệu quả.
- Cấu trúc máy không chắc chắn, thiết kế chưa đạt được cứng cáp cần thiết của sản phẩm dành cho game thủ.
- Màn hình độ phân giải thấp, chất lượng hình ảnh hiển thị trung bình.
Sản phẩm có vẻ ngoài khá đẹp, kiểu dáng thể thao cùng những đường nét mạnh mẽ, lớp vỏ bằng nhựa với hoa văn cách điệu dạng lưới tổ ong làm tăng thêm phần hấp dẫn. Điểm nhấn trong thiết kế là logo ROG đặc trưng của dòng sản phẩm chuyên game nổi bật trên tấm nhựa giả kim vân xước, các góc cạnh được vát chéo mang lại cảm giác nhẹ nhàng hơn.
Với các “số đo” 38,5 x 25,5 x 3,24cm, nặng 2,6 kg, GL552J chưa đạt được sự mỏng nhẹ của Lenovo Y50 nhưng cũng không quá nặng như MSI GT80 Titan và Dell Alienware 15 mà Tinhte từng thử nghiệm.
Bên cạnh đó, mẫu laptop mới của Asus còn trang bị bộ loa, 2.0 hỗ trợ công nghệ âm thanh SonicMaster. Khác với những sản phẩm trước đây có thiết kế loa hướng xuống dưới tạo hiệu ứng cộng hưởng giúp âm thanh lan tỏa tốt hơn, loa của GL552J đặt ngay phía trên bàn phím và hướng trực tiếp đến người dùng.
Thử nghiệm thực tế cho thấy chất âm GL552J thể hiện ở mức trung bình, trường âm hẹp, độ chi tiết kém và chỉ thiên về âm trung và cao như phần lớn các mẫu laptop khác. Chúng không đủ “lực” để thể hiện tốt các hiệu ứng âm thanh, vốn được nhà sản xuất game chăm chút không kém so với phần hình ảnh. Trong trường hợp này, việc trang bị thêm một tai nghe (headphone) loại tốt là lựa chọn cần thiết.
Quảng cáo
Cổng giao tiếp, khả năng nâng cấp phần cứng
Do không bị giới hạn về độ mỏng nhẹ nên mẫu laptop thử nghiệm không chỉ trang bị ổ quang mà còn có đầy đủ cổng giao tiếp, kết nối phổ dụng như ngõ xuất tín hiệu hình ảnh VGA lẫn HDMI 1.4a, 2 cổng USB 3.0 và 1 cổng USB 2.0, bộ đọc thẻ “3 trong 1”, ngõ micro in và headphone out.
Máy còn hỗ trợ kết nối không dây Bluetooth 4.1, WiFi hai băng tần AC-7265 802.11ac và một thành phần không thể thiếu trong dòng sản phẩm chuyên game là card mạng gigabit cùng ứng dụng GameFirst 3 tối ưu băng thông LAN cho nhu cầu chơi game.
Về khả năng nâng cấp phần cứng của Asus GL552J khá tiện dụng do lớp vỏ bảo vệ mặt dưới được phân thành khu vực riêng biệt, giúp người dùng dễ dàng thay thế hoặc nâng cấp khi cần thiết. Cụ thể phiên bản Tinhte thử nghiệm chỉ dùng ổ cứng truyền thống (HDD) mặc dù hỗ trợ sẵn giao tiếp M.2 trong thiết kế. Tất nhiên điều này là bình thường vì với giá bán khoảng 18 triệu đồng thì không thể đòi hỏi cấu hình trang bị sẵn SSD được.
Quảng cáo
Tuy nhiên nếu điều kiện tài chính cho phép, bạn nên gắn thêm SSD dung lượng 256GB làm phân vùng hệ thống để cài đặt hệ điều, các ứng dụng cần thiết và chuyển HDD làm ổ phụ để cài đặt game và lưu trữ liệu.
Màn hình
GL552J trang bị màn hình LCD nền LED 15,6 inch độ phân giải WXGA truyền thống (1.366 x 768 pixel).Lớp phủ chống chói (anti-glare) giúp góc nhìn linh hoạt trong môi trường có nguồn ánh sáng từ nhiều hướng khác nhau.
Tuy nhiên với độ sáng và độ tương phản tiêu chuẩn chỉ ở mức trung bình khó có thể nhìn rõ nội dung hiển thị trên màn hình khi sử dụng ngoài trời hoặc nơi có ánh sáng mạnh. Góc nhìn ngang lẫn dọc của màn hình khá hẹp, gây khó chịu khi sử dụng.
Bên cạnh đó, độ phân giải tối ưu chỉ đạt mức 1.366 x 768 pixel; tương đương với cỡ màn hình 13,3 inch. Như vậy, kích thước điểm ảnh (pixel) trên màn hình sẽ lớn hơn, dẫn đến độ sắc nét và chi tiết hình ảnh hiển thị kém hơn so với màn hình 13,3 inch.
Bàn phím và chuột
Bàn phím kiểu chiclet, tích hợp đèn nền LED và đặc biệt là cụm phím WASD được sơn đỏ các góc cạnh giúp game thủ dễ dàng định vị phím nhấn cần thiết trong môi trường thiếu sáng.
Trừ nhóm phím điều hướng khá nhỏ thì những phím nhấn còn lại kích lớn, phím nhấn nhạy và êm, độ đàn hồi tốt mang lại cảm giác phím khi lướt với tốc độ nhanh. Khoảng cách giữa các phím hợp lý, phù hợp với người dùng có cỡ tay lớn. Nhóm phím số bên phải tiện dụng hơn cho việc nhập số liệu trong công việc liên quan đến tài chính, kế toán.
Touchpad rộng, đáp ứng tốt thao tác người dùng, cảm giác trơn mịn do độ ma sát thấp giúp trỏ chuột di chuyển chính xác, các chức năng cuộn, phóng to và xoay ảnh cũng dễ thực hiện hơn. Hai phím chức năng chuột tích hợp, phím nhấn nhẹ, dễ sử dụng.
Trên thực tế, touchpad chỉ thích hợp cho việc “chỉ trỏ” khi làm việc hoặc học tập vì chúng cũng không đạt được độ tin cậy cần thiết cũng như khả năng dễ điều khiển khi chơi game; nhất là trong thể loại game game bắn súng góc nhìn thứ nhất (first person shooter - FPS). Do đó GL552J cũng trang bị thêm một chú chuột laser cho nhu cầu giải trí di động và khi sử dụng, bạn nên tắt touchpad bằng phím Fn + F9 để tránh trỏ chuột di chuyển ngoài ý muốn.
Xem thêm ảnh chi tiết thiết kế Asus GL552J
Đánh giá hiệu năng
Thử nghiệm với cấu hình phần cứng trang bị bộ xử lý Intel Core i5-4200H (2,8GHz, 3MB smart cache, TPD 47W), đồ họa rời GeForce GTX 950M với 2GB bộ nhớ đồ họa GDDR3, 6GB RAM DDR3L bus 1.600MHz và ổ cứng truyền thống (HDD) dung lượng 1TB đủ để cài đặt game và nhiều dạng dữ liệu khác.
Kết quả thử nghiệm bên dưới cho thấy sức mạnh của Asus GL552J khi hoàn tất những phép thử Tinhte đặt ra với những điểm số rất cao. Cũng cần nói thêm là việc “giới hạn” độ phân giải ở chuẩn WXGA (1.366 x 768 pixel) truyền thống thay vì chuẩn Full HD như phần lớn laptop chơi game hiện nay đã tác động đáng kể đến hiệu năng tổng thể sản phẩm cũng như giảm bớt gánh nặng xử lý cho CPU và card đồ họa.
Với PCMark 8 đánh giá hiệu năng tổng thể, cấu hình thử nghiệm đạt 3.383 điểm trong phép thử Home và 3.663 điểm trong phép thử Creative, cao hơn đáng kể so với mẫu Y50-70 của Lenovo (chip Core i7-4710HQ, đồ họa GeForce GTX 860M) lần lượt là 2.817 điểm và 3.145 điểm. Lưu ý là việc so sánh chỉ mang tính tương đối để bạn dễ hình dung sức mạnh của laptop thay đổi qua những cấu hình phần cứng mới hơn.
Trong phép thử đồ họa 3DMark Cloud Gate, mẫu laptop chơi game của Asus đạt 20.521 điểm Graphics, 3.340 điểm Physics và hiệu năng tổng thể đạt 9.575 điểm. Với Cinebench R15 kiểm tra khả năng dựng hình 3D của bộ xử lý (CPU) và đồ họa tích hợp đạt 106 cb trong phép thử CPU đơn nhân (single core) và 326 cb trong CPU đa nhân (multi-core), tốc độ dựng hình đạt 85,16 khung hình/giây (fps) ở phép thử OpenGL.
Ngoài những công cụ quy chuẩn đánh giá tổng thể hiệu năng trên, Tinhte cũng sử dụng một số tựa game như Alien vs. Predator, Tom Raider, Resident Evil 6 và Thief để kiểm tra khả năng “chiến” game của hệ thống ở độ phân giải HD 720 và WXGA với chất lượng đồ họa được đẩy lên mức cao nhất. Lúc này sức mạnh mẫu card đồ họa tầm trung GTX 950M tiếp tục được khẳng định qua số khung hình/giây (fps) đạt được vẫn cao hơn mức chuẩn 30 fps.
Chẳng hạn Alien vs. Predator đạt trung bình 35,5 fps với thiết lập đồ họa Very High, Tomb Raider cũng đạt 35,5 fps với đồ họa Ultimate và ngay cả Thief, tựa game được phát triển hỗ trợ tốt API Mantle và âm thanh TrueAudio của AMD cũng cho kết quả khá cao, đạt 42,3 fps.
Tốc độ truy xuất dữ liệu
Như đề cập trên, mẫu laptop thử nghiệm trang bị ổ cứng truyền thống (HDD) nên không thể sánh cùng SSD về tốc độ truy xuất dữ liệu hoặc khả năng chống sốc. Tuy nhiên với khả năng lưu trữ đến 1TB (tương đương 1.000GB) dữ liệu sẽ thỏa mãn yêu cầu người dùng cần lưu trữ lượng lớn nội dung giải trí di động.
Thử nghiệm với phép thử AS SSD Benchmark cho thấy tốc độ đọc tuần tự của ổ cứng vào khoảng 129,4 MB/giây và 103,9 MB/giây với tác vụ ghi, tương ứng với thời gian truy xuất lần lượt là 16,684 và 12,032 ms (miligiây).
Kết quả PCMark 05 đo tốc độ truy xuất ổ cứng trong môi trường giả lập cho thấy tốc độ khởi chạy ứng dụng đạt 8,4 MB/giây, quét virus đạt 150,5 MB/giây, tốc độ ghi tập tin đạt 117,3 MB/giây trong khi quá trình khởi động Windows XP đạt 10,6 MB/giây.
Thời gian dùng pin
Như đề cập trên, Asus GL552J trang bị chip xử lý dòng H mang lại ưu thế hiệu năng đồng thời cũng tiêu thụ năng lượng nhiều hơn. Vì vậy thời gian dùng pin của sản phẩm sẽ thấp hơn so với dòng M hoặc U nếu xét trong cùng cấu hình phần cứng.
Thử nghiệm thực tế với cấu hình chế độ High Performance và độ sáng màn hình tối đa (100%), mẫu laptop của Asus đạt 4 giờ 45 phút trong phép thử Productivity của MobileMark 2007, thấp hơn khoảng 3,1% so với Lenovo Y50-70.
Trong phép thử PCMark 8, Home cũng với cấu hình máy chế độ High Performance và độ sáng màn hình giảm còn 40% (tương đương chế độ dùng pin), thời lượng sử dụng liên tục của máy chỉ đạt 2 giờ 6 phút trình chỉ với một lần sạc pin. Kết quả này cũng phù hợp vì pin của GL552J có mức dung lượng 48 WHr, thấp hơn đáng kể so với MSI G80 Titan là 75 WHr và Lenovo Y50-70 là 54 WHr.
Khả năng tản nhiệt
Bên cạnh các phép đánh giá hiệu năng, Tinhte cũng ghi nhận khả năng tản nhiệt của máy trong môi trường văn phòng, nhiệt độ trung bình khoảng 28 độ C. Máy hoạt động êm khi chạy ứng dụng văn phòng hoặc chơi game giải trí nhẹ nhàng và cả trong tác vụ xử lý đồ họa 3DMark Cloud Gate, hệ thống tản nhiệt hoạt động vẫn chứng tỏ hiệu quả khi nhiệt độ cao nhất của bộ xử lý (CPU) là 80 độ C và đồ họa GTX 950M là 62 độ C.
Chi tiết kết quả thử nghiệm Asus GL552J