Với 600 triệu, Ertiga là chiếc xe 7 chỗ đa dụng, số tự động rẻ nhất mà chúng ta có thể nhắm đến trên thị trường hiện nay.
Ở Việt Nam, Ertiga thay thế cho đàn anh APV và nằm trong phân khúc xe đa dụng MPV (Multi Purpose Vehicle) cỡ nhỏ, với sự góp mặt trước đây của Chevrolet Vivant, Nissan Grand Livina và Kia Carens, còn bây giờ là Kia Rondo. Ở các nước châu Á thì Suzuki Ertiga cạnh tranh trực tiếp với Toyota Avanza và Honda Mobilio trong dòng xe đô thị 7 chỗ động cơ nhỏ dưới 1,5 lít.
Ngoại hình
Thoạt nhìn từ phần đầu, Ertiga giống như chiếc Swift kéo dài vì nó chia sẻ nhiều nét thiết kế giống người anh em hatchback của mình, nhất là ở cặp đèn pha và lưới tản nhiệt.
Tuy nhiên, nếu để ý thì phần cản trước của Ertiga tạo hình chữ X thay vì chữ V của Swift.
Đồng thời phần mái của Ertiga được nâng cao hơn và cột chữ A cũng không được sơn đen như trên Swift.
Cụm đèn pha trước sử dụng bóng halogen, bao gồm 1 đèn đề mi và 1 đèn cốt kiêm luôn pha.
Kéo chuột vào hình để xem 2 ảnh khác nhau
Ertiga sở hữu các kích thước 4.265 x 1.695 x 1.685 mm (dài x rộng x cao). Chiều dài cơ sở của Suzuki Ertiga là 2.740 mm khá tương đương với Innova 2.750 mm. Tuy nhiên, các kích thước tổng thể thì Ertiga lại thua 2 chiếc còn lại trong phân khúc khá nhiều.
Quảng cáo
Cụ thể chiều dài tổng thể của Ertiga ngắn hơn Innova hơn 30 cm, chiều rộng hẹp hơn 8cm. Đầu xe khá ngắn (cũng dễ hiểu là do nó chứa động cơ nhỏ) giúp dễ điều khiển xe trong những tình huống chật hẹp ở thành phố hơn. Ertiga cũng sở hữu bán kính quay vòng khá gọn, chỉ 5,2 m. Bộ mâm đúc 15" đa chấu có phần hơi khiêm tốn so với dáng xe.
Phần đuôi xe nhìn chung là gọn gàng, không tạo cảm giác quá nặng nề như những chiếc MPV khác. Ertiga được trang bị đèn phanh thứ 3 tích hợp vào cánh lướt gió trên cửa sau. Nhưng so với bản dành cho thị trường Ấn Độ thì bản tại Việt Nam lại thiếu đèn sương mù phía sau nằm ở trung tâm cản sau.
Các trang bị tiện nghi khác trên bản Suzuki nhập về thị trường Việt Nam cũng khá đầy đủ. Gương hậu có thêm đèn xi-nhan rẽ là một điểm cộng. Hơi đáng tiếc khi Suzuki không tích hợp cho nó bộ gập điện nên chúng ta vẫn phải gập bằng cơm.
Quảng cáo
Cần gạt mưa kính sau trên Ertiga không phải là loại xương cá như những xe phổ thông khác mà sử dụng loại cao cấp hơn cho cảm giác cứng cáp hơn.
Dù là một chiếc MPV nhưng Ertiga nổi bật với khoảng sáng gầm xe 185 mm, cao hơn nhiều so với sedan và tương đương với đa số những chiếc Crossover trên thị trường.
Không gian
Vì là một chiếc xe 5+2 nên sẽ khó có thể đòi hỏi Ertiga thỏa mãn được trọn vẹn cho 7 hành khách trên xe một lúc. Nhưng công bằng mà nói không gian Ertiga đáp ứng cũng không hề tệ.
Không gian cho hàng ghế trước tốt, khoảng không trên đầu (head room) rất thoải mái.
Khi hàng ghế thứ 3 gập xuống thì không gian hàng ghế thứ 2 vẫn rất ổn, chỗ để chân tương đương với những chiếc sedan hạng B (hay subcompact) trên thị trường. Ở hình bên dưới 2 ghế trước đã được mình chỉnh sao cho 1 người cao 1m75 ngồi được thoải mái nhất.
Khi hàng ghế thứ 3 được bật lên thì hàng ghế thứ 2 có thể lùi về thêm khoảng 30 cm nữa để cung cấp khoảng để chân dư dả tương đương những chiếc xe sedan hạng D (cỡ trung)
Đây là vị trí lý tưởng nhất cho những hành khách hàng ghế 2 và 3 ngồi được mà vẫn đảm bảo 2 người cao 1m75 ngồi trước vẫn thoải mái. Chữ "được" mình nhận xét ở đây nghĩa là không tệ như những chiếc MPV 5+2 mình từng ngồi qua trước đây.
Bằng chứng là đây. Tư thế ngồi "được" ở hàng ghế thứ 3 trên Ertiga là người ngồi có vị trí ngồi cao, đầu gối chưa chạm ghế trước và khoảng không đầu còn dư 1 khúc. Những xe MPV 5+2 mình từng ngồi qua đa số đều mắc phải nhược điểm là hàng ghế thứ 3 quá thấp so với sàn xe, tạo tư thế ngồi chồm hổm rất khó chịu nhất là trong những chuyến đi xa, và trần xe thấp khiến nó chỉ phù hợp cho trẻ em. Mình đánh giá rất cao cách xử lý không gian trên Ertiga để 7 người ngồi trên xe vẫn có 1 không gian gọi là "đủ sài" trong mọi nhu cầu. Một ưu điểm thật sự.
Đặc biệt, hàng ghế thứ 2 còn có thể chỉnh được góc tựa lưng. Một tiện nghi khá "ăn tiền" trong những chuyến đi dài mà những xe sedan, hatchback phổ thông không bao giờ có được.
Việc ra vào hàng ghế thứ 3 cũng khá dễ dàng vì Suzuki có trang bị 1 cái lẫy xếp ghế nhanh. Chỉ cần gạt lên là ghế tự động gập và thêm động tác đẩy lên phía trước là xong.
Sau khi đẩy hàng ghế thứ 2 lên thì không gian ra vào hàng ghế thứ 3 sẽ như thế này. Cũng không đến nỗi khó chịu lắm ngay cả đối với người lớn.
Khoang hành lý phía sau khi sử dụng cả 3 hàng ghế chỉ có dung tích 135 lít. Vừa đủ để 3 cái ba lô cỡ vừa và 2 cái vali cỡ nhỏ. Nếu thường xuyên sử dụng 7 người để đi chơi xa thì nên lắp thêm 1 thùng chứa đồ thêm trên mui xe để mở rộng không gian chứa đồ.
Hàng ghế thứ 3 có thể linh hoạt xếp lại bằng cách kéo 2 cái dây trên vai ghế. Một kiểu bố trí không thông dụng nhưng dù sao thì các thao tác của nó diễn ra cũng nhanh chóng, thân thiện khi đã quen.
Hàng ghế thứ 2 gập theo kiểu 60:40. Hàng ghế thứ 3 thì gập theo kiểu 100%, tức là gập hết nguyên băng chứ không chia ra làm 2 như kiểu phổ biến hiện nay. Dù cách thức gập băng thứ 3 có hơi cũ nhưng Suzuki tối ưu hóa bằng cách biến cả băng này thành sàn xe khi gập xuống nên chúng ta có 1 không gian chứa đồ liền lạc, không bị gián đoạn như những mẫu xe đời cũ. Khi gập cả hàng ghế thứ 2 xuống thì không gian chứa đồ bên trong xe mở rộng lên đến 736 lít.
Nội thất
Suzuki chọn màu vàng beige làm chủ đạo cho không gian nội thất thay vì màu đen như trên Swift. Điều này có thể dễ hiểu là vì màu vàng Beige tạo cảm giác khoang xe rộng rãi và thoáng đãng hơn. Nhưng bù lại thì cách phối màu này khiến nó không có được yếu tố sang trọng như Swift.
Thiết kế bảng táp lô của Ertiga cứ như được bê từ chiếc Swift sang nhưng được sơn lại màu khác cho phù hợp với chủ đề gia đình hơn. Cách phối thêm mảng màu xám cho phần trên bảng táp lô để tạo điểm nhấn nhìn chung là ổn.
Nhưng việc sử dụng màu vàng beige thay vì màu xám hay đen cho vô lăng thì thật sự chưa được ngon lắm. Thứ nhất là nó tạo cảm giác như một món đồ chơi, thứ 2 là nó khiến vô lăng bám bẩn rất nhanh.
Mặc dù không được trang bị ghế da nhưng bộ ghế nỉ theo xe có họa tiết rất trang nhã, lịch sự. Chỉ có 1 chút phàn nàn là lưng ghế Ertiga hơi thấp chỉ phù hợp cho người châu Á. Với những người cao to thì sẽ thiếu 1 chút nâng đỡ ở phần lưng.
Các chi tiết nhựa cứng có mặt rất nhiều trong khoang xe Ertiga nhưng đáng mừng là chất lượng của nó khá là tốt. Khu vực điều khiển trung tâm táp lô có dạng thác đổ. Mọi thứ đều được bố trí hợp lý, đúng chức năng, cũng như các nút bấm đều được làm to tạo cảm giác thân thiện, dễ sử dụng.
Điểm cộng là tuy xe nhỏ nhưng có rất nhiều khu vực để đồ tiện ít xuyên suốt cả 3 hàng ghế.
Cũng giống như Swift, Ertiga thiếu đi bệ tì tay giữa 2 ghế trước, một trang bị cần thiết trong những chuyến đi xa. Hy vọng là những đợt nâng cấp sau Suzuki sẽ bổ sung thiếu sót này.
Tiện nghi và an toàn
Những trang bị tiện nghi và an toàn trên Ertiga khá tương đồng với người anh em Swift. Xét trên mặt bằng chung những xe phổ thông dưới 600 triệu thì những trang bị này khá đầy đủ, chứ chưa đến mức gọi là nổi bật.
Hệ thống giải trí trên xe được trang bị đầu CD 1 đĩa và có cả chế độ chơi nhạc từ cổng USB.
Bản ở Ấn Độ thì có thêm cổng âm thanh AUX IN bên cạnh cổng USB và đi kèm một remote điều khiển từ xa. Theo cá nhân mình thì thấy 2 thiếu sót này ở bản nhập về Việt Nam không quan trọng lắm, vì khi nghe nhạc qua cổng AUX IN thì tiếng bass thường bị suy giảm rõ rệt. Còn remote từ xa cho những hàng ghế còn lại trong xe có thể điều chỉnh âm thanh thì chả mấy khi dùng. Nói chung sự xuất hiện của cổng USB "thần thánh" đã là sự đảm bảo cho những trải nghiệm âm nhạc chất lượng cao mà không lo giới hạn về dung lượng như CD.
Bên cạnh đó, vô lăng cũng được tích hợp những nút bấm tiện ích giúp người lái có thể điều khiển hệ thống giải trí dễ dàng mà không cần phải với tay nhiều. Đặc biệt, những nút này cũng có đèn nền chiếu sáng khi bật chế độ đèn xe đi ban đêm.
Điểm mình ưng nhất trên chiếc Ertiga này đó là nó sở hữu dàn loa xuất sắc, hiếm có 1 chiếc xe phổ thông nào có được. Bạn sẽ không bao giờ tin được cho đến khi ngồi vào thử thực tế và cảm thấy bất ngờ như mình. Dàn âm thanh 4 loa này cho chất âm sáng. Âm cao và âm trầm tách bạch rõ ràng, không bị chói. Đáng chú ý là không có 1 loa bass độc lập nào nhưng âm trầm có thể xuống khá sâu. Thật sự là dàn loa này có sức bật và cả độ chuyển đủ mượt mà giúp người nghe phiêu vào bài hát nhanh hơn.
Dù nội lực của nó chưa thể khiến không gian thưởng thức thật sự "nổi" và độ chi tiết cũng chưa thể sánh bằng những dàn âm thanh vòm trên xe cao cấp khác, nhưng những gì nó thể hiện được cũng đã quá đỗi ngạc nhiên. Có thể nói dàn tâm thanh này đủ sức trị hầu hết các thể loại nhạc trên thị trường nếu bạn không là người quá khắc khe về tiêu chuẩn âm thanh. Một điều khá thú vị là mình đã thử qua nhiều vị trí ngồi khác nhau thì thấy rằng 2 hàng ghế trước thật sự mang lại trải nghiệm âm thanh trọn vẹn hơn rất nhiều so với những hàng ghế còn lại.
Đó là khi bản Ertiga Việt Nam bị thiếu đi 2 loa tweet ở trên táp lô so với thị trường Ấn Độ. Nếu được trang bị đầy đủ thì trải nghiệm với dàn loa này chắc còn phê hơn nữa và chúng ta chắc chắn cũng không phải tốn thêm tiền "độ" lại dàn âm thanh.
Dù là 1 chiếc xe MPV cỡ nhỏ và động cơ khiêm tốn nhưng Ertiga vẫn được Suzuki trang bị cho một dàn lạnh thứ 2 phục vụ cho 2 hàng ghế sau. Một điểm cộng không thể bàn cãi khi những đa số những đối thủ cạnh tranh với Ertiga đều thiếu trang bị này. Dàn lạnh phía sau có 3 chế độ gió và điều khiển độc lập với dàn lạnh trước.
Tuy nhiên cách phân bố gió vẫn theo kiểu của những xe sản xuất vào thập niên 90, tức là các cửa gió đều tập trung ở trước hàng ghế thứ 2 và thổi về sau, chứ không bố trí cửa gió đến từng vị trí ngồi. Điều này có nghĩa là muốn hàng ghế thứ 3 mát nhanh thì đường gió sẽ thổi qua đầu những người ngồi hàng ghế thứ 2 khá là khó chịu.
Cả 2 dàn lạnh trên xe đều chỉnh tay. Bên cạnh đó, vì công suất động cơ không lớn nên khả năng làm lạnh sau khi đậu xe giữa trưa nắng vẫn không nhanh lắm. Nhưng bù lại thì hơi lạnh cho ra khá sâu.
Suzuki cũng chu đáo trang bị cho Ertiga 1 đồng hồ hiển thị đa thông tin ở trung tâm bảng đồng hồ tốc độ. Có thể xem được khá nhiều thông tin về tình trạng xe như: mức tiêu hao nhiên liệu trung bình, quãng đường dự kiến đi được với lượng xăng còn trong bình, nhiệt độ bên ngoài, thời gian, cấp số của hộp số tự động. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể điều chỉnh độ sáng của màn hình này theo 6 mức khác nhau.
Các trang bị an toàn trên Ertiga khá cơ bản với 2 túi khí cho hàng ghế đầu, đi cùng hệ thống phanh ABS và hỗ trợ lực phanh điện tử EBD. Ertiga thiếu hệ thống ổn định thân xe điện tử đang phổ biến trên những chiếc xe ngày nay, nhưng với tốc độ lưu thông không cao như ở Việt Nam thì thiếu sót này cũng không quan trọng lắm. Nếu Suzuki chịu khó trang bị sẵn cho Ertiga hệ thống cảnh báo lùi ngay từ khi sản xuất thì sẽ hay hơn.
Tính năng vận hành
Ertiga được trang bị động cơ 1,4 lít, 4 xy lanh thẳng hàng cho công suất tối đa 94 mã lực ở vòng tua 6.000 vòng/phút và mô men xoắn cực đại đạt 130 Nm ở vòng tua 4.000 vòng/phút. Động cơ này được trang bị công nghệ van biến thiên VVT giúp tiết kiệm nhiên liệu, khá tương đồng với mặt bằng chung của những chiếc xe ngày nay.
Dĩ nhiên chúng ta không thể hy vọng nhiều về khoản tốc độ ở một chiếc xe 7 chỗ sử dụng động cơ 1,4 lít khiêm tốn. Nhưng nếu công bằng mà nói thì ở điều kiện lưu thông tại Việt Nam thì sức mạnh này cũng là đủ sài. Việc Suzuki sử dụng hộp số 4 cấp kết hợp cùng động cơ này là hoàn toàn có thể lý giải được vì nó giúp cho chiếc xe luôn có được độ vọt mong muốn, nhưng dĩ nhiên là chúng ta sẽ phải hy sinh một chút độ mượt mà.
Động cơ cho cảm giác rất tốt ở dải tua thấp, nhưng càng lên cao ở dải tua trung thì sự nhạt nhòa và độ ì thể hiện khá rõ. Nhìn vào bảng thống kê khả năng tăng tốc của Ertiga ở bảng bên dưới, các bạn sẽ thấy rõ điều này. Từ 0-90 km/h Ertiga mất khoảng 2 giây cho mỗi 10 km/h tốc độ tăng thêm, nhưng từ 90 km/h - 100 km/h thì Ertiga mất đến 4 giây khi tắt hết điều hòa trên xe và hơn 5 giây khi bật cả 2 điều hòa.
Đây là kết quả tăng tốc tốt nhất của Ertiga với điều kiện là tắt hết điều hòa trên xe. Chiếc xe mất 15 giây để tăng tốc từ 0-100 km/h.
Còn đây là kết quả tăng tốc của Ertiga khi bật cả 2 dàn lạnh trên xe. Có thể thấy là từ 0-90 km/h các thông số đều tương đồng với khi tắt hết điều hòa. Nhưng từ 90-100 km/h thì độ trễ khi bật điều hòa nhiều hơn đáng kể.
Nói chung là dưới 90 km/h thì Ertiga đáp ứng nhu cầu vượt xe khác khá tốt, không có gì phàn nàn. Nhưng từ 90 km/h trở lên thì chúng ta cần nhiều thời gian làm quen với chiếc xe để có thể phán đoán khả năng vượt chính xác hơn.
Về phần hộp số thì cũng giống như động cơ, chúng ta không thể mong đợi sự ấn tượng từ một hộp số 4 cấp, đã có phần lạc hậu trên thị trường. Cũng giống như hầu hết những xe phổ thông khác, hộp số trên Ertiga hoạt động không được lanh lợi lắm và bắt số còn tương đối chậm. Nói ở một khía cạnh dễ hiểu thì hộp số này đòi hỏi người lái phải hiểu rõ nó để có thể tận dụng được hết những khả năng của nó, chứ không phải nó được làm ra để chiều theo những kỳ vọng của người lái.
Khi nhẹ nhàng chân ga thì các cấp số bắt đầu chuyển tương ứng với vòng tua như sau:
- Số 1 -> 2 ở 1.750 vòng/phút
- Số 2 -> 3 ở 2.250 vòng/phút
- Số 3 -> 4 cũng ở 2.250 vòng/phút
Trong quá trình trải nghiệm Ertiga, mình nhận thấy rằng chỉ cần nhả nhẹ chân ga ở những vòng tua đã liệt kê ở trên hoặc để hờ chân ga thì hộp số hiểu ý và tự động lên số sớm. Còn nếu cứ giữ chân ga hoài thì hộp số sẽ đẩy tua máy đi cao hơn nhiều và vì thế sẽ khó tránh khỏi việc hao nhiên liệu nhiều hơn và gằn máy. Những lúc di chuyển trong đô thị với Ertiga mình thật sự mong chiếc xe này có thêm chế độ tiết kiệm Eco Mode để hộp số có thể chuyển số sớm hơn nữa mà không yêu cầu chúng ta phải để ý nhiều đến chuyện chân ga.
Nhưng ở góc độ một chiếc xe gia đình thì nó cũng dư sức đem lại những trải nghiệm thoải mái trong đô thị. Khi đi tốc độ cao trên xa lộ và cần vượt xe cùng chiều thì hộp số 4 cấp cũng khá thông minh để tự trả về một số mỗi khi nhấn sâu chân ga, giúp chúng ta có gia tốc tốt hơn mà không yêu cầu phải bấm nút O/D (Overdrive) trên tay nắm chuyển số. Hầu như trong quá trình trải nghiệm với Ertiga mình rất ít khi sử dụng nút O/D để yêu cầu hộp số trả về 1 số, trừ trường hợp thử xem là nút O/D có hoạt động hay không thôi.
Điểm mình không thích trên Ertiga đó là việc bố trí chân phanh không được hợp lý lắm, gây cảm giác rất khó chịu khi sử dụng lâu. Nhìn 2 hình so sánh bên dưới các bạn có thể thấy rõ là Suzuki làm bàn đạp phanh cao một cách vô lý so với chân ga. Điều này khiến việc di chuyển trong điều kiện kẹt xe trong đô thị, khi chúng ta cứ phải giữ hờ chân trên bàn đạp phanh là một cực hình. Mình đã thử qua nhiều chiếc xe từ phổ thông có, cao cấp có, hạng sang cũng có nhưng chưa bao giờ có chiếc xe nào có bàn phanh bố trí góc lớn, thiếu khoa học như thế.
Chân phanh ở vị trí chưa tác động
Ở góc này có thể thấy góc đặt chân ga dễ chịu hơn góc đặt chân phanh nhiều
Và đây là chân phanh khi đạp hết quãng hụt phanh, khá là lớn
Vô lăng trên Ertiga là loại trợ lực điện cho cảm giác khá đầm chứ không quá nhẹ. Hệ thống trợ lực điện trên Ertiga không can thiệp quá nhiều vào cảm giác lái là một điểm cộng, tuy nhiên thi thoảng mình vẫn cảm nhận được một ít độ dơ (độ trễ) ở tay lái này khi đánh lái ở tốc độ cao.
Ertiga sử dụng loại khung liền khối monocoque giống sedan, hatchback chứ không phải là loại khung và gầm rời (body-on-frame) như Innova nên nó mang lại cảm giác lái như 1 chiếc xe hơi, chứ không phải là một chiếc xe bán tải hay xe tải. Chiếc xe cho cảm giác lái khá tốt, độ nghiêng thân xe khi vào cua đều trong tầm kiểm soát. Ertiga có thể xử lý những góc cua ở tốc độ cao hơn và tự tin hơn so với những chiếc xe 7 chỗ sử dụng khung gầm rời khác.
Trong bài test độ bám đường và khả năng tăng tốc khi vào cua, Ertiga ghi được 0,76 g, tương đương với đa số những mẫu xe sedan hay hatchback gầm thấp trong dữ liệu test của Xe Tinh tế. Con số này là khá tốt và cũng chứng minh phần nào tính năng lái của Ertiga không hề tệ như tâm lý của số đông khi nghĩ về 1 chiếc xe gia đình.
Dù sử dụng lốp Goodyear thường chứ không phải là lốp cao cấp tối ưu hóa độ êm và loại khung liền khối cũng không có lợi thế về khoản cách âm gầm, nhưng thật sự thì khả năng cách âm của Ertiga rất ấn tượng, ít ra là đối với những dòng xe nhỏ thường kém về khoảng này. Trong quá trình trải nghiệm với Ertiga, một người nhạy cảm với tiếng ồn như mình hoàn toàn không có phàn nàn về cách âm của chiếc xe.
Hệ thống treo trên Ertiga khá mềm phù hợp với một chiếc xe gia đình. Hai hàng ghế đầu có thể tận hưởng cảm giác thoải mái trong những chuyến đi xa. Tuy nhiên hàng ghế thứ 3 do đặt ngay trên 2 bánh sau nên chắc chắn sẽ hứng trọn những cú sốc từ mặt đường. Và khi hệ thống treo quá mềm thì nó đồng nghĩa là người ngồi hàng ghế này có thể sẽ dễ bị đụng đầu lên trần xe. Cũng may là không gian đầu ở hàng ghế thứ 3 khá thoáng nên 1 người 1m75 như mình cũng ít khi bị như thế.
Kết luận
Ở thị trường Việt Nam hiện nay thì phân khúc của Ertiga khá đặc biệt vì nó vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Thế nên Ertiga sẽ chịu sự sức ép từ phân khúc khác nhiều hơn những chiếc xe cạnh tranh trong cùng phân khúc.
Nếu nhìn ở một góc độ khác, bạn cần 1 chiếc xe nhỏ gọn cho gia đình nhưng không gian chứa đồ giới hạn của những chiếc hatchback như Swift không thể thỏa mãn được nhu cầu của ban thì Ertiga là sự lựa chọn hợp lý hơn.
Nếu bạn mới mua xe lần đầu, cần một chiếc xe 7 chỗ nhập khẩu với giá dễ chịu nhất có thể trên thị trường nhưng vẫn đảm bảo không gian và các trang bị ở mức chấp nhận được thì Ertiga là một trong những lựa chọn đáng lưu tâm. Nhất là khi nó rẻ hơn và khá hấp dẫn so với Kia Rondo và Toyota Innova lắp ráp trong nước.