Samsung sắp ra mắt thế hệ 3 của dòng Galaxy Book, mình đã có cơ hội xài Galaxy Book đời 2 nên chia sẻ thêm với anh em về laptop của Samsung. Chiếc máy trong bài là Galaxy Book2 360 13", thiết kế màn hình xoay 360 độ, khá nhẹ, được trang bị cấu hình đủ tốt cho nhu cầu văn phòng. Chiếc máy này mình mượn từ laptopvang, cấu hình thấp nhất từ 21 triệu, chiếc trong bài này 33 triệu, Samsung không kinh doanh laptop tại Việt Nam.
Nói về thiết kế của những chiếc laptop Samsung thì thời hãng còn dùng thương hiệu ATIV Book thì mình đánh giá cao hơn là Galaxy Book bây giờ bởi thiết kế lúc đó nó thể hiện sự khác biệt, chất lượng chế tạo cao và cái gì đó rất riêng của Samsung. Giờ với dòng Galaxy Book thì những năm qua Samsung đều đầu tư cho dòng máy này nhưng thiết kế không có nhiều điểm nhấn, ngoại trừ 2 dòng máy mà mình đặc biệt thích là Galaxy Book Ion và Galaxy Book Flex Alpha. Chiếc Galaxy Book2 360 có kích cỡ 13" và nó có vẻ ngoài khá đơn điệu với lớp vỏ nhôm anodize màu xám graphite, mặt A chỉ có logo Samsung nhỏ đặt lệch sang một bên. Dù vậy, kiểu thiết kế trung tính này lại rất phù hợp với nhóm người dùng mà chiếc máy nhắm đến là dân văn phòng. Nó trầm tính, không khoa trương, không thu hút sự chú ý của người khác.
Thiết kế của Galaxy Book2 360
Nói về thiết kế của những chiếc laptop Samsung thì thời hãng còn dùng thương hiệu ATIV Book thì mình đánh giá cao hơn là Galaxy Book bây giờ bởi thiết kế lúc đó nó thể hiện sự khác biệt, chất lượng chế tạo cao và cái gì đó rất riêng của Samsung. Giờ với dòng Galaxy Book thì những năm qua Samsung đều đầu tư cho dòng máy này nhưng thiết kế không có nhiều điểm nhấn, ngoại trừ 2 dòng máy mà mình đặc biệt thích là Galaxy Book Ion và Galaxy Book Flex Alpha. Chiếc Galaxy Book2 360 có kích cỡ 13" và nó có vẻ ngoài khá đơn điệu với lớp vỏ nhôm anodize màu xám graphite, mặt A chỉ có logo Samsung nhỏ đặt lệch sang một bên. Dù vậy, kiểu thiết kế trung tính này lại rất phù hợp với nhóm người dùng mà chiếc máy nhắm đến là dân văn phòng. Nó trầm tính, không khoa trương, không thu hút sự chú ý của người khác.
Chiếc máy có độ mỏng chỉ 12,9 mm và trọng lượng ở 1,16 kg. Dù chưa phải là chiếc máy nhẹ nhất và mỏng nhất thị trường nhưng nó là một chiếc máy rất di động. Mình dùng nó được gần 1 tháng, đem theo đi làm, chỉ cần một chiếc balo hay túi đeo chéo nhỏ gọn là bỏ vừa. Kích thước và trọng lượng này phù hợp với các bạn nữ và cũng phù hợp với vai trò của một chiếc máy màn hình xoay bởi khi cần có thể sử dụng ở chế độ tablet mà không bị cồng kềnh.
Cũng nói về màn hình xoay thì Samsung thiết kế bản lề kép như nhiều hãng khác đã làm. Đây vẫn là kiểu thiết kế bản lề ổn áp nhất cho laptop 2 trong 1. Bản lề khá mượt và dù máy mỏng, mình vẫn có thể mở nắp máy bằng 1 tay. Trọng lượng nhẹ cũng khiến mình thường chuyển đổi giữa laptop và tablet hơn. Mình cũng thường dùng chiếc máy này để ghi chú bởi nó hỗ trợ luôn cây bút S Pen của chiếc Galaxy Note20 mà mình đang xài.
Thân máy cũng được làm bằng nhôm, mặt C và mặt D có kiểu hoàn thiện tương tự mặt A. Samsung thiết kế vỏ khá đơn giản và nhìn qua có thể thấy dễ mở dễ bảo trì. Đáy máy có mấy miếng feet cao su nhỏ, được gắn vào bằng ngàm thay vì dán keo nên sau khi mở máy vẫn có thể gắn lại mà không ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Có điều là mấy miếng feet này khá thấp, dùng máy trên mặt bàn cũng phải cẩn thận chút nếu anh em không muốn đáy bị trầy. Một điều mình chưa hài lòng trên Galaxy Book2 360 13" là mặt đáy và thân máy không khít hoàn toàn, bóp vào nghe tiếng rít, tạo cảm giác hơi ọp ẹp.
Trang bị cổng kết nối trên Galaxy Book2 360 13" khá đầy đủ với 2 cổng USB-C trong đó có 1 cổng hỗ trợ Thunderbolt 4 đủ chức năng bao gồm kết nối dữ liệu và trình xuất DisplayPort, 1 cổng hỗ trợ USB 3.2 Gen1 (5 Gbps) và cả 2 đều có thể sạc qua PowerDelivery. Ngoài ra còn có 1 cổng HDMI, 1 cổng USB-A USB 3.2 Gen1 (5 Gbps), khe đọc thẻ microSD và jack âm thanh combo. Số lượng cổng kết nối này mình nghĩ là đủ đối với nhu cầu của một người dùng văn phòng. Có một điều hơi tiếc là 2 cổng USB-C lại nằm cùng 1 bên, nếu ở 2 bên thì việc sạc chiếc máy sẽ trở nên thuận tiện hơn bởi không phải lúc nào ổ điện cũng nằm bên tay trái.
Galaxy Book2 360 13" dùng màn hình AMOLED
Những chiếc laptop của Samsung có tỉ lệ "đồ nhà trồng" rất cao bởi hãng có hầu như mọi thứ để làm nên một chiếc máy hoàn chỉnh như RAM, SSD và màn hình cũng không ngoại lệ. Samsung trang bị cho dòng máy này màn hình AMOLED, mã SDC4156 và tấm nền này cũng được dùng trên dòng Galaxy Book2 Pro 13". Đây là tấm nền AMOLED chất lượng cao với độ sáng khoảng 370 cd/m2, độ bao phủ các dải màu rất lớn với 100% sRGB, 97% AdobeRGB hay 100% DCI-P3. Ưu điểm của màn hình OLED vẫn là độ tương phản rất lớn, black level gần bằng 0 từ đó mang lại trải nghiệm màu đen rất tốt, rất phù hợp để giải trí. Ban đêm mình thường dùng chiếc máy này làm việc ngoài sân cũng như xem Netflix và anh em có thể thấy tương phản và sắc đen của màn hình AMOLED tốt như thế nào với những cảnh phim tối. Phần viền của màn hình chìm vào cảnh tối.
Thêm vào đó, dùng tấm nền AMOLED với độ sáng gần 400 nit cũng cho phép kích hoạt tính năng HDR trên Windows. Những nội dung YouTube hay phim hỗ trợ HDR sẽ có thể xem được trên màn hình của chiếc máy này dù trên cấu hình không nêu màn hình hỗ trợ HDR. Độ sáng gần 400 cd/m2 cũng đã đủ để nó có thể đạt chuẩn HDR400 của VESA. Ngoài ra, Samsung còn cho biết tốc độ phản hồi của chiếc màn hình này rất nhanh, nó lên đến 0,2 ms, nhanh hơn cả những màn hình chuyên game. Dù vậy, tốc độ làm tươi 60 Hz của chiếc màn hình này khiến nó không lý tưởng để trải nghiệm game và bản thân cấu hình cũng không tối ưu cho game trừ khi anh em xài thêm eGPU.
Quảng cáo
Kích thước 13,3" và độ phân giải FHD (1920 x 1080 px), tỉ lệ 16:9 cho mật độ điểm ảnh ở 165 ppi. Mật độ điểm ảnh này đảm bảo hình ảnh vẫn sắc nét ở cự ly quan sát thông thường. Mình thì vẫn muốn chiếc màn hình này có độ phân giải cao hơn, chẳng hạn như QHD ở kích thước 13,3" sẽ cho mật độ đến 220 ppi, lúc đó mọi thứ rất mịn. Tuy nhiên, việc chọn độ phân giải FHD cũng là giải pháp để cân bằng giữa chất lượng hiển thị và thời lượng sử dụng pin với tấm nền AMOLED.
Một điều nữa cần nhắc đến là màn hình này hỗ trợ cảm ứng 10 điểm. Điều mình thích đó là nó hỗ trợ luôn bút S-Pen của điện thoại Galaxy Note20 và dĩ nhiên là S-Pen của nhiều dòng Galaxy khác mới hơn. Các tính năng của bút S-Pen trên màn hình này cũng tương tự trên điện thoại với bộ tính năng của Air Command tức có thể dùng để ghi chú nhanh bằng Samsung Notes, Smart Selection, vẽ trên màn hình, gởi Live Message và PENUP để sáng tạo nội dung bằng S-Pen. Cơ bản thì mình chỉ dùng S-Pen để ghi chú với Samsung Notes và tính năng Smart Selection để lưu lại fact sheet để ghi chú khi học ngoại ngữ. Sử dụng trên Note20 sao thì trên Galaxy Book360 13 y vậy nên mình thấy rất thuận tiện.
Về âm thanh, 2 loa của Galaxy Book2 360 13" nằm ở mặt đáy máy và âm lượng đầu ra lớn đáng ngạc nhiên nếu so với kích thước và độ mỏng. Âm thanh hỗ trợ Dolby Atmos để giả lập 7.1 với các nội dung có hỗ trợ như phim trên Netflix. Nó đáp ứng tốt nhu cầu xem phim và hội thoại, nghe nhạc thì tốt nhất nên xài tai nghe vì rất thiếu bass.
Bàn phím gõ ngon, bàn rê nhạy, êm
Nhập liệu trên Galaxy Book2 360 13" rất thoải mái vì chiếc máy được trang bị bàn phím với layout thoáng, các phím kích thước lớn, nhìn qua khá giống bàn phím của MacBook. Các phím này có hành trình không sâu bởi thiết kế máy khá mỏng nhưng trải nghiệm gõ phím rất ổn, nhanh và khá thích tay. Cấu trúc mặt C cũng là nhôm nhưng có vẻ như cứng hơn hoặc được gia cường bên dưới nên bàn phím không flex, các phím cho phản hồi xúc giác rõ ràng, độ nẩy tốt, chính xác.
Quảng cáo
Hàng phím Fn vẫn được Samsung thiết kế lớn, phím nguồn được tích hợp trên bàn phím và nó có thiết kế thấp hơn, cảm giác nhấn nặng hơn và nó cũng bao gồm cảm biến vân tay 1 chạm. Đèn bàn phím có 3 mức sáng, ánh sáng đèn ít lọt ra khỏi keycap, không gây chói khi sử dụng trong môi trường tối hoàn toàn.
Bàn rê trên Galaxy Book2 360 13" có kích thước không quá lớn nhưng nó đủ để rê chuột thoải mái trên màn hình 13" cũng như thực hiện các thao tác đa điểm với nhiều ngón tay. Bàn rê này cũng dùng driver Microsoft Precision Touchpad, độ nhạy cao, dạng ClickPad với 2 phím chuột tích hợp và hành trình của phím chuột cũng ngắn, nhạy như hành trình bàn phím, lực bấm nhẹ và hầu như không gây tiếng ồn khi nhấn.
Hiệu năng của Galaxy Book2 360 13"
- CPU: Core i7-1255U 10 nhân (2 nhân P + 8 nhân E), 12 luồng, xung nhân P tối đa 4,7 GHz, xung nhân E tối đa 3,5 GHz, 12 MB Smart Cache, TDP 15 W.
- GPU: Intel Iris Xe 96 EU
- RAM: 16 GB LPDDR4-4267 MHz hàn
- SSD: Samsung PM991a 512 GB PCIe 3.0 x4 NVMe
Samsung có 2 dòng Galaxy Book2 360, phiên bản Pro 360 có thiết kế y hệt, chỉ khác là được trang bị CPU dòng Alder Lake-P và có thêm bút S-Pen trong khi phiên bản non-Pro được trang bị Alder Lake-U. Dòng Alder Lake-U thay thế trực tiếp cho Tiger Lake-UP3 với mức tiêu thụ điện năng từ thấp từ 9 W - 15 W đến tối đa 55 W. Số nhân của Alder Lake-U vẫn đạt 10 nhân ở các phiên bản Core i5 và i7, gồm 2 nhân P kiến trúc Golden Cove và 8 nhân E kiến trúc Gracemont. Trong khi đó, Alder Lake-P với TDP 28 đến 64 W có nhiều nhân hơn, tối đa 14 nhân 6P + 8E, đa số 12 nhân 4P + 8E. Alder Lake-U sẽ cho hiệu năng đa nhân trung bình trong khi mức tiêu thụ điện năng sẽ thấp hơn đáng kể so với Alder Lake-P.
Trên Galaxy Book2 360 13" thì Core i7-1255U với 10 nhân 12 luồng đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng văn phòng và cao hơn. Tuy nhiên, điều hơi đáng tiếc là Samsung giới hạn điện năng của Core i7-1255U dưới 30 W, xung tối đa mà CPU đạt được là 4,1 GHz đơn nhân với 27 W và đa nhân thường chạy dưới 20 W, kết quả là hiệu năng đa nhân của Core i7-1255U bị hạn chế. Nó vẫn có thể đạt được trên 1000 điểm đa nhân Cinebench R15 hay trên 2000 điểm đa nhân Cinebench R20 nhưng Core i7-1255U hoàn toàn có thể đạt đến 1500 điểm Cinebench R15 hay trên 3000 điểm Cinebench R20 nếu được thả cho chạy đa nhân trên 30 W, tối đa 55 W. Trong bảng trên anh em có thể thấy Core i7-1255U trên Galaxy Book2 360 13" vẫn cho hiệu năng đơn nhân và đa nhân khá tốt ở các bài test kết xuất nhờ ưu điểm về số nhân nhưng về hiệu năng tổng thể PCMark 10 thì Galaxy Book2 360 13" thấp hơn đáng kể.
PCMark 10 bao gồm nhiều bài test mô phỏng các nhóm tác vụ cơ bản, văn phòng và sáng tạo nội dung. Nếu nhìn vào biểu đồ trên anh em sẽ hình dung được tại sao Galaxy Book2 360 13" lại cho hiệu năng không cao, màu cam chính là xung của Core i7-1255U còn màu xanh là Core i5-1135G7 trên chiếc HP Zbook Firefly 14 mà mình từng đánh giá tại đây. Xung của Core i7-1255U có thể đạt tối đa 4,1 GHz nhưng liên tục giảm rất sâu xuống đến 1,0 - 1,2 GHz và trong khi Core i5-1135G7 có thể duy trì xung cao lâu hơn, ít biến thiên hơn khi thực hiện các bài test này. Vấn đề của Galaxy Book2 360 13" chính là hệ thống tản nhiệt thiếu hiệu quả, ở 4,1 Ghz Core i5-1255U đã chạm ngưỡng 95 độ C và khiến CPU phải cắt xung để giảm nhiệt độ xuống ngưỡng 70 độ C. Việc tăng và giảm xung liên tục với độ chênh lệch lớn lớn khiến hiệu năng của Galaxy Book2 360 13" bị ảnh hưởng đáng kể, nhất là với các tác vụ đòi hỏi mức xung duy trì cao để rút ngắn thời gian xử lý như chỉnh sửa hình ảnh với hiều hiệu ứng, biên tập video.
Hiệu năng của Iris Xe Graphics G7 96 EU tích hợp trên Core i7-1255U cho hiệu năng tốt ở bài test DirectX12 là Time Spy nhưng lại thọt ở bài test DirectX11 Fire Strike khi chỉ đạt 3400 điểm trong khi Iris Xe Graphics G7 96 EU trên Core i7-1165G7 hay Core i5-1240P đạt trên 4000 điểm. Xung nhịp GPU Iris Xe của Core i7-1255U trên Galaxy Book2 360 13" rớt xuống còn 800 MHz khi chạy Fire Strike trong khi ở Time Spy, xung GPU duy trì ở 1100 MHz.
Core i7-1255U dù là vi xử lý dòng U tiết kiệm điện nhưng để nó có thể phát huy tối đa hiệu năng thì vẫn sẽ cần hệ thống tản nhiệt đủ tốt. Samsung chỉ trang bị cho chiếc Galaxy Book2 360 13" hệ thống tản nhiệt đơn giản với 1 ống đồng và 1 quạt. Phiên bản Galaxy Book2 Pro 360 13 cũng không khá hơn dù dùng Alder Lake-P với hiều nhân P hơn. Với tản nhiệt đơn giản như vậy thì Galaxy Book2 360 13" có trọng lượng nhẹ nhưng đánh đổi hiệu năng, hãng phải cắt TDP của CPU để tránh nó bị quá nhiệt.
Dùng PCMark 8 Home để đo thời lượng pin, chiếc Galaxy Book2 360 13" cho thời lượng sử dụng gần 4 tiếng rưỡi với độ sáng màn hình 50%. Tuy nhiên, trải nghiệm sử dụng thực tế của mình lại cho kết quả khác:
Vẫn để độ sáng màn hình 50%, pin đã sạc đầy 100%, mình làm việc với gần 20 tab trình duyệt Edge, soạn thảo với OneNote.
Từ 1:23 chiều đến 3:01 - pin còn 73% sau 1 giờ 38 phút
Đến 4:34 - pin còn 56% sau 1 giờ 33 phút
Đến 5:15 - pin còn 49% sau 41 phút
Như vậy trong thời gian làm việc liên tục trong đúng 3 giờ 52 phút, pin chỉ mất 51%. Gần 50% pin còn lại sẽ có thể cho thời lượng sử dụng thêm ít nhất là 3 tiếng nữa với các tác vụ như mình đang sử dụng. Vì vậy thời lượng sử dụng pin của Galaxy Book360 13 mình ước tính đạt khoảng 7 giờ.
Nhìn chung trải nghiệm của mình với Galaxy Book2 360 13 rất ổn, nó đủ đáp ứng nhu cầu làm việc của mình nhưng với những ai muốn khai thác tối đa hiệu năng thì rất tiếc Galaxy Book2 360 13 không cho phép bởi thiết kế của máy còn hạn chế. Thứ mình thích trên Galaxy Book2 360 là nó mang lại trải nghiệm thú vị khi sử dụng với điện thoại Galaxy. Chiếc máy được cài sẵn nhiều ứng dụng của Samsung và đa phần hữu ích, chẳng hạn như có thể dùng màn hình của tablet Samsung làm màn hình phụ, chia sẻ file nhanh bằng Quick Share, đồng bộ được nhiều dịch vụ của Samsung như Notes, Gallery, …
Galaxy Book đã có thế hệ 3, thiết kế vẫn được Samsung giữ lại nhưng nâng cấp lớn về cấu hình. Không có phiên bản non Pro như thế hệ 2 nữa, Samsung đã ra mắt Galaxy Book3 Ultra và Galaxy Book3 Pro và Pro 360. Điểm nhấn đáng chú ý là màn hình đã có độ phân giải đến 3K, tỉ lệ 16:10 và Samsung cũng đã chuyển sang dùng cỡ màn hình 14" và 16" thay vì 13,3" và 15,6" 16:9 truyền thống. Chưa kể là công nghệ tấm nền được Samsung trang bị là Dyanmic AMOLED 2X với tốc độ làm tươi 120 Hz và bao phủ đến 120% DCI-P3. Dòng Galaxy Book3 Ultra còn được trang bị GPU GeForce RTX 4050 hoặc 4070, hướng đến nhóm người dùng sáng tạo nội dung.
Cảm ơn laptopvang đã cho mình mượn chiếc máy này.