Cũng không đến mức một tiền gà ba tiền thóc, nhưng một khi đã mua máy console, rất nhiều anh em sẽ không chịu sống chung với chỉ mỗi cỗ máy và hai cái tay cầm, mà còn phải có thêm những phụ kiện đi kèm nữa. Rẻ thì có dock sạc, có bọc analog tay cầm. Đắt hơn một tí thì có tai nghe không dây như chiếc HyperX Cloud II Wireless hôm rồi mình đánh giá cho anh em. Và thậm chí đôi khi, bộ nhớ trong của chiếc máy chơi game là không đủ, cả về dung lượng lẫn tốc độ tải game. Vậy là các hãng đều lần lượt ra mắt những sản phẩm phụ kiện cao cấp để phục vụ đối tượng console gamer, trong đó có mình. Nhân vật chính trong bài viết hôm nay cũng là một trong số đó, chiếc SSD của Western Digital, WD Black P50.
Mình mua chiếc này hồi tháng 12 năm ngoái, giá lúc mua là khoảng 6 triệu rưỡi, nhưng giờ xem giá chính thức trên trang chủ của WD Việt Nam chỉ còn có 4.990.000 VNĐ. Cũng không thấy hớ cho lắm vì từ đó đến nay mình cũng được chiếc ổ này phục vụ khá tốt, cả trên PS4 lẫn PS5 mua giữa tháng 3 vừa rồi. Một vấn đề nhỏ với PS5 là SSD tích hợp chỉ có hơn 600GB trống để cài game, nên không có chiếc P50 này, gần như không thể nào cài hết được những game PS4 mình muốn chơi lại trên nền máy mới. Mà cái thời điểm mình mua chiếc này, bản 1TB đắt quá, gần 15 triệu nên không dám xuống tiền.
Ngoài WD Black P50 ra, anh em chơi console còn vài giải pháp khác, ví dụ như P10, HDD di động với dung lượng từ 2 đến 5TB, ổ D10 giống như NAS với dung lượng từ 8 đến 12TB, và cao cấp nhất là D50, SSD NVMe dung lượng từ 1 đến 2TB cho Xbox và PlayStation có cả đèn RGB.
Mình mua chiếc này hồi tháng 12 năm ngoái, giá lúc mua là khoảng 6 triệu rưỡi, nhưng giờ xem giá chính thức trên trang chủ của WD Việt Nam chỉ còn có 4.990.000 VNĐ. Cũng không thấy hớ cho lắm vì từ đó đến nay mình cũng được chiếc ổ này phục vụ khá tốt, cả trên PS4 lẫn PS5 mua giữa tháng 3 vừa rồi. Một vấn đề nhỏ với PS5 là SSD tích hợp chỉ có hơn 600GB trống để cài game, nên không có chiếc P50 này, gần như không thể nào cài hết được những game PS4 mình muốn chơi lại trên nền máy mới. Mà cái thời điểm mình mua chiếc này, bản 1TB đắt quá, gần 15 triệu nên không dám xuống tiền.
Ngoài WD Black P50 ra, anh em chơi console còn vài giải pháp khác, ví dụ như P10, HDD di động với dung lượng từ 2 đến 5TB, ổ D10 giống như NAS với dung lượng từ 8 đến 12TB, và cao cấp nhất là D50, SSD NVMe dung lượng từ 1 đến 2TB cho Xbox và PlayStation có cả đèn RGB.
Thiết kế ngầu, đầm tay, vỏ toàn kim loại
Lọt vừa lòng bàn tay, nhưng WD Black P50 rất đầm tay, vì lớp vỏ kim loại vừa để chống sốc, vừa phục vụ mục đích tản nhiệt cho SSD NVMe PCIe 3.0 bên trong, cũng như controller ASMedia ASM2364 điều khiển những chip NAND lưu trữ dữ liệu của SSD. Phụ kiện của chiếc này cũng rất đơn giản, đấy là một cọng cáp USB-C to USB-C và một cọng USB-C to USB-A để anh em kết nối với mọi thiết bị, từ PC, laptop, cho đến máy chơi game.
Nếu được mô tả WD Black P50 trong một cụm từ ngắn, thì đó có thể là “thái cực hoàn toàn đối lập với LaCie”. Nếu những chiếc ổ cứng di động chống sốc của LaCie lấy phong cách đơn giản đánh thẳng vào tâm lý người dùng chuyên nghiệp, cần những thiết kế càng tối giản và hiện đại càng tốt, để ăn rơ với những chiếc MacBook Pro mịn láng mà họ sở hữu, thì chiếc ổ SSD dành cho anh em gamer của WD lại đi theo hướng ngược lại hoàn toàn: Ngầu, khù khoằm và cứng cáp. Đến đây cũng phải liệt kê ra ba loại gamer xét về thẩm mỹ thiết kế sản phẩm phần cứng cho họ. Loại thứ nhất là có gì dùng nấy, cứ đáng tiền là được. Loại thứ hai là đồ ngon nhất có thể, đắt rẻ không quan trọng. Và loại cuối cùng, thứ mà WD Black P50 hướng đến là những anh em gamer có tiền và đòi hỏi thiết kế sản phẩm cũng phải tương đồng với độ ngầu của những trò chơi họ thưởng thức.
Khi dùng ở nhà, anh em chỉ cần cắm ổ với cáp USB vào máy PS4 hoặc PS5, rồi bỏ nó vào một xó. Thậm chí ổ còn có cả 4 chân cao su để lên bàn cố định, cùng khe tản nhiệt. Anh em nên để những khe này thoáng để làm mát tốt nhất cho chiếc ổ, nhưng về cơ bản cũng chẳng phải lo cho lắm vì bên trong là SSD chứ không phải HDD, va đập nhẹ chút không thành vấn đề. Nói vậy không đồng nghĩa là chiếc ổ này siêu bền, vì nó không có IP rating chống bụi chống nước, và lớp vỏ kim loại của ổ hoàn toàn không có lớp phủ silicone chống sốc như vài sản phẩm khác đang có trên thị trường. Của bền tại người mà anh em.
Tóm lại thì, WD Black P50 nhìn ngầu, giống hệt như một thiết bị dành cho binh lính trong những game như Call of Duty mà anh em rất yêu mến. WD trong trường hợp này đã tạo ra được một sản phẩm chiều lòng nhiều anh em gamer về mặt thẩm mỹ.
Mình chưa dám mổ bụng, nhưng nghiên cứu trên mạng internet thì bên trong chiếc ổ này là một SSD NVMe PCIe 3.0, WD Black SN750, và chiếc mình sở hữu thì anh em chắc cũng biết, có dung lượng 500GB. Chiếc ổ có tốc độ đọc tối đa 3100 MB/s và tốc độ ghi tối đa 1600 MB/s. Nhưng WD Black P50 sẽ không thể dùng hết khả năng của chiếc SSD này, vì một lý do rất đơn giản là giao thức mà nó kết nối với các thiết bị khác.
Quảng cáo
Không phải chuẩn USB nào cũng giống nhau
Đến đoạn này lẽ ra chỉ cần đem vài tựa game trên PS4, so sánh tốc độ giữa HDD 1TB của HGST sản xuất trong cỗ máy PS4 Pro với tốc độ tải game và tải màn chơi của WD Black P50 là xong. Đấy là chủ đích của mình cho tới khi bất ngờ nhớ ra, PS4 Pro và PS5 trang bị hai giao thức kết nối USB khác biệt hoàn toàn. Từ đó, hoàn toàn có khả năng kết nối ổ cứng này với PS4 Pro chơi game, tải game tốc độ khác, và PS5 sẽ ở một tốc độ khác. Vậy là một bài thử nghiệm phải lôi ra làm lại hai lần.
Lần thứ nhất, mình thử nghiệm 8 tựa game trên PS4 Pro, cài trong HDD và WD Black P50. Lần thứ hai, mình sẽ thử nghiệm ngần ấy tựa game, loại bỏ Spider-Man: Miles Morales vì game đó có bản PS5 tối ưu SSD, vả lại game PS5 cũng chưa cho chơi game độc quyền cài vào ổ ngoài.
Chỉ một bài thử nghiệm nhưng liên quan tới ba chuẩn kết nối dữ liệu khác nhau:
- PS4 Pro có 3 cổng USB 3.1 Gen 1, tên mới bây giờ gọi là USB 3.2 Gen 1, tốc độ tối đa 5 Gbps
- PS5 có 3 cổng USB 3.2 Gen 2x1, tốc độ tối đa 10 Gbps
- WD Black P50 có cổng kết nối USB 3.2 Gen 2x2, tốc độ tối đa 20 Gbps
Ở tốc độ đọc dữ liệu tối đa 2000 MB/s, chiếc ổ này nhanh gấp đôi khả năng đọc dữ liệu từ cổng USB trang bị cho máy PS5. Mà thực tế thì hiện nay cũng chẳng có mấy những sản phẩm bo mạch chủ hay laptop được trang bị chuẩn kết nối USB 3.2 Gen 2x2. Điều đó dẫn đến một thực tế là, chiếc ổ này của WD sẽ dùng được trong thời gian rất dài, khi USB 3.2 Gen 2x2 trở thành tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi.
Quảng cáo
Đối với console, ổ nhanh hay chậm được mô tả khá rõ nét ở tốc độ khởi động game từ màn hình chính vào đến menu chính, và tốc độ tải màn chơi từ lúc chọn ở menu chính đến khi bắt đầu điều khiển được nhân vật. Đó sẽ chính là hai phép thử mà mình dùng để đánh giá tốc độ của chiếc ổ rời cho anh em gamer này.
Đầu tiên là phép đo thời gian khởi động game từ màn hình chính đến khi menu chính hiện ra, cho anh em lựa chọn các đề mục. Ở đây mình thử nghiệm cả với PS4 Pro và PS5. Cùng với đó, một vài tác phẩm có đoạn intro giới thiệu hãng game và nhà phát hành không thể bỏ qua được, khoảng thời gian của những đoạn intro đó cũng được đếm để cho khách quan, vì không loại trừ trường hợp intro chạy nhưng game không tải dữ liệu, dễ dẫn đến nhầm tưởng rằng ổ cứng mất thêm ngần ấy thời gian chỉ để vào menu chính:
Kế đến là phép thử nghiệm tải màn chơi từ menu chính, đếm thời gian cho tới khi vào đến màn, bắt đầu điều khiển được nhân vật. Phép thử này đếm hết cả 4 phương án: HDD PS4, SSD PS5, và khi kết nối P50 với PS4 lẫn PS5:
Nhìn những biểu đồ vô hồn đó, chúng ta rút ra được những kết luận gì?
- Tốc độ tải game PS4 trên PS5 không phụ thuộc hoàn toàn vào tốc độ của ổ cứng. Những game độc quyền cho PS4 đều được các nhà phát triển tối ưu cho HDD của máy, dẫn đến thực tế rằng có rất nhiều dữ liệu đồ họa được nhân đôi nhân ba để giảm tối đa thời gian tìm kiếm các asset trong HDD tốc độ khoảng 100 MB/s. Bằng chứng là tốc độ tải màn trong Ghost of Tsushima chỉ cách nhau có vài giây. Đó cũng chính là lý do rất nhiều game PS4 có dung lượng nặng đến vậy. Lấy ví dụ trên PS4, Spider-Man: Miles Morales có dung lượng 56GB, nhưng bản PS5 chỉ nặng có 38.96GB mà thôi.
- Dù vậy, vẫn có rất nhiều tác phẩm mà P50 tạo ra khác biệt rất rõ nét khi tải game. Lấy ví dụ Red Dead Redemption 2. HDD PS4 mất phút rưỡi mới vào được đến màn chơi, nhưng khi dùng P50, thời gian chờ tải game chỉ còn có 63 giây. Cá biệt khi chơi đúng trò này trên PS5, game chỉ mất có 39.6 giây để tải. Tương tự là với The Last of Us Part II. HDD PS4 mất hơn một phút để tải, còn P50 chỉ mất có 38 giây thôi.
- Ở quy mô nói riêng những game PS4, thì tốc độ tải game của P50 chẳng thua kém nhiều, thậm chí đôi khi nếu hên thì còn nhanh hơn cả SSD tích hợp hàn chết trên bo mạch của PS5. Điều đó phụ thuộc vào việc hãng game có cho ra mắt bản cập nhật để tối ưu khả năng vận hành của cỗ máy console mới hay không. Ví dụ God of War và Death Stranding cài game vào bộ nhớ trong của PS5 tải nhanh hơn hẳn, nhưng cũng chỉ hơn WD Black P50 có từ 3 đến 5 giây thôi.
- Ngay cả khi kết nối với cổng USB 3.2 Gen 2x1 trên PS5, WD Black P50 vẫn rất ấn tượng về tốc độ, may mà chiếc ổ này hỗ trợ mọi giao thức kết nối USB ra mắt trước đó.
Tạm kết
Đọc qua một lượt review của các bạn đồng nghiệp nước ngoài, mình phát hiện ra một điều. Không một ai coi WD Black P50 là một sản phẩm dành riêng cho anh em gamer sử dụng trên console cả, mà trang nào cũng cố gắng so sánh nó với những ổ cứng thể rắn di động kết nối Thunderbolt 3 tốc độ cực cao, và cố gắng lái việc ứng dụng chiếc ổ này cho những nhu cầu chuyên nghiệp, đem số liệu tốc độ đọc ghi thử nghiệm trên PC và MacBook để so sánh với những sản phẩm như LaCie Rugged SSD Pro, Sandisk Extreme PRO SSD V2, hay Samsung X5 Portable SSD.
Họ viết rằng, những người sáng tạo nội dung hoàn toàn có thể tin tưởng món đồ chơi này để phục vụ nhu cầu sử dụng công việc và chuyên nghiệp. Họ viết, WD Black P50 là quá thừa thãi so với nhu cầu của anh em chơi game. Thậm chí có người còn nói rằng ổ này cũng không giúp gì nhiều cho người dùng PC, vì trong hầu hết mọi trường hợp, tải game từ SSD NVMe kết nối qua giao thức PCIe chắc chắn sẽ nhanh hơn (?)
Còn mình thì là một người đơn giản, mình cần một chiếc ổ gắn ngoài để tải game PS4, chơi trên PS5, để dành dung lượng bộ nhớ trong để cài game PS5. PC thì cũng có SSD cài game rồi, không cần phải so sánh như anh bạn đồng nghiệp nước ngoài nọ. Ngoài cái vấn đề ổ chạy idle hơi nóng, không truy xuất dữ liệu mà ổ vẫn hơi ấm ấm, thì mình không có điều gì để chê cả, kể cả về kích thước. Sau gần nửa năm dùng chiếc này, mình thừa nhận dù không rẻ, nhưng WD Black P50 là một trong số những món phụ kiện tốt nhất trong số những thiết bị lưu trữ mở rộng dung lượng cho console mà anh em có thể mua được trên thị trường.