"Đây không phải là một sản phẩm" - Developer Transition Kit (2020)

blogbinh
26/4/2023 0:26Phản hồi: 16
"Đây không phải là một sản phẩm" - Developer Transition Kit (2020)

CẢNH BÁO: BÀI KHÁ DÀI, ĐỌC SẼ HƠI NGÁN.


Một trong những con máy Mac mà người dùng mới nên mua đó là Mac mini 2023, với mức giá rẻ, hoặc đối với Mac portable là MacBook Air (M1, 2020), hoặc có thể chọn những MacBook M1, M2 cũ, hoặc có thể gắng hơn để lấy MacBook Air 2022, vừa có "tai thỏ hợp thời", máy nhẹ,… và quan trọng nhất là chip ổn/mạnh, so với nhu cầu của đa số người dùng. Không có sự xuất hiện của Mac Intel.
IMG_8314.png
Những chiếc máy mà mình kể trên đều có những điểm chung, đó là đều sử dụng chip Apple Silicon, loại chip do Apple thiết kế sử dụng kiến trúc tập lệnh ARM/ARM64 (AArch64). Như anh em cũng đã biết thì trước đây Apple sử dụng PowerPC, nhưng vì rất nhiều nguyên do, và lý do lớn nhất là liên quan đến phần nhiệt khi nó toả ra nên chuyển sang sử dụng CPU Intel. Chắc một số anh em xài Mac rất lâu năm đều nhớ rằng PowerPC G5 là một con chip hết sức nóng nảy, nhưng hiệu năng thì lại không tương xứng so với mức điện mà nó tiêu thụ. Và toàn bộ dàn Mac đã được chuyển sang sử dụng CPU của Intel vài năm sau đó. Lịch sử được lặp lại khi mà hiệu năng của CPU Intel thực sự không ổn so với mức điện mà nó tiêu thụ. Những chiếc MacBook Pro 15/16 inch sử dụng CPU i9 đời 2018-2019, đã khiến cho anh em phải than trời đất vì hiệu năng của nó bị “thọt” vì quá nóng, khiến cho nó thậm chí yếu hơn cả bản i7. Vấn đề này, phải trách Apple một phần, vì đã nhét con i9 vào một thân hình mỏng, còn Intel, phải trách nhiều phần hơn, khi mà con CPU những đời i7, i9 quá nóng, tốn điện, pin không sử dụng lâu dài,… Trong khi đó, nếu so với iPad Pro thì sử dụng chip Apple Silicon thì có điểm số benchmark cao tầm một con MacBook Pro 15 inch sử dụng CPU i7 thế hệ thứ 7. Mặc dù không thể so sánh dựa trên điểm số, đặc biệt hơn là khi một con sử dụng kiến trúc ARM, một con sử dụng kiến trúc x86, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng chip của Apple mạnh, hơn so với Intel nếu xét về mức điện năng tiêu thụ: A12X/Z có mức TDP là 15W, và Apple hoàn toàn có khả năng làm ra con chip đủ mạnh để trang bị cho dòng máy Mac để phục vụ mục đích cơ bản, hoặc thậm chí cao hơn.

Hơn nữa, đời Skylake quá tệ, và Apple đã rất tức giận, cùng với đó là nhiều nguyên nhân khác nữa,…

Và đó là ngày 23/06/2020. Một ngày lịch sử. Tại WWDC 2020.
Apple tuyên bố chuyển sang sử dụng Apple Silicon cho dòng máy Mac của mình.


Steve Jobs, cố CEO của Apple, tại sự kiện ra mắt iPhone đời đầu, đã dẫn lời của Alan Kay: People who are really serious about software should make their own hardware. Apple trong những năm qua đã rất nổi tiếng nhờ việc tự thiết kế chip, hệ điều hành cho những sản phẩm của mình. Và điều đó được đánh giá rất cao, nhờ vào sự kết hợp tuyệt vời giữa phần cứng và phần mềm của Apple. Hơn nữa, Apple cũng muốn bớt dần phụ thuộc vào các đối tác, đặc biệt là Intel.

Để phục vụ cho quá trình chuyển đổi từ nền tảng x86 → ARM, Apple đã tổ chức chương trình Universal App Quick Start Program (UAQSP) cho các lập trình viên (dev), và mỗi dev nếu muốn tham gia vào chương trình này thì sẽ trả 500$. Một trong những thứ khi mà các dev tham gia được cung cấp đó là Developer Transition Kit (DTK), một thiết bị sử dụng chip A12Z Bionic chạy macOS, đựng trong thân hình của Mac mini 2018. Khi tham gia UAQSP và để nhận DTK, các dev phải ký vào NDA, hứa rằng không tiết lộ, mổ xẻ gì về máy này. Hơn nữa, 500$ đó cũng không phải là số tiền để mua đứt DTK, mà các dev sau 1 năm hoặc khi Apple yêu cầu thì sẽ phải trả DTK lại cho Apple. Vì thế, tại thời điểm đó, thông tin về DTK rất hiếm, ít anh em biết nó như nào vào lúc đó (may có admin iHiep trên tay 😃).
Mình đã may mắn khi mà có được một chiếc DTK (chính xác, vào năm 2023, hơi muộn, nhưng ít nhất không phải gửi trả Apple như các dev khác). Chỉ hi vọng Apple đừng bắt Tinh Tế gỡ bài này thui.

Đây là vỏ hộp của DTK. Không có gì đặc biệt ngoại trừ dòng chữ “Developer Transition Kit” được in ngoài vỏ hộp. Bên trong cũng sẽ chỉ có DTK và dây nguồn.
BOX.JPG
Mặt sau không có thông tin gì, chỉ có thông tin số serial, địa chỉ MAC,…
IN4.JPG
Tập sách. Tiếc là của mình đã mất tập sách đó rồi, nên lấy ảnh minh hoạ của Luke Miani. Bao đựng tập sách in dòng chữ “The Future of Mac is yours to write” và bên trong gồm có một tờ in:

Congratulations on being one of the first developers for Mac powered by Apple silicon. Go to developer.apple.com/mac to find everything you need to get started.

[​IMG]

Quảng cáo


Ngoài ra còn tờ thông in an toàn và 2 sticker quả táo cắn dở như Mac mini.

I. Boot up


Khi mở lên, anh em sẽ được cháo đón với trình setup macOS quen thuộc như những máy Mac khác. Điểm đặc biệt sẽ xuất hiện khi anh em mở Giới thiệu về máy Mac lên:

Ảnh màn hình 2023-04-20 lúc 07.48.00.png
Tên máy Mac là Apple Developer Platform, sử dụng chip Apple A12Z Bionic, bộ nhớ 16GB, 512GB SSD. Model Identifier của DTK này là ADP3,2. Ngoài ra thì được biết, Apple còn có hai loại DTK khác nữa được phát hiện trong IPSW của macOS Big Sur, một con có Model Identifier là ADP3,1. Nó cũng tương tự như ADP3,2, khác ở chỗ có bộ nhớ 6GB giống iPad Pro 2020. Con còn lại có Model Identifier là T485, được gắn thêm màn hình, tương tự iPad Pro 2020.

II. Cổng I/O


I-O.JPG
Ở mặt sau, anh em sẽ thấy có các cổng tương tự Mac mini M1/M2, còn so với Mac mini 2018/M2 Pro thì sẽ hụt mất 2 cồng C. Mặc dù cổng có khả năng tương thích Thunderbolt nhưng chip A12Z, vốn được thiết kế cho iPad và tại thời điểm đó Intel vẫn chỉ giới hạn cổng Thunderbolt cho những máy trang bị CPU Intel, không có controller cho Thunderbolt nên không có Thunderbolt. Nếu xuất hình thông qua cổng C thì sẽ xuất qua chuẩn DisplayPort, và xuất tối đa 5K. Những màn hình nào chỉ support Thunderbolt thì chịu. Nếu anh em có ổ đĩa SuperDrive của Apple thì không thể cắm trực tiếp vào cổng A của máy, và phải sử dụng dongle A→C để cắm vào cổng C của máy :V

Quảng cáo


III. Phần cứng


a. Ngoại hình


Họ sử dụng phần cứng sẵn có của con Mac mini 2018, và họ thiết kế lại phần main, gắn chip A12Z lên. Ngoại hình cũng không có gì nổi bật hơn, chỉ tiếc là nếu Apple sản xuất Mac mini M1/M2 màu Space Grey thay vì màu bạc như mấy con 2014 - đổ về trước thì sẽ tốt hơn…

b. Bên trong


Anh em vẫn sẽ mở nó như những chiếc Mac mini 2018 về sau. Sự đặc biệt chỉ xuất hiện sau khi tháo vỏ RF:
INSIDE.JPG

Nhờ vào con chip Apple Silicon, main của Mac mini M1/M2 (Pro) đã nhỏ hơn nhiều, so với main của Mac mini đời trước. Nhưng đây là main của DTK:

main.JPG
So với Mac mini 2018 & M1
FlFVJrDXEAEeJHv.jpeg
Anh em sẽ chú ý tới một số điểm lạ. Nổi bật nhất là có tận 3 viên pin PRAM. Ngoài ra còn có khoảng trống khá to ở trên mainboard, so với một đống chi chít chip với con tụ trên Mac mini 2018. Đây cũng là một benefit của Apple Silicon, là một SoC (System on Chip) thích hợp nhiều thứ lên trên một con chip, còn với Mac mini 2018, do sử dụng CPU Intel, chỉ có nhiệm vụ là xử lý tính toán,… Những component khác được "dàn" lên mainboard như RAM, controller,… Khi lật ra mặt sau, anh em sẽ thấy có ba con tụ:

FORCE.JPG

Apple, họ "đã lôi" chip A12Z, rồi gắn lên main của Mac mini 2018, rồi họ compile thêm bản macOS cho nó, xong ship đi cho các dev. Vì thế, “Đây không phải là một sản phẩm”, đây là câu trả lời cho các nhà báo của Steve Jobs về DTK Intel hồi năm 2005. Nguyên văn là:

This is a development platform only. This is not a product; this will never be shipped as a product. It’s just for you guys to get started in development. You actually have to return them by the end of 2006. We don’t want them floating around out there. These are not products.

Apple chỉ cần có một con máy để cho các dev sử dụng. Họ không quan tâm nó như thế nào. Họ hoàn toàn có khả năng thu nhỏ main nhưng vì có lẽ vì lí do thời gian gấp rút nên họ đã không làm. Sau khi đến hạn hoặc lúc Apple muốn thu hồi, Apple sẽ kêu gọi các dev gửi trả lại máy.

I-O MAIN.JPG

c. Về Chip

Tính đến hiện tại thì chip A12Z đã gần 5 năm tuổi (ra mắt lần đầu năm 2018 - A12X thêm 1 nhân đồ hoạ). Và nó vẫn có hiệu năng khá ổn định, cho những công việc hiện tại và khoảng vài năm tới. Nó vẫn là một con chip ổn, tại thời điểm trước khi A14/M1 ra mắt thì nó là con chip đầu bảng của Apple.


Nó được sản xuất trên tiến trình 7nm TSMC, gồm có 4 nhân hiệu năng cùng 4 nhân tiết kiệm điện,…

Thật ra con chip này cũng quá quen thuộc với anh em rồi, nếu còn muốn tìm hiểu thêm thì anh em có thể đọc:
Chỉ khác với loại được sử dụng trên iPad Pro (2020) và ADP3,1 có 6GB bộ nhớ thì ADP3,2 sẽ có 16GB bộ nhớ.

d. Rosetta 2

Những điểm benchmark nhanh của DTK ngay sau khi một số dev nhận được DTK rồi test ra được kết quả nhìn chung ở mức khá ổn, theo nhiều người đánh giá thì nó có mức điểm sẽ hơi hụt so với Mac Mini 2018, ngang tầm khoảng iMac 2012 bản 27 inch, còn nếu so với MacBook Air 2020 thì sẽ hơn.


Ảnh màn hình 2023-04-25 lúc 22.50.30.png

Anh em nên nhớ rằng tại thời điểm đó thì bản Geekbench 5 PC chưa có bản native cho Apple Silicon, nó vẫn phải chạy thông qua Rosetta 2 => sẽ chỉ sử dụng được nhân hiệu năng, vì thế nên hiệu năng sẽ bị sụt giảm. Tuy nhiên, điểm số như vậy cũng đã ở mức khá ổn. Nếu cho test sử dụng app Geekbench 5 bản iOS thì sẽ ra điểm số cũng ngang với iPad Pro 2020.

e. Còn lại
  • Nguồn: cùng loại dùng trên Mac mini 2018
  • Cách tháo: Như Mac mini 2018. Chỉ cần cẩn trọng là được, một số cáp khá mỏng manh
  • Đèn SIL: Như Mac mini M1/M2 (Pro) thì ngoài đèn trắng ra thì sẽ còn đèn màu cam nữa, một thứ mà Mac mini Intel không có.
  • Loa: Mình xin phép trích lại lời của anh Dương của Vật Vờ Studio:

“… chắc là Apple cũng biết điều đó, nên là họ trang bị cho cái chiếc Mac mini M2 này một bộ loa rất hay, so với những con điện thoại 1280 ngày xưa…

Apple đã sử dụng bộ loa của Mac mini 2018 cho tới bản hiện tại và chắc anh em cũng đã hiểu là nó như nào rồi.

IV. Phần mềm

Nó cũng chạy hệ điều hành macOS như bao máy Mac khác, và không may thì Apple đã dừng việc cập nhật phần mềm cho DTK ở macOS 11.2.3 (có bản 11.3 beta 2). Điều này rất dễ hiểu vì khi Apple đã thu hồi DTK lại thì cũng không cần thiết để viết phần mềm tiếp cho nó nữa.

Ảnh chụp Màn hình 2023-04-19 lúc 22.57.12.png
Đây là giao diện của macOS 11.2.3. Không quá nổi bật (set hình nền của Monterey cho đồng bộ với mấy con Mac còn lại 😰) . Điểm nổi bật nhất so với những con máy Mac thời đó là việc nó sử dụng chip A12Z, một con chip Apple Silicon. Do đây chỉ là nền tảng phát triển nên nó sẽ không ổn định cho việc sử dụng thường ngày. Mình đã test một số app trên con này (tính đến 4/2023):
  • Chrome: Không chạy được.
  • Spotify: Không luôn.
  • Edge: Không nốt.
  • Discord: Phải chạy qua Rosetta 2.
→ Nhìn chung thì những app dựa trên nền Web/Chromium/Blink thì đều bị crash. Nghe nói những app dựa trên nền Electron (như VS Code) cũng bị crash luôn. Có thể A12Z chỉ support 16KB với 64KB memory page, khiến cho những app này hay bị crash. Về sau này thì Chrome và FireFox đã tung ra bản update để fix lỗi đó. Nhưng mấy bản sau này khi mà có bản chạy native, thì khi chạy sẽ bị crash. Mình đoán mấy app đó nếu chạy thông qua Rosetta 2 thì sẽ chạy được. (Spotify khi mình tải bản Intel cũ thì chạy được, Chrome thì bay mất option cho mở qua Rosetta, còn Edge/Chromium khi tải bản Intel về thì không cho mở).
  • Word, PowerPoint: Oke.
  • Photoshop (24.2): Oke luôn.
  • Messenger: Oke nốt.
  • X-Plane 12: … (chạy được, nhưng chạy được một khoảng thời gian sẽ crash máy)
  • Blender: Tải bản 3.2.2 sẽ chạy được, bản mới nhất crash.
Và những ứng dụng đó đa số mở được thì vẫn sẽ chạy được. Photoshop khi mà mở file .psb nhẹ khoảng gần 5GB thì vẫn khá mượt, đôi lúc sẽ hơi khựng nhưng cũng không đáng kể. Blender cũng tương tự như vậy, thử mở một file có số poly ở mức vừa (166.810) thì vẫn khá mượt.

Về mức ổn định thì nói thẳng ra là không ổn. Nếu mà chạy những tác vụ nặng thì sẽ dễ gây sập máy. Với những tác vụ bình thường thì ở mức khá ổn. Mình chưa thử chạy render trên Blender, nhưng qua video của Luke thì mọi người có thể thấy nó render hơi chậm hơn so với mini M1.

DTK cũng không support Hypervisor.framework, vậy nên nếu ai muốn sử dụng liên quan đến ảo hoá thì nên gác một bên.

Quạt của DTK chỉ có thể chạy ở một tốc độ cố định. Nhưng hầu như mình cũng không nghe thấy tiếng ồn của quạt và chiếc máy vẫn khá mát.

Ngoài ra, DTK có vấn đề liên quan tới SMC nên thành ra 3 viên pin PRAM mà mình vừa kể trên sẽ hết sau 6 tháng. Điều này không quan trọng vì tại thời điểm đó Apple cũng bắt đầu cho thu hồi DTK.

Một điểm nữa là DTK không support Spatial Audio. Đây có thể là do lỗi phần mềm vì iPad Pro 2020 vẫn support.

Nhìn chung, đây là một con máy khá ổn, tốt. Tuy nhiên, đối với các dev thì đây lại là câu chuyện hoàn toàn khác:

V. Với các developer

(Theo YuviApp, thành viên của UAQSP, đã từng sử dụng DTK)
Apple cũng đã để dành sẵn cho các dev tham gia vào UAQSP một group ẩn để các dev có thể bàn tán với nhau. Và khi mà anh em vào cái group đó thì anh em sẽ thấy hàng loạt chi chít những người báo cáo lỗi về DTK rất thường xuyên.

Những dev khi được trên tay, sử dụng những chiếc DTK “của mình”, đều cảm thấy rằng nó không thật sự được như kỳ vọng của mình. Họ tất nhiên đã chuẩn bị tinh thần rằng nó sẽ không thể hoạt động hoàn hảo, cái gì cũng có thể chạy được, nhưng mà cái đã làm họ thực sự thất vọng và suy sụp nhất về DTK là thiếu đi sự hỗ trợ từ đội ngũ của Apple.

Đã có rất nhiều lời hứa hẹn về chiếc máy này, nhưng cuối cùng họ không nhận được gì cả.

Những chiếc máy Mac M1 thực sự tốt hơn rất là nhiều, con chip M1 thực sự tốt hơn hẳn so với con chip A12Z được sử dụng trên DTK. Các dev đã khuyên bảo nhau rằng hãy đổi qua một con máy Mac M1 để sử dụng tiếp, và hãy cất DTK vào một góc, vì nó đã trở nên vô dụng hơn so với con Mac M1 mới của mình.

Apple không hề hỗ trợ gì cho các dev, những người đang tham gia vào UAQSP, đang sử dụng những chiếc DTK của mình. Họ không quan tâm tới những người đang sử dụng chiếc máy này. Họ vẫn tung ra các bản cập nhật cho DTK, nhưng họ làm thực sự rất hời hợt, khi mà mỗi bản build đó sẽ chứa những lỗi vặt khác nhau, rất khó chịu. Các dev đã rất mong chờ những tính năng mới, và được sửa những lỗi vặt mà họ gặp khi sử dụng DTK. Nhưng không, từ đó, lại có những lỗi vặt khác. Một số dev khi cập nhật DTK đã gặp lỗi khiến DTK trở thành “cục chặn giấy”, và họ phải sử dụng Apple Configurator 2 để restore máy lại. Hoặc ví dụ có bản update làm cho cổng USB-A không sử dụng được, rồi cùng nhiều lỗi khác khiến các dev hầu như cất xó nó vào một góc.
Ảnh màn hình 2023-04-26 lúc 02.19.06.png
Hơn nữa, còn có một lỗi khá kỳ quái về DTK đó là việc nó hay bị sập-reboot random. Cho dù tác vụ có nhẹ hay không nhưng lâu lâu DTK bỗng sẽ tối màn và reboot lại. Đối với mình thì mỗi ngày DTK reboot khoảng mấy lần còn có 1 dev như hình trên anh em có thể thấy bị reboot tầm khoảng 30 lần một ngày. Và cứ tưởng tượng anh em có một con máy đang làm việc, rồi bỗng nó bị reboot, và không phải bị 1 lần mà tận rất nhiều lần,… Thì anh em chắc cũng khó chịu lắm (Nên anh em nhớ khi làm việc thì lâu lâu Ctrl/Cmd+S cho yên tâm nhé)

Dần dà, các dev rất sợ các bản update mới. Họ lo sợ rằng bản update đó sẽ khiến máy bị lỗi thêm thứ khác, hoặc thành “cục chặn giấy”. Lúc đó lại phải restore máy, xoá dữ liệu phải cài lại từ đầu, rất phiền.

Bên cạnh những thứ trên, nó vẫn là một con máy ổn, tốt. Xcode vẫn hoạt động được như mong đợi, một số tiện ích như homebrew hay cocoapods vẫn chạy được ngon.

Vào đầu tháng 2/2021, Apple đã bắt đầu gửi mail kêu gọi các dev trả DTK lại, và sau khi trả thành công, thì sẽ nhận được voucher 200$ để mua Mac M1 chỉ có hạn tới cuối tháng 5. Các dev đã phản ứng rất dữ dội, vì nó thậm chí không bằng ⅓ số tiền của Mac mini M1, cùng với đó, số lỗi vặt mà họ gặp được trên con máy này cực nhiều, khiến cho nó hầu như bị cất vào một góc, mà Apple thì lại không support người dùng. Một số dev thậm chí đã quyết định giữ DTK để lưu niệm. Hơn nữa, cuối tháng 5 là thời điểm Apple chuẩn bị tổ chức WWDC, nơi ngoài nói phần mềm ra Apple sẽ còn có thể công bố một số sản phẩm mới, bao gồm Mac. Các dev đã phản ứng rất dữ dội,…

Và cuối cùng, thật may, Apple đã lắng nghe. Họ đã tăng mức 200$ → 500$, tăng hạn tới cuối năm, và có thể sử dụng voucher này mua cái gì của Apple cũng được (trừ AppleCare+ và Gift Card). Điều này thực sự được các dev tán thành. Họ đều cho rằng Apple đã làm đúng. Họ cuối cùng đã biết lắng nghe người dùng, mặc dù đã rất muộn, nhưng họ vẫn nhận ra được rằng là mình đã đối xử với người dùng của mình như thế nào (chứ không phải như hãng nào đó tên bắt đầu bằng chữ BK, anh em nào xài điện thoại "top 2 thị phần" của nó rồi report lỗi, chê, góp ý lên group Facebook của nó là khoá comment rồi block luôn, nó còn có cái trang riêng dùng để report lỗi nhưng giờ bị sập, đỉnh cao siêu phẩm có khác).

VI. Tổng kết

Cái mà anh em có thể thấy rõ ngay trước khi những chiếc Mac M1 được ra mắt đó là việc các chủ máy Mac cũ dần bán tháo những con máy Mac Intel của mình để tránh việc nó bị mất giá nghiêm trọng. Thật may mắn vì họ đã dự đoán đúng, và tính đến hiện tại thì những chiếc máy Mac Apple Silicon đã trở thành những ngôi sao sáng trong những con mắt của người dùng. Họ đã phá vỡ mọi sự nghi ngờ của người dùng, rằng có thể yếu, chạy chưa ổn định, app có thể bị giật lag,… Họ cũng đã làm được những điều mà trước đây, khi còn sử dụng CPU Intel thì không thể làm được. Ví dụ như MacBook Pro bản 14 inch/ 16 inch nay có thể có hiệu năng ngang nhau, nhờ có thể gắn cùng 1 loại chip (trước đây bản MacBook Pro 13 inch sử dụng CPU dòng U còn 16 inch sử dụng dòng H), hay như Mac Studio, có sức mạnh lớn hơn cả Mac Pro dùng CPU Intel có kích thước to hơn nhiều lần,… Sắp tới đây, khi mà con chip Apple M3, nhờ được sản xuất trên tiến trình 3nm TSMC, có hiệu năng rất cao,…


IMG_9200.png
Mặc dù Apple đã thất bại trong quá trình chuyển đổi lineup Mac của mình hoàn toàn sang Apple Silicon trong 2 năm (chỉ thiếu Mac Pro), nhưng những Mac đã chuyển sang sử dụng Apple Silicon đã đem lại những ấn tượng vô cùng tuyệt vời cho người dùng. Ta vẫn có thể nói rằng đó là một thành công lớn của Apple.

Tất nhiên, cũng phải kể đến công lao tuyệt vời của những dev, khi mà đa số các app bây giờ đều support native cho Apple Silicon. Apple đã thiết kế ra một nền tảng chuyển đổi vô cùng tuyệt vời cho các dev để họ có thể dễ dàng chuyển đổi các app của mình sang Apple Silicon. Họ cũng đã tạo ra Rosetta 2 để phiên dịch app chưa native Intel như Zalo, mặc dù hiệu năng có thể giảm sút nhưng vẫn ở mức chấp nhận được.

Developer Transition Kit không phải là một thiết bị hoàn hảo. Giới hạn của nó chính là việc thiếu sự ổn định, cùng với giới hạn của firmware và chip A12Z đã khiến cho con máy này gần như vô dụng. Cùng với đó là những bản update của DTK, càng update thì càng lỗi :v. Tuy nhiên, ít nhất nó cũng là một thiết bị tuyệt vời dành cho các dev, cũng như là việc nó đã cho thấy tương lai của những máy Mac sẽ trông như thế nào.

… chỉ biết nói một câu rằng là đội ngũ nhà táo cắn dở thực sự rất giỏi, cũng như các dev. Điều này một phần cũng nhờ vào đặc tính của hệ điều hành họ U/nix, nhưng cái quan trọng là Apple đã “thúc” một phát và giờ hầu như các app đều native cho nó hết rồi…

DTK.JPG
16 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Dài dữ thiệt! 😃
Mà cũng khó viết ngắn hơn. Thanks @blogbinh 👍
@schtroumf Hic con này gọi là cũng cố viết ngắn rồi nhưng cuối cùng cũng chỉ được từng đó bác ạ. Vì cái câu chuyện con này cũng rất bí ẩn nên cũng cố lục source nhiều bên. Em có hỏi mấy người từng xài DTK thì hầu như nó cũng khá ổn, chỉ có điều cái tính ổn định cùng với thiếu sự support của Apple làm cho nó vô dụng đấy bác ạ, đặc biệt sau khi Mac M1 ra mắt. Tới bây giờ thì đa số những con DTK đó bị đục main rồi, chỉ còn sót lại vài cái trên thế giới nên cũng viết để cho anh em có cái nhìn rõ hơn đây bác ạ
Ảnh màn hình 2023-04-26 lúc 08.22.04.png
@blogbinh Yeah. Nhờ bài viết của bác m mới biết về DTK đó chứ. Những bài viết như vậy mở mang thêm cho ae nhiều. Thanks bác.
Bài viết hay, nhiều thông tin thú vị về quá trình chuyển sang Apple Silicon!
Lưu để đọc sau, dài quá
Túm lại con này sinh ra để làm gì? tương lai ra sao? so với M$ windows dev kit thì thế nào?
@darklight_vtp Con này sinh ra để giúp cho các dev có cái nhìn rõ hơn về những ứng dụng của mình sẽ chạy như thế nào trên Mac Apple Silicon đó bác ạ. Họ có thể compile những app của mình để native cho Intel và Apple Silicon trên Mac Intel được nhưng họ vẫn cần có cái máy để cho họ xem thử nó sẽ chạy trên Mac Apple Silicon sẽ như nào. Tương lai thì khoảng 1 năm sau khi bắt đầu chương trình hoặc khi nào Apple muốn thì Apple sẽ cho thu hồi DTK lại. Và các dev sẽ sử dụng voucher 500$ của mình để mua thiết bị khác. So với Microsoft Dev Kit thì hiện tại em không có con đó ở đây nên chưa thể so sánh được bác ạ. Cả Dev Kit với DTK đều được sinh ra để cho các dev xem app của mình chạy trên nền tảng ARM nó sẽ như nào đó bác ạ. Nếu mà so với một con máy sử dụng chip tầm 1 năm tuổi so với chip gần 5 năm thì thật ra chưa được cân bằng cho lắm.
Khúc cuối hơi lủng củng, có thể nhét chip H vào con lap 13inch nhưng Apple ko muốn thôi, đâu phải chỉ chip M mới đáp ứng đc, ngoài ra sức mạnh của chip M đã được chứng minh, chỉ hơn intel ở render, còn lại thua chặt mà
@darklight_vtp Bác này không đọc kỹ ở phần cuối ạ bác, thật ra thì nó hoàn toàn có thể nhét vào 13 inch thôi, nhưng bác cứ tưởng tượng là với cái thân hình như đó thì hiệu suất tản nhiệt sẽ như nào, tốn pin như nào. Và ở đoạn gần cuối em cũng có nhắc là nó đã “phá vỡ mọi sự nghi ngờ của người dùng, rằng có thể yếu, chạy chưa ổn định, app có thể bị giật lag,…” đó ạ.
"Như anh em cũng đã biết thì trước đây, Apple sử dụng CPU Intel và trước đó là sử dụng CPU PowerPC. Apple sau đó đã chuyển sang sử dụng CPU Intel vì rất nhiều nguyên do, và lý do lớn nhất là vì liên quan đến phần nhiệt khi nó toả ra: Chắc một số anh em xài Mac rất lâu năm đều nhớ rằng PowerPC G5 là một con chip hết sức nóng nảy, nhưng hiệu năng thì lại không tương xứng so với mức điện mà nó tiêu thụ. Và toàn bộ dàn Mac đã được chuyển sang sử dụng CPU của Intel vài năm sau đó."

Đoạn này bạn nên edit lại, đọc hơi lủng củng. Nên viết dạng: Apple trước đây sử dụng PowerPC vì abcxyz nên sau này sử dùng Intel
@drm_ve Okie bác, cũng hiếm khi viết bài nên có thể viết khá lủng củng bác ạ.
Dev của apple thì đỉnh rồi 😁
Hay. Tiền thân để Apple ra mắt chip M bóp cổ đám x86 phế phẩm 😁
bài hay, lịch sử đã chứng minh 1 khi kiến trúc CPU quá nóng & hao điện thì Apple nó sẽ đổi kiến trúc, PPC -> x86. ko biết liệu sau này khi ARM chạm đỉnh giới hạn rồi thì có con máy Mac chạy RISC-V ko ta.
Có cái cấu trúc CPU chuyển đi chuyện lại hoài, sao ko làm giống như GPU thấy ko cần chuyển cấu trúc mà có chuyển thì cũng ko cần phải viết lại app hay dùng Rosetta khỉ ho cò gáy gì hết
bài hay, đầy đủ thông tin cho nên cảm thấy không dài lắm
à đoạn cuối của phần 5 đọc cũng rất giải trí đó 🤣

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019