Dế cổ:Chuyên mục và Sưu Tầm

tumavotinh0330
29/1/2008 8:48Phản hồi: 4
Dế cổ:Chuyên mục và Sưu Tầm
Những chiếc điện thoại này là "của độc" vì đã lâu không được sản xuất và hầu như không còn lưu thông trên thị trường, nhưng tính năng và ý tưởng thiết kế của chúng còn được ứng dụng cho tới ngày nay.
Poqet PC là tiền thân của dòng máy tính bỏ túi Pocket PC. Ảnh: PC World.
1. Poqet PC Model PQ-0164

Poqet PC được coi là sản phẩm "đi trước thời đại" tiêu biểu cho dòng máy tính bỏ túi (Pocket PC). Giá của Poqet PC khá đắt - 2.000USD, nhưng sự tiện nghi và khả năng sử dụng máy tính hàng tuần bằng hai quả pin AA cũng là sự đền bù xứng đáng. Mặc dù là sản phẩm mang tính đột phá cao nhưng Poqet PC hiện đã không còn bán trên thị trường.
Khái niệm "Đồng hành PC" của Poqet PC đã là "kim chỉ nam" cho rất nhiều hệ điều hành di động hiện nay như Palm OS. Poqet PC được trang bị tính năng "instant on" cho phép máy tính khởi động tức thời mà không phải trải qua các quy trình khởi động dài dòng thường thấy. Poqet PC tương thích với các dòng máy tính HP-95/HP-100/HP-200LX và máy tính cầm tay Atari Portfolio.
Ericsson A1018s ra mắt từ năm 1999.
Ảnh: Mobile-review.2. Ericsson A1018s

Ra mắt năm 1999, Ericsson A1018s được xếp vào loại "đồ cổ", máy cũ chắc cũng không còn. So với Ericsson GH 688, A1018s có thời gian sử dụng pin lâu hơn với pin chuẩn NiMH 800 mAh, thời gian chờ 80 giờ, thoại 4,25 giờ.

Điểm đặc biệt, A1018s có thể đồng bộ dữ liệu với xe ôtô và có đầy đủ phụ kiện như bàn xạc, loa ngoài, micro và nguyên bộ carkit để gắn trên xe. Máy sử dụng băng tần Dual-band (GSM 900/1800). Kích thước 130 x 49 x 27 mm, trọng lượng 163 gam, hiển thị màn hình đơn sắc.
Motorola Micro TAC 7200 thiết kế thô. Ảnh: Yudin.3. Motorola Micro TAC 7200
Đây là con dế được liệt vào loại hàng "khủng" bởi trọng lượng nặng và thiết kế thô, chắc nịch. Màn hình to, sáng. Ăng ten ngắn gắn trên đầu máy giúp thu phát tín hiệu tốt. Motorola Micro TAC 7200 có nắp phím, hạn chế các tác động bên ngoài vào phím bấm. Hai phím bấm gọi/ tắt được phân biệt bằng hai màu xanh, đỏ rất trực quan và bắt mắt.
Sony CDM Z1 trông như máy nghe nhạc Walkman. Ảnh: Mobile-review.
4. Sony CDM- Z1

Sony CMD Z1 có thiết kế vuông vắn, chắc nịch, vừa tay với người dùng nam giới. Cạnh trái phủ màu đồng sáng nổi bật và một nút ghi âm màu đỏ thật to khiến Z1 nhìn như một máy nghe nhạc Walkman Cassette. Để thực hiện nghe gọi, người dùng phải bật một cần nhỏ ở cạnh phải máy, giống như cách nghe gọi của các máy Sony Ericsson dòng P nhưng thay vì micro nói đặt trên bàn phím thì ở Z1, micro này đặt trên một thanh nhựa ép sát vào cạnh phải. Đặc biệt, Sony CMD Z1 có phím cuộc trên cạnh góc trái máy để truy cập nhanh danh bạ và các tính năng. Hiện, pin Z1 dùng được hai ngày với mức độ nghe gọi bình thường.


Ericsson GH 388. Ảnh: Ciao.

5. Ericsson GH 388

Thương hiệu Ericsson một thời là sản phẩm số một tại thị trường Việt Nam. Đến đầu năm 2002, Ericsson ngưng không phát triển điện thoại di động riêng nữa mà đã hợp tác với hãng Sony ra thương hiệu Sony Ericsson.
Ericsson GH 388 có thiết kế dạng thanh, to, nặng, màu đen bóng. Ngoài chức năng nghe, gọi, nhắn tin ngắn thông thường, Ericsson GH 388 thiếu vắng hầu hết các tiện ích của điện thoại di động như không có thẻ nhớ ngoài, bluetooth, loa ngoài, nghe FM, ghi âm... Tuy nhiên, đây vẫn là con dế được nhiều dân chơi mơ ước.
Star Tac vẫn là niềm đam mê của các fan dế cổ. Ảnh: IN.6. Motorola Star Tac
Lấy cảm hứng sáng tạo từ dòng xe đua nổi tiếng Ferrarira, Motorola StarTac vẫn tiếp tục chinh phục lòng đam mê bất tận của những tay săn tìm "dế cổ". Các đường nét của Star Tac ẩn chứa vẻ cổ điển nhưng không cũ kỹ lỗi thời. Máy có bề ngoài rộng, không có màn hình ngoài, tính năng nghe/ gọi bình thường nhưng nổi bật nhờ thiết kế thời trang với sự kết hợp hai màu đen-đỏ khỏe khoắn, cùng với logo của hãng xe Ferrari, chiếc StarTac mạnh mẽ như một chiếc Ferrari đang sẵn sàng trên đường đua F1
(Theo Xã Hội Thông Tin)
4 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

'Độ' dế cổ
Những chiếc điện thoại cũ kỹ, lỗi thời sau khi qua tay dân độ dế bỗng trở thành kiệt tác. Anh Minh, người sở hữu những chiếc Siemens SL 45 và Motorola StarTac có một không hai, đã quá quen với việc từ chối các lời đề nghị mua.
Để có một chiếc điện thoại theo nghĩa "không giống ai", mọi người đều có thể tìm cho mình mỗi cách khác nhau. Tuy nhiên, "độ" dế phải được hiểu là đem tới tính thẩm mỹ về hình thức, tính tiện dụng về tính năng bằng sức sáng tạo vô cùng của con người.
Theo đó, "độ" dế được chia làm hai loại, thứ nhất tác động vào dáng vẻ bên ngoài để làm chiếc mobile đẹp, độc và cá tính hơn nhờ khả năng thẩm mỹ thiên phú của tác giả. Cách "độ" dế thứ hai là bằng các hiểu biết về kỹ thuật, can thiệp vào máy (phần mềm hay phần cứng) tạo ra khả năng, tiện ích kinh ngạc cho một chiếc điện thoại cũ kỹ.
Anh Lê Anh Minh, một trong những người đi đầu trong phong trào "độ" điện thoại cổ ở Hà Nội, cho biết trong các loại dế đời "xa xưa", chiếc Siemens SL 45 (SL 45) có khả năng mở rộng lớn nhất với con chip điều khiển tiên tiến và một nền phần cứng mạnh mẽ.
Chiếc SL gỗ phát nhạc qua bộ ampli và loa "xoong nồi". 6 năm trước, anh Minh bắt đầu biết tới chiếc SL 45. Ban đầu, anh chỉ lang thang trên mạng với mục đích tìm cho mình một chiếc máy nghe MP3. Thật tình cờ, anh đọc được một mẩu tin rao vặt về một chú dế có khả năng chơi nhạc với mức giá quá dễ chịu, 400.000 đồng. Anh Minh lập tức rước ngay chú dế này về nhà.
Chiếc Siemens nguyên bản, có đủ các phụ tùng gồm sạc, tai nghe, hộp, sách hướng dẫn và một chiếc thẻ nhớ MMC 32 MB. Khi sở hữu vật báu của mình, anh chỉ tập trung vào chiếc máy đầy bí ẩn này. Anh Minh, sau đó, biếu luôn chiếc Samsung A800 vừa tậu với giá gần 4 triệu cho người nhà để chung thuỷ với "người tình" mới.
Có báu vật trong tay, anh Minh lập tức nhận ra khả năng mở rộng to lớn của chiếc điện thoại cũ kỹ. Những ngày sau đó, anh ngồi lì trong nhà, nghiền ngẫm các forum viết về SL 45 trên Internet. Anh học hỏi các kiến thức ở các website nước ngoài. Về các phần mềm cho chiếc điện thoại của hãng sản xuất nước Đức, anh cho biết một chuyên gia Indonesia là người dẫn đầu, chuyên viết các bản vá thiết thực cho SL 45.
Chiếc ampli xoong nồi "sánh đôi" cùng SL 45.Bước đầu, việc can thiệp vào chiếc điện thoại của anh Minh chỉ dừng lại ở việc thêm vào các bản vá. Sau khi ra lò ở nhà máy ở Đức, tới tay người tiêu dùng, SL 45 chỉ hỗ trợ thẻ nhớ tới 32 MB. Với dung lượng đó, số lượng bài hát chứa trong máy chỉ tính trên đầu ngón tay. Hơn nữa, nó cũng không hỗ trợ Java và không thể cài từ điển và phát phim trên máy.
Tuy nhiên, có thể nói, 3 bản vá làm tăng giá trị sử dụng của SL 45 là nâng khả năng hỗ trợ thẻ nhớ lên 2 GB, tăng chất lượng nghe nhạc và hỗ trợ java. Sau khi được "cải tạo", chất lượng nhạc phát ra từ SL 45 không thua kém "dân chuyên nghiệp" Apple iPod. Thậm chí, anh Minh khẳng định đã thử nghe cả hai và vẫn "kết" tiếng nhạc của SL 45 hơn. Với một chiếc tai nghe tốt, chất lượng âm thanh của "con dế" này quả thật rất tuyệt vời. Về mặt kỹ thuật, âm thanh tạo ra từ con dế xấu xí này là 24 kbit/s, tương đương với chiếc card âm thanh chuyên nghiệp của hãng sản xuất card âm thanh lớn nhất thế giới, Creative.
Chiếc SL 45 trên chiếc loa chế.Sau khi tạm hài lòng với các tiện ích đem lại từ chiếc điện thoại cũ 400 nghìn, anh Minh bắt đầu can thiệp vào phần cứng của máy. Khoảng 2 năm nay, anh cho ra đời "công nghệ" độ loa ngoài, đèn pin và pin dung lượng cao. Chiếc SL 45 có thể cất cao tiếng hát nhờ chiếc loa được gắn khéo léo trên pin, phía sau thân máy. Ngoài ra, pin của chú dế đã thọ hơn vì được ghép thêm các pin dung lượng cao. Hiện tại, chiếc SL 45 anh Minh đang dùng có thời gian sử dụng gần... một tháng với hai pin ghép với nhau mà không làm chiếc máy vốn không đẹp trở nên xấu hơn.
Nhờ có những phát hiện và tìm tòi của dân độ dế như anh Minh, hiện nay, chiếc SL 45 đang là "của quý" trên thị trường điện thoại cổ. Giá của nó đã tăng lên rất nhiều sau hàng loạt các cải tiến đáng giá. Một chiếc máy nguyên bản và đầy đủ phụ kiện mà anh Minh mua được cách đây 6 năm có giá khoảng gần hai triệu và rất hiếm hàng. Vì thế, người muốn chơi SL 45 chỉ có thể mua lại của người khác hoặc mua "đồ mới" với phiên bản 6688 mà Siemens sản xuất cho thị trường Trung Quốc. Giá của chiếc 6688 có tính năng, kiểu dáng "y chang" SL 45 vào khoảng 800.000 đồng. Nếu chọn cách mua lại, người chơi có thể sở hữu một chú dế là phương tiện liên lạc, vừa để nghe nhạc với giá từ 300.000-400.000 tới khoảng hơn 1 triệu đồng. Thậm chí, có những người "ngưỡng mộ" tiếng nhạc của SL 45 chỉ kiếm chú dế chỉ còn khả năng nghe nhạc với giá chỉ 200.000-300.000 đồng.
Ngoài SL 45, chiếc dế cổ được độ khá nhiều là Motorola StarTac, dân chơi thường gọi là TacX. Mẫu điện thoại này được chuộng mod vì kiểu dáng khá đẹp. Các đường nét của TacX ẩn chứa vẻ cổ điển nhưng không cũ kỹ lỗi thời. Hiện tại, anh Minh đang sở hữu một kiệt tác thực sự. Vỏ ngoài của chú dế được phun sơn màu đỏ long lanh cùng logo của hãng xe Ferrari, chiếc StarTac mạnh mẽ như một chiếc Ferrari đang sẵn sàng trên đường đua F1.
"Kiệt tác" Motorola StarTac "Ferrari".Khác với anh Minh, anh Vũ Đức Trung lại chọn cho mình một hướng chơi khác. Anh đem tới nét đẹp duyên dáng và sự độc đáo cho chiếc điện thoại được Siemens sản xuất từ năm 2000 này. Ngoài việc chế loa ngoài, đèn pin, pin dung lượng cao, những sản phẩm ra đời từ bàn tay khéo léo của anh đều độc nhất vô nhị. Anh Trung cho biết: "Tôi muốn mỗi sản phẩm mình tạo ra là một sự mới mẻ và sẽ không có sự trùng nhau về kiểu dáng, thiết kế". Tuy không có ý định buôn bán, mỗi lần anh Trung "khoe hàng" của mình trên mạng là lập tức có người hỏi mua luôn. Vì vậy, đến giờ, anh đã phải "tiễn đưa" hàng chục đứa con tinh thần của mình.
(Theo Ngôi Sao)​
Chơi 'dế' cổ
Chơi dế cổ không phải là một kiểu chơi mới, nhưng cũng như mọi thú sưu tầm các thứ đồ "lạc mốt" khác, phải mất một thời gian mới đến lúc mà dân chơi thực sự thấm thía và ngấm hết được nét hay và độc của cái thú này.
Star Tac-X, một trong những điện thoại cổ nhất. (Mercadolibre)
Như mọi chủ nhật thảnh thơi khác, Cường, nhân viên của Vietcombank, lại phi lên quán Wi-Fi trên đường Mai Hắc Đế để tụ họp với đám bạn "hi-tech". Trong khi mọi người khoe nhau những món đồ chơi "công nghệ cao" thì Cường lẳng lặng lôi ra một "con" Tac-X đời đầu, to "vật vã", mới đến kinh ngạc. Cường nhấn nút và điềm nhiên "alô" rõ to.
Lại cuộc gọi nữa. Chế độ rung làm thân máy Tac-X run rẩy. Rồi hệt như chiếc xe công nông đang bị giắt máy, nó phát ra những tiếng ồ ồ từng chặp. Một âm thanh không thể bị trộn lẫn với hàng chục smart-phone hay PDA hi-end tại quán. Đám dân chơi, không ai bảo ai, rào rào vỗ tay tán thưởng: "Đồ cổ... sành điệu".
Nếu như Cường mới chỉ "thách thức" nhóm công nghệ cao thì Hiệp còn "ngông" hơn khi thách thức cả thiên hạ bằng con "dế" từ thủa sơ khai. Ngày đội tuyển nữ Việt Nam dành huy chương vàng SEA Games 23, Hiệp xuống đường ăn mừng chiến thắng bằng cách vác theo con Nokia 68x mà bố cậu xách từ nước ngoài về từ hồi cậu còn... thắt khăn quàng đỏ. Đây là máy slide-up dạng thô sơ, dài và nặng, khi kéo bàn phím xuống, thân máy có thể dài tới gần nửa mét, nhìn xa trông giống hệt một chiếc dùi cui điện. Khi trượt lên, thân máy gồ ở phía trước, tạo dáng một khẩu súng trường mini. Với con "quái dế" này, cộng với chiếc vespa vè vè ống khói, Hiệp đã "níu" mắt không biết bao dân chơi sành điệu. Nhưng niềm tự hào chưa được trọn vẹn thì Hiệp đã bị cảnh sát cơ động tuýt còi, buộc dừng lại kiểm tra vì lý do mang theo vũ khí nguy hiểm. Biết là thanh minh, giãi bày chỉ vô ích, cậu đủng đỉnh trượt nắp xuống, để lộ bàn phím thô sơ lởm chởm như hạt đậu rồi bấm số gọi điện nói chuyện "phe phé"...
Chơi dế cổ không phải là một thú chơi mới mà nó mang đậm màu sắc cá nhân. Mỗi con dế được gọi là đồ cổ khi ngoài tính năng "alô", nó còn mang trong mình một ý nghĩa nào đó. Tac-X của Cường là của ông nội truyền lại cho bố cậu, rồi giờ lại đến tay cậu.
Săn dế cổ
Điện thoại trông như vũ khí. (Beoworld)
Không đến nỗi gai góc và ly kỳ như việc săn lùng cổ vật, nhưng dế cổ hầu hết đều là những loại "có một không hai" còn rơi rớt lại trên thị trường. Một khi dế hỏng hóc hay trục trặc thì đành phải ngậm ngùi "chôn" dế vì việc kiếm đồ thay thế còn khó hơn gấp ngàn lần chuyện đi săn.
Tiếp đến là giá cả. Các tay thợ mỗi lần đi săn như là một lần đánh bạc, may thì gặp được điện thoại đồ cổ với giá bán như cho không của những người đang muốn lên đời di động. Còn rủi thì gặp phải những người chủ hàng cũng sành đồ cổ không kém và họ tìm cách "kích" giá bằng những lời chào hàng ấn tượng. Trước kia đã có người bán P910i để mua Star Tac X với giá 7 triệu đồng, còn trên một diễn đàn điện thoại di động, người chơi lại giật mình bởi một chiếc Nokia 68x được đem ra đấu giá với mức khởi điểm 10.000 đồng. Qua vài ngày đấu giá mà con "quái dế" này đã được đẩy lên gấp gần 100 lần.
(Theo XHTT)
có thật không vậy bạn? mình google mà chả ra tấm hình nào của con này,
cái máy cổ nhất thì cũng chỉ tầm 5kg cân nặng và dài 20cm mà thôi, làm sao tới nữa mét? hix hix
có hình up lên cho anh em xem với nhé bác!
cheers!
bhkien
ĐẠI BÀNG
15 năm
Tiếc quá. Nếu có thêm vài tấm hình thì tốt hơn nhiều.

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019